Saturday, February 16, 2013

Xã hội dân sự như một khu vực thứ ba


 

 

Xã hội dân sự như một khu vực thứ ba

  •  
  •  
  •  

Tin liên hệ

CỠ CHỮ
17.01.2013
Từ chỗ được hiểu là xã hội loài người nói chung, như một hình thức đối lập với trạng thái tự nhiên hoang dã, thời cổ đại và trung đại, xã hội dân sự dần dần được hiểu là một không gian sinh hoạt của các công dân trong mọi lãnh vực, từ kinh tế đến chính trị; sau đó, từ đầu thế kỷ 19, nó loại trừ dần yếu tố chính trị; và cuối cùng, từ đầu thế kỷ 20, loại trừ cả yếu tố thị trường kinh tế.

Như vậy, theo cách hiểu chung hiện nay, xã hội dân sự là xã hội trừ chính trị và trừ thị trường. Lý do, như Alan Wolfe chứng minh (1), cả chính trị lẫn thị trường đều là những lực lượng tàn phá. Trong chính trị, con người không được đối xử như những con người thực sự và toàn diện: Họ chỉ được nhìn như những kẻ cai trị và những người bị trị; ngay trong chế độ dân chủ, họ cũng chỉ được nhìn chủ yếu như những công dân và những cơ hội; họ nối kết với nhau vì những lợi ích tức thời hoặc dưới áp lực của quyền lực. Có thể nói, trong chính trị, con người chỉ có một kích thước duy nhất: quyền lực. Con người được phân chia theo quyền hoặc hành xử theo những quyền lực mà mình có hoặc không có. Trong thị trường cũng vậy: Con người được chia thành hai hạng: con buôn và khách hàng; cả hai đều đuổi theo các quyền lợi riêng. Sự nối kết của họ chỉ có tính chất tạm thời. Xã hội dân sự thì khác, ở đó, mọi người đến với nhau một cách vô vị lợi, xuất phát từ một thôi thúc bên trong khiến họ muốn hội nhập vào xã hội để tương tác với người khác. Và giúp đỡ người khác, nếu cần.

Có thể nói xã hội dân sự mở ra một kích thước khác trong đời sống xã hội để xã hội thực sự là một xã hội, một không gian sinh sống của con người với tư cách con người tự do, liên đới và trách nhiệm, ở đó, họ vừa được ra khỏi không gian hạn hẹp của gia đình vừa thoát ly khỏi sự khống chế của quyền lực và quyền lợi. Ở đó, họ vừa là công dân vừa là con người cùng lúc. Với tư cách công dân, họ có thể tranh đấu để bản thân mình cũng như các công dân khác được sống như những con người thực sự. Với tư cách con người, họ có thể đi đến giúp đỡ những quốc gia khác như điều chúng ta thấy trong các tổ chức từ thiện quốc tế.

Với cách hiểu như thế, nhiều người xem xã hội dân sự như một khu vực thứ ba (the Third Sector) trong xã hội. Cách gọi này được ra đời và trở thành phổ biến vào năm 1973 khi Theodore Levitt xuất bản cuốn The Third Sector: Tactics for a Responsive Society và Amitai Etzioni xuất bản cuốn The Third Sector and Domestic Missions. Cả hai đều gây tiếng vang và có ảnh hưởng lớn không những đến các ngành nghiên cứu chính trị học, xã hội học mà còn đối với những nhà hoạt động xã hội cũng như những người hoạch định chính sách ở các quốc gia Tây phương. Từ đó, các văn kiện chính phủ cũng như sách giáo khoa ở nhiều nước thường chia sinh hoạt quốc gia thành ba khu vực chính: khu vực công (public sector), khu vực kinh tế tư nhân (private economy) và khu vực thứ ba với “những tổ chức do dân chúng thành lập trên căn bản tự nguyện và nhắm đến các mục tiêu xã hội và cộng đồng” (2).

Đặc điểm nổi bật nhất của khu vực thứ ba là vai trò trung gian. Nhưng là trung gian của những gì? Trước, ở thế kỷ 19, với Hegel, đó là trung gian giữa gia đình và nhà nước; ở đầu thế kỷ 20, với Antonio Gramsci (1891-1937), giữa không gian công cộng (bao gồm nhà nước và thị trường) và không gian riêng tư của gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, sau này, hầu như tất cả mọi người đều hiểu đó là sự trung gian giữa nhà nước và thị trường, giữa nguy cơ trở thành áp chế của nhà nước và tính chất vô cảm của thị trường (3).

Còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như “khu vực phi lợi nhuận” - nonprofit sector - hoặc “khu vực phi chính phủ” - nongovernmental sector (NGOs)- hoặc “khu vực tự nguyện” - voluntary sector, khu vực thứ ba bao gồm nhiều tổ chức với những kích thước, mục tiêu và tính chất khác nhau, như các trung tâm từ thiện, các quỹ xã hội (foundation), các hội đoàn, nghiệp đoàn thuộc các lãnh vực chính:
 
  • Kinh tế (các mạng lưới hoặc hội đoàn thương mại hoặc sản xuất)
  • Văn hoá (các hội đoàn tôn giáo, sắc tộc, cộng đồng nhằm bảo vệ các quyền, giá trị, niềm tin và biểu tượng của mình)
  • Thông tin và giáo dục (nhằm sản xuất và phân phối tin tức, kiến thức và ý tưởng đến người khác)
  • Liên quan đến quyền lợi hay sở thích (các nhóm bảo vệ hoặc tranh đấu cho sở thích hoặc quyền lợi của mình, như các nghiệp đoàn, các hội cựu chiến binh, các hội nghề nghiệp…)
  • Phát triển (các tổ chức tìm kiếm, tập hợp và đào luyện nhân lực, đặc biệt, những người có tài năng để nâng cao chất lượng đời sống của cộng đồng)
  • Các phong trào tập trung vào một vấn đề nào đó, ví dụ, để bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu thụ, quyền của phụ nữ, của các sắc tộc thiểu số, của người khuyết tật hay chống lại nạn kỳ thị trong xã hội hoặc nạn bạo hành trong gia đình, v.v.
  • Các nhóm dân sự nhắm đến việc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, chống chiến tranh, v.v. (4)

Danh sách ở trên dĩ nhiên không đầy đủ. Không thể đầy đủ. Khác với hai khu vực còn lại - khu vực nhà nước và khu vực thị trường - vốn là những thực thể gắn liền với những thiết chế rõ ràng, khu vực thứ ba, như một khu vực trung gian, vừa đa dạng vừa không ngừng biến dịch không những theo thời gian mà còn theo không gian. Dù vậy, theo Salamon và Anheier, tất cả các tổ chức thuộc khu vực thứ ba đều phải đáp ứng được năm tiêu chí chính:
 
  1. Phải là một tổ chức chính thức;
  2. Phải riêng tư, nghĩa là không thuộc về chính phủ;
  3. Phải thực sự phi lợi nhuận, nghĩa là số lợi tức thu nhập được, bất kể từ nguồn nào, nếu có, chỉ được dùng để đầu tư và phát triển thêm chứ không được chia cho người sáng lập hay các thành viên;
  4. Phải tự quản (nghĩa là độc lập với nhà nước và thị trường); và
  5. Mọi sự tham gia đều có tính chất tự nguyện. (5)

Xin lưu ý là các tiêu chí trên chỉ được áp dụng một cách chặt chẽ ở Mỹ và những quốc gia chịu ảnh hưởng của Mỹ. Ở một số quốc gia ở châu Âu, người ta tin khu vực thứ ba không phải là một không gian biệt lập mà thực chất chỉ là một sự lai ghép (hybrid), đan kẽ giữa hai khu vực công và tư, bởi vậy, họ chấp nhận là thuộc khu vực thứ ba một số tổ chức có quan hệ chặt chẽ với nhà nước (chuyên về phúc lợi xã hội) cũng như với các tổ chức thương mại (như các tổ hợp hay các quỹ tương tế có mục đích phục vụ xã hội) (6). Từ kinh nghiệm ở Nga trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời cộng sản sang hậu-cộng sản, T.H. Rigby cho tính chất tự trị của xã hội dân sự là một ý niệm rất tương đối (7). Quan niệm này được hầu hết các nhà nghiên cứu về xã hội dân sự ở châu Á đồng ý (8).

Điều quan trọng nhất ở khu vực thứ ba không phải là ở cấu trúc mà là ở quan hệ hay ở tinh thần của nó. Olaf Corry phân biệt hai cách tiếp cận khái niệm khu vực thứ ba: Một cách được gọi là bản thể luận (ontological approach) tập trung vào việc nhận diện khu vực thứ ba là gì; một cách được gọi là nhận thức luận (epistemological approach) tập trung vào việc phân tích các tổ chức thuộc khu vực thứ ba này vận hành như thế nào, được hiểu và phát huy ý nghĩa như thế nào. Từ góc độ bản thể luận, khu vực thứ ba là một thực thể; từ góc độ nhận thức luận, nó là một tiến trình. Từ góc độ bản thể luận, nó là một cơ chế; từ góc độ nhận thức luận, nó là một vùng tương tác, đối thoại, thậm chí tranh chấp giữa các hệ thống và các lực lượng khác nhau (9).

Nhìn từ góc độ bản thể luận, khu vực thứ ba đúng là một… khu vực, nghĩa là một cái gì hữu hình với những ranh giới cụ thể. Nhưng nhìn từ góc độ nhận thức luận, chúng ta dễ dàng thấy ngay cái được gọi là khu vực thứ ba ấy không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm xã hội dân sự. Đó là lý do tại sao Antonin Wagner cho đó là hai khái niệm khác nhau dù rất gần gũi và có quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau (10). Trong bài “Third Sector and Civil Society” trên trang nhà của Social Economy and Civil Society, người ta cũng nhấn mạnh: “Đây là hai khái niệm không đồng nghĩa mặc dù cả hai chia sẻ nhiều khía cạnh trùng lấp lên nhau.” (11) Augustus Richard Norton quan niệm xã hội dân sự là một cái gì lớn và rộng hơn một tập hợp các hình thức đoàn thể khác nhau: Nó bao gồm cả những tinh thần và tính chất mà thiếu chúng, xã hội chúng ta hiện nay sẽ không khác gì các chế độ phong kiến ngày xưa. Trong đó, quan trọng nhất là tinh thần công dân và, trong tinh thần công dân, quan trọng nhất là thái độ bao dung, sẵn sàng chấp nhận những khác biệt và cũng sẵn sàng chấp nhận sự thật là không phải vấn đề gì cũng có một câu trả lời duy nhất đúng đắn (12).

Có thể nói khu vực thứ ba chỉ là xác trong khi xã hội dân sự mới thực sự là linh hồn. Không có linh hồn nào thực sự tồn tại ngoài thể xác (ít nhất qua những gì loài người có thể kinh nghiệm được) nhưng thể xác thì có thể không có linh hồn: Có những hình thức thuộc khu vực thứ ba không phải là xã hội dân sự nhưng xã hội dân sự nào cũng đòi hỏi được thể hiện qua các hoạt động tự nguyện, phi lợi nhuận và phi chính phủ (với những mức độ khác nhau). Cũng có thể nói, yếu tính của khu vực thứ ba là tình nghĩa và tinh thần trách nhiệm với đồng nghiệp, đồng bào hoặc đồng loại, còn yếu tính của xã hội dân sự lại là lý tưởng về tự do, bình đẳng và dân chủ. Khu vực thứ ba thuộc về hiện tại; xã hội dân sự hướng tới tương lai.

Trong cái gọi là tương lai ấy, lý tưởng quan trọng nhất là dân chủ.


(Đây là bài thứ ba trong loạt bài về “Xã hội dân sự”. Kỳ tới: “Xã hội dân sự như một tiến trình dân chủ hóa”)

***
Chú thích:
 
  1. Alan Wolfe (1989), Whose Keeper? Social Science and Moral Obligation, Berkeley: University of California Press, tr. 12.
  2. Olaf Corry, “Defining and Theorizing the Third Sector”, in trong cuốn Third Sector Research do Rupert Taylor biên tập (2010), University of Witwatersrand xuất bản tại Gauteng (Nam Phi), tr. 13.
  3. Olaf Corry, trong bài dẫn trên, nhận xét: đáng lẽ gọi là khu vực thứ tư vì phải kể đến gia đình và gia tộc, tr. 11.
 
  1. www.march.es/ceacs/publicaciones/working/archivos/1997_101.pdf -
  1. Lester Salamon & Helmuk Anheier, “In search of the non-profit sector I: The question of definitions”, Voluntas số 3, 1992, tr. 125-151.
  1. Adalbert Evers & Jean-Luois Laville (2004), The Third Sector in Europe, Cheltenham: Elgar Publishing Limited, tr. 13.
  1. T.H. Rigby, “The USSR: End of a Long Dark Night?”, in trong cuốn The Development of Civil Society in Communist Systems do Robert F. Miller biên tập (1992), Sydney: Allen and Unwin, tr. 11-14.
  1. Xem cuốn Civil Society in Southeast Asia do Lee Hock Guan biên tập (2004), Institute of Southeast Asian Studies xuất bản tại Singapore hay cuốn Civil Society in China do Timothy Brook & B. Michael Frolic biên tập (1997) M.E. Sharpe xuất bản tại New York.
  1. Olaf Corry, bài đã dẫn, tr. 12.
  1. Antonin Wagner,  “Third sector and/or Civil society: a critical discourse about scholarship relating to intermediate organisations”, Voluntary Sector Review, số 3, 2012, tr. 299-328.
  1. http://www.secs.unibo.it/SECS/research/Third_Sector_and_Civil_Society.htm
  1. Civil Society, A Reader in History, Theory and Global Politics do John A. Hall & Frank Trentmann biên tập (2005), Palgrave xuất bản, tr. 278.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-20/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link