Monday, December 22, 2014

Thiên An - 'Những Đứa Trẻ Thông Minh Nhất Thế Giới,' và vì sao?

Thiên An - 'Những Đứa Trẻ Thông Minh Nhất Thế Giới,' và vì sao?

Thứ Ba, ngày 16 tháng 12 năm 2014

"Những Đứa Trẻ Thông Minh Nhất Thế Giới - và vì sao chúng được như thế" là tựa đề một trong 10 cuốn sách bán chạy New York Times Bestsellers về giáo dục trong năm 2014. Khác với những cuốn còn lại, sách viết theo dạng phóng sự với những câu chuyện cụ thể và các số liệu, đem lại một cách nhìn mới mẻ về sự khác biệt- mạnh và yếu- của nền giáo dục tại Hoa Kỳ so với các quốc gia khác.

"Những Đứa Trẻ Thông Minh Nhất Thế Giới- và vì sao chúng được như thế" 
của tác giả Amanda Ripley. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)
Với lối viết đơn giản, người đọc không chỉ biết qua về vị thế của nền giáo dục Mỹ trên thế giới, mà còn có thể nhận ra nhiều yếu tố giúp tạo nên "những đứa trẻ thông minh nhất thế giới."
Tác giả Amanda Ripley, một phóng viên từng đoạt nhiều giải thưởng lớn, theo chân ba em học sinh, Eric, Kim, và Tom, từ Mỹ sang du học tại ba nước: Nam Hàn, Phần Lan, và Ba Lan.
Sách, cũng như nhiều cơ quan và tổ chức giáo dục trên thế giới, dựa vào kết quả tính của chương trình đánh giá học sinh liên quốc gia PISA (Programme for International Student Assessment) để xem xét "sự thông minh" của học sinh. Khi tham gia chương trình, học sinh sẽ phải trả lời các câu hỏi đòi hỏi sự suy luận và khả năng xử lý vấn đề để đưa ra các câu trả lời phù hợp. Kết quả giáo dục của từng quốc gia từ đó được so sánh.
Hoa Kỳ hay Việt Nam là hai trong 65 nước gửi học sinh trong độ tuổi 15 và 16 để cùng tổng cộng 510,000 thiếu niên khác tham gia thi PISA.

Danh sách các nước đứng đầu trong bảng xếp hạng của PISA năm 2012 gồm các nước như Trung Quốc (Quảng Châu đứng đầu), Singapore, Nam Hàn, Nhật, Thụy Điển, Hà Lan, Estonia, Phần Lan, Canada, Ba Lan, Bỉ, Đức...
Việt Nam có kết quả cao so với các nước đang phát triển, với điểm toán, văn, và khoa học cao hơn trung bình và cao hơn cả Hoa Kỳ. Tuy học sinh giỏi, nền giáo dục của Việt Nam có thực sự thuyết phục hay không?

Trong khi đó, Hoa Kỳ có điểm văn trung bình, nhưng điểm toán và khoa học- những môn học được cho là có tính quyết định trong thời đại công nghệ và thông tin hiện nay- lại thua xa nhiều nước khác. Hoa Kỳ vốn dĩ rất tự hào khi chú trọng các môn xã hội và văn hóa, nhưng các em có thực sự có nhiều cơ hội để thành công trong tương lai?

Với tác giả, bà chọn ba du học sinh Mỹ tại Nam Hàn, Phần Lan, và Ba Lan, vì ba quốc gia này đại diện cho ba mô hình giáo dục tiêu biểu của các quốc gia có kết quả PISA cao hơn Hoa Kỳ. Ngoài nhận xét của Eric, Kim, và Tom về cách học của bạn bè bản xứ, tác giả cũng phỏng vấn những nhân vật giữ vai trò chủ chốt trong ngành giáo dục tại địa phương.

Nam Hàn với cách giáo dục "nồi áp suất"- thời gian tại trường và các trung tâm dạy kèm của học sinh nhiều gấp đôi thời gian các em ở nhà. Mô hình giáo dục của Nam Hàn khá giống với nền giáo dục tại Việt Nam, với sự hiếu học vốn có trong văn hóa Á Đông. Phần Lan có mô hình hoàn toàn ngược với Nam Hàn, học sinh có giờ học thuộc loại ít nhất thế giới nhưng trình độ vẫn thuộc hàng đầu. Và cuối cùng, Ba Lan, một quốc gia có kinh tế khá thấp, đầu tư ít về giáo dục nhưng nhanh chóng vượt lên trong những năm vừa qua- nay được đánh giá đã cao hơn Hoa Kỳ.

Eric vừa tốt nghiệp trung học tại Minnesota, từ một ngôi trường được đánh giá thuộc hàng ưu tú nhất Hoa Kỳ. Thay vì vào đại học như các bạn khác, Eric quyết định sang Nam Hàn du học để tìm hiểu một văn hóa hoàn toàn khác biệt, và vì sao học sinh Nam Hàn lại đạt điểm cao nhất nhì trong các cuộc thi quốc tế.

Kim là một nữ sinh trung học lớn lên tại một vùng đất nghèo thuộc tiểu bang Oklahoma, miền Trung nước Mỹ. Khao khát vượt ra khỏi sự nhàm chán và bó buộc của nơi mình sinh ra và lớn lên, cô xin mẹ được sang Phần Lan để chứng kiến tận mắt vì sao quốc gia này có trình độ học vấn được đánh giá là hiệu quả nhất thế giới, và vì sao giáo viên tại đây được coi trọng còn hơn bác sĩ.

Tom xuất thân từ gia đình ba mẹ đều là luật sư sống tại một mảnh đất cổ kính và yên lành ở Pennsylvania. Lớn lên trong thói quen thích đọc sách, Tom quyết định sang Ba Lan học để được nhìn thấy các kiến trúc cổ của Âu Châu, cũng như vì sao học sinh Ba Lan tuy không được đầu tư nhiều như học sinh Mỹ nhưng lại rất giỏi về Toán- môn học mà anh từ lâu đã không còn hứng thú và khả năng theo đuổi.

Đọc sách, người ta có thể nhận ra sự thành công về mặt học vấn đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có nhiều điều mà các dạy và học tại Hoa Kỳ nên học hỏi. Ví dụ, sự kỳ vọng và tin tưởng của phụ huynh đối với giáo viên và con em mình,  hay trình độ học vấn và sự kính trọng cho giáo viên, là một vài yếu tố được chứng minh là quan trọng hơn nhiều so với việc đầu tư về kỹ thuật và cách ra bài kiểm tra mà Mỹ đang đầu tư không ít tiền bạc và công sức để phát triển giáo dục...
Như đánh giá của một số tờ báo lớn và những người đã đọc qua sách, "Những Đứa Trẻ Thông Minh Nhất Thế Giới - và vì sao chúng được như thế" là một quyển sách mở ra một hướng nhìn hoàn toàn mới về nền giáo dục trong nước.

Bên cạnh những thông tin về nền giáo dục, học sinh và phụ huynh cũng có thể biết thêm nhiều điều thú vị về những cảm nhận rất riêng của các em thiếu niên về việc học, từ những chuyện thường ngày như các em học sinh thể hiện mình thế nào trước thầy cô và bạn bè, đến việc vì sao những em nghịch phá nhất vẫn có thể học để giữ điểm cao, hay sự nghèo khổ có thể trở thành sức mạnh để giúp trẻ quyết tâm học giỏi...

Sách có nhiều thông tin và số liệu cho những ai thích nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu thêm, cũng có những câu chuyện bên lề thú vị để lôi cuốn số độc giả học sinh nhỏ tuổi. Khi sách khép lại, độc giả sẽ hiểu được vì sao đây là New York Times Bestseller.

Sách giá $15.99, có thể mua tại các tiệm sách và các trang mạng lớn.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link