Friday, March 1, 2013

Bang giao Úc-Việt: 63 năm nhìn lại


 

 
Thứ năm 28 Tháng Hai 2013
Bang giao Úc-Việt: 63 năm nhìn lại
 
DR
 
 
Ngày 26/02/1973, cách nay đúng 40 năm Canberra thiết lập bang giao cấp đại sứ với Hà Nội. Thật ra thì 23 năm trước đó Úc đã công nhận nước Việt Nam độc lập, thống nhất và mở sứ quán tại Sài Gòn.

Các chính phủ Úc từ cánh hữu đến cánh tả hầu như theo đuổi một chính sách xuyên suốt với Việt Nam : trước 1975 thì gởi quân sang tham chiến để bảo vệ đồng minh miền Nam Việt Nam, rồi trong thập niên 1980 vận dụng nỗ lực ngoại giao giúp chế độ mới thoát khỏi thế cô lập và ngày nay hai bên đã thiết lập quan hệ toàn diện.
 

Theo nhà phân tích địa lý chiến lược Lưu Trường Quang từ Sydney, thì nếu tính đến năm nay 2013 quan hệ giữa Úc và Việt Nam đã có quan hệ chính thức 63 năm. Trong bài tham luận công phu với tựa đề « Kỷ niệm 40 năm Bang giao Canberra-Hà Nội : Nhìn Lại Những Nét Chính Trong Quan Hệ Việt Nam-Australia từ 1950 », luật sư Lưu Tường Quang, một người từng phục vụ trong ngành ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa, nhà báo và nhà phân tích, đã trình bày ba giai đoạn chính : quan hệ giữa « Việt nam thống nhất và Australia », giữa « Việt Nam chia đôi và Australia » trước 1975 và cuối cùng là từ sau 1975 đến nay.

Tác giả đã nhấn mạnh đến những nỗ lực ngoại giao và tính toán của Úc cũng như những « lựa chọn » từ phía Hà Nội mà nhiều chuyên gia quốc tế lẫn cựu quan chức Việt Nam thừa nhận là những sai lầm dẫn đến « hệ lụy » cho đất nước.

Trong bối cảnh hai nước Úc và Việt Nam kỷ niệm 40 năm quan hệ thân hữu RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang Từ Sydney.

Nhà báo Lưu Tường Quang :
« Sau chiến thắng 1975, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam rất kiêu ngạo và rất thiển cận theo cái nghĩa không có tầm nhìn chiến lược thực tế trong tương lai. Họ đã đánh mất cơ hội thảo luận bang giao với Mỹ vì họ đặt điều kiện đòi bồi thường chiến tranh… nhưng điều kiện này lệ thuộc vào sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa.

 Lầm lỗi thứ hai là khi gặp khó khăn với Trung Quốc, khi bị cô lập bởi Hoa Kỳ thì Hà Nội lại đi hoàn toàn với Liên Xô mà ông Lê Duẩn đã sang Moscow ký hiệp ước hợp tác quốc phòng nhưng khi chiến tranh xảy ra với Trung Quốc thì Liên Xô án binh bất động…

Thái độ tích cực của Úc đối với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nhằm giúp Hà Nội khỏi thế cô lập. Trong quan hệ quốc tế, không ai làm ơn cho ai cả, Úc giúp Hà Nội vì không muốn đẩy Hà Nội sâu thêm vào quỹ đạo của Moscow… »
Trích đoạn bài tham luận của nhà phân tích Lưu Tường Quang 
« Kỷ niệm 40 năm Bang giao Canberra-Hà Nội : Nhìn Lại Những Nét Chính Trong Quan Hệ Việt Nam-Australia từ 1950 »

… Trong năm 1949, hai diễn tiến quan trọng xảy ra: đó là Quốc Gia Việt Nam, mà Thủ đô là Sài Gòn, được Pháp trao trả độc lập trong Liên Hiệp Pháp và tại Bắc Kinh, Đảng Cộng Sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo, nắm chính quyền và thành lập Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Diễn biến tại Trung Quốc ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai Việt Nam, vì Bắc Kinh (và Moscow) đã cố vấn yểm trợ ồ ạt và liên tục về quân sự, chính trị và kinh tế cho phe cộng sản trong cuộc chiến Việt Nam trước và sau năm 1954.


Thí dụ cụ thể là chỉ 4 tháng sau khi nắm chính quyền tại Bắc Kinh, Mao Trạch Đông và Joseph Stalin tại Moscow tuyên bố công nhận chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào đầu năm 1950.
Ngược lại, nước Việt Nam Thống nhất cũng đạt được thành quả ngoại giao đáng kể vào đầu năm 1950.

Theo bản tin của Hãng Thông Tấn AAP đánh đi từ London ngày 08 tháng 02 năm1950 và được Nhật báo Sydney Morning Hereald đăng tải ngày hôm sau, Anh Quốc và Hoa Kỳ đã công nhận ba nước Đông Dương là Việt Nam, Ai Lao và Cao Miên vào ngày 07 tháng 02 năm 1950 như là quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp.

 Cũng theo nguồn tin AAP nầy, Australia và Bỉ Quốc công nhận Việt Nam vào ngày 08.02.1950 [3].

Như vậy, rõ ràng là vào năm 2013, Australia và Việt Nam đã có quan hệ chính thức 63 năm. Và quan hệ chính thức nầy được cụ thể hóa và nâng cấp vào năm 1952 khi Australia và Hoa Kỳ biến cải phái bộ ngoại giao (Legation) thành Đại Sứ Quán tại Sài Gòn [4].


Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Đảng Cộng Sản Việt Nam dẹp bỏ Mặt Trận Giải Phóng và Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (cũng do Hà Nội dựng lên ngày 08 tháng 06 năm 1969 để có tư cách chính trị tham dự Hòa Đàm Paris). Và kể từ ngày 02 tháng 07 năm1976, chế độ cộng sản Hà Nội được chính thức cải danh thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

…. Quan hệ song phương giữa Canberra và Hà Nội tuột dốc rõ rệt vào năm 1979, khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam tại các tỉnh phía Bắc và Hà Nội xâm lăng Cam-pu-chia ở phía Tây Nam Việt Nam.

Chính phủ Fraser kết án cuộc xâm lăng Cam-pu-chia của Hà Nội và tiếp tục công nhận Cam-pu-chia theo lập trường phù hợp với Tổ Chức Asean, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cộng sản Việt Nam bị cô lập và bị các nước phương Tây, kể cả Australia, cắt đứt viện trợ, cấm vận thương mại và đầu tư.


Khi Đảng Lao Động do Ông Bob Hawke lãnh đạo, trở lại cầm quyền từ tháng 3 năm 1983, Ngoại trưởng Bill Hayden muốn thay đổi chính sách cô lập hóa Hà Nội và đề nghị tái tục viện trợ. Tháng 6 năm 1983, Ông Hayden đi Hà Nội để thảo luận vấn đề nầy và mời Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thăm viếng Australia. Tháng 4 năm 1984, Ông Nguyễn Cơ Thạch là viên chức cao cấp nhất của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đến Canberra.

Theo Tiến sĩ Carlyle Thayer, động thái ngoại giao mới của Ông Hayden chẳng những gây căng thẳng trong bang giao song phương với Trung Quốc mà còn làm Hoa Kỳ và Tổ chức Asean khó chịu. Ông Hayden đã phải né tránh bằng cách cấp viện cho Hà Nội gián tiếp qua các tổ chức quốc tế. Trong giai đoạn nầy Bắc Kinh coi Hà Nội là con bài của Moscow [13].

Năm 1988, Nghị sĩ Gareth Evans thay thế Ông Hayden trong vai trò ngoại trưởng và Australia tích cực tìm một giải pháp cho vấn đề Cam-pu-chia theo phương thức đa phương dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Hà Nội cũng nỗ lực ‘cầu hòa’ với Bắc Kinh.

Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bỏ ngày Quốc Khánh 02 tháng 09 năm 1990 để sang Thành Đô, thủ phủ Tỉnh Tứ Xuyên (Chengdu, Sichuan), bí mật gặp gỡ Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng để bàn việc nối lại bang giao với Bắc Kinh và những nhượng bộ mà Hà Nội phải trả, kể cả hoàn tất việc rút quân khỏi Cam-pu-chia, giới hạn quan hệ thân hữu với Mỹ và sa thải Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch mà Bắc Kinh coi là thân Washington [14].

Sau khi vấn đề Cam-pu-chia được giải quyết, quan hệ song phương Canberra - Hà Nội trở lại ‘bình thường’ và Bắc Kinh không còn phản đối nữa.


Nhìn chung, ngoại trừ những năm Hà Nội chiếm đóng Cam-pu-chia, quan hệ song phương Canberra-Hà Nội tiến triển đều đặn. Trong thời gian Hà Nội bị cô lập, vì cấm vận của Mỹ ̣(cho đến năm 1995) và ngay cả đối với Bắc Kinh (cho đến năm 1990), Australia là quốc gia dân chủ phương Tây đã giúp đỡ chính quyền Hà Nội rất nhiều, đặc biệt là trong thời gian Ông Bill Hayden và Tiến sĩ Gareth Evans làm ngoại trưởng.

Hiệp Định Paris 1973 còn giúp Hà Nội về mặt ngoại giao bên ngoài khối cộng sản. Australia và 20 nước khác đã công nhận và thiết lập quan hệ với Hà Nội trong năm 1973 [19]. Nhưng bang giao giữa Australia và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chưa được nâng lên mức hợp tác chiến lược (strategic partnership).

 Khác với Washington, Canberra không đặt vấn đề tự do dân chủ và cải thiện nhân quyền như là điều kiện trong bang giao song phương với Hà Nội, nên tôi nghĩ rằng diễn tiến nầy sớm muộn gì rồi cũng xảy ra.


Cơ sở của quan hệ song phương hiện nay là ‘Thỏa Hiệp Hợp Tác Toàn Diện’ mà Australia và Việt Nam đã ký kết bởi Phó Thủ tướng Julia Gillard và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, nhân chuyến viếng thăm Canberra của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh hồi năm 2010. Trên cơ sở nầy, một Chương Trình Hành Động 2010-2013 cũng đã được ký kết khi Thủ tướng Julia Gillard tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á tại Hà Nội hồi cuối năm 2010.

Tuy nhiên, mặc dầu hai bên đối tác đều tuyên bố coi trọng và nâng cao quan hệ song phương, Australia rất dè dặt đối với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc…
Toàn bộ bài tham luận « Kỷ niệm 40 năm Bang giao Canberra-Hà Nội : Nhìn Lại Những Nét Chính Trong Quan Hệ Việt Nam-Australia từ 1950 » sẽ được đăng trong Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai § Cửu Long, số 7, tháng 5/2013.
 
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link