Sunday, March 15, 2015

Ước Mơ Đầu Xuân

From: "truc nguyen
Sent: Friday, March 13, 2015 5:40 PM
Subject: [DDCL] Fw: TRAN TRUNG DAO :Ước Mơ Đầu Xuân

 

 
Ước Mơ Đầu Xuân
Trần Trung Đạo
hoian 4

Tôi ít viết thơ tình. Không phải vì tâm hồn tôi khô khan, lạnh cảm nhưng chỉ vì một cảm xúc riêng tư chưa kịp dâng lên đã bị những ưu tư chung đè xuống. Đất nước nghèo nàn, quê hương xa xôi, lòng người ly tán trở thành những gánh nặng không rời. Nặng đến nỗi nhiều khi tôi tưởng chừng nếu không có sự đóng góp của mình đất nước sẽ khó mà thay đổi. Thật ra, không phải thế. Tôi chỉ thương cho quê hương khốn khó mà nghĩ thế thôi. Không có tôi mùa đông vẫn ra đi và mùa xuân sẽ đến.

Tôi yêu quê hương qua số phận của đời mình, đời một giọt nước mưa, một chiếc lá. Trong thơ, tôi viết nhiều về cơn mưa và chiếc lá. Bởi vì đời tôi là những cơn mưa dài. Mưa khi tôi rời xóm làng, mưa trong đêm đầu tiên trong căn gác, mưa dưới gốc đa già, mưa khi tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời đất nước ra đi.

img-yineyagmuryagiyor-454
Những ngày ở trung học Trần Quí Cáp tôi có viết bốn câu thơ tình:
Em về phố Hội chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng
Ta như giọt nước mùa mưa đó
Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông.

Bốn câu thơ đã trở thành điềm báo trước cho tôi, giọt nước mưa trên con đường Phan Đình Phùng – Hội An ngày nào đã thật sự cuốn về trăm nhánh sông trên khắp bốn phương trời.
Tôi rời Hội An năm 1972. Ngày ra đi, một người bạn lớn hơn tôi vài tuổi, cũng là người làm thơ quen thuộc ở Hội An thời đó, Huỳnh Kim Sơn, tặng tôi hai câu thơ:
Trong tôi đã hết mùa xuân thắm
Cỏ mọc quanh đời say viễn du.

Hai câu thơ rất hay nhưng với tôi chưa mang nhiều ý nghĩa như bây giờ. Tôi đi học ở Sài Gòn chứ chẳng viễn du nơi phương trời xa lạ nào cho lắm. Ngày đó Sài Gòn khá xa với Đà Nẵng nhưng năm nào khi Tết đến tôi vẫn trở về.

Hội An những ngày tôi sống buồn và vắng vẻ. Thành phố buồn đến nỗi trong một bài luận văn tả Hội An, tôi đã gọi đó là ”Thành phố chết”. Không những con người chẳng ai ngó ngàng đến Hội An mà cả chiến tranh cũng bỏ sót Hội An. Thật vậy, ngoại trừ vài trận đánh lẻ tẻ, trong suốt mấy mươi năm của cuộc chiến, thành phố thân yêu của tôi gần như được cả hai bên để cho yên, đúng ra là quên lãng.

hoianxua
Hội An xưa

Điều rất lạ, ngay cả Mỹ, trong thời cao điểm với cả trăm ngàn quân đóng ở Đà nẵng, cách đó chỉ vài chục cây số, không đơn vị nào đóng ở Hội An. Hẳn nhiên không ai để ý đến chuyện bảo tồn văn hóa mà chỉ vì Hội An đã không còn là một ví trí kinh tế chính trị chiến lược như 300 năm trước. Dù sao, nhờ những lãng quên đó mà ngày nay những mái ngói cong nguyên vẹn, những cột nhà chạm trổ tinh vi đã giúp kiếm ra được ít tiền của du khách để nuôi sống người dân phố Hội sông Hoài.

http://rungduabaymau.vn/wp-content/uploads/2014/04/da-nang-son-tra-ngu-hanh-son-hoi-an-05.jpg
phố Hội sông Hoài

Những ngày tôi còn ở đó, Hội An rất nghèo. Một lần, có người hỏi tôi bây giờ Hội An sống nhờ du khách, ngày xưa sống bằng gì. Tôi trả lời nửa đùa nửa thật, ngày xưa Hội An sống bằng thơ. Ngoài thơ, tôi không nhớ Hội An không bằng gì khác. Không ruộng đất, không nhà máy. Không du khách. Không có những đêm rước đèn phố cổ như bây giờ. Ngày đó, gia tài tuổi học sinh của chúng tôi là những bài thơ đầy sáo ngữ và một cây đàn xài chung cho cả nhóm. Bài Thu hát cho người tôi thường nghêu ngao ở Ngã Ba Tin Lành vẫn còn vang vọng mấy chục năm sau.

Những người từ Hội An ra đi đều có một nhận xét giống nhau: “Hội An là thành phố để về thăm chứ không phải nơi để ở”. Tuy buồn bã như thế, hàng năm, tôi vẫn về. Ngay cả những năm khó khăn sau 1975, tôi vẫn cố gắng về. Đi xa, nhớ Hội An da diết nhưng khi vừa bước chân về lòng lại muốn ra đi. Trong những năm ở Sài Gòn, tôi về Hội An chỉ để vấn an thầy, thăm đám bạn, đi một vòng phố, đứng trước trường Trần Quí Cáp đảo mắt nhìn kỷ niệm thời học trò, rồi lại ra đi trên những chiếc xe Renault màu xanh đậm và già không thua gì thành phố.
Tháng 6 năm 1981 giọt nước ra đi, trôi theo những nhánh sông dài, sông lớn như sông Seine, sông Thames, sông Danube. Cách đây không lâu khi rời Hằng huyền bí ở Vanarasi tôi viết mấy dòng thơ tạm biệt và mong có một ngày giọt nước sẽ trở lại thăm:

Và một ngày tôi sẽ trở lại thăm
Sông Hằng Varanasi
Có thể không còn là con người xương thịt như hôm nay
Mà chỉ là giọt nước
Từ mây trời phương tây xa xôi
Hãy đón giọt nước như đón tôi hôm nay
Hãy cho tôi cùng chảy với sông
Trong tiếng đàn Sitar và tiếng trống Tabla
Trong một đêm huyền diệu
Trong buổi sáng lặng yên
Ngoài những cơn mưa, tôi còn hay viết về những chiếc lá.

Nhà văn Lương Thư Trung, hiện đang cư ngụ tại Houston có lần thắc mắc tại sao tôi thường viết về những chiếc lá. Ông xúc động khi đọc bốn câu thơ tôi viết ở Raleigh và sau đó viết bài văn cảm động Người tiều phu và những chiếc lá vàng:
Tóc bạc theo mỗi ngày biệt xứ
Bụi cuộc đời trắng dã đôi vai
Tiều phu gánh củi về ngang núi
Trăng chiếu lưng đèo một bóng soi

Một ngày rảnh rỗi nhà văn Lương Thư Trung ngồi đọc tập thơ của tôi “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười”, sau đó viết một bài nhận xét với những câu rất đẹp:
“Đất trời rồi sẽ chuyển sang mùa theo sự vận hành của vũ trụ. Những chiếc lá vàng rồi sẽ rơi rụng, bay đi, bỏ lại bên trời những cành, những nhánh khẳng khiu, buồn thảm đến ngậm ngùi… Trong dòng đời, với biết bao lần ngụp lặn, chìm đắm trong bể khổ trầm luân, giông tố, bão bùng… Rồi bức tranh vân cẩu cũng phải tan đi, để trả lại trần gian này một chút nắng ấm mặt trời, để trả lại cho con người một cõi an nhiên, thanh tịnh. 

Cao đẹp biết bao khi có những con người hy sinh đời mình tự nguyện làm một người tiều phu với tấm lòng từ bi đi khắp bốn phương tám hướng gom góp từ nhánh củi, cọng rơm, ngọn cỏ đến những chiếc lá vàng khô để đốt lửa soi đường, sưởi ấm nhân sinh! Hạnh phúc thay được làm một nhà thơ! Hạnh phúc thay được làm một người tiều phu với tấm lòng từ bi đi góp nhặt những chiếc lá vàng!”

Anh gởi tặng tôi bài viết. Đọc bài anh viết, chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên mình dùng chữ lá nhiều đến thế. Có lẽ vì lá gần gũi tôi trong một khoảng đời niên thiếu khá dài ở chùa Viên Giác.

Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
chutieu
hay
Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
hay
Ai về qua phố Hội An
Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên
Tôi đi quét lá trăm miền
Mẹ ngồi dệt sợi ưu phiền quanh năm
hay
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
hay
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em
Anh chợt thấy bàng hoàng trong tuổi dại
Một tình thương tha thiết sẽ không quên
hay
Cho tôi nhặt chiếc lá vàng trước ngỏ
Viết bài thơ tha thiết hiến dâng đời
Chút chân tình trang trải với muôn nơi
Rất nhỏ bé nhưng vô cùng sâu rộng
hay
Mỗi chiếc lá như chừng nghe hơi thở
Mỗi cành cây như có một linh hồn
Ta sẽ về sống lại môt lần thôi
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc
hay
Ai mang em trên đường đi vượt biển
Chẳng kịp về thăm góc phố năm xưa
Em bỏ đi như lá bỏ quên mùa
Như giọt nước quên tấm lòng biển cả.
Và nhiều nữa.
Nhưng dù bay đi bao nhiêu xa, giọt mưa và chiếc lá vẫn mong có một ngày về lại cội nguồn. Những dòng sông tôi qua nổi tiếng bao nhiêu không đẹp hơn sông Thu Bồn:
Em đừng hỏi ta mong về quê cũ
Chiếc lá khô còn nhớ cội thương cành
Ta chẳng lẽ bước chân đời lê mãi
Nơi quê người làm một kẻ lưu dân
http://media2.thethaovanhoa.vn/2014/08/06/10/05/1.jpg

Quê hương Quảng Nam của tôi đẹp và thật như những dòng nhạc trong bài Tình quê hương của Việt Lang: “Ngàn dâu xanh ngát mấy nếp tranh xa mờ”. Ai không muốn trở về. Vâng, nhưng nếu về chỉ về để tìm lại quê hương trong ký ức thôi thì về để làm gì. Hàng tre đến ruộng lúa của tuổi thơ không còn nữa. Như có lần tôi đã viết, ký ức không chết khi nào con người còn sống nhưng ký ức chỉ là quá khứ không thay đổi, không cũ đi và cũng chẳng mới hơn. Ký ức là chất nhựa, sức bật cần thiết để con người từ đó vươn lên chứ không phải dừng lại. Phải sống trong hy vọng vào một ngày mai. Nhưng hy vọng chưa đủ, phải hoạt động tích cực để biến ước mơ dựng một mùa xuân tự do và trường thịnh cho dân tộc Việt Nam thành sự thật.

Trong mùa xuân tự do và cường thịnh đó, quê hương Việt Nam sẽ không có tù chính trị, không có đấu tranh giai cấp, không có tuổi thơ lây lất ăn xin trên các vỉa hè, không có những em bé cất tiếng khóc chào đời trong thùng rác, không có các em học sinh mỗi ngày hai bận phải bơi qua sông đi học, không có các thiếu nữ Việt Nam trần truồng sắp hàng để được các ông Đài Loan, Hàn Quốc mua như mua thịt ngoài chợ, không có những ngư dân bị bắn chết chỉ vì đi đánh cá trên vùng biển của tổ tiên để lại.

Trong mùa xuân tự do và cường thịnh đó, quê hương Việt Nam sẽ có trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, với các hạm đội hải quân trang hiện đại tên Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Hàm Tử, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, với những binh đoàn, phi đoàn trang bị vũ khi tối tân mang tên Chi Lăng, Đống Đa, Nhật Tảo, với những công ty kỹ thuật, những nhà máy công nghiệp, nông nghiệp cao cấp cạnh tranh ngang ngửa với các công ty Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản.

Trong mùa xuân tự do và cường thịnh đó, quê hương Việt Nam không chỉ có núi đồi, sông biển, ruộng vườn, cây trái nhưng còn là một dân tộc có tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có mục tiêu khai phóng, có đôi chân tiến về phía trước và đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt Nam.
Tôi đã sống một phần đời với nhiều nghiệt ngã nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ cảm thấy phía trước mình là hố thẳm. Tôi học quá khứ nhưng không sống trong hôm qua, trái lại mỗi ngày là một chặng đường mới của đời mình. Tôi bình tĩnh đến độ hồn nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt đến với đời tôi và rất lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh của chính mình.

Ước mơ làm một con én nhỏ trong mùa xuân Việt Nam tự do và cường thịnh vẫn theo tôi từ những ngày 13 tuổi ngủ trọ trong trại cây Thạc Gián, lang thang ngoài Chợ Mai ở Sơn Chà, trong hiên chùa vắng lặng ở Hội An và 33 năm trời qua nhiều nơi trên thế giới. Dù đi bao xa và đời mình đã bao lần thay đổi, mơ ước mùa xuân tự do nhân bản cho dân tộc Việt Nam vẫn không bị vùi lấp trong cuộc sống mới tốt đẹp hơn mà vẫn thức dậy mỗi đêm khuya, khi nghe một chiếc lá rụng, một giọt nước rơi, như nhắc nhở mình để biết thương tuổi thơ, tuổi trẻ Việt Nam và biết yêu đất nước mình hơn.

Trần Trung Đạo
Boston, Xuân 2015


__._,_.___

Posted by: Dinh Mac 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link