Thursday, December 25, 2014

Chuyện Gia Đình, Chuyện Việt Nam

 Chuyện Gia Đình, Chuyện Việt Nam
Trần Mộng Lâm
            Không hiểu vì một cơ duyên nào đó, một người em họ của tôi hiện sống tại Sài Gòn đã đọc được bài viết mới nhất của tôi  . Trong bài viết này, tôi  đã vì sự trường tồn của nước Việt Nam và sự Tự Do của con người, kêu gọi sự triệt tiêu chế độ Cộng Sản và  lá cờ đỏ sao vàng (Xé cờ Đỏ Sao Vàng ). Tôi cũng đã viết rằng lá cờ này đã đem lại cho dân tộc, đất nước quá nhiều bất hạnh, chết chóc..
T, tên người em họ tôi, viết cho tôi : Anh có còn nhớ C. đã hy sinh dưới lá cờ này ??
C là một người em họ khác của tôi.
Mẹ của tôi, mẹ T, và mẹ của C ( người đã chết trên đường vào Nam xâm nhập) là ba chị em ruột. Mẹ  tôi là chị hai, nói theo người Miền Nam, nghĩa là lớn nhất trong gia đình, nên T và C đều là vai em của tôi, tuy T lớn hơn tôi 2 tuổi.
Vào năm 1954, trước khi di cư, chúng tôi đều sống tại Hà Nội, không xa Hồ Hoàn Kiếm bao nhiêu. Mỗi ngày, chúng tôi gặp nhau, chơi đùa, có khi theo mấy bà mẹ, ra bờ Hồ ăn kem, bắt ve sầu, rất vui. Anh em họ, nhưng tình thân không khác gì anh em ruột, vì tuổi san sát nhau.Khi đó, chúng tôi còn học Tiểu Học, và không biết gì chuyện đất nước, chuyện chính trị, chính em, chỉ nghe các cụ bình luận, nhưng trẻ con, không để ý tới mấy chuyện này, khi đời sống còn có   nhiều việc khác hấp dẫn hơn gấp bội. 
 
Hiệp định Genève được ký kết, và cuộc di cư của người Miền Bắc vào Nam đã chia rẽ đám trẻ chúng tôi. Cha tôi nhất quyềt theo đoàn người di cư, lánh nạn CS. Trong khi đó, cha của T, một ông giáo Tiểu Học, và cha của C, một nhà kinh doanh khá nổi tiếng tại Hà Nội, lấy quyết định ở lại. Tôi còn nhớ mấy ông dượng của tôi nói với cha tôi : Hai năm sau,chúng ta lại gặp nhau mà. Ý của các ông là sau 2 năm, sẽ có Tổng Tuyển Cử, theo hiệp định Genève, và khi ấy, dầu muốn, dầu không, gia đình chúng tôi cũng phải sống dưới chế độ CS. 
 
Tôi lớn lên tại Miền Nam và may mắn được hưởng một nền giáo dục, không thể nói là tuyệt vời, nhưng tốt gấp trăm lần nền giáo dục mà T và C phải chịu đựng. Không phải tôi bị tuyên truyền hay muốn tuyên truyền , nhưng đó chính là cảm nghĩ của tôi mấy chục năm sau,  khi đã khôn lớn, và ngày nay, khi đã về già. Ở vào lớp tuổi, mà người ta gọi là «tri thiên mệnh», có ích lợi gì khi nói láo. Tôi nghĩ sao, nói vậy mà thôi.
Tại sao tôi dám quả quyết như vậy, chỉ vì một lý do : Tôi được tự do tìm hiểu, đọc sách, không bị ai nhồi sọ, không bị tẩy não,không bị phê bình và tự phê bình, khai và tố cáo ai…v.v khác xa các người cùng thời nhưng sống dưới chế độ CS. Miền Nam hoàn toàn khác Miền Bắc ở điểm này. Sau 1975, tuy chỉ phải sống với CS có 3 năm, tôi đã thấy rất ư khó chịu, với các buổi học tập trong cải tạo, và trong đời sống sau khi được thả, với những giáo điều nhai đi nhai lại, và cái loa mở đến tối đa, từ sáng tới chiều trong khu phố, chỉ để tuyên truyền chính trị, làm người ta nhiều khi muốn phát điên.Bởi vậy, đây cũng không phải tuyên truyền, tôi phải nhớ ơn ông Ngô Đình Diệm và các người chiến sĩ trong quân lực Miền Nam (Việt Nam Công Hòa) đã giúp tôi trưởng thành trong Tự Do, điều mà T và C không được hưởng. Cái này là do tôi tự nguyện nói, không ai bắt buộc, không tôn giáo nào bắt phải làm (Tôi theo đạo Phật, không phải đạo của ông Diệm).
 
Miền Nam cho chúng tôi một cuộc sống dễ thở. Tôi còn nhớ những năm đó, mẹ tôi còn gửi thơ qua Pháp, nhờ những người bạn mua những chiếc xe đạp Peugeot, gửi về cho mấy người em của bà, sống thiếu thốn tại Hà Nội. Khi đó, cha mẹ của C bị đuổi khỏi căn nhà của họ, vì xưởng máy của ông bị tịch thu, gia đình phải xuống sống tại cái garage cũ , mà cũng không được cả cái garage, phải sống chung cùng nhiều gia đình khác nữa. Tội nghiệp cho một ông dượng của tôi,một nhà doanh nghiệp sản xuất đồ nhôm, tương đối giàu tại Hà Nội. Ông đã phải sống những ngày, những tháng thật tủi nhục, đắng cay. Cũng may, ông không bị tố khổ, vì ông không phải là địa chủ, và vì ông sống tại Hà Nội.Sau 1975, ông có vào Sài Gòn tìm thăm gia đình tôi. Khi đó anh em  chúng tôi đều đã đi tù. Nghe cha mẹ tôi kể lại là trong lần hội ngộ này, bố mẹ tôi đãi mấy người đó một bữa cơm, không phải cao lương mỹ vị gì, nhưng   có chai rượu cognac gì đó mà cha tôi còn giữ được,mang ra đãi ông em cột chèo, trong cuộc hội ngộ sau 20 năm xa cách. Ông dượng tôi ăn mà chẩy nước mắt. Cha tôi nói rằng có lẽ ông xúc động khi nhớ về những ngày tháng cũ. Ông nói với cha mẹ tôi, là mấy chục năm nay, ông mới lại có một bữa ăn ngon đến như vậy. Trước 1954,những bữa tiệc các ông đãi nhau  thịnh soạn hơn nhiều. Bữa ăn năm 1975 đơn sơ vì sau khi CS vào, người Miền Nam cũng thiếu thốn và cha mẹ tôi cũng không dám bầy đặt gì nhiều, tránh cho khỏi bị hàng xóm dòm ngó. Ông dượng tôi, khi trước   còn là một lực sĩ nổi tiếng về môn tennis, nổi tiếng một thời tại Hà Nội. Chỉ sau  20 năm sống dưới chế độ CS, mà ông thay đổi hoàn toàn, có đâu người thanh niên con nhà giầu ngày nào, mặc bộ đồ trắng muốt mang vợt ra sân chơi, làm mọi người chú ý, xì xào. Cuộc sống dưới chế độ CS Xã Hội Chủ Nghĩa đã tàn phá cuộc đời ông, về cả thể xác lẫn tinh thần. Ngay cả đứa con trai duy nhất của ông bà cũng bị chiến tranh cướp mất, để sầu, để héo cho cha mẹ và hai cô em gái. C. đã không may chết trên dường mòn Hồ Chí Minh . Sau này, gia đình ông được công nhận là gia đình liệt sĩ. Tấm hình C khi nhập ngũ mà gia đình còn giữ được, với cái áo bộ đội mầu xanh  vẫn thấy tỏa ra nét tinh nhanh, láu lỉnh của một thanh niên Hà Nội chỉ hơn  20 tuối .  Tôi không gặp lại ông dượng bao giờ vì khi tôi ra tù ông đã trở lại Miền Bắc.
 
T. thì trái lại, tôi gặp lại nhiều lần. Anh ta có vẻ ít bị nhuộm đỏ, có lẽ vì năm 1954, anh ta đã lên trung học rồi, đả đủ lớn khôn để không mù quáng tin vào chủ nghĩa, và coi tất cả những người trong Nam đều xấu xa như CS đã tuyên truyền. Theo như cha mẹ tôi nhận định, thì anh rất tinh khôn, nín thở qua cầu, rồi len lỏi được vào hàng ngũ hội nhà văn gì đó. Anh ta có một quyết định rất sáng suốt là xin thuyên chuyển, đem gia đình vào Sài Gòn ngay sau 1975, là một trong những cán bộ CS Miền Bắc đầu tiên làm cuộc Nam tiến. Anh ta thường đến thăm gia đình tôi, và còn dẫn cha tôi đi thăm nuôi anh tôi, bị tập trung tại trại Suối Máu gì đó, và tôi tại mãi Cà Mau, trong núi rừng U Minh. Lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau, ngỡ ngàng. Tôi, trong địa vị một tên tù, và anh, cũng là một người trong «bên thắng cuộc». Tuy nhiên, lần gặp đó, chẳng có gì để nói với nhau, vì tôi chỉ có thể nói qua loa vài câu với ông già, rồi đem gói quà về trại. Ít lâu sau, ra trại, tôi không được về Sài Gòn với gia đình. Giấy ra trại bắt tôi phải về Cần Thơ để bị quản chế tại đây. Khi tôi làm đám cưới năm 1978, lại cũng chính anh đưa cha mẹ tôi xuống Cần Thơ. Lúc này, tôi đã xin vào làm tại trường Trung Học Y Tế Hậu Giang, tại tỉnh Vị Thanh (Chương Thiện cũ) để được yên thân. T. khuyên tôi nên thích nghi với hoàn cảnh, vì «người ta sống được, thì mình cũng sống được».
T, nghĩ là khi tôi làm đám cưới, là tôi đã chấp nhận sống dưới chế độ mới, nhưng anh đâu biết rằng tôi và vợ tôi không thể nào chịu sống trong một thể chế độc tài, sau khi đã biết thế nào là Tự Do, Dân Chủ thực sự. Bởi vậy cho nên, «nhứt chín, nhì bù», chúng tôi vượt biên, một là sống đời tự do, hai là chết ngoài biển khơi. Nhờ ông bà độ trì, chúng tôi vượt biên thành công, và lập lại cuộc đời tại Canada. 
Trong khi đó tại VN, cuộc đời của T cũng khá lên. Không phải vì T tài giỏi gì, mà vì con gái anh ta sau đó lên Đại Học, biết là muốn thành công, phải học Tiếng Anh trước đã. Nhờ giỏi tiếng Anh, đi làm với các công ty ngoại quốc, đứa cháu gái đó đã vực dậy cả một gia đình mà nếu chỉ trông vào T, có lẽ chỉ đủ để khỏi chết đói.
Dù trong gia đình, chúng tôi vẫn giữ tình anh em, nhưng vẫn là một bên thắng cuộc, và một bên thua cuộc, nên sau này gặp lại tại ngoại quốc (T. có đi ra nước ngoài du lịch , nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân lại VN), giữa chúng tôi vẫn là một khoảng cách, tuy T tế nhị không bao giờ tuyên truyền tôi, trong khi tôi nhiều khi tính nóng, chưởi toáng bọn CS mù  quáng đi theo một con đường đã bị cả thế giới đào thải.
Có lẽ vì tính tình điềm đạm, nên T. không bao giờ phản kháng những gì tôi nói, chỉ cười cười khi tôi chưởi Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng bán nước. Đó là lý do khiến tôi ngạc nhiên  khi nhân được câu hỏi của T. : Anh có còn nhớ C. đã hy sinh dưới lá cờ này, như tôi đã nói ở đầu bài viết này.
 
Câu hỏi của T đến với tôi như một lời trách cứ. Tôi đã viết trả lời T như sau : 
Chú T.
Tôi biết chú trách tôi đã quá hơi quá đáng khi viết là lá cờ đỏ sao vàng chỉ đem lại cho Việt Nam sự chết chóc. Tôi cũng không quên C. đã chết dưới lá cờ này, Chú gọi đó là một sự hy sinh cũng được, nhưng có lẽ trong hoàn cảnh của đất nước mình những năm tháng đó, chữ hy sinh dùng không đúng chỗ. C. chỉ là một nạn nhân của một bộ máy tuyên truyền, và cái chết của C. tuy rất đáng tiếc, nhưng khó có thể gọi là một sư hy sinh cho dân tộc, cho đất nước. Chắc chú phải đồng ý với tôi là trong hiện tại, hiểm hoạ mất nước của chúng ta cận kề hơn bao giờ hết. Tuy có thể không cố ý, nhưng những người cán binh CS đã chiến đấu dưới ngọn cờ đỏ sao vàng đã phần nào trách nhiệm trong việc mất nước này.
Còn lá cờ đỏ sao vàng, T. có nghĩ rằng nó sẽ tồn tại mãi hay không ??
Với tình hình chính trị hiện nay tại VN, nếu người VN không làm gì, thì chỉ trong 10 năm nữa, chính lá cờ đỏ sao vàng cũng sẽ không còn. Nó sẽ được thay thế bằng một lá cờ mới của CHINA, với sáu ngôi sao. Gọi là «lục tinh kỳ» cũng được , với một bản quốc ca mới, thay thế cho bản Tiến Quân Ca, phải không T ??
Lá cờ đỏ sao vàng, bằng cách này hay cách khác, sẽ biến mất. Đó là định mệnh của nó.
Vậy thì mong T  đừng trách tôi vội quên cái chết của C, người em họ chúng ta.
 
Lá thư viết xong, tôi thấy lòng thật buồn. Thế hệ của tôi là một thế hệ đã bị hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Cuộc chiến tranh này đã khiến bao người trẻ Việt , nam cũng như nữ, không được sống một cuộc sống an lành, trong một đất nước thanh bình. Nếu Miền Bắc không vì cái tham vọng nhuộm đỏ thế giới của các lãnh tụ , thì đất nước tôi đâu có trở thành như ngày hôm nay, và dân tộc tôi đâu có chia rẽ, hận thù đến không thể nhìn nhau được nữa. Các người thanh niên nạn nhân của cuộc chiến này, khi ngã xuốngchiến trường, chỉ là những nạn dân vô danh, không tên tuổi, không chân dung, của một cuộc chiến  mà đến nay, người ta vẫn còn hỏỉ nhau mục đích sau cùng của nó là gì ?? vì lý tưởng, hay chỉ  vì là tham vọng mù quáng của những tên điên . Trên các bãi chiến trường xưa cũ, còn lại gì ?? Có chăng chỉ là một vài di vật, như trong bài hát rất nổi tiếng, mà nghe đi, nghe lại mãi, vẫn còn thấy thấm thía, đau sót.
Hỡi người chiến sĩ đã để lại chiếc nón sắt
Trên bờ lau sây này.
Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu?
Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẳm
Hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao
Trên đầu anh cái nón sắt ngày nào ấp ủ, 
mộng mơ của anh, mộng mơ của một con người
Ôi nó khác chi mây trời hiền hòa
Khác chi bốn mùa êm trôi
Có tiếng cười thủy tinh của vài đứa trẻ
Và hơi ấm vòng tay ôm của một người vợ hiền,
phải thế không anh ?
Trong cái nón sắt của anh mặt trời vẫn còn đó
Ban ngày và ban đêm
mặt trăng và muôn triệu vì sao
vẫn còn đó, tất cả vẫn còn đó
nhưng anh, bây giờ anh ở đâu….
Người thanh niên Miền Nam của thế hệ tôi đã vì chiến tranh mà mất hết tuổi thanh xuân, và ngày nay, khi cuộc chiến đã chấm dứt được 40 năm rồi, có thể họ mù mắt, què tay, lê lết kiếm ăn nơi đầu đường xó chợ quê nhà, hay đã nằm lại dưới đáy biển đông, hay trong bụng cá. Cùng lắm là họ may mắn đến được Cali, ngày ngày ra  Phước Lộc Thọ, uống cà phê, nhắc lại thời xưa cũ và nhớ đến những thằng bạn xấu số ngày nào đã gục ngã trên chiến trường. Còn những người miền Bắc đã tấn công Miên Nam 40 năm về trước đó, như anh ba Hoanh, người cán bộ mắt gần mù đã là quản giáo của tụi tù chúng tôi tại Cà Mau , thì cũng xất bất xang bang :
Đầu đường đại tá bơm xe
Giữa đường thượng tá bán chè đậu đen
Trung tá đi bán cà rem
Thiếu tá thì bận thổi kèn đám ma
Đại úy chăn vịt đuổi gà
Trung úy ở nhà bám đít con trâu
Còn thằng thiếu úy thì đâu
Ba lô lộn ngược buôn tầu Bắc-Nam
Bao giờ Trung Quốc tràn sang ??
(Đèn Cù, trang 511)
Anh ta không thuộc về các gia đình gọi là «Hoàng Gia CS». Tất cả những cố gắng hy sinh của một thời «Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây» chỉ đem lại sự hình thành một chế độ thập phần phong kiến, tôi tớ ngoại bang, với những ông Hoàng đỏ, và những lãnh chúa địa phương, khác xa cái Xã Hội Chủ Nghĩa mà họ đã tưởng tượng trong đầu khi theo «lá cờ sao lấp lánh» mà «bác» của họ đã dẫn họ đi, đến một cái bánh vẽ khổng lồ.
Cả một thế hệ đã bị lừa.
Cả một dân tộc đã bị lừa.
Than ôi, nói ra thì có vẻ cay đắng, nhưng sự thực đúng là như vậy. 
 
  
 
 

__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?Q?Vi-b=C3=A1o_v=C3=A0_nxb_L=C3=A0ng

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link