Friday, April 12, 2013

Bắc Kinh bảo vệ quyền lợi riêng qua lá bài Bình Nhưỡng


 

 
Thứ năm 11 Tháng Tư 2013
Bắc Kinh bảo vệ quyền lợi riêng qua lá bài Bình Nhưỡng
 
Tòa đại sứ Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh
Tòa đại sứ Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh
REUTERS/Kim Kyung-Hoon
 
 
Tại sao Bắc Kinh điềm nhiên tọa thị để Kim Jong Un hù dọa cộng đồng quốc tế bằng chiến tranh nguyên tử ? Trung Quốc không đủ ảnh hưởng để kềm chế đàn em hay tệ hơn nữa là thao túng bên trong hậu trường gây khó khăn cho Hoa Kỳ ? Từ 1950 đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc luôn luôn thi hành chính sách duy nhất : sử dụng Bắc Triều Tiên làm lá chắn bảo vệ « quyền lợi cốt lõi » .

Sau hai tháng khiêu khích, từ thử tên lửa tầm xa đến nổ hạt nhân trong lòng đất, Bắc Triều Tiên, với nền kinh tế nửa sống nửa chết, tuyên chiến với Hoa Kỳ dọa đánh Hàn Quốc và Nhật Bản, kéo thế giới vào chiến tranh hủy diệt.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh rất lớn. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cảnh cáo lãnh đạo Bắc Triều Tiên « đã đi quá xa ». Cho đến giờ, Washington cũng như hai chính phủ cánh hữu tại Tokyo và Seoul đều giữ thái độ trầm tĩnh : vừa không thách thức Bình Nhưỡng vừa không kích động công luận của mình. Ba nước đồng minh tăng cường các biện pháp quân sự phòng vệ và răn đe nhưng tránh không làm mất mặt Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh căng thẳng, hôm thứ hai 08/04/2013, Mỹ thận trọng dời một cuộc thử nghiệm tên lửa liên lục địa nhưng chỉ vài giờ sau Bình Nhưỡng vẫn leo thang tuyên bố rút hết 53 ngàn nhân công ra khỏi đặc khu công nghiệp Keasong.

Đích thân tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình can thiệp để ép Kim Jong Un xuống thang. Thế nhưng, ngoài những lời tuyên bố kêu gọi « hai bên bình tĩnh » Bắc Kinh chưa có một động thái cụ thể nào. Tại sao ?

Theo giới phân tích, và quan chức Trung Quốc cũng nhìn nhận, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, ban lãnh đạo Trung Quốc chỉ có một chính sách duy nhất là bảo vệ quyền lợi của họ, tức là sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc ( Politique nord-coréenne de la Chine : continuité dans la défense des intérêts chinois par Antoine Bondaz).

Nói cách khác dù Mao Trạch Đông gửi quân sang giúp Kim Nhật Thành năm 1950 hay thái độ thụ động của Tập Cận Bình trước các động thái khiêu khích quốc tế của Kim Jong Un ngày nay, không phải là vì quyền lợi Bắc Triều Tiên cũng không phải vì nhân dân Trung Quốc mà tất cả đều nhằm phục vụ « thế độc tôn » của đảng Cộng sản Hoa lục.


Quan hệ lịch sử nhiều thăng trầm
Trước hết chuyên gia Pháp Antoine Bondaz thuộc viện nghiên cứu Asia Centre và Đại học chính trị Paris nhận định :

Từ 1950 đến nay, sách lược Bắc Triều Tiên của Bắc Kinh là một chính sách thực dụng nhằm duy trì tình trạng chia cắt tại bán đảo Triều Tiên : Ngày 19/10/1950, theo lệnh của Mao Trạch Đông hàng trăm ngàn « chí nguyện quân » đã tràn sang bán đảo Triều Tiên trợ sức cho quân đội Kim Nhật Thành lúc đó đang bị cuộc phản công của Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ chỉ huy đè bẹp chạy lui về biên giới Trung Hoa.

Lý do chính thức được Bắc Kinh cỗ vũ tuyên truyền vào thời điểm đó là giúp Bắc Triều Tiên chống Mỹ bảo vệ lãnh thổ qua khẩu hiệu tám chữ : Kháng Mỹ Viện Triều Bão Gia Vệ Quốc. Nếu Hoa lục và Bắc Triều Tiên tự cho là anh em « môi hở răng lạnh » thì mục tiêu tối hậu của Bắc Kinh là bảo vệ quyền lợi sinh tử, duy trì một nửa nước Triều Tiên làm trái độn mà họ gọi là « hoãn xung quốc » đối đầu với « đế quốc Mỹ » trấn đóng tại miền nam vĩ tuyến 38.

Cũng để bảo vệ « quyền lợi cốt lõi » này mà ban lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận hy sinh hàng chục ngàn sinh mạng trong đó có con trai cả của Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Long. Hệ quả tiếp theo là Trung Quốc đánh mất cơ hội hòa giải với Mỹ, thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực.

 Bị cô lập với phần còn lại với thế giới, Trung Quốc không bắt được con tàu tái thiết sau Thế chiến thứ Hai và phục hưng kinh tế sau cuộc nội chiến với Quốc dân đảng cho nên nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mới thành lập bị suy yếu thêm.

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh với Mỹ và xung khắc với Liên Xô, Bắc Kinh bằng mọi giá phải hậu thuẫn Bình Nhưỡng không để cho chế độ Kim Nhật Thành sụp đổ hoặc ngã theo Matxcơva. Cũng vì mang món nợ máu xương với Bắc Kinh cho nên ngày 11/07/1961, Bắc Triều Tiên đã ký một hiệp ước hợp tác song phương được đặt tên là « Trung Triều Hữu Hảo Hợp Tác Hỗ Trợ Điều Ước ».

Bị Trung Quốc dùng món nợ xương máu làm chất liệu xây dựng quan hệ anh em, đảng Lao động Triều Tiên tỏ ra cánh giác tột độ. Tuy gọi là anh em, là đồng minh, nhưng không bên nào tin cậy bên nào. Theo giáo sư Lee Jong Seok, trung tâm nghiên cứu Sejong, Seoul, thì Bình Nhưỡng tìm mọi cách ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc. Nhà sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên tung ra thuyết Chủ Thể (Juche) và thanh trừng các đảng viên thân Trung Quốc.

Lợi dụng thế phân tranh giữa Mao và Stalin, ông Kim Nhật Thành đã khai thác cả Bắc Kinh lẫn Matxcơva để phục vụ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, trong thập niên 1970, Trung Quốc từ chối ủng hộ một kế hoạch của Kim Nhật Thành dự định đánh chiếm Nam Hàn. Một lần nữa, Bắc Kinh không để cho Bình Nhưỡng tự tung tự tác.

Sau chiến tranh lạnh : Bắc Kinh bang giao với Hàn Quốc, cần sức mạnh kinh tế của Seoul nhưng vẫn ủng hộ « trái độn » Bình Nhưỡng.

Vào thập niên 1990, Trung Quốc bị một loạt biến cố từ bên ngoài lẫn bên trong gây điên đảo. Sau vụ đàn áp phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quãng trường Thiên An môn năm 1989, Bắc Kinh bị thế giới tẩy chay. Hai năm sau, Liên Xô sụp đổ. Từ năm 1986, song song với tiến trình dân chủ hóa chế độ, Seoul đã nhanh chóng giải hòa với hai kẻ thù cũ là Bắc Kinh và Matxcơva.      

Năm 1990, Hàn Quốc thiết lập bang giao với Liên Xô vài tháng trước khi cộng sản Đông Âu tan hàng.

Trong thế cô lập,Trung Quốc đã chấp nhận bàn tay mời gọi của Hàn Quốc. Liên Xô tan rã, Trung Quốc yên tâm không còn e sợ Bắc Triều Tiên ngã vào vòng tay của Matxcơva. Ngày 24/08/ 1992, Bắc Kinh và Seoul thiết lập bang giao ghi dấu một bước chuyển hướng trong quan hệ 40 năm Bắc Kinh -Bình Nhưỡng.

Bên cạnh yếu tố chính trị, quyết định của Trung Quốc bị chi phối vì quyền lợi kinh tế. Từ thập niên 1980, Trung Quốc đã gia tăng giao thương với Hàn Quốc để thu hút đầu tư, kỹ thuật phục vụ chính sách mở cửa, cải cách của Đặng Tiểu Bình. Từ 120 triệu đôla năm 1983, trao đổi thương mại giữa hai bên tăng lên 1,68 tỷ năm 1987 và lên 11 tỷ 660 triệu trong năm 1991 so với 623 triệu đôla trong quan hệ mậu dịch Bắc Kinh - Bình Nhưỡng cùng năm.

Cũng phải nói là sự quan tâm của Trung Quốc vào sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc là chuyện đương nhiên. Vào thời điểm 1991, tổng sản lượng quốc gia GDP của Hàn Quốc là 329 tỷ đôla cao gấp 17 lần GDP của Bắc Triều Tiên.

Hệ quả là quan hệ Trung-Triều bị suy thoái lập tức : Bắc Kinh ngưng hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên nhập khẩu hàng hóa. Quan hệ thương mại bị suy giảm từ 899 triệu đôla trong năm 1993 xuống còn 370 triệu trong năm 1999.

Ngày 08/07/1994 Kim Nhật Thành qua đời làm cho Bắc Triều Tiên suy yếu thêm.
Lo sợ bị Trung Quốc bỏ rơi, mà Liên Xô thì đã tan rã, Bình Nhưỡng không còn lối thoát nên chấp nhận bàn tay của Mỹ, ký kết Hiệp định khung ngày 21/10/1994 tại Genève, đình chỉ tham vọng hạt nhân đánh đổi viện trợ nhân đạo từ Hoa Ky, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phải chờ đến năm 2000, sau chuyến công du đầu tiên của Kim Jong Il, mà tình trạng sức khỏe đã không tốt, quan hệ hai nước mới được hâm nóng.

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Trong 10 năm qua, chính sách Trung-Triều gần như không thay đổi. Tiếp tục duy trì một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Seoul, Bắc Kinh ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng từ chính trị đến kinh tế. Tuy nhiên chính sách này hoàn toàn nhằm phục vụ mục tiêu giữ « nguyên trạng » : bán đảo ổn định, lãnh thổ phân chia và không chạy đua vũ trang hạt nhân.

Quyền lợi « cốt lõi » của Bắc Kinh gắn chặt vào tình hình « nguyên trạng » của hai miền Triều Tiên. Như tuyên bố của Đới Bỉnh Quốc, cố vấn quốc vụ viện năm 2010, ba quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc là ổn định chính trị, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Ổn định chính trị đồng nghĩa với vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản tại Hoa lục không bị đe dọa là ưu tiên số một của Bắc Kinh. Do vậy, ổn định tại bán đảo Triều Tiên, lò thuốc súng của khu vực, là trọng điểm của ba quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc.

Theo nhận định của giáo sư chính trị quốc tế Pháp Antoine Bondaz, sự phát triển của châu Á Thái Bình Dương tùy thuộc vào tình hình an ninh tại bán đảo Triều Tiên. Kinh tế khu vực phát triển thì kinh tế Trung Quốc mới phát triển, bảo đảm cho chế độ sống còn và cho phép đảng Cộng sản Trung Quốc tồn tại ở vai trò độc tôn.
Điều kiện thứ hai là bán đảo Triều Tiên tiếp tục bị chia đôi thì Trung Quốc được hai điều lợi : có Bắc Triều Tiên làm trái độn đối đầu với quân lực Mỹ ở Nam Hàn và cùng lúc tăng cường ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng xuyên qua các hợp đồng khai thác tài nguyên, mượn đường ra biển Nhật Bản và mở mang vùng đông bắc Trung Quốc, giáp giới với Bắc Triều Tiên.

Quyền lợi kinh tế này tuy vậy không phải là lý do khiến cho Trung Quốc chống lại viễn ảnh thống nhất tại nước láng giềng. Nhiều nhà phân tích Trung Quốc gần như gián tiếp nhìn nhận chuyện phải đến sẽ đến, bán đảo Tiều Tiên sẽ gom về một mối trong tương lai trong chế độ tự do.

Tuy nhiên các điều kiện để Nam Hàn « nuốt » Bắc Hàn chưa được ấn định một cách rõ ràng. Bất trắc quá lớn theo quan điểm của Bắc Kinh : không có gì bảo đảm bán đảo Triều Tiên thống nhất không gây thiệt hại cho quyền lợi của đảng Cộng sản Trung Quốc. Điểm cuối cùng , Bắc Kinh cũng nghiêng về giải pháp phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vì sợ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chạy đua trang bị vũ khí nguyên tử.


Chỉ có Hàn Quốc mới cứu được Bắc Triều Tiên
Theo nhận định của chuyên gia Nga Andrei Lankov, Bắc Kinh tuy không hài lòng thái độ khó kiểm soát của đàn em láng giềng nhưng vì quyền lợi của mình phải ủng hộ Bình Nhưỡng để duy trì nguyên trạng tại bán đảo Triều Tiên.

Đối với Trung Quốc thì mọi thay đổi đều gây tổn hại sinh tử cho đảng Cộng sản Hoa lục : hai miền nam bắc thống nhất dưới ngọn cờ Hàn Quốc, chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ hay Bình Nhưỡng thành công chế tạo được vũ khí hạt nhân thì hệ quả của nó sẽ làm đảo lộn tình hình trong khu vực và đe dọa sự tồn vong của chính bản thân chế độ độc tài Trung Quốc.

Thế nhưng, Bắc Kinh có phương tiện, có đủ quyết tâm chính trị để kềm chế Bình Nhưỡng hay không ? Thái độ gần như thụ động của Trung Quốc, thành viên Hội Đồng Bảo An, trước hàng loạt hành động khiêu khích của dòng họ Kim là cố tình hay do bất lực ?

Theo các nhà ngoại giao Hàn Quốc thì thực tế rất nghịch lý. Dù Trung Quốc là điểm tựa của chế độ Bắc Triều Tiên nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc không đủ mạnh, vũ khí duy nhất của Bắc Kinh là chiếc « chày vồ ». Trung Quốc chỉ cần đóng biên giới, cắt viện trợ nhiên liệu, thực phẩm là chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ trong ba ngày. Tuy nhiên, trừng phạt Bình Nhưỡng để làm gì khi mà quyền lợi cốt lõi của đảng Cộng sản Trung Quốc bị tác hại.

Biện pháp mạnh không được mà thuyết phục cũng không được, Bắc Triều Tiên đã trở thành một cục xương trong cổ họng Trung Quốc.

Về phần Bắc Triều Tiên, tuy sống còn nhờ Trung Quốc, nhưng gia đình họ Kim khôn ngoan chọn con đường « tự túc, tự cường » theo ý thức hệ « chủ thể » của Kim Nhật Thành, tránh không lệ thuộc vào thiên triều Trung Quốc.

Đó là một trong những lý do giải thích tại sao chiến lược ngoại giao của Bình Nhưỡng luôn luôn độc lập. Từ thời chiến tranh lạnh Kim Nhật Thành vận dụng thế xung khắc Bắc Kinh- Matxcơva để thủ lợi và từ nay người nối nghiệp sẽ khai thác thế đối nghịch giữa Bắc Kinh và Washington để bảo vệ cơ đồ.

Bắc Triều Tiên đang thương thuyết với Nga xây ống dẫn khí đốt và vươn tay đến ASEAN để tìm đối tác thương mại là những tín hiệu chủ động hướng về tương lai của Bình Nhưỡng.

Theo chuyên gia Antoine Bondaz, Bắc Kinh càng bất lực hơn nếu tân tổng thống Phác Cận Huệ thực hiện lời hứa lúc tranh cử tỏ ra mềm mỏng hơn với Bình Nhưỡng. Một chiến lược mới từ Seoul có ba điều lợi, một là ít « tốn kém chính trị », hai là tránh cho Mỹ phải can thiệp trực tiếp và ba là tạo cơ hội cho Bình Nhưỡng tách xa Bắc Kinh.

Thái độ hù dọa chiến tranh hạt nhân trong những tuần qua phải chăng là thủ đọan của Kim Jong Un trắc nghiệm Washington và Seoul trước khi dứt khoát lựa chọn ?

Chưa ai trả lời dứt khoát câu hỏi này, nhưng đây là ý kiến chung của đa số công luận Hàn Quốc. Hãng tin công giáo Asia News ngày 10/04/2013 cho biết : chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc, kêu gọi cộng đồng Thiên chúa giáo cầu nguyện cho Bắc Triều Tiên.

 Theo nhận định của Đức cha Phê-rô Kang U Il thì chính quyền Bình Nhưỡng gây căng thẳng hiện nay để « cứu thể diện và xin cứu đói ». Bình Nhưỡng đe dọa mọi người vì « không đủ khả năng tự vực dậy kinh tế và tự cứu không phải lao vào thảm họa chiến tranh ».


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-31/10/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link