Thursday, April 11, 2013

Thấy gì khi đọc kỹ bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi


 


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjhFuirsxlRY5NbxeYf6Lh0VwkpoG2TK0sJQIkoaMBOt3Vmp91dgavgM2cvHcOr_aT64D1c6xCI5LyGO9DLaEXT44HN_sgZc5vC-bg2cQMzL7IL2VqxUUvVVOvq8aGSGmO4CfQLY6yX3jk/s1600/dieu-4-.jpg

Thấy gì khi đọc kỹ bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi

Nguyễn Trọng Vĩnh



Có những điểm mâu thuẫn.

Điều 2 Chương I ghi: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. Nhưng nhân dân không được làm và phúc quyết Hiến pháp là văn bản luật cơ bản và cao nhất liên quan đến quyền lợi của dân và chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của chính quyền. Điều 74, 75 chương V ghi: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến… làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp…” là phủ định quyền được làm và phúc quyết của dân. Việc làm này trái với tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong Điều 21 của Hiến pháp 1946 ghi “Nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp…” và Điều 70 trong Hiến pháp đó ghi: “Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Mấy năm trước Đảng đã phát động học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nay sao lại làm trái tư tưởng của Người?

Điều 15 trên thực tế vô hiệu hóa gần hết Điều 26.

Điều 26 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Khoản 2 Điều 15 ghi: “quyền con người, quyền công dân “chỉ có thể” bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”.  Nói “chỉ có thể bị giới hạn”… là nói “khéo”, thực ra trong thâm ý là “có thể bị giới hạn”… Trước đây đã thế, sau này thiếu gì cách người ta viện cớ “ảnh hưởng an ninh quốc gia, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội và đủ thứ, v.v.”  để hạn chế quyền của dân, để cấm.

Có những điều trong “dự thảo” mới đọc tưởng là rất dân chủ, nhưng rất khó khả thi, ví dụ:

Khoản 2 Điều 4 ghi “… Đảng… chịu sự giám sát của nhân dân…”; Khoản 2 Điều 8 ghi: “… cán bộ, công chức, viên chức… chịu sự giám sát của nhân dân…”. Bằng cách nào, những việc cần biết lại không được biết thì làm sao giám sát được? Cơ chế gì để dân thực hiện quyền giám sát?

Có những điều ghi chung chung trong “dự thảo” chẳng có ý nghĩa gì, ghi cũng bằng không, ví dụ:

Điều 35 ghi: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Điều 41 ghi: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe”.
Điều 46 ghi: “Mọi người được sống trong môi trường trong lành”.
Ai đảm bảo cho? Nhà nước? Bộ Y tế? Bộ Tài nguyên Môi trường? Nếu người dân tự đảm bảo lấy thì ghi vào Hiến pháp làm gì?

Điều 32 Khoản 4 ghi không rõ: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần…”. Cá nhân hay tổ chức nào bồi thường? Nếu không rõ thì lại chỉ là “đánh bùn sang ao” mà thôi.

Điều 59 trong Hiến pháp năm 1992 ghi hai ý:
-         Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.
-         Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp.
là rất đúng và rất cần thiết, tại sao Điều 42 “dự thảo mới” lại bớt đi. Chả lẽ mang danh là Nhà nước XHCN lại cắt xén phúc lợi của dân và bớt trách nhiệm của Nhà nước; Điều 42 cần ghi lại hai ý nói trên.

Điều 71 Hiến pháp năm 1992 ghi câu: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.” là rất đúng pháp luật và rất cần thiết để bảo vệ quyền công dân. Tại sao Điều 22 “dự thảo mới” lại bỏ đi?

Thế là buông lỏng cho các nhà chức trách tùy tiện muốn bắt ai thì bắt như từ trước đến nay sao? Nếu thật sự tôn trọng, đảm bảo quyền của công dân thì Điều 22 khoản 1 phải ghi lại câu:

“Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.”

Nói về nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, Điều 45 Hiến pháp 1992 ghi: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân… chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…” là rất đầy đủ và cụ thể.

Tại sao ỦY BAN sửa đổi Hiến pháp lại bỏ đi những ý kiến mà chỉ ghi “… bảo vệ vững chắc Tổ quốc”. Không thể lập luận là “bảo vệ Tổ quốc” là đủ cả, nhất là trong tình hình Trung Quốc đã và đang dùng mọi thủ đoạn tranh cướp chủ quyền biển đảo của chúng ta. Chẳng lẽ ý của Ủy ban dự thảo là “đành bỏ chủ quyền” hoặc ghi như Điều 45 Hiến pháp 1992 là “phật lòng Trung Quốc”, “không giữ được tình hữu nghị”?

Yêu cầu nhất thiết phải ghi: “Các lực lượng vũ trang có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…” vào Điều 69 mới.

Điều 57 vẫn ghi “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là không hợp lý, bất công và sinh nhiều tiêu cực tệ hại. “Sở hữu toàn dân” thành ra “không người dân nào có quyền sở hữu cả”. Người có ruộng đất từ mấy đời ông cha để lại, người trước đây tích cóp được tiền mua được mảnh đất, thửa ruộng nay cũng bị tước mất quyền, không còn là của mình nữa. Nhà nước quản lý thực chất là các cấp chính quyền tha hồ có quyền thu hồi, cấp, bán đất.

Từ trước đến nay biết bao nhiêu vụ thu hồi đất ruộng của nông dân gây nên bức xúc, khiếu kiện, giao cho người có tiền kinh doanh lấy lãi kếch xù, thu hồi đất quá mức giao cho nhà kinh doanh địa ốc khiến nông dân thất nghiệp sống vật vờ và hàng vạn căn hộ trên nhà cao tầng thừa ế, thúc ngân hàng rót tiền cho vay để “cứu”, sẽ tăng thêm “nợ xấu khó đòi”. Về nông thôn sẽ thấy không ít chủ tịch xã cấp đất, bán đất làm giàu.

Ngay ở cấp cao, nhiều vị đã có nhà cửa đàng hoàng, vẫn được cấp đất xây nhà, ví dụ nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh công lao, thành tích gì, đã có nhà, vườn khá phong quang ở Nà Rì, vẫn được cấp 800m2 đất ở Hồ Tây giá trị biết bao nhiêu tỷ.

Công bằng nhất nên sửa: “Đất đai thuộc đa sở hữu, có sở hữu cá nhân (chủ yếu là nông dân), có sở hữu tập thể, có sở hữu nhà nước.”

Trung với nước, hiếu với dân là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ra từ cái ca sắt tráng men phát cho bộ đội, lá cờ nhỏ tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, đến lá thư gửi cho thanh niên… Trong nhiều cuộc thăm và nói chuyện với bộ đội, Người thường nhắc lại câu: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nay Ủy ban dự thảo tự cho mình là sáng suốt hơn, đúng hơn nên sửa sai lãnh tụ ư? Đảng đã từng phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sao bây giờ lại làm trái với tư tưởng của Người?

Thêm nữa Điều 51 Hiến pháp 1980 và Điều 45 Hiến pháp 1992 đều ghi: “Các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…” là rất đúng và không hề lỗi thời. Tại sao người viết lại sửa đi, chả lẽ ông không trung thành với Tổ quốc ư?

Điều 70 sửa lại là “Lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…” đưa Đảng đứng trên Tổ quốc. Từ xưa đến nay, đối với mọi người dân, “Tổ quốc là trên hết”. Dù là Đảng lãnh đạo, cũng từ trong lòng Tổ quốc mà sinh ra, không thể đứng trên Tổ quốc được. Đảng sinh ra là để phục vụ Tổ quốc chứ không phải đứng trên Tổ quốc. Đạo lý là như vậy.

VỀ VIỆC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN GÓP VÀO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
 
Đã gọi là ý kiến nhân dân thì muôn hình muôn vẻ, rất nhiều ý kiến khác nhau. Với những ý kiến khác nhau tiêu biểu đều cần được đưa lên các phương tiên truyền thông đại chúng của nhà nước mới công bằng. Đằng này chỉ đưa ý kiến một chiều là không quang minh chính đại.

Đối với những điều “quan trọng, nhạy cảm”, có ý kiến không tán thành, muốn thay đổi cho hợp quyền dân, lợi nước, có ý kiến đồng ý với dự thảo, có người cố bênh vực ý kiến của Ủy ban dự thảo bằng lập luận ngụy biện, không mấy đáng giá.

Những ý kiến trái ngược nhau như thế, nếu thật dân chủ, thì phải đưa cả hai loại ý kiến với lập luận của mỗi bên lên báo, đài để bàn dân thiên hạ lập luận xem bên nào có lý. Đằng này chỉ đưa toàn người phát biểu đồng ý, còn những ý kiến khác với dự thảo dù đúng, dù hợp với thời đại thì bị quy chụp cho là suy thoái, theo nước ngoài, chống Đảng, chống Nhà nước, v.v.

Nói là lấy ý kiến nhân dân, “không có vùng cấm” cho có vẻ dân chủ, nhưng chỉ những ý kiến đồng ý với dự thảo mới được cấp nhận, cuối cùng Hiến pháp được thông qua đại để như bản dự thảo. Như vậy, phát động lấy ý kiến nhân dân làm gi cho phí thời gian, công sức, giấy mực, tốn hàng mấy chục tỷ tiền của Nhà nước.

Cách lấy được nhiều chữ ký hoặc điểm chỉ “đồng ý dự thảo” thì dễ thôi. Bà bán rau, chị hàng cá, anh bán đậu phụ có thì giờ đâu mà đọc dự thảo, họp tổ khu phố thấy bà tổ trưởng bảo ký “đồng ý” thì ký thôi; công nhân, viên chức không ký “đồng ý” thì sợ mất việc, sợ bị “trù”; ở nông thôn chị nông dân, bác nuôi cá,
trưởng thôn bảo ký thì ký, không ký sau này xin giấy tờ khó; họp chi bộ, đồng chí nào không ký “đồng ý” thì sợ thiếu ý thức tổ chức; kiểu như thế thì lấy bao nhiêu chữ ký đồng ý mà chả được.

Còn việc công bố là có 20 triệu, 30, 40 triệu người đồng ý với dự thảo Hiến pháp thì đó là độc quyền thông tin của T.V., báo chí nhà nước, nói sao chả được, ai biết đâu mà cãi.
 
N. T. V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link