Thursday, April 30, 2015

Bán Dâm không có tội, bán Dân mới có tội


 

 
Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 28.4.2015 


                          Bán Dâm không có tội, bán Dân mới có tội
Cùng thời gian này, gần cuối tháng 4 -2015, các phương tiện truyền thông ở VN cổ vũ 40 năm “thống nhất”, năm nay có vẻ xôm tụ hơn các năm trước, mọi tin tức về “ngày lễ lớn” này đang lai rai trên các phương tiện truyền thông. Tôi nhận được e mail của một cô em kết nghĩa, cô định cư ở Mỹ, nhưng còn vướng gia đình ở VN nên lâu lâu cô lại về thăm nom. Bất ngờ tuần vừa qua, cô về lại Mỹ.
Trong e mail cô viết: “Em về Mỹ chữa bệnh đúng lúc này để tránh nghe bị chửi”. Chuyện này làm tôi nhớ đến hơn 12 năm trong cái gọi là “trại học tập cải tạo”. Ngày đi lao động mệt phờ phạc, thế mà tối về đến trại, nằm trong buồng giam buộc phải nghe chiếc loa mắc từ nóc chòi canh chĩa vào trong trại, chửi ra rả “mỹ ngụy” suốt một tháng ròng. Thế mà không phát khùng được mới là lạ. Đến bây giờ tôi vẫn còn rùng mình ghê sợ vì cái đòn tra tấn khủng khiếp này. Vì thế tôi dị ứng nặng với những gì nhắc đến ngày 30-4-75 đã làm cho biết bao gia đình tan nát, trong đó có gia đình tôi. May mà tôi còn đứng dậy được.
Lúc này tuy cuộc chửi rủa có phần bớt đi, và có vẻ như không còn “ăn khách” nữa hoặc chưa đến “thời điểm” nên chưa được làm. Làm những gì, làm ra sao đều do một “ông chủ nhiệm lớn” quyết định cho ngành truyền thông. Cho nên báo chí VN đang khai thác những thông tin đời thường, cho báo mình hấp dẫn hơn.
Đó là hai cái tin: Tiếp viên hàng không VN buôn lậu và tin người mẫu, bán dâm. Đủ mọi mặt của các nhân vật chính, nhân vật phụ được khai thác tối đa. “Cuộc đời ái tình và sự nghiệp” cùng hình ảnh của các cô tiếp viên buôn lậu và người mẫu bán của trời cho được phơi bày chình ình trên các trang báo viết và báo mạng. Độc giả tha hồ “tìm hiểu” và nhìn ngắm thỏa thuê, từ quán cà phê đến nhà hàng sang trọng cũng bàn tán sôi nổi. Có lẽ thời đại này con người thích những chuyện trước mắt hơn là chuyện viển vông, người ta chán rồi.
Thật ra cả hai cái tin trên đây chẳng có gì lạ. Những chuyện như thế xảy ra nhiều lần, nhưng không ai bỏ qua chuyện “mới toanh” như thế này. Ở đây tôi chỉ tóm lược những sự kiện chính và là đi tìm nguyên do của hai thứ tạm gọi là “tệ nạn” đó ở VN.
Tiếp viên hàng không buôn lậu
Sự việc mới nhất, cơ trưởng và tiếp viên chuyến bay VN426 của hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) bị hải quan sân bay quốc tế Gimhae (Pusan - Hàn Quốc) bắt giữ hôm 10-3 vừa qua ngay khi vừa từ Hà Nội đến vì mang tổng cộng 6 kg vàng giấu dưới đế giày không khai báo hải quan.

                                         
                                                Vàng lậu từ Việt Nam sang Hàn Quốc giấu trong đế giày của tiếp viên

Cụ thể là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (người lái máy bay chính) giấu 4 kg vàng và một tiếp viên khác trên cùng chuyến bay VN426 giấu 2 kg vàng dưới đế giày đi trót lọt qua sân bay quốc tế này. Chỉ đến khi hạ cánh xuống sân bay sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc) hai nhân viên này mới bị hải quan sân bay Gimhae bắt giữ ngay khi bị hệ thống máy dò kim loại phát hiện có vàng trong đế giày.

                                         
                                   Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ buôn lậu vàng của tiếp viên hàng không Việt Nam

Sự việc đang gây dư luận rất xấu cho uy tín của VNA và ảnh hưởng đến thể diện quốc gia.
Điểm lại vài vụ đã xảy ra trước đây.
Chuyện không lạ bởi nhiều năm trước đây đã từng có nhiều vụ “động trời” xảy ra. Chỉ xin điểm lại vài vụ đáng chú ý nhất:
- Ngày 26-3-2014, Cảnh sát Tokyo cho biết họ đã bắt nữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc vì nghi ngờ cô này vận chuyển hàng ăn cắp. Theo đó, người này bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng), trên một chiếc xe bus dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến Sân bay Quốc tế Kansai vào tháng 9 năm ngoái.
Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát Nhật còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng có thể đã nhúng tay vào việc vận chuyển hàng ăn cắp. Trong số này, đã có 5 người bị thẩm vấn, bao gồm một phi công và 4 tiếp viên. Chưa kể, có nhiều vụ nhân viên Vietnam Airlines buôn lậu hàng qua cửa khẩu, bị bắt tại Việt Nam.
- Tháng 9-2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn của Vietnam Airlines bị an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) về nhưng không khai báo.
Cuối năm 2011, siêu mẫu Vĩnh Thụy đã bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử và ngoại tệ về TP.Sài Gòn thông qua một số tiếp viên của VNA. Bị khởi tố cùng Vĩnh Thụy có tiếp viên Thái Anh Tiến, tiếp viên VNA.
- Tiếp Viên của VNA còn liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn. Vào tháng 11/2008, Vietnam Airlines đã từng buộc thôi việc đối với phi công Lại Quốc Việt vì tình nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc. Với việc vận chuyển trái phép 6,5 triệu đô Úc về Việt Nam, phi công Trần Đình Đang cũng đã bị kết án với mức 4 năm rưỡi tù giam.
Đó chỉ là vài vụ “lẻ tẻ” trong những năm gần đây.
 “Hàng xách tay” là hàng gì?
Những năm gầy đây tôi thường nghe nói đến “hàng xách tay” và khi cần mua hàng nhiều người mong chọn được hàng xách tay vùa rẻ, vừa là hàng chính hiệu từ nước ngoài mang về, tất nhiên là tốt và bảo đảm hơn những hàng bán tại các cửa hàng tại VN thường bị hàng nhái, hàng giả, hàng của mấy chú ba Tàu. Nhiều nhất là mỹ phẩm và các mặt hàng điện tử như điện thoại “xịn”, máy tính, máy quay phim chụp hình.
                                                         
                    Chiếc túi da cá sấu màu đỏ của “siêu mẫu” Thanh Hằng mang thương hiệu Salvatore Ferragamo
                    có giá lên đến 700 triệu đồng được đưa lên báo khiến nhiều cô gái thèm khát.
Tôi cứ nghĩ là của bà con từ nước ngoài về mang theo bán lại thôi. Thật ra đó là hàng lậu của mấy cô cậu tiếp viên hàng không tuồn về VN. Bởi Các dòng mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu, chất lượng cao của Nhật cùng hàng điện tử chính hãng được người Việt ưu chuộng hơn cả. Hàng xách tay khi đem về Việt Nam được bán với giá cao mà không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. 
Ở Hà Nội có cả một khu dân cư chuyên bán “hàng xách tay”. Sự tồn tại của cái chợ “hàng xách tay” này cho thấy không phải một mà nhiều đường dây làm ăn phi pháp. Nhát đòn thì buôn vài ba cái, dạn đòn thì mang về cả chục cái gửi mỗi bạn đồng hành, thậm chí gửi cả khách đi máy báy quen mỗi người một hai cái mang giùm, đâu có sao.
Nỗi nhục quốc thể
Ở VN người dân thường nhìn những nữ chiêu đãi viên xinh đẹp, với chiếc áo dài, lưng thon, nở nụ cười tươi như hoa buổi sáng chào đón khách hàng. Tiếp viên hàng không là một nghề cao quý, là đại diện cho hình ảnh một quốc gia. Họ được ăn ngon, mặc đẹp, ngủ khách sạn hạng sang, đi nước ngoài như đi chợ, lương tháng năm bảy chục triệu. Vậy tại sao một số tiếp viên phải buôn lậu? Câu trả lời quá dễ dàng, bởi đạo đức xuống cấp, bởi thời đại này “tiền là tiên là Phật, là sức bật con người”. Đã là dân sang phải diện đồ sang, phải có xe hơi, phải có nhà đẹp và hàng chục thứ “sang chảnh” khác nữa khiến người càng sang càng đẹp, được xã hội vì nể phải làm cho ra mặt “ta đây”.
Vả lại xã hội tham nhũng từ dưới lên, từ trên xuống, họ có buôn lậu tí đỉnh cũng là lẽ thường trong cái xã hội này. Đôi khi họ còn được bạn bè thân thuộc kính trọng hơn vì cái “tài” của mình. Lúc đó họ chẳng còn biết mình là ai, chẳng còn nghĩ đến tổ quốc tổ cò làm gì cho bận. Đúng là một nỗi nhục quốc thể, nhưng còn nỗi nhục của người công dân VN đối với bạn bè quốc tế, ai gánh chịu?
Và, một câu hỏi nhức nhối khác: tại sao sân bay Tân Sơn Nhất cũng có đủ máy móc lại không thể phát hiện ra số vàng giấu trong đế giày của các tiếp viên?
Đến chuyện người mẫu bán dâm
Cũng lại là chuyện “muôn năm cũ”. Bán dâm nước nào chẳng có, chỉ có ít hay nhiều thôi. Chuyện người mẫu và các cô chân dài trong làng showbiz Việt bán dâm đã từng xảy ra quá nhiều lần. Có thể kể đến vụ bán dâm nghìn đô bị phanh phui vào hồi tháng 6 năm 2012, hoa hậu Nam Me-kông Mỹ Xuân được xác định là người có vai trò “đáng kể nhất” khi vừa làm gái bán dâm, vừa trực tiếp quản lý và điều hành đường dây. Và trong khi những tên tuổi có đôi chút tiếng tăm liên quan tới đường dây mua bán dâm này như: Hồng Hà, Thiên Kim, Mỹ Xuân, Jenny Phương... bị phơi bày trên mặt báo với đầy ê chề, tủi hổ, đau đớn.
                
                                            Một số báo chí và trang mạng đưa tên tuổi, hình ảnh người mẫu bán dâm
Và cần phải nói huỵch toẹt ra rằng con số bị bắt chỉ quá khiêm nhường. Hầu hết những vụ các tú ông, tú bà đưa các em “hành nghề” ở các khách sạn mới bị tóm. Còn những vụ các quan, các đại gia đưa các nàng đến biệt thự, nhà riêng hoặc đi nước ngoài “hành lạc” thì cơ quan nào cũng đành bó tay. Và còn cả những khách sạn có bảo kê, công an đụng rục rịch đi bắt là họ đã biết trước. Chẳng qua là “bị sao quả tạ chiếu mệnh” nên mấy cô mới bị bắt quả tang thôi.
Theo tin “nóng” nhất, đêm 7/4 lực lượng chức năng ập vào 3 khách sạn tại quận 1 (TP. Sài Gòn) và huyện Bình Chánh (TP. Sài Gòn) thì bắt quả tang 6 cặp nam – nữ đang mua bán dâm. Trong 6 cô gái bị bắt thì Cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam 4 cô. Đến nay, cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam hình sự 5 người có liên quan đến vụ án. Cụ thể, tú ông Lê Bảo Lộc - Giám đốc công ty Đào tạo người mẫu Gia Khang bị khởi tố, tạm giam về hành vi môi giới mại dâm; các người mẫu, diễn viên đồng phạm với Lộc gồm Nguyễn Thị Hải Yến, quê tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Thị Diệu Hiền quê tỉnh Khánh Hòa, Đặng Thị Ánh Đào và Lê Thị Bảo Trân quê tỉnh Kiên Giang bị khởi tố, tạm giam về hành vi môi giới mại dâm và bán dâm.
Đường dây bán dâm do Lộc đứng đầu này còn tổ chức các chuyến bán dâm cho các đại gia dạng “sex tour” với mức hàng chục ngàn USD/chuyến. Trong số các gái bán dâm dưới bàn tay của Lê Bảo Lộc có cả cháu gái là Lê Thị Bảo Trân. Đau lòng hơn, có nhiều cô trong đường dây này hiện đang là sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở TP. Sài Gòn.
Nên hay không nên công bố tên tuổi của người bán và mua dâm?
Để có đề tài mới hơn, các trang báo lại thi nhau đăng tải những bài phỏng vấn và tranh luận về đề tài “ăn tiền” này. Có người đặt câu hỏi trong khi các cô gái bán dâm bị công khai tên tuổi, thậm chí cả “đời tư sự nghiệp”, tại sao những người bỏ tiền ra mua dâm lại được giấu kín tên tuổi? Họ đề nghị báo chí phải công bằng, loan tin đầy đủ tên những vị khách mua dâm. Đừng vì họ là đại quan, đại gia mà được ưu đãi.
Có vị lại lý luận chỉ nên công bố tên tuổi của những tú ông tú bà, chăn dắt, dụ dỗ các cô gái đó, nhưng không nên công khai tên tuổi các cô gái trót lầm đường lạc lối, đừng đẩy họ vào con đường cùng, hãy nghĩ đến tương lai dài của họ. Và, ngay cả những người đi mua dâm cũng không nên công khai tên tuổi của họ vì như thế là vi phạm quyền cá nhân của công dân và còn ảnh hưởng đến gia đình, con cái cũng như công việc của họ.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Có phải chăng, các vụ quan tham, ăn hối lộ, tham nhũng hằng ngày phơi trên mặt báo đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của toàn xã hội? Chính vì vậy nên cả xã hội chạy hớt hơ hớt hải theo đồng tiền. Mặt khác những tiện nghi xa hoa đế vương của mấy cô người mẫu, ca sĩ, diễn viên dù là dở ẹc, cũng được “trưng bày” trên nhiều trang báo. Hàng hiệu giờ đã trở thành một thứ thông tin đắt giá như danh tiếng của bất cứ “ngôi sao” nào trong giới giải trí. Một bộ váy áo đáng giá chục ngàn đô, một cái bóp đáng giá cả tỉ đồng, chiếc xe hơi vài tỉ … khiến các cô gái thèm khát như đó là mơ ước lớn nhất của đời mình. Đời sống hào nhoáng, xa hoa, lộng lẫy ấy khác xa với đời sống của hàng mấy chục triệu người dân lao động và những người cùng khổ đang sống ở VN.
Bởi thế lại có lập luận cho rằng các cô gái bán dâm vì hoàn cảnh khó khăn, một “nghề” không ăn cắp ăn trộm của ai, không ép uổng ai, làm ra tiền bằng công sức của chính mình. Chỉ có bọn tham quan ăn cắp ăn cướp của dân, tức là bán dân mới có tội. Lập luận đó đúng hay sai, tùy bạn suy nghĩ.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
* Trang bài viết của Nhà văn Văn Quang 


~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

__._,_.___

Posted by: Nhat Lung

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link