Friday, March 22, 2013

“Lỗi kỹ thuật” bị ỉm đi còn lớn hơn “đập Sông Tranh 2”


 

 

“Lỗi kỹ thuật” bị ỉm đi còn lớn hơn “đập Sông Tranh 2”

Nguyễn Mạnh Tuấn

 …Rò rỉ đập Sông Tranh 2 chỉ là:
 “phần nổi của tảng băng chìm”
 … mọi thiệt hại đều thuộc về nhân dân.


Nói tới đập thủy điện Sông Tranh 2 (ST2) thì ai cũng nghĩ tới sự cố rò rỉ nước qua thân đập, nó đã gây bất bình dư luận trong cả nước, gây hoang mang lo lắng an toàn tính mạng cho dân chúng cả một vùng rộng lớn phía hạ lưu (đang từ an cư lạc nghiệp thì nảy sinh bồn chồn lo lắng rằng mình có thể bị cuốn trôi bất thình lình nếu đập bị vỡ).

Sự vụ đó cũng đã tốn nhiều giấy mực trong mấy trăm tờ báo truyền thông lề Đảng, chính vì thế đã khiến cho các cơ quan công quyền của nhà nước phải nhảy vào quyết liệt nhằm ‘trấn an dư luận’ và ‘tìm cách giải quyết’, nhiều ủy viên Trung ương đã phải ‘muối mặt’ công khai trả lời chất vấn một cách miễn cưỡng trái với lương tâm rằng “vẫn đảm bảo an toàn và nằm trong giới hạn cho phép”.

Sự vụ rò rỉ đập Sông Tranh 2 có thể xem như là một lỗi kỹ thuật lớn của tập đoàn nhà nước (thủy điện ST2 thuộc tập đoàn EVN, làm bằng 100% vốn ngân sách, và doanh nghiệp nhà nước thi công).

 Lỗi kỹ thuật đó được ví giống như lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất ô tô của một hãng xe hơi nào đó (vì thế hãng đã phải ra thông báo thu hồi hàng chục ngàn xe đã bán, phải bồi thường cho khách, và hãng đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đôla). Nhưng điểm khác là: “lỗi kỹ thuật của tập đoàn nhà nước” là quá lớn và mọi thiệt hại đều thuộc về nhân dân.

Nếu ai đó đặt câu hỏi: liệu có còn sự vụ nào khác, kiểu như rò rỉ đập ST2 nữa không? Thì xin thưa rằng: rò rỉ đập ST2 chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi.

Sau đây xin nêu ra một trong vô số những phần chìm của tảng băng đó, nó còn nghiêm trọng hơn nhiều rò rỉ đập ST2 nhưng đã bị “lặng lẽ ỉm đi” (giống như phần dưới của tảng băng chìm mà không ai nhìn thấy).

 Đó là hầm dẫn nước khi mới xây dựng xong đã bị nứt vỡ nghiêm trọng (xem ảnh 1 đến ảnh 4 kèm theo). Sự nứt vỡ nóc hầm ‘ghê sợ’ như vậy sẽ dẫn đến sập hầm.









Một công trình nhà máy thủy điện bao gồm 3 hạng mục quan trọng nhất gồm: đập chắn nước, hầm dẫn nước (từ hồ chứa về tua bin), và nhà máy. Trong đó đập chắn và hầm dẫn chiếm trên 70% tổng chi phí xây dựng, và chất lượng xây dựng của 2 hạng mục này cũng quyết định sự tồn vong của nhà máy.

Sự cố rò rỉ đập sẽ gây lên hậu quả nhãn tiền, tức là mọi người dân đều biết đều thấy, đều sợ vỡ đập, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân vùng hạ lưu và cho toàn xã hội, thậm chí nếu không khắc phục thì có thể dẫn đến vỡ đập cuốn trôi dân chúng vùng hạ lưu.

Còn sự cố nứt hầm dẫn nước do nằm sâu kín trong núi nên ít người biết đến, chỉ những cán bộ hữu trách của tập đoàn nhà nước là biết rõ, nhưng vì “chiếc ghế đặc quyền đè bẹp lương tâm” nên họ tìm cách bưng bít thông tin, ém nhẹm nó đi, để rồi giả như không biết mà vẫn cứ nghiệm thu đưa vào sử dụng.    

Sự nứt vỡ nóc hầm như vậy sau một thời gian thì vết nứt ngày càng phát triển mở rộng, cốt thép trong kết cấu vỏ hầm sẽ ngày càng hoen rỉ trương nở đánh bục bê tông, và đến một ngày nào đó khi mà vỏ hầm dập nứt bục vỡ tới độ không còn khả năng chống đỡ áp lực của đất đá bên trên thì dẫn đến sập sụt một đoạn hầm, tắc hầm dẫn nước và tua bin phát điện dừng hoạt động, khi đó kinh phí thi công sửa chữa là rất lớn (hàng trăm tỷ đồng), và thời gian dừng phát điện tính đến hàng năm trời (thất thu do không bán được điện là hơn 1 nghìn tỷ đồng cho 1 năm dừng phát điện).

Vì sao “rò rỉ đập” không nghiêm trọng bằng “nứt hầm dẫn nước”?
Nếu xem xét một cách tổng thể khách quan về mọi mặt, và xét đúng mức tầm quan trọng của các yếu tố liên quan tới các “lỗi kỹ thuật” nói trên, thì có thể được nêu đại cương qua 3 đặc điểm sau:
           – Một là: “dễ xử lý khắc phục”. Thời đại ngày nay kỹ thuật xây dựng phát triển đạt tới trình độ rất cao, người ta đã xây dựng thành phố trên biển, sân bay trên biển, thành phố dưới mực nước biển, đường hầm qua sông qua biển. Việc khắc phục rò rỉ đập nước là quá đỗi bình thường. Trong khuôn khổ bài viết tôi sẽ không đi sâu mà chỉ đơn cử ra 2 trong nhiều biện pháp như sau: dùng biện pháp khoan phụt lấp đầy bằng vữa chuyên dụng (như kiểu xử lý vết nứt hoặc lỗ rỗng trong đất đá nhưng khác là chất để phụt không phải là vữa XM mà là loại vữa tự trương nở khi gặp nước mua bên Châu Âu), hay cách 2 là khắc phục sự cố ngay từ bề mặt thành đập phía thượng lưu. Cả 2 cách này trong nước đều dễ dàng làm được mà chưa cần cầu viện nước ngoài.

           – Hai là: “ít tốn kém cho việc khắc phục”. Một nhà máy thủy điện như ST2 (công xuất 190 MW) nếu dừng phát điện 1 ngày đêm thì nhà nước mất đi 4,2 tỷ đồng tiền bán điện (vậy mà ST2 đã bỏ hoang cả năm trời rồi và còn tiếp tục để chết mặc dù tiền ngân sách nhà nước đã đổ vào xây dựng nhà máy này trên 5 ngàn tỷ đồng). Việc khắc phục rò rỉ đập sẽ được tiến hành trong khi hồ vẫn tích nước và nhà máy vẫn phát điện bình thường.

 Biện pháp thi công khắc phục ở đập đơn giản hơn trong hầm rất nhiều (giống như xây dựng đập dễ hơn xây dựng hầm). Việc đánh giá kết quả công tác xử lý là đơn giản và khá chính xác (được hay không biết liền – giống như thấm hay không biết liền). Nếu bắt buộc phải tháo nước để xử lý bề mặt đập phía thượng lưu thì nhiều lắn là mất vài tuần (chứ không như xử lý do nứt hầm thì thời gian phải là hàng năm trời tháo cạn nước và dừng phát điện).

 Như vậy đem cộng 2 khoản tổn hại (thất thu tiền do dừng phát điện và tiền thi công xử lý trực tiếp) thì sự cố nứt hầm gây tổn thất lớn gấp nhiều lần sự cố rò rỉ đập.

           – Ba là: “dễ phát giác”. Xét dưới góc độ quản lý nhà nước (nhằm phát triển bền vững nền tảng xã hội), thì gần như bất cứ công trình thủy điện nào nếu đã có “bệnh rò rỉ đập” sẽ luôn được phát hiện sớm (bởi nó hiển hiện phô bày trước tất cả “bàn dân thiên hạ”), nó là quá khó để mà bưng bít, dù muốn dấu cũng không có cách chi dấu được, rò rỉ đập ST2 là ví dụ điển hình (cán bộ tìm cách bưng bít nhưng nó bị phát giác từ phía người dân).

 Dân gian đã kể rằng: có một bà nông dân xã Trà Đốc (Trà My – Quảng Nam) sống gần nhà máy, khi đi làm nương thì nhìn thấy đập bị rò rỉ, về nhà nói với hàng xóm: mấy ổng đắp đập ngăn nước mần răng mà ẩu dữ, không bằng tui đắp bờ ruộng, bị rò rỉ là tui bịt được liền, vậy mà mấy ổng vô trách nhiệm quá không chịu bịt lại mà cứ để chảy như thế thì có ngày vỡ đập không chừng.

Ông hàng xóm vừa nghe thấy vỡ đập thì giật thót người vì nghĩ tới cái am chắn cá của mình ở ngay bên dưới đập sẽ có nguy cơ bị vỡ tan, nên vội kêu trưởng bản đi thưa lên trên để bắt mấy ảnh bịt rò rỉ lại cho khỏi bị vỡ đập làm hỏng am cá của ông, và thế là sự việc vỡ lở dùm beng lên trên không tài nào bưng bít được nữa).

Đặc điểm “dễ phát giác” này ví như một căn bệnh nào đó của người dễ được phát hiện sớm để mà điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn đầu (mà không cho mầm bệnh phát triển đến giai đoạn sau), bệnh này không nguy hiểm bằng những bệnh khó bị phát hiện (ví dụ bệnh ung thư).

Đối với sự cố nứt hầm dẫn nước, nếu mấy cán bộ nhà nước mà không nói ra thì chỉ có “trời mới biết” bởi nó là công trình ngầm nằm sâu trong núi, và nó luôn chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện trong suốt quá trình sử dụng sau này. Thực tế đến nay sự cố nứt vỡ hầm dẫn nước này vẫn đang bị “nhóm lợi ích” ém nhẹm.

           Ba đặc điểm trên đây cho thấy rõ rằng sự cố “rò rỉ đập” là không tệ (không nghiêm trọng) bằng sự cố “nứt hầm dẫn nước”! Vậy tại sao trong khi sự cố “rò rỉ đập ST2” ầm ĩ cả lên đến mức phải lôi ra chất vấn công khai trên nghị trường Quốc hội, thì sự cố “nứt hầm dẫn nước” vẫn bị ém nhẹm?

 Câu trả lời đơn giản là: chỉ vì rò rỉ đập “không thể bưng bít được”, còn sự cố nứt hầm “đã được bưng bít” một cách có hệ thống của các nhóm lợi ích trực tiếp từ dự án, họ là những cán bộ viên chức nhà nước, là đảng viên Đảng CSVN, họ đã chỉ đạo rằng: các đồng chí phải tìm cách bưng bít nó lại, tung tóe ra là chết cả lũ, cứ đưa vào sử dựng, có sập hầm thì cũng phải vài ba năm nữa, khi đó không còn là trách nhiệm của chúng ta. Họ cho rằng hậu quả của nứt hầm cùng lắm là sập hầm mà biểu hiện của nó chỉ là tắc nước, dừng phát điện chứ không chết người đổ nhà mà sợ.

Qua sự việc trên sáng tỏ thêm rằng cán bộ nhà nước, là Đảng viên, nhóm lợi ích lớn, nhỏ đang nằm trong các tập đoàn nhà nước tranh thủ thời cơ mà đục khoét rút ruột công trình một cách có hệ thống từ trên xuống dưới. Bọn họ sẵn sàng vì lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả sau này nhà máy có thể bị bỏ hoang.

Sự lãng phí cả ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân và để rồi “giá điện tăng để bù lỗ” kéo theo giá tiêu dùng tăng theo, và chỉ có mức sinh hoạt của dân là đi xuống.
N.M.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link