Thursday, August 14, 2014

Dân oan khắp nơi kéo về Ngô Thì Nhậm, lại biểu tình !

Dân oan khắp nơi kéo về Ngô Thì Nhậm, lại biểu tình !

14.08.2014

Dân oan cứ ngày ngày biểu tình, đòi đất đòi người - ai sẽ cứu họ, ai sẽ giải quyết quyền lợi chính đáng cho họ ?



Blog Lê Hiền Đức


Khi bàn tay cán bộ nhà nước cũng vấy máu…

Mạnh Quân

Thông tin về việc ông Lê Trung Kiên, Phó trưởng ban Tổ chức Quận uỷ Cầu Giấy, thành phố Hà Nội bị Công an bắt giữ do có liên quan đến việc môi giới thuê “xã hội đen” giết người trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội đang gây xôn xao dư luận. Cơ quan điều tra đã bước đầu đưa kết luận về việc ông Kiên giới thiệu.
JPEG - 46 kb
Nơi xảy ra vụ án mạng liên quan đến việc môi giới thuê “xã hội đen” giết người trên đường Phạm Văn Đồng.

Vụ việc gây ồn ào, không chỉ về mức độ dã man, nghiêm trọng của những kẻ sát nhân, mà ở chỗ một cán bộ có chức sắc trong cơ quan nhà nước lại có thể tham gia vào một tội ác nghiêm trọng như vậy.

Nguyên nhân, mức độ phạm tội của ông Lê Trung Kiên đến đâu, cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Bước đầu cơ quan công an xác định ông này cung cấp số đt của xã hội đen cho kẻ thuê giết người - việc này đã cho thấy, ông ta có quan hệ mật thiết thế nào đến giới tội phạm.

Nhưng từ góc độ người dân, với các thông tin nói trên, có thể thấy mức độ ảnh hưởng, và niềm tin của dân với những người làm việc trong bộ máy, sống bằng ngân sách, tiền thuế của doanh nghiệp, của người dân đóng góp... sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Không chỉ có ông Lê Trung Kiên, gần đây, đã xảy ra không ít vụ việc cho thấy, không ít cán bộ, nhân viên trong bộ máy, ở chỗ này, chỗ khác đã biến chất nghiêm trọng với cùng một hành vi: bắt tay với những kẻ lâu nay vẫn được gọi là “xã hội đen” để mưu lợi cá nhân.
Tại một hội nghị về an toàn giao thông hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã thẳng thắn nói rằng: “Có hiện tượng xã hội đen bảo kê dẫn đường cho xe quá tải, móc nối làm luật, dẫn xe quá tải tránh trạm cân. Trong khi đó một bộ phận cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông làm nhiệm vụ có hành vi tiếp tay và móc nối tạo ra tiêu cực”. Mặc dù cũng có ý kiến tranh luận trái chiều từ cơ quan khác, nhưng những bằng chứng bằng hình ảnh, vật chứng…mà người đứng đầu một Bộ lớn của Nhà nước đưa ra rất thuyết phục để khẳng định tình trạng những đoàn xe lớn, quá tải trọng “ung dung đi” trước mặc các cơ quan chính quyền, cảnh sát giao thông…là những hoạt động "nằm ngoài hệ thống pháp luật VN”.
Hay trước đó, đầu tháng 6.2014, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM cũng đã khởi tố, bắt giữ 2 cán bộ hải quan TP HCM vì có hành vi cấu kết với một nhóm buôn lậu, nhập lậu 10 lô hàng lớn… cho thấy, những vụ cán bộ, nhân viên nhà nước bắt tay với giới tội phạm để ăn, chia không còn là hiếm hoi mà nó có thể xảy ra ở nơi này, nơi khác. Một dấu hiệu rất đáng báo động.

Tất cả những vụ việc như vậy ảnh hưởng tới niềm tin của dân vào hiệu quả, sự chính trực trong công việc của cán bộ nhà nước, của bộ máy nhà nước. Mức độ cảnh báo cao hơn, đó là có những cán bộ, công chức, thậm chí cả nhóm… ăn lương ngân sách lại đi bắt tay với những kẻ trực tiếp, thường xuyên phạm tội, thậm chí là tội ác để kiếm tiền bất chính.

Gần đây, ở một số nơi, người dân đã có hành động tự xử như thấy kẻ bắt trộm chó thì đánh chết người nghi trộm; bắt được kẻ nghi trộm xe… thì lột trần, đánh “hội đồng”… tuy là những hành động vi phạm pháp luật nhưng phải chăng, nó xuất phát từ sự thiếu tin tưởng của người dân ở những cơ quan công quyền, có những cán bộ thoái hóa, biến chất, không còn đảm bảo cho sự bình yên, an toàn cho cuộc sống của họ ?

Cho dù, nói như lời một số lãnh đạo nhà nước, những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật là những “con sâu”, thậm chí có nơi có cả “bầy sâu”… thì với những cán bộ nhà nước như ông Lê Trung Kiên, những người bắt tay với “xã hội đen” bảo kê cho những đoàn xe vận tải… thì đó thực sự là những “con sâu” đã quá độc, cần sớm sàng lọc, phát hiện để đưa ra khỏi bộ máy. Nếu không, chúng tiếp tục làm hại dân lành
Nguồn: FB Mạnh Quân

Cựa quậy và dấn thân cho tự do báo chí

Tâm Don

Đối với tôi, nền báo chí chính thống ở Việt Nam hiện nay- nền báo chí lề phải, là một nền báo chí ngờ nghệch và hèn nhát.
Ngờ nghệch và hèn nhát
Hàng triệu người ở đất nước này, hàng trăm triệu người trên trái đất này cảm nhận được điều này. Nhưng tôi là người trong cuộc, tôi cảm nhận được điều này một cách rõ ràng hơn, cụ thể hơn những người ngoài cuộc. Rất nhiều chuyện cụ thể cười ra nước mắt chứng minh cho sự hèn nhát và ngờ nghệch. Quá nhiều. Kể ra chỉ thêm xát muối vào lòng tự trọng, chỉ thêm xót xa và cay đắng.

Ngay bản thân đội ngũ những người làm báo Việt Nam từ lâu cũng đã nhận thức được sự hèn nhát của chính mình, sự áp đặt phi lý của nhà cầm quyền đối với nền báo chí lệ thuộc vào ngân sách bao cấp và nhân sự bao cấp. Nhiều tổng biên tập đã thú nhận với phóng viên: "Chúng ta ăn cơm của họ (Đảng và Nhà nước), uống nước của họ thì phải làm theo họ thôi. Đã làm người thì không thể chặt đứt ngón tay đã giúp mình đưa bánh mì vào miệng, hay nói theo ông cha mình, ăn cây nào phải rào cây ấy". Lời tâm sự này đã nói lên tất cả đặc trưng của nền báo chí Việt Nam: Nô dịch, đớn hèn và đau khổ.

Nhiều nhà báo có lương tri đã nhận thức được điều này. Thời nhạc sĩ Trần Hoàn đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ văn hóa- thông tin (một trong những chức năng của bộ này là quản lý nền báo chí quốc doanh), báo chí bị o ép trăm bề. 

Những người làm báo đã chế lời mới cho ca khúc LỜI NGƯỜI RA ĐI của chính Trần Hoàn để oán thán Trần Hoàn, để ai điếu cho một nền báo chí: "Nền báo chí còn Trần Hoàn thì còn gian khổ em ơi! Bút còn đây, giấy còn đây, nghị quyết này ta chép ra thôi....".

Nhưng than vãn chỉ để mà than vãn, không có một nhà báo nào đủ dũng khí để hành động phản kháng.
Cựa quậy…

Không phản kháng không có nghĩa là không có nhà báo nào cựa quậy. Có rất nhiều nhà báo đã cựa quậy.
Từ năm 1967, một số nhà báo ở Hà Nội đã cựa quậy, và, họ đã bị tù đày, quản thúc. Năm 1990, nhà báo Bùi Tín đã cựa quậy, và, sự đào thoát của ông đã cung cấp cho nhân loại những thông tin cay đắng về một hành tinh cô đơn.

Thập niên 90 của thế kỷ 20, báo Tuổi Trẻ đã cựa quậy, và hậu quả là Tổng biên tập Kim Hạnh mất chức, nhiều phóng viên và biên tập viên mất việc. Nhiều phóng viên phải chịu cảnh tù đày do những bản án mang tính dằn mặt và bỏ túi của nhà cầm quyền.

Nhà báo Huy Đức không chỉ cựa quậy với tác phẩm BÊN THẮNG CUỘC vào năm 2012 mà trước đó đã cựa quậy với BỨC TƯỜNG BERLIN vào năm 2008. Nhà báo Trương Duy Nhất cũng đã cựa quậy bằng cách bỏ việc trong một cơ quan báo chí quốc doanh để tự do hơn, để có MỘT GÓC NHÌN KHÁC, dù biết rằng sẽ đối diện với lao tù.

Khi Internet trở nên phổ biến ở Việt Nam, làng báo Việt Nam cựa quậy và thức tỉnh nhiều hơn. Nhiều nhà báo đã viết nhiều bài báo đúng nghĩa bằng chính danh hay ẩn danh. Trong thế giới mạng ngày càng phát triển, họ đã góp phần làm nên những trang web lừng danh như BASAM, BOXITVN mà theo đánh giá của tôi là hiện tượng, là đột phá của cả một nền báo chí trong buổi giao thời đầy giông bão.

Dấn thân thầm lặng
Tôi chơi thân và kính trọng nhà báo lão thành Phan Duy Thảo. Đối với tôi, ông là một người bạn, người anh và là một người thầy. 

Ông thông minh, trung thực, tốt bụng và gàn dở như chính các ông đồ xứ Nghệ quê ông. Có thể Phan Duy Thảo không nhận thức được rằng, chủ nghĩa cộng sản là một “quái thai ghê tởm” của nhân loại, Đảng cộng sản Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến sự đói nghèo của đất nước, nhưng Phan Duy Thảo nhận thức được rằng, ông và gia đình ông cũng như hàng triệu người khác trên đất nước này đang phải sống trong một xã hội dối trá và bất an.

 Vào năm 1991, khi mọi người đang hồ hởi với sự đổi mới, Phan Duy Thảo đã viết bài thơ CHUYỆN TẾU ĐÊM NAY CÃI CHÀY VỚI VỢ nhân dịp Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Ông đã khổ sở nhiều với bài thơ này. Chỉ thị miệng đã được ban ra: sẽ không cho in trên báo, sẽ không cho đọc trong đêm thơ của các nhà báo nếu không thay tựa của bài thơ và sửa bỏ một số câu trong bài. 

Phan Duy Thảo đã phải ngậm ngùi gọt giũa đứa con tinh thần của mình để được đọc trong đêm thơ, để bài thơ được in ấn. Nhưng với những kẻ tâm giao, ông vẫn đọc bản gốc.

Tôi mạn phép trích dẫn một phần bản gốc bài thơ của ông mà tôi nhớ được:
“Em lại trách: Anh chỉ nghề viết lách!

 Thì em xem cũng chưa thật là nghề
Viết đã khó mà lách thì chưa nổi
Hứng lên rồi còn bia bọt cà phê
Nghề anh chọn nơi dòng đời xiết mạnh
Làm thân cò lặn lội với bờ sông.
Nói thật với em đời nay có nhiều loại báo
Báo cáo - báo tườn g- báo ân - báo oán
Riêng với em, anh nhận nghiệp báo cô”
23 năm trước, Phan Duy Thảo đã thức tỉnh, đã cựa quậy khi nhận thức được rằng "đời nay có nhiều loại báo: báo cáo - báo tường - báo ân - báo oán". Thật đáng để nghiêng mình thi lễ.
Lão báo đại sư yêu mến ơi, hiện đang có nhiều nhà báo trong một nền báo chí hèn nhát và ngờ nghệch cựa quậy và dấn thân lắm đấy, họ cựa quậy và dấn thân thầm lặng trong bối cảnh rất nhiều nhà báo đang gào lên như lang sói khi phải sống quá lâu giữa bầy lang sói.
Tâm Don
Nguồn: Việt Nam Thời Báo

PHỤ NỮ VIỆT NAM TỆ LẮM KHÔNG?

Tuấn Khanh/ Blog Tuấn Khanh
Hot girl miền Tây ( Ảnh lấy từ 360 ảnh đẹp)
Trong không gian tâm tình ngập ngụa phong cách tabloid của báo chí Việt Nam, mới đây khi độc giả còn chưa kịp hết ngỡ ngàng về bài viết căn dặn đàn ông khôn ngoan đừng bao giờ lấy vợ Bắc, thì lại thấy bài viết khác xuất hiện, nói rằng đừng bao giờ lấy chọn gái Nam vì chuẩn “3N”, mà quan trọng là trong đó có chữ “ngu”.

Chẳng phải lần đầu tiên “tiêu chuẩn” của vùng miền được bày ra, tạo nên những cuộc tranh cãi trên báo chí Việt Nam, bao gồm cả những ngôn ngữ và ý kiến hạ thấp nhau, nhưng với đợt bài viết lần này, nó không những chỉ ra sự dốt nát và tồi tệ của người viết, tổng biên tập tờ báo… mà còn chỉ ra phần nội thương không bao giờ được chữa lành trong lòng dân tộc Việt, dù có cờ trống hô vang bao nhiêu đi nữa về việc thống nhất địa lý, nay đã gần 40 năm.
Gọi là nội thương, vì trong những câu chuyện tưởng chừng như là lời nhận định riêng tư, chia sẻ, thì nó lại ẩn giấu không biết bao nhiêu là điều nhầy nhụa của lòng kỳ thị, chán ghét lẫn nhau. Sự phân biệt Bắc Nam trước đây có thể chỉ là những nhận định mang tính dân gian, nhưng nhờ vào những bài viết như vậy, mới bật ra được một thực tế rằng sự kỳ thị đó vẫn nằm trong đầu của nhiều người, kể cả những người có quyền cho đăng hay không những bài viết như vậy. Một thực tế bật ra về chuyện dân tộc Việt có những lớp người như đang miễn cưỡng phải chung sống với nhau, dựa trên lý do có quá nhiều sự khác biệt, ghét bỏ nhau về văn hoá, chính trị, đời sống… trong suốt mấy mươi năm chia cắt vì chiến tranh, chia cắt về quan điểm, mà mãi chưa quen được vì sự chung đụng trong thời thống nhất và phát triển đầy bất cập .

Nhưng hãy tạm thời gác lại câu chuyện nội thương cho một bài viết khác, ở đây, chúng ta hãy nói về người phụ nữ Việt Nam trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một anh bạn làm báo lâu năm ở Miền Nam, khi đọc bài viết này, đã tức giận gửi thư cho toà soạn phát hành bài viết này, rằng nếu không rút xuống và xin lỗi, anh sẽ gửi đơn kiện vì phỉ báng phụ nữ miền Nam. 

Cũng giống như trước đó, một bạn nữ người Hà Nội cũng làm trong nghề báo, khi đọc được những dòng mỉa mai phụ nữ Bắc, đã viết trên facebook “chắc phải bỏ nghề thôi, báo chí bây giờ thật thối nát kinh tởm”. 

Nhưng cần nhìn kỹ hơn, báo chí thối nát cũng chỉ là một phần. Thối nát đến từ âm mưu thoả hiệp cho xuất hiện những ý tưởng ngu xuẩn đó, cũng như thối nát nằm sẳn trong đầu của giới lãnh đạo truyền thông, mà chắc chắn là những người tự gọi là đàn ông.

Những người phụ nữ miền Bắc lặng lẽ đọc từng câu chỉ trích cay nghiệt về mình, và rồi tới những người phụ nữ miền Nam sửng sờ thấy mình bị xô về phía tệ hại nhất. Họ bị từng nhát dao của nền báo chí vinh quang xã hội chủ nghĩa lách vào từng đường gân, thớ thịt, cắt móc và trưng bày như những món hàng định giá để được chọn. Trong những bài sớ tâu lên vua chúa Trung Quốc ngày xưa, giới quan lại phục vụ cho sự hưởng thụ của triều đình vẫn phân loại phụ nữ ở Giang Nam, Tô Châu… với những đặc tính khác nhau cho dễ chọn lựa.

 Chỉ vài bài viết của nền báo chí xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại hôm nay, với cách phân loại phụ nữ cho nhu cầu của mình, Việt Nam hôm nay sao nghe không khác gì một triều đại phong kiến đang thối nát mục rữa, và phụ nữ bị xếp vào một đẳng cấp hèn mọn.

Chúng ta đừng bao giờ ngạc nhiên khi lâu nay, các đoạn video bắt được phụ nữ bán dâm, công an chỉ làm nhục và phô bày họ, còn giới mua dâm là đàn ông – thì luôn phải được dè dặt tính toán là có nên công khai tên họ hay không. Trở lại câu chuyện năm 2011, làm chấn động khắp nơi về ông hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm Sầm Đức Xương ở Hà Giang, sau khi bị phát hiện là cưỡng dâm, mở đường dây bán dâm phục vụ cho quan chức từ học sinh nữ của trường mình quản lý, thì chỉ có các nữ sinh là luôn khốn đốn trong vòng vây chính quyền.

Phụ nữ Việt Nam tệ lắm không? Và từ lúc nào, họ trở nên bé mọn và dễ dàng bị chà đạp như vậy trong xã hội hiện tại, được ca ngợi là một xã hội đáng sống nhất? Những câu chuyện cũ được nhắc lại, chỉ để giới thiệu những điều sỉ nhục dễ dàng đến với phụ nữ Việt hôm nay, là một tiến trình, chứ không là vô tình. Nó xé rách những vỏ bọc màu mè và sáo rỗng về quyền con người và giá trị phụ nữ Việt trong cuộc sống này, vẫn được tuyên truyền vào từng đợt lễ lạc hay thậm tuyên như những trò hề.

Trong một chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam, tôi vô tình ngồi gần các cô gái miền Tây đi lấy chồng xứ người. Khi hỏi thăm về gia cảnh, tôi được biết một sự thật khác so với những gì báo chí hay nói. Hầu hết những người phụ nữ trẻ này chọn lấy người chồng ở rất xa vì muốn giúp điều gì đó cho gia đình, và tự mình muốn thoát khỏi cuộc sống không lối thoát ở thôn quê. Khi hỏi về vấn nạn bị chồng Đài Loan đánh đập, một cô gái đã cười hồn nhiên nói “Không phải ai cũng bị như vậy, báo chí nói quá. 

Nhưng nếu như có bị đánh ở Đài Loan, tụi em còn được báo chí xứ đó lên tiếng giùm, chứ ở Việt Nam, lấy một ông chồng say xỉn rồi bị đánh chết cũng không ai lo cho mình”. Dĩ nhiên đây là một trong nhiều cách để giải thích cho chuyện phụ nữ miền Tây Nam Bộ Việt Nam ồ ạt lấy chồng ngoại quốc sau 1975, kể từ thời Nhà nước xã hội chủ nghĩa nắm quyền, nhưng không thể ngu ngốc và hoang tưởng như một vị tiến sĩ xã hội học, đảng viên CSVN, từng nhận định rằng do ít ý thức về đức hạnh mà phụ nữ Nam Bộ thường hay lấy chồng ngoại.

Sau sự kiện các bài viết đầy tính kỳ thị, và xúc phạm người phụ nữ Việt vào giữa tháng 8/2014, nhiều nơi đã rút bài đăng lại xuống, do sự phản ứng của độc giả. Nhưng đó không là một tín hiệu hoàn toàn tốt. Cội rễ của sự thối nát truyền thông vẫn đâu đó, lùi bước chỉ là một cách đối phó. Rồi đây chúng ta sẽ lại bắt gặp những đề tài như vậy nay mai. Xin đừng tức giận mà hãy đếm, vì đó là những tiếng chuông cuối cùng, báo hiệu sự cáo chung của nền báo chí lá cải xã hội chủ nghĩa, vốn được dung dưỡng bấy lâu nay.




No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link