Đầu năm 2015 và điềm chẳng lành, báo hiệu ngày tàn của
Đảng CSVN
Lê Quế Lâm
Mỗi 5 năm, CSVN lại tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc để
phát họa những nét chính của Đảng trong 5 năm sắp tới được thể hiện trong Báo
cáo chính trị của Ban chấp hành Trưng ương Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội. Đại hội Đảng còn sắp xếp nhân sự để lãnh đạo Đảng từ Đại hội này đến
Đại hội sau. Đó là Ban chấp hành Trung ương. BCH TƯ bầu ra Ban Bí thư và Bộ
chính trị, đứng đầu là Tổng bí thư. Trừ TBT là người lãnh đạo tối cao của
Đảng, những nhân vật trong hai cơ cấu này sẽ được Quốc hội bầu làm chủ tịch,
phó chủ tịch Quốc hội, thủ tướng, phó thủ tướng và chủ tịch nước.
Để chuẩn bị cho Đại hội XII diễn ra vào đầu năm 2016, từ giữa năm
2014 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI đã dự trù tổ chức Hội nghị TƯ 10 vào tháng
8/ 2014. Có thể nói đây là tiền Đại hội XII, hội nghị TƯ 10 sẽ thảo luận đường
hướng chính trị, kinh tế, xã hội cũng như thành phần nhân sự lãnh đạo Đảng
trong tương lai. Tổng bí thư Đảng sắp tới sẽ là trưởng tổ soạn thảo Báo cáo
Chính trị của BCH/TƯ đọc trước đại hội Đảng. Thủ tướng tương lai sẽ là trưởng
tổ soạn thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Để thực hiện các công tác trên, cần có thời gian dài để chuẩn bị,
khoảng 18 tháng trước khi Đại hội XII diễn ra như Hội nghị TƯ 10 đã dự trù.
Trong thời gian này, các đảng viên đã được sắp xếp, sẽ trở về đảng ủy cơ sở
hoặc địa phương tham dự đại hội đảng các cấp từ dưới lên, để có tên trong các
đoàn đại biểu về Hà Nội tham dự Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2016. Các
bản dự thảo về Báo cáo chính trị và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng sẽ
được mang ra thảo luận tại đại hội các cấp của Đảng.
Trong hai năm 2013-14, trong nội bộ Đảng có sự mâu thuẫn và bất
đồng về nhiều chính sách giữa Đảng và Chính phủ. Có thể vì chưa có sự nhất trí
trong Đảng về những vấn đề lớn, nên Hội nghị TƯ 10 chưa thể triệu tập hồi tháng
8/2014. Sau đó hoản lại đến tháng 10/2014 cũng không tiến hành được. Không
riêng gì ở quốc nội, Cộng đồng người Việt Tự do ở Úc cũng quan tâm đến
Đại hội XII và tương lai đất nước.
Ngày 3/10/2014 Đài SBTN Úc châu có tổ chức
một buổi Hội luận và Vấn đáp do Luật sư Nguyễn Văn Thân điều khiển. Đề tài là
Tìm hiểu thành phần Bộ chính trị Đảng CSVN trước Đại hội XII. Diễn giả
gồm có Luật sư Lưu Tường Quang, Giáo sư Carl Thayer Cố vấn Học viện Quốc
phòng Úc và nhà báo trẻ trong nước là Nguyễn Vũ Bình, một cựu tù nhân
lương tâm. Nhận định của cựu nhà báo trong nước khác với nhận định của Luật sư
Quang và ông Thayer. Ông Nguyễn Vũ Bình khẳng định: “Sẽ không có đại hội
XII, vì năm 2016 không còn Đảng CSVN để tổ chức đại hội”. Đó là khả năng 1,
còn khả năng 2: “Nếu có đại hội thì đại hội này ở các dạng khác hẳn các đại
hội trước”
Sau mấy lần bị hoản hồi tháng 10 và 12, Hội nghị TƯ 10 mới chính
thức khai mạc ngày 5/1/2015. Ngoài lý do bất đồng trong nội bộ, nhiều giới phân
tích thời sự còn đề cập đến một trong các lý do trì hoản là để phe cánh Nguyễn
Phú Trọng có thêm thì giờ đi tìm sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Người viết xin
lược ghi lại những gì diễn ra giữa CSVN và CSTQ từ giữa năm 2014 khi Hà Nội dự
trù triệu tập Hội nghị TƯ 10. Vào thời điểm này, TQ đã di chuyển giàn khoan HD
981 ra khỏi hải phận VN (15/7/2014) ngay sau khi có Nghị quyết của Thượng
viện HK và chuyến đi TQ gặp Tập Cận Bình của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngày 27/8/2014, CSVN cử Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị,
Thường trực Ban Bí thư làm Đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng đến gặp Tập
Cận Bình. Mấy tháng trước, trong diễn biến giàn khoan HD 981, TBT Nguyễn Phú
Trọng đã 5, 6 lần xin gặp họ Tập, nhưng đều bị từ chối. Nay Tập Cận Bình lại
chịu tiếp Lê Hồng Anh, có phải vì ông này là Việt Cộng, là CS miền Nam?
Trước đó ngày 21/7/2014, Phạm Quang Nghị -Ủy viên Bộ chính trị, Bí
thư Thành ủy Hà Nội đến thăm Hoa Kỳ. Ông không gặp Ngoại trưởng John Kerry, chỉ
gặp các cố vấn của Bộ ngoại giao Mỹ, và hai thượng nghị sĩ -Patrick Leahy (Dân
chủ) và John McCain (Cộng hòa). Thông tấn xã VN cho hay trong các cuộc tiếp
xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã “thông tin về tình hình VN, chính sách đối ngoại
của VN, khẳng định Đảng và Nhà nước VN coi trọng và không ngừng thúc đẩy quan
hệ hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Đối tác toàn diện”. Hà Nội cho biết hai bên
còn đề cập tới tình hình dân chủ, nhân quyền ở VN. Tuy ông Nghị là đại diện cao
cấp của Đảng CSVN nhưng không tham gia với đối tác Mỹ thương lượng trực tiếp về
các chính sách trên. Giới bình luận chính trị nhận định chuyến đi HK của ông
Phạm Quang Nghị như là một cuộc “ra mắt” chính giới Mỹ của một nhân vật sẽ còn lên
cao sau Đại hội Đảng XII.
Trước khi lên đường đi Mỹ, ông PQN đã cho chụp hai bức hình tấm
bia bên hồ Trúc bạch ở Hà Nội, ghi hình ảnh viên phi công Mỹ John McCain đang
giơ tay đầu hàng, bị quân và dân VN bắt làm tù binh. Viên phi công này, nay là
Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ.
Đến thăm Mỹ, ông PQN mang theo hai bức hình trên. Có lẽ
Đảng CSVN đã tiên liệu trước, nếu chính giới Mỹ tỏ vẻ không “mặn mà” với một
người có thể sẽ là tổng bí thư, chủ tịch nhà nước hoặc thủ tướng VN trong năm
tới… Ông PQN sẽ tặng TNS John McCain hai bức ảnh trên để trả đũa. Và quả thực,
ông PQN đã tặng TNS John McCain hai ảnh trên. Sau đó, ông Nghị được TNS
J.McCain hướng dẫn đi thăm tòa nhà Quốc hội Mỹ. Đến căn phòng có treo ảnh chân
dung những thượng nghị sĩ nổi tiếng của nước Mỹ, bất ngờ ông Nghị đặt câu hỏi:
“Thưa ngài, tôi thấy tất cả các vị trí đẹp trong căn phòng này đều đã treo ảnh
các thượng nghị sĩ tiền nhiệm tiếng tăm. Vậy sau này, ảnh của ngài sẽ treo ở
đâu?”
Với bức hình trên, cho thấy Hà Nội vẫn luôn coi Mỹ là kẻ thù và
đây là cơ hội để hạ nhục Mỹ. Và hành động này để làm quà cho chuyến thăm hữu
nghị và hợp tác toàn diện Việt-Trung của Lê Hồng Anh đến TQ hồi tháng 8/2014.
Sau đó, từ ngày 16 đến 18/10/2014, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc
phòng VN đến thăm TQ, theo lời mời của Thượng tướng Thường Vạn Toàn -Bộ trưởng
Quốc phòng TQ, Báo chí TQ tường thuật “Hai bên đã đạt được ‘đồng thuận nguyên
tắc ba điểm’: Một là dựa trên phương châm 16 chữ và 4 tốt. Hai là quân đội hai
nước tăng cường đoàn kết, cung cấp bảo đảm vững chắc cho sự củng cố vị thế cầm
quyền của Đảng CS hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là
tuân thủ đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước Trung-Việt, để xử
lý thích đáng vấn đề trên biển, bảo vệ cục diện hòa bình, ổn định.”
Sau bộ trưởng quốc phòng, đến lượt Bộ trưởng Công an -Đại tướng
Trần Đại Quang lên đường sang thăm TQ ngày 26/10/2014 theo lời mời của Bộ
trưởng Công an TQ Quách Thanh Côn, để cùng chủ trì Hội nghị hợp tác phòng chống
tội phạm lần thứ tư. Trong dịp này, ông TĐQ đã hội kiến với Bí thư Ủy ban Chính
pháp TƯ Đảng CSTQ -Mạnh Kiến Trụ. Hai bên khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân
dân TQ và VN đều mong muốn quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước ngày càng
phát triển tốt đẹp.
Mười ngày trước khi Hội nghị TƯ 10 khai mạc, Bắc Kinh cử Du
Chính Thanh, Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị kiêm Chủ tịch Hội nghị hiệp thương
chính trị nhân dân TQ viếng thăm VN. Ông là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ tư
trong Đảng CSTQ đến Hà Nội theo lời mời của Đảng CSVN và ông Nguyễn Thiện Nhân
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN. Trong 3 ngày ở Hà
Nội từ 25 đến 27/12/2014, ông Du có những tuyên bố hòa dịu, kêu gọi CSVN “duy
trì đại cục quan hệ Việt Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông”. Trước đây
hai tháng, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, nhân vật ngoại giao hàng đầu của TQ
đến thăm Hà Nội cũng có những lời lẽ hòa dịu tương tự.
Đầu tháng 12/2014, VN đã gởi bản tuyên bố lập trường của mình,
công nhận thẩm quyền của Toà án Trọng tài Thường trực ở La Haye về việc thụ lý
đơn kiện của Philippines. Và phản bác toàn bộ Đường lưỡi bò 9 đoạn do TQ vẽ ra,
cho đó không có cơ sở pháp lý… Nhưng trong chuyến viếng thăm VN, ông Du Chính
Thanh tránh đề cập đến chuyện đó mà chỉ tuyên bố “Các vấn đề hàng hải rất
phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi các cuộc đàm phán để quản lý và kiểm soát sự khác
biệt. Ngoại giao “loa phóng thanh” chỉ kích động sự bất ổn của công luận mà cả
hai bên nên tránh”.
Tóm lại, qua các chuyến viếng thăm qua lại của giới lãnh đạo hai
Đảng Cộng sản VN và TQ trong 6 tháng qua, cho thấy Bắc Kinh mong muốn Hà Nội
hai điểm. Một là “duy trì đại cục quan hệ Việt Trung”. Hai là “hòa
bình ổn định trên Biển Đông”. Điểm hai là đòi hỏi của HK, đã được TQ đáp
ứng khi họ rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp giữa VN và TQ.
Hòa bình ổn định Biển Đông là đường hướng chiến lược của Bắc Kinh hiện nay. Đối
với Tập Cận Bình, Biển Đông nay không còn là quyền lợi cốt lõi của TQ nữa. Trái
lại Tân Cương, vùng lục địa mênh mông ở phía Tây mới thực sự là quyền lợi chiến
lược sinh tử của TQ. Nơi đây là môi trường vô cùng thuận lợi cho nhóm Hồi giáo
khủng bố IS hoạt động.
Cuối tháng 6/2014, Abu Bahr al-Baghdi -lãnh tụ Nhà nước Hồi giáo
Iraq (Islamic State of Iraq, gọi tắt là IS) tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi
giáo. IS chủ trương tranh đấu cho quyền lợi của người Hồi giáo bị cướp đoạt ở
20 nước trên thế giới, đứng đầu là TQ. Ông ta lên án TQ thi hành chính sách cấm
đạo và đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương và kêu gọi tất cả những người Hồi giáo
ở toàn đại lục cùng đứng lên lật đổ chế độ phi nhân này. Trong khi đó, nạn tham
nhũng do chế độ độc tài toàn trị CS gây ra đã làm cho người dân TQ bất mãn,
không còn tin vào Đảng CS nữa. Do đó Tập Cận Bình quyết liệt thực hiện chiến
dịch “Đả hổ, diệt ruồi” dẹp sạch tham nhũng, mới mong tranh thủ được lòng dân,
đoàn kết dân tộc chống lại hiểm họa IS.
HK chuyển trục sang Châu Á, các nhóm khủng bố Hồi giáo, Taliban,
IS…cũng chuyển trục hoạt động sang Châu Á. Vì quyền lợi sống còn, TQ phải hòa
hoản và hợp tác với Mỹ và cả Ấn Độ để đương đầu với IS. Mỹ là đối thủ của nhóm
Hồi giáo cực đoan từ mấy chục năm nay, nhưng việc hợp tác giúp TQ chống Hồi
giáo cực đoan là một chuyện khác. Hợp tác hay không là tùy thái độ của TQ trong
mối bang giao với Mỹ và các nước láng giềng.
Để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, TQ yêu cầu VN đừng có
những hành động nào làm phức tạp tình hình, mở rộng diện tranh chấp, kể cả
ngoại giao ‘loa phóng thanh’ chỉ kích động sự bất ổn của công luận như ông Du
Chính Thanh đã đề cập trên. CSTQ biết rõ thái độ của CSVN. Trong chiến tranh
VN, Hà Nội dựa vào Liên Sô và TQ để chống Mỹ.
Sau khi chiến tranh VN chấm dứt,
họ dựa vào LS chống TQ. Nay TQ nhượng bộ Mỹ, có thể CSVN sẽ dựa vào Mỹ để chống
TQ. Có lẽ vì thế mà TQ luôn kêu gọi CSVN “duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung”.
Khi Hội nghị TƯ 10 định hướng chiến lược của VN trong 5 năm tới, sắp sửa khai
mạc, Du Chính Thanh công du VN. Lời lẽ của ông hòa dịu, ngày đầu tiên ông tiếp
xúc ông Lê Hồng Anh, nhắc đến những bước tiến tích cực trong quan hệ song
phương từ khi ông Anh gặp Tập Cận Bình hồi tháng 8/2014. Trước khi về nước, ông
cùng Nguyễn Thiện Nhân tham dự lễ gắn tấm biển “Viện Khổng Tử” tại Đại học Hà
Nội.
Có thể nói đây là lễ khánh thành Viện Đại học Khổng Tử ở Hà Nội. Trong hơn
2000 năm qua, VN chịu nhiều ảnh hưởng của TQ phần lớn xuất phát từ chỗ người
dân VN thấm nhuần tư tưởng của hai nhà hiền triết Khổng, Mạnh. Phải chăng đó là
tín hiệu của Bắc Kinh, sau Đại hội XII, dù CSVN định hướng chiến lược mới như
thế nào, song TQ mong muốn ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh vẫn là mối gắn bó giữa
hai dân tộc Việt Trung?
Nhiều giới nhận định thời cuộc đồ đoán, mục đích chuyến công du
của Du Chính Thanh đến Hà Nội gặp Nguyễn Thiện Nhân trước thềm Hội nghị TƯ 10
là để vận động ông Nhân trở thành thủ tướng. Cũng tương tự, năm 2008 trước Đại
hội X, ông Giả Khánh Lâm cũng là Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Hội nghị Hiệp
thương chính trị nhân dân TQ, như vai trò ông Du Chính Thanh hiện nay, đến VN
cho biết “Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng”. Nếu đây là
sự thật, cũng là điều dễ hiểu. Các ông Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Lê
Hồng Anh, Nguyễn Thiện Nhân…đều là Việt Cộng xuất thân từ MTGPMN.
Trong chiến tranh VN, sau khi dùng sức mạnh buộc Hà Nội ngồi vào
bàn đàm phán, HK mời VNCH và MTGPMN (Việt Cộng) tham dự Hội nghị Paris để hai
bên MNVN giải quyết công việc nội bộ của họ. Lúc bấy giờ Liên Sô ủng hộ BV, TQ
ủng hộ MTGPMN, còn HK dĩ nhiên ủng hộ VNCH. Để chấm dứt chiến tranh, Chu Ân Lai
thỏa thuận với Kissinger để MNVN, Lào và Miên được trung lập.
Ngày 30/4/1975,
lãnh đạo VNCH là ông Dương Văn Minh mời MTGPMN vào Sàigòn để ông bàn giao chính
quyền MN. Cương lĩnh của MTGPMN (1960) chủ trương MNVN hòa bình, tự do, trung
lập. Ngày nay, thời cơ đưa đẩy những người CS miền Nam nắm quyền lãnh đạo VN,
họ sẽ thực hiện thỏa thuận của TQ và HK hồi 40 năm trước: trung lập VN. Điều
này giúp TQ an tâm, VN không còn nằm trong quỹ đạo TQ, nhưng VN cũng không theo
Mỹ để chống TQ. Truyền thống văn hóa Khổng Mạnh lâu dài từ hơn 2000 năm nay vẫn
còn và phát triển dù chế độ chính trị có khác nhau.
Sau khi mọi nghi kỵ, bất đồng đã được dàn xếp. Hội nghị TƯ
10 chính thức khai mạc ngày 5/01/2015. Bốn ngày sau, một tin gây chấn động cả
nước là Nguyễn Bá Thanh -Uỷ viên TƯ Đảng, Trưởng ban Nội chính TƯ sau thời gian
chữa bịnh ở Mỹ đã về đến Đà Nẵng vào buổi tối 9/1/2015. Trước đó, trên trang
mạng Chân dung Quyền lực (CDQL) xuất hiện nhiều bài viết liên quan đến bịnh
tình của ông Thanh cùng hình ảnh thảm thương của ông nằm trên giường bịnh, đầu
đã cạo trọc. Nay ông Nguyễn Bá Thanh đau, còn 197 Uỷ viên TƯ khác, đều là đồng
nhiệm của ông đang tham dự Hội nghị Tư 10 tại Ba Đình. Người viết chợt nhớ câu
nói của người xưa “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Trước thảm
cảnh đau thương của người đồng nhiệm, có lẽ dù là cỏ non hay cao lương mỹ vị đi
nữa, các con ngựa còn mạnh khoẻ cũng không còn lòng dạ nào để gậm, để nuốt nữa.
Đã không ăn, còn không ngủ được nữa, vì lẽ trên trang mạng CDQL,
trước và trong thời gian Hội nghị TƯ 10 đang họp, xuất hiện nhiều bài viết cho
rằng ông Nguyễn Bá Thanh bị người đồng hương miền Trung là Phó thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc hãm hại. Bài viết đưa ra nhiều lý do, nào là ông Phúc và ông Thanh
đều muốn làm lãnh tụ miền Trung, để có những vai vế lớn như Tổng bí thư, Chủ
tịch nước…Nào là ông Thanh với vai trò Trưởng ban Nội chính TƯ đã điều tra tài
sản tham nhũng của ông Phúc, nên bị ông Phúc hãm hại. Sau đó, trên mạng liệt kê
nhà cửa của ông Phúc ở trong nước và bên Mỹ với đầy đủ chi tiết. Một tin còn
gây chấn động là ông Nguyễn Xuân Phúc đã âm mưu với TQ hãm hại ông Nguyễn Bá
Thanh bằng chất phóng xạ. Được đưa đi Singapore điều trị, nhưng nơi đây cũng bó
tay, phải đưa đi Mỹ. Bị TQ hãm hại, phải nhờ Mỹ cứu chữa.
Vụ việc Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Xuân Phúc chưa chấm dứt, thì
CDQL chuyển sang tấn công Đại tướng Phùng Quang Thanh -Ủy viên Bộ chính trị, Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng sau khi ông Thanh đòi trấn áp, ngăn chận thông tin của
CDQL, cho đó là những thông tin xuyên tạc bịa đặt. CDQL trả lời: “Thời gian
qua chúng tôi chỉ mới bắt đầu vẽ chân dung quyền lực của PTT Nguyễn Xuân Phúc
với đầy đủ thông tin xác thực, dễ dàng kiểm chứng về khối tài sản lên đến hàng
ngàn tỷ đục khoét của dân. Thưa ông PQT, ông có thể cho dư luận biết chúng tôi
xuyên tạc điểm nào? Theo tiêu chí của CDQL, chúng tôi sẽ không chừa một ai
thiếu đức, thiếu tài mà lại cho mình cái quyền quyết định vận mệnh dân tộc,
trong đó bao gồm cả ông nữa. Vì không thể chấp nhận các lời xuyên tạc, xem thường
Nhân Dân của ông trên báo www.qdnd.vn
và cả trên www.vtv.vn nên
chúng tôi xin phép ông được thống kê một chút về tài sản của Phùng Quang Hải,
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty 319, người đang thay mặt ông mượn
danh nghĩa Bộ Quốc phòng, vơ vét tài sản Nhân dân để xây dựng mạng lưới kinh
tài cho dòng họ Phùng…Đây có phải là thông tin xuyên tạc, bịa đặt không? Chúng
tôi sẽ tiếp tục có loạt phóng sự điều tra, thống kê và công bố chi tiết toàn bộ
khối tài sản bất minh khổng lồ của gia đình ông, trên thực tế gấp nhiều lần ông
PTT Nguyễn Xuân Phúc”.
Để chứng minh, bài viết kèm theo hình ảnh 6 biệt thự, căn hộ hạng
sang cực kỳ xa hoa của con trai đại tướng PQT là đại tá Phùng Quang Hải, cùng
hình ảnh xe Rolls-Royce Phantom và du thuyền lộng lẫy của vợ PQH. Sau đó là hai
bài viết tựa đề: “Đại tướng Phùng Quang Thanh, Đại tá Phùng Quang Hải đã dùng
Tổng công ty 319 để lũng đoạn kinh tế quân đội, vơ vét tài sản Nhân dân như thế
nào?” Và “Liên minh đen tối hút máu Quân đội và Nhân dân: Tổng giám đốc
Cityland Bùi Mạnh Hùng, Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh và Đại tá Phùng Quang
Hải”.
Trên đây, người viết chỉ ghi một vài thông tin trong CDQL. Những
thông tin đó chắc chắn sẽ làm cho 197 Ủy viên TƯ Đảng tham dự Hội nghị TƯ 10
mất ăn, mất ngũ, thì còn tâm trí đâu để hoạch định những chủ trương lớn của đất
nước. Chống TQ thì bị TQ hãm hại. Mưu đồ tranh giành quyền lực thì bị đồng chí
hãm hại. Việc hãm hại lại rất dễ dàng.
Thân TQ như Pol Pot, Khieu Samphan, Noun
Chea…cuối cùng có lãnh tụ Khmer Đỏ nào chạy sang TQ đâu. Họ ở lại và chết tại
Cam Bốt như Pol Pot hoặc ra tòa án quốc tế như Khieu Samphan, Noun Chea. Thân
TQ có được an thân không? khi Tập Cận Bình đang thực hiện chiến dịch “Đả hổ
diệt ruồi”. Các nhân vật quyền thế một thời như Bạch Hy Lai ủy viên Bộ chính
trị, Chu Vĩnh Khang Thường Vụ Bộ CT, Thượng tướng Từ Hải Hậu Phó Quân ủy Trung
ương, Lệnh Kế Hoạch Chánh Văn phòng TƯ Đảng CSTQ, và là cánh tay mặt của TBT Hồ
Cẩm Đào …đều bị Tập Cận Bình tống giam cùng với thân nhân và đám vây cánh, vì
tội tham nhũng. Mục tiêu kế tiếp của họ Tập là các giới chức đương quyền, đầu
tiên là Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều.
Theo dõi CDQL, khiến toàn thể Ủy viên TƯ Đảng khóa XI đang tham dự
Hội nghị TƯ 10 hoang mang tột độ. Tiếp tục mưu đồ tranh giành quyền lực, có
nhiều khả năng bị các đồng chí đồng nhiệm mưu hại. Còn rút lui, như ông Trần
Văn Truyền, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, từng giữ chức vụ Tổng Thanh Tra Chính phủ
đã nghĩ hưu.Tưởng đâu đã “hạ cánh an toàn” nhưng nào ngờ, mới đây nhà nước đã
thu hồi 5 căn nhà mà ông đã thụ đắc bất hợp pháp. Đã thế, Ủy ban kiểm tra TƯ
Đảng còn điều tra những giới chức nào đã cấp cho ông những tài sản đó.
Người viết cầu xin Ơn Trên gia hộ ông Nguyễn Bá Thanh vượt qua căn
bịnh hiểm nghèo. Giờ đây, chắc ông Thanh đã nhận chân được lẽ vô thường của
cuộc sống con người. Con người NBT trước năm 2014 có lẽ sẽ khác hoàn toàn một
NBT vừa bước qua ngưỡng cửa tử sanh của kiếp người. Nếu chẳng may, ông
cũng sẽ cười vui khi thấy người kế nhiệm tiếp tục công việc của ông, điều tra
nội bộ để tiêu diệt bầy sâu phản dân, hại nước. Người viết cũng kỳ vọng 197
đồng nhiệm của ông cũng như nhiều cán bộ cộng sản cao cấp khác cũng chuyển
hướng tư duy như ông Nguyễn Bá Thanh
Người duy nhất có thể giúp tập thể Ủy viên TƯ Đảng đương nhiệm tạm
ăn ngon ngủ yên là người hiện nay có nhiều quyền lực nhất, được phiếu tín nhiệm
cao nhất trong Hội nghị TƯ 10 vừa qua. Đó là TT Nguyễn Tấn Dũng. Tại sao?
Vì
ông là người thức thời, nhạy bén, nên biết chuyển hướng tư duy. Trong bài viết
được coi là Thông điệp đầu năm 2014, ông đề cập việc Đổi mới thể chế và phát
huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trực tiếp, và hoàn
thiện cơ cấu bầu cử quốc hội, xây dựng nhà nước pháp quyền. Đầu năm 2015, Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang, người vừa được Quốc hội bình chọn có phiếu tín nhiệm
cao nhứt trong số cán bộ lãnh đạo nhà nước, có bài viết đầu năm 2015 đề cao sức
mạnh của nhân dân. Ông viết: “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là
dân” - “Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả” – “Lòng dân
là Quốc bảo dựng nước và giữ nước VN! Vì hiện nay có kẻ lăm le lấn đất, lấn
biển, chiếm đảo của ta. Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại
đoàn kết toàn dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to,
gió lớn của thời cuộc”. (Hết trích)
Muốn được lòng dân, đó là quốc bảo để giữ nước Việt Nam trong thời
điểm hiện nay, không còn con đường nào khác là Đảng CS phải trao quyền lại
cho Nhân Dân. Người dân sẽ trực tiếp bầu người lãnh đạo đất nước và Quốc
hội thảo ra Hiến pháp mới với tam quyền phân lập mà TT Nguyễn Tấn Dũng đã gợi ý
trong bài viết xuất hiện trên webside của ông hồi tháng 3/2014. Qua đó, chính
nhân dân sẽ đào mồ chôn chủ nghĩa cộng sản.
TT Nguyễn Tấn Dũng giành được phiếu tín nhiệm cao nhất của tập thể
Ủy viên TƯ Đảng trong Hội nghị TƯ 10 khóa XI, đương nhiên ông sẽ Tổng Bí thư
trong Đại hội XII năm 2016. Xin nhắc lại, 20 năm trước, một số Ủy viên TƯ Đảng
khóa VII đề nghị đưa TT Võ Văn Kiệt làm Tổng bí thư trong Đại hội VIII (1996).
Lúc bấy giờ Phó Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định: “Nếu ông Kiệt làm Tổng bí
thư. Việt Nam sẽ đổi mới nhanh hơn. Tuy không được đào tạo hệ thống, nhưng ông
Kiệt luôn nhất quán ủng hộ cái mới. Ông chán đến tận cổ mô hình xã hội chủ
nghĩa miền Bắc và ông làm tất cả để phá bỏ nó”. (Huy Đức, Bên Thắng Cuộc,
Chương 19: Đại hội VIII) Nhưng ông Kiệt bị nhóm cực đoan bảo thủ thân TQ cản
trở, không trở thành TBT mà còn mất chức thủ tướng và bị loại khỏi BCH/TƯ Đảng
trong Hội nghị TƯ 4 khóa VIII hồi cuối tháng 12/1997).
Từ thời điểm này, Thượng tướng Lê Khả Phiêu được cử làm Tổng bí
thư, bắt đầu thời kỳ VN lệ thuộc toàn diện vào TQ qua phương châm 16 chữ và 4
tốt. Cuối năm 1999 và năm 2000, CSVN ký với TQ hai hiệp ước về biên giới trên
bộ và ở vịnh Bắc Việt. Hậu quả là Ải Nam Quan, thác Bản Giốc và nhiều vùng đất
nữa, cùng hơn 38 ngàn cây số vuông trong vịnh Bắc Việt lọt vào tay TQ. Đây là
hai hiệp ước bán nước trong giai đoạn một tướng lãnh quân đội nắm quyền lãnh
đạo tối cao của Đảng để bảo vệ Đảng.
Ngày nay, TT Nguyễn Tấn Dũng, sẽ là tổng bí thư Đảng CSVN trong
năm tới, ông sẽ phác thảo cương lĩnh mới của Đảng trong 5 năm tới theo đường
hướng của ông Võ Văn Kiệt, đổi mới triệt để. Sẽ không còn xã hội chủ nghĩa mà
thay đổi thể chế dựa vào quyền tự quyết của nhân dân qua các cuộc bầu cử dân
chủ trực tiếp. Ngoài ra ông còn đưa đất nước thoát khỏi ảnh hưởng của TQ mà
không làm cho Bắc Kinh phải lo ngại.
Tiến trình này sẽ diễn ra từ năm 2016, nhưng người viết tin rằng
ông NTD chớp thời cơ vừa được đa số Ủy viên TƯ Đảng tín nhiệm, ông sẽ thực hiện
hoài bảo của mình ngay trong năm 2015. Đầu năm mới, Hội nghị TƯ 10 chuẩn bị cho
Đại hội XII đã có điềm bất tường, báo hiệu ngày tàn của Đảng CSVN đã gần kề.
Người viết kỳ vọng đất nước đổi mới, NTD thủ tướng nước Cộng hòa XHCN/VN của
năm 2014 trở thành tổng thống Cộng hòa VN trong năm 2015. Nhà báo trẻ trong
nước Nguyễn Vũ Bình có lẽ thấy được lòng dân nên đã khẳng định: “Sẽ không có
Đại hội XII, vì năm 2016 không còn Đảng CSVN để tổ chức Đại hội”.
Để kết luận, người viết xin nhắc lại câu đối đáp nổi tiếng của
nhân sĩ Bắc hà Ngô Thời Nhậm (1746-1803) hồi đầu thế kỷ 19: “Thế Chiến quốc,
thế Xuân thu. Gặp thời thế, thế thời phải thế”. Nay xin sửa lại “Thế
Trung Quốc, thế Hoa Kỳ. Gặp thời thế, thế thời phải thế” có nghĩa là gặp
thời thế như thế, thì phải làm như thế, không có con đường nào khác. Đó là cách
hành xử khôn khéo của tiền nhân khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Kẻ tôi
thần vua Quang Trung dùng câu đối đáp đó để bảo vệ khí tiết khi sa cơ. Đối với
việc quốc gia trọng đại, nhờ cách hành xử đó, mà tổ tiên bảo vệ được bờ cỏi, để
Đất nước Độc lập, Tự do.
Lê Quế Lâm
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment