Saturday, January 3, 2015

Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng


Nhân vụ Hồ Duy Hải

Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng



Nguyễn Hoàng Ánh


Đó là tiêu đè một bài hát Nga rất nổi tiếng thời tuổi thơ của tôi. Lúc ấy dù đời sống vô vàn khốn khó nhưng chúng tôi sống khá thanh thản, một phần vì tuổi trẻ, một phần vì niềm tin vào “một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đang ở đâu đó rất gần chúng ta. Lúc ấy chưa có TV, sách báo, phương tiện giải trí đều hiếm, chương trình được mong chờ nhất là Kể chuyện cảnh giác trên Đài phát thanh.

 Cứ đến tối thứ 7 hàng tuần cả gia đình hồi hộp ghé tai vào chiếc đài phát thanh trọ trẹ nuốt từng lời của phát thnah viên kể về cuộc đấu trí giữa các chiến sĩ công an với bọn gián điệp, trộm cắp… và lần nào những chiến sĩ an ninh tài ba, dũng cảm và hy sinh quên mình để bảo vệ an toàn cho người dân cũng chiến thắng. Thảng hoặc có chiến sĩ nào hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì toàn thể người nghe đều thổn thức, đến lớp học chúng tôi còn xôn xao bình luận, khâm phục và thương xót các anh. 

Cùng với những tác phẩm của nhà văn Lê Tri Kỷ, hình ảnh người cán bộ công an trong chúng tôi thật đẹp đẽ, trong sáng. Niềm tin của xã hội vào ngành công an gần như tuyệt đối.

Nhưng vào thời Đổi mới, khi truyền thông bắt đầu phát triển, xã hội cởi mở hơn thì nhiều sự thật đã được phơi bày. Cùng với kinh tế thị trường, cuộc sống có nhiều hoạt động đa dạng cần điều chỉnh hơn thì hình ảnh người công an trong mắt người dân cũng kém lung linh đi. Những cảnh công an đuổi đánh những phụ nữ lam lũ bán hàng rong đáng đuổi mẹ hay chị mình, thô lỗ mắng mỏ họ, đổ hàng hóa mồ hôi nước mắt của họ xuống đường… đã gây bức xúc cho nhiều người đi đường.

 Đành rằng họ sai nhưng có thể chọn những cách nhắc nhở hay xử phạt hợp lý hợp tình hơn để bảo vệ hình ảnh của ngành. Hơn nữa, chúng ta cũng sai khi chưa thông báo đầy đủ các quy định về buôn bán ở đô thị hay quan trọng hơn là chưa tạo cho họ cơ hội để được hòa mình kiếm sống một cách văn mình. 

Hoặc những câu chuyện về cánh sát giao thông lợi dụng sự hạn chế trong hệ thống giao thông Việt Nam để hạch sách người đi đường đã gây bức xúc không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài, đưa cảnh sát giao thông lên vị trí số 1 trong những ngành tham nhũng bậc nhất ở Việt Nam trong cuộc điều tra của Ngân hàng Thế giới.


Đặc biệt những câu chuyện về cái chết bất thường của công dân trong đồn công an sau khi bị tam giữ, đỉnh điểm là vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn mà sau hơn 10 năm bị tù oan với 2 cấp xét xử, người tìm ra sự thật lại là vợ ông chứ không phải cơ quan chức năng nào. Vì vậy công luận trở nên rất nhạy cảm với những lời kêu oan của gia đình người bị kết án. Vụ án Hồ Duy Hải đã rơi đúng vào thời điểm nhạy cảm ấy.

Ban đầu cũng như hầu hết công chúng, tôi không để ý lắm đến vụ án này vì không làm trong ngành và cũng quá sợ ôm thêm những nỗi khổ tâm mà không thay đổi được. Nhưng một lần tình cờ xem được video quay cảnh mẹ Hồ Duy Hải kêu oan cho con. Hình ảnh người phụ nữ gầy yếu cầm trên tay tấm ảnh đứa con còn quá trẻ, trông rất hiền lành, khóc lạc cả giọng: “Giết oan con tui, giết oan con tui” đã làm tôi trào nước mắt. 

Ngay cả những kẻ độc ác nhất cũng có mẹ và trong mắt người mẹ, người con bao giờ cũng là đứa trẻ ngây thơ, vô tội, không có bà mẹ nào có thể ngồi yên nhìn con mình phải chết một cái chết tức tưởi, phi tự nhiên dưới tay chính những đồng loại của mình. Nhất là khi dù chỉ còn 1% tia hy vọng là con mình bị oan thì người mẹ nào cũng sẽ đấu tranh đến cùng cho con. Nhưng thái độ hung hăng, bạo lực của những nhân viên công quyền với mẹ và dì của Hải đã làm mọi người phẫn nộ. Những nhân viên ấy cũng có mẹ và chắc chắn nếu họ sa vào hoàn cảnh không may, hẳn họ cũng mong mẹ họ sẽ bảo vệ họ đến cùng, sao lại không thể thông cảm cho tấm lòng người mẹ mà cư xử cho nhân văn hơn???

Sau đó tôi bắt đầu đọc những bài báo về vụ án của Hải trên các báo như Lao động, Tuổi trẻ… và trên trang cá nhân của các nhà báo như Nguyễn Quang Vinh, Lê Thanh Phong… Càng đọc tôi càng mơ hồ, vì sao đến hai phiên toà có thể kết một mức án nghiêm trọng như án tử cho một thanh niên dựa trên những bằng chứng hết sức mù mờ như con dao và cái thớt đi mua ngoài chợ, trong khi dấu vân tay và dấu máu ở hiện trường đều không phải của em? Những lời nghị án của Tòa cho rằng thiếu sót đó là không quan trọng vì lời khai của Hải đã phù hợp với hiện trường. Kinh nghiệm từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn bị ép nhận tội vì bị nhục hình cho thấy lời khai của nghi can khi phải làm việc với cảnh sát điều tra không có sự chứng kiến của luật sư đáng tin đến mức độ nào.

 Những chỉ tiết khác tiếp tục được đưa ra như có nhân chứng chứng kiến Hải không có mặt ở hiện trường trong thời gian vụ án, nhân chứng có lời khai ghi trong hồ sơ là nhìn thấy Hải ở hiện trường cũng phủ nhận lời khai của mình… càng tăng thêm sự thương xót với nghi can và gia đình em.1 Và ngày càng nhiều người đều lên tiếng mong xét lại vụ án cho em.

Nhưng trưa ngày 4/12 trên mạng loan tin ngày 5/12 Hải sẽ bị thi hành án tử hình. Thế là tất cả mọi người loạn cả lên. Rất nhiều bạn bè tôi ở nước ngoài loan tin này và kêu goi nhau tìm những người có trách nhiệm để cứu xét cho Hải. Các nhà báo ở VTV, Lao động, Tuổi trẻ, Pháp luật TP HCM đều vào cuộc. Cứ dân mạng hỏi nhau có cách nào lên tiếng để tác động có lợi cho em? Tất cả chúng tôi đều không quen biết Hải hay gia đình em, chỉ là thương xót một phận người có thể bị oan trái và không muốn ngành tòa án Việt Nam thêm một lần sai lầm chết người. Trong cơn bối rối, tôi và một số sinh viên cũ bỏ cả nghỉ trưa lập một bản thỉnh nguyện thư trên mạng mong có thêm hành động thiết thực ủng hộ em. Biết rằng chỉ còn chưa đến 24h nữa em sẽ bị tử hình, mọi người đều cố gắng hết sức mình.

Đến 13h tôi nhận được tin nhắn của một nhà báo: “Em ấy đã được hoãn thi hành án rồi chị ạ, cuối cùng đã có một người cấp cao đồng ý giúp gia đình ấy sáng nay, vừa có quyết định hoãn cách đây gần 2 tiếng. Đã có phóng viên chuyển tận tay quyết định này cho gia đình. Mẹ em vừa cầm được là òa lên khóc nức nở”. Chúng tôi cùng vỡ òa trong sung sướng. 

Em bảo tôi: “Nhìn một người bị chết oan uổng như thế mà mình không thể làm gì được thì tồi tệ quá” còn tôi thì thương em lớn lên trong cảnh thiếu cha, nay lại có nguy cơ phải qua đời khi còn quá trẻ. Nhưng chúng tôi đều ý thức được, đây mới chỉ là thành công ban đầu, mà quan trọng hơn là sự đấu tranh pháp lý để được xét lại vụ án. Với niềm tin vào luật pháp và công lý, tất cả những gì chúng tôi muốn chỉ là một phiên toàn xét xử công bằng cho Hải, vì tính mạng con người là quan trọng và những người cầm cán cân công lý đang được cả xã hội trông đợi.

Việc Văn phòng Chủ tịch nước đã kịp thời lắng nghe ý kiến của báo chí và gia đình phạm nhân, ra quyết định tạm hoãn thi hành án để xem xét lại theo đúng trình tự pháp luật là một quyết định sáng suốt, được cả xã hội trông đợi. Rất mong vụ án sẽ sớm được xem xét lại vì “mọi con người đều vô tội cho đến khi bị kết án công bằng và không ai bị kết án cho đến khi còn có nghi ngờ hợp lý”.
Tin rằng với sự quan tâm của những người lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam, Công lý như mặt trời sẽ tỏa sáng cho Hải và gia đình. Và cũng hy vọng ngành công an thu được những bài học trong vụ án này để hình ảnh của ngành lại được đẹp đẽ như những năm 60-70 khó khăn mà lung linh ấy.


Nguyễn Hoàng Ánh



Nguồn: Tác giả gửi cho Diễn Đàn, sau khi bài báo bị một tờ báo trong nước từ chối
1 Hồ Duy Hải đã bị kết án như thế nào???http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/tu-tu-ho-duy-hai-da-bi-ket-toi-nhu-the-nao-3116376.html
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link