Friday, March 1, 2013

Bắc Kinh trước các áp lực đòi cải cách dân chủ trong nước và quốc tế


 
TRUNG QUỐC  - 
Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Hai 2013

Bắc Kinh trước các áp lực đòi cải cách dân chủ trong nước và quốc tế

Biểu tình tại Đài Bắc yêu cầu tổng thống Đài Loan can thiệp để Bắc Kinh thả Lưu Hiểu Ba. Trong ảnh, nhà ly khai Trung Quốc Wang Dan (trái), nghị sĩ đối lập Tien Chou-jin (thứ hai trái sang)..., 27/02/2013. REUTERS/Pichi Chuang
Biểu tình tại Đài Bắc yêu cầu tổng thống Đài Loan can thiệp để Bắc Kinh thả Lưu Hiểu Ba. Trong ảnh, nhà ly khai Trung Quốc Wang Dan (trái), nghị sĩ đối lập Tien Chou-jin (thứ hai trái sang)..., 27/02/2013. REUTERS/Pichi Chuang

Lê Phước  RFI

Một trong những hồ sơ làm đau đầu nhất đối với dàn lãnh đạo mới tại Bắc Kinh đó chính là vấn đề dân chủ. Đã có nhiều phản ứng nổi lên trong nước, làm báo chí đề cập ngày càng nhiều đến nguy cơ bạo động xã hội.
 
Thế nhưng, Bắc Kinh không chỉ phải chịu sức ép trong nước, mà còn bắt đầu bị dư luận quốc tế tấn công trực diện. Nhật báo cánh tả Pháp Libération mô tả tình trạng Trung Quốc bị « nội ngoại giáp công » này với bài viết : «Liên tục các phản bác chống lại chế độ Bắc Kinh ».
 
Tờ báo cho biết, vào ngày hôm qua, đại sứ quán Trung Quốc ở nhiều nước đã đồng loạt nhận được thư đề nghị được ký bởi 400.000 người thuộc 130 quốc gia và 140 người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình. Nội dung của bức thư là yêu cầu thả Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba và chấm dứt việc quản thúc tại gia một cách không chính thức đối với vợ của ông Lưu.

Bức thư được đề gửi đến tân tổng bí thư và người sắp nắm ghế chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình. Bức thư không ngại dùng đến những từ mạnh bạo khi cho rằng, sự việc trên « đáng bị cộng đồng quốc tế lên án một cách công khai và mạnh mẽ ».

Đây không phải là lần đầu tiên có kiểu phản ứng theo cách ký tên liên danh như vậy tại Trung Quốc. Mới hôm thứ ba này, khoảng 100 người bao gồm các nhà văn, nhà báo và luật sư đã gửi thư ngỏ đề nghị quốc hội Trung Quốc phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự của Liên Hiệp Quốc, một văn bản mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 1998, nhưng chưa bao giờ áp dụng trong thực tế.

Hồi tháng 12 năm 2012 vừa qua, một giáo sư luật thuộc Đại học Bắc Kinh đã cùng với hơn 70 luật gia đồng ký tên kiến nghị yêu cầu Bắc Kinh thực thi chế độ tam quyền phân lập. Bản kiến nghị này đã nhấn mạnh đến vấn đề tự do ngôn luận và không ngại nhấn mạnh rằng, nếu triệt tiêu quyền tự do ngôn luận, thì sự phẫn nộ của người dân sẽ lên cao đến mức nguy hiểm và đất nước « sẽ chìm sâu trong bất ổn và cách mạng bạo lực sẽ nổ ra ».

Chưa hết, trong bài xã luận đón chào năm mới 2013, một tạp chí mạng tại Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Kinh cải cách chính trị và kêu gọi nhà cầm quyền tôn trọng hiến pháp.

Trước làn sóng kêu gọi dân chủ đó, Bắc Kinh đã phản ứng như thế nào ? Phản ứng của Bắc Kinh cho thấy một tương lai dân chủ không sáng sủa. Libération cho biết, hồi tháng rồi, trên một ấn phẩm chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, hiện vẫn nắm ghế chủ tịch nước trên nguyên tắc, đã cho rằng những « nhà dân chủ Trung Quốc » đã bị giật dây bởi « các thế lực thù địch quốc tế với ý đồ Tây hóa » Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Hồ Cẩm Đào cũng ra lệnh « tiến hành những biện pháp hữu hiệu để ngăn cản họ ».


Trung Quốc bắt đầu ngán ngẩm Bắc Triều Tiên
Một hồ sơ khác làm đau đầu dàn lãnh đạo mới tại Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao, đó là anh bạn láng giềng mà Bắc Kinh ra sức bảo vệ bấy lâu nay, tức chế độ Bình Nhưỡng của nhà họ Kim. Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích của thông tín viên Brice Pedroletti tại Bắc Kinh.

Tác giả cho biết, vụ thử hạt nhân lần thứ ba vừa qua của Bắc Triều Tiên đã làm lộ rõ hơn thái độ bớt tha thiết của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Dư luận tại Trung Quốc hầu như phản đối vụ thử này. Dân Trung Quốc sống trong khu vực ranh giới với Bắc Triều Tiên thì tỏ ra lo lắng. Cư dân mạng tại Trung Quốc còn không ngại cảnh báo : coi chừng « nước anh em » sẽ trở thành « kẻ thù thật sự » của Trung Quốc.

Làn sóng phản đối này dâng lên cả ở các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc. Trước khi Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, tờ Hoàn Cầu thời báo thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không ngại cảnh báo việc Bình Nhưỡng sẽ trả giá đắt nếu thử hạt nhân. Đến sau vụ thử, Cơ quan thống tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã lên tiếng trách cứ Bình Nhưỡng. Còn Hoàn Cầu Thời Báo thì cho đăng ý kiến một chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ đối với Trung Quốc nếu Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Theo tác giả, thái độ này của phía Trung Quốc bắt đầu thành hình từ sau vụ thử hạt nhân lần 2 vào năm 2009 của Bắc Triều Tiên. Kể từ đó, giới chiến lược gia Trung Quốc bắt đầu cho rằng Bắc Kinh phải dừng chịu phí tổn vì Bình Nhưỡng. Dòng tư tưởng này đã củng cố thêm phe có đầu óc cải cách trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Tiếp thêm sức mạnh cho xu thế chính trị đó, một làn sóng xa lánh Bình Nhưỡng đã đến từ giới doanh nhân Trung Quốc. Tác giả bài viết cho hay, các doanh nhân Trung Quốc đã bắt đầu chán nản với những khó khăn trong làm ăn với anh bạn đồng minh Bắc Triều Tiên và có khuynh hướng cuốn gói tìm đến làm ăn tại Seoul. Giới chuyên gia còn lên tiếng khẳng định : « Thật sai lầm khi cho rằng Bắc Triều Tiên sụp đổ sẽ là một thảm họa đối với Trung Quốc ».


Tuy vậy, tờ báo cho biết, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc còn có phe bảo thủ kế tục đường lối của Mao Trạch Đông. Phe này lúc nào cũng xem trong quan hệ với Bình Nhưỡng và xem Bắc Triều Tiên là bình phong để chống Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link