Sunday, April 28, 2013

Đảng CSVN không đối thủ vì ( không có ) đối lập ( yếu )


 

Đảng CSVN  không đối thủ vì ( không có ) đối lập ( yếu ) 


( Chứng tỏ VN vẫn còn là một đất nước độc tài, lạc hậu )

 

Quốc Phương

bbcvietnamese.com

Cập nhật: 13:59 GMT - thứ sáu, 26 tháng 4, 2013


Đảng cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng sản VN nói có tới hàng chục triệu đảng, đoàn, đội viên hậu thuẫn

Lực lượng đối lập trong nước của Việt Nam hiện nay vừa yếu vừa không có sức mạnh, trong khi đảng cộng sản đang không có đối thủ và có thể sẽ giữ vững quyền lực trong nhiều thập kỷ nữa, theo một quan chức trong ngạch giảng dạy cao cấp của Đảng.

Cùng lúc, một số nhà bất đồng chính kiến thừa nhận đối lập quả là còn yếu và phân tán nhưng cho rằng quá trình đất nước vận động đi đến một xã hội 'dân chủ đa đảng' là tất yếu.

Các bài liên quan



Chủ đề liên quan



Nhận xét về vị thế 'không đối thủ' của Đảng cầm quyền tại Việt Nam đến từ một quan chức thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trong dịp Việt Nam sắp kỷ niệm sự kiện 30/4/1975.

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện nói:

"Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam thì không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có,"

"Nó chỉ có thể có những ý kiến của những cá nhân, những nhóm người ta có những khác biệt với Đảng Cộng sản. Với tư cách đối thủ, tôi quan niệm là không có và trong tương lai tôi nghĩ là không có."


Ông khẳng định vị thế đạt được qua lịch sử của Đảng cộng sản:

"Đảng Cộng sản gắn với lịch sử, ra đời trong bối cảnh đất nước Việt Nam ngày xưa nghèo nàn và bị đô hộ bởi phong kiến. Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó được coi là đội quân tiên phong nhất, được xã hội rồi dân tộc lựa chọn."

"Trước đó cũng có nhiều kẻ sỹ, nhân sỹ và những người yêu nước khác nữa, nhưng Đảng Cộng sản và đứng đầu bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy được vị thế trong nhân dân."

'Uy tín vẫn lớn?'


Người đồng thời giữ cương vị Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam nói uy tín, thế và lực của Đảng cộng sản còn rất mạnh:

"Việt Nam bây giờ có nhiều vấn đề, nhưng về cơ bản, uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn là lớn. Lực lượng rõ ràng có 4-5 triệu người, mà trong đó không chỉ có những triệu Đảng viên như vậy, mà con có gia đình của hàng triệu Đảng viên.

"Trong tương lai xa, Việt Nam sẽ đi vào quỹ đạo văn minh, quốc tế. Việt Nam là phương Đông, không thể đổ vỡ, không thể thực hiện kiểu cú sốc như phương Tây"

Giáo sư Nguyễn Đình Tấn (giữa, hàng đầu)

"Rồi nó cũng có hàng chục triệu Đoàn viên là cánh tay phải của Đảng, rồi hàng chục triệu thiếu niên nhi đồng cũng là những cánh tay mầm non của Đảng, nên theo quan điểm của tôi Đảng Cộng sản không có đối thủ; những đối thủ ra mặt và đầy đủ lực lượng tôi nghĩ là không có ai cả."

Quan chức nghiên cứu này nhận xét về lực lượng đối lập và đấu tranh cho dân chủ trong nước. Ông nói:

"Chỉ có điều là có những ý kiến, còn có những ý kiến mong muốn và thậm chí người ta còn phàn nàn về một số cá nhân, một số nhóm này nọ, và tôi cũng nghĩ không nên đánh giá họ nặng nề.

"Tôi nghĩ cái đó có, kể cả trong nhân dân cũng có, nhưng số đó là số ít và số đó không có sức mạnh. Và trong thập kỷ sắp tới chưa thể có cái gì đó để có thể vươn tới, tạo ra sự đối trọng với Đảng.

"Mà hơn nữa Đảng của chúng tôi đang tiến hành cải cách rất mạnh, vừa rồi tiến hành nghị quyết Trung ương IV, thực chất là tiến hành cuộc đấu tranh phê và tự phê, thực chất là tiến hành những cải cách rất mạnh mẽ, trung thực và cầu thị.


Theo Giáo sư Tấn, Đảng cộng sản đang tiếp tục khẳng định vị thế lãnh đạo, nhưng cho rằng Đảng sẽ không thể được chấp nhận nếu tiếp tục sai sót hay nếu không tự đổi mới vì như vậy theo ông sẽ không thể tiếp tục 'nắm bắt ngọn cờ.'

Ông cho rằng Việt Nam sẽ đi lên trong ổn định, hòa bình với ổn định phải là vấn đề 'nguyên tắc' và các tiếp thu phải có chọn lọc.

'Không là duy nhất'


Về học thuyết chính trị Mác - Lênin mà Đảng Cộng sản Việt Nam lâu nay xếp là kim chỉ nam, ông nói:

"Trước kia chúng tôi nói là theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng tôi dùng từ theo, nhưng bây giờ chúng tôi đặt vấn đề là chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, và đồng thời vận dụng nó một cách sáng tạo, có phát triển, đổi mới và có phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin.

"Và chủ nghĩa Mác - Lênin không là duy nhất mà chúng tôi tiếp thu rất đa dạng các học thuyết khác, của cả Parsons, của cả Durkheim, của cả Auguste Compte, của Weber...những nhà khoa học, chúng tôi tiếp thu những hạt nhân hợp lý ở trong đó vào trong tư tưởng, phần hồn chỉ đạo đất nước của chúng tôi."

Giáo sư Tấn so sánh một số mô hình chính trị và cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang thành công với học thuyết phát triển lấy phương châm "hài hòa" làm trọng tâm, nhưng ông cũng đánh giá cao mô hình đa đảng ở Mỹ.

"Đấu tranh dân chủ ở VN phải vừa đấu tranh, vừa có lý luậtn, phải tổ chức lực lượng quần chúng. Phải đồng thời xây và chống, nhiều tổ chức mới chỉ làm được chống mà chưa làm được xây"

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang (trái)

Ông nói:

"Hai đảng rất văn minh, trên thực tế nó không phải là hai cái đảng đối lập theo nghĩa là nó tiêu diệt lẫn nhau. Mà đây, hai Đảng có thể có những khác biệt, nhưng trong đó người ta tranh đua với nhau để đưa ra những phương án tốt nhất."

"Đồng thời đảng này sẽ bị đảng khác giám sát, nếu anh làm không tốt, thì đến một ngày nào đó, anh phải trao quyền lực, luân phiên một cách khách quan, thông qua bầu cử."

Tuy vậy, qua kinh nghiệm "Mùa Xuân Ả-rập," Giáo sư Tấn từ chối cho rằng Việt Nam sẽ cần tới 'vùng đệm' là thể chế đa đảng đối lập và đa nguyên chính trị để tránh 'nổi dậy, đổ vỡ', vì ông nhìn thấy mô hình đa đảng ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi là "ma quái" và không đáng học tập.

Về lựa chọn mô hình chính trị và hướng đi tương lai, Giáo sư Tấn khẳng định:

"Trong tương lai xa, rồi thì Việt Nam cũng sẽ đi vào quỹ đạo chung, quỹ đạo bình thường của nền văn minh. Việt Nam đang đi, nhưng phải đi từ từ, dần dần, Việt Nam là phương Đông, không thể thực hiện những cú sốc được theo kiểu phương Tây."

'Cơ hội đổi mới'


Bình luận về ý kiến của ông Tấn, nhà hoạt động dân chủ, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang nói với BBC từ Hà Nội rằng ông thừa nhận lực lượng đối lập và cổ súy cho dân chủ ở trong nước hiện nay chưa đủ mạnh.

"Điểm yếu của họ là họ đang ở vị trí phi nghĩa, khi họ áp đặt sự cai trị của họ lên cả dân tộc Việt Nam"

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Tuy nhiên ông cho rằng thực trạng này cũng có nguyên nhân từ việc chính quyền sử dụng các công cụ chuyên chính vô sản để ngăn chặn, kiềm chế, hoặc phân hóa.

Về cách thức và đường lối của phong trào dân chủ trong nước, ông Giang cho rằng đấu tranh dân chủ ở Việt Nam cần có chiến lược vừa đấu tranh, vừa lý luận vừa đồng thời tổ chức lực lượng quần chúng.

"Phải đồng thời xây và chống, nhiều tổ chức mới chỉ làm được chống mà chưa làm được xây...," ông nói.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Giang tin rằng phong trào dân chủ và đối lập đang đứng trước những cơ hội vì theo ông Việt Nam đang chuyển mình trong khi đảng cộng sản đang tỏ ra suy yếu lại xuất hiện phân hóa nội bộ và 'đánh đá, tiêu diệt lẫn nhau'.

Về phần mình, luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động dân chủ khác từ trong nước, cho rằng nhận xét của Giáo sư Tấn cũng có phần khách quan, khi lực lượng dân chủ và đối lập theo ông Đài vẫn còn yếu và chưa có chương trình dài hạn.


Ông Đài cho rằng tình hình Việt Nam hiện nay tương đồng với tình hình đêm trước các cuộc Cách mạng ở Đông Âu, khi đó các nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo còn khá mạnh và các lực lượng đối lập, dân chủ bị kìm kẹp chặt và có phân tán lực lượng.

"Nhưng mọi điều bất ngờ đều có thể xảy ra," ông nói trước khi đưa ra so sánh tương quan giữa phong trào đối lập và Đảng cộng sản hiện nay.

"Điểm mạnh của Đảng cộng sản hiện nay là họ nắm trong tay mọi công cụ sức mạnh từ quân đội, cảnh sát, tòa án rồi toàn bộ hệ thống chính trị của họ đều nằm trong tay của Đảng cộng sản. Điểm yếu của họ là họ đang ở vị trí phi nghĩa, khi họ áp đặt sự cai trị của họ lên cả dân tộc Việt Nam.

"Nó không tạo ra sự công bằng, bình đẳng cho tất cả người dân ở trong xã hội, và tệ nạn tham nhũng, suy thoái đạo đức của họ làm cho chính bản thân họ suy yếu đi rất nhiều."

'Vận động tất yếu'


"Còn điểm yếu hiện nay là chúng tôi thiếu kinh nghiệm, và thiếu một chương trình để chúng tôi có thể làm việc một cách lâu dài, hướng đến một mục tiêu thành công ở trong tương lai"

Về phong trào đấu tranh dân chủ, ông Đài nói:

"Con đường đấu tranh, sự lựa chọn là con đường chính nghĩa, là quá trình đi đến tất yếu của sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội Việt Nam, đó là một xã hội dân chủ đa đảng, đó là sức mạnh chính nghĩa và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như người dân ở trong nước,"

"Còn điểm yếu hiện nay là chúng tôi thiếu kinh nghiệm, và thiếu một chương trình để chúng tôi có thể làm việc một cách lâu dài, hướng đến một mục tiêu thành công ở trong tương lai."

Gần đây phong trào đấu tranh cho dân chủ và các lực lượng đối lập ôn hòa ở Việt Nam được cho là có thêm những bước phát triển mới phong phú, đa dạng hơn về nội dung và hình thức hoạt động, đấu tranh, đặc biệt với sự phát triển của mạng internet và các phong trào viết blog và mạng xã hội.

Trong khi đó, phong trào cũng được cho là gặp sự kiểm soát mạnh mẽ, chặt chẽ, có tính hệ thống của chính quyền, nhiều nhà hoạt động dân chủ ôn hòa, trong đó có một số bloggers có tiếng như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, các luật gia như Lê Quốc Quân và trước đó là Cù Huy Hà Vũ, đã bị bắt giữ và đối diện, hoặc có thể đối diện những bản án nghiêm khắc.

Cùng lúc một số quốc gia Phương Tây tiếp tục khuyến khích Việt Nam cải tổ hệ thống chính trị và các nhà ngoại giao của họ cố gắng tiếp xúc với giới bất đồng chính kiến để gửi thông điệp rằng họ ủng hộ cho một môi trường dân chủ hơn tại Việt Nam.

 

 

__._,_.___

http://

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog - 3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link