Friday, November 14, 2014

Bỏ chống ngoại xâm để bảo vệ Mác


Bỏ chống ngoại xâm để bảo vệ Mác















Phạm Trần (Danlambao) - Đội ngũ loa phường (tuyên truyền) và dư luận viên của Ban Tuyên giáo và Quân đội nhân dân Việt Nam đã quên bổn phận bảo vệ Tổ quốc nhưng lại vênh váo thuần phục kẻ thù và tung hô xác chết để giữ quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng.

Những nội dung này đã đồng loạt xuất hiện trên hai báo điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh cầm đầu và báo Quân đội Nhân dân của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng vào dịp kỷ niệm 97 năm Cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga (17/11/1917-17/11/2014).

Nhưng trong những cố gắng tối đa ấy cũng thấy xuất hiện sự sợ hãi suy tàn đang chờ đợi đảng CSVN vì lãnh đạo đã nhìn nhận “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng.”

Tại sao?

Vì chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đã chết trong thực tế từ năm 1991, đánh dấu thời kỳ cáo chung của Thế giới Cộng sản do Nga sô lãnh đạo vì đã cai trị bằng độc tài, hà khắc và sống trên xác chết của dân.
Những khuyết tật của đạo đức giả, lối sống bóc lột sức dân, tham lam vô đáy và tiêu diệt các quyền con người của những kẻ cầm quyền trong các chế độ Cộng sản trên Thế giới là nguyên nhân làm sụp đổ Thế giới Cộng sản.

Vì vậy, khi các lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN không còn khả năng giáo dục cán bộ, đảng viên để duy trì “quan hệ máu thịt” với nhân dân hay thực hành câu tuyên truyền “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” thì nguy cơ tan rã đã báo hiệu.

Thất bại lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau 3 năm cầm quyền (từ 19/01/2011) là ông đã không thực hiện được như đã hứa với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”

Thực trạng đất nước

Tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (suy thoái tư tưởng) trong cán bộ, đảng viên, kể cả số không ít lãnh đạo không còn tin vào sự thành công của chủ nghĩa Cộng sản đã gia tăng.

“Quốc nạn” tham nhũng càng ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn. Quan liêu, lãng phí, nhóm lợi ích, chủ nghĩa cá nhân, chạy chức chạy quyền, đè nén, áp bức dân, đàn áp cưỡng chế tài sản của dân đem bán cho con buôn hay xây dựng bằng tiền dân rồi bỏ cho cỏ mọc hoang nuôi trâu bò v.v... là những chuyện không còn xảy ra từng ngày mà từng phút, từng giây trong hệ thống cai trị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo với Quốc hội ngày 20/10 (2014): "Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí có mặt còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại nhiều cơ quan chưa hiệu quả. Một số vụ án xử lý chậm. Công tác kiểm tra thanh tra hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Công tác giám định tư pháp còn bất cập. Lãng phí thời gian và nguồn lực trong xã hội còn lớn. Trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của một số ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều.”

Ngoài xã hội, giáo dục con em để tạo thành tích, sách giáo khoa lạc hậu, manh múng trong thi cử, bắt dân đóng góp ngoài tiêu chuẩn, học trò không biết sử Việt bằng truyện Tầu, tiếng Mỹ học xong nói không ai hiểu, tốt nghiệp đại học mà không biết làm gì, không có nghề để được thu nhận, tội ác do thanh thiếu niên gây ra tăng cao, nạn nghiện ngập, trộm cướp hoành hành, băng đảng lên ngôi “hoàng đế” ở nhiều khu phố, tỉnh, huyện và luật rừng đã thay pháp luật là những tệ nạn không ai trong Chính quyền dám phủ nhận.

Chuyện “cát tặc”, “lâm tặc”, “mỏ tặc”, “quặng hiếm bán chui qua biên giới cho thương lái Trung Quốc”, “hàng chui, hàng lậu, hàng bẩn độc hại từ Trung Quốc cứ tự do thông thương giết kinh tế, hàng hóa Việt từ bao năm nay mà nhà nước cứ coi như “giao hảo bình thường trong tình nghĩa vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Ngay đến chuyện bệnh viện quá tải, một giường nhà thương nằm 3 bệnh nhân, nằm la liệt trên sàn nhà, ngoài hành lang, lều chõng người thăm nuôi ngổn ngang hơn trại tị nạn ở Trung Đông. Rồi chuyện Bác sĩ chẩn bệnh, biên toa mua thuốc tùy vào số tiền “lót tay” nhiều hay ít, tiền y tá, cứu thương thu ngoài luồng cũng gấp chục lần hơn tiền lương tuy là những chuyện đau lòng cho dân nhưng lại “rất bình thường” với Nhà nước vì xưa nay vẫn thế!

Nền kinh tế sau 3 năm gọi là “tái cơ cấu”, báo cáo của Chính phủ với Quốc hội ngày 20/10 (2014 viết: "Tái cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo và tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP còn thấp so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu đề ra. Tái cơ cấu đầu tư công một số nơi triển khai chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn; việc thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiệu quả chưa cao. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.”

Trong lĩnh vực xã hội, ông Dũng báo cáo: "Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư còn lớn. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn lớn, nhất là trong thanh niên. Nợ và chậm đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều. Nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội còn hạn hẹp. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn. Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thông tin truyền thông nhiều mặt còn hạn chế. Chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng. Tệ nạn xã hội nhiều nơi còn phức tạp.”

Kẻ thù là bạn ai?

Trong khi ấy thì Trung Cộng đã công khai bành trướng lãnh thổ chiếm được của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách kiến thiết các bãi đáp máy bay, bến cảng, biến 8 bãi đá chiếm ở Trường Sa năm 1988 thành đảo nhân tạo và xây dựng kiên cố đảo Chữ Thập thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa mà nhà nước Cộng sản Việt Nam chỉ biết tiếp tục phản đối và tái khẳng định bằng điệp khúc “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.”

Và ông Thủ tướng Dũng cũng chỉ biết hứa với Quốc hội rằng Việt Nam: "Kiên quyết đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế xã hội.”

Nhưng thế nào là các "giải pháp phù hợp” vì thực tế nhà nước Việt Nam đã không còn làm chủ tình hình an ninh trên Biển Đông từ Hoàng Sa xuống Trường Sa.

Chẳng những thế, sau các cuộc họp tại Hà Nội ngày 27/10 (2014) giữa Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì với các ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sáng và Phò Thủ tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh, phía Việt Nam đã đồng ý “hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông” với Trung Cộng, đòi hỏi cốt lõi của lãnh đạo Bắc Kinh từ thời Đặng Tiểu Bình (1979).

Tin chính thức của Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên xác nhận đòi hỏi của Trung Cộng đã được Việt Nam đáp ứng: “Hai bên thực hiện nghiêm chỉnh nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, căn cứ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển. Dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, sớm triển khai công việc khảo sát chung, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đi đôi với hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhất trí với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc gặp tại Mi-lan, I-ta-li-a ngày 16/10/2014.”

Mấy chữ “đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đi đôi với hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này” có ý nghĩa quan trọng vì đã vượt ra khỏi ranh giới được gọi là “lằn vắt ngang” (phân ranh giới) ở vịnh Bắc Bộ ghi trong thỏa hiệp tháng 6/2013 giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình. Và như vậy là Việt Nam đã phải nhượng bộ đòi hỏi từ bấy lâu nay của Trung Cộng để đổi lấy sự an toàn chính trị.

Bảo vệ Mác cho ai?

Một đất nước Việt Nam ngày nay như thế mà khi người dân lên tiếng đòi tự do, dân chủ và quyền con người để bảo vệ quyền lợi và sự vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc trước hiểm họa xâm lược của Trung Cộng thì lại bị đàn áp dã man ở Sài Gòn và Ha Nội từ năm 2011 đến nay.

Như vậy thì còn gì giá trị của câu nói “Không gì quý hơn độc lập, tự do” của ông Hồ Chí Minh mà đảng CSVN đã tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức để tuyên truyền và bảo vệ?

Nhưng khi lòng dân không còn tin vào cán bộ thì đảng viên cũng mất niềm tin vào đảng thì có phải đảng đã đi sai đường khi tiếp tục cho mình độc quyền lãnh đạo đất nước như ghi trong Điều 4 Hiến pháp 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”?

Những thay đổi của Thế giới từ khi Nga và các nước Cộng sản ở Đông Âu tan rã từ 1989 đến năm 1991 đã chứng minh, nếu có tự do và dân chủ, không dân tộc nào trên thế giới đã dại dột lao đầu vào gông cùm của Cộng sản.

Vậy mà ở Việt Nam gần cuối năm 2014, Ban Tuyên giáo và báo Quân đội Nhân dân đã phổ biến một số bài viết tuyên truyền để cổ võ cho cuộc Cách mạng tháng 10 Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin và hết lời ca tụng đường lối cai trị đất nước của đảng CSVN từ khi Hồ Chí Minh “nhập cảng” vào Việt Nam thứ Chủ nghĩa sát nhân này để thực hiện cuộc được gọi là “Cách mạng mùa Thu 1945”.

Trong bài này, tôi (Phạm Trần) chỉ nêu ra 3 trường hợp:

Trong bài viết của tác giả Phương Đông trên Tạp chí Cộng sản ngày 5/11/2014, cơ quan lý luận của đảng lập luận: “Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, trên thế giới, chủ nghĩa xã hội đang trải qua thời kỳ đầy khó khăn, thử thách. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội được thể lu loa đủ điều nhằm bôi nhọ và hạ thấp hình ảnh của Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng này là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Họ cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ có ý nghĩa địa phương, chỉ có giá trị thuần túy Nga; qua đó, phủ nhận tính tất yếu và biện chứng của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung, đồng thời đi tới phủ nhận tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.”

Phương Đông viết tiếp: "Tuy đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng chủ nghĩa xã hội vẫn đứng trước triển vọng to lớn, bởi lẽ, con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử nhân loại, đem lại tự do, hạnh phúc thật sự cho loài người tiến bộ. Không ai và không một thế lực nào có thể phủ định hoặc hạ thấp được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm vóc và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười nga đối với tiến trình lịch sử nhân loại. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng cũng nhất định tiến tới chủ nghĩa xã hội.”

Lập luận mơ hồ và viển vông này cũng đã được ghi vào Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” (Bổ sung và phát triền năm 2011) của đảng CSVN: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”

Nhưng thứ “chủ nghĩa xã hội” mà đảng CSVN cổ võ từ bấy lâu nay là cái gì, thiên đàng hay địa ngục thì lịch sử của nhân loại đã trả lời với nhiều trăm triệu con người vô tội đã chết tức tưởi dưới tay người Cộng sản.

Ngay cả đảng CSVN cũng chưa trả nợ với nhân dân về hàng nghìn mạng sống người dân, kể cả những ân nhân của ông Hồ đã bị chôn sống, bắn chết trong Cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu từ 1953 đến 1956.

Quân đội Cộng sản Việt Nam vẫn còn nợ trên 5.000 vong linh người dân Huế đã bị bộ đội giết hại trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Và sau cùng, hàng chục ngàn người dân, đa số vượt biển ra đi tìm tự do từ miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975 đã bị chết trên Biển Đông cũng chưa được lịch sử “tính tội” với đảng CSVN.

Vậy mà Cương Lĩnh của đảng CSVN vẫn dám nhét chữ vào miệng dân với câu viết trân tráo: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”

Có “nhân dân” nào ở Việt Nam từ ngày đảng CSVN ra đời năm 1930 đã kiến nghị hay xuống đường biểu tình đòi hỏi phải cho mình được sống với “chủ nghĩa xã hội” ngoại lai?

Đến phiên Hồng Hải cũng viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 6/11/2014:“Riêng Việt Nam, sau hơn 80 năm ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng để định ra cương lĩnh đấu tranh cách mạng và xây dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo đất nước, đã vượt qua bao thử thách, giành được những thành tựu to lớn. Chúng ta kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc tinh thần khoa học, thực tiễn của lý luận chứ không phục tùng từng câu, từng ý trong trước tác của các ông. Chính điều đó đã góp phần làm cho “con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới ở thế kỷ XXI với vị thế mới, mà nhân dân và bạn bè đều thừa nhận: “chưa bao giờ, thế và lực của Việt Nam mạnh mẽ như hiện nay”.”

Cuối cùng thì có thêm PGS, TS (Đại tá) Nguyễn Mạnh Hưởng hô hoán trên QĐND ngày 5/11/2014: “Trung thành, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt nó trên "cơ sở hiện thực" mới đương đại, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước là câu trả lời rõ ràng của chúng ta, làm thất bại, phá sản mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đó là trung thành, đi theo một học thuyết cách mạng và khoa học, một học thuyết thực tế; là đi tiếp lịch sử dân tộc ta đã từng đi hơn tám thập kỷ qua; là sự nối tiếp hiện thực-thực tiễn chủ nghĩa xã hội đã có, đang có ở Việt Nam, chứ không phải là "khư khư giữ lấy" một "chủ nghĩa hết thời", "phi hiện thực", một "lý tưởng mơ hồ", cũng không phải là để "tự trấn an" như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.”

Tất nhiên là những lời biện bạch, chạy tội cho Nhà nước Việt Nam dựa vào Chủ nghĩa phá sản và lạc hậu của Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh cần phải hô to khắp làng khắp xóm để cho đảng tồn tại mãi mãi thì những cái loa khóm phường và dư luận viên mới có cơm ăn và áo mặc.

Chỉ tiếc rằng nếu đất nước và con người Việt Nam cứ còn mãi những con người có đầu mà thiếu óc lãnh đạo thì đến bao giờ mới hết lầm than?.

(11/014)





No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link