Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 16.3.2015
Chỉ có người dân là cười không nổi
Đến nay cái không khí Tết ở VN đã qua đi nhưng điều còn để lại
chính là những lễ hội và sự sùng bái quá mức của người dân và sự “vung tay quá
trán” vào những việc cúng lễ của nhiều gia đình trong dịp Tết.
Có thể nói từ xưa tới nay chưa bao giờ những lễ hội ở VN được phát
triển rầm rộ như vào lúc này.
Hiện nay VN có tới 8.000 lễ hội. Người ta không bỏ quên bất cứ môt
tập tục lễ hội nào từ nhỏ tới lớn, càng ngày quy mô của lễ hội càng được “thần
thánh hóa hoành tráng” hơn, không ít lễ hội bày vẽ đủ thứ để móc túi khách thập
phương.
Chẳng ai bắt buộc ai phải đi lễ bái cả, đó là lòng tự nguyện nhiệt
thành của khách hành hương. Nếu quyên góp vài ngàn cho quỹ từ thiện, nhiều ông
bà còn rất ngần ngại tiếc của, nhưng bỏ ra vài trăm ngàn đi lễ hội, nhét vái chục
ngàn “hối lộ tượng Phật” thì người ta chen chúc tự nguyện làm. Không thể đo đếm
được bao nhiêu tỉ đã bỏ ra đốt vào những lễ hội.
Chính điều này làm cho ý nghĩa của những ngày nhớ ơn các vị anh
hùng hoặc gắn liền với những di tích của cha ông đã mất hết ý nghĩa.
Đó chỉ còn là nơi “mua quan” “cầu lộc” mà chẳng phải làm ăn gì. Đã
có hàng trăm trang báo nói về sự kiện này. Cứ như cả năm dốc sức làm ăn vất vả,
chỉ đợi ngày lễ là tự giải thoát cho mình bằng cách vung ra cầu tài cầu lộc hy
vọng một chút tin tưởng vào năm sau.
Nhìn vào hiện tượng này có thể dễ dàng nhận định niềm tin vào cuộc
sống đang bị sói mòn dữ dội.
Khi những vụ tù oan chết thảm trong tù, người dân không con tìn vào
pháp luật nữa.
Khi những vụ tham nhũng của các quan to bị phơi bày, khi những căn
nhà trăm ngàn tỉ của các đại gia chơi ngông bày ra trước mắt thiên hạ, rõ ràng
sự xa cách giữa giàu nghèo ở cái đất nước này ngày càng lớn rộng.
Người dân phát thèm và phát khùng vì những ngôi nhà dát vàng, trong
khi họ chui trong những căn nhà mục nát, bữa đói bữa no thì làm sao xã hội công
bằng cho được!
Bởi vậy hiện tượng sùng bái thánh thần là cứu cánh duy nhất cho
tương lai. Đừng trách người dân u mê vội mà hãy trách cái xã hội còn đầy bất
công này.
Có thể tin chắc rằng tình trạng xã hội cứ như thế này thì năm sau
hay bao nhiêu năm nữa những hiện tượng tin vào thần thánh vẫn không thể chấm dứt.
Năm trước nói rồi, năm sau vẫn thế. Dường như đó vẫn là “bài học thuộc lòng” của
cả xã hội VN từ nhiều năm nay, kể cả về mặt pháp lý. Ngày càng có nhiều chính
sách và luật lệ khiến người dân bất an.
Nhưng ngoài những lễ hội phung phí tiền bạc, có một lễ hội rất đặc
biệt còn giữ được nét truyền thống của cha ông thời xa xưa. Tuy nhiên lễ hội
này lại không hề có một quan chức nào tham dự. Ta hãy tìm hiểu ý nghĩa và sự ra
đời của lễ hội này.
Lễ hội “Minh Thề” độc nhất vô nhị tại VN.
Sáng ngày 4/3, (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), tại chùa, đình
làng Thiên Phúc, làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng,
đã diễn ra Lễ hội Minh Thề - thề không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của
công làm của tư.
Lời tuyên thệ không tham
nhũng, dĩ công vô tư
Sử sách ghi lại, lễ hội Minh Thề (hay
còn có cách gọi khác là Miêng Thệ) có từ năm 1561 khi Thái Hoàng, Thái Hậu Vũ
Thị Ngọc Toản (vợ Thái thượng hoàng Mặc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là
thôn Hòa Liễu), vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật.
Bà đã xuất tiền mua được 25 mẫu, 8 sào, 2 thước.
Sau đó, những người dân trong làng thấy
việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa.
Diện tích chùa và đất canh tác lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước.
Trong thời gian xây dựng, ngoài diện
tích chùa, một phần diện tích ruộng vườn được Hoàng hậu Ngọc và những người có
chức sắc trong làng chia cho những người trông chùa canh tác, diện tích còn lại
được cho cấy khoán. Sản phẩm thu được chia cho người nghèo trong vùng.
Lương thực dư thừa được tích trữ hàng
năm khoảng 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không xảy ra
tình trạng tham nhũng của công, Thái Hoàng Thái Hậu cùng với dân làng đã lập ra
Hịch văn Hội Minh Thề. Đối tượng cụ thể là những người đứng đầu trong làng (Lý
trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần).
Người trong làng từ 18 tuổi trở lên đều tham gia cùng uống
rượu tuyên thề.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm
2003, lễ hội Hịch văn Hội Minh Thề được chính quyền địa phương và người dân
trong làng khôi phục và giữ nguyên được giá trị văn hóa thời xưa.
Lời thề không tham nhũng của dân
Trước sự chứng kiến của đông đảo nhân
dân và du khách thập phương, các vị bô lão và nhiều người dân trong làng đã thề
trước các vị thần linh nếu lấy của công phục vụ việc công thì được thần linh
ghi nhận, nhược bằng tham công lấy của công làm của tư thì nguyện cầu bị trư thần
linh trị tội. Đối với các cụ già đến trẻ phải dụng bảo con cháu không được tham
nhũng, nếu không nguyện cầu bị chư thần linh trị tội. Những ai trong làng bao
che tội phạm, chứa chấp của gian tà cũng sẽ bị thân linh trị tội.
Sau nghi lễ cắt tiết gà hòa rượu ăn thề,
các bô lão trong làng tiếp tục dâng rượu thề lên các đại biểu, nhân dân đến
tham dự. Tuy nhiên chỉ có các vị cao niên trong làng khấp khởi đón lấy rượu
thiêng cùng lời thề không tham nhũng.
Ông Phạm Đăng Khoa, nguyên Phó Ban quản
lý di tích đền chùa Hoa Liễu, nơi diễn ra lễ hội Minh Thề cho biết: "Nhờ lời
thề mà làng tôi trăm năm qua bình yên, không cướp bóc, không trọng tội. Mong muốn
của dân trong làng là lễ hội được nhân rộng lên cấp cao hơn nữa để chính quyền
và nhân dân chung nhau quyết tâm “dĩ công vô tư”, không tham nhũng”.
Tại sao các quan không
dám thề?
Tuyệt nhiên trong lễ hội này không thấy
có quan chức nào đến dự lễ hội nâng chén rượu thề. Tại sao vậy? Không lẽ các
quan chức từ làng đến tỉnh không biết đến lễ hội này sao? Các quan cứ phải xách
xe biển xanh có tài xế lái, đưa vợ con đến các lễ hội danh tiếng linh thiêng
hơn để cầu tài, xin lộc, mong được thăng quan tiến chức, vàng và đô la chảy vào
túi nhiều hơn năm ngoái. Một hình thức hối lộ thánh thần mà không cần phải thề
thốt không tham nhũng, bởi không tham thì lấy đâu ra tiền xây nhà trăm tỉ, củng
cố cả ba đời con cháu không hết của.
Người dân dự hội cùng uống rượu thề, chỉ có các quan không ai thề.
Sao thế nhỉ?
Các quan chức không dự lễ hội vì giàn dị
là không dám thề, bởi các quan cũng là những người mê tín hạng nặng, dường như
càng giàu sang càng mê tín. Cho nên thề không tham nhũng lỡ thánh thần hiển
linh bóp cổ chết tươi hoặc cho đi tù mạt kiếp thì sao. Cho nên các quan phe lờ
như không biết là thượng sách.
- Bạn dangloc.nguyen@gmail.com
giải thích:
“Các quan có tật giật mình. Bản thân
tham nhũng vơ vét, lại ngày càng mê tín dị đoan, thì làm sao dám thề, ngộ nhỡ
có thánh thần linh thiêng thì có mà chết toi. Thề với trời đất, thánh thần thì
khó quá, khó quá!”.
- Bạn lvcuong.ktnd@yahoo.com
đề nghị:
“Tôi nghĩ phải đưa Lê Hội Minh Thệ lên
cấp Quốc Gia và tổ chức trang trọng hàng năm đối với các quan chức từ cấp cao
xuống cấp thấp . Nếu làm tốt, Hội thề này có tác dụng hơn nhiều phương thức bỏ
phiếu tín nhiệm hiện nay…”.
Tôi không rõ liệu lễ hội như thế này có
được nhà nước VN và những nhà nghiên cứu lịch sử, hoạch định chính sách nghiên
cứu để phổ biến đến các địa phương hay không. Nếu có chắc chắn các loại buôn thần
bán thánh sẽ bớt đi được đôi phần và lòng dân sẽ bớt bất an hơn bởi cuộc sống
đang ngày càng khó khăn hơn. Nhất là sau cú “tăng giá kép”, điện và xăng cùng
nhau tăng giá vào đầu năm nay đã khiến người dân và cả các doanh nghiệp lao
đao.
Điệp khúc kêu lỗ, tăng
giá điện cũ mèm
Cái bài ca chưa tăng giá điện trước Tết
cho người dân hiểu rằng sau Tết sẽ tăng giá chẳng còn xa lạ gì với người dân Việt.
Quyết định này vừa được đưa ra sau phiên họp của thường trực Chính phủ chiều
(5/3) và có hiệu lực từ ngày 16/3. Theo đó, với mức tăng 7,5%, việc điều
chỉnh giá lần này sẽ đảm bảo việc Tập đoàn Điện lực (EVN) không bị lỗ.
Với hàng trăm lý do tự cho là “chính
đáng” (?) từ Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) được Bộ Công Thương tích cực yểm
trợ, người dân lại è cổ ra đóng thêm tiền điện hàng tháng. Nhưng người dân tuyệt
nhiên không biết sự chi thu lỗ lãi của tập đoàn điện lực ra sao. Chỉ có các ông
độc quyền biết với nhau.
Bảng so sánh giá điện trên báo VN. Không thấy bảng
so sánh bình quân thu nhập
của
người VN so với các nước trên thế giới.
Sau khi công bố tăng giá điện, trên tờ
VN Express còn giật cái tít to tướng: “Giá điện Việt Nam ở mức thấp so với thế
giới” và đưa ra bảng so sánh rất chi tiết về giá điện các nước trên thế giới với
chủ đích rằng giá điện VN so với nhiều nước còn rất thấp để trấn an lòng dân,
và rằng đáng lẽ giá điện ở VN phải tăng nhiều hơn nữa. Cụ thể là có 3 giá được
đề nghị: Tăng 7,5%, 8,5% và 9,5%. Nhưng chính phủ… thương dân nên chọn cái đề
nghị thấp nhất là 7,5%.
Nếu cần tăng 9,5% chắc sẽ có 2 đề nghị
khác là 12% hoặc 13% để chính phủ… thương dân tăng thấp nhất là 9,5%.
Người dân bây giờ khôn rồi, ai cũng biết
kịch bản này từ lâu. Báo chí VN bây giờ cũng có vẻ hiền và ngoan hơn nhiều.
Nhưng nói gì thì nói lòng dân vẫn bất an khi mọi thứ đều tăng. Người ta tự hỏi
thu nhập bình quân của người Viêt là bao nhiêu so với các nước khác?
Bạn Mạnh Phúc phản công ngay dưới bài
báo: “Cần phải căn cứ vào GDP bình quân đã mới biết là giá điện nước
nào cao hơn nước nào. Người dân bình quân phải đóng bao nhiêu tiền điện một
tháng và nó chiếm bao nhiêu % thu nhập của họ. Thế mới đánh giá được là giá điện
cao hay thấp”.
Thật vậy, thu nhập bình quân đầu người
Việt Nam có khi chỉ bằng 1/10 hoặc gần chạm đáy, vậy thì so sánh giá điện làm
chi cho vở bi kịch thêm khôi hài! Chỉ có người dân là cười không nổi.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
* Trang bài viết
của Nhà văn Văn Quang
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment