Monday, March 16, 2015

Chuyện xưa, chuyện nay


Chuyện xưa, chuyện nay

Thiện Tùng

Chuyện xưa như nay
Cũng không xưa lắm, năm 1976, sau khi đổi tên, lên cầm quyền, trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng xuất hiện tệ thu vén cho cá nhân, dư luận xã hội gọi hiện tượng đó là “tiêu cực” và bắt đầu căm ghét tiêu cực.

Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ 6, còn gọi đại hội “Đổi mới”, Nguyễn văn Linh trúng Tổng bí thư, Phạm Hùng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Để trấn an dư luận công chúng, tuy không gọi là chiến dịch nhưng gần như vậy, hai ông chủ trương làm hai việc:

1/ Lập Hội Cựu kháng chiến: Những người ít nhiều có kháng chiến là đủ tư cách tham gia Hội này. Các ông cho rằng, chỉ những người có công kháng chiến, dựng nên chính quyền mới dám mạnh tay chống tiêu cực, làm trong sạch nội bộ Đảng và Chính quyền.

2/ Đổi mới Báo chí: Bật đèn cho báo chí – quyền lực thứ tư, tấn công vào những tệ nạn tiêu cực nhằm lành mạnh hóa xã hội.
Để hậu thuẫn cho việc thực hiện hai chủ trương trên, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh còn mở chuyên mục trên báo Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng “ Những việc cần làm ngay” ký tên NVL.

Ngoài hệ thống báo chí cả nước vào cuộc, TP HCM thành lập Câu lạc bộ Kháng chiến với 12 ngàn hội viên, ra mắt ở Tao Đàn, có công an giữ trật tự, do Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng làm trưởng và phó Ban Chủ nhiệm. Cũng thời gian này, các tỉnh Nam bộ cũng tiến hành thành lập hội Cựu Kháng chiến, trong đó, Cửu Long (Vĩnh Long+Trà Vinh) do đương kim Trưởng ban Nội chính Nguyễn văn Đông làm chủ tịch;  An Giang do Nguyễn văn An (Tư An), nguyên Khu ủy viên khu Trung Nam bộ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An giang làm chủ tịch; Sông Bé (Bình Dương+Bình Phước) do bà Kỳ Hương, phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm chủ tịch; Tiền Giang, tuy đã có 57 đảng viên cao niên đứng tên xin lập Hội , nhưng Tỉnh ủy còn xem xét, chưa đi vào hoạt động.

Sau hơn 3 năm, mũi báo chí và các tổ chức Cựu kháng chiến tới tấp tấn công, chặn đứng và đầy lùi nạn tiêu cực, nhiều vụ án được phá và đưa ra pháp luật xử lý.

Điều quá bất ngờ, sau khi đi dự Hội nghị Thành Đô với Trung Quốc về, Tổng Bí thư Đảng Nguyễn văn Linh không giữ lời, ngoài bỏ chuyên mục “Những việc cần làm ngay” – thành “làm ngơ”, ông còn chỉ đạo các địa phương xử lý báo chí và các tổ chức Cựu Kháng chiến với tội danh: “làm mất đoàn kết nội bộ”, tạo điều kiện cho “ những thế lực thù địch chuyển lửa về quê nhà”. 

Số phận báo chí: Bốn tờ báo vừa được Đại hội Báo chí toàn quốc tuyên dương đi đầu trên mặt trận chống tiêu cực là Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Ấp Bắc, Sông Hương phải chịu những “trận đòn” tơi tả:
  • Ông Tô Hòa, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng TP HCM bị buộc thôi giữ chức, cho nghỉ hưu.
  • Bà Kim Hạnh,T biên tập báo Tuổi Trẻ buộc thôi giữ chức, chuyển công tác.
  • Trần Bửu và Kim Tinh, Tổng và Phó tổng biên tập báo Ấp Bắc Tiền Giang thôi giữ chúc, chuyển công tác.
  • Tờ Sông Hương không còn xuất hiện, có lẽ bị đình bản.
Ngoài ra, các nhà báo, hay cộng tác viên báo hăng hái trên mặt trận chống tiêu cực- viết bằng ngòi bút thép, chẳng những bị treo bút, còn bị phân biệt đối xử -xem như thành phần quá khích, bất hảo. 
Số phận của những tổ chức Cựu Kháng chiến: Những tổ chức này còn bi đát hơn báo chí, lần lượt “no đòn”, bị xem như “Những phần tử xét lại chống Đảng” trước đây ở miền Bắc:
  • Ông Nguyễn Hộ và ông Tạ Bá Tòng, bị kết tội “quá tả”, buộc thôi giữ chức Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Người kháng chiến cũ TP HCM, bị quản chế tại nhà, cho công an theo sát; thay vào đó, 2 ông Phan văn Đáng (Hai Văn) và NguyễnThành Mua (Hai Chiến) “hiền” hơn – có lẽ ngại không giải thể vì câu lạc bộ này lúc bấy giờ đã có đến 17 ngàn hội viên, gần như hầu hết là đảng viên đương nhiệm và nghỉ hưu.
  • Hội cựu Kháng chiến các tỉnh Cửu Long, An Giang, Sông Bé mới thành lập, hội viên chưa nhiều, không chịu nổi sức ép của lãnh đạo địa phương, lần lượt tan rã không kèn không trống.
  • Riêng ở tỉnh Tiền Giang, 57 cán bộ trung cao cấp Đảng đứng đơn xin lập Hội cựu Kháng chiến bị Tỉnh ủy kiểm điểm, xử lý kỷ luật nặng nhẹ khác nhau, có hơn 30% trong số bị khai trừ Đảng.
Thế là Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh là người phát động cũng là người triệt tiêu phong trào chống tiêu cực. Vì chủ trương tiền hậu bất nhứt, biết bao cán bộ đảng viên bị nạn vì quá tin nơi ông. Thừa cơ hội, bọn tiêu cực chuyển từ thế thủ sang thế công, ra những đòn thù ghê tởm. 
Chuyện nay như xưa
Từ đầu năm 1991, trong văn kiện hay trên diễn đàn, Đảng CSVN thay 3 từ  “chống tiêu cực” bằng 3 từ “chống tham nhũng” – Có lẽ TW Đảng thấy “vi khuẩn” đã thâm nhập vào tận não bộ.

Từ đó đến nay đã 24 năm (1991 – 2015), qua bao đời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước,Thủ tướng, đều dựa vào tổ chức Đảng chống tham nhũng, với phương thuốc gia truyền “phê tự phê” để loại “sâu”. Thể trạng loại sâu có xương sống nầy đủ sức kháng thuốc gia truyền. Vì vậy, cuộc chiến dằng dai, phần thắng nghiêng hẳn về sâu. Từ chỗ “đẩy lùinhưng nó không chịu lùi, phải hạ mức “chặn đứng nó cũng không chịu đứng, nghiêm trọng đến mức, ông  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải hốt hoảng la lên: “Không phải một hai con sâu mà cả bầy sâu… !”. 

Tổng Bí thư Trọng nghe ông Sang nói thế, cho kiểm tra rồi khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã thoái hóa biến chất…. Phải chỉnh đốn Đảng để bảo vệ chế độ”. Ông chủ trương tái lập Ban Nội chính, chuyển việc chống tham nhũng từ phía Chính phủ sang phía Đảng. Diệt mới được mấy “con chuột” cơm, Ông đã vội cảnh báo: “Đánh chuột không được làm vỡ bình”.

Là đảng viên 45 năm tuổi đảng, là Tổng biên tập tờ báo Người cao tuổi thuộc hệ thống báo do nhà nước quản lý, tại sao ông Kim Quốc Hoa không hiểu ngụ ý của Tổng Bí thư, truy chuột bằng cách dùng cây thọt vào bình. Sợ vỡ bình, Đảng bật đèn  cho ngành chủ quản xử lý tờ Người cao tuổi để răn đe, bảo vệ bình, chấp nhận hy sinh cá thể để bảo vệ toàn thể (đại cục) thì có chi là khó hiểu?

Việc chỉ rút thẻ nhà báo, đình bản trang điện tử Người cao tuổi đối với  Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, nếu so với số đảng viên xưa kia hay những đảng viên bị khai trừ, ngồi tù vì “tội” chống tham nhũng gần đây, Đảng đã quá nhẹ tay với ông Hoa lắm rồi. Đánh chuột không kiêng bình là có tội đối với Đảng, còn khiếu nại, kêu oan cái nỗi gì?

Trong thư gởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hoa thống kê, từ khi ra đời đến nay, báo Người cao tuổi đăng tải khoảng 2.500 bài chống tham nhũng – kể cà 11 bài đưa ra làm vật chứng khởi tố. Không biết ông nghĩ thế nào mà viện dẫn nhằm tự bào chũa cho mính: “Chỉ nêu ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, hơn 100 cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật, làm lợi đáng kể…”. 

Lợi hay hại ? 
– Đảng như một cơ thể, đảng viên như những tế bào, Ông truy diệt tế bào mà nói làm lợi cho cơ thể là không thuyết phục. Đã bao năm rồi, dân chúng nổi giận muốn làm loạn vì nạn tham nhũng cửa quyền. 

Để an dân, từ lâu nay, từng hồi từng chập, Đảng chủ trương chống tham nhũng để xả căng trong dân, chớ “tay cắt tay bao nỡ, ruột cắt ruột sao đành”, là đảng viên, sao ông Hoa còn ngây thơ thế! Nói đi rồi phải nói lại, đứng góc độ dân, ai cũng liệt ông Hoa vào nhóm đảng viên thật thà, chân chính, đáng được tôn trọng.

Tôi là đọc giả báo Người cao tuổi, nếu so sánh trong hơn 800 tờ báo do  Nhà nước quản lý, báo Người cao tuổi vượt trội chỉ trên lĩnh vực chống tham nhũng, nhưng nếu đem so với những tờ báo điện tử không do Nhà nước quản lý thì nó chẳng những thua xa về chống tham nhũng mà còn thua cả về nhiều mặt khác.

So với số đảng viên dấn thân vì nghĩa lớn từ trước tới nay, ông Hoa còn may mắn hơn nhiều. Đã dấn thân thì đừng sợ hy sinh mất mát – kể cả mạng sống. Nếu cấm đá trong đội hình chính thức thì tìm đá đội hình không chính thức. Nếu tờ Người cao tuổi bị bức tử thì đã và sẽ có những tờ khác thay – “Có cô thì chợ cũng đông/ vắng cô chợ cũng chẳng không buổi nào”.

Đã là nhà báo có tay nghề, đừng sợ không có đất dụng võ, chỉ sợ không có nhiệt tâm.
9/3/2015
T.T.
Tác giả gửi BVN


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link