Thursday, July 17, 2014

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-07-2014



Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-07-2014

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 19:12
Tác Giả: Lê Vy
 BRICS thách thức thế độc tôn của phương Tây
BRICS-SUMMIT 2


Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Brazil Dilma Roussef - REUTERS /Nacho Doce


Thượng đỉnh lần thứ 6 của nhóm các nước đang trỗi dậy BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi ) được tổ chức hôm qua (15/7/2014) tại Brasilia là đề tài thu hút sự chú ý của các nhật báo Pháp ra hôm nay (16/07/2014).
Mục kinh tế báo Le Figaro có bài viết : « Các quốc gia BRICS thách thức thế độc tôn của phương Tây ».

Le Figaro còn cho biết, mặc dù giữa 5 lãnh đạo quốc gia vẫn tồn tại những bất đồng, nhưng cuối cùng, nhóm BRICS cũng đã quyết định thành lập được ngân hàng và một quỹ dự trữ ngoại tệ chung. Dự án này được đưa ra từ 2 năm nay, nhưng cho đến bây giờ mới được thành lập.

Theo Le Figaro, mối bất đồng chính giữa các nhà lãnh đạo BRICS là nơi đặt trụ sở ngân hàng chung tương lai.
Thượng Hải được chọn làm trụ sở cho ngân hàng BRICS, trong khi Ấn Độ lại được chọn làm lãnh đạo nhiệm kỳ thứ nhất trong vòng 5 năm.

Với số vốn đóng góp ban đầu của các nước thành viên là 50 tỷ đô la, và sau này có thể lên đến 100 tỷ đô la, ngân hàng chung đóng vai trò tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, một điểm yếu của các nền kinh tế này, đặc biệt là Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Mauro Borges, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Brazil đánh giá « đây là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng của nhóm BRICS ».
Kinh tế của cả 5 quốc gia đang chậm lại do các yếu kém về mặt cơ cấu. Olivier de Boysson, thuộc ngân hàng Société générale, nhận định : « Các bước hoạt động của BRICS là hợp lý nhằm phá vỡ thế độc tôn của các nước phát triển, đặc biệt là trong khi các cải cách của Quỹ tiền tệ quốc tế FMI chẳng tiến triển gì ».
Các quốc gia BRICS cảm thấy ít có trọng lượng trong tổ chức này.

Ngân hàng chung của nhóm BRICS sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho các thành viên trong trường hợp khủng hoảng tiền tệ.
Một thông cáo của Thượng đỉnh cho biết, quỹ tiền tệ này sẽ chính thức hoạt động trong một năm tới và giúp các nước « tránh mọi áp lực ngắn hạn về thanh khoản ».
Bài báo nhắc lại cơn bão trên thị trường tài chính vào mùa hè năm 2013, sau khi Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ tuyên bố thắt chặt chính sách tiền tệ làm cho các nền kinh tế của nhóm BRICS điêu đứng, chỉ ngoại trừ có Trung Quốc là không bị ảnh hưởng.

Trên phương diện ngoại giao, Thượng đỉnh lần này cho phép tổng thống Nga thoát khỏi sự cô lập từ khi ông Putin bị loại ra khỏi nhóm 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới G8 do cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
Nhóm BRICS đã không áp đặt trừng phạt quốc tế lên Mátxcơva. Ngoài ra, Thượng đỉnh này là dịp để tân Thủ tướng Ấn Độ Modi có chuyến công du quốc tế đầu tiên và có dịp gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bản đồ các nước đang trỗi dậy có thể được nới rộng

Nhật báo Công giáo La Croix cũng bình luận về chủ đề này qua bài viết : « Bản đồ các quốc gia mới trỗi dậy có thể nới rộng ra ».
Tờ báo nhắc lại lịch sử thành lập của nhóm BRICS. Được thành lập vào cuối tháng 11/2001, ban đầu chỉ là BRIC không có « S » tức là không có Nam Phi. 13 năm sau, tổ chức này khuyếch trương ra và thu nhận thêm Nam Phi.

Nouriel Roubinin, kinh tế gia Mỹ muốn thay Nga bằng Indonesia để nhóm này trở thành BIICS. Ông Michel Fouquin thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế Cepii cũng giải thích, Nga là một quốc gia có tài nguyên dồi dào chứ không phải là đang trỗi dậy.
Kinh tế Nga chỉ dựa trên khí đốt và công nghiệp và đang gặp nhiều khó khăn. Indonesia mới thật sự là một quốc gia đang trỗi dậy, mặc dù còn một số khó khăn về cơ sở hạ tầng ».

Nhóm BRICS còn có thể kết nạp thêm các quốc gia khác như Bangladesh, Ethiopia, Nigeria, Việt Nam và Mehico. Sébastien Barbé thuộc ngân hàng Crédit agricole CIB xếp hầu hết các quốc gia Mỹ La Tinh và một phần Châu Á vào nhóm các nước mới trỗi dậy.

Trong khi đó, một số quốc gia thoát ra khỏi các tiêu chí về « các nước trỗi dậy » để gia nhập các quốc gia « công nghiệp ». Đó chính là trường hợp của Hàn Quốc, Singapore và một phần Đông Âu.
Theo La Croix, sự trỗi dậy của một nền kinh tế rất khó định lượng. Nó không chỉ thể hiện qua chỉ số tăng trưởng. Michel Fouquin thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế Cepii giải thích : « Một nước đang trỗi dậy là một quốc gia phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến như Trung Quốc hay các hoạt động dịch vụ như Ấn Độ.

Trái lại, lợi tức từ hầm mỏ như trường hợp của Châu Phi và Nga chỉ làm cho đất nước trỗi dậy được nếu biết sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên ». Các chuyên gia cho rằng khai thác nguồn tài nguyên giàu có sẽ giết chết các hoạt động khác và tạo điều kiện cho tham nhũng.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, các quốc gia trỗi dậy đã góp phần vào tăng trưởng thế giới những năm gần đây, giúp một số quốc gia phát triển không bị chìm xuồng sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản vào năm 2008.

Các quốc gia đang trỗi dậy ngày càng giàu thêm và trưởng thành hơn. Theo ông Sébastien Barbé thuộc ngân hàng Crédit agricole CIB, các quốc gia này đang làm thay đổi diện mạo hành tinh thành một thế giới đa cực.
Các thành viên ngày nay cần biết phối hợp hành động. Tuy nhiên, họ luôn gặp khó khăn về vấn đề này, vì mỗi người đều muốn làm việc theo logic riêng của mình.

Brazil lo lắng chuẩn bị Thế vận hội 2016

Sau thành công của World Cup 2014, giờ đây Brazil đang lo lắng chuẩn bị cho Thế vận hội 2016 tại Rio. Đây là đề tài được cả hai nhật báo Le Figaro và Les Echos quan tâm bình luận.
Theo Le Figaro, chỉ còn hai năm là đến Thế vận hội 2016, nhưng phần lớn các địa điểm thể thao và giao thông công cộng vẫn chưa sẵn sàng để đón sự kiện.

Qua một bài viết khác trên tờ Les Echos, nhật báo kinh tế nêu bật một số câu hỏi quanh ngân sách chuẩn bị cho Thế vận hội 2016. Kinh phí dự trù cho Thế vận hội hơn 12 tỷ euro, nhưng vẫn còn một số điểm mập mờ.
Viện kiểm toán nhà nước mới đây cho biết, một nửa các dự án thiếu sự giải thích rõ ràng. Hơn nữa, chi tiêu cho vận hội cho người khuyết tật Châu Mỹ được tổ chức tại Rio vào năm 2007 đã tăng gấp bội so với dự án ban đầu.

Chính quyền địa phương muốn tạo cho Thế vận hội một vỏ bọc hào nhoáng để thu hút các đối tác tư nhân lẫn nhà nước.
Các nhà tổ chức cho biết hơn nửa vốn đầu tư đến từ khu vực tư nhân. Eduardo Paes, thị trưởng Rio đã quyết định dời lại kỳ nghỉ hè từ tháng 7 sang tháng 8, khi Thế vận hội diễn ra tại Rio.
Ngược lại, đối với các ngày nghỉ lễ, ông không ban hành sắc lệnh nào để tránh nghẽn tắt giao thông như đã từng xảy ra tại World Cup.

Samsung ngưng hợp tác với một nhà cung ứng Trung Quốc

Mục kinh tế báo Le Monde hôm nay quan tâm đến việc tập đoàn Samsung ngưng hợp tác một nhà cung ứng Trung Quốc Shinyang Electronics, chuyên sản xuất vỏ hộp cho Samsung, do công ty này đã sử dụng lao động vị thành niên.

Theo Le Monde, tuổi lao động tối thiểu ở Trung Quốc là 16 tuổi, nhưng tập đoàn điện tử Samsung đã cam kết không tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi. Trẻ vị thành niên làm việc tại công xưởng Trung Quốc thường hiếm hơn tại Nam Á và Đông Nam Á.
Nhà sáng lập ra tổ chức China Labor Watch (CLW), chuyên bảo vệ công nhân Trung Quốc, giải thích, chỉ cần cài một người của Samsung vào Shinyang Electronics làm là có thể phát hiện ra được những công nhân vị thành niên.

Vào ngày thứ 3 làm việc cho Shinyang Electronics, nhân viên điều tra đã gặp một nhóm thanh niên trung học. Trong số đó, có một nam sinh và nữ sinh 14 tuổi, 3 thanh niên khác 15 tuổi.
Họ được tuyển dụng vào cuối tháng Sáu thông qua một trung tâm chuyên cung ứng nhân công thời vụ. Đây là một hình thức phổ biến, đặc biệt khi công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng và cần gia tăng sản xuất.

Các trẻ này được tuyển dụng không có hợp đồng lao động trực tiếp với công ty Shinyang Electronics, mà chỉ có thỏa thuận với trung tâm môi giới kia. Họ làm việc ban đêm và buộc phải có mặt từ 20h, nhưng chỉ được trả từ 20h30. Cộng với giờ nghỉ giải lao, các công nhân vị thành niên chỉ được trả 10 giờ lao động, nhưng trên thực tế họ làm đến 11giờ/ngày.
Ngoài ra, đối với giờ làm thêm, các trẻ này cũng chẳng được tăng lương như pháp luật Trung Quốc đã quy định, dẫn đến việc các em này mất đến 1/3 thu nhập so với những công nhân ký hợp đồng trực tiếp với Shinyang Electronics.

Le Monde cho biết, các lao động trẻ này không bị nhận dạng khi vào công xưởng làm việc như một thủ tục mà Samsung đã áp đặt để bảo đảm là chứng minh thư không bị tráo đổi. Do đó, chỉ cần nhân viên của trung tâm cung cấp nhân công mượn giấy tờ tùy thân của các công nhân được tuyển dụng chính thức để đưa cho các công nhân vị thành niên dùng thì các trẻ này sẽ không bị phát giác.

Kỹ thuật số phát triển nhanh chóng tại Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo La Croix hôm nay quan tâm đến lĩnh vực kỹ thuật số đang tăng mạnh tại Bắc Kinh.
Tại Trung Quan Thôn (Zhongguancun), một khu phố của thủ đô Bắc Kinh được xem như một Silicon Valley của Trung Quốc.
Nơi đây tập trung nhiều trụ sở công ty công nghệ kỹ thuật số Trung Quốc, nhiều trường đại học và các doanh nhân trẻ.

La Croix miêu tả, tại các quán cà phê sang trọng trên các con đường của khu phố này, thanh niên chuẩn bị những dự án sáng tạo để gặp và tìm kiếm nhà tài trợ. Mọi nghi thức, cung cách cư xử đều giống như tại Silicon Valley : người ta uống nước hoa quả và bàn về kế hoạch kinh doanh.
Không hề có một chuẩn mực nào về tác phong ăn mặc : các doanh nhân trẻ mặc quần short, đi sandale. Ai cũng có điện thoại thông minh, máy tính bảng và trao đổi với nhau về những ứng dụng mới trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực internet ngày càng đông và họ mang một tâm lý hoàn toàn mới. Tại đất nước của Mao, khi mà Đảng và nhà nước luôn tuyên bố dành ưu tiên cho sự thành công tập thể, thì thế hệ trẻ này đã đoạn tuyệt với tâm lý cũ.
Họ không ngại nói rằng họ muốn kiếm được nhiều tiền, muốn thành công cá nhân. Họ không hề oán trách chế độ vì theo họ, chính quyền cũng đã ủng hộ và cho họ đủ tự do để thành lập công ty.

Brazil, một bộ tộc tiếp xúc với bên ngoài

Mục điểm báo được kết thúc bằng bài viết trong mục khoa học trên tờ Le Figaro về một bộ tộc vừa ra khỏi rừng rậm Amazon để tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Một bộ tộc mà trước đây chưa ai khám phá ra đã bị cách ly với xã hội loài người.
Funai (tổ chức của chính phủ chuyên quản lý các vấn đề về dân bản địa) đã gửi nhóm chuyên gia về ngôn ngữ và y tế đến thực địa để phân tích loại ngôn ngữ và phiên dịch để tránh xung khắc với dân chúng gần đó.
Đồng thời, chuyên gia y tế cũng cố gắng bảo vệ cho bộ tộc này tránh các bệnh tật xa lạ với thế giới của họ. Tổ chức Funai ước tính, hiện còn khoảng 70 bộ tộc sống trong rừng rậm Amazon Brazil.

 

Ðình chiến thất bại, Hamas và Israel tiếp tục đánh nhau

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 20:48
Tác Giả: Người Việt

GAZA CITY (NV) - Cuộc hưu chiến giữa Israel và Hamas do Ai Cập đề nghị bất thành hôm Thứ Ba, trong khi hỏa tiễn vẫn tiếp tục bắn từ Gaza, và theo CNN, Israel trả đũa bằng những cuộc oanh kích.

Giới chức Israel nói dân quân Hamas vẫn không ngừng tấn công bằng hỏa tiễn từ Gaza. Về phần mình, Israel tự chế các cuộc oanh kích trong vòng sáu giờ trước khi loan báo bắt đầu các phi vụ trở lại.
Gaza-phaokich

Cảnh hoang tàn bị pháo kích ở Gaza. (Hình: AP Photo/Adel Hana)



Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF) cho biết, 47 hỏa tiễn đã bắn vào lãnh thổ Israel trong thời gian hưu chiến vốn không được phía Hamas chấp thuận.
Tính đến nay đã có hơn 190 người Palestine ở Gaza bị thiệt mạng và hơn 1,400 người khác bị thương.

Phía Israel, lần đầu tiên có một người chết hôm Thứ Hai, sau khi người này bị trúng đạn pháo.
Nạn nhân là tình nguyện viên cung cấp thực phẩm cho lính Israel tại trạm biên giới Erez.

Nội Các An Ninh Israel họp vào sớm hôm Thứ Ba, quyết định ngưng oanh kích bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng. Sáu giờ sau, cuộc tấn công khởi sự trở lại lúc 3 giờ chiều.
Theo lực lượng IDF, từ sáng sớm Thứ Ba, hơn 140 hỏa tiễn từ Gaza bắn sang Israel, tức trung bình một quả cho mỗi sáu phút.
Trong dịp này, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel tuyên bố: “Phe Hamas đã quyết định tiếp tục đánh nhau thì họ phải trả giá cho quyết định đó.” (TP)

 

Bachar al-Assad nhậm chức Tổng thống Syria

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 19:01
Tác Giả: Anh Vũ
SYRIA-CRISIS-ASSAD-tongthong

Ông Bachar al-Assad tuyên thệ nhậm chức Tổng thống - REUTERS /Syria TV via Reuters


Hôm nay 16/07/2014, ông Bachar al-Assad chính thức nhậm chức Tổng thống thêm một nhiệm kỳ 7 năm lãnh đạo đất nước Syria đang bị tàn phá bởi các cuộc nội chiến khốc liệt từ suốt hơn 3 năm qua.

Như một thách thức với thế giới phương Tây, từng hy vọng ông rời bỏ quyền lực nhanh chóng, Tổng thống Bachar   al-Assad, 48 tuổi đã đặt tay lên cuốn kinh Coran tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước các nghị sĩ và hàng nghìn khách mời tại dinh Tổng thống ở thủ đô Damas. Buổi lễ đã được truyền hình trực tiếp.

Trong một đất nước Syria bị kiệt quệ và hoang tàn vì cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của 170.000 người và đẩy hàng triệu người phải bỏ chạy lánh nạn, ông Bachar al-Assad đã tái đắc cử Tổng thống sau cuộc bầu cử ngày 03/06 vừa qua.

Bị những người chống đối cho là một trò hề của dân chủ, cuộc bầu cử Tổng thống này chỉ được tổ chức trong các vùng miền trung và miền bắc Syria, những nơi còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Damas.

Một phần lớn lãnh thổ Syria trên thực tế bị xé nát trong sự kiểm soát của của nhiều phe phái nổi dậy khác nhau.

Sau một thời gian khá dài tìm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria nhưng không thành công, giờ đây cộng đồng quốc tế dường như trở nên dửng dưng với cuộc nội chiến ở đất nước này.

 

Nhật muốn tái khởi động nhà máy hạt nhân

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 18:44
Tác Giả: Anh Vũ
genkai

Lò phản ứng Sendai của công ty điện lực Kyushu Electric Power - AFP


Hơn 3 năm sau tai hoạ hạt nhân Fukushima, hôm nay 16/07/2014, Cơ quan điều tiết hạt nhân Nhật Bản đã đưa ra thẩm định, theo đó hai lò phản ứng hạt nhân phát điện ở vùng Tây nam nước này đủ tiêu chuẩn an toàn.

 Kết luận đầy khó khăn này là một bước đi quan trọng tiến tới việc khởi động trở lại năng lượng hạt nhân trong thời gian tới ở Nhật.

Trong phiên họp sáng nay, các thành viên của Cơ quan điều tiết hạt nhân đã thông qua bản báo cáo dầy 420 trang, trong đó có đánh giá các thiết bị kỹ thuật của công ty Kyushu Electric Power sử dụng tại hai lò phản ứng phát điện Sendai 1 và 2 nằm ở phía tây nam Nhật đáp ứng đủ các chuẩn mực an toàn hạt nhân mới.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân độc lập của Nhật đưa ra kết luận thuận chiều cho việc tái khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện.

Để tránh tái diễn tai hoạ hạt nhân Fukushima xảy ra cách đây 3 năm, Cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Nhật đã rà soát lại toàn bộ hệ thống lò phản ứng hạt nhân của nước này và đưa ra những tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật ngặt nghèo, buộc các trung tâm hạt nhân phải có các biện pháp đủ để đối phó với những biến cố thiên tai như sóng thần, động đất, núi lửa phun, mưa bão và nhiều nguy cơ khác.

Chính vì những tiêu chí an toàn mới đó mà toàn bộ hệ thống 48 là phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã bị ngừng hoạt động, khiến cho Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu năng lượng làm thiệt hại không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Nội dung thẩm định trên còn phải được chính thức thông qua trong vòng 30 ngày tới sau khi lấy ý kiến nhân dân.
 Nếu mọi việc suôn sẻ, hai lò phải ứng hạt nhân Sendai 1 và 2 có thể được cấp phép để hoạt động trở lại vào tháng 8 tới đây.

Những đấu hiệu đèn xanh cho năng lượng hạt nhân hoạt động trở lại này đang mang lại hy vọng cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vốn rất quyết tâm duy trì năng lượng hạt nhân để phục hồi kinh tế, một chủ trương gây nhiều tranh cãi trong chính giới cũng như dư luận ở Nhật.

Thủ tướng Shinzo Abe hôm nay đã đánh giá những thẩm định của Cơ quan điều tiết hạt nhân Nhật là « một bước tiến, tôi muốn tiến tới việc tái khởi động (lò hạt nhân) có sự cảm thông của cộng đồng địa phương ».

Có thể giải thích cho quyết tâm phục hồi hoạt động năng lượng hạt nhân của chính phủ Nhật là cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Tokyo muốn tránh bị lệ thuộc năng lượng đồng thời chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại quá lớn do phải nhập khẩu khí đốt với giá đắt đỏ phục vụ các nhà máy nhiệt điện từ khi các lò phát điện hạt nhân bị đóng cửa.

Nhưng dù vượt qua được các chuẩn mực an toàn khắt khe của Cơ quan quản lý hạt nhân độc lập nói trên thì việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vẫn vấp sự chống đối của giới bảo vệ môi trường và một bộ phận khá đông người dân, vốn vẫn còn bị ám ảnh bởi mối nguy hiểm của hạt nhân, đặc biệt là từ sau tai nạn Fukushima.

Ngay trong ngày hôm nay 16/07/2014, đã có nhiều cuộc biểu tình của những người chống năng lượng hạt nhân, phản đối báo cáo thẩm định của Cơ quan điều tiết hạt nhân, cho rằng cơ quan này đã nhượng bộ trước sức ép của ngành công nghiệp hạt nhân và của chính phủ Shinzo Abe, đặt lợi ích kinh tế lên trên sự an toàn của người dân.

Năng lượng hạt nhân từng góp phần làm nên thần kỳ kinh tế Nhật trong những thập niên 1970 – 1980 thì nay lại là một trở ngại cho phát triển của đất nước này và năng lượng hạt nhân vẫn là sự lựa chọn khó khăn của chính phủ Nhật Bản.

 

Nhật muốn tái khởi động nhà máy hạt nhân

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 18:44
Tác Giả: Anh Vũ
genkai

Lò phản ứng Sendai của công ty điện lực Kyushu Electric Power - AFP


Hơn 3 năm sau tai hoạ hạt nhân Fukushima, hôm nay 16/07/2014, Cơ quan điều tiết hạt nhân Nhật Bản đã đưa ra thẩm định, theo đó hai lò phản ứng hạt nhân phát điện ở vùng Tây nam nước này đủ tiêu chuẩn an toàn.

 Kết luận đầy khó khăn này là một bước đi quan trọng tiến tới việc khởi động trở lại năng lượng hạt nhân trong thời gian tới ở Nhật.

Trong phiên họp sáng nay, các thành viên của Cơ quan điều tiết hạt nhân đã thông qua bản báo cáo dầy 420 trang, trong đó có đánh giá các thiết bị kỹ thuật của công ty Kyushu Electric Power sử dụng tại hai lò phản ứng phát điện Sendai 1 và 2 nằm ở phía tây nam Nhật đáp ứng đủ các chuẩn mực an toàn hạt nhân mới.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân độc lập của Nhật đưa ra kết luận thuận chiều cho việc tái khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện.

Để tránh tái diễn tai hoạ hạt nhân Fukushima xảy ra cách đây 3 năm, Cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Nhật đã rà soát lại toàn bộ hệ thống lò phản ứng hạt nhân của nước này và đưa ra những tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật ngặt nghèo, buộc các trung tâm hạt nhân phải có các biện pháp đủ để đối phó với những biến cố thiên tai như sóng thần, động đất, núi lửa phun, mưa bão và nhiều nguy cơ khác.

Chính vì những tiêu chí an toàn mới đó mà toàn bộ hệ thống 48 là phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã bị ngừng hoạt động, khiến cho Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu năng lượng làm thiệt hại không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Nội dung thẩm định trên còn phải được chính thức thông qua trong vòng 30 ngày tới sau khi lấy ý kiến nhân dân.
 Nếu mọi việc suôn sẻ, hai lò phải ứng hạt nhân Sendai 1 và 2 có thể được cấp phép để hoạt động trở lại vào tháng 8 tới đây.

Những đấu hiệu đèn xanh cho năng lượng hạt nhân hoạt động trở lại này đang mang lại hy vọng cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vốn rất quyết tâm duy trì năng lượng hạt nhân để phục hồi kinh tế, một chủ trương gây nhiều tranh cãi trong chính giới cũng như dư luận ở Nhật.

Thủ tướng Shinzo Abe hôm nay đã đánh giá những thẩm định của Cơ quan điều tiết hạt nhân Nhật là « một bước tiến, tôi muốn tiến tới việc tái khởi động (lò hạt nhân) có sự cảm thông của cộng đồng địa phương ».

Có thể giải thích cho quyết tâm phục hồi hoạt động năng lượng hạt nhân của chính phủ Nhật là cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Tokyo muốn tránh bị lệ thuộc năng lượng đồng thời chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại quá lớn do phải nhập khẩu khí đốt với giá đắt đỏ phục vụ các nhà máy nhiệt điện từ khi các lò phát điện hạt nhân bị đóng cửa.

Nhưng dù vượt qua được các chuẩn mực an toàn khắt khe của Cơ quan quản lý hạt nhân độc lập nói trên thì việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vẫn vấp sự chống đối của giới bảo vệ môi trường và một bộ phận khá đông người dân, vốn vẫn còn bị ám ảnh bởi mối nguy hiểm của hạt nhân, đặc biệt là từ sau tai nạn Fukushima.

Ngay trong ngày hôm nay 16/07/2014, đã có nhiều cuộc biểu tình của những người chống năng lượng hạt nhân, phản đối báo cáo thẩm định của Cơ quan điều tiết hạt nhân, cho rằng cơ quan này đã nhượng bộ trước sức ép của ngành công nghiệp hạt nhân và của chính phủ Shinzo Abe, đặt lợi ích kinh tế lên trên sự an toàn của người dân.

Năng lượng hạt nhân từng góp phần làm nên thần kỳ kinh tế Nhật trong những thập niên 1970 – 1980 thì nay lại là một trở ngại cho phát triển của đất nước này và năng lượng hạt nhân vẫn là sự lựa chọn khó khăn của chính phủ Nhật Bản.

 

Mỹ-Hàn tập trận bất chấp phản ứng của Bình Nhưỡng

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 18:36
Tác Giả: Mai Vân
core e du sud 2


Hàn Quốc và Hoa Kỳ tập trận ngoài khơi cảng Mokpo - REUTERS /South Korean Navy /Yonhap


Theo đúng kế hoạch, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã khởi động vào hôm nay, 16/07/2014 một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp dự trù kéo dài 5 ngày ở vùng Biển Nhật Bản.
Vào cùng một thời điểm, một cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn khác cũng được tổ chức ngoài khơi cảng Mokpo ở miền Nam Hàn Quốc.
Hai cuộc tập trận đồng thời này đã được tiến hành bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng, đã liên tục bắn pháo và phóng tên lửa thị uy trong những ngày qua.

Cuộc tập trận ngoài khơi cảng Mokpo được đặc biệt chú ý vì được đặt dưới quyền điều động của hàng không mẫu hạm nguyên tử Mỹ USS George Washington.
Chiếc tàu này cũng sẽ tham gia một cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn trên biển vào tuần tới với lực lượng hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chính sự hiện diện của chiếc tàu sân bay George Washington đã khiến cho Bình Nhưỡng đặc biệt tức giận.
Bắc Triều Tiên đã tố cáo một hành động khiêu khích "thô bạo", thể hiện một chính sách "ngoại giao pháo hạm" thời hiện đại.

Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vẫn diễn ra cho dù trước đó, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử nghiệm tên lửa bất thường, và cho bắn pháo thị uy gần vùng ranh giới trên biển với Hàn Quốc.

Vụ phô trương gần đây nhất xẩy ra hôm thứ Hai 14/07, với 100 quả đạn pháo được bắn ra biển Hoa Đông.
Hàng năm, Hàn Quốc và Hoa Kỳ luôn tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển và trên bộ, và lần nào cũng bị Bình Nhưỡng lên án là nhằm chuẩn bị cho chiến dịch xâm lược miền Bắc.

Seoul và Washington ngược lại luôn khẳng định là các cuộc diễn tập quân sự chung của mình chỉ mang tính chất phòng thủ.
Điểm đáng chú ý là các vụ thử tên lửa và bắn pháo gần đây của Bắc Triều Tiên đã được tiến hành cùng lúc với các đề nghị hòa bình khác nhau được chuyển đến Seoul, trong đó có một đề nghị đình chỉ mọi hoạt động quân sự khiêu khích.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã cáo buộc Bình Nhưỡng là có một "thái độ hai mặt", vừa đề nghị giảm căng thẳng, vứa tiếp tục phóng tên lửa.
Cho dù vậy, ngày mai 17/07, sẽ có một cuộc gặp gỡ hiếm hoi của quan chức hai bên để thảo luận về việc Bắc Triều Tiên tham gia Á vận hội sắp tới tại thành phố cảng Incheon của Hàn Quốc.

 

Trung Quốc có ý đồ thâu tóm tài nguyên châu Mỹ La tinh

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 18:30
Tác Giả: Mai Vân
BRICS-SUMMIT-BANK


Sau Brazil, ông Tập Cận Bình mở chiến dịch "chiêu dụ" các nước trong vùng trước vòng công du Châu Mỹ La tinh - Reuters


Về phần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông sẽ mở chiến dịch "chiêu dụ" các quốc gia trong vùng trước khi thực hiện vòng công du Châu Mỹ La tinh, sau các hội nghị tại Brazil.

Bắc Kinh chính thức cho đây là một vòng công du để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng thật ra, theo Heike Schmidt, thông tín viên RFI tại Trung Quốc, thì chuyến đi này nhằm củng cố thế đứng của Bắc Kinh ở Châu Mỹ La tinh và để Trung Quốc đảm bảo được nguồn cung cấp dầu hỏa và tài nguyên thiên nhiên cho mình.

"Đây là chuyến đi Châu Mỹ La tinh lần thứ 2 của ông Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái. Nó cho thấy là Trung Quốc quyết tâm áp đặt sự hiện diện của mình tại một khu vực vốn là sân sau của Mỹ.

Với trao đổi thương mại lên đến 260 tỷ đô la, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực ngày nay quan trọng hơn gấp 20 lần so với năm 2000. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại thứ hai trong vùng sau Hoa Kỳ.

Báo giới chính thức ở Bắc Kinh, thường quen thuộc với những lời lẽ đường mật, đã nói đến nào là 'hỗ trợ, thịnh vượng chung chia sẻ kinh nghiệm...' Nhưng thật ra mục tiêu của Trung Quốc là tìm tài nguyên và nguyên liệu rẻ như đồng, thép, nickel, đậu nành và nhất là dầu hỏa.

Brazil, Achentina, Venezuela có những tài nguyên quý báu mà Trung Quốc đang cần.
Năm 2013, Venezuela đã xuất sang Trung Quốc 600.000 thùng dầu mỗi ngày, và Bắc kinh muốn tăng lên thành 1 triệu thùng/ngày trong những năm tới đây, để trở nên khách hàng số 1 của Venezuela."

 

13 ngư dân bị Trung Quốc bắt sắp về đến Việt Nam

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 18:25
Tác Giả: Thụy My
Tauca VN


Tuy Trung Quốc thả ngư dân Quảng Ngãi nhưng lại tịch thu ngư cụ và tàu cá Việt Nam - Reuters


Theo nguồn tin ngoại giao hôm 15/07/2014, các ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ gồm sáu ngư dân tàu cá Quảng Ngãi QNg 94912 Ts và bảy ngư dân tàu cá Quảng Bình QB 93256 Ts, đã được trả tự do và đang trên đường về nước.

Tuy nhiên Trung Quốc đã tự tiện tịch thu chiếc tàu của ngư dân Quảng Ngãi cùng toàn bộ ngư cụ và hải sản đánh bắt được của hai tàu cá.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, cả 13 ngư dân bị bắt hiện đang trên đường về nước trên chiếc tàu cá Quảng Bình ; các đại diện ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc đang tiếp tục làm việc về vấn đề này.

Theo báo chí trong nước, sáng 23/6 tàu cá QB 93256 Ts của ông Nguyễn Văn Thành (xã Quảng Xuân huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình) đang hành nghề tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ thì bị 4 tàu quân sự, 2 tàu hải cảnh và 4 máy bay Trung Quốc xua đuổi, bắt giữ chiếc tàu cùng với bảy ngư dân.

Sau đó ngày 3/7, tàu cá số hiệu QNg 94912 Ts của ông Võ Đạt (xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi) đang đánh cá ở Vịnh Bắc Bộ cũng bị tàu quân sự Trung Quốc bao vây, khống chế buộc chạy về hướng đảo Hải Nam, bắt giữ chiếc tàu và sáu ngư dân.
Cả 13 ngư dân Việt Nam đều bị giam ở cảng Tam Á, thành phố Tam Á tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Báo chí Việt Nam chỉ đưa tin chừng mực về sự kiện này, riêng việc 7 ngư dân Quảng Bình bị bắt trước đó trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 10/7 vẫn chưa được nhắc đến.

Chỉ có hai tổ chức là Hội Nghề cá Việt Nam ra công văn phản đối hành động của Trung Quốc, và Hội Nhà báo Độc lập ra tuyên bố đặt vấn đề trách nhiệm và tính minh bạch của chính quyền Hà Nội qua sự kiện trên.

Theo thống kê của ông André Menras tức Hồ Cương Quyết, tác giả bộ phim « Hoàng Sa – Việt Nam nỗi đau mất mát », từ năm 2002 đến nay đã có 500 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc ngang ngược bắt giữ ngay trên vùng biển của đất nước mình, ít nhất 30 ngư dân thiệt mạng và 121 chiếc tàu cá bị đánh chìm.

Trong khi đó chỉ riêng năm 2011, Hàn Quốc đã bắt giữ đến 500 tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép.

 Philippines cũng bắt các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép, mà vụ mới nhất vào ngày 11/5.
Thậm chí Bắc Triều Tiên, quốc gia bị cô lập lệ thuộc rất nhiều vào Bắc Kinh, cũng không ngần ngại bắt giữ tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải nước mình như hồi tháng 5/2012.

 

Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Hải Nam

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 18:06
Tác Giả: Anh Vũ
HD-981


Trung Quốc quyết định rời giàn khoan Hải Dương 981 về bờ biển gần đảo Hải Nam (DR)


Tân Hoa Xã hôm nay 16/07/2014, loan tin Bắc Kinh đã quyết định rời giàn khoan Hải Dương 981, được kéo vào hạ đặt trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng Năm, về bờ biển gần đảo Hải Nam.

Hà Nội ngay lập tức phản ứng yêu cầu Trung Quốc không được tái diễn việc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam.
Theo Tân Hoa Xã giàn khoan đã hoàn thành xong nhiệm vụ khoan thăm dò dầu khí như mục tiêu đã định.

Tập đoàn dầu khí Trung Quốc National Petroleum Corp (CNPC) từ giờ chuyển qua giai đoạn nghiên cứu các mẫu thu được trong thời gian hoạt động vừa rồi để có thể quyết định những hoạt động tiếp theo.

Cơ quan thông tấn chính thức Trung Quốc cho biết thêm chi tiết là giàn khoan HD-981 sẽ trở lại vùng biển gần đảo Hải Nam.
Việc giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển ra khỏi vùng biển Việt Nam đã được lực lượng cảnh sát biển theo dõi sát và báo chí tại Việt Nam dẫn lời Phó tư lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, ông Dương Ngọc Thu cho biết :
« Từ tối qua (15/07/2014), Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về hướng đảo Hải Nam và đến sáng nay, giàn khoan 981 cùng tàu hộ tống bảo vệ đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam».

Ngay lập tức hôm nay, Hà Nội đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh không đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào vùng biển của Việt Nam.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố :
"Một lần nữa, VN khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 từ đầu tháng Năm đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
 Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn hai tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế".

Thông tin về việc Trung Quốc rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển Việt Nam cũng là chủ đề nóng của một phiên họp của chính phủ Việt Nam hôm nay.

Theo trang tin VietnamNet, sau khi nghe báo cáo về tình hình giàn khoan di rời khỏi vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã « yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan những như những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển Việt Nam ».

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam 130 hải lý từ hôm 2/5/2014 đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong mọi tầng lớp người dân tại Việt Nam.

Một số lãnh đạo cao cấp Việt Nam cũng đã có những phản ứng gay gắt trước hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

 

Bán anh em xa mua láng giềng gần?

Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 12:13
Tác Giả: Lê Diễn Ðức

bachtuoc hihoaĐịnh mệnh đã đặt Việt Nam nằm sát Trung Quốc. Suốt mấy ngàn năm, người láng giềng phương Bắc lúc nào cũng xem Việt Nam như là một tỉnh của mình và lăm le xâm chiếm.

Ba lần Bắc thuộc, từ năm 189 trước công nguyên đến năm 514, gần một ngàn năm, là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam với chính sách đô hộ và đồng hoá. Thời nhà Minh, chúng còn thực thi bành trướng nền văn minh Hoa Hạ, xóa bỏ nền văn minh sông Hồng, như đốt, phá và chở về Trung Quốc các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, thiến hoạn đàn ông Việt. Các triều đình Trung Quốc đã không thể đồng hóa được người Việt. Dù bị ảnh hưởng sâu sắc tập quán và văn hoá Trung Quốc, người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, nhờ tính dân tộc và tinh thần tự chủ. Đây là thất bại lớn nhất của quân bành trướng phương Bắc.

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Hà Nội, sáng ngày 1/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “trong lịch sử, va chạm với người láng giềng này xảy ra nhiều lần lắm rồi...".

Ông ta dùng từ "va chạm" là cố ý nói cho nhẹ đi. Thực tế, không phải là những va chạm bình thường. Mỗi lần "va chạm" là mỗi lần quân Trung Quốc xua đại quân tiến xuống phía nam: Nhà Tống (năm 1075), nhà Minh (1407), nhà Thanh (1789), xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và chiếm đóng một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Phía gây hấn và tiến hành xâm lược luôn luôn là Trung Quốc.

Tâm thức văn hoá nô dịch dường như đã thấm vào máu thịt của những người lãnh đạo Việt Nam hôm nay. Vẫn là não trạng e sợ nước lớn và tự xem mình bị lệ thuộc.

Vua Lý Công Uẩn đã từng sai sai sứ sang cầu phong, hoàng đế nhà Tống cho làm "Giao chỉ quận vương", sau lại gia phong làm "Nam Bình vương" vào năm 1017 (thời Tống Chân Tông).

Vua Lê Lợi cũng sai sứ sang Trung Quốc cầu phong nhà Minh mặc dù chính ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, đánh tan tác 20 vạn quân Minh xâm lược.

Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, cũng không khác, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, ông cũng nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với phương Bắc và cầu vua Càn Long của Trung Quốc phong vương.

Thế nhưng đó là thời kỳ phong kiến, các quốc gia mạnh có thể mang quân đi xâm lược thôn tính nước khác. Giờ đây là thế kỷ 21. Đã có những định chế và tổ chức quổc tế bảo vệ trật tự thế giới. Một trong những nguyên tắc ứng xử trong bang giao của các thành viên Liên Hiệp Quốc là tôn trọng quyền tự quyết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Chúng ta hãy xem ba nước cộng hoà vùng Baltic: Estonia, Lithuania và Latvia. Cả ba nước nhỏ bé này đều bị Liên Xô xâm lược và chiếm đóng. Năm 1990-1991 Liên Xô sụp đổ và tan rã, cả ba nước tuyên bố độc lập và trở thành những quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Họ nhanh chóng gia nhập khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO (2001- 2004), Liên minh châu Âu (2004) và trở thành những nước phát triển nhanh, mặc dù trước đó phụ thuộc rất nặng nề vào Liên Xô.

Tham gia khối quân sự NATO, ba nước cộng hoà Baltic không nhằm chống lại nước Nga. Nhưng trong trường hợp con gấu láng giềng Nga khổng lồ duơng nanh vuốt ra, họ sẽ được bảo vệ và đáp trả bằng điều 5 của Hiệp ước Washington "tấn công một nước thành viên là tấn công cả khối NATO".

Gần hơn, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), một hòn đảo nằm sát nách Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã có lúc đe doạ tấn công bằng vũ lực, nhưng cũng huyênh hoang một lúc rồi thôi, bởi vì Mao ý thức được rằng, xung đột với Đài Loan là đụng tới Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979 của Hoa Kỳ.

Hàn Quốc cũng là một quốc gia châu Á đáng được chú ý. Kể từ năm 1953 sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam-Bắc, tại Hàn Quốc vẫn duy trì gần 30 ngàn lính Mỹ để đề phòng nguy cơ tấn công của phía Bắc và Trung Quốc. Được bảo đảm an ninh, Hàn Quốc đã làm nên những diệu kỳ diệu trên sông Hàn, trở thành một nền kinh tế đứng thứ 14 thế giới (2013).

Trong thực tế, các nước láng giềng lớn ỷ thế mạnh luôn muốn có sự ảnh hưởng của mình lên các nước nhỏ. Vẫn có những nước coi thường luật pháp quốc tế. Nước Nga của Putin đã sát nhập Cremea và hỗ trợ phiến quân gây rối ở vùng Đông Ukraina, chính là vì Ukraina chưa có chỗ dựa của một đồng minh (cả về kinh tế lẫn quân sự). Cũng tương tự như với Gruzia (Georgia).

Như vậy, với một nước nhỏ, con đường duy nhất có thể ngăn ngừa được ý đồ xâm lược của nước lớn láng giềng là liên minh quân sự với các quốc gia khác. Liên minh không phải để chống bất kỳ quốc gia nào, mà để bảo vệ an ninh cho chính mình.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố không liên minh với ai để chống lại nước thứ ba, thực sự ám chỉ nước thứ ba là Trung Quôc, vì họ đang thực thi chính sách phò Tàu. Một nuớc nhỏ hơn, không ngu dại gì gây chiến tranh với nước lớn láng giềng lớn.

Việt Nam bị bó tay và túng quẫn vì lời tuyên bố nêu trên của nhà cầm quyền Hà Nội, trước sự xâm phạm chủ quyền ngày càng trắng trợn của Trung Quốc.

Chính sách phò Trung Quốc để bám giữ và duy trì hệ thống độc tài toàn trị là nguyên nhân cốt lõi của những bế tắc hiện nay. Nhà cầm quyền cũng chẳng hế giấu giếm. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã từng nói (trên tờ Tuổi Trẻ Online 1/01/2013):

 "Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Khăng khăng giữ "sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội" mà đến hết thể kỷ 21 cũng chưa biết tới chưa (lời của Nguyễn Phú Trọng), thì làm sao có thể liên minh quân sự với các nước dân chủ phương Tây, cho dù có muốn.

Trong hơn hai thập niên qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dường như mở toang cửa đón Trung Quốc vào mặc sức tung hoành, ngậm dấm dần lãnh thổ bằng các biện pháp kinh tế. Các cuộc trúng tổng thầu EPC của Trung Quốc chắc chắn mang lại những lợi ích riêng không nhỏ. Nhà cầm quyền bị kẹt cứng trong vũng lầy ý thức hệ và những lợi lộc từ các dự án.

Cố đấm ăn xôi như vậy nên bị hiếp đáp, trở mặt, Hà Nội vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Và rõ ràng chẳng có cách nào trong bối cảnh ấy có thể "sinh sống hoà bình, hữu nghị với nhau, dĩ nhiên, hoà bình, hữu nghị vẫn phải giữ được độc lập chủ quyền”.

Những cuộc chiến võ mồm của các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội đến Thủ tướng, đều tuyên bố chắc nịch "không lùi bước trước sự đe dọa độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Thấm chí Thủ tướng còn tuyên bố "chính phủ đã chuẩn bị tình huống xấu nhất". Tình huống xấu nhất là gì? Trung Quốc sẽ phong toả, cấm vận kinh tế? Không bao giờ! Trung Quốc đang được nhà cầm quyền cộng sản "cho" quá nhiều. Hầu hết các dự án xây dựng nhá máy điện, khai thác khoáng sản, đường cao tốc, hoá chất, dầu khí, xi măng.... Dự án Formosa ở khu Vũng Áng được thuê 70 năm đang đòi trở thành đặc khu trực thuộc Văn phòng chính phủ. Chiến tranh ư? Càng không! Để mất cả chì lẫn chài sao!

ông Trần Kinh Nghị, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch, viết:

"Xem ra những gì vị lãnh đạo tối cao của đất nước vừa nói đều đã được nói trước nay, không có gì mới, trong khi tình hình Trung Quốc (TQ) lấn chiếm biển đảo thì hoàn toàn mới và đang ngày càng diễn biến rất khẩn trương và phức tạp. Đã có quá đủ bằng chứng để cho thấy TQ đã dứt khoát vứt bỏ quan hệ hữu nghị láng giềng, anh em và ý thức hệ… nhằm đạt mục tiêu độc chiếm biển Đông mà trong đó VN là đối tượng chính và trước tiên. Vậy mà người đứng đầu Việt Nam (VN) vẫn gọi TQ “bạn láng giềng lớn”… “muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, không thể lựa chọn, thay đổi được, có ai chọn được láng giềng đâu”.

"Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán nước ,và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau tuyên bố với thế giới “VN không liên minh với ai…”. Làm sao phải “chưa khảo mà xưng” như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược?".

"Bán anh em xa mua láng giềng gần" đúng trong bối cảnh xã hội con người với nhau, nhưng đưa lên tầm quốc gia với quốc gia đã không còn chính xác. Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc thì người láng giềng phương Bắc đã mua đứt tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam chứ không phải là ngược lại!

 

Vô ơn

  • In bài này
Thứ Tư, 16 tháng Bảy năm 2014 12:12
Tác Giả: Nguời Quan Sát

 Cali Today News - Sự thật lịch sử chưa bao giờ được chính quyền Việt Nam tôn trọng. Ngược lại, họ còn bịa đặt, thêm thắt, che giấu để phục vụ cho mục đích cai trị của mình.

Thế hệ học sinh, sinh viên và ngay cả những người lớn tuổi ở miền Nam Việt Nam ngày nay rất ít được biết về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989. Nếu có thì họ được biết về cuộc chiến tranh với Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam hoặc số ít thạo tin được nghe từ những đài phát thanh ở ngoại quốc. Từ sau hội nghị Thành Đô mà bè lũ lãnh đạo CSVN qua Trung Quốc để ký những thỏa thuận giữa hai đảng, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cấm tiệt trên các phương tiện truyền thông, báo chí trong nước. Nguyên nhân có thể là do đảng cầm quyền ở Việt Nam không muốn mất lòng người bạn vàng Trung Cộng và muốn người dân không được nghĩ xấu về người đồng chí tốt của đảng. Nhưng theo những người lớn tuổi sinh trưởng ở miền Bắc kể lại, trước khi có những thỏa thuận nhớp nhúa ở Thành Đô hồi tháng 10-1990, hằng ngày trên các báo, đài trong nước vẫn nói về tội ác của Trung Cộng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

tranngocloi
Đại úy Trần Ngọc Lợi-một cựu chiến binh từng tham chiến ở Vị Xuyên năm 1984. Ảnh: Tuổi Trẻ

Đã rất nhiều thanh niên Việt Nam đã ngã xuống để gìn giữ từng tấc đất của cha ông, thương thay, họ lại bị chính những đồng chí, lãnh đạo của họ cho vào quên lãng. Rất nhiều xác người vẫn nằm lại ở chiến địa mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa được chính quyền để mắt. Chính quyền mãi lo chửi bới Mỹ, kể ra rả trên đài về cuộc chiến tranh chống Mỹ, trong khi cuộc chiến với Trung Quốc sau này lại cấm tiệt. Trong cuộc chiến với người Mỹ, Việt Nam không hề mất một tấc đất nào, nhưng trong cuộc chiến với Trung Cộng, rất nhiều đất đai của cha ông, tiền nhân đã lọt vào tay giặc mà chính quyền CSVN với sự bất tài của mình đã không giữ được.

Những hy sinh của các chiến binh đã ngã xuống trong cuộc với Trung Cộng tưởng chừng như không bao giờ được nhắc đến, sự vô ơn của lãnh đạo CSVN tưởng rằng sẽ được giấu kín thì bổng dưng trong những ngày gần đây báo chí Việt Nam lại cho đăng loạt bài về cuộc chiến ở Vị Xuyên xảy ra hồi năm 1984. Cay đắng, xót xa là những thứ mà chúng ta có thể ra sau khi đọc những bài báo trên. 30 năm kể từ khi cuộc chiến nổ ra, và 24 năm sau người ta mới biết được trên báo. Những hy sinh, chết chóc, tội ác của Trung Cộng không được chính quyền CSVN ghi lại trên sách sử. Sử của thời Cộng sản chỉ viết về cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, lịch sử thời Cộng Sản không chống Trung Cộng bao giờ. Muốn lịch sử đúng với sự thật, có cả cuộc chiến với Trung Cộng chỉ trừ khi chế độ Cộng Sản này sụp đổ.

Có lẽ không chế độ nào lại vô ơn như chính quyền CSVN hiện tại, ngay cả những người đã ngã xuống để bảo vệ, xây đắp vững chắc cho ngôi vị độc tài lãnh đạo như ngày nay cũng không được họ nhắc đến. Rất nhiều người quyền cao chức trọng, giàu có chính là nhờ những người đã nằm xuống. Người chết không thể nói, người chết cũng không hành động, bày tỏ thái độ phản đối để tố cáo sự vô ơn của chính quyền. Trong khi bất cứ chống đối nào từ lãnh đạo CSVN với Trung Cộng cũng sẽ khiến cho địa vị cai trị của họ bị lung lay.

Một chi tiết trong bài “Cuộc chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên: Bi thương-hào hùng” được khởi đăng trên tờ Tuổi Trẻ khiến ta chua xót. Cựu chiến binh Trần Ngọc Lợi-nguyên đại úy, trợ lý tác chiến pháo binh sư đoàn 356 cho biết, vào năm 1988 khi sư đoàn giải thể, không còn phiên hiệu trong Quân đội nhân dân Việt Nam nữa thì những thương binh muốn làm chế độ chính sách không ai chứng nhận nữa. Rất nhiều người không biết về cuộc chiến ở Hà Giang. Và cay đắng hơn khi phóng viên hỏi ông Lợi, làm cách nào để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống một cách thiết thực nhất, ông này chỉ mong muốn đơn giản là Bộ Quốc phòng có chính sách tổ chức tìm lại hài cốt của cán bộ, chiến sỹ. Rất nhiều người đã ngã xuống mà không hề có bất cứ chương trình tìm kiếm nào từ chính quyền CSVN. Tất cả những việc tìm kiếm chỉ là tự phát.

Chưa dừng ở đó cựu chiến binh Trần Ngọc Lợi còn cho biết thêm rằng, những gia đình có thân nhân ngã xuống họ buồn lắm, những người đã hy sinh ngay trên đất nước của mình, để bảo vệ Tổ quốc lại không thể tìm được. Chừng ấy nghĩa trang nhưng có gì đâu, có tên nhưng không có người. Chúng ta có thể tìm mộ các chiến sỹ từ thời chiến tranh chống Mỹ, còn chiến tranh chống Trung Quốc gần hơn thì không làm được. Từng ấy lời, nhẹ nhàng nhưng như hàng ngàn mũi kim đâm thấu tận tim khiến độc giả đau xót, căm phẫn. Những lời nói ấy cũng chính là sự tố cáo về sự vô ơn của chính quyền Việt Nam đã hành xử đối với những người vị quốc vong thân.

Loạt bài viết về cuộc chiến Vị Xuyên nhân tưởng niệm 30 năm không đơn thuần là viết về một biến cố lịch sử, một cuộc chiến tang thương, bi hùng. Nó không chỉ làm cho độc giả nhớ về một thời những người đã ngã xuống, mà đằng sau nó còn gợi lại cho chúng ta về tội ác của Trung Cộng đối với nhân dân, đất nước Việt Nam. Và thông qua loạt bài về cuộc chiến Vị Xuyên, phần nào tố cáo sự vô nhân đạo, vô ơn, bất kính, che giấu và không tôn trọng lịch sử của chính quyền CSVN.

Hãy dành cho những người ngã xuống sự biết ơn sâu sắc, vì rằng dù ở phía nào thì mọi hy sinh vì Tổ quốc đều đáng trân trọng.

THƯ GIÃN

CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM

Câu chuyện về một bà mẹ già ở Miền Tây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.

Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đáng tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.

Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: "Mẹ...Mẹ ơi..."

Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng: "Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con."

Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ!

VOA: Tài Liệu Video

RFA: TIN TỨC VIDEO HẰNG NGÀY

Thơ Vui


Chú Cuội Hằng Nga

Mùa hè trời nóng cháy da.
Hằng Nga ngồi dựa gốc đa mệt đừ.
Ngủ gà, ngủ gật ngắt ngư.
Áo xiêm tung xổ, hở từng khoảnh da.
Thằng cuội trông thấy xuýt xoa.
Nguyên một khỏang rốn Hằng Nga trắng ngần.
Cuội sờ thấy mịn như bông.
Xoa đi, xoa lại, mặt trông dại khờ.
Hằng nga chợt tỉnh, làm ngơ.
Thằng cuội vẫn cứ tỉnh bơ xoa hoài.
Hằng nga tát mấy bạt tai
“Cái đồ đần độn chả ai như mày”
Cái rốn thì có gì hay.
Sao không xuống khoảng gang tay hả…Khờ…
--
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "huynhdekito" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to huynhdekito+unsubscribe@googlegroups.com.
To post to this group, send email to huynhdekito@googlegroups.com.
To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/huynhdekito/SNT145-W523440DD14D8F9F98C420BBCF40%40phx.gbl?utm_medium=email&utm_source=footer.
For more options, visit https://groups.google.com/d/optout.

__._,_.___

Posted by: Quang Nguyen 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link