Tuesday, August 14, 2012

Giám Mục Nguyễn Chí Linh đi "tâm tình" với giáo dân Việt tại Úc




Mua vui cũng được một vài trống canh

Phạm Minh Tâm

13/08/12 8:29 PM

Mua vui cũng được một vài trống canh

LTS:

Ban biên tập Nữ Vương Công Lý nhận được bài viết của tác giả Phạm Minh Tâm với nội dung như sau, xin đăng để rộng đường độc giả đánh giá, nhận xét về những nội dung được phản ánh trong bài viết.

Quan điểm tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nữ Vương Công Lý.

Kính gửi Ban Biên Tập trang Nữ Vương Công Lý

Đã từ lâu nay, việc rất nhiều các giám mục Việt Nam không vì lý do cấp thiết nào cả mà cứ đi ra nước ngoài như đi chợ để quyên tiền đã thành một tệ nạn mang nhiều tính tiêu cực giữa hiện tình tự do tôn giáo tại Việt Nam nói chung và với Giáo Hội Công Giáo nói riêng.Chẳng những thế, đa số các chuyến đi như vậy còn bất chấp cả cơ chế, lệ ngạch và nguyên tắc giao tế phải có giữa những Giáo Hội điạ phương, gây nhiều điều tiếng cũng như những cách nhìn không đẹp dành cho Giáo Hội Việt Nam.

Việc giám mục phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang lẫn lộn giữa công và tư sang Úc châu lần này cũng đã tạo ra nhiều đàm tiếu. Vì vậy, rất mong quý Ban Biên Tập cho đăng lên bài viết này cùng nguyên mẫu vé bán dưới dạng thư mời để quý chức trong Giáo Hội cũng như giáo dân cả trong nước lẫn hải ngoại nhận định thêm.

Giữa khi tình hình Con Cuông chưa ngã ngũ mà đấng bản quyền điạ phương Vinh, như báo nhà nuớc Nghệ An đã khen tặng rằng “…sự việc sẽ còn diễn ra phức tạp, nóng bỏng hơn nữa nếu như không có sự trở về từ nước ngoài của Đức cha Nguyễn Thái Hợp – Giám mục đương nhiệm Giáo phận Vinh vào rạng sáng ngày 14/7/2012. Bằng uy tín và tài đức của mình, Đức Giám mục đã làm cho không khí đỡ phần căng thẳng và chuyển biến theo xu hướng tích cực…” thì cộng đồng Dân Chúa Việt Nam bên Úc châu lại có thêm một “tin vui” còn đáng “khen tặng” hơn nữa.

Đó là giám mục Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hoá kiêm đương kim phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ đến Úc để tâm tình với giáo dân, mà nơi gặp gỡ hẹn hò là nhà hàng Annabella vùng Springvale, tiểu bang Victoria.

Úc châu là một trong những miền đất tạm dung của tập thể Người Việt Nam tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới. Thành ra ở Úc châu hiện nay, cho dù là phải vượt biên ra đi tìm tự do sau biến cố 30 4 1975 hay được bảo lãnh sau này thì tuyệt đại đa số người Việt Nam ở Úc đều cùng chung một cái tên là Cộng Đồng Nguời Việt Tự Do; còn với chính phủ và xã hội Úc thì là một cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản.

Nước Úc lại chỉ cách Sài gòn có tám giờ bay, cho nên xem ra cũng dễ đi lại hơn, gần kề hơn để rành chuyện quê nhà hơn song cũng lại là miền đất ít được các đấng bậc bên nhà lui tới tấp nập hơn từ sau vụ hồng y Phạm Minh Mẫn thay áo vàng, đổi mũ đỏ kỳ Đại hội Giới Trẻ tại Sydney năm 2008.

Nay bỗng dưng bỗng lành lại có chuyện một linh mục với tư cách cá nhân mà đứng ra mời một giám mục sang chỉ để “tâm tình” thì cũng “loạ”.

Khi tin này vừa được loan ra thì đã có đủ cả mọi thứ âm vang dội lên. Từ tiếng bấc tiếng chì đến lời ong tiếng ve, giọng kèn tiếng quyển…nghĩa là nặng nhẹ mỉa mai thật là thấm thía. Bởi lẽ, mới chỉ dựa trên lý lẽ đơn giản của dư luận chung chung thôi thì sự việc này cũng đã có vấn đề.

Người ta phẩm bình rằng, vừa song song với đạo lý dân tộc xưa nay là “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” hoặc “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” thì lại còn có cả một giáo lý yêu thương của Đức Giê su nữa mà sao cả người đứng mời lẫn người được mời lại vô cảm, vô tri quá như vậy.

Chẳng lẽ ai đau mặc ai. Ai bị đàn áp hay đánh đập cũng mặc ai. Còn ai có cơ may nhởn nhơ, thư thái thì cứ làm như chuyện của riêng mỗi người. Vì vậy, lại cũng đã có người thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình để từ chối lời mời mua vé tham dự rằng “ông cha Nhân này bộ rảnh rỗi lắm sao mà đi mời như vậy, rồi đức cha Linh này cũng rảnh rỗi quá nên mới đi chơi tầm phơ, không với mục đích gì cả…”

Nói chung chung sơ qua thì như vậy. Nhưng nghĩ chín thêm thì không thể không có những thắc mắc:


1.     1. Phía người đứng mời

- Cứ sự thường thì cá nhân linh mục Nhân hay bất kể là một người nào, có của, có tiền và đủ điều kiện theo đúng luật di trú của nước Úc đều đương nhiên có quyền mời bất kỳ ai đến nhà mình chơi trong phạm vi riêng tư tuỳ thích; rồi nhân đó kéo theo ít bạn bè đến chén tạc chén thù cũng không sao. Còn ở đây lại khác.

Linh mục Lê Thành Nhân tuy là gốc Việt Nam nhưng đang làm mục vụ trong trách nhiêm một linh mục của Tổng giáo phận Melbourne thuộc Giáo Hội Công Giáo Úc châu, có thể tự ý đơn phương và bán chính thức mời một giám mục từ một Giáo hội nước khác sang chơi được sao; nhất là khi giám mục ấy đang giữ chức phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Bởi vì trên cái vé vào cửa cho bữa tiệc này được bán với giá 50 Úc kim theo hình thức thư mời, có in hình giám mục Nguyễn Chí Linh cuời rất tươi tắn, tỉnh táo với đầy đủ phẩm phục, huy hiệu, chức vụ …thì chẳng lẽ linh mục Nhân không nói tiếng nào với đấng bản quyền điạ phương của mình?

Còn nếu nói, thì có thể nào hiểu được cảnh giám mục phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Nguyễn Chí Linh để linh mục Lê Thành Nhân dẫn lên chào và giới thiệu với đức Tổng Giám Mục Melbourne?

- Phải chăng linh mục Lê Thành Nhân muốn làm kiểu treo đầu dê bán thịt chó khi tổ chức bữa cơm gây quỹ kiếm tiền cho giám mục Nguyễn Chí Linh? Chẳng thế sao lại đủ cả các mục bán vé, xổ số và đấu giá, văn nghệ văn gừng… nhưng lại luồn lách cả luật xã hội lẫn Giáo hội với cái nhãn “gặp gỡ và chia sẻ tâm tình”? Nếu là việc đạo đức trong đó có đủ cả tu sĩ, linh mục, giám mục…sao lại phải khuất tất như vậy?

- Còn nếu bảo rằng sinh hoạt này xuất phát chỉ vì do nghĩa tình cùng là người giáo dân Việt Nam với nhau họp mừng một chức sắc của Giáo hội quê nhà sang thăm thì không hiểu linh mục Lê Thành Nhân có chia sẻ tâm tình này với đức giám mục Nguyễn Văn Long hay không khi ngài cũng là một người con và dân của Giáo Hội và đất nước Việt Nam mà?

- Xin hỏi linh mục Lê Thành Nhân và các tu sĩ, giáo sĩ đang vun quén cho “buổi cơm thân mật” này, trong những ngày gần đây, đã có mảy may biểu tỏ chút “tình thân mật” với anh chị em giáo dân ở giáo điểm Con Cuông và nhiều nơi khác thuộc giáo phận Vinh như giáo xứ Mỹ Lộc, giáo xứ Ngọc Long, giáo xứ Cầu Rầm, giáo hạt Phủ Quỳ…chẳng hạn vì họ đã, đang và còn tiếp tục hấng chịu một chính sách tàn bạo của chính quyền cộng sản Nghệ An áp dụng cho những người Công giáo anh em này hay chưa?

1.     2. Phía người được mời

- Chẳng lẽ giám mục Nguyễn Chí Linh không hiểu là theo luật thì khi một giáo sĩ từ nước này muốn đến một giáo phận nào đó của một nước khác cho dù chỉ để dâng lễ hay làm mục vụ thì cũng phải theo quy chế của điạ phận đến, tức là phải thông qua Giáo Quyền sở tại. Ở đây lại còn là để tổ chức gây quỹ thì vấn đề lại càng phải tế nhị và minh bạch hơn, nghĩa là đã có được sự đồng thuận của Đức Tổng Giám mục Melbourne hay chưa …Hay vì nghĩ rằng mình ở trong cương vị một giám mục đang trách nhiệm một giáo phận, mà còn là Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, thì chỉ cần giáo dân vây quanh là đủ, quan tâm đến các luật lệ hay nguyên tắc làm gì?

- Trong Hiến chế về Tín Lý Giáo hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II, chương III là chương lập lại và bổ túc cho Hiến chế “Pastor Aeternus” đặc biệt về chức giám mục, có quy định “…Thực vậy, tất cả các giám mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung của cả Giáo Hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính…”

Vậy thì, những tập thể giáo dân Thái hà, Loan lý, Đồng Chiêm, Cồn Dầu và vừa đây là các giáo dân tại Con Cuông….không phải là các thành phần mà Công đồng Vatican II đã đặt trong vòng tay của các giám mục Việt Nam hay sao; nhất là Thanh Hoá và Vinh đâu mấy xa mà sao không hề thấy giám mục lên tiếng tâm tình với họ là những tâm hồn khốn khổ đang cần ủi an? Chứ còn cái số giáo dân Việt Nam xa xôi tận xứ Úc này có gì mà phải tâm tình, phải thăm viếng khi họ đang có đủ thứ tự do rồi.

- Phải chăng vì như trước đây giám mục Nguyễn Chí Linh đã từng phát biểu rằng giáo dân Việt Nam “sống đạo bình thường chứ không đòi Hội đồng Giám mục Việt Nam phải làm thế nọ, thế kia…”; thành ra “ngài” không cần ưu tư gì về cái đám giáo dân sống đạo bình thường ấy tại quê nhà, mà chịu khó lặn lội ra đi sang xứ Úc theo một lời mời vô can vô cớ như vậy vì chẳng những họ đã không đòi hỏi gì lại còn có tiền có của để mua vé tham dự tiệc tùng?

Cũng giống như trước đây, đã có một vị khác lúc nào cũng thủ khẩu như thủ bình, im thin thít trước mọi tiếng kêu than của anh chị em tín hữu ở Thái hà, Đồng Chiêm khi bị nạn, không được nửa lời hỏi han nhưng lại gửi thư sang tận Hoa Kỳ cảm thông với một đoàn du khách bị tai nạn khi hành hương đến Missouri. Chẳng lẽ tinh thần hiệp thông của nhiều vị chức sắc trong Giáo hội Việt Nam hôm nay là như vậy đó sao.

Trước đây cũng có những người đã trách linh mục Nguyễn Hữu Lễ hơi thô bạo khi dùng nhóm chữ “mục vụ xin tiền” để gọi những chuyến viếng thăm kiểu này. Song suy đi nghĩ lại, chắc linh mục Lễ cũng bị “bức xúc” quá mới phải cay đắng như thế. Mà nếu có ai bảo rằng đó là một cách mỉa mai cũng chẳng có gì là quá đáng. Còn giờ này, ngoảnh nhìn về nội tình tại quê nhà với những sự việc xẩy đến cho cả xã hội lẫn Giáo Hội thì ngẫm lại mấy chữ kia mới thấy vừa thấm vừa tủi.

Ở trong nước thì các đấng bậc hiển nhiên xác nhận quy chế “xin – cho” nhưng không khi nào xin cho đoàn chiên được bình an giữ đạo, đừng bị đánh tan tác, tả tơi như ở Cồn Dầu, ở Con Cuông. Đến khi ra ngoài nước thì trừ những vị vì bệnh trạng ngặt nghèo phải đi chữa ra, còn lại đúng là đi xin tiền. Rồi những nhà thờ, những tu viện hay cơ sở tôn giáo được xây lên từ đấy sẽ tạo ra vẻ phú túc để đánh bóng cho chế độ; sẽ là lời chứng gian dối rằng ở Việt Nam, tự do tôn giáo không hề bị xâm phạm. Cả hai chữ “xin” đều không vinh dự gì.

Vậy thì, xin giám mục phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong buổi “tiệc mục vụ” ngày 17/5/2012 tại nhà hàng này nếu có tâm tình chia sẻ thì cũng vui lòng giải thích rõ hơn về nhận định sống đạo bình thường là sống như thế nào và Hội đồng Giám mục Việt Nam phải làm thế nọ thế kia là làm sao?

 Bởi vì, chính Đức Ki tô với những yêu sách của Tin Mừng cùng Hội thánh Người với những huấn giáo, mà cụ thể nhất là Công đồng Vatican II như lời trích dẫn trên đích thực là những đòi buộc “Hội đồng Giám mục Việt Nam phải làm thế nọ, thế kia…” đấy.

Được như thế thì ít ra những giáo dân đã nhiệt tình mua vé đi hội ngộ trong đêm tâm tình này cũng có được chút gì mang về sau buổi tiệc tàn, chứ không phải bỏ 50 Úc kim để chỉ nhắm mua vui được một vài trống canh mà thôi.

Vả lại, vui vẻ gì khi anh em đồng đạo của mình đang bị bỏ rơi giữa Giáo Hội quê nhà; đất nước thì ở trong nguy cơ bị mất trắng vào tay cộng sản Tầu; đến độ một người bình thường như Việt Khang còn phải hốt hoảng cất lên lời hát “Tôi không thể ngồi yên, khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng, dân tộc tôi sắp phải đắm chìm. Một ngàn năm hay triền miên tăm tối…” thì những môn đệ của Đấng Yêu Thương lại có thể vô trí bất thức hay núp vào lý do “không làm chính trị” được sao.

Bởi vì, phía những người một thời đã vượt biên ra đi với lý do tìm tự do và tỵ nạn cộng sản là đã núp vào một lý do chính trị rồi; còn những người ở lại thì với ý thức về công bằng bác ái và công lý hoà bình của Hội Thánh Công Giáo là đã phải có trách nhiệm với đất nước và anh em rồi. Cho nên, nếu vô cảm, vô tri và vô trách nhiệm thì chẳng khác gì là sống theo nếp của những kẻ vô đạo vậy.

Phạm Minh Tâm

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link