Ba ông trùm và
mấy hòn đá...
Phạm Thạch Hồng
Diễn biến quanh chùm đảo nhỏ không
người ở nằm trên vùng biển phía Đông Trung quốc, giáp ranh với Nhật Bản, phía
Nhật gọi là Senkaku, còn người Hoa gọi là Điếu Ngư, hiện đang là tâm điểm của
cuộc tranh chấp càng lúc càng căng thẳng giữa Nhật và Trung Cộng. Liệu những
lời lẽ hung hăng, các cuộc biểu tình ồn ào sặc mùi “Đại Hán” đang được Bắc Kinh
thổi lên tại Hoa lục có dẫn đến xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát để biến thành
một khủng hoảng cho cả khu vực Đông Bắc Á, và Á châu hay không?
Quần
đảo Điếu Ngư hay Senkaku gồm 5 hòn đảo không người ở và 3 khối đá nổi, diện
tích không lớn, khối nhỏ nhất khoảng 800 m2 và đảo lớn nhất diện tích chỉ khoảng
4.32 km2 mà thôi. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nằm sâu dưới đáy biển quanh các
hòn đảo này mới là trọng tâm chú ý của cả Nhật lẫn Tàu. Dầu khí, khoáng chất và
ngư trường phong phú mới là mối lợi khổng lồ mà cả 2 bên đều cho rằng thuộc quyền
của mình.
Chưa
nói đến vấn đề chủ quyền thời xưa, chỉ tính từ năm 1945 (khi đế quốc Nhật đầu hàng
Đồng Minh sau khi chấp nhận thảm bại trong cuộc Đệ nhị Thế chiến) quần đảo này
thuộc quyền quản trị của Hoa kỳ cho đến năm 1972, khi Mỹ quyết định trao trả cho
Nhật (cùng với việc chính thức bàn giao chủ quyền Okinawa, cũng bị Mỹ chiếm đóng
từ 1945).
Ngay
khi đó (1972) cả Nhật Bản và Trung Cộng đều đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo An Liên Hiệp
Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Điều
đáng ghi nhận là Hiệp ước An ninh hỗ tương Hoa Kỳ-Nhật Bản có ghi rõ quần đảo Senkaku
của Nhật trong đó (dù Hoa Kỳ chưa bao giờ chính thức tuyên bố dứt khoát gì về
chuyện ai thực sự có chủ quyền đối với Senkaku). Điều này có nghĩa, chiếu theo
hiệp ước đó, Hoa Kỳ có bổn phận cung cấp hỗ trợ cho Nhật nếu có một cuộc xung đột
quân sự xảy ra liên quan đến quần đảo này. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ,
Leon Panetta, trong chuyến viếng thăm Nhật Bản mới đây, đã xác nhận như vậy.
Tuy nhiên, ngay sau đó ông Panetta cũng nói ngay, nước Mỹ giữ vị trí trung lập
không ngả về bên nào và kêu gọi cả Bắc Kinh lẫn Đông Kinh phải tự chế để cố gắng
tìm phương thức giải quyết trong ôn hòa.
Các
nhà quan sát quốc tế trong khi đang lo ngại về những hậu quả dây chuyền cho
toàn cầu nếu một cuộc xung đột toàn bộ xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Cộng cho rằng
chuyện xung đột quân sự không đáng lo ngại cho bằng nguy cơ một cuộc chiến
thương mại tài chính giữa 2 bên.
Lời
tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cuối tuần qua rằng sẽ đưa vấn đề
tranh chấp quần đảo Senkaku ra Đại hội đồng Liên Hiệp quốc trong phiên họp cuối
tháng này cho thấy, và tiếp theo đó, mới nhất, Phó Chủ tịch nhà nước Trung Cộng
Tập Cận Bình (người đang được coi là chắc chắn sẽ được Đại hội Đảng Cộng sản Trung
quốc vào 2 tháng nữa suy tôn lên ngôi vị Chủ tịch đảng và nhà nước thay thế Hồ
Cẩm Đào) cũng nói với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta rằng sẽ đặt vấn
đề này tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ như vậy, xác định rằng cả 2 phía đều cương
quyết không để bị xem là phải lùi bước, và do đó, việc giải quyết chủ quyền
lãnh hải giữa hai cường quốc khu vực trên căn bản đối thoại song phương xem ra
càng ngày càng khó.
Quần
đảo Senkau/Điếu Ngư là một “kho báu” về tài nguyên chìm dưới lòng biển. Một bản
đồ tài nguyên đáy biển, do một nhóm chuyên viên nghiên cứu địa chất quốc tế lập
ra, cho ta lời giải thích tại sao mấy hòn đảo nhỏ không người ở này lại dẫn đến
cuộc chiến đụng chạm đến kim ngạch thương mại song phương hơn 300 tỷ Mỹ kim và đe
dọa lan thành một cuộc khủng hoảng cho cả khu vực và nếu không kịp thời ngăn chặn,
cho cả thế giới.
Đây
là một vùng biển nông và thềm lục địa ở đây trải dài hàng trăm cây số, trong
khi ở một số nơi khác thềm lục địa chỉ trải dài khoảng 70 km. Khu vực biển nông
này chính là tiền đề tạo ra các nguồn tài nguyên năng lượng. Từ hàng triệu năm
qua, các dòng sông lớn đã đẩy củi mục, bùn đất ra biển phía Đông Trung quốc,
phía Tây Nam Nhật Bản và hình thành dầu khí. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế
(IEA), biển Hoa Đông chiếm 10% tổng trữ lượng dầu lửa của thế giới (ước tính
khoảng 16 tỷ tấn dầu), trong khi lượng khí đốt (nếu tính bằng đơn vị dầu hỏa) ước
tính còn cao gấp đôi.
Quần
đảo Senkaku/Điếu Ngư này nằm ở phía Tây Nam mỏ khí đốt Xuân Hiểu khổng lồ,
không những thế ở những vùng sâu hơn như rãnh Okinawa (sâu 2.700m), và ngoài
ra, đáy biển Hoa Đông còn chứa đựng nhiều mỏ khoáng sản quan trọng như đồng, bạc
và vàng.
Khác
với cách hành xử ở Biển Đông, trong trường hợp tranh chấp chủ quyền tại Senkaku/Điếu
Ngư, Trung Cộng lại dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vốn
cho phép một quốc gia có thể có thềm lục địa 350 hải lý (648km) – đôi khi còn
nhiều hơn. Trong khi đó, Nhật muốn chia đôi vùng biển giàu tài nguyên này. Quần
đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trên đường ranh giới này và chính là cột mốc đánh dấu
chủ quyền của Nhật Bản. (Tuy vậy, cho dù ngay cả khi ranh giới biển đã được hai
bên phân định, thì Nhật vẫn lo ngại Trung Cộng “hút” dầu khí từ đáy biển của họ
bằng… kỹ thuật khoan ngang. Những nỗ lực trong lĩnh vực thăm dò đại dương và
đáy biển của Trung Cộng trong một thập niên qua cho thấy nỗi lo ngại này không
phải là vô căn cứ. Mới năm ngoái Bắc kinh tuyên bố, chiếc tàu lặn Giao Long của
họ lần đầu tiên thành công lặn sâu đến hơn 5000m và tiếp tục tìm cách phá kỷ lục
của tàu lặn Shinkai của Nhật Bản, hiện vẫn là hàng đầu thế giới khi đạt được độ
sâu đến 6500m).
Ngoài
dầu khí và các mỏ kim loại quý dưới lòng biển, ngư trường quanh đây cũng là nguồn
lợi thiên nhiên cả hai nước cùng muốn tận lực khai thác.
Từ
khi chính thức lập lại quan hệ ngoại giao năm 1972, Bắc Kinh và Tokyo đã tìm mọi
cách để “chung sống hòa bình” và cùng làm ăn về mọi mặt. Như hiệp định hợp tác khai
thác ngư nghiệp năm 1997 chẳng hạn.
Trong
hiệp định này, Bắc Kinh tỏ ra khôn ngoan và xảo quyệt khi chính thức không hề đề
cập đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi tuyên bố về lãnh hải kinh tế độc quyền
của mình. Và trong hiệp định này, phía Nhật Bản dường như đã vô tình rơi vào bẫy
để phạm một lỗi lầm quan trọng: Nhật nói rằng họ hoàn toàn không có y định ngăn
cấm thuyền đánh cá của ngư dân Trung quốc được làm ăn trong khu vực quanh
Senkaku/Điếu Ngư, miễn là đừng cố ý xâm phạm lãnh hải. Như vậy, ngày nay Bắc
kinh đã có một lợi điểm rõ rệt, như họ thường xuyên viện dẫn làm bằng cớ để cho
rằng chính Nhật Bản cũng chưa bao giờ khẳng định chủ quyền tuyệt đối của mình
trong vùng biển tranh chấp!
Đó
là lý do để Trung Cộng công khai điều động những tàu hải giám –có lúc tới 10
chiếc một lượt- tiến vào vùng biển này, có lúc đến gần chỉ cách hòn đảo lớn nhất
trong quần đào này chỉ 1 hải lý rưỡi!
Đội
tàu hải giám (marine surveillance) của Trung Cộng hiện nay, thực chất chính là
những tàu bán quân sự.
Trong
vòng hai thập niên qua, để thực hiện tham vọng trên biển của mình, Trung Cộng
đã đầu tư đẩy mạnh phát triển một đội tàu hải giám. Danh nghĩa là những tàu tìm
cá và quan sát hoạt động dưới biển, nhưng thực chất, những con tàu hải giám này
là phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự với nhiệm vụ chính là thực hiện các
vụ quấy nhiễu và xâm phạm các vùng biển của những nước khác.
Trái
với loại tàu quan sát, thăm dò mang cùng tên của thế giới, tàu hải giám Trung Cộng
được trang bị vũ khí (nhân danh chuyện đề phòng chống cướp biển vì phải hoạt động
xa bờ, dài ngày) kể cả đại bác cỡ nhỏ. Thủy thủ trên những tàu này phải gọi
đúng tên là dân quân –militiamen- được huấn luyện qua các khóa huấn luyện căn bản
của Hải quân và được trang bị súng tiểu liên cá nhân.
Hiện
nay, theo số liệu không chính thức, Trung Cộng có cả một lực lượng tới 300 tàu hải
giám, trong đó có 30 chiếc trọng tải tới hơn 1.000 tấn, được trang bị trực thăng
riêng để mở rộng hơn tầm hoạt động. Những tàu hải giám lớn này, nếu không tính
đến sự khác biệt về vũ khí, thì có thể kể tương đương với các tuần dương hạm cỡ
trung của hải quân quốc tế. Việt Nam và Philippines đã biết rõ tính năng và khả
năng của các tàu hải giám Trung Cộng thế nào trong những vụ đối đầu ở quần đảo
Trường Sa, ở Hoàng Xa và ở bãi cạn Scarborrough vừa qua …
Trong
những ngày tới, người Nhật đang chuẩn bị để đối phó với nguồn tin cả ngàn tàu đánh
cá Trung Cộng sẽ được “phép của Bắc Kinh” ra khơi đánh cá trong khu vực biển
Hoa Đông!
Trong
tình thế đó, chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đến Nhật và Trung Cộng
là bằng chứng cho thấy người Mỹ ngay lúc này không muốn thấy tình hình đối đầu
giữa Tokyo và Bắc Kinh vượt qua tầm kiểm soát để trở thành một cuộc va chạm quân
sự -dù nhỏ-.
Sau
nhữgn lời tuyên bố cứng rắn của giới lãnh đạo Trung Cộng, từ Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia
Bảo, Ngô Bang Quốc, Lý Khắc Cường và sự phản đối mạnnh mẽ chính thức của Quốc hội,
Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại giao Trung Cộng, gần đây đến lượt các quân khu Nam
Kinh, Tế Nam, Quảng Châu của Trung Cộng đã mở hàng loạt các cuộc tập trận đổ bộ
đảo. Các lực lượng hải quân, không quân và hỏa tiễn chiến lược của Trung Cộng thi
nhau tập bắn đạn thật. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Cộng tuyên bố
công khai, những cuộc tập trận quy mô như thế để chứng tỏ “Trung Quốc không
nói suông” trong vấn đề Điếu Ngư. Báo Giải phóng quân Trung Cộng hôm 12/9
còn nói thẳng “toàn quân lấy hành động thực tế, nâng cao bản lĩnh chiến đấu,
sẵn sàng chuẩn bị hoàn thành sứ mệnh lịch sử bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh
và lợi ích phát triển”. Còn trên các mạng xã hội tại Trung quốc, xuất hiện
đầy dẫy những bài báo kèm hình ảnh gợi lại biến cố Lư Câu Kiều (ngày 7/7/1937 xảy
ra ngày 7 tháng 7 năm 1937, được xem là sự kiện mở đầu cuộc chiến xâm lăng
Trung Hoa của quân đội Thiên Hoàng), hay cuộn phim The Rape of Nankinh, mô tả tội
ác của quân Nhật đánh chiếm Nam kinh năm đó được đăng tải rộng rãi kèm những lời
hô hào sặc mùi “chủ nghĩa dân tộc đại hán”, khêu gợi, kích thích tinh thần
ái quốc của dân Tàu khiến nnhiều người cho rằng rất có thể sẽ tái diễn một cuộc
chiến Hoa Nhật – dù ở quy mô nhỏ thôi.
Báo
chí tại Nhật Bản cũng không chịu ngồi yên nên đã đưa ra nhiều phân tích về viễn
ảnh Trung Cộng có thể sẽ dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo tranh chấp. Cựu chỉ
huy hạm đội Phòng vệ duyên Hải Nhật Yoji Koda cho rằng, nếu tình hình quanh chuỗi
đảo này bị kéo căng như hiện nay thì nguy cơ bùng nổ chiến tranh nóng là điều
khó tránh khỏi. Theo ông Yoji Koda, không phải bây giờ mà ngay từ đầu năm 2012,
Trung Cộng đã công khai tuyên bố “sẽ sớm giành lại quyền kiểm soát” quần
đảo Điếu Ngư/ Senkaku! Ông báo động Trung Cộng có thể sẽ lập lại kịch bản giống
như trong trận hải chiến Midway giữa Hoa Kỳ và Nhật năm 1942. Yếu tố then chốt ở
đây là sự bất ngờ và được lập đi lập lại cho đến khi cắm được cờ Trung Cộng lên
đỉnh núi để truyền trực tiếp qua vệ tinh về Bắc Kinh. Nếu đáp trả chậm trễ,
quân đội Nhật sẽ mất cơ hội phát huy Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.
Vấn
đề tranh chấp đã đẩy mối quan hệ Hoa Nhật xuống mức khởi điểm của 40 năm trước
đây.
Dù
sao, vụ Senkaku/Điếu Ngư trong tuần qua đã khiến quan hệ hai nước càng lúc càng
xấu đi. Nếu kéo dài tình hình có thể đi đến mức như thế giới đã chứng kiến cuộc
đối đầu tại bãi cạn Scarborough giữa Trung Cộng và Philippines cách đây mấy
tháng. Và đến khi đó thì những diễn tiến tiếp theo thật khó lường!
Và
chưa bao giờ giới lãnh đạo Trung Cộng tỏ ra cứng rắn như hiện nay, như lời
tuyên bố của Hồ Cẩm Đào tại Vladivostok khi đang dự thượng đỉnh APEC rằng, nhất
quyết không thể thỏa hiệp về lãnh thổ với Nhật. Tiếp theo đó, ngày 11/9, Thủ tướng
Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố Trung Cộng quyết không nhượng bộ dù chỉ là nửa tấc đất!
Như
thế, những cảnh rượt đuổi của tàu Nhật và Trung Cộng ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
sẽ còn tiếp tục xảy ra thường xuyên, nhất là khi hàng ngàn tàu cá Trung Cộng sắp
tiến vào vùng biển này.
Hiện
tại, khi chưa biết là liệu hai bên có thực sự sẽ nổ súng vào nhau hay không, Trung
Cộng đang đe dọa trừng phạt Nhật Bản về mặt thương mại, như có thể ngưng xuất cảng
sang Nhật nhiều loại nguyên vật liệu quan trọng, hoặc như một cố vấn cao cấp của
nhà nước Bắc Kinh tuyên bố rằng, với sức mạnh ngoại tệ khổng lồ hiện nay, tại
sao không tính đến chuyện tấn công vào thị trường trái phiếu Nhật để tạo ra một
cuộc khủng hoảng vốn và khiến Tokyo phải quỳ gối nếu không chấp nhận nhân nhượng?
Thực
tế là hiện nay, Trung Cộng đang là chủ nợ lớn nhất của Nhật, đang nắm giữ khoảng
230 tỷ Mỹ kim công khố phiếu Nhật Bản. Theo ý kiến này, chỉ cần Bắc Kinh viện dẫn
quy định “ngoại lệ an ninh” của Tổ chức Thương mại thế giới WTO để trừng phạt
Nhật, bác bỏ các lập luận rằng một cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ khiến
hai bên cùng tổn hại.
Tờ
Hong Kong Economic Journal mới đây cũng loan tin rằng Trung Cộng đang
xem xét các kế hoạch ngừng cung cấp đất hiếm, một kim loại cần thiết cho ngành
kỹ nghệ cao cấp mà Nhật rất cần.
Biểu
tình bài Nhật đã lan ra 85 thành phố lớn ở Hoa Lục, buộc các công ty Nhật phải đóng
cửa xưởng sản xuất và tạm ngưng hoạt động.
Những
đại công ty hàng đầu của Nhật Bản đang gặp nguy cơ có thể bị hạ bậc trong bảng xếp
hạng toàn cầu, vì viễn tượng lượng hàng hóa sản xuất tiêu thụ bị giảm. Đây là
nguy cơ có thật vì Trung Cộng đang là thị trường tiêu thụ lớn của họ. Đơn cử, như
hãng xe Nissan có tới 26% số xe sản xuất được bán ở Trung Quốc, tiếp theo là Honda
với 20%. Các đại công ty hàng điện tử như Sharp và Panasonic cũng sẽ bị ảnh hưởng.
(Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất cảng của Nhật sang Trung Cộng
là 74 tỷ đô la; kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước trong năm 2011 vừa
qua là 345 tỷ Mỹ kim).
Theo
ý kiến này thì Trung Cộng có thể tạm hy sinh những mặt hàng xuất cảng có giá trị
gia tăng thấp sang Nhật với một chi phí thiệt hại nhỏ trong khi Nhật Bản đang phải
dựa nhiều vào nguồn cung cấp từ Hoa Lục để giữ vững nền kinh tế sản xuất của
mình và tránh bị suy giảm.
Hiện
chưa thấy dấu hiệu gì để biết những ý kiến này đang được Bộ Chính trị đảng Cộng
sản Trung Quốc đặt trên bàn cân ở vị trí nào, và liệu Nhật Bản có khả năng mua lại
số trái phiếu mà Trung Cộng có thể tung ra thị trường hay không. Thế nhưng nguy
cơ đồng yen Nhật bị suy yếu, nếu Bắc Kinh quyết tâm mở một trận đánh kinh tế,
thương mại, tài chính là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và trong mối liên hệ chằng
chịt, càng ngày càng sâu đậm của các nền kinh tế trên toàn cầu thì hậu quả tác
động sẽ không chỉ ở Nhật mà còn là cơn sóng thần khổng lồ, với sức tàn phá còn
mãnh liệt hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính thế giới những năm trước, bắt nguồn
chỉ từ lỗi lầm của một nhân viên mua bán ngoại tệ cấp trung của 1 đại ngân hàng
Anh quốc!
Trên
cương vị các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, Trung Cộng và Nhật Bản đang
lao vào một cuộc chạy đua quyết liệt để khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy
biển và diễn biến tại Senkaku/Điếu Ngư cho tới nay mới chỉ là màn dạo đầu mà thôi.
Sóng biển Hoa Đông sẽ còn động mạnh hơn nữa! Và người Nhật bây giờ hình như mới
hiểu rõ lời tuyên bố của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình thời hai bên bắt đầu đàm phán về
chuyện lập lại mối quan hệ chính thức. Lúc ấy, khi đề cập đến chuyện Senkaku/Điếu
Ngư, họ Đặng đã mỉm cười nói với người đối nhiệm Nhật Bản “tại sao lại phải
mất thì giờ vào câu chuyện không vui này bây giờ? Thế hệ chúng ta không đủ lời
lẽ để bàn với nhau chuyện này, hãy để cho con cháu chúng ta lo chuyện đó, thế hệ
của chúng sẽ có cách nói chuyện với nhau ổn thỏa mà lo gì!”
Phạm Thạch Hồng
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment