Thursday, February 14, 2013

Trận Tết Mậu Thân Tại Vùng I Năm 1968: Mặt Trận Trong Thành Nội Huế...


Riêng  gửi đến các bạn đã sống trong Thành nội  sẽ hình dung lại suốt trận chiến nầy : Khanh - Thọ - Trí    .....

 

Trận Tết Mậu Thân Tại Vùng I Năm 1968: Mặt Trận Trong Thành Nội Huế...



http://nguyennaman.files.wordpress.com/2009/04/huy-hieu-dai-doi-cua-tieu-doan-9-lu-doan-1-nhay-du.jpg?w=719&h=164

    Sáng hôm sau tiểu đoàn được chở cấp tốc bằng trực thăng Chinook vào giải tỏa thành nội Huế. Để tránh phòng không địch, phi công chỉ bay là đà sát ngọn cây, vậy mà cũng có một số bị thương vì đạn AK từ dưới bắn lên!

    Bãi đổ quân là một sân trống, trước bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trong đồn Mang Cá. Lúc nầy tình hình Huế vô cùng bi đát! Địch đã làm chủ hết các cổng thành và bờ cao kiên cố, chỉ còn lại một góc nhỏ là đồn Mang Cá.

    Tại đây, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn 1, đang chỉ huy cố thủ bằng những “Lính kiểng” cơ hữu. Mặc dù hằng ngày chịu đựng nhiều loạt pháo, họ vẫn bảo vệ được đồn, trong đó chứa hàng ngàn thương binh.
http://farm8.staticflickr.com/7196/6913283725_82ed4da043_b.jpg

    Trước khi kể đến cuộc quần thảo của Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù với sư đoàn chính qui của Việt Cộng trong Thành Nội, tôi muốn nói qua về Tướng Ngô Quang Trưởng, một vị tướng mà toàn quân hết sức khâm phục. Ngoài đức tính liêm khiết (nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng). Ông còn là người  đầy mưu lược, lễ độ, và vô cùng dũng cảm.

    Trong trận tái chiếm Quảng Trị năm 1972, ông đã dùng kế hoạch “Phong Lôi” rất tài tình. Do biết rõ địch đã gài nhiều nội tuyến trong các đơn vị, nhất là Bộ Binh và Địa Phương Quân. Ông lừa địch bằng cách phổ biến ngày N, sẽ cho quân Dù và Thủy Quân Lục Chiến vượt sông Mỹ Chánh tái chiếm Quảng Trị. Đối phương được tin, vội dàn quân tăng cường dầy đặc, gồm bộ binh chủ lực, hỏa tiễn 122 ly, chiến xa T-54, phòng không 30 ly,...dọc theo bờ Bắc sông Mỹ Chánh, để chuẩn bị nghênh chiến.

    Nhưng vào ngày N, Tướng Trưởng đã cho B-52 rải thảm suốt đêm, dọc theo tuyến án ngữ của địch. Ban ngày thì pháo binh, phản lực, và hải pháo luân phiên nã vào vị trí đối phương, khiến địch không có một phút nào yên ổn, để ngốc đầu trốn chạy. Thật đúng như là bị “Thiên lôi đánh”!

    Chờ vài ngày sau, biết địch không còn dám dàn quân như thế nữa. Họ phòng thủ hời hợt, vì tưởng ta chỉ pháo dọa chứ không dám làm thiệt. Đúng lúc đó, Tướng Trưởng đích thân dùng trực thăng ban khẩu lệnh cho từng đơn vị trưởng. Các Chiến đoàn Dù lập tức vượt sông vào lúc 1 giờ khuya, bên phải Quốc lộ I có Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, tất cả đồng loạt khởi binh!

    Mới 8 giờ sáng đã nghe Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù tịch thâu tới 11 khẩu phòng không 30 ly! Đây là chiến lợi phẩm lớn nhất từ trước tới giờ. Trong vòng một thời gian ngắn, Tiểu đoàn 11 Dù đã bắn cháy hơn mười chiến xa T-54, và Thủy Quân Lục Chiến đã chiếm được cổ thành Quảng Trị.

    Ngũ Giác Đài và các tướng lãnh Mỹ và Pháp hết sức ngạc nhiên. Trước đây họ chỉ đánh giá cao tướng VC Võ Nguyên Giáp ở trận Điện Biên Phủ, nhưng tướng Giáp đã dùng chiến thuật biển người, phải nướng hơn trăm ngàn bộ đội. Cộng Sản đã bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích theo chủ thuyết Duy Vật: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”.

     Tướng Giáp quả đúng là “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Tướng Trưởng trái lại, ông quý trọng và giữ gìn sinh mạng của từng người lính. Ông cũng khuyến khích, kiểm soát và chỉ dẫn cho từng sĩ quan, dù là sĩ quan cấp trung đội.

    Tướng Trưởng còn là người biết trọng lễ nghĩa, khi nghe Tướng Đống ra Huế, ông đã đến phi trường sớm, và ra tận cầu thang máy bay tiếp đón người thầy cũ của mình. Mặc dù lúc đó hai người cùng cấp bậc, nhưng SĐND thì trực thuộc quyền chỉ huy của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật. Tướng Đống cũng rất biết điều, mỗi lần họp hoặc nhận lịnh Quân Đoàn, ông thường cho Tư Lệnh Phó ra mặt. Riêng ông có mặt ở Huế để đốc thúc và trấn an các quân nhân trong SĐND (Vì các đơn vị trưởng rất nể trọng Tướng Tư Lệnh; có mặt ông, họ sẽ làm việc siêng năng hơn). 

    Tướng Trưởng còn là người rất can đảm, mặc dù địch đã làm chủ hầu hết thành nội Huế, Đồn Mang Cá như chỉ mành treo chuông, nhưng ông vẫn cùng các lính kiểng ở lại cố thủ một diện tích nhỏ hẹp, ngày đêm chịu đựng mưa pháo, để bảo vệ an toàn cho hàng ngàn thương binh. Ông còn là người rất năng động nhiệt thành trong mọi công việc. Khi còn là Tiểu đoàn Trưởng TĐ5ND, lúc chạm địch, ông xung phong trước hàng quân. Ông đã chỉ huy linh động tài giỏi giành thế chủ động chiến trường, dù trong những tình thế khó khăn,...Trận Đỗ Xá ở Quảng Ngải năm 1965, trận Liên Kết năm 1966 đã đưa Tiểu đoàn nầy được hơn 6 lần tuyên dương trước quân đội và tiểu đoàn được đeo dây biểu chương màu Đỏ.

    Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, đơn vị xuất sắc đã cung hiến cho QLVNCH tám vị Tướng lãnh tài ba: Nguyễn Chánh Thi, Ngô Quang Trưởng, Trương Quang Ân, Hồ Trung Hậu, Đỗ Kế Giai, Lê Quang Lưỡng, và hai vị tướng đã hiển danh “Vị quốc vong thân”: Tướng Phạm Văn Phú và Nguyễn Khoa Nam. 

    Sư Đoàn 1 rồi Quân Đoàn I, dưới tay ông, đã làm khiếp vía địch quân ở vùng Hỏa Tuyến.
http://farm6.staticflickr.com/5041/5361661323_8e7ede21dd_b.jpg

    Bây giờ xin trở lại trận chiến Tết Mậu Thân tại thành nội Huế. Về tình hình địch, bộ đội Bắc Việt từ hướng Tây Bắc, vùng thung lũng A Shau, A Lưới vừa xâm nhập, phối hợp với du kích địa phương, chĩa nhiều mũi dùi tiến vào cố đô Huế. Hướng Tây từ quận Nam Hòa, Nam Giao băng qua cầu Bạch Hổ chiếm cửa Chánh Tây. Hướng Bắc từ rặng Trường Sơn, qua chùa Thiên Mụ, Kim Long. Hướng Đông từ Đồng Xuyên, Mỹ Xá, dọc theo La Vân Thượng tới An Hoà chiếm cửa Đông Ba. Cánh cuối cùng từ Phú Thứ, Đập Đá, qua cầu Trường Tiền chiếm cửa Thượng Tứ.

    Về tình hình bạn, đại đội Hắc Báo của anh bạn cùng khóa Phan Gia Lâm đang bị bao vây trong Đại Nội. Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù sáng Mùng 1 Tết, chạy băng đồng marathon gần 20 cây số từ Sịa, Quảng Điền, và cây số 17, An Lỗ về giải cứu cố đô (Hai tiểu đoàn bị chận lại ở An Hoà mãi tới mùng 3 mới vào được BTL Sư đoàn 1 BB). Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù chúng tôi ở mặt trận Quảng Trị đã hao hơn trăm chiến sĩ, tới Huế vào trưa mùng 4 Tết, tạm bố trí trong đồn Mang Cá.

    Sáng Mùng 5 Tết, chúng tôi xuất phát để tái chiếm phi trường Tây Lộc và Cửa Chánh Tây. Vừa mới ra khỏi đồn được 200 thước, tôi gặp Thiếu tá Lê Minh Ngọc, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đang dẫn binh đi ngang qua. Hỏi thăm thì biết lúc nầy quân số của Tiểu Đoàn 2 và 7 Nhảy Dù chỉ còn phân nửa! Họ bị thiệt hại nặng từ đêm Giao Thừa khi chiếm đầu cầu An Hòa, và đã giao tranh với địch trong Thành Nội mấy ngày qua. Chỉ 3 ngày mà đơn vị bạn đã hao quá nhiều. Chúng tôi ai nấy mặt mày bí xị, vì mình sắp sửa tiến vào vùng tử địa!  Không biết ai còn, ai mất, đúng là:

                    Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

                    Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao

                                        (Chinh Phụ Ngâm)

    Khi vào tới gần tường thành Đại Nội, chúng tôi thấy phía trước có nhiều bóng đen thấp thoáng và nghe vài tiếng súng lẻ tẻ. Cả đại đội dàn quân xung phong, gặp một số người mặc áo đen giơ tay đầu hàng. Hỏi ra mới biết đó là binh sĩ của đại đội Hắc Báo.
http://farm6.staticflickr.com/5210/5362274944_8264652bc2_b.jpg

Gặp lại bạn đồng khoá Phan Gia Lâm, hai đứa bắt tay mừng mừng lo lo. Lâm nói giọng Huế:

    __ Lính mi sao còn nhiều quá vậy? Lính của tao chuồn về nhà ăn Tết gần hết!

    Hỏi thăm Lâm về tình hình phía trước, rồi chúng tôi thận trọng tiến dọc theo bờ kinh, thẳng về hướng phi trường L-19 ở Tây Lộc. Khu nầy nhờ Tiểu đoàn 2 và 7 Nhảy Dù đã dọn sẵn, nên chỉ chạm địch lẻ tẻ, thỉnh thoảng có vài binh sĩ bị bắn tỉa từ phía bên kia bờ kinh. Sau khi chiếm phi trường, tiểu đoàn tiến về cửa Chánh Tây. Đánh trong thành phố thật không dễ, chúng tôi phải phá tường, leo cửa sổ để di chuyển. Các ngõ hẻm, cao ốc, đường cái, và ngả tư, đều có thượng liên địch chực sẵn.

    Khi đến gần cửa Chánh Tây, tôi thấy có rất nhiều địch đội nón cối, tay đang cầm súng Ak-47, B-40, đi qua lại trên bờ thành. Chúng tôi chờ trời tối cho khinh binh lén leo lên dùng lưỡi lê đánh cận chiến, chiếm được một góc thành làm đầu cầu cho đại đội nhào lên bắn ào ạt khiến địch trở tay không kịp. Dùng cách nầy tuy tổn thất nhiều, nhưng vì địch quân đã có lợi thế bờ thành cao trên 5 thước, nếu không liều mạng vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con. Càng dây dưa trì hoãn thì càng tổn thất tiêu hao dần dần, rốt cuộc không có thành quả gì. Trong hai ngày tiểu đoàn chiếm lại được cửa Chánh Tây và bàn giao lại cho Sư đoàn 1 BB trấn giữ. Chúng tôi bọc ngược trở lại để chiếm cửa Đông Ba .

    Tại đây có cây thượng liên đặt nơi cửa thành cao và rất kiên cố, chúng tôi thử xung phong nhiều lần mà không lên được cửa. Trung đội tôi lúc ấy còn 21 người, nhưng do khí thế chiến thắng từ Quảng Trị và cửa Chánh Tây vừa rồi, nên binh sĩ rất tự tin. Đợi ngay khi điều chỉnh pháo binh dập nát khẩu thượng liên, cả trung đội vừa bắn vừa hô xung phong tiến nhanh lên và chiếm được cửa thành. Thấy tên xạ thủ thượng liên chết nằm trên súng, hai chân bị khoá bằng dây xích.
http://farm8.staticflickr.com/7070/6913283019_22d680dd1e_b.jpg

    Kiểm điểm quân số lại thấy chỉ còn mười người nguyên vẹn. Mười một mạng người chết và bị thương, để đổi lấy cửa thành nầy đây. Lính Nhảy Dù trả nợ máu cho quê hương miền Nam, lấy lại sự thanh bình cho đồng bào xứ Huế. “Chúng tôi không cầu an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm”.  Gần ba mươi năm qua, trên đất Mỹ, tôi vẫn nhớ cảm giác cay cay đau đớn khi đứng trên cổng thành đổ nát của mùa xuân năm xưa! Mùa Xuân rây máu của xứ Huế mù trời sương đục, tang tóc đau thương!

    Mấy ngày sau, tiểu đoàn tiếp tục mở rộng kiểm soát các khu vực bên trong Thành Nội. Sáng Mùng 10, chúng tôi chuẩn bị vượt qua hồ Tỉnh Tâm để tìm cách đánh lấy lại cửa Thượng Tứ, cửa chính Nam, đi thẳng vào Đại Nội. Suốt tuần lễ, người không tắm rửa, chân không rời đôi giày trận, sống giữa màn trời chiếu đất, lót dạ bằng những chén cháo trắng. Tuy lương thực không được tiếp tế, nhưng lúc đó không ai ăn vô nổi, vì hằng ngày nhìn thấy xác chết đầy đường, không có người thu dọn. Chúng tôi sống với và giữa những người chết, họ là những người dân đã sống trong chịu đựng và chết trong oan khiên. Họ đã chết cho ai, vì ai?.. Bao nhiêu năm câu hỏi vẫn còn, không được ai đứng ra lãnh trách nhiệm trả lời.

    Trung đội vượt qua hồ Tỉnh Tâm phía ngoài Cầu Kho, tiến vào lục soát ngôi biệt thự khá sang trọng. Khi vừa rút ra khỏi nhà, thì nghe “Đùng” một tiếng, một quả lựu đạn hay súng cối gì đó rơi đúng vào giữa đội hình trung đội tôi! Mọi người đều ngã lăn vì trúng mảnh đạn. Lưng tôi bị đầy mảnh, máu ướt đẩm cả áo trong lẫn áo ngoài.

    Tôi đang kiệt sức dần, thì bỗng nhiên thấy một tên lính địch chạy qua nhà tôi đang nằm. Trong khi tên bộ đội chưa phát giác, do từ một phép lạ hoặc bản năng sinh tồn, tôi đứng dậy, chạy băng về bộ chỉ huy đại đội, các anh em binh sĩ cũng nhanh chân rút theo. Mắt loáng thoáng nhìn thấy Đại đội trưởng Thành Râu từ xa, tôi kiệt sức ngã lăn nằm bất tỉnh trước sân đất trước nhà.
http://farm8.staticflickr.com/7045/6913278987_449a33b9a6_b.jpg

    Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên lầu của một biệt thự sang trọng. Anh bạn tốt là bác sĩ Thiện mượn mền để đắp cho tôi nhưng chủ nhà không chịu. Tối đến thấy trên mình có cái mền mới tinh, nhưng nó bị trượt qua một bên, vết thương bắt đầu hành sốt, người run lập cập. Tôi định kéo mền lên đắp, nhưng dở tay không nổi, đành nằm chịu trận! Nhìn xung quanh thấy có vài thương binh bị nặng quá đã hy sinh, còn những người khác thì mê man. Sáng ra mới biết anh Thiện đã lén “Mượn tạm” mền để đắp cho tôi. Sau đó nghe nói chủ nhà nầy là kinh tài (hãng xe bus vàng) của Việt Cộng. Hắn ta cùng bọn nằm vùng đã làm nội tuyến hướng dẫn bộ đội vào thành, quấy nhiễu dân chúng, gây bao nhiêu cảnh chết chóc, lầm than cho những kẻ vô tội trong ba ngày Xuân.

    Hơn một tuần quần thảo trong thành nội, Tiểu đoàn 9 Dù còn thảm hơn hai Tiểu đoàn Dù bạn. Quân số còn lại những người nguyên vẹn không quá một trăm!

    Lúc chuyển quân ra Vùng I Chiến Thuật, Tiểu đoàn cần tới 5 chiếc vận tải cơ C-130, nhưng trở về với một chiếc mà còn thấy rộng. Riêng Trung đội 1 của tôi thì coi như báo cáo tổn thất “ Nằm, ngồi ”(chết, bị thương) là 100%.

    Để diễn tả về trận chiến Tết Mậu Thân tại Vùng Giới Tuyến nầy, tôi xin phỏng theo hai câu thơ bất hủ ở mặt trận An Lộc, Bình Long :

                    Cố đô Huế Mậu Thân chiến tích

                    Chiến sĩ Dù vị quốc vong thân!


Trương Dưỡng

Tân Sơn Hòa chuyển

__._,_.___

1 comment:


  1. Đọc bài này vứa thương cãm, vừa căm thù ngùn ngục. Thương cảm cho mấy anh lính Cộng Hòa, cho người dân vô tội bị chết oan khiêng. Căm thù bọn VC gieo rắc kinh hoàng chết chóc cho Huế nói riêng và cho VN nói chung.

    ReplyDelete

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-20/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link