Văn hóa chính trị dân
chủ
·
·
·
Tin liên hệ
14.02.2015
Tại sao sinh hoạt chính trị nước này thì lành mạnh, nước kia thì
vô cùng nhếch nhác, hết dối trá này đến dối trá khác, hết hỗn loạn này đến hỗn
loạn khác? Tại sao dân chủ ở nơi này thì ổn định, vững chắc, dân chủ ở nơi kia
thì chập chờn, bấp bênh, lúc nào cũng bị nguy cơ độc tài nghiến nát?
Trước, người ta nghĩ câu trả lời nằm ở kinh tế; sau, người ta nghĩ
ở thể chế; gần đây, hầu hết giới nghiên cứu đều tập trung vào một yếu tố khác:
văn hóa. Cách hành xử chính trị của mọi người, từ giới cầm quyền đến dân chúng,
không phải chỉ dựa trên sự kiện hay quyền lợi thuần túy mà chủ yếu dựa trên
cách diễn dịch các sự kiện liên quan đến đời sống cũng như đến số phận của quốc
gia và cũng dựa trên sự ưu tiên giữa các quyền lợi liên quan đến bản thân mình
cũng như giai cấp của mình. Cả sự diễn dịch lẫn sự ưu tiên ấy đều gắn liền với
văn hóa.
Có thể nói, muốn có một sinh hoạt chính trị đàng hoàng nghiêm túc,
điều cần có, trước hết, là một văn hóa chính trị thích hợp. Cũng vậy, muốn có
dân chủ, điều cần có đầu tiên chính là văn hóa dân chủ. Không có văn hóa làm
nền tảng, những thay đổi, cho dù lớn lao đến mấy, như thay đổi giới lãnh đạo
hay thậm chí, thể chế, chỉ có tính cách tạm thời. Và hời hợt. Rồi, cuối cùng
đâu cũng lại hoàn đấy. Con quái vật độc tài, một lúc nào đó, sẽ ngoi đầu dậy
trở lại, nuốt chửng nền dân chủ còn phôi thai và lại hãm hại những người dân
đang ngây thơ ngỡ mình đã hoặc sẽ được giải phóng khỏi mọi kiềm kẹp.
Chính vì vậy, yếu tố văn hóa, cụ thể là văn hóa chính trị càng
ngày càng được quan tâm nghiên cứu.
Nhưng văn hóa chính trị là gì?
Thuật ngữ “văn hóa chính trị” (political culture) nếu không được
ra đời từ, thì cũng gắn liền với nhà nghiên cứu về chính trị người Mỹ, Gabriel
Almond. Trong bài tiểu luận “Comparative Political Systems” xuất bản trên
Journal of Politics số 18 năm 1956, Almond phát hiện sau mỗi thể chế đều có một
nếp suy nghĩ và niềm tin đặc biệt định hướng cho mọi hoạt động chính trị. Ý
tưởng ấy được phát triển sâu rộng hơn trong cuốn The Civic Culture xuất bản lần
đầu năm 1963, ở đó, khái niệm văn hóa chính trị lần đầu tiên được sử dụng như
một tiêu đề với ý nghĩa là những định hướng chính trị đặc biệt, bao gồm hai yếu
tố căn bản: một, thái độ đối với hệ thống chính trị và các tổ chức liên quan;
và hai, thái độ đối với vai trò của bản thân mình trong hệ thống ấy.
Nói một cách tóm tắt, văn hoá chính trị bao gồm hai khía cạnh
chính: tôn trọng luật chơi dân chủ và ý thức rõ về quyền của mình với tư cách
một công dân cũng như một con người.
Trước hết, xin nói về luật chơi. Chính trị, hiểu một cách đơn
giản, là việc phân bố và thực thi quyền lực (power). Trong một chế độ dân chủ,
quyền lực ấy phải do dân chủ uỷ nhiệm qua các cuộc bầu cử; với sự uỷ nhiệm ấy,
quyền lực trở thành thẩm quyền (authority), tức một thứ quyền lực chính đáng.
Một văn hoá chính trị đúng đắn phải tôn trọng sự uỷ quyền ấy, hay nói cách
khác, phải tôn trọng kết quả của các cuộc bầu cử.
Ở nhiều quốc gia độc tài, sau các cuộc bầu cử, những người cầm
quyền dùng quyền lực của mình để bác bỏ kết quả của cuộc bầu cử ấy. Đó là
trường hợp Miến Điện vào năm 1990, sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau 30 năm, với
kết quả là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi được 392 trên
tổng số 489 ghế, tức khoảng 80% số ghế trong Quốc Hội; nhưng phe quyền phiệt
lúc ấy đang cầm quyền đã từ chối việc chuyển nhượng quyền lực, tiếp tục cầm
quyền một cách độc tài cho mãi đến đầu năm 2011 mới đồng ý tổ chức một cuộc bầu
cử khác, tương đối tự do.
Trường hợp của Thái Lan trong những năm gần đây thuộc một cực
khác: sau khi bầu cử, phe chiến thắng lên cầm quyền, phe thất bại, một mặt thừa
nhận kết quả bầu cử, nhưng mặt khác, lại vận động dân chúng đổ xô xuống đường
để tìm cách truất phế chính phủ hầu tổ chức lại một cuộc bầu cử khác với hy
vọng mình sẽ chiến thắng.
Ở đây, người ta không thể không nhớ các cuộc bầu cử ở các quốc gia
dân chủ ở Tây phương: mọi phe phái đều chấp nhận kết quả của các cuộc bầu cử.
Ngay sau khi đếm phiếu xong, phe thất bại điện thoại cho những người thắng cử
để làm hai việc: Một, thừa nhận mình thất bại và hai, chúc mừng những người
thắng cuộc. Người ta không viện bất cứ một lý do gì để phủ nhận kết quả bầu cử.
Không ai nói dân ngu hay dân lầm khi bầu cho đối thủ của mình. Luật chơi của
dân chủ được xây dựng trên các cuộc bầu cử. Bất chấp kết quả bầu cử ấy thế nào
người ta cũng phải chấp nhận. Thua một triệu phiếu: chấp nhận, đã đành. Chỉ
thua một phiếu, người ta cũng chấp nhận. Đó chính là văn hoá chính trị hoặc
cũng có thể nói, văn hoá dân chủ ở Tây phương.
Khía cạnh thứ hai của văn hoá chính trị là ý thức về quyền
(rights). Mọi người, kể cả những người dân bình thường, thấp cổ bé miệng, cũng
ý thức rất rõ về các quyền của mình, như quyền sống và mưu cầu hạnh phúc, quyền
tự do ngôn luận và tư tưởng cũng như các quyền tham gia hội đoàn và đảng phái.
Những quyền ấy gắn liền với con người chứ không phải do chính quyền ban phát.
Chính quyền chỉ thực sự là chính quyền nếu biết tôn trọng những cái quyền bất
khả xâm phạm ấy.
Với ý thức về những cái quyền của mình, dân chúng dưới các chế độ
dân chủ không thờ ơ với các hoạt động của chính phủ. Họ không vô cảm. Ngược
lại, họ biết họ có quyền kiểm tra và đòi hỏi chính phủ phải minh bạch và chịu
sự kiểm soát của công luận. Nhiều học giả cho sự vững mạnh của các nền dân chủ
ở Tây phương không phải tự nhiên mà có: Nó được xây dựng trên ý thức về quyền
của dân chúng. Song song với ý thức ấy là sự tham gia của dân chúng vào các
sinh hoạt xã hội dân sự (civil society).
Ở Việt Nam thì khác. Nhà cầm quyền, một mặt, từ chối sự minh bạch
và tính chất khả kiểm (accountability), mặt khác, cố sức nuôi dưỡng thứ văn hoá
vô cảm trong quần chúng. Có thể nói, chính thứ văn hoá vô cảm ấy là một thứ đối
nghịch với văn hoá dân chủ. Người ta dùng thứ văn hoá vô cảm ấy để triệt tiêu
văn hoá dân chủ, qua đó, kiềm hãm tiến trình dân chủ hoá trong nước.
Để xây dựng một nền dân chủ thực sự cho Việt Nam, do đó, ngoài
những biện pháp tranh đấu để giành lại quyền lực, người ta cần phải nuôi dưỡng
ý thức về quyền của dân chúng, phát triển các sinh hoạt thuộc xã hội dân sự và
cuối cùng, tạo sức ép để chính quyền phải tôn trọng các luật chơi dân chủ qua
việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và tôn trọng kết quả của các cuộc bầu cử ấy.
Chân Dung Quyền Lực và
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
·
·
·
Tin liên hệ
19.02.2015
Mạng Chân Dung Quyền Lực (CDQL) xuất hiện từ năm 2011, đến nay
được hơn ba năm. CDQL được đặc biệt chú ý từ hơn hai tháng nay, khi cuộc họp
Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) lần thứ 10/Khóa XI
sắp họp để chuẩn bị cho Đại Hội XII, trong cuộc họp này có cuộc bỏ phiếu thăm
dò tín nhiệm của 20 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Cho đến nay CDQL vẫn là một điều bí hiểm. Nó thuộc lề trái hay lề
phải? lề quan hay lề dân? do ai, nhóm nào chủ trương? mặt mũi và tư cách chính
trị của họ ra sao? đang sống ở đâu, vùng miền nào, môi trường chính trị nào? và
mục đích chính trị của nó thực sự là gì? đã đạt kết quả như mong muốn chưa?
CDQL không có thêm bài nào từ ngày 21/1/2015, vậy còn sống hay đã chấm hết?
Thật là bí hiểm, cũng là lý thú để giới theo dõi thời cuộc trong
ngoài nước bình luận, tranh luận, chung sức tìm cho ra ngọn nguồn, giải mã một
bài toán chính trị hiểm hóc giữa tình hình chính trị khẩn trương của đất nước.
Đây cũng là một đề tài sinh động cho những cuộc họp mặt ấm cúng, có hương hoa,
bánh chưng xanh, câu đối đỏ, chén rượu hồng những ngày Tết Ất Mùi gần đến.
CDQL không thuộc «lề dân », hay «lề trái» như ta thường hiểu,
không giống như các blogger tự do mang tinh thần đối lập phản biện với chính
quyền.
Đây là điểm đen của CDQL bị nhiều người bỏ qua nên ngộ nhận về nó.
Cần vạch rõ CDQL có cách nhìn bất lương đối với các chiến sỹ dân chủ, các tổ
chức trong xã hội dân sự đang lớn mạnh. Trong bài «Chủ tịch Trương Tấn Sang và
cú lừa dân chủ của thế kỷ», CDQL cho rằng nhóm sỹ phu «Bắc Hà háo danh» gồm các
ông Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Tương Lai, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Ba Sàm
Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Văn Đào, Nguyễn Xuân Diện, Huỳnh Ngọc Chênh… và nhóm Lê
Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long …ở miền Nam đều là dân chủ cuội,
tay chân của ông Trương Tấn Sang cả. CDQL đã tự làm mất uy tín trước công luận
do sự vu cáo trắng trợn này.
CDQL cũng không phải là cơ quan truyền thông thuộc lề đảng, được
cơ quan tuyên huấn, báo chí của đảng chỉ đạo. Nó chắc chắn chỉ thuộc về một phe
nhóm riêng của đảng cầm quyền, nhưng chưa được nhận diện rõ là phe nhóm nào,
nhân vật nào ở đằng sau nó.
Vì trong một phe nhóm cầm quyền nên CDQL mới có trong tay nhiều tài liệu, hồ sơ, tin tức, công văn, hình ảnh, hoá đơn, giấy tờ… chuẩn xác, người ngoài khó có thể có. Có lúc CDQL có vẻ nắm độc quyền nhiều tin tức tuyệt mật, như kết quả thăm dò tín nhiệm tại hội nghị 10, đầy đủ, cụ thể, chuẩn xác trong khi báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam chưa tiết lộ. CDQL cũng là mạng duy nhất phổ biến nhiều hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh nằm chữa bệnh trong bệnh viện ở Hoa Kỳ, cùng với tin về hành trình - đường bay, sân bay, ngày giờ cất, hạ cánh khi trở về nước.
Vì trong một phe nhóm cầm quyền nên CDQL mới có trong tay nhiều tài liệu, hồ sơ, tin tức, công văn, hình ảnh, hoá đơn, giấy tờ… chuẩn xác, người ngoài khó có thể có. Có lúc CDQL có vẻ nắm độc quyền nhiều tin tức tuyệt mật, như kết quả thăm dò tín nhiệm tại hội nghị 10, đầy đủ, cụ thể, chuẩn xác trong khi báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam chưa tiết lộ. CDQL cũng là mạng duy nhất phổ biến nhiều hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh nằm chữa bệnh trong bệnh viện ở Hoa Kỳ, cùng với tin về hành trình - đường bay, sân bay, ngày giờ cất, hạ cánh khi trở về nước.
Có những nhận định khác nhau về mạng CDQL. Ban Tuyên huấn Trung
ương đảng cho rằng đây là một mạng truyền thông phản động, nhảm nhí, có hại, vô
giá trị, nhưng không kết tội, không đề nghị truy tố và phá sóng của nó.
Một số ý kiến cho rằng CDQL phê phán tố cáo nặng nề hầu hết các ủy
viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư như các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang
Thanh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Hòa Bình, Phạm Quang Nghị, Lê
Thanh Hải, Tô Huy Rứa, và cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Riêng với ông Nguyễn
Tấn Dũng có bài phê phán nhẹ nhàng, nhưng lại có bài tâng bốc ông rất đặc biệt,
ra ngày 21/1/2015: «Mũi thuyền rẽ sóng - mũi Cà Mau». Do đó CDQL có thể là
thuộc phe nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì nó rất có lợi cho ông. Đây là
nhận định của rất nhiều người. CDQL phục vụ khá rõ cho ý đồ và tham vọng của
ông Dũng nhằm chức Tổng Bí thư, thậm chí kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch nước
(như tại Trung Quốc) tại Đại Hội XII tới.
Cũng có ý kiến cho rằng CDQL có tay nghề cao trong săn tin, bài
viết có tính chuyên nghiệp, bài bản, văn phong chải chuốt, lập luận chặt chẽ,
nhiều tin mật, phải là từ một cơ quan an ninh, phản gián có kinh nghiệm, phải
chăng từ Tổng cục an ninh 1 do Trung tướng Nguyễn Chí Thành, một người rất thân
cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nắm giữ, và chỉ có cơ quan an ninh, phản
gián này mới có thể vươn xa, nhập sâu để có những tấm ảnh thật và tin tức mật nói
trên. Đây là những phán đoán cần có thời gian để xác minh.
Nhân dịp này tôi xin có đôi lời nhắn nhủ chân thành với ông Nguyễn
Tấn Dũng, người mà do làm nhiệm vụ nhà báo tôi đã có hai lần gặp ở Kiên Giang
và Hà Nội những năm 1978 và 1984.
Thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Tôi là một nhà báo tự do sống ở nước ngoài, theo dõi sát tình hình
trong nước. Ông là nhân vật có uy tín nhất trong số người lãnh đạo ở trong
nuớc, đang ở thế thượng phong trong Ban Chấp hành trung Trung ương đảng cũng
như trong Quốc hội.
Con người không có ai hoàn hảo. Do đó thật đáng tiếc là công luận
còn phân vân về những thiếu sót ở nơi ông. Sự thiếu hiểu biết sâu sắc về nền
chính trị, kinh tế, tài chính, đối ngoại và quốc phòng của thế giới của ông
theo tôi thấy hình như được bù đắp khá tốt bởi một số cố vấn chuyên gia tin
cẩn. Do dó ông đã có những phát ngôn rất chuẩn, đi vào lòng người. Chỉ còn là
việc thực hiện trong cuộc sống. Không thể để nó chỉ nằm trên giấy.
Việc rất hệ trọng là xin ông hết sức suy nghĩ về cuộc sống cá
nhân, gia đình. Xin được nói thẳng rằng có người đã chê ông là ông còn tệ hơn
vài ông trong Bộ Chính trị. Mong ông lấy đó làm tự răn mình. Nếu ông tự nguyện
ngay từ hôm nay thực hiện đúng phương châm của người CS «Hy sinh trước thiên
hạ, hưởng thụ sau thiên hạ», lấy tự phê bình làm lẽ sống, gương mẫu về liêm
khiết, không lấy một đồng của dân, của nước, sống thanh bạch như những ông quan
thanh liêm thời trước, không chạy theo tư lợi vật chất và thói hưởng lạc của
bọn trọc phú vô văn hoá, từ đó chống tham nhũng quyết liệt và có hiệu quả như
ông đã hứa hẹn, thì ông sẽ có cả thiên hạ trong tầm tay. Tôi biết đây là việc
khó chỉ có những người có bản lãnh đặc biệt mới vượt qua nổi. Cuộc đời ông theo
tôi biết đã vượt qua bao thử thách cam go. Nay là bước thử thách cuối cùng.
Xin ông trong một đêm yên tĩnh, nghĩ đến hàng triệu đồng đội, đồng
bào ta đã ngã xuống với hy vọng dân ta có tự do và hạnh phúc. Ông đang có điều
kiện là một nhà cứu quốc, cứu dân tuyệt vời trong cơn trầm luân khổ ải mấy chục
năm nay. Ông hãy vượt qua chính mình, trong một cuộc tâm sự thần kỳ, tự mình
đối diện với chính mình, và quyết chí. Hàng trăm triệu con người Việt Nam sẽ
ghi công ơn ông trong lòng, trong trái tim họ.
Xin ông nghĩ cho kỹ, suy cho cùng. Xin ông chớ bỏ qua thời cơ ngàn
năm một thuở này. Ông hãy tự nguyện đứng ra với một nhóm nhân tài tâm huyết
kiên cường khôn khéo cùng nhân dân đưa Tổ Quốc Việt Nam từ độc đoán toàn trị
sang Kỷ nguyên Độc lập, Dân chủ, Tự do và Hạnh phúc thật sự cho mọi người. Được
vậy lịch sử sẽ mãi mãi ghi công ơn ông.
Theo tôi nghĩ, ông muốn là ắt được, vì đó cũng là khát vọng cháy
bỏng chân chính của toàn dân lúc này.
Kính thư,
Bùi Tín.
Paris ngày 19/2/2015; mồng Một Tết Ất Mùi.
Bùi Tín.
Paris ngày 19/2/2015; mồng Một Tết Ất Mùi.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment