Tại sao chúng ta cần nhà văn?
- In
- Ý kiến
(16)
- Chia sẻ:
Tin liên hệ
- Chiến tranh
lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc
- Quyền được
biết
- Việt Nam cần
làm gì?
- Về văn học
miền Nam 1954-1975 (2)
- Về văn học
miền Nam 1954-1975 (1)
- Văn học và
chính trị
Nguyễn Hưng Quốc
07.08.2014
Tôi mới đọc trên
tờ The Sydney Morning Herald bài viết của Elizabeth Farrelly với nhan
đề “Tại sao chúng ta cần nhà văn?” (Why we need writers). Bài viết, từ một nhà
báo, thành thực mà nói, không có gì sâu sắc. Nhưng tôi bị mê hoặc bởi cái nhan
đề. Hình như, từ lâu, tự trong tâm thức, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi ấy. Tại
sao chúng ta cần nhà văn?
Cần, dĩ nhiên,
không phải để giải trí. Đã đành, đọc sách cũng là một cách giải trí phổ biến,
và khá lành mạnh (trừ những loại sách quá nhảm nhí). Nhưng đó không phải là lý
do chính để người ta đọc sách. Với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ và của
các kỹ thuật liên quan đến giải trí, người ta có thể tìm vui bằng vô số cách
thức khác nhau, từ việc xem ti vi, nghe nhạc, chơi game trên internet hoặc tán
dóc với bạn bè trên các diễn đàn mạng. Người ta không nhất thiết phải cắm cúi
và cặm cụi đọc những cuốn sách dày cộm và nặng trịch hàng năm bảy trăm trang. Không,
mục tiêu giải trí, tuy có thật, nhưng chắc chắn đó không phải là mục tiêu
chính.
Tôi cho lý do
chính khiến chúng ta cần các nhà văn là vì nhu cầu nhận thức hơn là giải trí,
hoặc nếu muốn gọi là giải trí thì đó là một thứ giải trí “cao cấp” của đầu óc:
qua việc đọc sách, người ta được ngao du vào một thế giới khác, thế giới tưởng
tượng của các nhà văn và nhà thơ. So với phim ảnh, thế giới ấy đa dạng, đa sắc
và đa tầng hơn, ở đó, chúng ta không những nhìn thấy con người, những sự tương
tác giữa con người cũng như các diễn biến quanh co phức tạp của cuộc sống, mà
còn nhìn thấy được những chuyển biến tinh tế bên trong của những con người ấy.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta giao tiếp với người này người khác, kể cả
những người thân yêu nhất của mình, nhưng chúng ta không bao giờ “đọc” được
những ý nghĩ hoặc cảm xúc thầm kín của họ. Chúng ta chỉ cảm, và, khi cần, đoán,
nhưng không thấy. Làm sao bạn có thể biết được những người sắp chết nghĩ gì;
những người mới bắt đầu chớm yêu nhau cảm xúc ra sao? Trong đời sống, hầu như
không ai kể cho chúng ta nghe những điều ấy cả. Tất cả những điều ấy chỉ có thể
thấy được trong văn chương.
Chính vì có thể
đọc được thế giới bên trong của con người như thế, lâu nay, nhiều nhà
nghiên cứu cho rằng văn chương giúp chúng ta hiểu rõ con người một cách sâu sắc
hơn. Thực tình, tôi không dám chắc là những người đọc thơ văn nhiều sẽ am tường
tâm lý nhân loại hơn những người ít đọc. Tuy nhiên, tôi tin chắc một điều: việc
đọc thơ văn nhiều sẽ giúp chúng ta hiểu được tâm hồn của một thời đại hoặc một
thế hệ hơn. Cũng có thể nói, cách khác, một thời đại không có văn chương là một
thời đại không có tâm hồn.
Cứ tưởng tượng
giai đoạn 1930-45 mà không có tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới thì sao
nhỉ? Thì chúng ta không biết gì về các diễn biến trong tâm hồn và ý thức của
thế hệ ấy cả, chứ sao? Nhờ tiểu thuyết và thơ thời ấy, chúng ta biết được, giữa
cơn đại suy thoái trên thế giới và Thế chiến thứ hai, ở Việt Nam, đã có sự xuất
hiện của ý thức cá nhân chủ nghĩa và những khao khát về tình cảm gắn liền với ý
thức ấy, từ những khao khát về tình yêu và hạnh phúc đến những khao khát khẳng
định bản sắc cá nhân.
Trong mấy thập
niên vừa qua, nhất là những năm đầu sau phong trào đổi mới tại Việt Nam, nếu
không có những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, làm sao chúng ta có thể thấy
được những đổ vỡ trong quan hệ giữa người và người trong xu hướng thương mại
hoá; nếu không có các truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, làm sao chúng ta thấy được
những tác động dữ dội của xu hướng đô thị hoá đối với tính cách của con người
cũng như quan hệ giữa họ với nhau; nếu không có các cuốn tiểu thuyết của Dương
Thu Hương, làm sao chúng ta thấy được sự đổ vỡ niềm tin của cả một thế hệ từng
hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt trước năm 1975?
Cũng vậy, sẽ không
ai có thể hiểu được cộng đồng Việt Nam lưu vong sau năm 1975 nếu không đọc thơ
của Cao Tần, Thanh Nam, Mai Thảo hay tuỳ bút của Võ Phiến và Nguyễn Bá Trạc:
Tất cả đều cho chúng ta thấy không phải chỉ có những con số vô hồn của những
người vượt biên, những nguy hiểm mà họ phải gánh chịu từ bão tố đến hải tặc mà
còn cả những tâm trạng ngỡ ngàng, hoang mang của những người bỗng dựng bị đẩy
tạt ra ngoại quốc, sống trong một môi trường hoàn toàn khác, từ cấu trúc xã hội
đến ngôn ngữ và văn hoá.
Còn bây giờ? Hằng
ngày chúng ta chứng kiến bao nhiêu biến cố, từ những biến cố nhỏ nhoi trong xã
hội đến những biến cố lớn lao của đất nước; những biến cố ấy ít nhiều đã được
nhiều người ghi chép và phân tích. Nhưng còn tâm trạng chung của mọi người khi
đối diện với những biến cố ấy ra sao? Câu hỏi ấy, theo tôi, chỉ được trả lời
khi có một cây bút thật tài hoa xuất hiện.
Nói một cách tóm
tắt, có nhiều lý do khiến chúng ta cần nhà văn và nhà thơ. Ở đây, tôi chỉ tập
trung vào một lý do chính: Chúng ta cần họ vì, qua tác phẩm của họ, chúng ta
mới có thể nhìn thấy được tâm hồn của một thời đại, một thế hệ, trong đó có
chính chúng ta. Không có họ, thời đại ấy, dù có nhiều sóng gió và bão táp đến
mấy vẫn chỉ là một vùng quên lãng.
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự
đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ
Hoa Kỳ.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment