Wednesday, December 18, 2013

Nói thật về chủ nghĩa cộng sản


Nói thật về chủ nghĩa cộng sản
Pateikt patiesību par komunismu
Người dịch: Phạm Nguyên Trường


 Trong thời gian ở thăm Latvia, ông Lee Edwards, chủ tịch Quỹ tưởng niệm các nạn chân của chủ nghĩa cộng sản, đã dành cho tờ Latvijas Avizeb buổi phỏng vấn dưới đây. Xin nói thêm rằng tổ chức The Victims of Communism Memorial Foundation (Quỹ tưởng niệm các nạn chân của chủ nghĩa cộng sản), do ông lãnh đạo, đang quyên góp tiền để dựng ở Washington đài tưởng niệm các nạn nhân của ý thức hệ cộng sản.


- Các ông có ý định xây dựng một đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản ở Washington. Tại sao hiện nay đây là công việc quan trọng?


- Chúng ta có thể nói đến 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Đây là số liệu từ tác phẩm của sáu nhà trí thức Pháp, có tên là Chúa trời đã thua, do nhà xuất bản của Đại học Harvard ấn hành. Bức tường Berlin sụp đổ cách đây 20 năm, nhiều người nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản đã bị đánh bại, và chúng ta có thể chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Nhưng, không được quên các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Năm 2007, chúng tôi đã khánh thành bức tượng tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản tại Washington.


Đây là hình ảnh của Nữ thần dân chủ – một bức tượng như thế đã từng đứng ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Chúng tôi đã tạo ra một bảo tàng ảo về các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, và vừa mới đây đã viết xong cuốn sách giáo khoa cho các trường trung học. Quỹ tưởng niệm các nạn chân của chủ nghĩa cộng sản đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu di sản, nghiên cứu quá khứ, hiện tại và giáo dục. Trên thế giới vẫn còn năm nước cộng sản, và sự áp bức của các chế độ này cũng vẫn khốc liệt như trước đây. Về bức tượng, phải nói rằng hàng năm các nhà ngoại giao của nhiều nước vẫn đến thăm, cả những người đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản như người Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và Cuba nữa. Luật về tổ chức của chúng tôi được thông qua dưới trào của tổng thống Dân chủ, Bill Clinton; còn tượng đài khánh thành khi tổng thống là người thuộc đảng Cộng hòa, George Walker Bush, nắm quyền. Một cách nữa để chúng ta tưởng nhớ đến tác hại của chủ nghĩa cộng sản là huy chương Truman – Reagan, tặng cho những người có thành tích trong sự nghiệp chống cộng. Tên của huy chương có ý nghĩa biểu tượng vì chiến tranh lạnh bắt đầu dưới trào đảng viên Dân chủ Harry Truman, còn Ronald Reagan, đảng viên Cộng hòa, đã làm được rất nhiều trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản. Giải được trao lần đầu tiên năm 1999, và là một trong những người nhận đầu tiên là nhà lãnh đạo phong trào Sąjūdis, đòi độc lập cho Litva, là ông Vytautas Landsbergis.

– Điều gì làm cho các nước vùng Baltic trở thành đặc biệt, nhất là trong bối cảnh của quá khứ cộng sản?


- Hoa Kỳ đã có mối liên hệ đặc biệt với các nước vùng Baltic, khi Liên Xô chiếm những nước này, chúng tôi không công nhận việc chiếm đóng và sáp nhập đó. Chính phủ Mỹ đã đưa ra tuyên bố, gọi là tuyên bố Sumner Welles. Trong bảo tàng, chúng tôi phải nói với mọi người những câu chuyện dễ hiểu, và đối với các nước vùng Baltic thì đấy là phong trào Cách mạng hát và Con đường Baltic. Tôi đã đến thăm Bảo tàng Chiếm đóng ở Riga –  Ông Nollendorfs đã làm được một công việc tuyệt vời và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy, chúng tôi được bảo tàng của các bạn khích lệ rất nhiều. Sẽ có những cuộc triển lãm dành cho từng nước, thí dụ như Nga, Trung Quốc, sẽ một cuộc triển lãm đặc biệt dành cho các nước vùng Baltic. Ngoài ra còn có một phòng dành tưởng niệm những anh hùng chống cộng nữa. Chúng tôi có thể dựng trong bảo tàng một trại tù (Gulag) với những chiếc giường gỗ, và khi có người vào thì nhiệt độ sẽ tự động giảm xuống. Chúng tôi muốn trưng bày cả những toa tầu dùng để trục xuất người tới Siberia. Chúng tôi cũng muốn đặt một tháp canh như trên Bức tường Berlin nữa.


– Xây bảo tàng như vậy thì cần bao nhiêu tiền và kiếm ở đâu?


- Theo luật pháp Hoa Kỳ, chúng ta không thể yêu cầu nhà nước tài trợ cho đài tưởng niệm đó. Đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng người Do Thái (Holocaust) ở Washington cũng được xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ được các tổ chức xã hội hỗ trợ.


Có thể chúng tôi sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ địa điểm đặt đài tưởng niệm, cũng như thu hút tài trợ từ nước ngoài. Hungary đã trích ra một triệu, chúng tôi sẽ sử dụng để tạo ra một nhóm công tác và cho chiến dịch quyên góp. Cần tổng cộng 100 triệu USD, một nửa làm bảo tàng, một nửa cho tổ chức làm công việc giáo dục. Mục tiêu của chúng tôi là bắt đầu xây dựng vào năm 2017, kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Bolshevik ở Nga.

- Khổ đau có thể được đo không chỉ bằng số nạn nhân, mà còn có thể đo bằng kinh tế và xã hội …


- Chủ nghĩa cộng sản là ngụy khoa học, được ngụy trang như một hệ thống kinh tế và được thực hiện bằng lực lượng võ trang. Nó được xây dựng trên nền cát ướt. Chủ nghĩa cộng sản đã gây ra những hậu quả về chính trị, kinh tế và chiến lược. Không có cộng sản thì chúng tôi đã không có các cuộc chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên rồi. Nếu năm 1939 không có Hiệp ước Molotov- Ribbentrop thì đã không có Chiến tranh thế giới II. Chúng ta đang chứng kiến hậu quả kinh tế trong các nước vùng Baltic và Trung Âu – họ đã bị chủ nghĩa cộng sản hành hạ suốt mấy thập kỉ. Trong khi đó, Tây Âu kinh tế phát triển tốt hơn.


Tất cả những người sống trong thế kỷ XX đều khổ vì chủ nghĩa cộng sản, và chúng ta phải dạy cho mọi người như thế. 

 - Tại Latvia, có các nhà khoa học đã tính được những thiệt hại do Liên Xô gây ra trong thời kì chiếm đóng. Có nên yêu cầu Nga bồi thường không?
- Tôi không bình luận về công việc nội bộ của Latvia, đây là vấn đề của nền chính trị địa phương.
- Có thể coi chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản là như nhau không?
- Holocaust là độc ác nhất. Chủ nghĩa cộng sản – cũng ác, nhưng chủ nghĩa phát xít là sự độc ác đặc biệt, không thể nào diễn tả nổi. Tôi xin lưu ý rằng Nghị viện châu Âu đã chuẩn bị một nghị quyết bày tỏ quan điểm chính trị cả về chủ nghĩa phát xít lẫn chủ nghĩa cộng sản.
 - Ở Latvia, giáo viên các trường dành cho học sinh nói tiếng Nga đưa trẻ em đến cái gọi là Tượng đài Chiến thắng và kể cho chúng nghe phiên bản của mình về lịch sử. Giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Trong chế độ dân chủ, không thể cấm người khác nói; nhưng cùng với quyền nói, còn có trách nhiệm nói sự thật nữa. Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng và các giáo viên phải làm chuyện này. Nói rằng Latvia tự nguyện tham gia Liên Xô là không đúng. Những thứ tôi nhìn thấy trong bảo tàng chiếm đóng là đúng.


- Người Mỹ đương đại theo ông là như thế nào, họ có hiểu về chủ nghĩa cộng sản và di sản của hệ tư tưởng của nó không?


- Không phải tất cả người Mỹ đều biết chuyện đó. Khi chúng tôi viết sách cho nhà trường, bao gồm chủ nghĩa cộng sản của Marx, Mao và cho đến ngày nay, chúng tôi gửi cho giáo viên khắp cả nước. Họ cảm thấy thú vị. Cần dạy không chỉ học sinh về những vấn đề của chủ nghĩa cộng sản, mà còn phải dạy cả giáo viên nữa.
 - Ông cho rằng ai là những người anh hùng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản?


- Đó là Vaclav Havel, Lech Walesa, Andrei Sakharov, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II – đấy là bốn chiến sĩ tuyệt vời, nhưng còn nhiều người khác nữa.
- Việc bổ nhiệm Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng có phải là bước đi mang tính chiến thuật của Vatican trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản hay không?
- Ngài là một linh mục và hồng y sống dưới chế độ cộng sản, và đã trải nghiệm tất cả ngay trên cơ thể của mình. Chuyến đi đầu tiên của Ngài tới Ba Lan sau khi trở thành Giáo Hoàng là có tính biểu tượng, trong thời gian đó Ngài nhấn mạnh: “Đừng sợ.” Câu nói đó đã khuyến khích mọi người, phong trào “Đoàn kết” được thành lập. Ba Lan trở thành tấm gương. Âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thấy ảnh hưởng chính trị của Ngài lớn đến mức nào.


 - Thách thức đối với chủ nghĩa cộng sản hiện nay là gì?


- Cho đến nay, còn năm nước cộng sản. Với bốn nước là Lào, Việt Nam, Trung Quốc và Cuba, chúng ta có thể làm việc: nói về vi phạm nhân quyền và áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế. Có thể trao giải thưởng cho các nhà hoạt động. Bắc Triều Tiên là chuyện khác, đấy là nhà nước toàn trị tách biệt hẳn với thế giới. Thách thức lớn nhất hiện nay là giáo dục. Nhờ công nghệ hiện đại, nói sự thật dễ dàng hơn trước rất nhiều. Trang web của chúng tôi có hàng ngàn người đọc, trong đó có người Trung Quốc, người Việt Nam và người Cuba. Ngay cả Trung Quốc, với 80 triệu đảng viên, cũng không thể có ảnh hưởng tới toàn bộ dân số là 1,3 tỷ người. Tự do sẽ vượt qua tất cả.


Cuộc trò chuyện do nhà báo Ģirts Vikmanis thực hiện
Nguồn: Pateikt patiesību par komunismu
Dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ:
http://inosmi.ru/sngbaltia/20131030/214334805.html
Bản tiếng Việt © Phạm Nguyên Trường 2013
Bản tiếng Việt © Diễn đàn Xã hội Dân sự 2013

Những kẻ cướp giật !!!

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 185 (15-12-2013)

Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận - Tại Việt Nam thấm nhuần “đạo đức cách mạng” và nổi bật “tấm gương bác Hồ” dưới triều đại cộng sản này, các vụ cướp giật trong nhà, ngoài phố xảy ra như cơm bữa, thậm chí đáng được đề cử kỷ lục Guinness toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công luận người Việt trong và ngoài nước đều xôn xao bất bình trước hai sự kiện cướp giật đặc biệt.

Trước hết là vụ “hôi bia” ở Đồng Nai. Số là vào ngày 04-12-2013, một chiếc xe tải chở bia Tiger gặp nạn tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa - Đồng Nai. Xe lạc tay lái nhưng không có người chết và bị thương. May quá! Cả ngàn thùng bia đổ ra đường và hoàn toàn có thể nhặt lại để sắp xếp chở đến địa chỉ cần giao. Thế nhưng, bỗng nhiên hàng chục, rồi hàng trăm người xông vào hôi của.

 Họ đánh cả xe ba gác tới để chở bia, có người leo vào xe để lấy luôn cả những thùng bia chưa rơi ra trước sự bất lực của tài xế. Mặc cho anh này và phụ xe van lạy, những kẻ cướp vẫn không động lòng trắc ẩn. Họ chả cần biết anh tài xế đó sẽ phải gánh hết toàn bộ hậu quả, phải sửa chữa xe, phải đền bù số bia bị mất cho chủ hàng. Nhiều hình chụp đưa lên mạng đã gây phẫn nộ cho toàn xã hội, thậm chí khiến nhiều cư dân địa phương cảm thấy xấu hổ lây đến nỗi đã có kẻ giăng biểu ngữ tại hiện trường vụ việc: “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4/12”.

Thứ đến, vào chiều Chúa nhật 08-12-2013, trong buổi sinh hoạt chào mừng Ngày Quốc tế Nhân quyền tại công viên 23-9 trước chợ Bến Thành Sài Gòn, do nhiều anh em dân chủ tổ chức, với việc phân phát cho người lớn tập “Tuyên ngôn Quốc tế NQ” và cho trẻ em bong bóng in chữ “Quyền con người của chúng ta phải được tôn trọng”, thì một vụ cướp giật chấn động khác đã xảy ra. Một anh chàng béo mập, mang kính cận ra vẻ trí thức (sau này bàn dân thiên hạ biết là một thạc sĩ mới du học ở Mỹ về và đang là cán bộ tuyên giáo của đoàn Thanh niên CS thành Hồ).

Y có mặt tại buổi sinh hoạt này, trước hết là để bóp vỡ kiểu côn đồ mấy quả bong bóng nhân quyền mà trẻ em cầm trên tay, thứ đến là đợi những ai thuyết trình về các quyền con người để lẽo nhẽo lên tiếng phá thối họ với lời lẽ hết sức mất dạy như: “Tự do nhân quyền cũng chỉ là thịt chó trong quán nhậu mà thôi...".

Cuối cùng, y chạy đến bên một cô đang cầm trên tay cả xấp Tuyên ngôn và hành xử với cung cách một tên cướp đúng nghĩa: xô ngã cô này để giật cả xấp rồi bỏ chạy. Bị níu áo nhưng y đã thoát thân nhờ vào sự cản địa của đồng bọn. Hành động của tên cán bộ đoàn đã gây phẫn nộ lẫn ngao ngán cho mọi người và y đã được nhiều bài học rất đích đáng.

Về vụ việc của kẻ vừa du học xong từ một nước văn minh dân chủ bậc nhất thế giới và đang làm ở một cơ quan “quản lý giáo dục” giới trẻ quan trọng bậc nhất VN này, đồng đảng, đồng đoàn và đồng bọn của y dĩ nhiên cho đó là do “ý thức cảnh giác sắc bén” và “tinh thần cách mạng cao độ”!?! Còn về vụ “hôi bia” nói trên và nhiều vụ tương tự như hôi tiền, hôi hàng trên đường lộ khắp đất nước từ nhiều năm qua, có kẻ cho đó là “do sự cạnh tranh trong xã hội xuất phát từ kinh tế thị trường, cái tôi được đề cao dẫn đến sự ích kỷ, lòng tham của con người nảy sinh” hay do “hiện nay nhà trường bị quá tải về mặt chương trình, kiến thức, vì vậy chương trình giáo dục đạo đức không có nhiều thời gian, đứa trẻ ít được dạy dỗ về mặt này” (x. Soha.vn 11-12-2013).

Đây là lối đổ lỗi thông thường cho cơ chế kinh tế hay cơ chế giáo dục. Người ta quên đi hay không dám nói tới nguyên nhân quan trọng nhất, đó là cái chế độ duy vật vô thần chỉ biết dạy con người hưởng thụ và mưu cầu vật chất bất kể lương tâm, cái chế độ chủ trương “sống là đấu tranh giành giật với người” và “mọi phương cách đoạt lợi đều tốt” bất kể luân lý và lòng nhân, cái chế độ mà đảng cầm quyền không bao giờ chấp nhận chia sẻ quyền lực lẫn quyền lợi cho ai hòng tha hồ trấn áp và vơ vét, nêu gương “thượng bất chính hạ tắc loạn”, cái chế độ giáo dục thói gian dối và bạo hành từ ghế nhà trường với những tấm gương vô đạo đức, cái chế độ ngăn cản mọi tôn giáo huấn luyện lương tâm con người trong học đường lẫn ngoài xã hội, cái chế độ mà từ khi xuất hiện tại VN tới giờ, luôn nổi bật chữ “cướp”.

Mở đầu là vụ “cướp chính quyền” từ tay chính phủ hợp hiến hợp pháp Trần Trọng Kim do đảng CS thực hiện từ 17 đến 23-8-1945. Tiếp đến là cướp mọi ruộng đất (có khi cướp mạng) của những kẻ bị gán là “địa chủ” để thực hiện chính sách “người cày có ruộng”. Sau màn giao ruộng cho bần nông thì chỉ một thời gian ngắn, đã cướp giật lại tất cả từ tay họ mà bỏ vào các hợp tác xã; và đến Hiến pháp năm 1992 rồi Luật Đất đai năm 1993 thì đã hiến định và luật định hành vi ăn cướp đó qua công thức “đất đai thuộc về toàn dân do nhà nước đại diện quản lý và sở hữu”.

Trong thời gian mở cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia hợp hiến hợp pháp được quốc tế công nhận, thì đã xảy ra vụ cướp cái tết thiêng liêng của đồng bào miền Nam trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, tiêu mạng 5 đến 6 ngàn thường dân vô tội riêng tại Huế, chưa kể hàng triệu sinh linh dân Việt bị tước đoạt vì cuộc chiến bành trướng chế độ Cộng sản kể từ tháng 12-1960 (lúc thành lập cái gọi là “Mặt trận Giải phóng”) đến tháng 4-1975.

Sau biến cố đau thương này thì đủ trò cướp giật tại miền Nam thất thủ, từ cá nhân đến tập thể, từ thường dân đến nhà nước, từ hành vi tự tiện đến chính sách chủ trương. Cả một nền kinh tế phồn thịnh với bao phương tiện sản xuất hiện đại (lúc đó) của VNCH phần bị phá tán, phần bị tước đoạt bởi những kẻ chiến thắng vừa tham lam vừa ngu dốt, vừa gian dối vừa tàn bạo, khiến đất nước tiến đến bờ vực chết đói khánh kiệt chỉ 10 năm sau “ngày giải phóng”.

Trước đó một chút, việc cướp đoạt mọi quyền lực của nhân dân không chỉ thực thi trên thực tế mà còn được luật định trắng trợn qua điều 4 Hiến pháp ban hành năm 1980: “Đảng CSVN, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân VN, được vũ trang bằng học thuyết Mác-Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Đến HP năm 1992, việc cướp quyền dân này lại được tiếp tục luật hóa với ngôn từ đểu giả hơn: “Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân VN, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Rồi với điều 17-18 HP được diễn thành Luật Đất đai 1993 điều 1: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” và điều 13 với những quan niệm lộng hành “giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất”, đảng CS nói chung và các đảng viên nói riêng tha hồ cướp bóc ruộng vườn, nhà cửa của nông dân lẫn thị dân qua những cái gọi là “quy hoạch phát triển”, “mở mang kinh tế”… tạo nên một hạng người bất hạnh chưa từng thấy trong lịch sử mang tên “dân oan” lên tới con số hàng triệu.

Họ bị đẩy ra đường với phận đời dở sống dở chết sau những cuộc thu hồi kiểu ăn cướp và đền bù kiểu giết dần mòn. Đó là chưa kể những đại tập đoàn, tổng công ty quốc doanh trong bao năm qua, đã thụt két nhà nước hàng tỷ USD, đẩy VN tới bờ vực đổ vỡ kinh tế và tài chánh khi nợ công đến nay đã vượt 95% GDP, có người cho là 105%, (ngưỡng an toàn là dưới 60%). Nghĩa là đảng và người của đảng ra sức cướp bóc và tận lực phá tán tiền thuế của dân, tài nguyên của nước, khiến mỗi con dân VN, kể cả đứa trẻ mới sinh, tính đến ngày 24-11-2013, phải gánh trên vai mình hơn 18.000.000đ nợ cho một nhà nước hoạt động kém hiệu quả và tràn lan tham nhũng hàng đầu thế giới.

Thê thảm thay, chuyện thông qua Hiến pháp mới đây với việc đảng tiếp tục độc quyền cai trị xã hội, độc quyền sai khiến lực lượng vũ trang, nhà nước độc quyền sở hữu đất đai, ưu quyền thực thi kinh tế, càng khiến cho tình trạng cướp bóc mọi dạng ở mức độ nhà nước, tập thể và cá nhân càng gia tăng, như lời cảnh báo của Hòa thượng Thích Viên Định: “Với bản HP này, đảng CS sẽ tiếp tục đối đầu với nhân dân VN và những người yêu nước, sẽ tiếp tục kiềm hãm đất nước trong lạc hậu đói nghèo, kiềm hãm nhân dân trong tối tăm ngu muội, tạo điều kiện cho ngoại bang thôn tính, sáp nhập. Với bản HP này, bất công tiếp tục được nuôi dưỡng, công lý tiếp tục bị chà đạp, tự do dân chủ bị thủ tiêu, nhân quyền bị bức hại để đảng CS tiếp tục đứng trên luật pháp, đè đầu cỡi cổ nhân dân, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của tập đoàn lãnh đạo và thân tộc.

Với bản HP này, bất ổn xã hội sẽ bùng phát, tội ác sẽ lộng hành, lòng hận thù không kiểm soát được và đây chính là hậu quả những sai lầm tai hại của đảng CSVN” (Trích Tuyên bố “GHPGVNTN thất vọng về bản HP mới”, 07-12-2013). Tổng bí thư đảng cướp HP khỏi tay toàn dân thì tên thành đoàn cướp Tuyên ngôn NQ khỏi tay một người dân, chẳng có chi lạ!

Sở dĩ đảng và đảng viên CS cho tới nay vẫn hành xử kiểu ăn cướp đối với đất nước và xã hội, xứng danh “đảng cướp sạch”, bất chấp tiếng nói của lương tâm, tiếng than của nhân dân, tiếng nhắc của quốc tế, đó là vì họ trước đó đã bị cướp sạch về mặt tinh thần rồi. Cửu Bình (9 bài bình luận về ĐCS Tàu, mà ĐCS Việt cũng cùng một giuộc) đã cho biết (bài nhất): “Đòi hỏi đầu tiên và quan trọng nhất của mọi đảng viên là phải tuân lệnh vô điều kiện… Trong khung cảnh riêng tư, họ là những con người bình thường với những cảm xúc hạnh phúc, giận dữ, buồn phiền và hân hoan, với những ưu điểm và khuyết điểm của con người. Nhưng trên bản tính và tình cảm con người là đảng tính, mà theo những đòi hỏi của đảng, là một cái gì siêu vượt. Vì thế, nhân tính trở thành tương đối và có thể thay đổi, đang khi đảng tính trở thành tuyệt đối, không thể hoài nghi hay thách thức được…

Ngày nay ĐCS đã hoàn toàn biến thái thành một thực thể chính trị đấu tranh để duy trì tư lợi. Nó không còn theo đuổi bất cứ mục tiêu cao quý nào của chủ nghĩa CS nữa”. Nên chẳng lạ gì các đảng viên đảng CSVN vẫn mù quáng vâng lệnh cấp trên, cấp trên ở Ba Đình lẫn cấp trên ở tận Trung Nam Hải, mù quáng coi thường nhân dân và quốc tế, mù quáng dửng dưng trước vận nước điêu linh và dân tộc khốn khổ, mù quáng bám lấy các đồng chí và bám lấy quyền lực lẫn quyền lợi mà họ đã cướp được. Thành thử chỉ có ra khỏi đảng, họ mới có thể trở lại làm người, làm người lương thiện và giúp cho đồng bào của họ sống xứng với phẩm giá con người.

Ban Biên Tập
Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 16.12.2013

                                                 Đè đầu bóp cổ dân đúng nghĩa đen

Những hình ảnh “phản cảm” cuối năm đang loan truyền ầm ỹ trên báo và trong các quán cà phê từ vỉa hè đến cà phê cao cấp, cà phê cá độ bóng đá trong kỳ Seagames 27 này là chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật giữa Thành phố Sài Gòn. Gọi là “phản cảm” theo chữ nghĩa của báo chí và của giới truyền thông ở VN thường dùng, thật ra nếu nhìn vào từng chuyện và từng hình ảnh thì người ta phải gọi một số từ ngữ bình dân quen thuộc khác như “tàn nhẫn, dã man, ác ôn, côn đồ…”

Nếu bạn nhìn thấy những hình ảnh sau đây, bạn cũng sẽ phải thốt lên một từ ngữ khác chứ không chỉ gọi… chung chung là “phản cảm” được nữa.

Một kiểu đè đầu bóp cổ dân giữa đường phố

Kiểu đè đầu bóp cổ dân ở đây là nghĩa đen, không còn là nghĩa bóng. Đó là kiểu của các ông được gọi là “lực lượng dân phòng” thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, Sài Gòn vừa “phát minh” ra. Hầu như tất cả các báo ở VN, từ báo mạng đến báo lớn, báo nhỏ và kể cả báo Công An TP cũng đã đăng tải nguồn tin cùng những hình ảnh này.
Nạn nhân là một anh nông dân chính hiệu, đã bị lực lượng dân phòng khóa tay, đè đầu, bóp cổ đưa lên xe và tịch thu hàng hóa.
Có hàng ngàn lời bình, không còn là nỗi “bức xúc” mà là những lời lẽ từ trong đáy lòng vô cùng cay đắng, phẫn uất của độc giả khắp nơi.

Chuyện xảy vào buổi sáng ngày 06 tháng 12 vừa qua, tại khu chợ nằm trên đường D1 thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, TP Sài Gòn. Toàn bộ câu chuyện được người dân trình báo đến nhà chức trách địa phương và họ cũng tự quay clip gửi cho các báo.

Theo những người dân chứng kiến vụ việc kể lại, sáng đó anh Tình đang đứng tại khu vực chợ với xe ba gác có chứa rau củ quả để bán – Đây là khu chợ được gọi là “chợ tự phát”, tức là chợ do những người dân thấy thuận tiện thì tự họp lại buôn bán với nhau, không phải là chợ chính thức do địa phương cai quản.–  Lúc này có gần chục người thuộc các lực lượng dân phòng, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố... đi kiểm tra, dọn dẹp lòng lề đường, có lẽ để đón Giáng Sinh 2013 và Năm Mới 2014.

Chạy loạn hè phố

Lúc này anh Tình chưa kịp đẩy xe rau củ quả chạy đi thì bị lực lượng trên chặn lại để xét hỏi và có thể tịch thu – ở đây lại gọi chung chung là “xử lý”.– Đấy là nhiệm vụ và trở thành cái quyền hành lớn của các anh dân phòng được phường xã giao cho. Người dân khắp TP đã từng chứng kiến những cảnh mấy bà, mấy chú bán hàng trên các hè phố, thấy bóng dân phòng đến như thấy tử thần, bèn ôm đồ đạc chạy nháo nhào hơn là chạy giặc, chạy cướp. Có bà lề mề, ôm thúng rau, vài chục cành hoa, lúng túng với mẹt hoa quả, rớt tùm lum trên hè phố mà không dám quay đầu lại nhặt.


Đó là những món hàng vừa hái trong vườn nhà hoặc mua của hàng xóm, mang bán, kiếm chút tiền đong gạo cho con. Họ không có tiền thuê hè phố của đám anh chị hoặc không có tiền nộp thuế cho bọn “bảo kê” nên cứ đành ngồi bán liều ở hè phố, có khi bán theo kiểu “di động”, nay bán hè này, mai kiếm hè khác. Khi bị bắt về phường có nghĩa là toàn gia bữa đó sẽ nhịn đói, chỉ còn biết khóc lóc, lạy lục, van xin cũng không xong.

                                     
                                              Cảnh đuổi bắt giữa trật tự phường và các gánh hàng rong

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều cảnh “chạy loạn hè phố” như thế. Nhìn những bác nhà quê lam lũ khốn khổ cắm đầu chạy thục mạng, mặt mũi tái xanh, thở không ra hơi, quả thật trong lòng cảm thấy bất nhẫn lắm. Có lẽ những người dân quanh đó cũng mang cái cảm giác ấy mà không nói ra được, không làm gì được.

Bị dân phòng đánh tơi tả vì “tội” bán hàng rong

Trở lại chuyện anh Tình bị dân phòng chặn bắt và bị đánh. Nạn nhân được xác định là anh Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hoá, tạm trú ở tỉnh Bình Dương), là người bán rau quả dạo.

Chiều 6/12 vừa qua, sau khi bán dạo khắp các ngõ hẻm, anh Tình chạy xe đến khu “chợ tự phát” tại Cư xá 30/4, phường 25, quận Bình Thạnh và dừng xe trước nhà số 11B5 để bán. Đến 16h30 thì có một nhóm gần 10 người mặc đồ cơ quan trật tự đô thị, dân phòng của UBND phường 25, quận Bình Thạnh đi xe công vụ đến khu vực trên dọn dẹp lòng lề đường. Nhiều người ngồi buôn bán nháo nhào gom hàng hóa tháo chạy, anh Tình chưa kịp chạy thì có khoảng 5-6 người đến vây kín.

Những người chứng kiến cho biết, lúc tổ công tác của phường 25 lập biên bản, yêu cầu anh Tình đưa chiếc xe rau củ quả buôn bán về trụ sở UBND phường để “xét xử”. Tuy nhiên anh Tình không đồng ý nên đôi bên xảy ra cãi cọ. Những người trong tổ công tác đã dùng tay đánh anh Tình làm anh này té lăn xuống đường. Sau đó, năm sáu anh dân phòng xông vào "đánh hội đồng". Thậm chí họ còn dùng còng số 8 còng tay anh Tình rồi tiếp tục đánh, dùng roi điện dí vào người nạn nhân 4 lần.  \

                                          
                                                       Anh Tình bị khóa trái tay, ép lên xe áp giải về phường

Sau khi đánh anh Tình bò lê bò càng, nhóm các ông “cán bộ chức năng” còn thúc ép anh này lên xe để đưa đi. Không đồng ý với cách hành xử như vậy, anh Tình kháng cự nhưng vẫn bị tóm cổ, thậm chí bị còng tay, đè đầu, bóp cổ, đưa lên xe của đoàn công tác. Lúc này, trước sự kháng cự của anh Tình, lực lượng chức năng liền đánh tiếp người bán hàng rong đến ngất xỉu.

                                           
                                                            Nạn nhân bị còng tay ngất xỉu bỏ mặc giữa đường

Khi anh Tình ngất xỉu, họ bỏ mặc nạn nhân nằm lê lết trên đường với 2 tay bị còng ra phía sau. Rất nhiều người dân chứng kiến thấy cảnh tàn bạo này đã la lối phản đối quyết liệt, xông vào can ngăn nhưng không thể ngăn được “lực lượng chức năng” quá hùng hậu và hung dữ. Một số người đành dùng điện thoại di động ghi lại sự việc.

Vụ việc giằng co diễn ra khá lâu người dân mới trình báo lên Công an phường 25. Khi quan chức phường đến nơi thì người bán hàng rong mới được “giải cứu” và đưa đến Bệnh viện Gia Định cấp cứu. Chiếc xe ba gác dùng để mưu sinh và toàn bộ trái cây trị giá chừng 1 triệu đồng trên xe của anh Tình đã bị thu giữ.

Bất chấp hoàn cảnh của người lao động nghèo

Hiện nay anh Tình đã được người thân đưa về nhà trọ ở Bình Dương để chăm sóc. Tuy nhiên, người nhà anh Tình cho biết, sức khỏe của anh có chiều hướng xấu đi.

                                           
                                    Đơn tường trình của người nhà nạn nhân được nhiều nhân chứng ký xác nhận

Ngay trong đêm, anh Lê Văn Trường (em vợ anh Tình) đã có đơn tường trình toàn bộ sự việc anh Tình bị đánh đến cơ quan chức năng để mong muốn làm rõ. Những người dân chứng kiến sự việc cho biết, họ rất phẫn nộ trước cách hành xử côn đồ của một số cán bộ phường trong sự việc này và đã đứng tên ký xác nhận trong đơn với người nhà nạn nhân gửi đến chính quyền.

                                                
                                   Anh Tình được vợ đưa về nhà chăm sóc sau một trận đòn "thừa sống thiếu chết"

Đến khoảng 21h đêm 6/12, người nhà anh Tình tìm đến bệnh viện và đưa anh về nhà, vì không có tiền nên không dám nằm lại điều trị vết thương. Sáng 7/12 anh Tình phải vay mượn 200 ngàn đồng đi mua thuốc uống vì thấy đau. Hiện tại trên lưng anh Tình vẫn còn nhiều vết thương bầm tím do bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng đánh chiều hôm trước.

Được biết hoàn cảnh của anh Tình rất khó khăn. Hằng ngày anh Tình thức dậy từ 4h sáng chạy xe ra chợ Đầu Mối Thủ Đức lấy trái cây rồi đi bán dạo khắp thành phố Sài Gòn để mưu sinh.

Ông chủ tịch phường hay người dân làm chứng bịa đặt?

Ngày 9/12 ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch UBND P.25, Q.Bình Thạnh đã có văn bản báo cáo Quận ủy, UBND Q.Bình Thạnh về vụ việc. Trong báo cáo, ông Quý nêu:
“Tổ công tác phường đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và mời ông Tình về trụ sở UBND làm việc. Lúc này ông Tình có uống rượu say, nhảy vào đạp ngã xe gắn máy ra đường, dùng chân đá vào người của tổ công tác…
Trước thái độ chống đối của ông Tình, tổ công tác đã dùng còng số 8 còng tay ông Tình lại và đưa lên xe của UBND phường…

Văn bản của ông Quý đề cập. “Khi lên xe ông Tình nhảy xuống đất và cố tình nằm ra đường ăn vạ và có dấu hiệu bị trúng gió. Công an phường đã phối hợp kêu taxi đưa ông Tình vào khoa cấp cứu của bệnh viện Nhân dân Gia Định để khám”.

Trong khi đó, như trên đã nói, có nhiều lá đơn của những người dân, đa số là dân buôn gánh bán bưng ở khu chợ tạm cư xá 30/4 đều xác nhận: họ là nhân chứng trực tiếp chứng kiến lực lượng của UBND P.25 hành hung ông Tình đến ngất xỉu. Những người làm chứng cho rằng ông Tình bị bóp cổ, còng tay, đánh vào mặt, bóp hầu, chích roi điện đến ngất xỉu…chứ không ngất vì trúng gió như ông chủ tịch UBND phường nhận định.

Chỉ cần nghe ông chủ tịch Phường trả lời, ai cũng có thể thấy ông đang mưu toan che đậy, bênh vực cho những hành động của đám dân phòng mà hàng trăm lời phát biểu của người dân gọi là “côn đồ”.
Vậy ông chủ tịch phường bịa đặt hay những người dân làm chứng bịa đặt?
Được biết hiện công an P.25, Q.Bình Thạnh đang lập hồ sơ điều tra về việc này.

Lời kể của vợ chồng nạn nhân

Chiều 8.12, Phóng viên báo Thanh Niên đã tìm gặp anh Tình tại thị xã Dĩ An, Bình Dương để nghe anh tường thuật chi tiết vụ việc anh bị đánh.
Nằm trên giường với những vết bầm tím, anh Tình gắng gượng thuật lại câu chuyện. Như mọi ngày, 2 giờ sáng ngày 6.12, anh Tình lên chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Sài Gòn) lấy hàng rồi bắt đầu rong ruổi đi bán. Đến trưa, anh với mấy người bạn cùng nhau lên chợ Văn Thánh cũ. Vừa đến chợ không được bao lâu, lực lượng đô thị đến, tất cả đều hốt hoảng bỏ chạy. Còn anh đứng ở đầu đường nên không chạy kịp.

Anh Tình kể lại: “Lúc đó đô thị đến đòi mang xe tôi về phường. Tôi giật xe lại, rồi cố năn nỉ, van xin họ, nhưng không được. Đôi bên giằng co rồi cả nhóm lao vào đánh tôi. Đến lúc đó thì tôi không còn nhớ gì nữa”.
Nhiều người chứng kiến vụ việc cho biết cả nhóm người lao vào đánh, đấm, kè cổ, và dùng cả dùi cui điện để khống chế anh Tình. Sau khi anh Tình bị đánh và còng tay thì nhóm người này bỏ anh nằm bất động dưới đất gần cả tiếng đồng hồ. Sau đó anh Tình được một người trong lực lượng của phường đưa lên taxi, chở tới Bệnh viện Gia Định cấp cứu.

Bệnh viện chẩn đoán “say rượu”

Chị Thương (vợ anh Tình) cho biết: “Lúc đó tôi đang làm ở công ty thì nhận được tin. Tôi hoảng sợ không muốn làm việc nữa. Lập tức tôi một mình chạy lên bệnh viện để xem tình hình của chồng”.
Cũng theo chị Thương khi đến bệnh viện, chị thật sự bất bình khi nghe bác sĩ nói “Người ta nói thấy anh ấy say rượu nằm ở ngoài đường nên thương tình mang vào”. Cũng vì lý do đó mà các bác sĩ đo nồng độ cồn, truyền nước cho anh Tình và chẩn đoán… “say rượu”.

Chắc chắn đây là lời khai của các ông cán bộ phường khi mang anh Tình đang bất tỉnh vào bệnh viện. Không lý lại khai với bệnh viện là bị dân phòng phường tôi đánh bỏ mặc giữa đường. Phải  tìm cách “chạy tội” cho “anh em nhà” ngay từ đầu. Mấy vụ này, các ông cán bộ phường đều kinh nghiệm đầy mình nên thông minh hơn tiến sĩ. 

Chị Thương bất bình: “Bác sĩ bảo tôi ra đóng tiền viện phí (gần 100 ngàn đồng) thì tôi ra đóng chứ không để ý tới tờ giấy khám bệnh. Sau đó tôi nhìn lại thì thấy trong phần chẩn đoán chỉ ghi có mỗi chữ “say rượu”. Rõ ràng là chồng tôi bị người ta đánh, sao lại chẩn đoán say rượu?”.

Chị Thương trình bày rõ ràng với bác sĩ và vị bác sĩ này thu lại tờ giấy, cấp một tờ giấy khác, ghi trong phần chẩn đoán: “Chấn thương phần mềm”.
Nói về việc “bỏ trốn” khỏi bệnh viện, anh Tình cho biết: “Khi đó bác sĩ kê đơn thuốc rồi bảo vợ tôi ra đóng tiền viện phí, tôi cứ tưởng như vậy là xong rồi, nên mới cùng vợ ra về, chứ tôi không bỏ trốn”.

Về đến nhà lúc nửa đêm, đến sáng hôm sau (7.12), anh Tình thấy đau nhói khắp người nên mới đến Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng (Dĩ An, Bình Dương) khám lại.
Tại đây các bác sĩ cũng chẩn đoán anh bị chấn thương phần mềm. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại trên người anh Tình có nhiều vết bầm tím, ở cổ tay có hai vết cứa mà theo anh đó là do vết cắt từ còng số 8. Vậy mà ông chủ tịch Phường lại bào chữa là anh Tình say rượu trúng gió nên nằm dưới đất. Vậy là anh Tình tự còng tay mình?

Tiền đâu đi kiện… củ khoai

Từ trước tới nay, không có một người hàng rong nào đủ sức, đủ thời gian để “bắt đền” nếu chiếc xe hàng của họ bị trật tự đô thị bắt về phường và nó đã bị ném bể nát khi họ quăng nó lên xe. Sẽ không một người hàng rong nào - như anh Tình - biết phải làm gì sau khi ngất xỉu - ngoài việc nhanh chân rời khỏi bệnh viện vì họ thừa biết không có đồng nào trả đủ thứ tiền gọi là “viện phí”.

Và ở vào trường hợp của anh Tình thì chẳng có tiền đâu đi kiện và có thể là kiện cáo “ông Phường” như thế thì chẳng khác nào kiện củ khoai.
Nhưng có rất nhiều người dân đã làm đơn chứng thực toàn bộ sự việc và họ sẵn sàng đứng ra làm chứng. Lác đác trên mạng cũng có một số độc giả đề nghị nhà báo cho biết địa chỉ của anh Tình để giúp đỡ. Nhưng giúp đỡ người cơ nhỡ và giúp người đi kiện “ông nhà nước” lại là chuyện khác hẳn. Cần có thời gian, cần rủng rỉnh mới đi kiện được, dù cho có môt ông luật sứ nào đó cãi cho không, nhưng liệu các thư ký tòa, các quan tòa có “tha không” cho không?

Mời bạn đọc lời bình của một người dân trên báo Dân Trí:

Bạn Hải Yến:
damhaiyen2013@gmail.com viết: “Tôi đã có lần chứng kiến mấy “bác” dân phòng ít học xông vào giằng co, đạp đổ xe hàng của anh bán ổi rong, kết quả là 2 sọt ổi Đông Dư đổ tung tóe ra giữa đường. Mặc kệ cho dân lên tiếng phản ứng hành vi côn đồ, họ vẫn quyết tâm bắt xe của anh bán ổi. Cũng thấy rõ là chẳng phải để dẹp lấn chiếm vỉa hè đâu (các ổng mà làm đúng trách nhiệm thì đã tốt), chỉ để phạt người ta rồi lấy tiền chia nhau. Tôi nói vậy là có căn cứ, bởi đã có lần tôi nhờ người bạn chở từ chỗ làm ra bến xe chỉ chừng 200m, sơ suất không đội mũ.


Thế mà mấy “bác” ở đâu đã nhảy xổ ra chặn đầu xe như sợ chúng tôi bốc hơi, dong như giải tù binh về trụ sở bắt nộp phạt. Họ bắt tôi kí vào giấy tờ (cho hợp lệ nhưng thực ra tờ giấy đó chẳng có tý giá trị gì), khi tôi đòi mang giấy đó lên kho bạc nộp tiền thì họ không đồng ý.


Chẳng qua là họ làm trò để nhét tiền vào túi riêng thôi.

Trước cổng công ty tôi cũng có dãy hàng hoa quả bán rong, bán nước lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nên đã kẹt đường lại càng kẹt hơn. Nhưng ngày nào xe dân phòng đi qua cũng chỉ gọi là nhắc nhở xua đuổi cho lấy lệ, chắc là “há miệng mắc quai”? Được nộp tiền hàng tháng hết rồi…???  Nhưng “bức xúc” cũng chỉ để đấy, vì dân thấp cổ bé họng nói sao lại được với chính quyền…”

Chủ tịch xã “chỉ đạo” phá ruộng dân
 
Trên đây chỉ là một số hình ảnh quá đau lòng cho những cái được gọi là lập lại trật tự hè phố trong những ngày cuối năm này ở thành phố. Còn ở nông thôn, ngoài những vụ kiện cáo vì bị các quan làng quan xã xử ép, chiếm đất, mới đây cũng những ông “kẹ” miệt vườn lại vừa có hành động kỳ lạ “tàn sát lúa” của dân.

Sự việc xảy ra vào khoảng 8h sáng ngày 27/11, khi đoàn cán bộ xã Tùng Lộc gồm Chủ tịch xã, Bí thư cùng đại diện các ban ngành đoàn thể xã đi ra cánh đồng Nhà Hường để dùng cào phá mạ của nhà nông dân Nguyễn Chỉ Nhụ (64 tuổi, ở xóm 2 Bắc Tân Dân).

Ngay lúc đó, chủ ruộng mạ và một số nông dân đang có mặt trên cánh đồng đã phản đối và chạy đến ngăn cản, có người quá phẫn nộ đã bốc bùn dưới ruộng ném và dùng thau múc nước hắt vào đoàn cán bộ.
Ông Nhụ cho biết, nguyên nhân ruộng mạ bị cán bộ phá là vì ông gieo giống lúa 1820, loại giống lúa này xã đã cấm không cho nông dân đưa vào sản xuất.

                                    
                                                Nhiều nông dân xã Tùng Lộc phản đối chủ tịch phá mạ của dân

Trong khi đó, ông Nhụ cho biết, loại giống 1820 mà ông đã gieo mạ vẫn cho năng suất cao, trung bình 3,5 tạ/sào.
Còn một số giống lúa khác, trong đó có giống mới Ấn Độ mà xã đang vận động làm thì mùa vụ trước năng suất thấp, trung bình chỉ được 1,8 tạ/sào.
Ngoài ra, để làm giống Ấn Độ, người dân phải mua từ nguồn giống của xã với giá 91.000đ/1 gói 0,8 kg là quá cao.

Nhiều nông dân có mặt đều khẳng định sẽ tiếp tục gieo mạ để cấy giống lúa 1820 vào vụ mùa này, vì năng suất rất cao, gạo lại bán được giá.
Một nông dân đã lên tiếng: "Ai đời cán bộ lại tập trung lực lượng đi phá mạ của dân. Có luật nào cho phép như thế không?"
Câu hỏi này xin dành cho Bộ Nông Nghiệp VN trả lời.

Từ thành phố đến nông thôn, người dân VN còn phải chịu biết bao điều cay đắng, bất công nữa mà đành câm miệng hến! Người dân chỉ còn nhờ vào sự xét xử công minh của chính quyền. Còn nhiều vụ khác như dân phòng liên quan đến các vụ đánh chết người từng xảy ra ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An. Các vụ án này cho thấy, dân phòng quá lạm quyền và đến lúc phải có biện pháp mạnh để chấn chỉnh.

Bước sang năm 2014, nhà nước VN sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này cho người dân được nhờ. Xin đừng đưa ra những “đề án trên trời, cuộc đời dưới đất”, hãy giải quyết những chuyện rất nhỏ nhưng thật ra đó lại là một thực tế rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội. Đừng hỏi tại sao niềm tin và đạo đức ngày một sói mòn.
Văn Quang
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link