Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ
(Trịnh Thanh Thủy)
Posted on 19/09/2012 by Lê Thy
Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của
người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt
mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc.
Đó
là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước
năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ.
Thứ tiếng Việt đó đang mất
dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy,
nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết
và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước
chứ không phải ở ngoài nước.
Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản
của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại
không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết
theo.
Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn
một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy,
không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn
hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy.
Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành
Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v…
Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của
định mệnh hay một định luật của tạo hoá.Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc
tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt
Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự
bước vào sự thay đổi toàn diện.
Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời
sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc
thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một
số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối
của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực. Nguời dân miền Nam tập làm quen và
dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới.
Những: đề xuất,
bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to
đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo,
quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc,
doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực
công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn
thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ
sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v…dần dà đã trở thành những từ ngữ
quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.
Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và
cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau.
Tỷ như chữ “quản lý” là trông nom, coi sóc. Miền
Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn
trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng
câu: “Anh xin quản lý đời em“.
Hoặc từ “chế độ” cũng vậy, miền Nam chỉ dùng
trong môi trường chính trị như “chế độ dân chủ“. Miền Bắc dùng bao quát
hơn trong nhiều lãnh vực như “chế độ xem“, “chế độ
bao cấp“.
Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản – giản đơn; bảo đảm – đảm bảo; dãi dầu – dầu dãi; vùi dập – dập vùi.
v.v…
Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam
đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là “tiếng Việt toàn dân“. Cuối năm 1979, đầu
năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục
tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng
thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục.
Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn
hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản
của ngành giáo dục.
Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng
chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài
Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị
quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến
mất trước tiên.
Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương
quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi
tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành,
gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu
như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác
như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký,
tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia
đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh
từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ,
tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học,
giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới
nghiêm, thiết quân luật, v.v…
Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người
lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường
hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh
nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều
áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng
không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài.
Tôi
không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài
nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một
vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại.
Sau này, nhờ kỹ
thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được
nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và
viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn
học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng.
Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi
người cầm bút ngoài nước cũng không ít.
Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi,
thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa
tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.
Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa
nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng
Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều
người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa
chọn riêng.
Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ
thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử
dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và
tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.
Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền
hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị
coi là “chữ của Việt Cộng” và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở
Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ “cộng sản” nếu không
khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị
chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn
vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó.
Trong cuốn DVD chủ đề 30 năm viễn xứ của Thúy Nga Paris,
chúng ta được xem nhiều hình ảnh cộng đồng người Việt hải ngoại cố gìn giữ bản
sắc văn hoá Việt Nam bằng cách mở các lớp dạy Việt ngữ cho các con em. Khắp nơi
trên thế giới, từ nơi ít người Việt định cư nhất cho tới nơi đông nhất như ở Mỹ,
đều có trường dạy tiếng Việt.
Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có
sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San
José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em,
không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất
nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ.
Chùa Việt
Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi
vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta
thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị
hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng
mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở
thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. “Tại Trung
tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em.
Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng
chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt” (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)
Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng,
không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở
các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên,
sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: “Khi
nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ
thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh
biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết.”
Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của
người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình
cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới
liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người
quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ
nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng
Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!
Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt
Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:
Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt
Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ
vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là
gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.
Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh
vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin
được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước
dịch thành hai văn bản khác nhau:
Trong nước:
|
Ngoài nước:
|
Tàu ngầm hạt nhân Nga
bốc cháy
Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga
cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã
được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội
này cho hay: “Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi
tàu.
|
Hỏa hoạn trên tàu ngầm
Nga
Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân
trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy
ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do
chạm giây điện.
|
Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những
chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện
hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng…
Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch
với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế,
xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh
ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau,
người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc
nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.
Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người
nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ
nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo
dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong
sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu
đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh
hoặc đã học tiếng An sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được
ghi trên tấm bản đồ này:
Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben
dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới
tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!
Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất
đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước
thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để
phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng
trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong
nước.
Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt
trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen
dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải
và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được
nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách.
Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị
gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi
tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa.
Giới truyền thông bây giờ
sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không
còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ
chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng
mà chịu.
Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản,
nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất
lại là “cái chết của một ngôn ngữ”.
Đau lòng lắm thay!
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment