Saturday, January 11, 2014

Điềm xấu cho ông Phạm Quý Ngọ


Điềm xấu cho ông Phạm Quý Ngọ

Fri, 01/10/2014 - 23:29 — nguyenhuuvinh
Chưa rõ dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối sáng suốt của đảng”, thì ông Thứ Trưởng, Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ có thoát được cái vụ “bị lộ” do Dương Chí Dũng khai trước tòa là đã nhận hối lộ cả triệu rưỡi đola rồi báo cho tội phạm chạy trốn, kèm theo cái lệnh “Khởi tố vụ án hình sự tại Tòa” hay không. Chuyện đó còn chờ xem vở diễn sẽ đưa ra những vai nào và sẽ được hướng về đâu? Kết quả phụ thuộc phần lớn vào thế, lực của mỗi bên trong ván bài cuối.
 
 Bởi ở Việt Nam, dân gian ai cũng biết rằng Công Lý chỉ là một vai hề.


 Nụ cười của Dương Chí Dũng trước Tòa, sau khi đã bị tuyên án tử hình.
  Nhưng đó là đề tài râm ran, bàn tán sôi nổi mấy hôm nay. Người này thì cho năm Ngựa chưa đến mà ông Ngọ đã vướng hạn. Kẻ khác thì bảo là chẳng có hạn hán lũ lụt gì, chỉ có điều là ăn nhiều thì chướng bụng, tàn độc lắm có ngày mang oán thù, dã man nhiều có ngày mang họa… Dường như người đời tổng kết rằng đó là quy luật rằng “Ăn mặn thì phải khát nước”. Xưa thì chờ đến đời con mới “khát nước” nhưng nay thì “Nhãn tiền”
Chuyện ở quán nước vỉa hè
Tại một quán nước chè vỉa hè sáng nay, một ông trí thức về hưu đi bộ buổi sáng ghé vào thì thầm ra vẻ hiểu biết:
- Với hàm Thượng tướng, chức vụ Thứ Trưởng lại là Công an thì Dương Chí Dũng có dám mọc thêm đầu nữa để vu cáo ông ấy hay không? Cứ xem mấy tay công an Phường nó đi vơ ghế bàn, đồ dùng và hàng quán lên xe của bà con đây thì biết, cứ làm như cướp ngày có ai dám nói cái gì đâu. Mà không có lửa thì tự nhiên khói bay lên ùn ùn như cháy nhà thế được à”. 
 Một thanh niên đầu nhuộm đỏ choét cười hớn hở:  
- Phen này thì Ngọ cũng phải đi chăn Ngựa, vào tù thì đi chăn kiến ấy chứ được chăn ngựa đã phúc”.  
Một đứa khác đáp lại:  
- Được vào tù đã phúc bảy mươi đời. Nhận hối lộ cả ba chục tỷ thì còn mạng mà vào tù nữa không?.  
Thậm chí, một cô gái hỏi ngây thơ  
- Công an mà cũng vậy ư?”.  
Câu hỏi làm một thằng bé người quắt như củ khoai nóng mắt:  
- Đ.M không công an thì thằng nào dám nhận cả triệu đô. Xem thằng Lê Quốc Quân đó kìa, bảo nó trốn thuế có 400 triệu bạc, chưa bằng Dương Chí Dũng nó khai đưa một cái phong bì đến nhà tay công an điều tra, mà đã phải đi tù gần 3 năm lại còn phải đền gấp 3. Phen này phải xử chém hết”.  
Và họ cứ tưởng phen này thì hết lính đến tướng, hết mã đến xe, tất cả đua nhau vào tù như lời ông Trọng Lú nói “Chờ đó mà xem”.
Nghe những lời ấy, chợt nghĩ có phải người dân mình đã quá ngấm bạo lực, nên hớn hở và phấn khởi trước những thông tin có kẻ sắp phải chết, kẻ có thể vào tù? Nhưng ngẫm lại, đa số dân chúng chỉ vì báo chí đã hướng họ đến suy nghĩ đó. Họ không biết rằng, trong canh bạc này, bên chẵn và bên lẻ, bên đỏ bên xanh ra sao, thế và lực thế nào.
 
Tất cả, họ cũng chỉ được định hướng qua hệ thống tuyên truyền của đảng mà thôi. Các thông tin qua báo chí đã tạo nên trong người dân những lời đồn đoán về một kết cục không mấy sớm sủa cho ông Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. 
Thế nhưng kết cục sẽ ra sao thì chưa mấy ai biết được. Bởi lẽ nó không phụ thuộc vào hành vi phạm tội, không bị chi phối bởi pháp luật mà nó chỉ phụ thuộc vào đối tượng phạm tội, thế và lực của đối tượng đó trên bàn cờ chính trị mà thôi. 
Hiện tượng Nguyễn Như Phong – Hiện tượng quái đản


Nếu như ở Việt Nam có đến 800 tờ báo và truyền hình, tạp chí đều do đảng điều khiển và giật dây, thì có nghĩa là cũng có chừng đó Tổng Biên tập. Nhưng, Nguyễn Như Phong là một Tổng Biên tập được coi là rất nổi tiếng và là hiện tượng cá biệt. Cá biệt đến nỗi, mỗi lần nhắc đến Nguyễn Như Phong, thì hầu như ngay lập tức từ “bồi bút” được đi kèm như một danh xưng danh dự. 
Nhưng nếu chỉ là bồi bút mà thôi, thì cũng chưa hẳn là đã nổi tiếng được đến thế. Bởi bồi bút ở đất nước này không hề thiếu, dạng bồi bút từ tâm khảm, từ não trạng và huyết quản ra đến hành động nhằm kiếm miếng cơm thì có mà “xe chở, đấu đong”. Nguyễn Như Phong còn nổi tiếng bởi Nguyễn Như Phong có biệt tài dùng ngòi bút làm phương tiện dựng chuyện, đâm chém và tàn sát không thương tiếc người lương thiện và đối thủ chính trị của mình.
Nhưng, nếu chỉ đến vậy cũng chưa hẳn đã được nổi tiếng đến thế. Bởi “dưới sự lãnh đạo của đảng”, thì tờ báo nào chẳng dựng chuyện, bịa đặt và bóp méo sự thật bất chấp liêm sỉ. Không chỉ có tờ báo do Nguyễn Như Phong làTBT mà cả Truyền Hình Việt Nam, VOV, Nhân Dân, TTXVN hay hàng loạt tờ báo đảng khác cũng một duộc. Nguyễn Như Phong còn nổi tiếng bởi là một TBT đã hăng hái nhất, dũng cảm nhất, đâm những ngọn giáo đầu tiên vào tim những người công chính. Và hẳn nhiên, Nguyễn Như Phong cũng là kẻ nhận nhiều những lời oán thán nhất, nhiều sự căm hận nhất trên diễn đàn báo chí và nhất là trên mạng Internet.
 
Bề dày kiếm ăn bằng cách chọc vào trái tim của những người yêu nước, đấu tranh cho một nền dân chủ ở đất nước này, vu cáo, đánh hội đồng, kến tội thay tòa án đối với họ của Nguyễn Như Phong quả là đáng nể. Trước đây, bằng tờ báo An Ninh thế giới, Nguyễn Như Phong cậy là một sĩ quan đông quân mạnh súng, đã bất chấp mọi tiếng gào thét của người dân, vu cáo những người lương thiện. Đến mức, lão tướng Cộng sản, ông Trần Độ , người từng phụ trách ban Tư tưởng Văn hóa trung ương phải nhận xét về Nguyễn Như Phong như sau: “Đó là Mặt Thật của cái thể chế đẻ ra những sự coi thường pháp luật, bất chấp pháp luật, trắng trợn, tùy tiện vu cáo, bịa đặt, tùy tiện hại dân thường, hại người lương thiện, coi thường và chế riễu lẽ phải… Cái đáng ghê sợ và ghê tởm hơn nữa, là đối với những người vắng mặt ở xa, mà cứ tùy tiện kể tội người ta chỉ căn cứ vào thư từ. Người ở xa không thể được nói lại một chút gì, như thế vừa không tử tế vừa ... lưu manh”.
Tưởng rằng, theo thời gian khi tuổi trẻ qua đi, đến lúc điềm tĩnh lại, Nguyễn Như Phong sẽ bớt đi cái không tử tế, cái lưu manh của mình. Nhưng không. Cái không tử tế, cái lưu manh của Nguyễn Như Phong đã như một căn bệnh càng ngày càng phát tác nguy hiểm. 
Và càng ngày, Nguyễn Như Phong càng nổi tiếng, bởi tất cả những gì anh ta làm, nó khác thiên hạ - một thiên hạ có nhân tâm, có đạo đức và là xã hội loài người. 
Anh ta nổi tiếng đến mức, khi dùng tờ báo do anh ta làm TBT để PR việc anh ta dốt nát múc nước giếng cổ sa mạc để rửa mặt rồi “bị trừng phạt” – nói theo ngôn ngữ bạn đọc của anh ta – và anh ta kêu lên rằng: “Ước chi có ai chặt hộ cái đầu” thì trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, không biết bao nhiêu người đã đồng loạt giơ tay xung phong.
 
Điềm xấu từ cái dớp?
Trong hiện tình đất nước mà ông tiến sỹ chuyên ngành xây dựng đảng Trọng Lú - Tổng Bí thư đảng Cộng sản -  đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đảng viên đạt đến mức: “Tham nhũng thành đường dây, nó có tổ chức chứ không phải từng người ăn mảnh một mình” thì việc đánh đổ, bắt ra một con sâu chúa không phải là dễ dàng. Trong chế độ độc tài một cái lắc đầu của lãnh đạo đảng, thì mọi bộ luật đều là chuyện trẻ con. Bởi đơn giản là Đảng đứng ngoài luật lệ, trên Hiến pháp, ngồi trên đầu, trên cổ dân tộc này… Thì việc bắt bớ, truy tố một cán bộ lãnh đạo của đảng là không dễ dàng dù đã phạm tội tầy đình. Bởi đơn giản là “Trạng chết Chúa cũng băng hà. Dưa gang đỏ đít thì cả đỏ trôn”
Tuy nhiên, dù tôi vốn không nghĩ là mình mê tín dị đoan thì khi thấy bài viết của Nguyễn Như Phong, TBT tờ Petrotimes - tờ báo ngành dầu khí – thì tôi nghĩ rằng số phận ông Phạm Quý Ngọ thật mỏng manh, điềm xấu đã rõ ràng. Bởi thiên hạ vẫn thường kiêng, vẫn thường truyền cho nhau những kinh nghiệm về những “cái dớp” đen đủi, xấu xa mà người dân rất sợ gặp phải. Ở đây, cái dớp ông Phạm Quý Ngọ mắc phải chính là bài báo nâng bi, bào chữa, che chắn cho ông Thượng tướng Phạm Quý Ngọ của Nguyễn Như Phong.  
Điều muốn nói, là cái điềm gở đó đã hiển hiện ngay ở đầu vụ án - một vụ án hết sức nghiêm trọng mà lòng dân đã nổi, chỉ còn ý đảng mà thôi. 
Khỏi cần phải nhắc lại hoặc bàn về nội dung bài báo cho mất công. Nó mới ra đời được vài hôm đã có nhiều bài viết nêu lên ý đồ xấu, nêu lên những vô lý, những sự cù nhầy của Nguyễn Như Phong chỉ nhằm mục đích “dùng thịt chó làm tiệc chay nhà chùa” cho vụ việc của ông Phạm Quý Ngọ.
 
Điềm gở, chỉ đơn giản là ở vụ án này, Nguyễn Như Phong đã ra tay, vung bút nhằm bảo vệ “thân chủ”.  
Bởi lẽ, nhìn lại những vụ án, những nhân vật mà Nguyễn Như Phong đã bênh vực, đã nâng bi, đã kiếm ăn bằng cách viết bài đánh đấm tả xung hữu đột… mà nhiều khi người ta tưởng ông ta có thể “liều mình như chẳng có” với những lời lẽ đanh thép, tha thiết… thì cuối cùng, nhân vật chính lại nhận một số phận hẩm hiu nhất và cái chết không thể tránh khỏi.
Và điều Nguyễn Như Phong không biết lấy làm đau đớn, là những sự kết thúc cuộc đời hết sức thê thảm của các nhân vật anh ta tung hô đó, lại rất hợp lòng dân và làm nức lòng tất cả mọi người muốn trừng trị cái ác, cái hỗn loạn, cái vô lương, bất chính. Đó cũng là nguyện vọng của những người muốn làm cho thế giới sạch hơn, xã hội đẹp hơn. 
Hãy điểm qua vài ví dụ.


Ở ngoài nước, khi Gadhafi đang chìm trong cơn hận thù của nhân dân Libya bởi sự tàn bạo sau 42 năm cai trị nhằm đưa lại cuộc sống vương giả cho gia đình tên độc tài này. Lửa giận của người dân Libya đã bốc lên ngùn ngụt, cả thế giới quan tâm và vạch rõ những sự thối nát, tha hóa của chế độ độc tài ở Lybia, thì với bản chất cố hữu đi lội ngược dòng nước bẩn, Nguyễn Như Phong viết bài bênh vực Gadhafi. Bài viết “Sự thật về Libya và Kadhafi” trên tờ Petrotimes đã giúp Nguyễn Như Phong lột tả hoàn toàn bộ mặt của mình. Đó là sự trơ tráo, vô sỉ bằng sự bịa đặt và… bất chấp sự thật, bất chấp lòng người. Sự phản ứng đến mức buộc Nguyễn Như Phong phải gỡ xóa bài viết đó đi. Nhưng tác phẩm như một đứa con mang dòng máu của mình, Nguyễn Như Phong làm sao sạch sẽ được khi đã đẻ ra một đứa con độc địa và bẩn thỉu có hại trên đời. 
Kết quả là nhà độc tài Gadhafi  đã phải chui xuống ống cống vẫn không thoát khỏi cái chết nhục nhã, đau đớn bởi sự uấn hận của nhân dân Libya.
Đến khi đó, ông bạn vàng Nguyễn Như Phong như đã biến mất trên đời. 
Còn ở trong nước thì sao?
 
Ngoài là tên lính xung kích nhằm bảo vệ sự độc tài, độc ác, thì Nguyễn Như Phong là người chuyên viết vu cáo, đánh hôi chơi bẩn những người yêu đất nước, dân chủ, mong mỏi xã hội tiến bộ. Nếu chỉ có vậy thì coi như cũng thôi. Bởi tôi đánh giá rằng: Dù sao Nguyễn Như Phong vẫn còn dũng cảm hơn khối thằng ở báo Nhân Dân, QĐND, CAND, ANTĐ, VTV hoặc các tờ báo đảng không dám danh chính ngôn thuận, cứ rình núp trong bụi rậm bằng những bút danh, nặc danh, giả danh dù đã dựa thế chủ vẫn phải rình cắn trộm những người công chính.


Ở đây, tôi khâm phục Nguyễn Như Phong ở độ lỳ, độ trơ và độ chịu chửi từ thiên hạ. Chỉ có điều hơi áy náy là mồ mả tổ tiên, ông cha bỗng nhiên được đem làm bia cho thiên hạ ngắm nhưng không biết xót mà thôi. 
Mười ba năm trước, vụ án Năm Cam khét tiếng với mô hình công an và tội phạm cùng đồng hành. Với 155 bị can có 21 người nguyên là cán bộ công chức nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật (13 cán bộ công an, ba cán bộ Viện kiểm sát và 5 cán bộ cơ quan hành chính, 17 đảng viên. Băng nhóm tội phạm này gây biết bao tội ác với nhân dân Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Đến mức không thể để tồn tại thêm, chuyên án này được triệt phá đầy công phu.
 
Mới đây, năm 2011 lợi dụng vai trò của một TBT, Nguyễn Như Phong viết một loạt bài viết lôi lại vụ án này nhằm trả nợ cá nhân tướng Nguyễn Việt Thành. Chỉ vì Nguyễn Như Phong đã bị ông tướng này bắt phải giải trình. Mối hận đó đến tận bây giờ, khi một bên đã cởi giáp thì Nguyễn Như Phong đưa giáo vào mạng sườn với cái gọi là “khẩu Phật” rằng: “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Ở những bài báo đó, ông tiếp tục kêu oan và bao che cho các tội phạm.
Thậm chí, một phóng viên còn nói rõ trên mạng rằng, ngay khi vụ Năm Cam đang diễn ra, Nguyễn Như Phong đã bị tờ một tờ báo lên án vì bảo kê cho Năm Cam. Nhà báo đó cho biết: “Ngày ấy, sau khi báo ra, mình lên tận phòng Phó TBT báo An ninh thế giới Nguyễn Như Phong đề nghị được phỏng vấn về nội dung bài báo nói trên của báo NTNN, có nhà báo XB cùng chứng kiến, vị này nhất định không trả lời...” . 
Thôi thì chuyện báo chí bảo kê cho tội phạm cũng không thiếu, nói cả ngày cũng chẳng hết. Trong xã hội này, khi mà mọi sự đảo điên, xã hội vô luân, vô luật, thì tội phạm hoành hành. Nhưng, không phải tất cả đều bị bắt. Phải chăng, những kẻ bị lộ, bị bắt… là do số đen vận xấu?
 
Điều đáng nói ở đây, là các “thân chủ” của Nguyễn Như Phong, hầu hết phải đền tội nhục nhã và đau đớn dù đó là những kẻ ngồi trên vàng bạc, của cải. 
Hai ví dụ cụ thể, để nói lên cái điềm xấu đã báo là mối nguy cho ông Phạm Quý Ngọ.
 
Cũng có thể cái dớp bắt nguồn từ việc vụng về, thô thiển khi bênh vực tội ác một các bất chấp, sống sượng và vô tình kéo thân chủ mình làm tiêu điểm chú ý của dư luận và cuối cùng thì luật pháp buộc phải ra tay.
Có thể cái dớp nó bắt nguồn từ việc Nguyễn Như Phong chỉ biết bênh vực cái ác, cái bất lương, đi ngược lại đường ngay lẽ chính nên đã thành thói quen khó bỏ. Và hậu quả khốc liệt là hiển nhiên.
Cũng có thể vận xấu, điểm gở được thể hiện bằng bài viết của Nguyễn Như Phong, chỉ vì ông ta như một bác sĩ lĩnh lương và thành tích được tính sổ bởi Diêm Vương.
Dù sao, thì đó vẫn là một điềm xấu đầu năm mà ông Phạm Quý Ngọ khó vượt qua được.
Vở kịch đã mở màn, “bà con hãy chờ xem” – Nguyễn Phú Trọng
 
Hà Nội, ngày 10/1/2014 
·       J.B Nguyễn Hữu Vinh


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-15/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link