Monday, April 20, 2015

VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 2



From: "truc nguyen
To:
Sent: Saturday, April 18, 2015 3:49 PM
Subject: [VN-Post] Fw: Fwd: Qua Hay Chi Ly Xin Doc cho Toi Het: PHAM HOAI NAM :VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 2

 



 
VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 2
Phạm Hoài Nam

II. Những điều tự hào không đúng sự thật
Người viết chỉ nêu một số điều tự hào không đúng trong cuốn “Tôi tự hào người Việt Nam” (TTHLNVN) có thể kiểm chứng được. Ngoài ra có những tự hào - khó có thể nói đúng sai như “Người Việt rất thông minh, yêu nước, anh hùng, cần cù, chịu khó, sáng tạo, nhân ái, lạc quan…” đó là cái nhận xét riêng của từng người và đúng hay sai tùy quan điểm của người đọc.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là chủ biên, đồng thời cũng là tác giả chánh trong cuốn sách. Ông là người duy nhất có ba bài viết trong cuốn sách.
Ba bài này có điểm chung là Việt Nam được mô tả như một thiên đàng trên hành tinh này: đất nước được “thiên nhiên ưu đãi”, lịch sử oai hùng, con người thì “rất linh hoạt, thông minh”, có rất nhiều đức tính tốt, “mỗi người Việt là một bông hoa quý hiếm. Hoa người Việt hiếm nên rất quý”, và luôn lạc quan “vững tin vào ngày mai”.

Việt Nam đối với ông chỉ có tốt, không thấy ông nêu ra bất cứ một điểm nào không hay về đất nước và con người VN.
Trong phần tiểu sử tác giả cho biết ngoài bằng tiến sĩ, ông Nguyễn Mạnh Hùng còn là giáo sư đại học và giữ nhiều chức vụ quan trọng, đã từng có 15 năm du học ở nước ngoài và đã đặt chân đến 41 quốc gia. 
Đặc điểm khác trong các bài viết của ông chủ biên và một số tác giả, là đưa ra kết luận mà không đưa ra bằng chứng cụ thể để cho thấy mức độ đáng tin. 
Điều quan trọng đối với một cuốn sách là tác giả phải chứng tỏ cho người đọc thấy tính thuyết phục. Muốn như thế tác giả phải chứng tỏ khả năng lý luận. Nếu không có bằng chứng cụ thể thì phải lý luận như thế nào cho hợp lý. Đáng tiếc là cuốn sách này không thể hiện được tiêu chí đó.   
Và điểm cuối cùng là sự lương thiện của người viết. Dám trình bày quan điểm của mình cho dù điều đó đi ngược lại quan điểm của nhiều người là nhân cách của người trí thức, nhưng viết chỉ để phục vụ cho những mục đích mờ ám riêng tư hay mục đích của nhà cầm quyền thì chỉ xứng đáng là tư cách của một người viết mướn. 

Bài “Tôi tự hào là người Việt Nam” (tr.37-45) của ông Nguyễn Mạnh Hùng, là bài đầu tiên và cũng có thể xem là bài chánh yếu nhất của cuốn sách.
Bài viết liệt kê ra hơn 40 thứ để người VN tự hào, từ trống đồng, đến Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trải, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, nhà Lý, Nhà Trần, từ được thiên nhiên ưu đãi cho đến cho đến làn điệu dân ca, 8 di sản phi vật thể, áo dài, múa rối nước, Sử thi Tây Nguyên, văn hóa mừng thọ, một đất nước với 8000 lễ hội lớn nhỏ, từ người Việt Nam rất thông minh, cho đến những thiên tài góp mặt trên nhiều lãnh vực, từ người đã phát minh ra máy AMT là Tiến sĩ Đỗ Đức Cường cho đến Thiền Sư Nhất Hạnh,  thầy Huyền Diệu, và khoảng vài chục thứ tự hào khác. 

Bài thứ hai “Tự hào về Việt Nam theo những cách riêng” (tr.153-163) viết về câu chuyện ba người Việt “Chuyện anh Tân”, “Chuyện thầy Liễn”  “Chuyện trò Phi”.
Bài thứ ba “Người Việt Nam và lý thuyết cây tre” (tr.343-349) nêu ra khoảng 20 đức tính tốt của người Việt: “Người Việt giản dị, mềm mỏng, tiết kiệm, thông minh, linh hoạt, khéo léo, luôn biết hiên ngang ngẩng cao đầu, vững tin vào ngày mai...v.v..” Và đặc biệt là “Mỗi người Việt là một bông hoa quý hiếm. Hoa người Việt hiếm nên rất quý”.
Dưới đây là những điều tự hào mà người viết nghĩ là không đúng sự thật:  
1/ “Tôi tự hào rằng, người phát minh ra máy ATM là một công dân Việt Nam.” (tr.44)
Điều “tự hào” này có thể ông Nguyễn Mạnh Hùng dựa vào một số website trong nước – chẳng hạn như trang web của tờ Lao Động, có bài “Những điều ít biết về người gốc Việt phát minh ra máy ATM” (10) cho rằng tiến sĩ Đỗ Đức Cường là người đã phát minh ra máy ATM trong lúc làm việc cho City Bank (Mỹ). Tuy nhiên không có trang web nào trong nước đưa ra bằng chứng cụ thể, tất cả điều viết na ná giống nhau, một cách mông lung mơ hồ.

Muốn biết ai là người đã phát minh ra máy rút tiền ATM, chỉ cần vào “Wikipedia” phần “History of ATM” (11) sẽ có đầy đủ chi tiết. Xin tóm tắt phần viết về người phát minh: “Máy ATM đầu tiên được sử dụng bởi ngân hàng Barclays Banks tại phố Enfield, phía bắc London, Anh Quốc vào ngày 27/6/1967, đây là máy rút tiền đầu tiên trên thế giới và người đầu tiên sử dụng là diễn viên hề Reg Varney. Người phát minh ra máy này là John Shepherd-Baron của công ty in ấn De La Rue, ông được trao giải thưởng OBE [Order of the British Empire] - Danh Dự của năm 2005. Nguyên văn: The first of these [ATM] that was put into use was by Barclays Bank in Enfield Town in north London, United Kingdom,[9] on 27 June 1967. This machine was the first in the world and was used by English comedy actor Reg Varney. This instance of the invention is credited to John Shepherd-Barron of printing firm De La Rue,[10] who was awarded an OBE in the 2005 New Year Honours.[11]  )
Trong trang web này hoàn toàn không có nhắc đến tiến sĩ Đỗ Đức Cường.
Trên “Wikipedia” tiếng Việt (12), chỉ giới thiệu về Tiến sĩ Đỗ Đức Cường như sau: “Tiến sĩ Đỗ Đức Cường là một chuyên viên cao cấp ngành Ngân hàng ở Hoa Kỳ, ông còn được biết đến như một chuyên viên thông thạo trong nhiều lĩnh vực[1][2][3][4][5]. Ông cũng là Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc[cần dẫn nguồn][6] (tổ chức nào?) và là cố vấn cao cấp ngành Ngân hàng tại Việt Nam[7].”
Sau đó cho biết ông sinh tại Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1945, du học tại Nhật năm 1963. Trong phần “Đánh giá” có câu: “Tiến sĩ Đỗ Đức Cường đã đóng góp 38 phát minh của riêng ông. Trong đó có sáng kiến sửa đổi kiểu dáng bên ngoài hệ thống ATM được cấp phép năm 1997 mang số hiệu D386883.[9]”_Báo Pháp Luật và Xã Hội[5].
Bên cạnh đó, nếu để ý yếu tố thời gian chúng ta sẽ thấy ông Đỗ Đức Cường không thể là người phát minh ra máy ATM được: theo báo chí trong nước đưa tin - ông Đỗ Đức Cường bắt đầu làm việc cho City Bank năm 1977, như vậy thời điểm sớm nhất để ông phát minh ra máy ATM là năm 1977. Vào thời điểm này các nước tân tiến Tây Phương đã sử dụng máy ATM lâu rồi. 
Có lẽ đúng như báo Pháp Luận và Xã Hội, ông chỉ “có sáng kiến sửa đổi kiểu dáng bên ngoài hệ thống ATM”.
Sửa đổi kiểu dáng bên ngoài và phát minh là hai điều hoàn toàn khác nhau, ông tiến sĩ ạ!

2/ “Tôi tự hào khi trong danh sách 10 vị tướng xuất sắc nhất lịch sử nhân loại thì có đến hai người con đất Việt ta là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Liệu có một dân tộc thứ hai nào trên thế giới này có thể sản sinh ra 20% những vị tướng kiệt xuất nhất.” (tr.40)
Đây là niềm tự hào lớn của người Việt trong nhiều năm qua và nay chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng nêu lại.
Cá nhân người viết đã từng đã bỏ ra nhiều thời gian để kiểm chứng nguồn tin trên các trang web tiếng Anh nhưng không tìm ra được bằng chứng. 
Trong bài “Khen quá lố, không nên!”(13) của tác giả Bùi Tín đăng trên VOA ngày 13/3/2010 đã xác nhận nguồn tin này như sau:
“…Ban biên tập báo Quân đội Nhân dân đưa tin: “Năm 1992, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có 2 vị tướng kiệt xuất của Việt Nam: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. 

Năm 1994 và 1996 tôi sang London theo lời mời của nhà xuất bản HURST. Bà Judie Stowe trưởng ban Việt ngữ hãng BBC đưa tôi đến thăm Viện nghiên cứu Viễn Đông và Thư viện Hoàng gia. Tôi cố tìm xem có một tin nào về Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh “bàn và bầu ra 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại” hay không, thì đều được trả lời là không! Vậy thì đó chỉ là chuyện tưởng tượng, phao tin, bịa đặt, kẻ tung người hứng trên đất ta. 
Tôi đã hỏi nhà báo Đỗ Văn, nguyên quyền trưởng ban Việt ngữ của hãng BBC, London, anh trả lời: “Tôi xác định không hề có việc vinh danh như vậy; đó là một tin hoàn toàn vô căn cứ”
Thế là mọi sự đều rõ. Tôi để công tra cứu trên mạng Google và mạng Wikipedia – bách khoa toàn thư mở cho toàn thế giới – cũng không có chuyện bình chọn quốc tế này.”. 
Một tài liệu khác mà người viết tìm được trên net có thể giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề này: “Bàn về 10 vị tướng vỹ đại nhất của mọi thời đại” trích từ Lichsuvn.info/.(14)

Sau sau tìm hiểu tất cả thông tin, từ phía VN lẫn Anh Quốc (các cơ quan thẩm quyền ở Anh xác nhận với tác giả), bài viết kết luận như sau:
“Các thông tin trên từ các cơ quan có liên quan và có thẩm quyền từ nước Anh có thể góp phần giải đáp khá rõ ràng có hay không có việc tuyển chọn và trưng bày tượng Mười danh tướng thế giới.
Tuy nhiên các sách báo Việt Nam về việc này đều có nhắc đến từ điển bách khoa Anh (Encyclopedia Britannica) 1985 (EB). Chúng ta hãy đến với bộ sách này: ở đây dựa vào sự tra cứu khá công phu của Minh Hiền. Minh Hiền tham gia soạn thảo từ điển Bách khoa Việt Nam, xuất bản lần thứ 14 năm 1973 rất đồ sộ, gồm tới 30 volumes, nhưng đến năm 1983, hội đồng biên soạn EB điều chỉnh bổ sung để tái bản lần thứ 15 và lấy tên là The New Encyclopedia Britanica (TNEB). TNEB ra đời năm 1983 có bổ sung thêm những vị tướng soái kiệt xuất thế giới mà các lần xuất bản trước chưa có, trong đó có Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Mục từ Trần Hưng Đạo có 38 giòng, 270 từ, đánh giá: “Hưng Đạo Vương một gương mặt hình như huyền thoại của lịch sử Việt Nam, nhà chiến lược quân sự xuất sắc đã đánh thắng quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, và là người anh hùng dân tộc trong nền văn hoá của Việt Nam ngày nay...”. Mục tướng Võ Nguyên Giáp có 70 giòng, 490 từ, đánh giá: “Tướng Giáp nhà lãnh đạo chính trị, quân sự đã hoàn thiện chiến lược, chiến thuật của chiến tranh du kích và chiến tranh quy ước, lãnh đạo Việt Minh đánh thắng Pháp, chấm dứt nền thống trị thực dân ở Đông Nam Á, và sau đó đã đưa đến thắng lợi của Miền Bắc Việt Nam đánh thắng Mỹ”... Phải chăng việc Hội đồng biên soạn EB thẩm định lại bổ sung các từ mục về các danh tướng (Inilita** generals) trong đó có Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp để xuất bản thành TNEB năm 1983 có ít nhiều liên quan đến “tin đồn” về “Mười danh tướng thế giới” và huyền thoại về hai danh tướng Việt Nam được thế giới tôn vinh. Người ta chú ý mấy chỗ trùng hợp: Tin nào cũng nêu Bách Khoa từ điển Anh, thời gian xuất hiện 1983 - 1984, tên tuổi hai danh nhân Việt Nam và sự nhìn nhận của thế giới.”.
Người viết đã kiểm chứng lại trên Encyclopedia Britanica sau 1983, và đúng như tác giả trên đã viết.

Như vậy mọi chuyện đã sáng tỏ, Encyclopedia Britannica chỉ bổ túc thêm một số vị tướng, nhưng một số người trong nước đã tô vẽ thêm. 
 3/ “Người Việt Nam rất thông minh. Tôi đã học ở Nga, Úc, Mỹ, Pháp… hầu như ở đâu nhóm người Việt chúng ta cũng được điểm cao nhất, được đánh giá rất cao. Tôi chỉ nể phục các bạn cùng lớp người Do Thái, người Bắc Âu và người Đức. Hình như họ thông minh hơn mình.” (tr.38).

Chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng có thể nói “Người Việt Nam rất thông minh”, đó là cái nhìn của tác giả, nhưng một khi có sự so sánh dân tộc này thông minh hơn dân tộc khác thì vấn đề trở nên khác, trong đó hàm chứa một một sự kỳ thị trí tuệ (intellectual racism). Đó là quan điểm không thể chấp nhận trong thế giới văn minh ngày nay. 
Sau khi đọc qua câu này tôi càng thêm nghi ngờ về sự tự hào thông minh của người Việt. Những gì mà tác giả phán quyết chỉ là những nhận xét hời hợt, không có kiểm chứng. Sự thông minh của một người đâu phải chỉ phản ảnh ở điểm ở trường, mà còn là sự suy nghĩ chính chắn về một vấn đề trước khi kết luận. 
Trong thế giới hội nhập ngày nay, đòi hỏi con người đối xử với nhau trong tinh thần hài hòa và bình đẳng.  Dựa vào đâu để cho rằng dân tộc Việt Nam thông minh hơn những dân tộc khác? Điều đó có thể tin được nếu VN là một quốc gia giàu, người Việt có nhiều phát minh đóng góp cho nhân loại. Nhưng ngay cả một dân tộc giàu và có nhiều đóng góp cho nền văn minh như người Mỹ cũng không cho mình thông minh hơn những dân tộc khác.  

Mặc dầu lợi tức bình quân của người Mỹ da trắng hiện tại cao gần gấp đôi người Mỹ đa đen (15), nhưng trong hằng trăm tài liệu nghiên cứu về sự thông minh của người da đen và người da trắng (đăng trên web), không có một tài liệu chính thức nào của chính phủ Hoa Kỳ hay của những học giả uyên bác, có tinh thần nhân bản dám kết luận rằng người Mỹ da trắng thông minh hơn người Mỹ da đen, mục đích của những nghiên cứu này chỉ để người Mỹ tìm cách rút ngắn lại khoảng cách về lợi tức và cơ hội giữa hai sắc dân.

Sự thông minh giữa dân tộc này với dân tộc khác hay sắc dân này với sắc dân khác tùy thuộc vào những yếu tố như văn hóa, truyền thống, giáo dục, lịch sử, thói quen, cách thức ăn uống, điều kiện/thành kiến xã hội v.v. Nếu người Mỹ da đen có cùng những điều kiện như người Mỹ da trắng thì chưa chắc họ đã không thành đạt bằng. Sự thành công của tổng thống Obama là một thí dụ cụ thể.
Trong bài “Tự hào về lịch sử văn hóa Việt Nam” (tr.332-341), tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, sau khi phân tích triết lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã viết như sau: “Đây là tư tưởng Việt Nam rất vĩ đại. Hòa đồng bằng tình thương! Ý nghĩa chung một giàn rất sâu sắc. Đó là triết lý sống thực tiễn sâu xa không gì bằng, không đâu bằng. Trái đất này là một giàn chung, ngôi nhà chung… Chính vì vậy con người cần phải thương nhau cùng”.
Nếu người VN thật sự có “tư tưởng rất vĩ đại”: thương yêu đồng loại như anh em một nhà, vậy thì phải tôn trọng lẫn nhau, phải đặt tình nhân loại trên tình dân tộc, cớ sao lại tự cho mình thông minh hơn những dân tộc khác. 
Một sự mâu thuẫn khó hiểu!!!

4/ Tự hào về “Ngôi nhà Việt Nam” trong Hội Chợ Expo Thượng Hải 2010
Trong bài “Tự hào về Việt Nam theo những cách riêng” cũng của Chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng. Mục “Chuyện anh Tân”, tác giả viết: “… Ấy vậy mà Việt Nam yêu quý của chúng ta lại trở thành một trong những “ngôi nhà” đứng đầu. Anh bạn Tân của tôi kể những câu chuyện đầy tự hào và xúc động. Tôi ngồi nghe như nuốt lấy từng lời. Anh khẳng định rằng người Việt Nam rất thông minh và có những lợi thế mà không có nước nào có thể sánh bằng.
Những con số biết nói: 8 triệu người tham quan “ngôi nhà” Việt Nam, trong khi “ngôi nhà” Mỹ chỉ thu hút được 7 triệu lượt khách tham quan. Về tài chánh, Việt Nam chúng ta chỉ có vỏn vẹn 3 triệu đô la, còn nước Mỹ đổ vào hơn 70 triệu”.
Người Việt rất tự hào khi hơn Mỹ, nhưng thật sự có đúng như vậy không?
Tôi bỏ nhiều thời gian tra khảo nhưng không tìm được bất cứ một thông tin nào nói về số lượng người viếng thăm gian hàng Việt Nam cao hơn Mỹ. Ban tổ chức Expo cho biết số lượng du khách ghé qua từng gian hàng nhưng chỉ ghi lại những gian hàng có số lượng khách thăm viếng cao. Trong trang web đáng tin nhất là Wikipedia, “Expo 2010 Pavillions” (17), trong phần viết về số lượng du khách đến thăm gian hàng Mỹ, ghi như sau: “As of August 31, 2010, the pavilion reported that attendance had surpassed 4.7 million and was averaging more than 41,000 people per day.[102] On September 30, 2010, the pavilion welcomed its 6 millionth visitor”. (Cho biết ngày 30/9/2010, số người đến thăm gian hàng Mỹ là 6 triệu).
Trong lúc đó về Gian hàng Việt Nam, tất cả chỉ vỏn vẹn có mấy hàng (không cho biết số lượng khách đến thăm gian hàng): 
• Within Zone A of the Expo Site.
• Theme: 1000-Year History of Hanoi.
• The facade of the 1,000-square-meter pavilion appears like a river and the bamboo surrounding it reduced the heat from the sun. The design highlighted Vietnamese culture. Visitors could learn about the country's profound history and culture as well as its wisdom in eco-protection and urban development.
Muốn biết Gian Hàng Việt Nam trong Hội Chợ Thượng Hải 2010 gây ấn tượng với du khách ngoại quốc như thế nào, xin đọc bài phóng sự ngắn dưới đây của BBC tiếng Việt “Ấn tượng người Việt, người Hoa ở Thượng Hải” (18) của ký giả Nguyễn Hùng tường thuật từ Hội Chợ Expo Thượng Hải năm 2010.
Hai du khách sau khi viếng nhiều gian hàng, đã đến thăm gian hàng Việt Nam và nhận xét như sau:

Gian hàng Việt Nam
“Cả một ngày hơn 12 giờ ở triển lãm, chúng tôi chứng kiến cảnh người Trung Quốc xếp hàng chờ xe buýt, chờ tới lượt vào các gian triển lãm, chờ tới lượt đứng vào vị trí đẹp để chụp ảnh.
Tất cả đều tỏ ra kiên nhẫn. Tôi nói đùa với Trương Vi ‘đây là bài học xếp hàng cho người Trung Quốc’. 
Thật đáng tiếc ấn tượng tồi nhất của tôi về EXPO lại diễn ra ở gian hàng của Việt Nam, một gian triển lãm khá sơ sài.
Khi nghĩ tới khẩu hiệu của triển lãm ‘Better City, Better Life’, tức ‘Thành phố Tốt hơn, Cuộc sống Tốt hơn’, gian của Việt Nam như được thiết kế cho một triển lãm khác. 
Nếu 1000 năm Thăng Long mà Việt Nam chỉ có vậy để đem khoe với bạn bè quốc tế thì thật là khó hiểu.
Khi tôi tiến lại hỏi chuyện một nhân viên tiếp tân người Việt, anh hỏi tôi: “Anh cần gì?”.
Tôi giới thiệu bản thân và nói muốn hỏi chuyện anh về ý đồ của triển lãm
Anh nói có một ‘chú’ phụ trách nhưng ‘chú’ đã về mất rồi và anh ‘không biết gì’ để trả lời.
Tôi không nói với anh nhưng nghĩ bụng ‘anh không biết gì thì sang đây làm gì’. 
Việt Nam cũng tranh thủ bán hàng thủ công mỹ nghệ và quầy bán hàng nằm ngay ở cửa ra vào. Tôi đi mấy gian triển lãm, kể cả của nước chủ nhà Trung Quốc, chẳng thấy nước nào bán hàng cả. 
Đúng là ‘năng nhặt chặt bị’, nhưng bán vài bức tranh, mấy cái lọ để tăm ở triển lãm quốc tế có vẻ hơi quê. 
Và trong khi tôi bị đối xử như công dân hạng hai trong gian của Việt Nam, người Trung Quốc chào đón tôi như VIP.
Một cô hướng dẫn viên ăn mặc lịch sự đứng chờ ở cổng vào, ấn nút mở cửa thang máy và sau khi chúng tôi vào hết lại ấn nút lên tầng trên.
Tôi đi tới đâu cũng có nhân viên giơ tay chỉ hướng đi tiếp và sẵn sàng giải đáp các câu hỏi.
Gian hàng của Trung Quốc có lẽ phải có tới vài chục nhân viên chỉ để hướng dẫn khách tham quan. 
Trung Quốc là nước lớn và nước chủ nhà nên họ hành xử như người lớn.
Nhưng chẳng lẽ Việt Nam có thể chấp nhận cách hành xử trẻ con chỉ vì mình là nước nhỏ?”. 

5/ Người Việt cao quý của A. Pazzi (tr.258-263)
Trong bài viết “Người Việt cao quý” của tác giả Hà Minh Hồng, là tiến sĩ Sử Học và được phong là Phó Giáo Sư, đại diện cho giới Sử học.
Mở đầu tác giả viết: “Nhớ có lần gặp trong tiệm sách cũ một cuốn sách mỏng của tác giả A.Pazzi, do Hồng Củc dịch, nhan đề Người Việt cao quý…”
Sau đó tác giả diễn tả những điều đáng tự hào của người Việt qua nhận xét của tác giả người Ý A.Pazzi.
Ngay sau 30/4/1975 mọi người đều biết A. Pazzi không phải là tác giả của cuốn “Người Việt cao quý”. 40 năm qua rồi, ông tiến sĩ sử, đại diện cho giới sử học, sao lại không biết chi tiết này!!!.
Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân “Nhà văn Vũ Hạnh: Người ẩn danh sôi nổi” (19) đã viết:
“Không phải bây giờ, mà thời đó, hầu như không ai biết, ông chính là tác giả ẩn sau những bút danh Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, ký dưới các bài báo bút chiến, tiểu luận phê bình; tung hoành trên các cuốn nhật báo, với truyện ngắn Bút máu, truyện dài Lửa rừng, tiểu thuyết Cô gái xà niêng, công trình lý luận “Đọc lại Truyện Kiều”... đặc biệt là tác phẩm “Người Việt cao quý” với bút danh A. Pazzi... 
27 năm sau, NXB Mũi Cà Mau mới tái bản tác phẩm “Người Việt cao quí” với đúng tên thật là nhà văn Vũ Hạnh”.

III. Có nên tự hào về “hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc”?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng viết: “Người Việt rất may mắn, rất tuyệt vời. May mắn và tuyệt vời đến mức khó tin. Cá nhân tôi và rất nhiều bạn bè của mình cũng thấy vậy. Dù đi học hay đi du lịch, dù đi công tác hay đi làm ăn, ở đâu cũng thấy có hồn thiêng sông núi, có các anh linh dân tộc phù hộ. Mỗi lần khó khăn, tôi chỉ cần nghĩ đến và cầu nguyện tổ tiên đất Việt là y như rằng mọi khó khăn đều qua và mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Nhiều bạn bè và học trò cũng nghe tôi hướng dẫn và rất thành công. Có vài bạn chưa đạt được như ý. Tôi nghĩ, đó là do chưa thật sự thành tâm.” (tr.38)

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đi từ những tự hào mơ hồ lãng mạn sang niềm tự hào không thể chứng minh. “Hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc” thuộc lãnh vực “tâm linh, huyền bí” – đó là niềm tin của mỗi người, không thể nói là đúng hay sai, càng không thể xem là niềm tự hào dân tộc.
Mặc dầu vậy, tôi cũng xin có ý kiến: 
Từ câu “Dù đi học hay đi du lịch, dù đi công tác hay đi làm ăn” cho thấy ông và bạn bè của ông đều thuộc thành phần thượng lưu, nếu không là cán bộ thì cũng là đại gia, trí thức.
Nếu đúng như lời ông Hùng nói thì không có hàng triệu mảnh đời khốn khổ trên đất nước VN như hôm nay.
Mỗi ngày trên đất nước đang có hằng trăm ngàn người đang cầu nguyện “hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc” phù trợ cho họ thoát khỏi những cảnh đời bi đát. Đó là những “dân oan khiếu kiện” từ khắp miền đất nước, những tù nhân lương tâm đang bị tra tấn, những bà mẹ lam lũ vẫn không kiếm đủ cho con ăn học, những cô dâu VN bị hành hạ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, những cô gái nghèo phải “bán thân nuôi miệng” từ Singapore sang tận Ghana (16), những thanh niên thiếu nữ Việt phải sống lậu làm chui từ Á sang Âu, những em bé tuổi còn ngây thơ bị bán qua Campuchia, và hàng ngàn cảnh đời thương tâm khác… 
Tiếng cầu nguyện của những người đang tuyệt vọng bao giờ cũng thành khẩn hơn những thành phần giàu sang phú quý. 
Nếu đúng như lời tiến sĩ Hùng nói thì “hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc” của đất nước VN thời nay chỉ phù trợ cho những thành phần có thế lực!!! 

IV. Nên tự hào hay nên xấu hổ trong những trường hợp này:
1/ “Tôi tự hào về những gì mà Việt Nam chúng ta đã và đang xuất khẩu: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu, hải sản, rau quả...” (tr.45)
Nếu dân tộc VN thông minh như Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói thì đáng lý ra VN phải xuất cảng những sản phẩm trí tuệ như máy móc, đồ điện tử, robot, sắt, thép, hardware, software…v.v
Xuất khẩu gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu, hải sản, rau quả... không thể coi là niềm tự hào. Đúng hơn là phải xấu hổ. Sản phẩm nông nghiệp thì bất cứ dân tộc nào cũng có thể làm được và chẳng thâu về được nhiều ngoại tệ. Không có một quốc gia nào giàu nhờ xuất cảng nông nghiệp. Nông phẩm bán ra với giá rẻ, trong lúc đó phải nhập vào máy móc, đồ tiêu dùng, vật dụng kỹ thuật… với giá cao. 
Và không lẽ ông Nguyễn Mạnh Hùng không hiểu rõ hoàn cảnh của người nông dân VN hiện nay sao, báo chí trong nước đã nói rất nhiều. Chưa có thời đại nào người nông dân VN khổ như thời nay, khổ đủ mọi thứ: từ thiên tai, chính quyền cướp đất, chịu đủ thứ thuế cho đến bị các thương gia Việt Nam, Trung Quốc ép giá…

2/ Nuôi dưỡng hận thù cũng là niềm tự hào dân tộc?­
Trong bài “Việt Nam sẽ thắng mọi kẻ thù” (tr.109-117) do Văn Việt – Hải Hà phỏng vấn Thượng tướng CS Nguyễn Huy Hiệu, khi nhắc lại cuộc chiến vừa qua, ông Nguyễn Huy Hiệu nói: “Sinh thời, Người [Hồ Chí Minh] khẳng định: ‘Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ’… Khi đó, chúng tôi tiếp tục tích lũy lực lượng, chuẩn bị tổng tấn công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trận Ban Mê Thuột, chúng tôi điểm vào đúng yếu huyệt của địch, để rồi giành thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975…”
Trong lúc đó, đối với những kẻ đang xâm chiếm lãnh thổ của VN thì cũng chính ông tướng này tuyên bố rất nhỏ nhẹ: “Mối quan hệ Việt Nam, Trung Quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông gây dựng nên. Tôi cho rằng các thế hệ về sau phải biết tôn trọng, gìn giữ đúng tinh thần của hai nhà lãnh tụ.”
Tinh thần của hai lãnh tụ có lẽ là tinh thần mà nhà thơ Tố Hữu đã nêu ra: “Bên ni biên giới là mình, bên kia bên giới cũng tình quê hương.” “Bên ni” hay “bên kia” đều là quê hương, cho nên có tặng cho chút đất, chút biển, không phải là chuyện lớn để làm ầm ĩ!!!
Tiếp theo đó là bài “Yêu nước, yêu hòa bình, cần có hành động đúng đắn và phù hợp” (tr.119-125), để trả lời những câu hỏi liên quan đến việc giàn khoang Hải Dương 981 kéo đến hải phận Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh (đại diện lãnh vực truyền thông) trả lời: “Cho nên có thể nói, với Việt Nam chiến tranh không được phép xảy ra và hòa bình là nỗi khát khao của tất cả mọi người.”
Với ngoại bang, dù đang xâm lấn lãnh thổ, vẫn hết sức nhỏ nhẹ: “phải biết tôn trọng, gìn giữ tinh thần của hai nhà lãnh tụ”, “chiến tranh không được phép xảy ra”, trong lúc đó với đồng bào của mình thì sẵn sàng hy sinh tất cả, chiến đấu tới người lính cuối cùng. 
Mặc dầu cuộc chiến đã chấm dứt từ 40 năm trước mà trong cuốn sách này vẫn bàng bạc nhắc đến “cuộc chiến chống Mỹ cứu nước” coi đó như một niềm tự hào dân tộc. 
Cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” đó thực chất là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn do Miền Bắc chủ xướng và Miền Nam ở vào vị thế bắt buộc phải tự vệ. Nếu còn mang trong người dòng máu Việt Nam, làm sao có đủ cam đảm để tự hào khi có nhiều hàng triệu sinh mạng của hai miền đất nước đã nằm xuống và lòng người vẫn còn chia cách đến tận hôm nay. Phải xem đó như một nỗi nhục, một vết thương cần phải chữa lành, chớ sao lại là niềm hãnh diện. 
Tinh thần nhân ái mà tác giả Phạm Phú Ngọc Trai đề cao trong bài “Ấm Lòng Việt Nam” (tr.277-283) áp dụng ở đâu? với kẻ thù phương bắc nhưng không với đồng bào của mình chăng! 
Chưa đủ sao mà còn thêm “Một bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đường mòn Hồ Chí Minh” (tr.109-117), như khơi dậy thêm một vết thương khác của người Miền Nam. Thật sự “Đường mòn Hồ Chí Minh” là con đường đưa cả dân tộc về cõi chết.

Trong bài phỏng vấn này của ký giả Virginia Morris, tướng Giáp cho biết: “Tháng 5/1959 tôi ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh”, đoạn khác tướng Giáp nói: “Các kỹ sư của đường Trường Sơn rất khéo léo và chịu nhiều hy sinh. Trong đó có rất nhiều cô gái đang tuổi lớn. Họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho con đường. Và khi trở về họ đã không còn trẻ như cô nữa” (tr.132). 
Tướng Giáp kết luận bài phỏng vấn bằng cách cho ký giả Virginia biết tinh thần yêu nước của người Việt lúc đó: “Tôi tin rằng nếu lúc đó cô là một cô gái Việt Nam, cô sẽ lên đường đi Trường Sơn.”
Rất đúng, nhiều thế hệ ở Miền Bắc đã bị ru ngủ bởi những lời tuyên truyền quá hay của giới lãnh đạo như tướng Giáp - núp dưới chiêu bài “yêu nước”, “niềm tự hào dân tộc”, cho nên nhiều người trẻ sẵn sàng hy sinh theo tiếng gọi của Đảng.
Người Việt trong nước ngày nay quá tự hào về tướng Giáp “là một trong 10 vị tướng xuất sắc nhất trong lịch sử nhân loại” và đang tôn vinh ông như một vị thánh,  nhưng hình như không ai đặt câu hỏi này: Trong lúc có những cô gái “đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho con đường”, con số có thể lên đến hàng chục ngàn người và có hàng triệu thanh niên thanh nữ đã “sinh Bắc tử Nam”, thì con cái của tướng Giáp đã làm gì trong thời gian đó. 

Cả 5 người con của Giáp mặc dầu đã trưởng thành trong cuộc chiến vừa qua nhưng không người nào phải đi bộ đội: Võ Hồng Anh sinh năm 1939, du học ở Nga năm 1954. Võ Hòa Bình (SN1951) học đại học tổng hợp Hà Nội. Võ Hạnh Phúc (1952) du học ở Nga. Võ Điện Biên (1954) du học ở Nga, Võ Hồng Nam (1956) học Đại Học Bách Khoa, sau đó du học ở Hungary. (20) 
Tướng Giáp không xem điều đó là bất công! Và tệ hơn nữa là đại đa số người Việt coi đó là bình thường. Nó bình thường nếu như chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta là một dân tộc có nhiều điều dở cần phải học hỏi thế giới, nhưng nó không bình thường khi người Việt tự cho mình cao hơn những dân tộc khác trong khi không tuân thủ một giá trị căn bản nhất.
Đối thủ một thời của tướng Giáp trong cuộc chiến Đông Dương lần Thứ Nhất là Đại tướng Jean Lattre de Tassigny. Nhiều người Việt không coi tướng Tassigny xứng đáng là đối thủ của tướng Giáp, nhưng nhân cách của tướng Tassigny thì hơn xa tướng Giáp. 

Trong lúc tướng Tassigny đang là Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp tại Đông Dương (6/12/1950 – 19/11/1951) thì người con duy nhất của ông là Trung Úy Bernard de Lattre de Tassigny tử trận tại Ninh Bình ngày 30/5/1951. Mặc dầu là một mất mát quá lớn nhưng tướng Tassigny vẫn coi đó là niềm hãnh diện. 
Đối với người Pháp, họ thương mến và nể phục ông nhưng họ chỉ xem ông như một vị tướng giương mẫu. Chuyện cha là tướng, con ra chiến trường là chuyện bình thường ở xứ Tây Phương, không có gì phải đề cao. Một xứ gọi là văn minh không giờ chấp nhận sự bất công dù dưới bất cứ hình thức nào.
Riêng với người VN, mặc dầu sự bất công quá rõ ràng như thế nhưng người ta không xem đó là quan trọng và vẫn tôn vinh tướng Giáp như một vị thánh, bởi vì dân tộc chúng ta là một dân tộc không coi trọng danh dự và sự công bằng. 


__._,_.___

Posted by: =?utf-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official26/3/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link