Lê
Phan - Lương tâm nhân loại
Thứ Ba, ngày 16 tháng 12
năm 2014
Các chế độ Cộng Sản đã có thời tự hào nói đến “Ðảng là trí tuệ,
danh dự và lương tâm của thời đại,” nhưng ngày nay thì không còn ai bị đánh lừa
bởi những lời tuyên truyền đó. Nhưng nếu trên địa cầu này hiện nay có một quốc
gia nào có thể nói đại diện cho lương tâm của nhân loại thì quốc gia đó hẳn
phải là Hoa Kỳ.
Dĩ nhiên không một quốc gia nào có thể xứng đáng được với tiêu
chuẩn đạo đức lý tưởng của chính mình, và chỉ có một số rất nhỏ có đủ bản lãnh
đạo đức để đem những sự thiếu sót của mình ra trước công chúng. Hoa Kỳ là một
trong những số những quốc gia hiếm có đó.
Sáu ngày sau cuộc tấn công 11 tháng 9 năm 2001, Tổng Thống
George W. Bush ký một sắc lệnh mật cho phép Cơ Quan Trung Ương
Tình Báo CIA quyền bắt và bỏ tù những nghi phạm khủng bố có liên
hệ với al-Qaeda. Nhưng sắc lệnh đó không nói gì về việc họ bị cầm tù ở đâu cũng
như CIA phải làm gì trong việc hỏi cung họ. Trong những tuần lễ sau đó, trong
khi đống tro tàn của World Trade Center vẫn còn chưa tắt hẳn, Hoa Kỳ tung ra
chiến dịch quân sự tấn công vào Afghanistan. Các viên chức của CIA vội vàng tìm
cách thực hiện sắc lệnh của tổng thống. Lúc đầu các viên chức của cơ quan đã
chọn một con đường khác hẳn con đường mà sau cùng họ theo.
Lúc đó họ đã nghĩ đến một hệ thống nhà tù trong đó các tù nhân
được hưởng những quyền và bảo vệ không khác gì những tù nhân trong các nhà tù
liên bang cũng như quân sự. Những điều kiện trong các nhà tù này cũng sẽ tương
đương với các nhà tù canh phòng cẩn mật nhất trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hỏi cung sẽ
được thực hiện theo đúng Chỉ Nam Chiến Trường của Quân Ðội Hoa Kỳ, vốn cấm lối
hỏi cũng gây đau đớn và có tính cưỡng bức. Các luật sư của CIA viết vào tháng
11 năm 2001 là mọi sự trong các nhà tù này sẽ “được làm sao đáp ứng được những
đòi hỏi của Luật Pháp Hoa kỳ và luật lệ liên bang về thủ tục hình sự.”
Phản ứng sơ khởi này, được tiết lộ trong hồ sơ mà Ủy Ban Tình
Báo Thượng Viện phổ biến tuần vừa qua, cho thấy là mọi sự có thể xảy ra khác
hẳn. Công nhận là mình không có kinh nghiệm cai quản tù nhân, CIA đã tính đến
chuyện nhờ Cơ Quan Quản Trị các nhà tù Liên Bang - Bureau of Prisons giúp để
điều hành các cơ sở này. Một memo của ông J. Cofer Black, người cầm đầu ngành
chống khủng bố của CIA, đã phác họa một hệ thống các nhà tù bí mật nhưng hoạt
động theo đúng tiêu chuẩn của các nhà tù của Hoa Kỳ. CIA quay sang tìm cách
thúc đẩy Ngũ Giác Ðài cho họ xây dựng các nhà tù bên trong các căn cứ quân sự
Hoa Kỳ ở hải ngoại. Nếu được thành lập trong các căn cứ này, nó sẽ phải theo
đúng luật lệ của Bộ Quốc phòng. Nhưng cựu luật sư cố vấn của CIA John Rizzo nói
Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld từ chối cho phép Ngũ Giác Ðài thành kẻ
canh tù cho CIA. Ông Rizzo giải thích là sau khi ông Rumsfeld từ chối, cơ quan
lúng túng đi tìm một giải pháp khác.
Lúc đó, Chỉ Nam Hoạt Ðộng của CIA tuyên bố là cơ quan không “tra
tấn, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, và nhục mạ hay trừng phạt hay bắt giữ lâu
dài mà không đưa ra cáo trạng và xét xử.” Nhưng các luật sư của cơ quan bắt đầu
tìm kiếm một cách khác, tuy rằng chưa rõ nó là gì. Hôm 26 tháng 11 năm 2001,
một dự thảo memo đã nêu ra nhiều chiến thuật - lạnh quá mức, giảm thiểu các cảm
giác, không cho ngủ, và nhục mạ, và bắt đầu bàn thảo về các biện minh pháp lý.
Cũng xin nhấn mạnh là những biện pháp đó bị cấm ở các nhà tù liên bang và quân
đội.
Nhưng có lẽ cũng có thể hiểu được là mặc dầu chính CIA đã có
những chiến thuật hỏi cung khác, như điều được gọi là “fireside chats” tức là
nói chuyện thân mật, để tìm thông tin và chính các chuyên gia của cơ quan tin
là tra tấn chỉ dẫn đến những thông tin không tin cậy được, CIA, trong cấp bách
của những biến cố chiến trường đã giao cho hai tâm lý học gia hợp đồng là các
ông James Mitchell và Bruce Jessen thực hiện một bản phúc trình. Hai ông này đã
làm trong chương trình thoát hiểm cho các phi công Hoa Kỳ để đối phó với bị bắt
và bị tra tấn. Hai ông chưa từng có kinh nghiệm làm người hỏi cung hay hiểu
biết gì về al Qaeda, nhưng từ cuối năm 2001 hay đầu năm 2002, CIA thuê họ để tổ
chức hỏi cung các tù nhân tình nghi al-Qaeda.
Những hành động do công ty của hai ông này thực hiện ở những nhà
tù bí mật ở ngoại quốc kể cả trấn nước, không cho ngủ, tát sỉ nhục, và cho ăn
qua đường ruột, đã là những hành động phản lại các giá trị truyền thống của nền
dân chủ Hoa Kỳ. Qua việc chỉ trích chương trình của CIA trong bản phúc trình,
Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện đã làm cho những người bênh vực cơ quan tức giận và
làm cho những kẻ thù của Hoa Kỳ thích thú. Nhưng mặc cho có những vấn đề, việc
phổ biến chiến thuật của CIA là điều tối cần thiết bởi nó là bước khởi đầu để
đi tới sửa đổi.
Bản phúc trình chứng minh là ngược lại với những điều mà CIA đã
nói với Quốc Hội, với Tòa Bạch Ốc và với công chúng, các cuộc hỏi cung kiểu này
hầu như không cung cấp bao nhiêu thông tin tình báo hữu ích.
Sự phản đối đã ngay tức khắc và ồn ào. Ðúng, đã có những sai
lầm, các tay tình báo lý luận, nhưng sau ngày 9/11 đe dọa của một cuộc tấn công
nữa có nghĩa là tin tức tình báo là tối cần thiết. Chương trình của CIA có sự
chấp thuận pháp lý và nhân dân Hoa Kỳ đã đòi hỏi được bảo vệ bằng mọi giá, và
đó là lúc mà người ta bàn luận đến tra tấn. Thực ra, CIA không hung hăng bằng
những con diều hâu như Phó Tổng Thống Dick Cheney. Ðiều quan trọng, theo những
kẻ chống lại bản phúc trình, chương trình hỏi cung tăng cường này đã cung cấp
những tin tức tình báo có giá trị.
Những người chống lại bản phúc trình tuy vậy đã không hiểu bài
học của bản phúc trình này. Ngay cả nếu những kỹ thuật mà CIA dùng có hợp pháp
đi chăng nữa, nó là nhằm lấy thông tin qua việc sử dụng đau đớn vật chất và
tinh thần. Gọi nói là cái gì khác ngoài tra tấn cũng chỉ là tự đánh lừa mình.
Tra tấn có thể mang lại thông tin nhưng nó chẳng khác gì đi chơi với quỷ. Một
chính sách tra tấn chính thức làm hại người tra tấn và những người có nhiệm vụ
kiểm soát. Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc muốn né tránh trách nhiệm cho những hành
động tàn nhẫn làm nhân danh họ nhưng trong bầu không khí lúc đó, họ không thể
và cũng không muốn lên án chúng. Nếu CIA đánh lạc hướng các vị dân cử, họ làm
vậy vì các chính trị gia làm ngơ. Mọi người đều có dự phần, kể cả những vị dân
cử Dân chủ này đang chối từ trách nhiệm.
Tra tấn của các viên chức Hoa Kỳ cũng làm hỏng chính sách của
Hoa Kỳ trên trường quốc tế, ngay cả khi nó được che chở bởi những ý kiến của
các luật sư của Bộ Tư Pháp. Những người Hồi Giáo bị tra tấn đã nuôi dưỡng chính
sự khủng bố mà nó muốn ngăn cản. Hơn thế, một siêu cường vốn tuyên bố là các lý
luận đạo đức là nền tảng cho viễn ảnh toàn cầu của mình về nhân quyền và dân
chủ không thể từ bỏ những tiêu chuẩn đó trong việc đi tìm một sự an ninh tuyệt
đối mà không thể nào có được. Những chế độ độc tài sung sướng chào đón chính
sách tra tấn của Hoa Kỳ và coi đó như là một sự cho phép họ muốn làm gì thì
làm. Ðối với những đối thủ như Nga hay Trung Cộng, điều này, cùng với sự nghe
lén của cơ quan NSA, đã chứng tỏ là Hoa Kỳ cũng giả dối như tất cả những ai
khác.
Bản phúc trình của Thượng Viện chắc chắn sẽ làm cho việc trở lại
tra tấn khó xảy ra. Tổng Thống Barack Obama, ngay sau khi nhậm chức, đã cấm tra
tấn. Dĩ nhiên những nhà tù mật và những hành động kinh khủng xảy ra ở đó không
xứng đáng với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mặc cho các quốc gia độc tài sung sướng, và
mặc cho những tranh cãi nội bộ ồn ào, chúng ta đừng quên một điều, khác hẳn với
các quốc gia khác trên thế giới, Hoa Kỳ dám đối diện với bề mặt trái của mình.
Ðó là điều tại sao dầu cho có những lúc sai lầm, Hoa Kỳ vẫn đáng là tiêu biểu
cho lương tâm của nhân loại.
Trần Tiến Dũng/Người Việt - Xóm dân chài bên
cầu Ðồng Nai
Thứ Ba, ngày 16 tháng 12
năm 2014
ÐỒNG NAI (NV) - Khi đi trên quốc lộ 1 từ Sài Gòn qua cầu Ðồng
Nai, đến ngã ba Vũng Tàu, nhìn cảnh chen chúc làm ăn của các tập đoàn tư bản
nội địa và ngoại quốc bên các cảng sông cao ngất các thùng container... không
ai nghĩ có nhánh sông gần cầu Ðồng Nai vẫn còn một xóm dân chài nghèo xơ xác.
Theo đường vào nhà thờ Bến Gỗ, quẹo vào một con hẻm hẹp, qua
ngôi chợ trưa lưa thưa người bán, chúng tôi càng vào sâu càng không nghĩ sẽ
được ra một cửa sông thoáng mát, mà chỉ mong con hẻm chỉ vừa đủ hai chiếc xe
gắn máy tránh nhau này sẽ không dài hơn nữa.
Vòng ra phía sau nhà thờ Bến Gỗ, tiếng nhạc đám ma của người vừa
khuất là âm thanh duy nhất khuấy động buổi trưa vắng lặng.
Ði qua xóm nhà thu mua cá với con mương nước đen chảy rỉ rả,
chúng tôi ra được bến ghe. Bến ghe này chỉ là một trong nhiều bến ghe của xóm
chài, đưa người xuống những nhà chòi cất trên nền các thùng nhựa neo trên mặt
sông và những bè cá cũ nát. Bến ghe này cũng là nơi đưa người dân từ bờ Bến Gỗ
qua cù lao Năm C.
Bà rước cháu từ nhà trẻ về xóm chài. Ðược gởi con ở nhà
trẻ trên bờ
là mơ ước của nhiều dân chài nghèo Xóm Bắc. |
Nắng trưa tháng 12 dịu mát, bên dưới bến ghe là hai chiếc xuồng
cũ mục. Nhà nhiếp ảnh Trần Việt Ðức cất giọng hỏi người đàn bà đang ngồi trên
xuồng, “Chị ơi, có thể đưa chúng tôi đi vài vòng xóm chài không?” Người đàn bà
trả lời đang bận chờ người thân. Anh Trần Việt Ðức quay sang hỏi chàng trai ở
trần, đang ngồi trên xuồng với một con chó. Chàng trai có vẻ ngại nhưng rồi anh
gật đầu.
Chúng tôi xuống xuồng, chiếc xuồng cũ chở thêm người nên mạch
nước từ be xuồng rỉ ra thành dòng. Chàng trai hỏi chúng tôi là nhà báo hay đoàn
làm phim. Khi được biết là dân chụp ảnh tài tử, anh có vẻ yên tâm. Anh nói,
“Thấy mấy chú có máy ảnh, tưởng người nhà nước đi chụp ảnh để giải tỏa xóm chài
này.”
Chàng trai như mọi người dân ở nơi đây vẫn giữ thói quen chèo
xuồng bằng hai chân như ông bà từ thời 1954 di cư vào Nam. Tên thường gọi của
xóm chài này là Xóm Bắc. Cả Xóm Bắc này có khoảng vài trăm nóc nhà trên sông và
trên bờ, gần như chỉ làm mỗi một nghề đánh bắt cá và nuôi cá bè.
Nghề nuôi cá bè ở đây khác với những làng cá bè ở miền Tây hay ở
thượng nguồn sông Ðồng Nai vì không nuôi cá xuất khẩu, bè cá chỉ là nơi để rộng
những loài cá sông mà họ đánh bắt được chờ có giá hay chờ cá lớn mà bán cho lái
cá quanh các chợ nhỏ.
Một ngư dân trung niên cho biết. Mùa cá rộ quanh các khúc sông
Ðồng Nai này vào tháng 5, còn quanh năm đều có đủ loại cá nước ngọt dù so với
thời ông bà trước lượng cá không còn nhiều.
Chàng trai chèo xuồng nói, “Lúc này đang mùa cá cơm. Mấy chú
muốn mua về ăn không?” Rồi anh giải thích cá cơm nước ngọt nhỏ nhưng thịt thơm
ngon lắm. Vào mùa cá cơm, dân chài Xóm Bắc đi đánh lưới cá cơm vào lúc trời sập
tối. Nếu trúng thì kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày, riêng những mùa còn lại
trong năm thì vướng lưới con gì cũng bắt hết để có miếng ăn.
Chiếc xuồng cũ nát đưa chúng tôi quanh quanh các nhà chòi trên
sông. Cảnh người nhà nghèo bám vào mặt nước để sống thì khắp Việt Nam nơi nào
cũng giống nhau. Khi nói rằng đời người kiếm sống theo sông nước là đời tạm bợ,
nhưng nhìn lại thì khoảng thời gian gọi là tạm bợ của họ đã kéo dài từ thế hệ
này qua đến thế hệ khác.
Chàng trai chèo xuồng kể, “Nghề này bố mẹ cháu nối tiếp từ ông
bà, mãi đến khi bố mất, nhà cháu mới có được hai anh chị lên bờ làm công ty,
cháu học đến lớp ba thì nghỉ và theo mẹ làm nghề.” Chúng tôi hỏi, nếu chính
quyền giải tỏa xóm chài thì anh định làm nghề gì. Anh cười nói, “Còn cá dưới
sông thì giải tỏa thế nào được.”
Khi đi qua chỗ có một nhà bè làm nghề giữ trẻ. Nhà nhiếp ảnh
Trần Việt Ðức cho biết, anh có nghe qua những trường hợp có gia đình neo đơn
không người trông con nít nên nhốt con trong cái chuồng trên nhà bè mỗi khi đi
đánh bắt cá. Anh chàng chèo xuồng nói, “Từ trước đến giờ ai cũng làm thế mà,
nghèo, tiền đâu mà gởi con.”
Chiều tắt nắng, anh chèo xuồng đưa chúng tôi quay lại bến ghe để
kịp đi đánh lưới đêm. Khi chúng tôi lên bờ cũng là lúc mẹ anh chuẩn bị bước
xuống ghe để hai mẹ con cùng đi đánh lưới. Bà mẹ mời chúng tôi đi cùng cho
biết, rồi như bà đoán được chúng tôi sợ đi trên chiếc xuồng mục nát. Chỉ vào
chiếc ghe to hơn có gắn máy đang neo gần đó bà nói, “Hôm khác các anh muốn đi
cho biết thì đi trên chiếc ghe đó, không phải sợ.” Ðúng là chiếc ghe bà chỉ, có
lớn hơn nhưng dù tiếng máy dầu nổ nghe giòn tai cũng có vẻ chấp vá, bấp bênh
vẫn không khác chiếc xuồng là mấy.
Nhìn chiếc ghe của hai mẹ con xuôi dòng nhá nhem tối, phía xa là
chóp đỉnh ngất ngưởng của các tòa cao ốc và ánh đèn điện cầu Ðồng Nai.
Ðâu ai có thể tiên đoán được rằng, liệu chàng trai chèo xuồng và
những người con Xóm Bắc có tìm thấy bến bờ an cư, nghề nghiệp mới ổn định cho
thế hệ con cháu tiếp theo của gia đình mình hay lại chạy giải tỏa mà tìm đến
khúc sông khác, tiếp tục sống đời bập bềnh trên sông, đặt nguồn sống vào những
loài cá nước ngọt đang dần cạn kiệt.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment