Friday, May 1, 2015

Trịch thượng, ban ơn… làm sao hòa giải?


Trịch thượng, ban ơn… làm sao hòa giải?

Nguyễn Ngọc Lanh

Bốn mươi năm nay, hễ có dịp là rộ lên chủ đề “hòa giải”. Năm nay, kỷ niệm ngày 30-4 là một dịp như vậy. Chỉ cần thế, đủ nói lên hòa giải chưa thành công. Tôi chú ý mấy bài viết liên quan, mới nhất, rất dễ tìm đọc:
– GS Nguyễn Đăng Hưng trả lời phỏng vấn báo “ta”, với nhận định Chính sách “hòa hợp” với Việt kiều chưa thành công. Rốt cuộc, bài không được đăng, đến nỗi GS tự công bố [Thực ra, việc này xảy ra từ năm 2013 – BVN] . Muốn hòa giải, mà còn phải kiêng khem như vậy, liệu có thực lòng hòa giải? Hơn nữa, đây là vị GS rất có công với nền giáo dục và khoa học Việt Nam, từng được chế độ này coi trọng công sức, chỉ không coi trọng ý kiến. Nay, GS nhận định bằng trực giác như vậy, đủ thấy chuyện “hòa giải” sẽ còn chật vật.
– Cụ Nguyễn Minh Triết Nguyên Chủ tịch nước trăn trở về hòa hợp dân tộc. Cụ nói cần “đại xá” nhưng không nói đại xá (tha tội) cho ai – dù ám chỉ rằng họ rất đông đảo (đại xá cơ mà) và vì sao họ có tội suốt 40 năm mà chưa chịu thay đổi, đến mức (thôi thì…) đại xá cho họ. Có điều cần lưu ý: “hòa giải” và “hòa hợp” là hai bước, phải thực hiện theo một thứ tự mà người bình thường cũng thấy ngay, nhưng cụ Minh Triết cứ đảo lộn, tùy tiện. Cụ sẽ phải trăn trở (và trở trăn) nhiều. Chỉ cần vậy, đủ thấy hòa giải còn gian khó.
– Nhiều, ngày càng nhiều bài viết nhận định rằng “cuộc kháng chiến chống Mỹ” thực chất là cuộc “nội chiến”, hoặc “chiến tranh hai miền“; do vậy cách hòa giải như hiện nay là không thích hợp. Chuyện hòa giải còn tắc nghẽn.
Xin làm rõ khái niệm “nội chiến” dùng ở đây. Dân là nạn nhân, khi hai phe trong một nước tranh chấp bằng vũ lực.

Bất hạnh lịch sử
Dù đã bước vào kỷ nguyên độc lập (năm 939) dân ta vẫn nhiều lần phải chống xâm lược. Ngoài ra, xương vẫn rơi, máu vẫn đổ… vì các cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” liên miên. So nội chiến với ngoại chiến, càng thấy sự bất hạnh:
Số lần nội chiến (lớn, nhỏ) nhiều gấp chục lần các cuộc “ngoại chiến”.
– Tổng số thời gian nội chiến dài gấp trăm lần thời gian tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm. Liệu đây có phải là một khác biệt giữa hai loại chiến tranh?
– Nỗi đau do nội chiến thấm sâu gấp ngàn lần do quân xâm lược gây ra.
Từ các nhận định trên, liệu có thể rút ra ba nhận định “mang tính kết luận” như dưới đây:
1. Trong chống ngoại xâm, ngay sau chiến thắng, tổ tiên ta nhanh chóng hòa giải thành công với kẻ thù ngoại bang. Cũng vậy, hận thù nội bộ được giải quyết rất gọn gàng, êm đẹp. Ví dụ, khi chiến thắng quân Nguyên, ta thu được cả một hòm “đơn xin hàng” của các vị “Việt gian” gửi đến bản doanh Thoát Hoan, nhưng Thượng hoàng Thánh Tông ra lệnh đốt bỏ – để từ nay cả nước yên lòng xây đắp giang sơn. Té ra, hòa giải sau chiến thắng chống ngoại xâm thuận lợi bao nhiêu, thì hòa giải sau nội chiến khó khăn bấy nhiêu. Bởi vì, triệu người cứ vui (mà vẫn có thể nhẫn tâm không thèm biết đến) có triệu người buồn. Xấu hổ nhất là niềm vui cũng như nỗi buồn không thể chia sẻ giữa người thắng, kẻ bại (đồng bào).
2- Lượng xương máu dành cho chống ngoại xâm là không nhỏ, nhưng lại rất nhỏ nếu so với sự phung phí sinh mạng trong nội chiến. Ba lần xâm lược, nhưng thực ra quân Nguyên có mặt trên đất ta chưa tới 365 ngày; trong khi cuộc nội chiến Lê-Mạc kéo dài 60 năm, với hậu quả đúng nghĩa: “núi xương, sông máu”.
3- Trong nội chiến xưa ở Việt Nam, chưa bao giờ có hòa giải giữa phe “được” (là vua) và phe “thua” (là “ngụy”) – tuy cùng màu da, ngôn ngữ, chung tổ Hùng Vương. Thậm chí, sau chiến thắng, phe Lê-Trịnh còn truy lùng để tận diệt họ Mạc. Cũng như vậy, Gia Long lên ngôi đã tìm bắt để tru di Tây Sơn. Hy sinh trong nội chiến thật vô ích.
Liệu được phép rút ra kết luận thứ ba: Hòa giải sớm hoặc không thể hòa giải là tiêu chuẩn phân định “chống xâm lược” và “nội chiến” (?). Xin tùy ý kiến bạn đọc.

Cuộc chiến lớn nhất lịch sử đã kết thúc?
Cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử nước ta – gọi theo số máu đã đổ – đã kết thúc từ 40 năm trước. Cũng từ đó đến nay, hễ có dịp, lại ồn lên ngày càng nhiều lời bàn, thái độ càng gay gắt, về “hòa giải”. Dựa vào đó, có ý kiến nói: chiến tranh kết thúc ở chiến trường, nhưng chưa kết thúc trong lòng người. Liệu có đúng?
Số thương vong của lính Việt (cả hai phía) gấp 20 hoặc 30 lần con số này của lính ngoại bang (giúp hai phía). Số thương vong của dân (thuộc cả hai phía) còn nhiều gấp bội. Dựa vào thực trạng này, có ý kiến nói: Đây là nội chiến. Liệu có đúng? Tuy nhiên, sách Lịch sử hiện hành chính thức gọi đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ – cùng bản chất và ý nghĩa với các cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh… trước đây. Chỉ khác nhau ở chuyện hòa giải hậu chiến.
Bốn chục năm (1975-2015) đủ để bốn chục triệu người cao tuổi giã từ cuộc sống. Lúc ngừng tiếng súng, những người này còn tráng kiện. Chính mắt họ thấy sự giam giữ triền miên hàng chục vạn “ngụy”, và thấy hàng triệu “bọn phản bội” rời bỏ tổ quốc. Họ cũng thấy tận mắt (và tận hưởng) những thất bại do áp dụng những hiểu đúng, hiểu từ nguyên gốc, chủ nghĩa Mác-Lenin. Rồi cũng chính tai họ từng nghe, nghe mãi, nghe cho đến khi chết… cái chuyện “hòa giải, hòa hợp”. Đến nay, lớp người sót lại (80 tuổi – như tôi) liệu có thể hy vọng sẽ nhìn thấy cuộc hòa giải đúng nghĩa (?) để khỏi phải nghe tiếp, nghe phát chán về hòa giải – trước khi nhắm mắt?
Xin các cụ đứng chấp nê chuyện nhỏ
Có một bậc trí thức nói rằng “không có ngược đãi sau 30-4“, mà là nói vung thiên địa (quốc tế). Trong bối cảnh 2015, chuyện này không còn đủ lớn nữa. Cơm ngon, áo đẹp, chút danh vị hão, khiến – ở Việt Nam hiện nay – người ta còn nói bậy hơn nhiều. Xin hãy xem danh sách sản phẩm của bậc trí thức này, các cụ có thể hiểu thế nào là trí thức XHCN và ai vẫn cần mua giá cao loại sản phẩm này.

Sau nội chiến (1861-1865) hai phe ở Hoa Kỳ hòa giải lập tức
- Không mới, vì đã là nội chiến, dù ở Hoa Kỳ, ắt cũng “núi xương, sông máu”. Đâu có gì mới?
Chỉ trong 4 năm, 3,1 triệu trai tráng cả hai phía bị động viên (chiếm tới 10% dân số), có trường hợp tử sĩ mới 16 tuổi. Tàn cuộc, chỉ có 80% quân số trở về, trong đó tỷ lệ thương tích rất lớn. Số chết trận trong nội chiến Hoa Kỳ cao hơn tổng số hy sinh ở mọi cuộc chiến trước đó của nước này.
- Nhưng có một điều mới – cách đây (đúng) 150 năm – đến hôm nay vẫn mới: Đó là sự hòa giải giữa hai phía diễn ra ngay lập tức, kể từ khi “phe phản tiến bộ” xin hàng “phe tiến bộ”. Lạ một điều, cái phe phản tiến bộ (muốn duy trì chế độ nô lệ với người da đen) lại chủ động phát động chiến tranh. Phải chăng, đó là một đặc điểm của nội chiến?
- Tư liệu về nội chiến Hoa Kỳ phong phú hiếm thấy. Hàng triệu trang bằng tiếng Anh, đủ để các GS, TS chuyên ngành Chính trị, Xã hội, Lịch sử nước ta tha hồ nghiền ngẫm, nếu thật sự muốn hòa giải. Tư liệu bằng tiếng Việt cũng nhan nhản. Chỉ cần gõ “nội chiến Mỹ”, Google sẽ cho hàng triệu kết quả; nếu gõ thêm “hòa giải”, số kết quả vẫn nhiều không kém.

Hòa giải 40 năm không xong, tại sao “các vị” vẫn tỏ ra không thèm biết đến bài học hòa giải sau nội chiến ở Hoa Kỳ?

Sau hàng thế kỷ, chế độ ta mới sử dụng khái niệm “nhà nước của dân, do dân, vì dân” sáng tạo từ Hoa Kỳ, thì đâu có gì đáng xấu hổ khi tìm hiểu coi thử Mỹ hòa giải sau nội chiến ra sao. Cỡ như cụ Minh Triết, nếu không biết gì về hòa giải trong lịch sử Hoa Kỳ, thì thật đáng thất vọng cho mọi người. Chẳng thà, các cụ Phú Trọng, Thế Huynh, Huy Rứa… và Hội Đồng lý luận, cứ nói thẳng rằng: “chúng tôi biết, nhưng không sử dụng bài học đó” cho ra một nhẽ. Mọi người khỏi nghĩ rằng hệ thống “tai, mắt” của chế độ này có vấn đề.

Nguyên tắc sơ đẳng: Không theo được, xin đừng mơ…
1) Bên thắng, nhất là bên gây sự, cần chủ động và thành tâm hòa giải
Anh chồng phát động cuộc chiến, rồi thắng (đánh vợ chấn thương, rồi đuổi), không thể đòi vợ “xin” hòa giải. Thái độ anh chồng cho thấy cái nền văn hóa của anh ta trong xử sự.
Chật vật trong hòa giải: Lỗi của phía gây sự, chiến thắng.
Liệu có cần dài dòng thêm nữa?

2) Hòa giải trước, hòa hợp sau
Hòa giải bằng thảo luận (ngôn ngữ), còn hòa hợp bằng biện pháp (hành động). Liệu có cần dài dòng thêm? Hai vợ chồng (hoặc anh em) mâu thuẫn, trong đó chị vợ bị xúc phạm, đánh đập, phải “di tản”… Chỉ có ai “điên” mới khuyên chị vợ rằng cứ về nhà, cứ thành tâm “đóng góp” xây dựng gia đình đi, cứ trọn phận sự “làm vợ” đi (như phận sự công dân với tổ quốc), và đêm nay cứ “hòa hợp” đi… sáng mai sẽ “hòa giải”. Điên đảo thứ tự như vậy, tim đen là gì? Đọc Nghị Quyết 36, rất dễ thấy nó chỉ đưa ra các biện pháp hòa hợp, ban ơn mà chưa đề ra chuyện thảo luận hòa giải.

3) Ngôn ngữ hòa giải: phải lọt tai nhau
Phải thảo luận thẳng thắn và rộng rãi cả nước (quốc tế chứng kiến). Trong thảo luận cần bình đẳng, tôn trọng, ngôn ngữ phù hợp, cấm độc quyền phát biểu, cấm trịch thượng, cấm tỏ ra ban ơn. Cái cần, là mỗi bên tự nhận lỗi, chứ không phải là loay hoay kết tội bên kia. Tinh thần NQ 36 thể hiện, có chỗ khá rõ, có chỗ phảng phất sự trịch thượng, ban ơn. Cái từ “đại xá” của cụ Minh Triết khi trả lời phỏng vấn mà không trịch thượng ư? Khỏi dài dòng: Xin khẳng định 40 năm nay chưa có thảo luận rộng rãi để hòa giải.

4) Hòa hợp: bằng hành động, biện pháp
Nếu hòa giải (thảo luận) có kết quả, sẽ không thiếu những sáng tạo để có các biện pháp thích hợp thực hiện hòa hợp.
N.N.L.
Tác giả gửi BVN

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link