Thursday, December 19, 2013

Mỹ thắng Tàu một bước




Mỹ thắng Tàu một bước

Ngô Nhân Dụng
John Kerry  trở lại Năm Căn
Tập Cận Bình đang nhường một nước cờ ngoại giao, để rảnh tay củng cố địa vị qua “trận càn quét” các đối thủ chính trị quy tụ trong “Ðảng Dầu lửa” và “Ðảng An ninh” mà Chu Vĩnh Khang đứng đầu cả hai. 

Trong lúc Tập Cận Bình lo các nước cờ hạ thủ Chu Vĩnh Khang một cách ngoạn mục, thì John Kerry đã thắng một cuộc cờ ngoại giao ngay trong vùng Ðông Nam Á, nơi Bắc Kinh vẫn coi là “ao nhà” của mình, không muốn cho Mỹ can dự.

Trong cuộc thăm viếng Việt Nam, rồi Philippines, những lời tuyên bố và hành động của ngoại trưởng Mỹ đều công khai nhắm vào Trung Cộng, không úp mở. Về hành động thì những việc làm mới của chính phủ Mỹ thì không có gì đáng coi là nghiêm trọng; nhưng các lời nói thì cố ý gây ảnh hưởng mạnh. Trên trường ngoại giao, người ta chỉ cần tạo ảnh hưởng tâm lý như thế. Chi tiền ít mà vẫn nói được nhiều, rõ ràng là lợi lớn.


Tại Việt Nam, John Kerry chỉ giúp thêm 32.5 triệu Mỹ kim cho các nước ASEAN. Nhưng lời tuyên bố nói rõ mục đích là giúp vùng Ðông Nam Á bảo vệ lãnh hải chống xâm lăng. Số tiền 32 triệu không đáng là bao. Nhưng Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á lo bị ai xâm lăng? Ai cũng biết, chỉ có Trung Cộng. Số tiền 18 triệu Mỹ kim giúp riêng cho Việt Nam cũng không cao. 

Chắc là các lãnh tụ đảng Cộng sản ở Hà Nội rất thất vọng. Không phải vì ngoại trưởng Mỹ lại lên lớp đặt vấn đề nhân quyền; điều này John Kerry bắt buộc phải làm vì trước khi lên đường đã nhận được thư thúc đẩy của 47 nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu. Nỗi thất vọng của các quan chức Hà Nội là chính phủ Mỹ chỉ viện trợ dưới hình thức năm chiếc tầu thủy cho Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải sử dụng trong việc tuần tiễu. Lính đi tuần tiễu tức là các quan lớn khó nhân cơ hội rút ruột. Trong khi đó thì nhân cơ hội có mặt tại chiến trường mà ông đã đóng vai chiến sĩ Hải quân Mỹ nửa thế kỷ trước, John Kerry lại tấn công ngoại giao nhắm vào Bắc Kinh.

John Kerry nói: “Hòa Bình và ổn định trong Biển Hoa Nam là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ và những quốc gia trong vùng. Chúng tôi rất lo ngại và phản đối mạnh mẽ những chiến thuật ép buộc và gây hấn để tiến hành những đòi hỏi lãnh thổ.” Nước nào gây hấn và ép buộc? Nước nào đã và đang tìm cách bành trướng lãnh thổ? Ai cũng biết, đó là Trung Cộng.

Tại Philippines, John Kerry cũng chỉ đến để kết thúc những cuộc đàm phán giữa các viên chức ngoại giao hai nước. Các hiệp ước xác định thủ tục để quân đội Mỹ, gồm cả máy bay, tầu thủy, và bộ binh được đóng tạm trên đất Philippines. Sau khi Mỹ đóng cửa các căn cứ ở Philippines từ năm 1992, đây là những thỏa hiệp đầu tiên chính thức cho phép quân đội Mỹ trở lại. 

Nhưng trong thực tế, phi cơ và tàu chiến Mỹ đã tới Philippines rất nhiều lần trong các năm qua, được dư luận dân chúng hoan nghênh nồng nhiệt. Cho nên việc ký kết các thỏa ước mới chỉ là công việc bình thường. Nhưng những lời tuyên bố của cả hai ông ngoại trưởng Albert F. del Rosario và John Kerry thì không bình thường.

John Kerry nói: “Hiệp Chúng Quốc mạnh mẽ chống lại đường lối sử dụng hăm dọa (intimidation), cưỡng bách (coercion) hay hiếu chiến (aggression) của các quốc gia để bành trướng lãnh thổ. Kho tự vựng ngoại giao của các nước Ðông Nam Á trong tương lai sẽ chứa đầy những chữ hăm dọa, cưỡng bách, và hiếu chiến; quà tặng của ông ngoại trưởng Mỹ. Và chắc chắn họ sẽ thong thả đem ra dùng mỗi khi nói đến Trung Cộng (trừ chính quyền hai xứ Camphuchia và Việt Nam).

Món quà mà ông John Kerry đem lại cho chính phủ Philippines chỉ có 40 triệu Mỹ kim, cũng nhắm vào việc tuần tiễu duyên hải. Nhưng quan trọng hơn là lời nói, tuy chỉ nhắc lại những lời mà chính phủ Mỹ vẫn nói: Nước Mỹ cương quyết bảo vệ nền an ninh của Philippines. Ðiều này thực ra không cần nói, vì hai nước vẫn còn hiệp ước phòng thủ hỗ tương; nhưng nhắc lại vẫn tạo thêm ảnh hưởng trước mắt. Nhưng trong khi nhắc lại, Kerry còn nói thêm “và an ninh trong vùng.” Mấy chữ chót này là món quà cho các nước Ðông Nam Á.

Cũng như khi đến Việt Nam, tại Philippines ông Kerry đã nhắc lại những lời chỉ trích chính quyền Bắc Kinh trong việc công bố “vùng phòng không” (ADIZ) trong vùng biển Ðông Bắc. Ông nói chính thức: Nước Mỹ không công nhận vùng ADIZ này. Trong thực tế, chính quyền Mỹ đã cho ngay hai pháo đài bay B52 lượn qua vùng này ngay sau khi Bắc Kinh công bố, mà chẳng sao cả.

 Nhưng khác với chính quyền Cộng sản Việt Nam, Ngoại trưởng Albert F. del Rosario của Philippines cũng lớn tiếng đả kích Bắc Kinh trong vụ ADIZ. Nhưng lời tuyên bố quan trọng hơn nữa, là cả hai ông ngoại trưởng đã báo trước sẽ không chấp nhận nếu Trung Cộng vẽ ra một vùng ADIZ trong vùng biển Ðông Nam Á. Ðây là điều mọi người vẫn biết là thái độ của chính phủ Mỹ. Nhưng điều đó được công bố, và công bố ngay tại Manila, là một nước cờ ngoạn mục.

Chuyến đi của ông Kerry tại Philippines tình cờ trùng hợp với các công tác cứu trợ nạn nhân bão Haiyan, mà số đóng góp của chính phủ Mỹ đang được người Phi hoan hô. Ngoài số tiền 20 triệu đô la, họ còn gửi tới một mẫu hạm, với một ngàn thủy quân lục chiến đến làm việc. 

Người Phi ai cũng biết chính phủ Bắc Kinh tuyên bố chỉ giúp 100,000 đô la, bằng một phần tư số tiền do một tổ chức thiện nguyện VOICE của người Việt Nam đóng góp (Luật sư Trịnh Hội cho biết, riêng một ngôi chùa người Việt tại Mỹ đã nhờ chuyển 50 ngàn đô la cứu trợ). Sau khi nghe dư luận thế giới đàm tiếu, Bắc Kinh đã phải nâng số tiền cứu trợ lên hai triệu Mỹ kim. Họ không biết câu tục ngữ Việt Nam: Ðồng tiền đi trước là đồng tiền khôn; đồng tiền đi sau là dại.

Chuyến đi của John Kerry phải đặt trong bối cảnh những xung đột ngoại giao đang diễn ra giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ở phía Bắc Á Châu.
Sau khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không ADIZ, nước Nhật đã phản ứng, bằng việc làm. Ngày hôm qua, 17 tháng 12, 2013, chính phủ Nhật Bản đã công bố những chiến lược quốc phòng mới. 


Thủ tướng Shinzo Abe gọi đây là kế hoạch quốc phòng, nhưng ai cũng thấy tầm quan trọng trong lâu dài. Nhật Bản sẽ mua thêm các máy bay không người lái và các tàu đổ bộ, là những thứ không thể coi là vũ khí “phòng thủ” như bản Hiến pháp Nhật đòi hỏi. Ngân sách quốc phòng Nhật sẽ gia tăng trong mười năm tới, đi ngược lại chiều hướng cắt giảm trong mười năm qua. Chính phủ Nhật cũng sẽ giảm bớt các hạn chế trong việc xuất cảng vũ khí. Các biện pháp đó chắc sẽ được giới tư bản công nghiệp ở Nhật hoan nghênh.

Bản kế hoạch của ông Shinzo Abe công bố hôm qua sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 12 tỷ trong năm năm tới. Số chi tiêu sẽ lên tới 246 tỷ Mỹ kim. Ngân sách quốc phòng Nhật Bản hiện đứng hàng thứ 5 trên thế giới, mặc dù vẫn bị cấm không được lập quân đội ngoài lực lượng tự vệ. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng hàng thứ hai, sau nước Mỹ. Nhưng nếu so sánh lực lượng hải quân và không quân thì Nhật Bản vẫn mạnh hơn Trung Quốc.

Một điểm mới trong kế hoạch mới là việc nghiên cứu sẽ mua các vũ khí tấn công có tầm xa; lý do được nêu lên là đề phòng Bắc Hàn tấn công bằng hỏa tiễn và bom nguyên tử. Ông Abe còn giải thích công việc tự vệ bao gồm cả việc bảo vệ một nước đồng minh bị xâm lăng. Rõ ràng là ông đang giải thích bản Hiến pháp “hòa bình, phi quân sự” của nước ông theo lối mới.

Tất cả là những phản ứng trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong vùng biển phía Ðông Trung Quốc. Trong khi đó thì đối với nước Mỹ, Bắc Kinh vẫn rất hòa dịu. Cuộc đụng độ với chiến hạm Mỹ USS Cowpens khi đang bám theo quan sát mẫu hạm Liêu Ninh xảy ra ngày 5 tháng 12 đã được Bắc Kinh dìm xuống hàng tin tức không quan trọng. Sau đó, Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục tham dự một cuộc tập trận lớn, mang tên Rimpac, do bộ chỉ huy hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương tổ chức.


Tập Cận Bình đang lo đối phó với các đối thủ trong đảng, trong nước. Cho nên Ngoại trưởng John Kerry tha hồ múa gậy vườn hoang. Nhưng đối với các nước Ðông Nam Á, cuộc múa gậy này rất ngoạn mục. Dân chúng miền này sẽ ngủ ngon hơn khi biết chính phủ Mỹ vẫn giữ đúng chủ trương “chuyển trục” về Á Châu.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link