TẠP CHÍ XÃ HỘI
Năm Ngựa 2014 : Sự kiện nào đáng nhớ ?
- inShare
Năm Giáp Ngọ theo lịch
cổ truyền sắp từ biệt chúng ta. Nhìn lại một năm vừa đi qua là một tập quán
mang nhiều ý nghĩa. Trước thời khắc Giao thừa, tạp chí Xã hội của RFI hôm nay
xin cùng quý vị điểm lại một số sự kiện đặc biệt quan trọng với xã hội Việt Nam
sau một năm nhiều biến động, qua góc nhìn của một số trí thức trong nước.
Nhận lời mời tham dự tạp chí ngày 30 Tết của RFI hôm nay, có nhà
nghiên cứu Nguyễn Quang A (từ Hà Nội), nhà nông học Võ Tòng Xuân (từ Cần Thơ),
nhà văn Võ Thị Hảo (hiện đang trú chân tại Berlin), nhà thơ Đỗ Trung Quân (từ
Sài Gòn) và nhà báo Thanh Thảo (từ Quảng Ngãi).
Chia sẻ của các trí thức trong nước về những sự kiện đáng nhớ
trong năm 18/02/2015 nghe
Trước hết, xin mời quý vị nghe bình chọn của nhà báo Thanh Thảo về
sự kiện mà ông coi là quan trọng nhất trong năm.
Thanh Thảo : Có lẽ biến cố lớn nhất của năm 2014 chính là vụ giàn khoan 981
của Trung Quốc đặt « nhầm
chỗ » vào vùng biển của Việt Nam. Bởi vì nó liên quan đến chuyện
chủ quyền của Việt Nam, đến độc lập dân tộc, tác động đến toàn thể dân tộc Việt
Nam. Mà không chỉ là Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới nữa.
Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan đi rồi, nhưng vấn đề vẫn còn ở
lại : khả năng an toàn của chủ quyền Việt Nam. (…)
Nhà báo Thanh Thảo (Quảng Ngãi) 18/02/2015 nghe
Cũng giống như nhà báo Thanh Thảo và nhà văn Võ Thị Hảo, sự kiện
giàn khoan Trung Quốc xâm nhập vùng biển Việt Nam được nhà nghiên cứu Nguyễn
Quang A ghi nhận như là sự kiện hệ trọng nhất trong năm nay. Sau đây ông giải
thích vì sao.
Nguyễn Quang A : Bởi vì các sự kiện ấy nó làm cho tất cả mọi người Việt Nam
không có bất kể một ảo tưởng nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc,
trừ một số rất ít người. Trong các phương tiện truyền thông đại chúng, vẫn còn
một vài người còn tỏ ra khá ảo tưởng về mối quan hệ « 16 chữ vàng » và « bốn tốt », họ chỉ là một
số rất nhỏ, tuy nhỏ nhưng một vài người trong số ấy lại có những quyền hạn rất
lớn (…).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A (Hà Nội) 18/02/2015 nghe
Bên cạnh các vấn đề chính trị xã hội lớn trong nước hoặc trực tiếp
liên quan đến đất nước, có những vấn đề tuy xa xôi, nhưng lại có ảnh hưởng trực
tiếp đến Việt Nam, sau đây là một vài cảm nghĩ của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bên
cạnh đó, một sự kiện đặc biệt quan trọng với nhà thơ Đỗ Trung Quân là những kết
quả đầu tiên của phong trào « Nhịp cầu Hoàng Sa ».
Đỗ Trung Quân : Đối với tôi, có một số vấn đề « nhỏ » nhưng rất quan trọng. Đó là vấn đề
của Hồng Kông. Những người bạn trẻ của Hồng Kông trong một cuộc cách mạng mà
chúng ta gọi là cách mạng dù (ô), màu vàng. Cuộc xuống đường hết sức ôn hòa,
cực kỳ văn hóa, gây xúc động, tôi nghĩ là đến toàn thế giới, trong đó có Việt
Nam, có cá nhân tôi. Tôi kính trọng tinh thần đó. Một tinh thần hết sức mạnh
mẽ, nhưng cũng hết sức văn minh. Tất nhiên, như chúng ta biết, không có nghĩa
là nó đã thành công. Nó bị đàn áp. Nhưng tinh thần và phương pháp của họ để lại,
nhưng tuyên ngôn của họ khiến những người như chúng tôi, như cá nhân tôi phải
suy nghĩ rất nhiều. Vấn đề thứ hai là vụ thảm sát đối với một tòa soạn báo châm
biếm Pháp, cũng gây xúc động mạnh. (…)
Niềm vui của chúng tôi năm nay là thực hiện chương trình ("Nhịp cầu Hoàng Sa")
đóng góp cho gia đình ông Ngụy Văn Thà, bà quả phụ Ngụy Văn Thà đã có nơi để
đặt bàn thờ (…). Đó là vấn đề mà chúng tôi thấy quan tâm trong năm nay. Công
việc này còn được tiếp tục. Chúng tôi không hài lòng thỏa mãn đối với những gì
mình đã góp tay.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân (Sài Gòn) 18/02/2015 nghe
Tình
hình kinh tế trong nước, « tuy không phát triển gì lắm », nhưng « chưa đến nỗi
suy sụp là một điều may mắn cho Việt Nam » trong bối cảnh như năm vừa qua, là
nhận xét của nhà báo Thanh Thảo. Nông nghiệp là một khu vực kinh tế trọng yếu
của Việt Nam, với hơn một nửa dân số trong độ tuổi lao động. Hiểm họa từ phương
Bắc không chỉ đe dọa vùng biển và sự toàn vẹn chủ quyền của một số vùng lãnh
thổ trên bộ, như ghi nhận của một số vị khách mời, mà nền nông nghiệp - bị hệ
thống quản lý quan liêu và độc quyền thao túng - lại trở thành đối tượng bị hại
dễ dàng của thương lái Trung Quốc. Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định :
Võ Tòng Xuân : Năm nay tôi phải nói rằng chúng ta lại tiếp tục không có những
thương hiệu lớn về mặt hàng gạo của mình. Trong khi đó, bỗng nhiên Campuchia trở
thành một nước có được danh tiếng về gạo. Hội nghị quốc tế về lúa gạo năm 2014
tại Campuchia cho thấy gạo Campuchia có chất lượng và được ưa thích nhiều hơn
gạo Thái Lan. Tại sao Việt Nam mình không có được gạo có danh tiếng ? Nguyên do
chính là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo với khối lượng lớn như Vinafood không
có vùng nguyên liệu. (…) 40 năm sau hòa bình rồi, đời sống người nông dân mình
có khấm khá hơn, nhưng so với mặt bằng trong xã hội, vẫn đứng hàng sau chót.
(…)
Nhà nông học Võ Tòng Xuân (Cần Thơ) 18/02/2015 nghe
Trong
bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, tình trạng nhân quyền tiếp tục xấu đi
với nhiều blogger bị bắt, hay các vụ hành hung thường xuyên nhắm vào giới bảo
vệ nhân quyền (những điều được hầu hết các vị khách mời ghi nhận), cũng có một
số ghi nhận lạc quan về xu thế phát triển của phong trào dân sự trên nhiều lĩnh
vực, âm thầm nhưng « rất rộng rãi, không còn khu biệt trong tầng lớp văn nghệ
sĩ, trí thức hay giới chính trị như trước đây ». Trên đây là nhận định của một
nhà báo tự do sinh sống tại Sài Gòn. Chính trong xu hướng này mà nhà văn Võ Thị
Hảo ghi nhận một biến cố căn bản – sự trỗi dậy của một loạt các tổ chức xã hội dân
sự « độc lập », vừa có được một khởi sự liên kết.
Võ Thị Hảo : (…) Có một điều đáng mừng là khoảng 20 tổ chức xã hội dân sự -
đã ra đời trong năm 2013 và 2014 – lần đầu tiên có sự gặp mặt và liên kết với nhau,
để quan tâm đến số phận của những người bất đồng chính kiến, quan tâm đến số
phận của đất nước Việt Nam, chống lại những ý đồ bành trướng và xâm lược của
Trung Quốc, bày tỏ một cách đàng hoàng, một cách mạnh mẽ, những yêu cầu của
mình và của người dân về những vấn đề tự do ngôn luận, cũng như những vấn đề
quyền của người dân, mặc dù bị đàn áp, bị côn đồ tấn công. Tôi nghĩ sự kiên
cường của người Việt Nam, của các tổ chức xã hội dân sự này là điều rất đáng
kính trọng, và khích lệ.
Tôi nghĩ rằng, ngay cả nhà cầm quyền, trong khi đàn áp như vậy,
nhưng chính họ, sự tham nhũng lớn như thế từ những nhân vật cao cấp nó đã làm
băng hoại đến mức, giống như một cỗ xe mang trên mình một khối ung thư, cứ thế
lao nhanh, không ai chặn lại. Chính những sự đấu tranh về tự do dân chủ và nhân
quyền của người dân là liều thuốc cho chính thể này họ biết và họ tự điều trị
cho chính mình để mà tồn tại. Nhưng họ không quan tâm tới, thì tôi nghĩ rằng
điều đó càng đẩy cỗ xe đó càng lao nhanh về phía tự hoại mà thôi.
Nhà văn Võ Thị Hảo
18/02/2015 nghe
***
Giàn
khoan Trung Quốc 981, các vụ bắt bớ đàn áp nhắm vào blogger, báo chí, được
nhiều vị khách mời ghi nhận như là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Kết quả ban
đầu của chương trình « Nhịp cầu Hoàng Sa », sự kết nối đầu tiên của nhiều tổ
chức xã hội dân sự độc lập, tranh đấu trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam
chuyển sang một bước ngoặt với kỳ Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản mới đây,
đám tang ông Nguyễn Bá Thanh cho thấy những xúc cảm bị dồn nén của người dân là
những sự kiện quan trọng khác được nêu lên. Nhìn về kinh tế Việt Nam, lần đầu
tiên thương hiệu gạo Cam Bốt được quốc tế đánh giá vượt xa gạo Việt Nam, trong
bối cảnh nền nông nghiệp bị cơ chế độc quyền và tắc trách thao túng cũng là
điều gây ấn tượng khác.
Khi theo dõi chương trình « Những sự kiện quan trọng với xã hội
Việt Nam trong năm qua », người nghe đài có thể chợt nhận ra rằng : một chế độ
hàng chục năm được duy trì dựa trên nguyên tắc đảng lãnh đạo « toàn diện » và «
tuyệt đối » dường như không còn lực để tạo ra những « sự kiện » tích cực có tầm
quan trọng lớn được đông đảo xã hội thừa nhận, nếu như không phải là nguồn gốc
của những thất vọng, nghi ngại, sợ hãi, ghét bỏ từ phía người dân. Phát biểu
của các vị khách mời cho thấy xã hội dân sự dường như ngày càng khát khao đi được
và được đi bằng chính đôi chân của mình,.. chủ động tạo ra các sự kiện.
***
RFI xin chân thành cảm ơn nhà nông học Võ Tòng Xuân, nhà nghiên
cứu Nguyễn Quang A, nhà báo Thanh Thảo, nhà văn Võ Thị Hảo và nhà thơ Đỗ Trung
Quân đã dành thời gian cho tạp chí. Quý vị có quan tâm hơn, xin vào hộp âm
thanh kèm theo để nghe trọn vẹn phần phỏng vấn với các vị khách mời.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment