Thursday, March 21, 2013

Trung Quốc trong cái nhìn của ông Lý Hiển Long


Trung Quốc trong cái nhìn của ông Lý Hiển Long



Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định các lãnh đạo mới của Trung Quốc “có năng lực”, nhưng cũng cảnh báo họ về cách ứng xử trước thế giới.


Ông Lý vừa có cuộc phỏng vấn với báo The Washington Post ngay tại Singapore về nhiều chủ đề, nhưng trọng tâm là Trung Quốc dưới một thế hệ lãnh đạo mới, cán cân quyền lực Mỹ - Trung và tranh chấp lãnh hải. Từ lâu, quan chức và báo chí Mỹ thường xem các lãnh đạo Singapore là những người hiểu sâu sắc về Trung Quốc và châu Á. Điều này cũng vừa được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tái khẳng định trong cuộc gặp với người đồng cấp Singapore K.Shanmugam vào ngày 13.3 tại Washington.

Khi được hỏi ý kiến về những tân lãnh đạo của Trung Quốc, ông Lý nói: “Họ đều là những người có năng lực. Chúng tôi đã gặp nhiều người trong Thường vụ Bộ Chính trị. Họ từng được thử thách và nắm nhiều vai trò khác nhau”. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, theo ông Lý, cũng bị đè nặng trước hết bởi những vấn đề đối nội. Bên cạnh đó, “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là cái mà chính phủ nào cũng thấy rằng mình có trách nhiệm theo đuổi và bảo vệ”. “Nhưng mức độ linh hoạt trong việc họ định nghĩa vấn đề này, cũng như mức độ thỏa hiệp như thế nào thì chúng ta cần phải theo dõi cả hành động lẫn lời nói của họ”, ông Lý gợi ý.

Trung Quốc trong cái nhìn của ông Lý Hiển Long
Ông Lý Hiển Long (phải) và ông Tập Cận Bình trong một cuộc gặp gỡ hồi năm 2010

Ông Lý cũng chỉ ra các thách thức đối với các tân lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là: làm sao để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và cải cách kinh tế; thích nghi với một xã hội thay đổi nhanh chóng vì truyền thông mạng và sự lớn lên của tầng lớp trung lưu; đồng thời tìm lối ra thế giới trong nhận thức rằng mình đã hùng cường hơn xưa.

Cảnh báo

Khi phóng viên nhắc lại chuyện ông Lý từng phát biểu trước 300 cán bộ Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tháng 9.2012 và kêu gọi nước này nên giữ hình ảnh thân thiện trước thế giới, ông Lý tiếp tục lặp lại: “Đúng, lợi ích của Trung Quốc rất rộng lớn. Đó không chỉ là những hòn đảo trong vùng tranh chấp hay tài nguyên, mà quan trọng hơn là uy tín của một cường quốc đang lên trong cộng đồng thế giới”. Theo ông Lý, thái độ của thế giới đối với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc nước này “có tỏ ra mềm mỏng, tuân thủ luật pháp và dành không gian cho những quốc gia yếu hơn phát triển hay không”. “Một trong những lý do mà Mỹ được chào đón ở châu Á là vì Mỹ muốn khu vực này thịnh vượng, muốn các nước khá lên và sẵn sàng giúp đỡ họ”, ông Lý nhắc nhở.

Trước tình hình căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vấn đề đặt ra là liệu Washington có ủng hộ mạnh mẽ Tokyo hay không. Điều này rất đáng quan tâm khi mà dường như Mỹ thoái lui trong vụ đụng độ ở bãi cạn Scarborough giữa đồng minh Philippines và Trung Quốc. Ông Lý cho rằng: Mỹ không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nhưng “sự hiện diện của Hạm đội 7 của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương từ sau Thế chiến 2 đến nay có tác động ổn định an ninh trong khu vực và khiến các nước kiềm chế trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ nan giải”. Và ông cũng tuyên bố: “Chúng ta thật sự muốn một sự hiện diện lâu dài, không thỏa hiệp, không nửa vời của Mỹ ở châu Á”.

Điều khiến ông Lý lo lắng là trào lưu dân tộc chủ nghĩa ở cả hai quốc gia Trung Quốc và Nhật Bản, khiến không bên nào chịu nhún nhường. Xung đột có thể xảy ra ngoài ý muốn khi mà tàu chiến và chiến đấu cơ hai nước kè sát nhau như thời gian gần đây. “Tôi nghĩ đó là một nhân tố thật sự, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Giới trẻ nước này không từng đi qua chiến tranh cũng không trải qua thời kỳ Cách mạng văn hóa, mà lớn lên trong ổn định và thịnh vượng, nên họ có có cái nhìn nặng tính dân tộc chủ nghĩa nhất về vai trò của Trung Quốc trong thế giới”.

Ông Lý cũng cho rằng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, theo những nhà phân tích thạo tin, có một ảnh hưởng nhất định trong chính sách quốc phòng của nước này, và có thể “tự mình hành động”. Tuy nhiên, vấn đề lãnh thổ nằm trong tầm quản lý của bộ máy chính quyền cao nhất, dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, Thủ tướng Lý nhận định.

Ông cũng cho rằng mọi người đều mong hưởng lợi nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng phình to, “nhưng chúng tôi cũng muốn làm bạn với Mỹ, Ấn Độ và châu Âu”.

Mỹ và Trung Quốc nên tạo dựng một mối quan hệ ổn định và xây dựng để “chúng tôi không phải chọn lựa đi theo một bên”, ông Lý cảnh báo.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog - 3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link