Monday, April 8, 2013

Khi CS Hà-nội Dạy Washington Về Nhân Quyền


 

 




 

Khi CS Hà-nội Dạy Washington Về Nhân Quyền

 

Sơn Tùng

 

Mới đây, ngày 1.4.2013, tờ Nhân Dân ở Hà-nội đã đăng một bài nhan đề “Họ nên sớm thay đổi nhận thức về nhân quyền” để khuyên bảo chính giới ở Washington, nguyên văn như sau: “Nếu thật sự quan tâm tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, họ cần nhìn thẳng vào sự thật để thừa nhận nhân quyền ở Việt Nam đã và đang trở thành một giá trị phổ quát, đã và đang mang lại lợi ích mọi mặt cho nhân dân Việt Nam, vì đó là ‘nhân quyền của những người mang tâm tư Việt, thật sự muốn cho đất nước phát triển’. Chỉ lượm lặt thông tin từ kẻ xấu rồi phê phán, đặt điều kiện đối với Việt Nam, họ sẽ trở thành người đi ngược lại xu thế tiến bộ của nhân loại. Hơn thế nữa, sẽ trở thành tác nhân cản trở sự phát triển của Việt Nam, đồng thời tác động tiêu cực tới quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam.”

 

Tác giả bài này được ghi là Lê Anh, nhưng ai cũng biết Nhân Dân là cái mồm của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) và tất cả bài vở đều do những cán bộ viết sản xuất theo lệnh của đảng, thể hiện đường lối, chính sách của đảng.

 

Như vậy, bài trên đây là phản ứng của CSVN đối với những lời tuyên bố của ông Daniel Baer, Phó Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á, về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, và một số người khác trong chính giới Mỹ mà Hà-nội cho rằng “không chỉ đưa ra các đánh giá tiêu cực, phản ảnh không trung thực về thực tế vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, mà còn coi nhân quyền như là điều kiện để phát triển quan hệ giữa hai nước - một quan niệm rất vô lý, không thể là cơ sở cho việc giải quyết các quan hệ quốc tế”.

 

Bài báo trực tiếp nhắm vào những lời phát biểu của ông Baer ngày 21 tháng 3 vừa qua trước Tiểu ban Ngoại giao Thượng Viện Hoa Kỳ cũng như ngày 2.1.2013 tại tư gia Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Ủy-ban Yểm-trợ Cao-trào Nhân-bản, ở Virginia, khi tiếp xúc với giới truyền thông và với một số người quan tâm tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam mà bài báo gán cho cái tội là “chống cộng cực đoan”.

 

Tiếp theo, bài báo giới thiệu ông Al Hoang, tức Hoàng Duy Hùng, nghị viên thành phố Houston, Texas, như điển hình của những “Việt kiều yêu nước”, thức thời, ôn hòa, hiểu ngầm là “chống cộng không cực đoan”, hay là “hơi hơi chống cộng”, với những lời phát biểu được trích dẫn đã nói trong chuyến đi Việt Nam vừa qua: “Về nơi đây, chúng tôi thấy đất nước đang phát triển. Ðất nước chúng ta dù còn thua nhiều quốc gia khác, nhưng đã có những tín hiệu, đó là người dân bắt đầu cởi mở, Nhà nước đang có một cách nhìn khác hơn, đó là chấp nhận đối thoại để cả hai cùng tiến tới đoàn kết dân tộc.” Ông Al Hoang còn nói rằng nhân quyền ở Việt Nam không giống với nhân quyền ở Mỹ, nhân quyền ở Anh, vì “đó là nhân quyền của những người mang tâm tư Việt, thật sự muốn cho đất nước phát triển”.

 

Bài báo khuyên chính giới Mỹ nên lắng nghe những người tốt, “chống cộng ôn hoà”, như Nghị viên Al Hoang để biết sự thật hơn là căn cứ vào “các hoang tin, sự xuyên tạc của các thế lực chống đối, thiếu thiện chí và bất mãn”.

 

Không biết tác giả Lê Anh có thực sự tin vào những lời mình viết và còn có khả năng cảm biết xấu hổ hay không, nhưng chắc ông ta biết rõ cộng sản là thứ cực đoan nhất trong các loại cực đoan trên mặt đất này, và lịch sử các đảng cộng sản là lịch sử của những cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu nhất giữa các “đồng chí” đảng viên với nhau.

 

Vậy thì ai muốn chống cộng, không thể “ôn hoà”. Ai chống cộng mà nói ôn hoà thì một là ngu, hai là tay sai, cò mồi của cộng sản. Người ta chỉ có thể chống cộng, hay không chống cộng. Không có loại “chống cộng ôn hòa” hay “chống cộng hơi hơi”. Cộng sản phân loại chống cộng cực đoan với chống cộng ôn hòa chỉ là chiến thuật giai đọan nhằm gây chia rẽ, đánh phá lẫn nhau trong “hàng ngũ chống cộng”.

 

“Nhà bình luận” Lê Anh và Đảng CSVN không cần phải dạy những nhà ngoại giao Mỹ nên nghe loại người chống cộng nào. Ôn hoà hay cực đoan.Thật vậy, thời kỳ màn sắt màn tre đã qua lâu rồi. Không những ông Dan Baer và chính giới Mỹ không bị ai bịt mắt mà dân Viêt Nam trong nước cũng không còn là những con ngựa kéo xe bị che hai bên mắt. Với các phương tiện truyền thông thời đại Internet ngày nay, chuyện gì xảy ra trong xó xỉnh nào trên mặt địa cầu chỉ cần vài phút đã được truyền đi khắp thế giới, với đầy đủ hình ảnh sống thực.

 

Trên đất Mỹ với quyền tự do ngôn luận được tôn trọng cho mọi người, ông Al Hoang muốn nói gì thì nói, kể cả nói những điều điên khùng, cũng không bị FBI gọi tới “làm việc” hay bỏ tù. Trái lại, ở Việt Nam thì khác. Nói ra những điều bình thường nhưng trái tai nhà nước cũng có thể bị gán cho những tội tày trời và ngồi tù. Phải chăng đó là điều ông Al Hoang muốn nói khi bảo rằng nhân quyền ở Việt Nam không giống với nhân quyền ở Mỹ?

 

Thí dụ, ở Việt Nam ngày nay, đảng và nhà nước kêu gọi mọi người tham gia góp ý vào việc sửa đổi hiến pháp, một số người vừa lên tiếng đề nghị bỏ điều 4 dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN thì liền bị kết tội là “suy thoái”. Ông Nguyễn Đắc Kiên vừa lên tiếng bênh vực, tức thì “bị cho thôi việc” trong 24 giờ và chưa biết còn bị trừng trị ra sao.

 

Hai tuần trước bài của ông Lê Anh trên tờ Nhân Dân giáo dục người Mỹ về nhân quyền, bà Huỳnh Khánh Vy ở Quảng Nam đã phổ biến một bài với tựa đề “Cái ‘tội’ vì là con gái của người bất đồng chính kiến”, kêu cứu đang bị trừng trị tới ba đời vì bố của bà bị tù giam mười năm và bốn năm quản chế về tội “tuyên truyền chống chế độ XHCH” từ năm 1992 khi ông chỉ nói ra những điều do mệnh lệnh của lương tâm.

 

Bà Vy mở đầu bài kêu cứu như sau: “Tôi, Huỳnh Khánh Vy là một trong những trường hợp sống động của một nguyên tắc sống dưới chế độ Cộng sản: Bạn càng im lặng nhẫn nhịn, bạn càng bị đè bẹp bởi chính sách đàn áp của cộng sản. Họ không để cho một người sống khép kín như tôi được sống một cuộc sống bình thường, giản dị và yên tĩnh. Sau một thời gian suy nghĩ, hôm nay tôi quyết định lên tiếng. Một phần để bày tỏ quan điểm cá nhân mà xưa nay vì nhiều lý do nên tôi phải yên lặng. Một phần nữa là để công khai những trò xấu xa mà chính quyền CSVN dùng để sách nhiễu tôi cũng như gia đình.”

 

Qua bức thư dài, bà Vy đã kể rõ những hành vi bẩn thỉu hèn hạ mà công an địa phương, dĩ nhiên là do “lệnh trên”, đã tung ra đối với con cháu người bị chụp mũ “phản động”,  để gây khó khăn, khủng bố tinh thần và triệt đường sống của họ, từ khi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành, dù họ chỉ muốn yên thân, không liên hệ gì đến chính trị. Cuối cùng, không còn chịu đựng nổi, bà đã quyết định phá vỡ sự im lặng. Bà đã dõng dạc lên tiếng nói ra tất cả sự thật, và kết thúc bức thư ngỏ như sau:

 

Đến lúc này thì tôi thấy mình không thể yên lặng thêm được nữa, dù tôi có yên lặng họ cũng không để yên cho vợ chồng tôi. Thế nên hôm nay tôi quết định lên tiếng và từ nay về sau tôi sẽ còn tiếp tục nói để họ thấy rằng tôi không bị đè bẹp như họ nghĩ. Tôi sẽ lên tiếng bảo vệ cuộc sống của vợ chồng tôi, cũng là để bảo vệ cuộc sống của cô con gái mới sinh của mình, góp phần vạch trần những bất công trong xã hội cộng sản này, đặc biệt là những sách nhiễu nhắm vào những gia đình bất đồng chính kiến như gia đình tôi. Tôi sẽ làm tất cả để sát cánh cùng gia đình mình lên tiếng phản đối những thối nát của hệ thống cộng sản này. Và tôi rất mong công luận sẽ ủng hộ, bảo vệ vợ chồng tôi.”

 

Bốn ngày sau bài của ông Lê Anh, hay đúng hơn, của đảng CSVN, dạy bảo người Mỹ về nhân quyền, ngày 4 tháng 4, bà Huỳnh Thục Vy, chị của Khánh Vy, lại phổ biến trên mạng điện tử một bài nữa mang tựa đề “Lại những trò bẩn của an ninh cộng sản”, được mở đầu với đoạn như sau:

 

“Nửa đêm ngày 3 tháng 4 năm 2013, lúc cả gia đình đang ngủ, thì ba tôi nghe tiếng xe gắn máy trờ tới trước nhà, sát chỗ ông ngủ (phòng ngủ ba tôi ngay sát mặt đường làng). Sau đó, là tiếng ào ào, nước văng tung tóe và một mùi hôi thối kinh khủng bốc lên. Ba tôi bật dậy và thoáng thấy chiếc xe máy chở hai tên thanh niên rồ ga bỏ chạy. Cả nhà thức giấc và hiểu ra đó là trò bẩn thỉu của an ninh mà nhiều người bất đồng chính kiến đã từng phải chịu trước đây như cụ Hoàng Minh Chính, bà Trần Khải Thanh Thủy… và gần đây là chị Bùi Hằng. Nhân tiện, xin nhắc lại là trước đó, họ đã bỏ hai con rắn độc vào nhà tôi năm ngoái. Khi tôi làm việc với an ninh, tôi đã tố cáo họ dùng rắn độc hãm hại người nhà tôi. Tên an ninh Huỳnh Ngọc Truyền đã nói: “Gia đình mấy người làm gì để hàng xóm căm thù mà muốn giết mấy người đó thôi”.

 

Bà Thục Vy kể chi tiết trò bẩn thỉu mới của công an cùng với những tấm ảnh chụp hiện trường trông rất kinh khủng làm bằng chứng, và kết luận với những lời kêu cứu:

“Công luận đang tập chú vào vụ án anh Vươn. Nhân dịp này, an ninh cộng sản giở trò bẩn với nhà mình. Cả đêm qua cả nhà không ai ngủ được. Nhà mình bị sách nhiễu liên tiếp trong cả tháng qua. Xin quý anh chị em chia sẻ tin này. Xin giúp một tay cho gia đình mình. Thật quá sức chịu đựng!”

Chị em bà Huỳnh Thục Vy, Khánh Vy rất muốn ôn hoà, nhưng cộng sản cũng không cho phép họ ôn hoà.

Thật đúng là “nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền ở Mỹ”, như lời Nghị viên Al Hoang, và cũng không giống với nhân quyền ở bất cứ nước nào trên mặt địa cầu hiện nay. Những người chỉ sử dụng quyền phát biểu ý kiến của mình một cách ôn hoà đã bị nhà nước CSVN tung ra những đòn bẩn để khủng bố, giống như hành động của những băng đảng xã hội đen sống ngoài vòng pháp luật.

Những đặc tính ấy đã được tác giả Lê Anh, đúng hơn là đảng CSVN, nói rằng “nhân quyền ở Việt Nam đã và đang trở thành một giá trị phổ quát, đã và đang mang lại lợi ích mọi mặt cho nhân dân Việt Nam”.  Cứ đặt vấn đề nhân quyền và làm khó nhà nước CSVN là “đi ngược lại xu thế tiến bộ của nhân loại”.

Có lẽ đã có người dịch bài của ông Lê Anh ra Anh ngữ cho ông Baer đọc, và thật là thú vị nếu biết được cảm nghĩ của ông ta. Ông ta cười phá lên như bị ai bất ngờ thọc lét, hay ông ta khóc rưng rức vì thương dân Việt Nam? Hay ông ta thắc mắc không hiểu mình đang “quan hệ ngoại giao” với những người mất trí, hay với những ông vua hài hước.

 

Dù sao, trước tình thế nguy ngập của CSVN hiện nay vì những “kẻ xấu” đang mỗi ngày một nhiều và không còn biết sợ bạo quyền, ông Lê Anh, và các thủ trưởng của ông ta, nên nhớ tới bài học của ông thầy Liên-Sô cũ và các đàn anh ở Đông Âu hơn hai mươi năm trước để lựa chọn.

 

Ra đi một cách bình an (như Ba-lan), hay đẫm máu (như Rô-ma-ni).

 

Sơn Tùng

Virginia, ngày 6.4.2013

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link