Sunday, October 12, 2014

Ðớp phải bả chó!



Ðớp phải bả chó!

Bùi Bảo Trúc

Ðể mô tả một người bắt chước một người khác từ hành động, cho đến ngôn từ một cách ngu xuẩn và dại dột, tiếng Việt có thành ngữ “ăn phải đũa” (người nọ hay người kia). Ðôi đũa ấy chắc không được chùi rửa sạch nên vẫn còn dính dãi rớt, nước miếng của (những) người dùng nó trước đó nên khi một người khác dùng nó để ăn uống, gắp thức ăn cho vào mồm, nuốt vào bụng thì cũng lây nhiễm những điều (thường là) xấu xa để rồi cũng có những cách ăn nói cư xử giống người ấy.

Tuy nhiên, việc ăn phải đũa người khác vẫn còn có thể có được một sự lựa chọn, hoặc dùng đôi đũa ấy (có dính nước miếng của những người trước) để ăn uống, hoặc không cầm nó lên, hoặc kiếm một đôi đũa khác.

Trong khi đó có một hành động khác thì lại thường không đi sau quyết định lựa chọn.

Gần đây ở trong nước có một thành phần bất lương chuyên kiếm sống bằng trò trộm chó mà tiếng Việt đã phải chế ra một danh từ mới để gọi những người này: cẩu tặc. Bọn cẩu tặc dùng thuốc độc tẩm hay trộn vào những thứ mà những con chó trông thấy, hay được ném cho là vồ lấy, đớp ăn liền, và ăn xong thì lăn ra chết gần như ngay lập tức.

Bọn cẩu tặc chỉ việc lôi đi đem bán cho các tiệm thịt chó.

Những con chó tội nghiệp cứ khi được quăng cho cái gì thì đớp ngay chứ không hề biết phân biệt đó là bả hay không phải bả nên mới chết thảm. Chó bị bả thì không cách gì thoát khỏi tay bọn ăn trộm hay cẩu tặc.

Mới đây, trên diễn đàn gocnhin online, người ta đọc được một bài viết khá dài của một người chắc chắn là đã ăn phải bả chó. Chỉ có bị bả chó mới viết lách như thế.

Người này dùng nguyên bài viết để nói về Võ Phiến, đả kích ông thậm tệ, nói là mục đích của bài viết là để ngăn chặn những chuyện tai hại cho đất nước mà văn chương của nhà văn Võ Phiến có thể tạo ra. Tác giả bài viết muốn làm cho thật rõ những sai lầm (chính trị) trong văn nghiệp của Võ Phiến để tránh cho nước Việt Nam những tai hại vì những sai lầm trong văn chương của Võ Phiến.

Thế nhưng bài viết ấy đã không đủ thuyết phục người đọc. Ðộc giả đọc tiếp những dòng chữ sau lời khẳng định của tác giả chỉ là để xem nốt trò tố khổ mới này có giống cảnh những người cha bị trói trước sân đình, cúi đầu nghe những lời nhục mạ của chính những đứa con ruột đẻ ra quay lại tố gian, nhục mạ cha mẹ thậm từ bằng những lập luận buộc tội vô giá trị và xuẩn động như thế nào.

Tác giả bài viết khá dài đăng trên tờ tuần báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh là Ðoàn Thế Phúc, con trai của nhà văn Võ Phiến.

Ðoàn Thế Phúc đã xác định ngay ở đầu về liên hệ của ông với Võ Phiến và nói rõ là “vô cùng bất đắc dĩ” nên mới phải lên tiếng về thân phụ. Ðoàn Thế Phúc tự cho mình trách nhiệm để phải lên tiếng. Ông khẳng định phải nêu ra những sai lầm (trong văn nghiệp) của Võ Phiến ngõ hầu không để cho văn nghiệp của cha mình “gây hại cho nước.”

Mặc dù trước đó, Ðoàn Thế Phúc đã kiểm duyệt rất kỹ hai cuốn sách của thân phụ trước khi cho một nhà xuất bản trong nước in lại. Ông Phúc đã loại bỏ hết những nội dung chính trị, những đoạn có dính dáng đến chính trị trong hai cuốn sách của Võ Phiến được xuất bản lần đầu tại Việt Nam sau năm 1975.

Ðoàn Thế Phúc cho là vì có liên hệ cha con với Võ Phiến, lại sống gần gũi với thân phụ, hơn nữa còn nhờ đọc Võ Phiến rất kỹ nên ông hiểu lập trường chính trị và cách nhìn lịch sử của Võ Phiến hơn bất cứ ai. Và vì thấy là lập trường chính trị và cách nhìn lịch sử của Võ Phiến mà ông Phúc mô tả là “bất ổn” có thể tạo ra những tai hại cho đất nước nên ông đã phải “bất chấp” cái quan hệ tối thân thiết cha con để lên tiếng chỉ ra những sai lầm của cha mình.

Ðoàn Thế Phúc cho biết, trước những chuyến về Việt Nam, ông không có gì bất đồng về quan điểm và lối suy nghĩ của thân phụ. Chỉ sau nhiều chuyến đi Việt Nam, hầu hết là những chuyến về thăm miền Bắc (sau năm 1991), ông mới bắt đầu “hoang mang,” và từ hoang mang, những cái nhìn của ông về Việt Nam thay đổi. Cái nhìn cũ mà ông đọc được trong các tác phẩm của chính người sinh ra mình hoàn toàn sai, vì nó chỉ là kết quả của những kinh nghiệm hạn hẹp đầy giới hạn về không gian và thời gian, suy diễn bằng một tâm lý bi quan của Võ Phiến.

Ðoàn Thế Phúc cho biết nhờ chuyến về Việt Nam đầu tiên đó, ông biết thêm được bao nhiêu chuyện lạ và “rất to” như bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập, kháng chiến Hà Nội, chiến dịch biên giới, Ðiện Biên Phủ... Nhưng theo chính những lời thú nhận như vậy, người ta mới thấy những hiểu biết về Việt Nam của Ðoàn Thế Phúc tội nghiệp biết là chừng nào. Một người từng du học tại Úc, lại sang Mỹ tị nạn nhiều năm mà phải đợi đến sau những chuyến đi “bụi” quanh Hà Nội (nhiều lần đến độ bị lầm là người Hà Nội) mới biết được dăm ba chuyện về đất Bắc như người Bắc vui vẻ, bình thản, giữ được nếp cũ, lại có thêm phong cách “cách mạng,” mọi người bình đẳng, cùng những điều “rất hay” khác về Việt Nam.

Ðọc đoạn này, người ta không biết những nơi mà Ðoàn Thế Phúc đi thăm là những nơi nào ở miền Bắc mà ông lại may mắn nhìn thấy được những điều tốt đẹp như thế?

Trong khi ngay vào lúc này, mở những trang báo trong nước ra, (không phải là những bài viết, những tác phẩm của Võ Phiến, những thứ văn chương phản động của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, hay tin tức của vài ba cán bộ Cộng Sản hồi chánh), mà của những tờ báo mới ra trong tuần qua, tháng trước, ngày hôm nay, người ta không thấy được những thứ tốt đẹp, nếp cũ, bình thản, phong cách cách mạng, mà Ðoàn Thế Phúc kể.

Người ta chỉ thấy những thứ tin tức như tại một ngôi trường nọ ở Hà Nội, ban giám hiệu phải dựng một tấm bảng lớn nhắc các học sinh không được đánh nhau, tụt quần của nhau ra giữa sân trường. Rồi cảnh các nữ sinh đánh nhau ngoài đường trong khi đám đông vây quanh hò reo, bạn bè dùng điện thoại thu video để đưa lên Facebook coi cho vui. Mà những cảnh như thế không phải là hiếm thấy, hay chỉ diễn ra ở một vài địa phương xa xôi hẻo lánh. Người ta cũng phải nói về những bún mắng, phở chửi, cháo quát, ốc lắm mồm mà ngay cả các bản tin của AFP và BBC cũng phải nhắc tới như một nét đặc biệt của “nền nếp,” “phong cách cách mạng” của miền Bắc.

Chắc ông Phúc cũng không đi qua những cảnh vượt sông đi học bằng túi ni lông, các em bé mỗi ngày hai buổi bơi ngang qua sông để đi học, cảnh phụ nữ cởi truồng cho Ðài Loan, Ðại Hàn xem hàng họ trước khi mua họ về làm nô lệ tình dục. Mà ông cũng không đọc được những lời rao bán các cô dâu Việt trên báo Tàu với cam kết không hài lòng sẵn sàng đổi người khác. Sao ông không đọc thấy những bản tin giết chóc nhau chỉ vì tranh nhau hát karaoke, cướp cái điện thoại, nhẫn tâm giết ngay một mạng người chỉ vì mất con chó? Hay những vụ lừa bạn bè, người thân bán sang những ổ điếm ở Trung Quốc. Hay chuyện dụ dỗ các học sinh vào đường dâm đãng của những người làm công việc giáo dục. Tại sao trong những chuyến về Việt Nam ấy ông không bao giờ biết nền giáo dục của Việt Nam đã suy đồi như thế nào để ai cũng có bằng giả, muốn có bằng gì cũng có? Ðó là đạo đức cách mạng đó sao?

Ông khoe là đọc nhiều sách mà mãi đến gần đây mới biết về bản tuyên ngôn độc lập đọc ở Ba Ðình nhưng lại không biết là nó được một người Mỹ gà cho mới viết được. Ông về Việt Nam mấy lần mới nghe nói về cuộc chiến biên giới nhưng ông có biết là mới đây, tại một cuộc lễ kỷ niệm cuộc chiến đó, buổi lễ đã bị một đám người ngợm vô giáo dục kéo nhau tới ngay địa điểm kỷ niệm để múa đôi, lăng mạ những người chết trong cuộc chiến đó không? Ðó mà là giữ được nền nếp cũ sao?

Trong đoạn kế tiếp của bài viết, Ðoàn Thế Phúc khẳng định rằng Võ Phiến không có nhu cầu giải phóng dân tộc.

Nhưng thực ra, Võ Phiến không bao giờ viết xuống câu đó. Ông chỉ nói sớm muộn người Pháp cũng phải rút khỏi Việt Nam, trả lại độc lập cho Việt Nam. Ðiều đó rất đúng. Trào lưu thế giới chắc chắn rồi đưa tới việc các quốc gia có thuộc địa phải từ bỏ các thuộc địa của họ. Nói như vậy không có nghĩa là cứ khoanh tay ngồi chờ, hay tiếp tục phục vụ cho mẫu quốc. Việc nổi lên đánh đuổi đế quốc là việc đúng và cần phải làm. Nhưng không phải lúc nào cũng cần phải chiến tranh vũ trang. Thánh Cam Ðịa tranh đấu đòi độc lập cho Ấn Ðộ đâu có cần phải hy sinh hàng triệu người Ấn, nhưng nhờ đó, tiểu lục địa Ấn Ðộ vẫn được người Anh trao trả độc lập đấy chứ. Người Ấn có phải hy sinh mạng sống nhiều như người Việt đâu?

Ðoàn Thế Phúc viết rằng suy nghĩ “không cần kháng chiến” hoàn toàn vô giá trị chỉ để nói rằng lập luận đó (của chính thân phụ ông) là nhắm mục đích “bào chữa cho những người không tham gia kháng chiến và phủ nhận công lao to lớn của Ðảng Cộng Sản Việt Nam.”

Võ Phiến thực ra, có theo kháng chiến nhưng sớm nhìn ra bộ mặt của Cộng Sản nên ông đã từ bỏ nó và suýt mất mạng vì bỏ kháng chiến.

Vua Salomon trong một lần phải xử một vụ tranh chấp hết sức khó khăn khi hai người phụ nữ đều nhận là mẹ của một đứa bé và nhờ ông phân xử. Nhà vua đưa ra gợi ý là sẽ dùng kiếm chặt đứa bé làm hai, chia cho mỗi người phụ nữ một nửa. Một trong hai người đàn bà liền xin nhà vua đừng làm thế, bà sẵn sàng để cho người phụ nữ kia giữ đứa bé. Vua Salomon nghe xong thì quyết định trao đứa bé cho người đàn bà không chịu chặt đứa bé làm đôi vì chỉ có người mẹ thật mới yêu con và không muốn con chết dẫu cho là phải mất con.

Võ Phiến cũng nghĩ như thế. Ðộc lập thì rồi thế nào cũng có. Thế giới rồi sẽ phải đi những bước như thế. Nhưng không cấn phải đẩy dân tộc vào một cuộc thảm sát điên cuồng như cuộc chiến Ðông Dương.

Ðoàn Thế Phúc sau đó khẳng định rằng cha ông đặt việc chống Cộng lên trên việc thống nhất đất nước.

Nói cho ông Phúc nghe: Ông có biết rằng chuyện đánh miền Nam không bao giờ là nhắm mục tiêu thống nhất đất nước như ông nghĩ đâu. Ông không tin ư? Lần tới về Việt Nam, ông nhớ đến thăm cái đền thờ Lê Duẩn ở hồ Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết. Cái đền ấy mới khánh thành ngày 18 Tháng Giêng năm nay, năm 2014, nên đến nay vẫn còn. Ông đến cổng và đọc cho tôi hàng chữ trên cái cổng: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc,” câu nói ô nhục để đời của Lê Duẩn đấy!

Nướng hàng triệu thanh niên vào chiến trường miền Nam là để cho Liên Xô và Trung Quốc chứ có vì miền Nam, vì đất nước, quê hương, vì thống nhất Việt Nam bao giờ đâu.

Thế thì tại sao phải làm theo lời ông Lê Duẩn? Ông Phúc làm ơn soi sáng cho thân phụ của ông, và cho tôi tại sao cần phải hy sinh hàng triệu người Việt cho Liên Xô và Trung Quốc để chẳng làm được cái gì hết vậy. Ông giải thích cho tôi nghe lọt tai câu nói của Lê Duẩn viết trên cái cổng vào đền thờ này rồi tôi sẽ tin tiếp những điều ông viết trong bài báo hỗn xược đó.

Ông cũng nên giải thích cho tôi hiểu tại sao ông Hồ Chí Minh viết trong di chúc rằng ông ta sắp đi gặp các ông Các Mác mà không đi gặp các vua Hùng để tôi còn tin ông Hồ là người vì đã thực sự vì dân vì nước một lần coi.

Ông viết rằng cha ông, nhà văn Võ Phiến, nói rằng chủ nghĩa Cộng Sản là xấu nhưng theo ông, trông vào kết quả trên nhiều mặt, rõ ràng nó “chẳng xấu cho đất nước quê hương một chút nào!”

Thưa ông Ðoàn Thế Phúc, tôi xin hỏi lại ông rằng đảng Cộng Sản tốt ở chỗ nào?

Nó tốt ở mỏ bôxít? Nó tốt ở đất nước đang càng ngày càng mất thêm diện tích đất đai, biển đảo, người Trung Quốc được đưa vào làm việc không giấy phép như ở Vũng Áng, lập nên những Ðông Ðô Ðại Phố, ở chỗ tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu “lạ” tấn công, ngư dân bị bắt cóc đói tiền chuộc? Nó tốt ở chỗ tạo ra một đống quái thai như lũ con cháu của bọn lãnh tụ ngu dốt sửa soạn tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ người dân Việt thêm bao nhiêu năm nữa?

Nó có tốt ở cái công hàm khốn nạn mà Phạm Văn Ðồng gửi cho Chu Ân Lai chăng? Nó có tốt ở những ngôi mộ tập thể ở Huế không? Nó có tốt khi vừa nghe Cộng Sản về là một triệu người miền Bắc chạy vào Nam và rồi năm 1975, trên một triệu người liều chết chạy ra biển đi tìm tự do không?

Ông Ðoàn Thế Phúc, ông viết bài này làm gì mà sao dở quá như thế. Hãy nói là ông bị bọn cẩu tặc quăng cho miếng bả chó rồi đớp lấy đớp để đi.

Vì ông có ăn phải bả chó thì mới hành xử như thế!


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link