Sunday, March 17, 2013

Dân Nào Muốn Đảng Cầm Quyền?


 

Dân Nào Muốn Đảng Cầm Quyền?
(Phạm Trần , VB)

Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cứ nói mình có quyền cai trị dân vì đó là “tất yếu của lịch sử”, tính từ “cuộc Cách mạng tháng Tám 1945” đã đặt đảng vào vị trí “lãnh đạo” cho đến hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ rồi từ sau 1975 tiếp tục lãnh đạo công cuộc “đổi mới”, nhưng tại sao chưa bao giờ đảng dám hỏi xem dân có muốn như thế không?

Chuyện phân tích “đúng, sai” từ biến cố lịch sử mùa Thu 1945 có đúng là “cuộc Cách mạng” do đảng Cộng sản lãnh đạo hay chỉ là “cuộc cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim” cho đến cái gọi là “cuộc chiến tranh giải phóng” ở miền Nam Việt Nam không phải là mục tiêu của người viết.

Bài này chỉ bàn về có hay không chính đáng việc đảng CSVN cứ muốn tiếp tục bám lấy “hào quang qúa khứ” còn nhiều nghi vấn “đúng-sai” với tư duy và đường lối đã lỗi thời và lạc hậu để giữ cho bằng được “chiếc ghế” cầm quyền trong khi nhân dân và đất nước dứt khoát cần “tắm gội” cho ra con người mới để vươn lên có đủ sức mạnh chống lại những âm mưu thôn tính của Trung Cộng ngày một đến gần ở trên đất liền và ngoài Biển Đông.

Thắc mắc tại sao đảng không dám mở cuộc “trưng cầu dân ý” về “quyền đương nhiên” được lãnh đạo đã không được trả lời từ khi ông Hồ Chí Minh, người lập ra đảng còn sống.

Sau 68 năm cầm quyền và phạm muôn vàn sai lầm cứ chồng chất lên mãi năm sau cao hơn năm trước, nhiều người dân đã muốn đảng thử xét lại xem có còn khả năng tiếp tục lãnh đạo hay nên kết thúc “vai trò lịch sử” của mình để cho dân tự giải quyết lấy vận mệnh chính trị của đất nước bằng các kế họach chuyển tiếp dân chủ được lòng mọi người mà đảng vẫn còn chỗ đứng trong lịch sử.

Rất tiếc, cho đến 2013 đảng CSVN đã tìm mọi cách từ chối bằng hành động khủng bố và bỏ tù những ai có ý muốn đảng “thoái vị”.

Đảng coi những “thắc mắc” hay “kiến nghị” của dân là nhằm “ chống nhà nước và nhân dân”, là “âm mưu của các thế lực thù địch”, là “diễn biến hòa bình” do nước ngòai xúi dục, giật dây, là “mưu đồ của những phần tử cơ hội” trong nước.

Tất cả những ai muốn đảng tự mình xét lại bản thân có còn xứng đánh lãnh đạo dân tộc hay nên từ bỏ độc quyền, độc đảng để cùng nhân dân xây dựng đất nước trong dân chủ và tự do thì liền bị Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng lên án là những người “suy thoái chính trị,tư tưởng, đạo đức”.

Nhưng từ em bé đến người lớn ai cũng biết “ đảng” không thể và không được xếp ngang hàng với “nhà nước”. Người dân chống đảng vì đảng đã cướp mất quyền tự quyết của họ chứ không ai lại tự mình chống mình, hay chống lại Tổ quốc như báo chí của nhà nước và những cán bộ tuyên truyền của đảng vẫn xuyên tạc.

Như vậy thì có phải là đảng độc tài không? Người Việt Nam nào cũng bảo vậy. Cả người nước ngòai cũng nói thế. Chỉ riêng những người lãnh đạo đảng nói ngược lại “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân”, hay tự phong cho mình được quyền cai trị là do “đòi hỏi khách quan tất yếu của cách mạng Việt Nam”.

Chả có ai muốn nghe lối nói “cối chầy” như thế vì lời đảng hứa“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã bao năm chứng minh tòan là nước bọt, trăm voi không được bát nước xáo.

Cho nên việc đảng tự cho mình là “ đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc”, hay “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân", như ông Hồ Chí Minh từng nói là hòan tòan “nước đổ lá khoai” từ bao nhiêu năm rồi.

CHUYỆN NĂM 2013

Từ khi đảng “đổi mới” để sống còn năm 1986, mệnh nước và vận dân tưởng như có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng sau 27 năm, đến 2013, nhân dân tuy đã có nhiều người no cơm ấm áo và có người đã trở nên giầu có thì một bộ phận lớn nông dân và công nhân vẫn chưa đủ ăn, chưa có đủ khả năng nuôi con học hành thành tài.

Ngược lại, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền lại giâu sụ, sống sang mà suy thoái đạo đức. Tệ nạn tham nhũng, mua quan, bán chức, chia rẽ, hạ dân từ “làm chủ đất nước” xuống hàng nộ lệ cho quan chức đã làm băng họai xã hội từ giáo dục đến thuần phong mỹ tục.

Hội nghị Trung ương 4 và 5 của Khoá đảng XI đã chứng minh những thất bại giây chuyền không còn cứu được đã kéo dài từ Đại hội đảng 7 thời Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Những căn bệnh truyền nhiễm của tham nhũng trong đảng viên đã tạo nên các “nhóm lợi ích” bao bọc nhau từ Trung ương xuống cơ sở dẫn đến thất bại đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 kết thúc ngày 15/10/2012. Mặc dù được Bộ Chính trị đề nghị xin chịu một hình thức kỷ luật cho mình và cho “một đồng chí trong Bộ Chính trị”, không nêu danh tính nhưng ai cũng biết đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ban Chấp hành Trung ương đảng không hội đủ số phiếu trừng phạt ông Dũng, người được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang sau đó nói ám chỉ là “Đồng chí X” vì không làm tròn nhiệm vụ được giao phó, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và 2 vụ thua lỗ nghiêm trọng hàng ngàn tỷ đồng của hai Tổng công ty Vinashin và Vinalines.

Hậu qủa nhãn tiền đem lại sau Hội nghị 6 là đảng viên và nhân dân không còn tin vào khả năng lãnh đạo của ông Trọng và của đảng vì Ban Chấp hành Trung ương vì đảng đã tự tay cắt đứt sự “liên hệ máu thịt” còn sót lại giữa dân với đảng.

Những căn bệnh xa dân, khinh dân và không còn sợ dân của các “quan cách mạng” đã căng lớn và gay gắt hơn trong mỗi cán bộ đảng viên có chức có quyền so với tình trạng của năm 2011.

Thời ấy, Tác gỉa Đỗ Hòang Linh đã viết trên báo Công an Nhân dân (số ra ngày 04/02/2011): “ Hiện nay, ở nhiều địa phương, ban ngành, những căn bệnh này đã trở nên khá phổ biến và có nguy cơ trầm trọng hơn, thậm chí khá nhiều cán bộ đảng viên còn biến thái đến mức lừa phỉnh, trấn áp, dọa nạt, khống chế quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với những ai dám dũng cảm nói thẳng, nói thật, lên án những hành vi quan liêu, tham ô, tham nhũng, hối lộ, lãng phí của những vị lãnh đạo có quyền chức. Nhân dân thông qua phương pháp đối chứng, so sánh trước kia và bây giờ, lập pháp và hành pháp, việc này với việc khác, cách xử lý mức độ nặng nhẹ, thông tin xuôi chiều và ngược chiều... cuối cùng họ cũng tìm ra bản chất, kết quả kèm theo lời bình luận dân gian và những phương án đáng ra nên làm công khai, hợp lý, công bằng hơn, và: "Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó mà họ biết rõ ràng.”

Bây giờ, hai năm sau, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuống đến cấp Thành phố, Tỉnh và Huyện, chỗ nào có cán bộ suy thoái, làm hỏng việc của dân thì cứ việc “nhận lỗi” và “hưá sửa đổi” để tiếp tục tái phạm là xong.

Vì vậy mà ngày nay, cán bộ, đảng viên đã quên mất lời cảnh báo của ông Hồ Chí Minh nói với Bộ Chính trị ngày 20/1/1962: "Quan liêu, lãng phí, tham ô làm hại cho dân. Phải hiểu vì dân mà chống tham ô lãng phí. Tham ô, lãng phí là một tội đối với nhân dân. Ai cũng phải chống".

Nhưng không ai muốn chống vì ai cũng tham nhũng thì biết chống ai, tha ai?

Cho nên mọi chuyện vẫn được đảng viên dậm chân tại chỗ để mặc cho nước chảy qua cầu miễn sao quyền lợi không sứt mẻ là vui vẻ cà làng.

Bằng chứng sau 7 năm bắt tay vào việc, từ 2007, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng cầm đầu đã không làm nên cơm cháo gì.

Đảng lấy lại đặt vào tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng ít ai tin một sớm một chiều mà Ban Nội Chính, bây giờ do ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Năng cầm đầu có thể tháo gỡ hết dây nhợ chằng chịt do các phe phái trong đảng dương ra để bao che cho nhau.

Nhiều người ở Việt Nam dự đòan phải đợi đến Hội nghị giữa nhiệnm kỳ của đảng dự trù vào tháng 5 mới có thể hình dung được đòn phép của Bộ Chính trị và của Ban Nội Chính sẽ đối phó với lũ giặc tham nhũng và đội ngũ “Quan cách mạng” như thế nào.

NGÕ CỤT CỦA HIẾN PHÁP

Song song với những khó khăn này, đảng còn phải đối phó với Phong trào quần chúng đòi đảng phải từ bỏ quyền lãnh đạo độc tôn được tiếp tục ghi trong Điều 4 Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Cuộc cách mạng bằng tư tưởng và lời nói của hàng chục ngàn người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội, kể cả những cán bộ, đảng viên, nông dân và công nhân đã kết nối với nhau từ trong nước ra hải ngọai đứng lên đối lập với đảng CSVN.

Sau 2 tháng lấy ý kiến dân, kết qủa có vẻ như thuận chiều với ý muốn của đảng được tiếp tục tòan quyền lãnh đạo mà không phải chia sẻ quyền lực với bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, theo báo cáo hôm 13/3/2013 của Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Theo lời Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập thì “hầu hết các ý kiến đều đồng tình cơ bản với những nội dung chính của dự thảo.”

Về Điều 4 Hiến pháp, ông Phan Trúng Lý nói: “ Ban biên tập dự thảo cho rằng quy định như trong điều 4 là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.”

Nhưng “ý chí” và “nguyện vọng của nhân dân” lấy đâu ra hay chỉ là sự tự biên , tự diễn và “tự lấy của người làm của mình” của ông Lý?

Lập luận này giống hệt như các bài viết “bênh đảng” đến tận mang tai của một số cán bộ tuyên truyền cấp Tiến sỹ hay Giáo sư của Quân đội, Công an và Ban Tuyền giáo của Đảng.

Về vấn đề Quân đội phải “tuyệt đối trung thành với đảng hay Tổ quốc và nhân dân” được Ông Lý giải trình: “Ban biên tập dự thảo cho rằng, ở nước ta, lực lượng vũ trang là công cụ của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng lực lượng vũ trang luôn luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì lực lượng vũ trang mới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ của Vì vậy, quy định của Hiến pháp về nội dung này là phù hợp và cần thiết.”

Quan điểm của Ban biên tập và Điều 70 của Hiến pháp sửa đổi hòan toàn khác với tất cả 4 Bản Hiến pháp 1946, 1959,1980 và 1992, theo đó “lực lượng vũ trang nhân dân (quan đội) phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân”.

Nhưng ai đã “đảo ngược” bổn phận trung thành của quân đội như đã viết trong Điều 70 sửa đổi là một thắc mắc người dân có quyền được biết không?

Nhiều Trí thức và lão thành cách mạng của đảng đã chỉ trích sự thay đổi này, nhưng cũng ngạc nhiên là vào ngày 19/2/2013, trong cuộc nói chuyện với các cựu chiến binh của Câu Lạc bộ Thăng Long ở Hà Nội, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã không đồng quan điềm với Ban biến tập Hiến pháp.

Ông Sang được trích dẫn nói: “Về vai trò của Đảng với quân đội. Tôi cho rằng Đảng ta lập ra quân là để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân chứ không phải là lập ra là bảo vệ, trung thành với Đảng, vì vậy quân đội phải trung thành, bảo vệ Tổ Quốc, nhân dân rồi mới đến Đảng, có như vậy mới đúng chứ. Nay vì theo tập quán, nhận thức vẫn chưa thực hiện được.”

Tại sao lại “chưa thực hiện được”? Quân đội là của dân, dân là cha mẹ của Quân đội và của đảng nên không có lý do chính đáng để Quân đội ngồi lên đầu Tổ quốc và cha mẹ mình.

Điều này cũng đồng nghĩa với câu hỏi: Dân nào muốn đảng cầm quyền?

Vậy đảng CSVN có dám nhận lời thách đố để cho một tổ chức độc lập thực hiện cuộc trưng cầu ý dân có quốc tế kiểm soát để xem người dân Việt Nam có còn muốn đảng cầm quyền nữa hay không?

Hay đảng sẽ căn cứ vào kết qủa lấy ý kiến dân có công an, cán bộ phường khóm đến tận mỗi gia đình lấy chữ ký “đồng ý” để phô trương có đến 90% hoặc cao hơn đã chấp thuận Hiến pháp sửa đổi thì liệu đảng có còn mặt mũi nào để cai trị nữa không?

Link:http://vietbao.com/D_1-2_2-67_4-205425_15-2

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link