Monday, January 19, 2015

Lại chuyện ý thức của người Việt


Blog / Cao Huy Huân

Lại chuyện ý thức của người Việt

  •  
  •  
  •  

Tin liên hệ

13.01.2015

Câu chuyện kém ý thức của dân Việt dường như nối dài mãi, nhưng hy vọng, đến một lúc nào đó nó sẽ kết thúc. Hôm nay nhân dịp đọc một bài báo về vụ một tai nạn giao thông nguyên nhân do kém ý thức của người Việt mà bỗng dưng muốn mang chuyện ý thức ra bàn. Thật đau lòng khi người chết do xe tải cán chỉ vì tránh xe gắn máy đi ngược chiều không đúng làn đường quy định. Chỉ vì thói vô ý thức của một số người mà mang bất hạnh đến cho rất nhiều người. Thôi thì bàn thêm về ý thức vậy.

Tôi đến Hà Nội vào một ngày mùa hè năm 2011. Trời Hà Nội hanh oi kinh khủng. Một đứa sinh ra và lớn lên ở miền Nam nóng ẩm, bỗng dưng thấy khó chịu với cái hanh khô của tiết trời hè đất kinh kỳ. Khách sạn tôi ở nằm gần Nhà Thờ Lớn và Hồ Gươm. 

Xế chiều chừng 3-4 giờ tôi định bụng rảo bước đi thăm phố phường, nhưng mới bước ra ngoài chừng 15 phút, nước mắt nước mũi đã tèm lem. Hà Nội hanh! Thế nhưng cái hanh của Hà Nội cũng không làm tôi thất vọng bằng khu phố cổ nơi khách sạn mà tôi ở. Hà Nội nổi tiếng cổ kính với 36 phố phường. Nghe đâu trung tâm Hà Nội cũng là ở khu phố cổ, nơi mua bán sầm uất và giá cả đắt đỏ bậc nhất . Có lần tôi còn nghe hai cô bé người Hà Nội khoe với nhau rằng bạn trai các cô có nhà ở khu phố cổ, chuyện này càng làm tôi tò mò hơn về nơi đó. 

Vậy mà, khi đặt chân đến Hà Nội, tận mắt chứng kiến những gì diễn ra ở khu phố cổ, tôi thất vọng não nề. Đường phố nhếch nhác rác, hàng quán lụp xụp mất vệ sinh và hất cả nước bẩn ra đường. Một người bạn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cho biết, cứ rảo bước ở khu phố cổ, cứ cách một đoạn sẽ thấy một xác chuột chết, như thế cũng cho thấy mức độ đông đảo của cư dân chuột ở đây. Trong lòng tôi thầm nghĩ, thế thì phải gọi là phố cũ, phố nhếch nhác, chứ sao lại gọi là phố cổ nhỉ. 

Bẩn, đó là điều tôi ấn tượng nhất khi nhớ về Hà Nội. Một công ty chuyên đo lường mức độ ô nhiễm môi trường của Pháp đã không ngần ngại phán rằng “Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á và là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.” Thật đáng xấu hổ cho một nơi gọi là thủ đô của một quốc gia, nơi mệnh danh là nghìn năm văn hiến, và là nơi các nguyên thủ của quốc gia làm việc và sinh sống. Hóa ra cũng chỉ là một thành phố nhếch nhác bậc nhất khu vực. Mọi thứ nói cho cùng cũng chỉ là do ý thức mà thôi. Cũng đừng cười cợt Hà Nội vội khi 64 tỉnh thành trong cả nước, có thể ngoại trừ thành phố Đà Nẵng, liệu các tỉnh thành còn lại có sạch đẹp hay không? 

Ý thức kém và lối sống tùy tiện dường như là đặc tính của dân Việt. Nếu để ý, các thành phố du lịch nổi tiếng trong nước đều gặp chung một vấn nạn là thói quen xả rác tràn lan của dân Việt. Đã từ lâu rồi gia đình tôi cũng chẳng muốn đi du lịch ở Vũng Tàu nữa, vì cứ bị ám ảnh việc những bãi biển đầy rác.

Mới đây, một thành viên vừa đăng tải trên mạng xã hội 3 bức ảnh về việc giẫm lên hoa để chụp ảnh khiến không ít người vô cùng bức xúc về ý thức kém của nhóm bạn trong các bức ảnh. Theo đó, khung cảnh của các bức ảnh là cả cánh đồng hoa cải trắng ngút ngàn, dưới chân những ngọn núi đã bị cả nhóm có khoảng 7-8 người lội vào để chụp ảnh. Thậm chí một bạn nam trong nhóm đã đi cả xe máy vào vườn khiến hoa bị dập nát.

Cuối năm 2012, cộng đồng mạng dậy sóng khi chuyến đi Hà Giang của một nhóm “phượt” gần 50 người dẫn đầu được cập nhật thông tin. Bức ảnh khiến mọi người sốc nhất, chính là cảnh 50 người nằm ngủ qua đêm tại một khúc cua trên đường núi, bất chấp an toàn giao thông. Người đăng bức ảnh lên mạng đã miêu tả quang cảnh khi đó một cách lãng mạn và yên tĩnh, còn người xem thì chỉ thấy rợn tóc gáy bởi các thành viên của nhóm phượt quá liều mạng. 

Nhiều cư dân mạng khi đó bức xúc đặt câu hỏi: “Nếu giữa đêm đó, một chiếc xe tải phóng nhanh chạy qua đoạn cua này thì 50 người liệu còn tiếp tục nổi chuyến đi?” Bức ảnh khiến cư dân mạng bị sốc vì sự thiếu an toàn khi đoàn phượt ngủ ngay tại khúc cua trên đường đèo, giữa đêm khuya.
Chuyện một vài tay lái của các đoàn phượt thích phóng nhanh vượt ẩu, liều và hiếu thắng, lại thêm định nghĩa về phượt nghĩa là “ngẫu hứng”.

Mỗi sáng giờ cao điểm đi làm, tôi cảm thấy rất bực mình vì cách tham gia giao thông của đại đa số dân Sài Gòn (phần nhiều là dân nhập cư). Thứ văn hóa xe máy chụp giựt mà tôi từng đề cập gần như được phô bày đầy đủ ở Sài Gòn. Ai cũng tranh nhau vượt lên trên, lấn sang đường ngược chiều và lấn cả lên vĩa hè. Ở các ngã tư là một sự mâu thuẫn lớn, trong khi phía đèn đỏ đủ mọi phương tiện tranh thủ ráng nhấn ga chạy thêm chút nữa, thì ở phần đường đèn chuẩn bị xanh ai ai cũng cố gắng tranh nhau lên để chạy trước khi đèn xanh. Hỗn loạn và vô ý thức. Và hậu quả là tai nạn và kẹt xe thì chắc chắn xảy ra từng phút.

Câu chuyện ý thức xin tạm gác lại ở đây để mọi người cùng suy ngẫm. Không có nghĩa ý thức của người Việt kém là do mọi thứ tự nhiên vốn là như vậy. Chỉ là vì chính sách phát triển con người còn kém ở cấp quản lý mà thôi. Nếu có chính sách phát triển tốt, xã hội trật tự văn minh và tạo đủ điều kiện sống tốt đẹp cho con người thì chắc chắn ý thức hệ sẽ tốt hơn.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 

Cao Huy Huân

Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -21/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link