Wednesday, February 18, 2015

Bài thơ Thần năm Ất Mùi


Bài thơ Thần năm Ất Mùi
Nguyễn Khắc Mai



http://www.viettan.org/local/cache-vignettes/L200xH150/arton15417-0ac4c.jpg

Cùng tác giả:
Tôi chào đón năm Ất Mùi này (2015) với bài thơ Thần đã ra đời vào năm Ất Mùi 1655, đúng 360 năm trước. Lịch xưa tính đúng chẳn sáu hội (mỗi hội 60 năm).
Đây là bài thơ đã được ghi lại trong Đại Nam Thực Lục - một bộ sử biên niên ghi lại thời kỳ các Chúa Nguyễn, rồi Nhà Nguyễn trị vì đất nước. Bấy giờ, Chúa Hiền, Nguyễn Phúc Tần, một đêm nằm mộng thấy thần nhân hiện lên đọc cho nghe bài thơ. Hôm sau nhà Chúa đã đọc lại cho đình thần nghe, và cho rằng đó là lời mách bảo của thần linh. (xem ĐNTL TI, NXB Giáo Dục tr63).
Nguyên văn:
Tiên kết nhân tâm thuận.
Hậu thi đức hóa chiêu.
Chi diệp kham tồi lạc.
Căn bản dã nan dao (diêu)
Dịch nghĩa:
Trước hết phải cố kết nhân tâm cho thuận.
Sau là thi hành (chính trị) đạo đức để quy tụ mọi người.
Dẫu cành lá có gãy rụng.
Gốc rễ chẳng hề lung lay.
Trong văn học Việt Nam, người ta cho rằng đây là bài thơ thần thứ hai. Bài đầu là bài thơ “Nam quốc sơn hà”, tương truyền đã vang lên trong đền thờ hai vị thần Trương Hống, Trương Hát, ở ven sông Như Nguyệt, nơi phòng tuyến chống quân nhà Tống xâm lược, thời Lý Thường Kiệt.
Nếu bài thơ trước (Nam quốc sơn hà) là tinh thần, ý chí của dân Việt quyết tâm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Đất Nước, quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lăng, được coi như một tuyên ngôn Độc lập, thì bài thơ sau là một “minh triết” chính trị. Bài thơ góp vào, làm nên sự phong phú sâu sắc của tư tưởng, đạo trị nước của Việt Nam. Cũng nên lưu ý một tình tiết tế nhị. Đó là bài thơ xuất hiện lúc đất Nước còn phân ly. Lực lượng nào muốn thắng, gồm thâu thiên hạ, đều phải chú ý đến những vấn đề cốt tử:
Thi hành đức hóa, cố kết lòng người…
Ngoại trừ hoàn cảnh xuất hiện, phân tich kỹ 20 chữ của bài ngũ ngôn tứ tuyệt này, có thể rút ra được nhiều điều bổ ích, thú vị. Điều ấy, không những có ích cho những người lãnh đạo quốc gia ở tầm vĩ mô, mà còn có lợi cho cả công việc ứng xử ở tầm cơ sở, vi mô, của một gia đình, một doanh nghiệp, một cộng đồng xã hội, một chính đảng …
Chữ tiên, (trước hết) là nói tầm quan trọng của vấn đề. Câu đầu, đưa ra ba triết lý quan trọng: kết, nhân tâm và thuận. Ba chữ này, là ba phạm trù rất cơ bản để nhận thức và ứng xử xã hội.
Ngẫm về chữ kết, đã có điều thú vị, nó có vẻ dễ hiểu, thậm chí người ta nghe đã nhàm tai, nào kết đoàn ta là sức mạnh trong một bài hát Tàu, nào đoàn kết, đại đoàn kết…Chữ kết, người xưa viết với bộ “mịch”, có ý nói về sự bó bện cho bền chặt. Ý nghĩa là sự tập hợp cái nhiều (đa) thành cái một (nhất). Người ta phải “kết” cái nhiều lại để thành một cho mạnh cho bền chắc…nhưng không bao giờ lại thủ tiêu các thành viên, thành tố. Nếu hiểu kết mà chỉ nhăm nhăm coi trọng cái một mà bỏ cái nhiều, chỉ chú ý đến cái chung, mà bỏ cái riêng, thì chẳng còn ý nghĩa kết gì nữa. Đó là quy luật tự nhiên, huống chi là quy luật xã hội! Không thấy ý nghĩa “kết”, không thể gắn bó con người được. Phải hiểu và làm chữ kết trong thế vừa đề cao cái một, mà phải coi trọng cái đa, những thành tố riêng rẽ, để tạo thành cái “Kết”. Trong tự nhiên, người ta dễ hiểu và làm theo quy luật ấy. Như cái máy tính điện tử, nếu không coi trọng từng chi tiết, từng linh kiện, làm sao có thể có được chất lượng cao của bộ máy! Nhưng trong ứng xử xã hội, con người lại tầm thường đến độ ngu xuẩn, là muốn kết mà không muốn làm cho mọi thành tố mạnh lên!
Hai chữ nhân tâm cũng nên luận. Không nên chỉ hiểu đơn giản là lòng người. Phải thấy nhân là con người và cả cái tâm của nó. Nếu không biết nuôi dưỡng con người bằng một “polytique” nhân văn, con người sẽ đói, sẽ khổ, sẽ méo mó bất thành nhân dạng, có thể thành quái thai, chỉ có phần con mà mất đi phần người. Trong trường hợp ấy, không thể có cái tâm đúng nghĩa. Tâm không chỉ là lòng người, nó là tổng hòa của cái trí, cái biết cái thức, thiếu tâm hồn, thiếu tri thức không thành người. Như vậy vấn đề nhân tâm không chỉ thuần túy là tinh thần, ý thức, tình cảm, tâm hồn. Phải tính cả những giá trị vật chất của con người cho con người, vì con người. Những thể chế, thiết chế, chế độ phản bội lại con người không thể gọi là nhân văn, lại có thể cố kết con người, làm mạnh con người.
Còn chữ thuận. Minh triết Việt biết đánh giá cao ý nghĩa chữ thuận - thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Nhưng thuận không chỉ có nghĩa là cùng nhau, còn có cái nghĩa là theo quy luật, theo thiên tính, nhân tính, nhân tình. Con người từng đánh mất chữ thuận, nên đã làm cho con người, cho xã hội không hòa, địa không lợi, thiên không còn thời.
Vì thế, sau cái tiên kết, là nói hậu thi. Những điều phải thi hành, phải làm tiếp theo để thể hiện cho được sự cố kết, làm vững mạnh con người, làm cho nhân tâm thuận, nghĩa là làm cho tiến hóa nhân cách, nhân vị, nhân sinh. làm cho tiến hóa xã hội.
Thi hành “đức hóa”, nghĩa là thi hành một nền chính trị đạo đức, nhân văn, một nền kinh tế đạo đức, nhân văn;một nền văn hóa giáo dục đạo đức nhân văn. Mọi sự tuyên bố chủ nghĩa, lý thuyết này nọ mà không theo tiêu chí ấy, đều là lừa dối, chỉ đạt tới dự nhất thời, nửa vời, đẩy con người và xã hội đi tới ngày càng suy đồi, tan rã. Không phải ngẫu nhiên, mà ngày nay đang xuất hiện nhiều những cảnh báo về cái ác tràn lan, và đang đề xuất những tư duy lành mạnh, cổ vũ cho một tinh thần, một thái độ, một tâm thức”
minh triết” trong đời sống.
Bruce Lloyd (Anh quốc) tha thiết đề nghị hãy kiến tạo xã hội minh triết, kinh tế minh triết. Còn Gandhi (Ấn) từ 1934, đã hô hào xây dựng nền giáo dục minh triết.
Thi hành đức hóa còn có nghĩa là thực hiện một đường lối, một phương thức quản trị, điều khiển, tổ chức, quản lý có nhân văn, đạo đức, coi trọng con người hơn là coi trọng giá trị vật chất gia tăng. Những cộng đồng, những xã hội vĩ mô và vi mô chỉ nhăm nhăm lợi ích giá trị vật chất gia tăng, bỏ rơi, bỏ quên con người, xã hội của con người đều không thể biện hộ cho tính “phản động” của mình. Người ta đang phải nói nhiều về nền chính trị có khuôn mặt người, kinh tế có tính người, văn hóa có tình người…
Đó là sự nuôi dưỡng, vun trồng, bồi đắp cho cái gốc, cái rễ (căn và bản) của con người, của xã hội, của Đất Nước, của nhân loại. Đó chính là bài học, là triết lý, là phương châm để một gia đình, một doanh nghiệp, một chính đảng, một nhà nước vận hành đạt tới nhân văn, tiến hóa. Nhãn tiền sự thoái hóa trông thấy trên Đất Nước ta và cả trên thế giới đều có thể chiêm nghiệm từ ý nghĩa bài thơ Thần này.
Xin chép lại bài thơ Thần đã xuất hiện đúng năm Ất Mùi (1655) và đôi lời thô thiển, nói lên cảm nghĩ của mình để hầu chuyện ban đọc bên chén rượu, chén trà xuân, năm này, cũng là một năm Ất Mùi của Dân tộc. /.





__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link