Friday, November 14, 2014

VN muốn được quyền lợi không đơn giản chỉ thả tù nhân lương tâm

Mỹ: VN muốn được quyền lợi không đơn giản chỉ thả tù nhân lương tâm

Trà Mi-VOA

Trà Mi phỏng vấn Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Tom Malinowski.


Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ vừa hoàn tất chuyến công du Việt Nam tuyên bố Hà Nội không thể gặt hái các quyền lợi quan trọng từ mối quan hệ với Washington đơn giản bằng cách phóng thích tù nhân lương tâm.

Chuyến thăm của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Tom Malinowski vào hạ tuần tháng 10 diễn ra ngay sau khi Hà Nội trục xuất tù nhân bất đồng chính kiến Điếu Cày sang Mỹ giữa lúc Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam và đôi bên đang nỗ lực hoàn tất Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Trà Mi VOA Việt ngữ khi về lại Hoa Kỳ, ông Malinowski khẳng định dù Hoa Kỳ sẽ tiếp tục yêu cầu Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm, nhưng kế sách của Hà Nội thả vài người đổi chác quyền lợi khi cần thiết rồi lại bắt thêm nhiều người khác sẽ không lấy điểm được với Washington cũng như không mang lại TPP cho Việt Nam. 

Ông Malinowski nhấn mạnh mức độ phát triển của mối quan hệ Việt-Mỹ hoàn toàn tùy thuộc vào tốc độ cải cách nhân quyền, cải tổ luật lệ của Việt Nam.

VOA: Xin ông vui lòng tóm tắt thành quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi ở Việt Nam trong 5 ngày, gặp gỡ nhiều quan chức trong Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Công an, các giới chức trong Đảng cộng sản, và đại diện các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động, và những tù nhân lương tâm vừa được phóng thích. Thành quả chính của chuyến đi là tôi đã chuyển tải tới nhà nước Việt Nam thông điệp rất rõ ràng của chính phủ Mỹ rằng chúng tôi muốn bang giao Việt-Mỹ tốt đẹp hơn, một mối quan hệ sâu rộng-vững chắc như những mối quan hệ mà Hoa Kỳ đang có với các nước bạn thân thiết nhất trên khắp thế giới. 

Tuy nhiên, để được như vậy, Việt Nam nhất thiết phải có tiến bộ về nhân quyền. Tôi đã có dịp trao đổi với quan chức Việt Nam về những điều chúng tôi mong nhìn thấy họ thực hiện trong thời gian sắp tới.

VOA: Phản hồi của phía Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi tốt đẹp. Phía Việt Nam cũng muốn biết quan điểm và trông đợi của phía Mỹ. Chính phủ Việt Nam hết sức mong muốn xây dựng một mối quan hệ an ninh-kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng mong như vậy, nhưng chúng tôi không muốn tiến tới quá nhanh để rồi bị ngã lui. Để có được mối quan hệ bền vững với thời gian, hơn là một mối quan hệ đổi chác, cần đảm bảo rằng đôi bên có một nền tảng những giá trị chung, cùng tin tưởng, hướng tới một điều chung chứ không phải là đối nghịch với nhau trong cùng một điều.

VOA: Còn những quan tâm cụ thể nào khác mà ông đã nêu ra với chính phủ Việt Nam và Hà Nội hồi đáp thế nào?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi đã nêu một số vấn đề cụ thể. Chúng tôi đề cập đến vấn đề tù nhân chính trị. Chúng tôi bày tỏ mong muốn được thấy Việt Nam trả tự do cho những người bị cầm tù vì thể hiện quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo một cách ôn hòa. Tuy nhiên, quan trọng hơn, tôi đã nhấn mạnh với Hà Nội rằng hành động phóng thích thôi là chưa đủ nếu như họ vẫn tiếp tục bắt giam công dân như vậy. Cho nên, điều quan trọng nhất mà Hoa Kỳ muốn nhìn thấy là tiến bộ trong việc cải cách luật lệ, đặc biệt là các điều luật về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự được Việt Nam dùng để sách nhiễu, bắt giam, và cầm tù công dân chỉ vì những hoạt động ôn hòa. Chính phủ Hà Nội nói họ thật sự muốn làm cho khung pháp lý của Việt Nam, kể cả Bộ luật Hình sự, phù hợp với chính bản Hiến pháp vừa thông qua năm 2013 và tương xứng với các chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi đã thảo luận về việc này và đang chờ xem mọi chuyện sắp tới sẽ như thế nào.

VOA: Hà Nội có cho biết lịch trình cụ thể của kế hoạch đó như thế nào không, thưa ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ nói họ dự kiến các cải cách sửa đổi về Bộ luật Hình sự sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào đầu năm tới và rằng việc này không thể diễn ra nhanh chóng. Tôi nói với họ rằng dĩ nhiên phải đề ra đường hướng cho các cải cách này theo lịch trình và tiến độ, nhưng triển vọng thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ tùy thuộc vào thành công trong nỗ lực đó. Tốc độ cải cách của Việt Nam nhanh tới mức nào thì quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến nhanh tới mức đó.

VOA: Ông nói Mỹ không muốn một mối quan hệ đổi chác với Việt Nam. Theo ông, Hoa Kỳ cần phải làm gì để chấm dứt những gì không mong muốn, mở ra một mối quan hệ như mong muốn?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi đã làm một số bước. Chúng tôi đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam để cung cấp một số lượng giới hạn các thiết bị phục vụ công tác bảo vệ duyên hải. Điều này chứng tỏ với nhà nước Việt Nam rằng Mỹ sẵn sàng thực hiện các bước tiến tới nghiêm túc, nhưng cùng lúc, chúng tôi tỏ rõ với họ rằng việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm này tùy thuộc vào các tiến bộ hơn nữa về nhân quyền của Việt Nam. 

Chúng tôi cũng thảo luận về khả năng Việt Nam trở thành một thành viên của Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP, vốn cũng là bước quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ chặt chẽ hơn, nhưng Hà Nội có vào được TPP hay không tùy thuộc mức độ họ gia tăng tôn trọng quyền của người lao động, cụ thể là cải cách để cho phép công nhân được quyền tự do lập hội, mở công đoàn độc lập. Tóm lại, có nhiều khả năng để hai nước Việt-Mỹ xích lại gần nhau hơn, nhưng cũng có nhiều trông đợi đối với những điều Việt Nam cần phải thực hiện để mở ra các cơ hội ấy.

VOA: Như ông nói, để Việt-Mỹ tiến xa hơn mối quan hệ đổi chác, Hà Nội phải thực hiện một số cải cách pháp lý. Có ý kiến cho rằng muốn điều đó xảy ra, Mỹ thay vì đòi hỏi Việt Nam phóng thích các trường hợp tù nhân lương tâm cụ thể, hãy yêu cầu Việt Nam cải cách luật lệ để được quyền lợi. Nếu không, dường như Mỹ đang tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp tục chiến thuật ‘đổi tù nhân lương tâm lấy quyền lợi.’ Ý kiến của ông ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi sẽ không ngừng yêu cầu phóng thích những người bị bắt giam một cách bất công. Tôi vui mừng mỗi khi có một người được tự do vì đáng lý ra họ không phải bị tù tội. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như thế. Nhưng chúng tôi cũng chỉ rõ rằng việc này không tương đương với cải cách. Để hiện thực hóa quá trình cải cách ở Việt Nam, chúng tôi cần phải nhìn thấy những sửa đổi trong cấu trúc luật pháp. Và đó cũng là điều mà nhà nước Việt Nam đã cam kết với chính nhân dân của họ. 

Cho nên, đây không phải là một yêu cầu của Mỹ, không phải một đòi hỏi đến từ bên ngoài mà là điều mà người dân Việt Nam cần chính phủ của họ thực hiện như đã hứa. Chúng tôi chỉ biết chờ xem và theo dõi quá trình đó. Nếu quá trình đó diễn ra, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội.

VOA: Phát biểu ở Hà Nội, ông nói nếu Việt Nam nghĩ rằng họ có thể dùng tù nhân chính trị như những con bài mặc cả với Mỹ thì sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy chiến thuật này có kết quả, nếu không, đã không có những cuộc phóng thích không bao lâu, trước hoặc sau khi, Việt Nam gia nhập WTO, TPP, hay được Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí. Ông có suy nghĩ thế nào?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Có thể họ cho rằng các cuộc phóng thích này mang lại những kết quả đó, nhưng xin nhớ là những gì Việt Nam chung cuộc muốn gặt hái trong mối quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không thể có được đơn giản bằng cách phóng thích tù nhân lương tâm, nhất là trong khi họ vẫn tiếp tục bắt giữ những người khác. 

Đó là điểm chúng tôi nhấn mạnh. Chẳng hạn như, dĩ nhiên chúng tôi vui mừng khi thấy một blogger như Điếu Cày được thả, nhưng cùng lúc đó lại thấy xuất hiện các cáo buộc đối với blogger Anh Ba Sàm. 

Đây cũng là một trường hợp mà tôi đã nêu ra trong chuyến công du Việt Nam vừa rồi. Nếu việc này cứ tiếp diễn, Hà Nội cứ thả vài người rồi bắt thêm vài người khác, họ sẽ không lấy điểm được với Hoa Kỳ và việc này dĩ nhiên sẽ không mang lại cho họ TPP. TPP là các cuộc thương lượng mà qua đó Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi rất quan trọng nhưng cũng bắt buộc phải thực hiện những bước đáng kể như cải cách pháp lý về quyền tự do lập hội. Và Việt Nam hiểu rất rõ điều này.

VOA: Ngoài những lời tuyên bố của Hà Nội, có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ bỏ chính sách hình sự hóa các hoạt động ôn hòa của công dân trong tương lai gần hay chăng? Ông có nhìn thấy tiến bộ nào trong các nỗ lực tiến tới việc này không?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Cho tới nay chưa đủ tiến bộ. Chúng tôi nghe những cam kết từ chính phủ. Chúng tôi thấy trong năm nay số người bị bắt vì các điều luật về an ninh quốc gia có lẽ ít hơn, nhưng chưa xuống tới mức 0. Vẫn còn xảy ra các vụ sách nhiễu những người chỉ thực hành các quyền căn bản của công dân được quốc tế công nhận. Mọi việc còn chưa đủ, nhưng tôi nghĩ vẫn còn cơ hội. 

Tôi cảm nhận người dân Việt Nam và cả chính phủ đều muốn một tương lai khác hơn cũng như một mối quan hệ đối tác tốt hơn với Mỹ. Họ muốn hòa vào cộng đồng quốc tế và họ hiểu có một số việc họ phải làm để biến mong muốn đó thành hiện thực, bền vững.

VOA: Mỹ có kế hoạch cụ thể thế nào giúp chấm dứt chiến thuật gọi là “dùng tù nhân lương tâm đổi chác quyền lợi” hay không?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó không phải là điều chúng tôi đã, đang, và sẽ làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi phóng thích tù nhân lương tâm, nhưng các quyền lợi quan trọng mà Việt Nam muốn có được từ mối quan hệ với Hoa Kỳ đòi hỏi phía Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là thực hiện những cam kết chính họ đã đưa ra.

VOA: Có thể trông đợi điều gì sau chuyến công du của ông tới Việt Nam với trọng tâm về nhân quyền, nhất là sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Hà Nội?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Thông điệp chúng tôi đã gửi đi là chúng tôi sẵn lòng rằng có cơ hội cải thiện mối quan hệ an ninh song phương. Dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí cho Việt Nam là một hành động chân thành. Chúng tôi đáng ra đã dỡ bỏ hẳn toàn bộ lệnh cấm này nếu như không có quan ngại về nhân quyền Việt Nam. Và điều đó đã đánh đi một tín hiệu rất rõ ràng cho Việt Nam. 

Chúng ta cần phải đợi xem mọi việc như thế nào, tôi sẽ không đưa ra dự đoán về những gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ có thể nói rằng Mỹ muốn một quan hệ tốt hơn với Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước rất quan trọng vì lợi ích của cả đôi bên. Chúng tôi không yêu cầu cái gì bất khả dĩ với chính phủ Việt Nam cả, chỉ yêu cầu họ đi đúng con đường họ đã hứa sẽ thực hiện, con đường cải cách pháp lý, làm cho việc thực thi luật hàng ngày tại Việt Nam phù hợp với Hiến pháp.

VOA: Liệu sẽ có thêm những vụ phóng thích sau chuyến thăm của ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi hy vọng tiếp tục sẽ nhìn thấy có thêm người được phóng thích và không ai bị bắt nữa.

VOA: Qua chuyến đi, ông nhận thấy có tín hiệu tích cực hay tiêu cực về vấn đề nhân quyền Việt Nam?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi vừa mới về nên không dự kiến sẽ thấy bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào. Một điều chúng tôi trông đợi có thể sớm xảy ra là Quốc hội Việt Nam thông qua Công ước Liên hiệp quốc Chống tra tấn. Đây là một trong những quan ngại lâu nay của chúng tôi về nhân quyền Việt Nam. Tôi cảm nhận chính phủ Hà Nội khá nghiêm túc trong vấn đề này, họ hiểu rằng việc thông qua Công ước chỉ là bước đầu, và sau khi thông qua, Quốc hội Việt Nam cần phải làm nhiều thứ để đảm bảo các luật lệ quy định hành vi của công an được tuân thủ đầy đủ với Công ước mà Việt Nam vừa tham gia.

VOA: Thang điểm của ông về nhân quyền Việt Nam trong chuyến đi lần này so với chuyến đi lần trước lên hay xuống?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi sẽ không cho điểm. Tôi đặt mong mỏi và kỳ vọng rất cao. Tôi không đong đếm thành tích nhân quyền từng ngày hay từng tháng. Tôi tiếp tục nỗ lực cùng với các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao trong chính quyền của Tổng thống Obama để đạt được tiến bộ theo từng năm.

VOA: Trong chuyến thăm Việt Nam, ông có được tiếp xúc với tất cả những người mà ông muốn gặp?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi có thể tiếp xúc hầu như mọi người mà chúng tôi muốn gặp. Có một số người muốn gặp chúng tôi bị công an sách nhiễu. Chúng tôi cũng liệu trước việc này vì đã từng xảy ra trong quá khứ. Đó là điều không thể chấp nhận và chúng tôi đã bày tỏ thất vọng với chính phủ Việt Nam về các hành động đó.

VOA: Ông được phép vào thăm một nhà tù tại Việt Nam nhưng không gặp tù nhân lương tâm nào. Phải chăng vì ông không yêu cầu cụ thể hay vì nhà cầm quyền Việt Nam không cho phép?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ bảo các tù nhân lương tâm chúng tôi muốn gặp ở một trại giam khác, nhưng làm sao biết được thực hư thế nào. Họ cho phép chúng tôi thăm nhà tù là điều tích cực. Trong các dịp khác, nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã vào thăm một số tù nhân lương tâm bị giam cầm. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu được tiếp cận như vậy. Chúng tôi cảm kích việc này vì nó giúp xây dựng lòng tin. 

Dĩ nhiên ở Mỹ thì bất kỳ ai cũng được vào thăm bất kỳ tù nhân nào, điều này chứng tỏ là quốc gia và chính phủ không có gì phải che dấu.

VOA: Ông ghi nhận gì từ các cuộc gặp với đại diện xã hội dân sự, giới bất đồng chính kiến, và các nhà hoạt động tại Việt Nam?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Thật thú vị. Tôi thấy nhiều người trong số họ chia sẻ cùng quan điểm với chúng tôi. Họ dĩ nhiên rất quan tâm về tình hình tại Việt Nam. Một số họ đã qua thời gian tù đày vì các hoạt động cổ xúy cải cách. Họ phản ánh với chúng tôi một bức tranh rõ ràng, chân thật, nhưng đầy khó khăn về thực trạng nhân quyền Việt Nam. 

Đa số họ cho rằng một mối quan hệ Việt-Mỹ xích lại gần hơn chính là cơ hội, nếu chúng ta tiếp tục vận dụng mối quan hệ đó để cổ võ cho nhân quyền được tôn trọng hơn. Nếu có một điều mà các thành viên trong chính phủ Việt Nam và các thành viên trong xã hội dân sự Việt Nam cùng tán đồng đó chính là tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

VOA: Họ cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Hoa Kỳ ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Dĩ nhiên, họ mong muốn Hoa Kỳ lên tiếng vận động chính phủ Việt Nam thực hiện những gì đã cam kết. Song song đó, họ cũng muốn có sự hiện diện của Hoa Kỳ về mặt kinh tế. Nhiều người cũng muốn Mỹ có quan hệ an ninh với Việt Nam trước những quan ngại về nước láng giềng phương Bắc. Tôi ghi nhận những thao thức rất mạnh mẽ muốn có sự hiện diện của Mỹ và mong Mỹ dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy chính phủ Việt Nam theo hướng như vậy.

VOA: Xin cho biết hồi đáp của chính phủ Mỹ trước những lời kêu gọi đó?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó chính là những gì mà chúng tôi cam kết thực hiện.
VOA: Ông có được báo cáo về xu hướng gia tăng bạo lực đối với các nhà hoạt động trong nước? Hoa Kỳ có kế hoạch nào thêm nữa giúp bảo vệ quyền tự do ngôn luận không bị đàn áp và sách nhiễu tại Việt Nam?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ có trình bày với chúng tôi là tình trạng sách nhiễu vẫn tiếp diễn, nhưng gia tăng hay giảm bớt thì tôi không rõ. Họ cho tôi biết đã xảy ra các trường hợp sách nhiễu trầm trọng và thường xuyên bởi công an, và tôi đã nêu vấn đề khi gặp giới chức chính phủ, kể cả trong cuộc họp 2 giờ đồng hồ với Thứ trưởng Bộ Công an ngay ngày đầu của chuyến thăm. Chúng tôi chưa đạt được những gì mong đợi trong vấn đề này trong lúc mở ra cơ hội tìm cách giải quyết.

VOA: Về trường hợp phóng thích mới đây đối với blogger Điếu Cày, Việt Nam viện dẫn lý do nhân đạo. Ông có bình luận ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi mừng thấy ông ấy ra khỏi tù. Tôi mừng khi thấy người ta được phóng thích vì bất cứ lý do gì. Dù vậy, suy cho cùng, việc phóng thích này không phản ánh tiến bộ đáng kể về nhân quyền trừ phi các nhà bất đồng chính kiến có thể tái lập cuộc sống ngay trên quê nhà với quyền tự do viết lách, tự do phát biểu ý kiến, và tự do lập hội.

VOA: Điếu Cày đi Mỹ là sự lựa chọn của cá nhân ông ấy hay là một thỏa thuận giữa hai nước Việt-Mỹ liên quan đến việc phóng thích?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó không phải là một thỏa thuận giữa Hà Nội và Washington. Có những trường hợp chính phủ Hà Nội nhất quyết rằng các nhà bất đồng chính kiến bị tù phải rời khỏi nước như là một điều kiện để được phóng thích. Có những trường hợp tù nhân lương tâm được trả tự do và được phép lưu lại đất nước. 

Chúng tôi rất mong là họ được phép tái lập cuộc sống tại Việt Nam sau khi được phóng thích, và chúng tôi đã nêu rõ điều này với chính phủ Việt Nam. Nếu những tù nhân lương tâm được chỉ thị phải ra đi mà họ đồng ý thì dĩ nhiên chúng tôi hoan nghênh họ tới Mỹ mặc dù rõ ràng đây không phải là thành quả khã dĩ tốt nhất.

VOA: Quay sang vấn đề thương thảo TPP, với thực trạng nhân quyền hiện nay của Việt Nam và với một Quốc hội mới trúng cử ở Hoa Kỳ, tính tới thời điểm này ông thấy cơ hội Việt Nam trở thành thành viên TPP ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội trở thành một thành viên của TPP nếu các cuộc thương lượng thành công và nếu như họ đáp ứng đề nghị mà đại diện đàm phán thương mại của chúng tôi đã đưa ra để nỗ lực nghiêm túc trong lĩnh vực quyền tự do lập hội. 

Nếu đạt được điều đó thì có cơ hội được Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận TPP. Tôi không nghĩ kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ tạo ra khác biệt về khả năng vào TPP của Việt Nam vì các thành viên trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Quốc hội Mỹ đều có chung các quan ngại về nhân quyền Việt Nam.

 Trong Quốc hội Hoa Kỳ có rất nhiều quan ngại về việc có nên để cho Việt Nam gia nhập TPP hay không mà lý do là vì thành tích nhân quyền của Hà Nội. Chúng tôi đang trông đợi các cuộc đàm phán TPP đưa ra được những dấu hiệu tích cực từ Hà Nội để chúng tôi có thể nói với bên lập pháp Hoa Kỳ rằng Việt Nam thật sự quyết tâm đạt tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền.

VOA: Những cải thiện cụ thể nào là điều kiện để Việt Nam gia nhập TPP?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Có những cải thiện rất cụ thể đang được thảo luận trong các cuộc thương thuyết TPP.
VOA: Ông có thể đơn cử vài điểm?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi không thể tiết lộ cụ thể vì còn phụ thuộc vào tiến trình thương lượng. Tôi chỉ có thể nói rằng vấn đề đang trên bàn thảo luận là quyền của người lao động, một phần của thỏa thuận TPP, nhất là quyền tự do lập hội.
VOA: Ông có thể chia sẻ đôi chút về cuộc đối thoại nhân quyền kế tiếp giữa hai nước Việt-Mỹ?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Bất kỳ cuộc gặp nào giữa đôi bên mà vấn đề nhân quyền được nêu ra đều là cuộc họp nhân quyền. Tôi dự trù là bất cứ khi nào Ngoại trưởng John Kerry, Tổng thống Barack Obama, hay Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman gặp gỡ các đối tác Việt Nam thì vấn đề nhân quyền cũng sẽ được nêu lên. 

Chúng tôi hy vọng sắp xếp cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam vào một thời điểm nào đó trong năm tới. Cuộc đối thoại nhân quyền năm nay ở Washington, tôi hy vọng cuộc đối thoại lần tới sẽ diễn ra tại Việt Nam.
VOA: Thời điểm cụ thể ra sao, thưa ông?

Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi chưa thống nhất ngày giờ cụ thể nhưng chắc chắn sẽ tổ chức sự kiện này.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này sau khi hoàn tất chuyến công du Việt Nam

T.M





Đời Mồ Côi

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link