Monday, February 16, 2015

Quà Xuân

Quà Xuân














S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - ...Phải chi mà hồi đó mấy mẹ “được quyền” bớt anh hùng và bớt quyết tâm (đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào) chút xíu thì giờ đây chắc mọi người đều đỡ khổ hơn. Mỗi mẹ (hy vọng) vẫn còn sót được một hay hai đứa để để nương tựa vào lúc tuổi già, và ai cũng đều có thể mua được một cái Big Mac (cùng với Coca Cola, bất cứ lúc nào) mà khỏi phải chờ cho đến món quà mùa Xuân của Đảng...

*
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu! - Tố Hữu

Cuối năm 2014, báo Tuổi Trẻ vui vẻ đi tin:

“Theo kế hoạch chăm lo dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới của Thành đoàn Tp. HCM, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân khó khăn, con em chiến sĩ hải quân, bộ đội công tác tại biên giới, hải đảo sẽ là các đối tượng thuộc diện ưu tiên. 

Ngoài ra sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường đào tạo nghề có hoàn cảnh khó khăn, các bạn công nhân xa quê không có điều kiện về quê đón tết, thanh niên khuyết tật, cán bộ Đoàn, Hội có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách của Thành đoàn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gia đình chính sách, mẹ VN anh hùng, gia đình khó khăn, người già neo đơn cũng thuộc đối tượng được chăm lo dịp cuối năm... Dự kiến sẽ vận động ít nhất 7.500 phần quà (500.000 đồng/phần) để gửi tặng các đối tượng trên.”

Trời đất qủi thần ơi, sao có 7.500 phần quà mà “chăm lo” cho nhiều “đối tượng” quá vậy nè? Đã vậy, còn toàn là “thuộc diện ưu tiên” không nữa chớ. Như vậy, biết ai được nhận ai không - mấy cha?

Tôi đề nghị dành hết 7.500 phần quà (500.000 đồng/phần) cho “diện” mẹ “VN Anh Hùng” đi. Các “thành phần chính sách” khác thì để qua năm, hoặc năm tới nữa, chắc cũng chưa sao đâu. Chớ mấy mẹ thì sống nay chết mai, để lâu e không... kịp!


Cứ theo Wikipedia thì từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý "Mẹ V.N.anh hùng" cho 44.253 người: miền Bắc:15.033 người, miền Nam 29.220 người.

Riêng miền Trung thì không biết bao nhiêu. Chắc (bị) đông quá nên “phong tặng và truy tặng” không xuể.

Thôi thì có bi nhiêu tính bấy nhiêu. Mang 7.500 phần quà tặng cho 44.253 mẹ thì tính gọn ra là cứ sáu người sẽ được lãnh năm trăm ngàn đồng, theo Mỹ Kim bản vị là 25 đô la. Nói cách khác là mỗi người được 4 đô và gần 20 xu tiền Mỹ.

Số tiền này để mua một cái Big Mac ở McDonalds thì dư nhưng nếu má nào muốn thử thêm một ly Coca Cola hay Pepsi Cola chắc thiếu, thiếu chắc! Thiếu thì dẹp. Cần gì. Mấy má uống nước trà đá hay nước lạnh cũng được rồi.

Chỉ ngại là không biết cái vụ tặng quà này có (thiệt) hay không thôi? Nhiều chuyện ai cũng tưởng vậy nhưng không phải vậy đâu. Đây là kinh nghiệm (hơi buồn) theo như lời kể của nhà văn Võ Đắc Danh:

Mẹ tôi vốn nổi tiếng hiền lành, phúc hậu, ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn, chưa bao giờ biết lớn tiếng hay nặng lời dù là với đàn gia súc gia cầm mất nết. Nhưng nay, tuổi 85, bỗng dưng bà chửi thề vì cảm thấy mình bị xúc phạm.

Số là, gần Tết, bà nhận được thông báo ngày mai lãnh đạo tới thăm Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Sáng, bà lui cui chuẩn bị trà nước để đón khách. Lại được thông báo: Lãnh đạo bận việc nên dời lại chiều mai, cho lãnh đạo xin lỗi. Ừ, lỗi phải gì, các con cuối năm tất bật mà, mẹ chẳng trách đâu. Hôm sau lãnh đạo tới, lễ phép kính thưa, thăm hỏi và trân trọng tặng Mẹ năm trăm ngàn xài Tết.

Chuyện cũng bình thường như cái lẽ tất nhiên của lãnh đạo đối với bà trong mấy chục cái Tết đã qua, từ khi bà còn ở Cà Mau cho đến khi lên Sài Gòn. Nhưng cái khác thường của năm nay là khi bà đi lãnh tiền trợ cấp BMVNAH thì bị trừ năm trăm ngàn vì "lãnh đạo đã trao trực tiếp tận nhà rồi".

Bà chửi thề một câu rồi nói: "Thì ra nó lấy tiền của tao để tặng tao".

Như vậy thì kể như huề chớ thân mẫu của nhà văn Võ Đắc Danh có mất mát gì đâu mà bả nói tùm lum, tùm la, vậy cà? Nhiều Mẹ Việt Nam Anh Hùng khác bị thiệt thòi hơn nhiều (và thiệt thòi thấy rõ) mà đâu có ai chửi thề um xùm như vậy. Họ vẫn ăn nói ôn tồn và nhã nhặn như thường. Hổng tin, thử coi lời kết trong đơn khiếu kiện của một bà mẹ Việt Nam Anh Hùng (khác) coi:

Mẹ VNAH Trần Thị Thơi. Ảnh: congan.com.vn

Kính mong ông Thủ tướng hãy xem xét và trả lời cho tôi, xin ông hãy trả lời thẳng thắn xin đừng đùn đẩy lòng vòng. Tôi đã quá mệt mỏi, hao tổn sức khoẻ và tiền bạc vì đi lại để xin được nhận lại mảnh đất của mình. Xin kính chúc ông sức khoẻ làm được nhiều việc tốt cho đời.

Tôi xin cảm ơn.
An Khánh, ngày 01 tháng 01 năm 2007
Người làm đơn
Trần Thị Thơi

Đó là chuyện gần mười năm trước (lận) nên đơn xin khiếu kiện, cùng hình ảnh của bà Trần Thị Thơi, còn được nhiều người biết đến. Từ đó đến nay có thêm vô số đơn khiếu kiện của các bà mẹ VNAH khác nữa đã đi vô... thùng rác, và hoàn toàn không được công luận quan tâm vì vấn đề đã trở thành nhàm chán.

Các má kể trên, nói nào ngay, vẫn còn thuộc thành phần may mắn. May là còn có tiền trợ cấp để “tụi nó lấy tiền tao tặng tao,” còn có đất để mất, và còn được xếp vào diện ưu tiên để (có thể) được tặng quà Xuân.

Không ít những bà má khác đất đai không có, mèo chó cũng không, không có đồng xu cắc bạc trợ cấp nào (đã đành) mà cái danh hiệu MVNAH cũng khỏi cho luôn chỉ vì không đủ “kiên trinh” nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa - theo tường trình của phóng viên Tuổi Trẻ Online:

“Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.

Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)…

“Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới.

“Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” - bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã… tái giá.”

Phải chi cái hồi giao “công tác cách mạng” cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở LĐ -TB&XH Tp.HCM và đã được cứu xét (rồi) từ chối!

Chớ còn ở những nơi khác như vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng thì không có mấy cái vụ (lộn xộn) như quà xuân, quà tết hay danh hiệu này nọ... như ở thành thị đâu. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế. Nơi mà ngay tới giấy báo tử Nhà Nước cũng bỏ lơ luôn, cho nó đỡ phiền:

“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn... Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang...”

“Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.”

“Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời”.

“Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về dấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi:

- Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.” (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ: 2001. 75-77).

Phải chi mà hồi đó mấy mẹ “được quyền” bớt anh hùng và bớt quyết tâm (đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào) chút xíu thì giờ đây chắc mọi người đều đỡ khổ hơn. Mỗi mẹ (hy vọng) vẫn còn sót được một hay hai đứa để để nương tựa vào lúc tuổi già, và ai cũng đều có thể mua được một cái Big Mac (cùng với Coca Cola, bất cứ lúc nào) mà khỏi phải chờ cho đến món quà mùa Xuân của Đảng.




No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link