"30/4 - Ngày
phán xét của Việt Nam"
Hải Long. Gửi tới
BBC từ Hà Nội
- 23
tháng 4 2015
Cha tôi sinh ra
trên đất Thái. Năm ông 5 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
ông nội tôi bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và đem các con trở về cố quốc.
Năm 16 tuổi, như hàng
triệu thanh niên miền Bắc khác, ông bỏ học, khai thêm tuổi và xin vào quân ngũ.
Ông đã may mắn khỏe mạnh
và lành lặn bước qua những cuộc chiến tàn khốc nhất, chiến tranh Việt Nam,
chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. May mắn hơn
rất, rất nhiều những đồng đội của ông.
Thời của cha tôi, miền
Bắc XHCN là một xã hội khép kín. Hệ thống tuyên truyền đồ sộ của Đảng Cộng sản
đã rất thành công trong việc tuyên truyền, lồng ghép giữa chủ nghĩa cộng sản,
lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Câu nói của TS.Goebbels: "Sự thật là
cái không phải sự thật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần" được áp dụng triệt
để trong xã hội đó.
Mỗi tân binh, như cha
tôi, được xem đi xem lại những bộ phim chiến tranh tuyên truyền về tội ác của
Mỹ - Ngụy. Từng mảnh xác người chết bởi bom đạn của B52. Những ngôi nhà tan
nát. Những em thơ ánh mắt ngơ ngác. Những thiếu phụ đầu chít khăn tang, khuôn
mặt hốc hác. Những người mẹ già với đôi mắt sâu thăm thẳm.
Cuốn tiểu thuyết viết về
những người du kích miền Nam đầy anh dũng, những gia đình miền Nam một lòng
hướng về phía "Đảng" và "Bác Hồ" và những người lính Việt
Nam Cộng hòa hiện lên như hiện thân của ác quỷ, ăn thịt, moi gan, uống máu,
hãm hiếp dân thường... Một người miền Nam tập kết ra Bắc và viết như thế, trong
một xã hội khép kín và thiếu thông tin như thế, ai mà không tin?
Những "nhà
văn", "nhà thơ" con cưng của chế độ như Chế Lan Viên, Nguyễn
Đình Thi, Anh Đức cũng đã góp phần quan trọng trong việc đưa những người trai
trẻ ấy ra chiến trường, và cả triệu người đã không bao giờ quay lại.
Anh Đức nổi tiếng ở miền
Bắc với tiểu thuyết "Hòn Đất".
Cuốn tiểu thuyết viết về
những người du kích miền Nam đầy anh dũng, những gia đình miền Nam một lòng
hướng về phía "Đảng" và "Bác Hồ" và những người lính Việt
Nam Cộng hòa hiện lên như hiện thân của ác quỷ, ăn thịt, moi gan, uống máu,
hãm hiếp dân thường... Một người miền Nam tập kết ra Bắc và viết như thế, trong
một xã hội khép kín và thiếu thông tin như thế, ai mà không tin?
Và thế là hàng triệu
thanh niên miền Bắc đã lên đường ra chiến trường. Họ đã sống, đã chiến đấu và
đã chết với niềm tin sắt son rằng mình đang "giải phóng" miền Nam
khỏi những kẻ ngoại bang xâm lược, như những cuộc chiến chống xâm lược suốt
ngàn năm qua của dân tộc Việt.
Sau cái ngày 30/04 đó,
lần đầu tiên cha tôi tiếp xúc trực tiếp với những người lính phía bên kia
(những người mà sau này ông thường kể với tôi, họ cũng là người lính và họ cũng
chiến đấu dũng cảm như chúng ta ở phía bên này).
Cha tôi được giao nhiệm
vụ trong một trại học tập cải tạo của các viên chức và sỹ quan Việt Nam Cộng
hòa.
Không như những gì mà
ông được tuyên truyền, những người phía bên kia mà ông tiếp xúc đều là những
người nhã nhặn, lịch sự và có trình độ văn hóa cao. Đó là lần đầu tiên, ông
nhận thấy có điều gì đó không đúng.
Ngược lại, cha tôi bắt
đầu nhìn thấy mặt trái của những người cộng sản. Ông đã nhìn thấy những sỹ quan
Bắc Việt tìm cách moi tiền từ những tù binh phía bên kia và gia đình của họ.
Ông cũng đã chứng kiến
những vụ đánh đập ngược đãi với những người lính gan dạ và dũng cảm, những
người có cùng dân tộc, cùng màu da, cùng ngôn ngữ nhưng không cùng lý tưởng.
Và ông thường kể với tôi
điều ông ân hận nhất, một người đồng đội của ông cố tình thả cho tù nhân chạy
rồi đuổi theo bắn chết. Đôi mắt của người chết vẫn ám ảnh cha tôi đến bây giờ.
Người đồng đội đó của ông sau này cũng bị đột tử, và cha tôi thường nói với
tôi, đó là "nhân quả".
Một sự kiện nữa cũng đã
làm thay đổi những suy nghĩ của cha tôi. Đó là phía Bắc, người anh em cộng sản
trở mặt. Những người bạn và cả những người đồng chí của ông bị trục xuất về
Trung Quốc, đôi khi chỉ vì trót mang cái họ giống với họ của người Hoa.
Tình anh em, tình đồng
chí sao mà mong manh thế? Khi cần thì anh em tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, khi
không cần nữa thì lập tức thành "Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc" và
sẵn sàng trút súng đạn điên cuồng vào nhau?
Sau cuộc chiến khốc liệt
ở biên giới, cha tôi lặng lẽ giải ngũ, đốt hết huy chương và bằng khen, sống
một cuộc sống dân sự bình thường, mặc cho những đồng đội của ông, sau khi học
thêm vài ba lớp chính trị, trở thành cấp tướng, cấp tá... Ông không bao giờ
muốn nhắc lại về những ký ức chiến tranh khốc liệt nữa.
Nếu ai đó hỏi cha tôi
30/04 là ngày gì? Cha tôi sẽ trả lời, đó là ngày mà ông nhận ra mình đã bị lừa
dối. Ông và các đồng đội của ông là “Thế hệ bị lừa dối”.
Còn nếu ai đó hỏi ông
muốn gọi 30/04 là ngày gì? Thì tôi xin phép được trả lời thay cho cha tôi, hãy
gọi 30/04 là ngày phán xét.
Ngày phán xét những kẻ
đã đẩy dân tộc vào cuộc chiến huyết nhục tương tàn.
Ngày phán xét những lãnh
đạo miền Bắc thời điểm đó, những kẻ đã trực tiếp đẩy hàng triệu thanh niên miền
Bắc lên giàn hỏa thiêu, vì một thứ lý thuyết không tưởng, mơ hồ và thiếu thực
tế.
Ngày phán xét cho những
kẻ tự khoác lên mình chiếc áo nhà văn, nhà thơ, cổ động người ta lao vào chỗ
chết, lao vào những cuộc chém giết với lòng căm thù không giới hạn.
Còn thống nhất ư? Hòa
giải ư? Làm sao có thể thống nhất và hòa giải khi những kẻ thủ ác còn chưa bị
trừng phạt? Lịch sử rồi sẽ phải ghi chép lại một cách công bằng và khách quan.
Tội ác rồi sẽ bị trừng phạt, chỉ là sớm hay muộn!
Cuối cùng, tôi muốn thay
mặt cha tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến những người lính ở phía bên kia.
Mong các bạn hiểu rằng,
cha tôi và các đồng đội của ông và các bạn cũng đều chỉ là nạn nhân của cuộc
chiến phi nhân này. Nói cho cùng thì tất cả chúng ta đều là những kẻ thua cuộc.
Bài viết thể hiện
văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Chia sẻ tin này Về mục Chia sẻ
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment