Tuesday, April 21, 2015

Cha tôi và những ngày tháng ấy…



Sujet :
Tr : Cha tôi và những ngày tháng ấy… - Hồng Thúy
Date :
Fri, 17 Apr 2015 18:49:37 +0000 (UTC)
De :
Pham Thi Kim Thanh <
Répondre à :
Pham Thi Kim Thanh <

Kính chuyển tới Quý vị và Quý thân hữu một câu chuyện thương tâm xẩy ra dưới chế độ CSVN sau khi xâm chiếm được miền Nam Việt Nam ngày 30/4/1975. Tác giả Hồng Thúy.
Những cuộc sống tự do no ấm của người dân miền Nam bị thay đổi
xuống 9 tầng địa ngục do đảng CSVN gây ra.
Đây là một trong nhiều triệu cảnh đời đau khổ. Câu chuyện đọc vào dịp tháng Tư đen để suy nghiệm và thấm thía câu:
"Đất nước mất là mất tất cả!"
Thiên Kim giới thiệu.



 
 Cha tôi và những ngày tháng ấy…   
  • April 10, 2015
nguoi ty nạn        
Hồng Thúy

Sau cuộc di cư vĩ đại vào Nam năm 1954, bỏ của chạy lấy người tìm lấy chữ tự do, nghe kể lại, cha tôi đã theo từng bước chân ông bà nội tôi trải qua muôn vàn khó khăn vất vả trong hoàn cảnh mới để xây dựng lại cơ ngơi từ đầu.

Ông bà nội tôi, sau đó, vốn tuổi tác và sức lực chẳng còn trẻ, lại thêm bôn ba mưu sinh cộng thêm mối muộn phiền tinh thần, nên đã lần lượt nối gót quy tiên. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn rất non trẻ của cha tôi, khiến ông mang nặng mối căm giận chủ nghĩa Cộng Sản sâu sắc, ông cho rằng chính sự hà khắc và độc tài tàn bạo của chế độ đưa đến sự phân rẽ chia đôi đất nước, gây ra bao cuộc tang thương, chia lìa, mất mát để cha tôi chẳng những xa rời hẳn nơi chôn nhau cắt rốn mà còn đôi ngã âm dương với cả hai thân sinh yêu quý nhất đời mình.

Tưởng là ở miền đất mới, sau khi quyết tâm vượt khó, tạo dựng được sự nghiệp tươi đẹp để gia đình riêng của ông hưởng được cuộc sống ấm êm hạnh phúc với đồng lương hậu hĩnh và bổng lộc là căn nhà biệt lập 3 phòng ngủ ngay trung tâm quận Nhất gần chợ Bến Thành, nhưng có ai ngờ, thời cuộc bể dâu, thiên đường ăm ắp ước mơ chắp cánh chưa bay cao thì lần nữa địa ngục trần gian một ngày như cơn giông ào ào kéo đến làm cho tơi bời cảnh vật.

Tuổi thơ ly loạn của tôi, đứa con nít ngây thơ, mở ra còn nguyên dấu ấn hãi hùng bởi cơn pháo kích của Mậu Thân 68, rồi liền với thảm sát kinh hoàng hè 72, khiến cho chúng tôi những người dân thành thị từ đó hết hẳn khung cảnh đón tết náo nức với tiếng pháo truyền thống bao đời.

Những năm tiến gần đến 1975, qua radio, gia đình chúng tôi như ngồi trên đống lửa khi chiến sự bộc phát nhanh như cơn lốc diễn ra ở các tỉnh, lan đến ven thành. Đầu tháng 4 năm 75, nỗi sợ trung tâm thành phố bị bất ngờ pháo kích, cha tôi đã dựng hầm nổi dã chiến ngay trong phòng ngủ chính giữa nhà bằng những bao cát dân sự, nắp hầm là nhiều tấm phản gỗ dầy, cứng nặng. Tôi nhớ lại mới thật hãi hùng làm sao! vì nếu có chuyện gì, chúng tôi không chết vì bom đạn pháo thì cũng bị thương nặng do sập hầm đổ gỗ.

Gia đình chúng tôi cũng như bao dân thành phố còn trong thời loạn, tâm trạng hỗn mang cuống cuồng với mọi cách riêng tự bảo vệ tài sản. Vàng bạc là đơn vị tiền tệ chính dành cho hữu sự, nên cha tôi cùng với mẹ tận dụng tất cả những quần áo rách, mảnh vụn, rẻo vải dư từ quần áo mà mẹ cắt may cho chúng tôi mặc trước đó, làm cho bẩn đi rồi dùng chúng quấn bọc lên những chiếc vòng, nhẫn bạc, dây chuyền quý báu và nhét rải rác bừa bộn chung trong đám đồ lạc xoong, phế thải như một cách ngụy trang để không gây chú ý, hành động này có vẻ tức cười khờ khạo, nhưng lại rất an toàn, vì sau này khu vườn nhà chúng tôi bị xới tung vì nghi ngờ có chôn giấu quý kim.

Tôi nhớ mãi sáng 30 tháng 4 ấy, chúng tôi cùng với toàn thể dân Miền Nam chịu cùng chung số phận điêu đứng đau thương như đã định cuộc. Cha tôi ôm chúng tôi với đôi mắt thức trắng thâm quầng tuyệt vọng trong khi ngoài đường âm thanh của xe tải nện thình thịch, hỗn loạn dân tình trốn né, pha trộn với sự khích động của tiếng loa phóng thanh chát chúa, la ó của những kẻ lái gió trở cờ từ đâu khua động cả góc trời, chúng tôi hiểu mình đã bị nhốt trong một nhà tù vĩ đại!

Con đường trước mặt gia đình chúng tôi, từ đó, mở ra quãng đời đen tối nhất. Nỗi sợ hãi của cha tôi năm nào, viễn cảnh sống dưới chế độ cộng sản, đã không chỉ hiện tiền, mà chúng tôi còn ở và sinh hoạt chung với Việt cộng ngay cùng trong một căn nhà.
Ngay sau khi thành phố bị tiếp quản, cha tôi lập tức bị đình chỉ chức vụ, căn nhà chúng tôi đang sinh hoạt bỗng bị chiếm lĩnh ngang xương. Phần diện tích chính và to nhất của căn nhà phải nhường cho một gia đình cán bộ cao cấp tập kết từ miền Bắc vào, và đương nhiên đẩy gia đình chúng tôi chen chúc sống trong diện tích rất nhỏ, thiếu mọi tiện nghi, vốn là phòng khách gia đình của chúng tôi lúc trước.
Thôi thì bao cảnh trái tai gai mắt, xã hội thu nhỏ vào cả khu vườn nhà xinh đẹp ngày nào nay bỗng tiêu điều xơ xác với đàn gà vịt ngỗng thả rông, phá phách tanh bành, tiếng kêu đinh tai nhức óc của đám heo nuôi khiếp vía chạy cuống cuồng mong thoát những bàn tay đồ tể bán buôn xẻ thịt ngay trên sân gạch lộ thiên diễn ra hằng ngày.

Sống trong miệng cọp, nỗi nguy rình rập từng phút, cũng phải mắt nhắm tai ngơ với những hành động đê tiện chúi mũi vào mỗi sinh hoạt của chúng tôi, để rồi những tờ kiểm điểm cứ xoành xoạch thực hiện như cơm bữa đối với những hành động mà chúng cho là sai trái với chính sách, chế độ, v.v… Dù phẫn nộ, cha tôi cũng đành cắn răng và thầm an ủi là còn chỗ dung thân hơn là bị tống ra sống cầu bơ cầu bất ngoài đường phố như nhiều gia đình đã từng bị, phải đi đến nạn diệt thân.
Qua cánh cửa phòng khách đóng kín, lằn ranh được, thua, hai thế giới đối đầu diễn ra ở đó, dạy cho chúng tôi hóa thân vào những nhân vật của sân khấu đời tìm sự sống từ cái chết.

Con giun xéo mãi cũng oằn. Phong trào vượt biển lúc này diễn ra tuy kín đáo nhưng rất sôi nổi. Cha tôi vừa vất vả kiếm sống nuôi vợ con vừa để mắt bắt mối liên lạc khắp nơi tìm chủ tầu, chọn bãi, chuẩn bị chờ cho cuộc vượt biển một mất một còn.

Cuộc trốn chạy ai ngờ trùng hợp ngày đau cắt ruột gan, đám tang bà ngoại tôi, do thương nhớ người cậu, một quân nhân, tưởng rằng học tập 10 ngày hóa ra vô hạn trong trại tù cải tạo, khiến bà sinh bệnh uất ức mà chết. Không còn cách chọn lựa để được báo hiếu đưa bà đến tận nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi đành ngậm ngùi trấn an rằng vong linh bà đã phù hộ cho cơ hội để gia đình con cháu chúng tôi danh chính ngôn thuận đi xa vắng nhà.

Nhưng Trời chưa chiều lòng người, trong một ngày, chúng tôi chưa kịp ra tầu lớn thì đã bị lộ do công an bí mật cài người trấn lột hết vàng bạc, làm náo loạn cả một nhóm khiến trẻ con sợ hãi khóc ré giữa đêm, đưa đến việc tóm trọn cả tầu.

Tôi vẫn tin những gì huyền bí linh thiêng của Ơn Trên, của tổ tiên ông bà giúp đỡ, nếu không thì sao có phép mầu nhiệm phò trợ chúng tôi, để cả gia đình có thể thoát vòng tù tội vượt biên như một giấc mơ. Việc gì đã xui khiến làm sao bữa ấy có đến 4 tầu bị bắt, nơi chứa người vượt biên quá tải, bọn công an như bị ai che mắt, chỉ hỏi sơ sài lấy lệ, tạm giữ lại đám thanh niên trai tráng, còn thì thả hết phụ nữ con nít người già, trong đó có cha tôi, chỉ độ trung niên nhưng do nhân dáng khắc khổ gầy gò làm ông già hơn cả chục tuổi đã cứu được ông khỏi vòng nạn tai.
Vàng bạc đã mất hết, chúng tôi trắng tay, sinh hoạt tệ hại hơn. Ăn mãi bo bo khó tiêu, mì sợi mốc thếch, gạo thóc sạn sỏi làm cả nhà điêu đứng. 

Tội nhất là đứa em trai út của tôi do ăn uống thiếu chất dài ngày, đã sinh bệnh, lờ đờ bần thần ngồi mót chấm mút những hạt vụn vôi móc từ trong mảng tường bể. Đau đớn quá, cha tôi quyết định liều một phen, ông đem rao bán chiếc vòng cổ hạt trai giả, chiếc vòng tôi tình cờ giấu kín góc nhà, món đồ kỷ niệm sót lại duy nhất mà bà ngoại đã cho tôi như quà thưởng đậu trung học. Đồ giả ai mà ngó, nhất là thời buổi khó khăn, ăn còn chưa đủ no, vậy mà tài tình thay, nó được bán trong trường hợp hi hữu.
Sợ bị lấy mất khi trưng bày dù là đồ giả, cha tôi nghĩ ra cách chào hàng độc nhất vô nhị. Ông lấy cọ để họa lại chiếc vòng đeo cổ ấy trên giấy bìa trắng cứng. Không biết cha tôi vẽ giỏi hay là tình yêu đối với đứa con trai bị bệnh quá lớn trở thành động lực vượt hơn bình thường để cây cọ trên tay cha thành đũa thần xuất sắc với nét vẽ linh hoạt để rồi trước mắt những đứa con cùng khổ đang ngóng chờ sự cứu đói, sợi dây chuyền hạt trai nổi bật hoàn hảo y như vật thật bên ngoài, đưa đến thành công vượt dự đoán, người khách Liên Xô vô tình đi ngang qua cửa tiệm ký gởi bị hấp lực bất ngờ từ hình vẽ, đã mua ngay nó với giá khá cao.
Một tháng không thể sống với tiền bán dây đeo cổ dù gia đình chúng tôi ráng chắt chiu dè xẻn. Mẹ tôi lúc này sức khỏe cũng không khá nên chẳng giúp gì được. Cha tôi đành chỉ tự cách xoay ra làm đủ nghề linh tinh, không đâu vào đâu. Một ngày tôi nhớ nhất, cha tôi bị xỉu ngoài đường, nhờ người ta đưa về, sau này chúng tôi được mẹ cho biết riêng là do cha bán máu yếu sức ngã nhào bất tỉnh.

Thời gian cùng cực này, tôi vẫn trông ngóng không biết họ hàng bà con của tôi hiện ở đâu? Thầm trách sao họ nỡ hững hờ dửng dưng với gia đình tôi như thế, tôi không dám hỏi tin tức về họ sợ bận lòng cha, mặc dầu tôi cũng biết được tình hình chung của mọi nhà trong thời cuộc biến động sau việc đổi tiền, đánh tư sản, đi vùng kinh tế mới v.v… khiến tất cả trở thành tứ tán tay không, nhưng có lẽ vì khổ quá, cảm giác lẻ loi không có ai chia sẻ, giúp đỡ và thông cảm, nhất thời tôi không chấp nhận được hiện thực nên khăng khăng lòng giận hờn tủi thân. Nhưng ai có ngờ…

Một gia đình người cô của tôi cố bám lấy thành phố không còn cách sinh sống, đã được cha tôi thương xót giúp đỡ chút vàng để tìm đường sống, trong khi cha tôi tưởng gia đình riêng chúng tôi sẽ vượt thoát được, lại may mắn cơ duyên đến được bến bờ tự do và định cư yên ổn ở trời xa.

 Cô chú này đã liên lạc với các cô chú khác đã tự cách thoát thân bí mật tự lúc nào, cùng nhau thừa cơ hội nhà nước cho phép bà con, thân nhân ngoại quốc gửi quà tiếp tế người nhà, nên hùn hạp mua đồ gởi về gia đình chúng tôi. Món quà từ bên trời xa đổ về như giọt mưa thời hạn hán đã kịp lúc cứu nguy trong cơn thập tử nhất sinh của gia đình tôi. Cha tôi nhờ thế mà hồi phục sức khỏe, em trai tôi thôi suy dinh dưỡng nhưng ngược lại cha mẹ tôi cũng như đa số người dân, bất kể thành phần trước đây thế nào, bỗng thay áo trở thành con buôn, bạn hàng bất đắc dĩ lao vào chốn Sài Thành, nơi trở thành chợ trời vĩ đại, trao đổi mua bán với đủ loại thượng vàng hạ cám.

Qua cơn bĩ cực cũng đến hồi thái lai. Gia đình chúng tôi cuối cùng đã được đoàn tụ với cô chú trong chương trình bảo lãnh anh em nhiêu khê sau hơn mười mấy năm lận đận sống như một thử thách của một kiếp người không ra người, của cuộc đời trí trá suy đồi đạo đức với bao tủi nhục chua cay. Chúng tôi biết ơn vô cùng quê hương thứ hai nơi đây, xứ sở tự do giàu lòng quảng đại, với con người không cùng màu da, chẳng cùng sắc tộc đã giang tay cưu mang và ưu ái trao muôn vàn cơ hội tốt đẹp đến cho chúng tôi tạo dựng nên một chân trời tươi sáng với mơ ước hiện thực.

Chúng tôi vui vẻ an ấm trong sự nương tựa vừa tinh thần lẫn vật chất từ tấm lòng bao la của cha, người đã lần nữa, hy sinh không quản nặng nhọc với công việc vất vả ngày đêm để cho con cái của ông chuyên tâm vào học hành mong sự thành đạt là hành trang vững vàng cho đời sống mới xán lạn.
Mẹ tôi hưởng hạnh phúc chưa được bao lâu với chúng tôi thì rơi vào bạo bệnh và ra đi êm ả.

Còn lại cha, chúng tôi đang dự định làm lễ chúc thọ cho cha tôi trong vòng gia đình thân mật sau những cơn phong ba bão táp cuộc đời. Nhưng than ôi! mầm bệnh sinh khởi và dai dẳng nằm trong cơ thể cha do lao tâm mệt trí trước đó đã tạo nên cơn kích tim cấp kỳ đưa ông xa hẳn nhân thế, để lại cho con cháu chúng tôi hình ảnh người cha khó phai mờ trong lễ đại tang với đau thương tột cùng!

Thưa cha! Qua bao cuộc bể dâu, thăng trầm cuộc đời, di chuyển vất vả, hy sinh sức lực bao lần để đánh đổi lấy chữ tự do quý giá, giờ thì cha đã yên bình đi đến đích của miền cuối cùng của vòng quay sinh tử. Từ đây, cha rũ sạch lo toan, thoát vòng phiền não, có chăng là chúng con, những người còn lại mất cả bóng mát tin yêu chở che, lưng núi vững vàng để nương tựa tinh thần trong mọi vấp ngã phong ba cuộc sống. Chúng con nén hương tận lòng, xót xa cả tấc dạ để hiểu rằng mình đã mất cả bầu trời tình thương không chỉ hôm nay mà là vĩnh viễn… Cha ơi!
Hồng Thúy



__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link