Thursday, April 11, 2013

Thảm cảnh của lao động Việt bất hợp pháp tại Nga


 

 
Thứ tư 10 Tháng Tư 2013
Thảm cảnh của lao động Việt bất hợp pháp tại Nga
 
Hỏa hoạn tại một xưởng may của người Việt gần Matxcơva : 14 công nhân thiệt mạng, 11/09/2012. (DR)
Hỏa hoạn tại một xưởng may của người Việt gần Matxcơva : 14 công nhân thiệt mạng, 11/09/2012. (DR)
 
Từ nhiều năm nay tình trạng lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Nga bị đối xử tàn tệ đã được truyền thông trong nước và quốc tế thường xuyên theo dõi. Mới đây, vụ 15 phụ nữ bị lừa sang Nga được hứa là để đi bán quán, để rồi sau đó bị buộc phải bán dâm, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về số phận thê thảm của người lao động Việt tại Nga.

Tình trạng khổn khổ của lao động Việt Nam tại Nga là một thực tế được chính các giới chức trong chính quyền Việt Nam thừa nhận. Báo chí Việt Nam cho biết, trong một chuyến công cán của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Việt Nam cách đây hai năm, ông Hà Văn Hiền, chủ tịch Ủy ban ghi nhận thực trạng « khổ sai » của lao động Việt Nam tại Nga đã dường như không có thay đổi gì so với thời gian trước. Tại Quốc hội Việt Nam vào hồi mùa hè năm ngoái, bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội một lần nữa lại đứng trước các chất vấn của dân biểu về cuộc sống tồi tệ của người lao động bất hợp pháp tại Nga.

Về mặt chính thức, theo số liệu thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam) vào cuối năm ngoái 2012 tại Nga, có khoảng 10.000 lao động Việt Nam làm việc, nhưng số lượng lao động đăng ký với các tổ chức môi giới chính thức chỉ có khoảng trên 3.000 người. 7.000 người lao động khác vào Nga làm việc theo con đường « tự do » (mà rất nhiều người trong đó sử dụng hộ chiếu du lịch để xuất cảnh sang Nga), không đăng ký theo hợp đồng như quy định của Nhà nước Việt Nam. Trên thực tế, theo một số ước đoán, số lượng lao động làm việc bất hợp pháp tại Nga cao hơn con số kể trên rất nhiều, và có thể lên tới vài chục ngàn người.

Bên cạnh những người bị cưỡng bức nô lệ tình dục như trường hợp 15 phụ nữ mới được phát giác, còn rất nhiều người lao động khác phải làm việc, đặc biệt tại các xưởng may bất hợp pháp, còn gọi là « xưởng may đen » trong các điều kiện hết sức tồi tệ, với giờ làm việc kéo dài từ 12-14 giờ/ngày, thậm chí đến 18 giờ/ngày, kể cả ngày nghỉ, điều kiện làm việc, ăn uống, ở nghỉ tồi tệ, bị trả lương thấp hơn nhiều so với hợp đồng, thêm vào đó còn phải chịu các hình thức hành hạ ngược đãi khác.

Đầu năm 2012, Luật phòng, chống mua bán người của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Kể từ đó đến nay, tình trạng của người lao động Việt tại Nga, đặc biệt người lao động bất hợp pháp ra sao ?

Ngày 11/09/2012, tại một xưởng may đen ở Iegorievski, một thành phố nhỏ nằm cách thủ đô Matxcơva khoảng hơn 100 km về phía đông nam, hỏa hoạn đã bùng lên khiến 14 công nhân Việt Nam thiệt mạng. Nguyên nhân khiến các nạn nhân không thể chạy thoát là do nhà xưởng bị khóa trái, một tình trạng thường thấy ở các xưởng may đen.

Vào mùa hè năm ngoái, bùng lên vụ hơn 100 lao động, làm thuê cho công ty Vinastar kêu cứu vì bị buộc phải làm việc trong điều kiện như nô lệ khổ sai. Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam đã tiến hành điều tra và khởi tố vụ án mua bán người, cưỡng ép và bóc lột sức lao động này.

Nhiều nhân chứng cho thấy, những vụ việc kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI, nhà báo Nguyễn Minh Cần cho biết tại Nga có hàng nghìn xưởng may sử dụng lao động Việt Nam, trong đó các xưởng « trắng » (tức xưởng hợp pháp) thì rất ít, mà đa số là các xưởng bất hợp pháp, mà ở đó các công nhân thường bị bóc lột ghê gớm và bị đối xử rất tàn tệ.
Đâu là phần trách nhiệm của các cơ quan hữu trách của Việt Nam, từ đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến bộ Lao động, cũng như các cơ quan phụ trách kiểm soát xuất cảnh... ?

Rõ ràng cho đến nay, mặc dầu chính quyền Việt Nam đã có một động thái nhất định, thể hiện quyết tâm bài trừ nạn buôn người, đặc biệt với việc thông qua bộ luật riêng về lĩnh vực này, nhưng theo nhiều người quan sát, thực trạng của nạn buôn người sang Nga và tình trạng khổ ải của người lao động tại Nga, đặc biệt những người lao động bất hợp pháp, dường như vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm.

Trong tạp chí cộng đồng tuần này, chúng tôi xin chuyển tới quý vị tiếng nói của ông Nguyễn Đình Thắng (Virginia – Hoa Kỳ), Giám đốc BPSOS – đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA. CAMSA có tên đầy đủ là Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu, là tổ chức có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ người lao động xuất khẩu Việt Nam làm việc tại nhiều quốc gia như Malaysia, Đài Loan… Mới đây CAMSA đã có những tác động quan trọng trong việc giải cứu 7 phụ nữ trong số 15 người bị bắt làm mãi dâm hồi tháng 3/2013 vừa rồi.

Cùng với tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, khách mời của tạp chí tuần này còn có bà Danh Hui (từ Houston), chị ruột của cô Huỳnh Thị Bé Sương, là một trong 7 phụ nữ vừa được giải cứu, đã được hồi hương về Việt Nam. Ngày mai 11/04, bà Danh Hui sẽ ra trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ về vụ 15 phụ nữ Việt Nam bị ép bán dâm tại Nga.

Theo Liên minh CAMSA, thứ Sáu 05/04 vừa qua dân biểu Ed Royce, Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, đã chuyển cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài liệu của Liên Minh CAMSA về tình trạng buôn người ở Việt Nam, trong đó có hồ sơ của 15 nạn nhân kể trên.

Bên cạnh đó, từ Việt Nam, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Lao động ngoài nước lưu ý với công chúng về một số quy định chủ yếu của luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

RFI : Nhiều người lo ngại về tình trạng người lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Nga bị ngược đãi và bị bóc lột. Xin ông cho biết nhận định của ông về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Thắng : Tình trạng này là rất phổ biến và rất trầm trọng, bởi vì theo chúng tôi biết được và nắm được hồ sơ trong tay, thì không chỉ có một hoặc hai vụ buôn người, mà nó còn hàng loạt ở bên Nga. Những người Việt mà phần lớn ở thôn quê, những vùng xa, vùng sâu, được hứa hẹn là sang bên Nga, hoặc là qua con đường ký hợp đồng với các công ty môi giới, được chính thức hoạt động ở Việt Nam, hoặc qua những người, gọi là « », tức là đi qua con đường chiếu khán du lịch, không phải là (hộ chiếu đi) lao động. Và khi đi sang bên đó, bất luận là đi con đường nào, họ cũng gặp phải thực tế là không như được hứa hẹn trước đây. Thực ra là phải làm việc quần quật, 15 tiếng, 16 tiếng, có khi 18 tiếng đồng hồ/ngày mà không được trả lương.

Vì khi sang đến nơi, thì những người chủ sử dụng lao động lập tức tuyên bố rằng, những người công nhân như vậy là nợ nần chồng chất. Họ cứ đặt ra các khoản nợ tùy tiện, và bắt công nhân phải làm việc quần quật, mà vẫn không trả hết nợ. Đó là những khoản « nợ miệng » mà do chủ nhân đặt định ra. Chủ nhân đây lại là những người Việt làm chủ, thứ nhất là hàng loạt xưởng may dệt ở bên Nga, mà chúng tôi gọi, và người dân cũng thường gọi là các « xưởng đen », tức là làm lậu. Thứ hai là các xưởng lo về đấu thầu những công trình xây dựng. Và thứ ba là những phụ nữ trẻ bị đưa vào những ổ chứa mãi dâm.

RFI : Thưa ông, xin ông cho biết thêm về vụ giải cứu nhóm 15 phụ nữ bị bắt làm mãi dâm, mà Liên minh CAMSA đã góp phần tích cực.

Ông Nguyễn Đình Thắng : Ổ mãi dâm này là một ổ hoạt động lâu đời nhất ở Nga, do người Việt làm chủ, và có vẻ như là mạnh mẽ nhất. Bởi vì, có những sự bao che từ trong tòa đại sứ Việt Nam ở Nga. Điểm thứ hai, mà chúng tôi muốn trình bày là, tất cả các nạn nhân trong đường dây buôn người này, đều được hứa hẹn ở Việt Nam được đưa đi lao động, chứ họ đâu biết rằng sang bên Nga lại bị bán vào các ổ mãi dâm.

Do đó, cái vấn đề buôn mãi dâm và buôn lao động nó trùng với nhau rất nhiều. Điểm thứ ba là chúng tôi đang cố gắng giải cứu nốt số 8 nạn nhân còn lại. Tổng cộng là 15 nạn nhân, khi mà chúng tôi biết được tin về vụ này. Trước đó, cũng có một vài nạn nhân, nhưng mà họ chạy thoát, hoặc họ bị quá nặng, gần như không sống được nữa, và được thả ra, và họ đã về nước. Khi mà chúng tôi can thiệp thì còn 15 người.

 Ổ buôn người này họ thành tinh, thành cáo, họ rất lộng hành. Khi 4 nạn nhân chạy thoát được, trong đó có một nạn nhân hơn 4 năm trời bị giam giữ, thì 4 người này gọi đến cho tòa đại sứ Việt Nam ở Nga để cầu cứu, thì cái vị trả lời điện thoại, thay vì giải cứu, thì lại nói rằng không có gì cả, ai đưa mấy cô đi, thì nói mấy người đó đưa mấy cô về, thì sau đó hai hôm bà chủ chứa đã đưa xã hội đen đến để bắt cả 4 cô về lại, và đánh đập hàng ngày rất dã man. Có người đến giờ này vẫn còn bị đau đầu.

Sau đó, do sự lên tiếng rất mạnh của thân nhân của một số cô ở tại Hoa Kỳ và Canada, thì bên ổ buôn người thấy bị động rồi, thì thả một số. Tính đến giờ này, 7 nạn nhân đã về nước. Nhưng mà 8 nạn nhân còn lại, thì biệt vô âm tín. Gia đình cũng không liên lạc được nữa. Chúng tôi đang làm việc với cảnh sát Liên bang Nga để truy tầm, thứ nhất là các nạn nhân để giải cứu, thứ hai là thủ phạm để bắt giữ và truy tố.

Tiếp theo đây là tiếng nói của bà Danh Huy, chị ruột cô Huỳnh Thị Bé Sương, một trong 7 người vừa được giải cứu khỏi ổ mãi dâm, và đã hồi hương.

Bà Danh Hui : Bốn em trốn thoát được, thì liên hệ với gia đình, gọi cho tôi, gọi cho tòa đại sứ Việt Nam ở Nga cầu cứu, thì khi nhận được tin, tôi đã nhờ đến văn phòng BPSOS (mà ông Nguyễn Đình Thắng là giám đốc điều hành), để tìm cách cứu giúp các em. Theo như tôi được biết, qua một người bạn giới thiệu, thì văn phòng BPSOS đứng ra để giải cứu các nạn nhân. Không lâu sau, các em bị bọn buôn người bắt lại.

Sau đó, văn phòng BPSOS đã làm lớn chuyện, và nhờ đến dân biểu Al Green và bên Bộ Ngoại giao của Mỹ. Bộ Ngoại giao lên tiếng làm lớn chuyện đến báo chí truyền thông của Mỹ. Báo chí truyền thông làm lớn chuyện, thì lúc đó, các em mới được thả về, mà bé Hương là người đầu tiên được thả về. Còn lại là 8 em vẫn bị giam giữ bên Nga, vẫn bị bắt làm nô lệ tình dục. Mong sắp tới đây, tôi sẽ sang Washington DC, tôi sẽ vào Quốc hội Hoa Kỳ để có buổi họp điều trần và nhờ các vị lãnh đạo lên tiếng để giải cứu cho 8 em nạn nhân còn lại, thì tôi cũng mong rằng buổi họp sẽ được thành công.

RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, xin ông cho biết thêm về tình trạng chị em phụ nữ Việt Nam sang Nga bị đưa vào các ổ chứa mãi dâm.

Ông Nguyễn Đình Thắng : Thực sự là có rất đông những chị em phụ nữ rất trẻ được đưa sang Nga, theo diện du lịch. Nếu như ai có giờ đứng ở phi trường của thủ đô Matxcơva, có thể thấy những đoàn chị em phụ nữ rất trẻ, có cô chỉ 18, 19 tuổi thôi, có khi còn hơn. Trong trường hợp chúng tôi đang giải cứu, có một em chỉ có 16 tuổi. Các cô này sang Nga thì làm gì ? Nếu như đi với chiếu khán du lịch, thì chỉ một thời gian ngắn là mất hiệu lực, trở thành bất hợp pháp, không thể nào đi lao động bằng chiếu khán du lịch được cả. Chúng tôi biết được có nhiều ổ mãi dâm, chứ không phải chỉ là một.

Trở lại câu chuyện của 15 chị em phụ nữ, tòa đại sứ Việt Nam muốn thực tâm hợp tác với lại cảnh sát Liên bang Nga để truy tầm thủ phạm và các nạn nhân, thì rất dễ, bởi vì một nhân viên cũng tương đối cao cấp ở trong tòa đại sứ lại là họ hàng thân thuộc với bà chủ chứa, họ liên lạc thường xuyên. Nhưng mà (tòa đại sứ) đã không có sự hợp tác. Và trở lại tình trạng chị em phụ nữ rất đông, đã sang đến bên Nga, thì nếu như mà Nhà nước Việt Nam muốn ngăn chặn, thì cũng rất dễ.

Làm sao mà mấy cô ở xa xôi, nhà nghèo, mà lại đi du lịch bên Nga để làm gì ? Thành ra ở ngay tại phi trường ở Việt Nam là có thể ngăn chặn ngay. Nhưng đằng này chuyện vẫn cứ xẩy ra, và chúng tôi e rằng, Nhà nước biết, nhưng lờ đi, bởi vì có sự dính líu ở trong đó.

RFI : Xin tiến sĩ cho biết những tổ chức, hiệp hội nào có những hỗ trợ trực tiếp và có hiệu quả đối với những người Việt Nam ở trong tình trạng bị ngược đãi như vậy.

Ông Nguyễn Đình Thắng : Ở bên Nga, hiện nay tình hình rất khó khăn, bởi vì chúng tôi có liên lạc với bên Nga thường xuyên để tìm các tổ chức giúp đỡ, thì cho đến nay, hầu như không có tổ chức dân sự nào của Nga nào cả, ngoại trừ một số nhà thờ Công giáo hoặc là Tin Lành, họ có thể giúp đỡ chỗ này, chỗ kia một tý. Không có chương trình nào có quy củ, hoặc quy mô cả, mà do đó mà nạn nhân ở bên Nga, dù có được giải cứu, cũng rất khó khăn.

 Chúng tôi có làm việc với Ủy ban điều tra của chính quyền Liên bang Nga, nhưng mà họ cũng chỉ tìm cách giải cứu thôi, và họ cũng không nói được tiếng Việt, do đó nhiều khi việc giải cứu của họ cũng bị chậm lại rất nhiều. Nhiều khi cũng bị hỏng chuyện.

Trong vụ 15 chị em phụ nữ mà chúng tôi vừa mới trình bầy, có một lần cảnh sát Liên bang Nga đã đến gõ cửa, nhưng gõ sai cửa, chỉ cách mấy căn thôi, thành ra thủ phạm đã biết được, bị động, nên đã chạy mất. Đó là cái khó khăn của chúng tôi hiện nay. Nên không chi bằng là phòng bệnh hơn là chữa bệnh.

Thành ra, nếu như người ở trong nước biết được những phương thức, những thông tin để đoán biết được đâu là nguy cơ có thể bị buôn người, thì chớ có bước chân vào, để bị sa cơ lỡ vận, có thể không giải cứu được, và có thể khi giải cứu được rồi, thì cái tổn thương có thể di hại đến cả đời mình. Có những người mà chúng tôi đã liên lạc được, hoặc đã liên lạc với chúng tôi, sau 5 năm bị giam giữ, mới trốn thoát ra được, nhưng chỉ vài ngày sau, đã bặt vô âm tín, rất có thể đã bị bắt lại, và cũng có thể đã bị thủ tiêu.

RFI : Từ khi luật phòng, chống buôn người của Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2012, tình hình lao động người Việt ở Nga từ đó đến nay có chiều hướng ra sao ?

Ông Nguyễn Đình Thắng : Chúng tôi thấy rằng, trước hết, khi ban hành luật thì đó là một bước đáng khuyến khích, tuy nhiên, điều quan trọng là có chấp hành, thi hành luật hay không. Cho đến giờ này, chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu gì là có thực tâm thi hành luật phòng và chống buôn người, nhắm vào trọng tâm của nạn buôn người : Đó là chương trình xuất khẩu lao động của Nhà nước Việt Nam. Và thứ hai là mở cửa cho tất cả các tổ chức tư nhân của người dân ở trong nước được nhập cuộc, đặc biệt trong vấn đề phòng ngừa.

Chúng tôi lấy một ví dụ điển hình là chúng tôi đã công bố và gửi về trong nước, bằng những con đường khác nhau, một danh sách 60 công ty môi giới xuất khẩu lao động được Nhà nước cho phép hoạt động và đã dính dự vào những vụ buôn người, mà chúng tôi đã can thiệp và giải cứu.

Cho đến ngày hôm nay, chưa một công ty nào bị điều tra, chứ đừng nói là bị truy tố. Không những như vậy, mà khoảng trên 10 công ty trong khoảng 2, 3 năm vừa qua, đã được tuyên dương là "hoạt động xuất sắc", và trong đó không ít công ty quốc doanh.

Cho nên chúng tôi thấy rằng, Nhà nước ra luật, nhưng không thi hành luật, thì nó lại cũng « đâu vào đó » mà thôi. Không những vậy, đầu năm 2012, chính bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại ra một cái lệnh cho tất cả các công ty môi giới là phải kiểm soát công nhân chặt chẽ hơn, không để công nhân liên lạc với các tổ chức ngoài chính phủ, phi chính phủ ở ngoại quốc để làm lớn chuyện lên. Một đằng là nói muốn bảo vệ công nhân, muốn chống buôn người, đằng khác lại ngấm ngầm ra lệnh cho các công ty môi giới đưa người đi phải kiểm soát, ngăn chặn công nhân không được liên lạc với lại quốc tế để cầu cứu. Thì chúng tôi thấy rằng, tiền hậu bất nhất trong chính sách của Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ban Việt ngữ đài RFI.

Chúng tôi thấy rằng, trong nỗ lực ngăn chặn đường dây buôn người Việt, từ Việt Nam đến các nơi, các quốc gia khác nhau, thì cái vấn đề truyền thông đại chúng rất cần thiết, bởi vì phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Nếu thông tin về trong nước được rộng rãi, để mọi người dân cẩn trọng hơn trước quyết định sang Nga bằng đường chính thức, hoặc đường đi du lịch - không chính thức -, cũng phải xét lại, thì như vậy sẽ giảm bớt số nạn nhân cần giải cứu. Và thứ hai, những trường hợp nào đã trở thành nạn nhân, thì thân nhân biết được có thể liên lạc với các tổ chức quốc tế, trong đó có liên minh CAMSA của chúng tôi, để tìm cách này cách kia mà giải cứu. Do đó chúng tôi vô cùng trân quý và cảm ơn chương trình ngày hôm nay.

RFI xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Đình Thắng, ông Đào Công Hải và bà Danh Hui đã dành thời gian cho tạp chí hôm nay.

Ông Đào Công Hải
 
10/04/2013
 
More
 
 
Một số quy định của luật Việt Nam về xuất khẩu lao động
Về vấn đề lao động xuất khẩu Việt Nam, ông Đào Công Hải, phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết :
Ông Đào Công Hải : Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì chúng tôi có bộ luật số 72 (Luật số 72/2006/QH11 của Quốc hội : Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài). Bộ luật này nói rằng có bốn phương thức đi làm việc ở nước ngoài. Phương thức thứ nhất là các doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép đi làm việc ở nước ngoài, thì hiện nay có 175 doanh nghiệp có giấy phép. Phương thức thứ hai là bất kể công ty nào ở Việt Nam, tham gia triển khai dự án ở nước ngoài, hoặc trúng thầu thực hiện một công trình ở nước ngoài, thì công ty đó có quyền mang lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện công việc ở nước ngoài. Phương thức thứ ba là công ty nước ngoài hợp tác liên doanh, liên kết với công ty của Việt Nam, thì công ty ở Việt Nam có quyền đưa lao động đi để thực tập, nâng cao tay nghề ở công ty nước ngoài. Và phương thức thứ tư là bất kể công dân Việt Nam nào mà đủ về ngoại ngữ, về kỹ năng nghề, về kinh nghiệm làm việc, có thể giao kết hợp đồng với ông chủ nước ngoài, thì đấy là phương thức hợp đồng cá nhân.
Để quản lý được, thì với ba phương thức đầu, khi các công ty có hợp đồng, thì phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Đó là Cục quản lý lao động ngoài nước. Còn phương thức thứ tư là cá nhân phải đăng ký với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khi người ta cư trú ở đâu, thì đăng ký tại đó.
Như vậy là chúng tôi quản lý lao động đi làm việc nước ngoài theo bộ luật 72, dựa theo hợp đồng có thời hạn. Còn tất cả công dân của Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài thì bây giờ theo luật xuất nhập cảnh rồi, hoàn toàn tự do được đi thôi. Còn có những trường hợp như đi theo du lịch, thăm thân… mà ở lại làm việc là bất hợp pháp so với quy định của nước sở tại. Bởi vì không có « work permit » (giấy phép lao động), không có visa cư trú, thì đó là vi phạm. Cho nên các trường hợp, khi mà công dân tự ý đi, tự ý ở lại, thì sai với quy định của nước sở tại, thì đó là bộ luật 72 của chúng tôi đã điều chỉnh rõ như vậy.
RFI : Thưa ông, còn trường hợp những người có hợp đồng, rồi sang bên kia thì bị phá hợp đồng, rồi bị chủ bắt phải làm việc trong những điều kiện rất khó khăn, nhưng không biết kêu ai. Trong thời gian vừa qua, cũng có nhiều tiếng kêu cứu trong chuyện này, điển hình là trường hợp công ty Vinastar hồi năm ngoái. Từ đó đến nay, thì đối với tình trạng các lao động, thoạt tiên là hợp pháp, sau đó bị biến thành bất hợp pháp, thì phía chính quyền Việt Nam có phản ứng như thế nào ?
Ông Đào Công Hải : Bất kể lao động nào đi làm việc ở nước ngoài là trên cơ sở hợp đồng rõ ràng. Mà người lao động, trước khi đi, theo quy định, thì công ty phái cử ở tại Việt Nam phải có đào tạo tiếng, đào tạo về kỹ năng nghề, giáo dục định hướng, có nghĩa là cung cấp cho người lao động biết được phong tục, tập quán, văn hóa của nước sở tại, để họ có thời gian ổn định cuộc sống và đi vào làm việc nhanh nhất. Thế thì, nếu có trường hợp mà một công ty ở Việt Nam đưa đi, thì phải khẳng định xem là có hợp đồng không. Nếu không có hợp đồng, thì đó là quyền của công dân, người ta tự ý đi, tự ý ở lại, thì sang bên kia rồi, trở thành công dân không có « work permit », không có visa cư trú ở nước ngoài, hết hạn visa là rất nguy hiểm, không được luật pháp của nước sở tại bảo hộ. Cho nên, trong trường hợp đó, chúng tôi cũng đề nghị là họ phải liên hệ với đại diện ngoại giao của Việt Nam đóng tại nước sở tại nơi họ cư trú, để được hỗ trợ, để được bảo vệ quyền công dân của Việt Nam, thì luật pháp quy định rất rõ như vậy.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-31/10/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link