Sunday, March 17, 2013

Cảnh sát Hà Nội 'đánh vỡ quai hàm dân'


 

Cảnh sát Hà Nội 'đánh vỡ quai hàm dân'


Cập nhật: 11:52 GMT - thứ bảy, 16 tháng 3, 2013


Nạn nhân Nghiêm Duy Hoàng

Ông Nghiêm Duy Hoàng điều trị tại bệnh viện vì đa chấn thương

Lãnh đạo công an thành phố Hà Nội đã "chỉ đạo" điều tra về vụ cảnh sát cơ động bị cáo buộc dùng dùi cui "đánh vỡ quai hàm" người dân tham gia giao thông, theo truyền thông trong nước.

Hôm 16/3, chỉ huy trung đoàn cảnh sát cơ động thuộc công an thành phố, Đại tá Phạm Văn Hưng, được tờ Bấm VietnamNet trích dẫn cho hay Giám đốc công an Hà Nội "đã chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo, làm rõ sự việc" được báo chí, truyền thông nêu.

Các bài liên quan



Chủ đề liên quan



"Chúng tôi sẽ xem xét và sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, nếu thông tin báo chí và người dân phản ánh là chính xác,” Đại tá Hưng nói với tờ báo điện tử.

Hôm thứ Bảy, tờ Bấm VnExpress.net cho biết chi tiết ông Nghiêm Duy Hoàng, 23 tuổi quê ở Thanh Hóa, "đi (xe máy) ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm... bị cảnh sát đánh vào mặt khi bỏ chạy."

Tờ báo mạng này nói: "Nhiều nhân chứng khác cũng xác nhận thông tin này nhưng cảnh sát lại khẳng định nạn nhân tự đâm vào dải phân cách rồi ngã."

Theo báo chí trong nước, sáng 16/3, ông Hoàng quê ở Thanh Hóa đã tố cáo cảnh sát cơ động Y5/141, thuộc Công an Hà Nội, "đánh vỡ mặt" ông.

Ông Hoàng theo tường thuật đã trải qua phẫu thuật tại Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương ở Hà Nội.

Tờ VnExpress cho hay "Theo lời bác sĩ, ca mổ kéo dài 2 tiếng đã thành công, anh Hoàng được nắn chỉnh xương, nối 2 đoạn gãy bằng ốc vít."

Trước đó, chiều hôm thứ Sáu, tờ VietNamNet đưa tin chi tiết cho hay:

"Vào khoảng 15h30 ngày 14/3 anh Nghiêm Duy Hoàng... đang điều khiển xe máy biển kiểm soát 29H1 - 048.16 lưu thông qua ngã tư Minh Khai - Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì bị một chiến sĩ trong tổ công tác 141 của Công an TP Hà Nội ra dấu hiệu yêu cầu dừng xe.

Tờ báo mạng cho biết thêm: "Vì không đội mũ bảo hiểm nên anh Hoàng đã bỏ chạy. Lập tức có một người mặc thường phục đuổi theo. Khi xe anh Hoàng dừng lại thì có một người mặc sắc phục cảnh sát dùng dùi cui lao ra để chặn lại

"Rất nhiều người dân chứng kiến sự việc đã vô cùng bức xúc khi chứng kiến sự việc trên. Họ nói sẵn sàng đứng ra làm chứng về sự việc chiến sỹ công an dùng dùi cui vụt vào người vi phạm giao thông"

VietnamNet

"Khi xe vừa dừng lại, một cảnh sát mặc sắc phục, trên áo có logo của lực lượng cảnh sát dùng dùi cui lao ra chặn lại và vụt vào mặt anh Hoàng khiến anh bị thương nặng, ngất xỉu. Người dân đã đưa nạn nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn."

VietnamNet trích lời bác sỹ điều trị của ông Hoàng nói bệnh nhân "nhập viện trong tình trạng bị nhiều vết thương ở vùng mặt, cổ và lưng. Đặc biệt, phía gò má bên trái bị gãy xương, mất máu rất nhiều."

'Vô cùng bức xúc'


Tờ báo mạng phản ánh: "Rất nhiều người dân chứng kiến sự việc đã vô cùng bức xúc khi chứng kiến sự việc trên. Họ nói sẵn sàng đứng ra làm chứng về sự việc chiến sỹ công an dùng dùi cui vụt vào người vi phạm giao thông."

Thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam thường xuất hiện nhiều tin, bài về nạn bạo hành do công an thực hiện đối với người dân.

Nhiều báo chính thức và báo mạng phản ánh đã xảy ra 'hàng trăm vụ' được cho là cảnh sát đã "hành hung, tra tấn, đánh chết dân" với mức độ báo động, trong đó có nhiều vụ gia đình các nạn nhân cáo buộc người nhà của họ đã "thiệt mạng ngay tại đồn công an" do bạo hành của nhà chức trách.

Gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng

Gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng rước di ảnh của ông đòi công lý

Nhiều cáo buộc cho hay nạn bạo hành và lạm dụng bạo lực, chức trách "khi thi hành công vụ" của cảnh sát với dân còn diễn ra với "tần xuất khá phổ biến" ở các lực lượng tham gia giữ trật tự ở đô thị như "cảnh sát giao thông", "cảnh sát cơ động."

Đầu năm ngoái, phiên tòa xử nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh tội vì tội làm chết người trong khi thi hành công vụ đã kết thúc với mức án bốn năm tù giam cho bị cáo, bao gồm mười tháng tạm giam trước đó.

Ông Ninh ra tòa vì cáo buộc đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng hồi đầu năm 2011, với nạn nhân được cho là chỉ vi phạm lỗi nhỏ khi "không đội mũ bảo hiểm" trong lúc "ngồi sau xe ôm" nhưng đã phải trả giá bằng mạng sống.

Gần đây, một số luật sư nói với BBC rằng họ ' Bấm ngạc nhiên' hoặc băn khoăn về một dự thảo nghị định bị đặt vấn đề là có khả năng "vi hiến" khi cho phép cảnh sát được quyền nổ súng trước hành vi “chống người thi hành công vụ”.

Mặc dù Bộ Công an đang đề xuất cho phép công an “nổ súng trực tiếp” nếu có dấu hiệu “tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng,” ý kiến của luật sư cho rằng luật này có thể bị lạm dụng dẫn tới vi phạm "quyền được sống", đe dọa "an toàn tính mạng" của công dân được quy định trong Hiến pháp.

Một số bình luận của dư luận trên mạng cũng bày tỏ quan ngại khi cho rằng dự thảo này có thể làm "trầm trọng thêm" tình trạng "lạm dụng bạo lực," "bạo hành" của cảnh sát vốn được cho là đã khá phổ biến với người dân thường.

 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/03/130316_vn_police_violence.shtml

1 comment:

  1. Đám cảnh sát, công an csVN chúng không có chút nhân tính nào. Đảng cs huấn luyện lũ người này thành những con quái quá kinh khủng.

    ReplyDelete

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link