Wednesday, April 22, 2015

Lịch sử nhìn từ âm bản....Chắc chắn CSVN không có nhân tính.


Lịch sử nhìn từ âm bản

Đặng Thơ Thơ
2015-04-21
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
pic18.jpg
Ánh mắt thất thần của những người di tản tháng 4/1975
Files photo

Hàng năm cứ vào tháng tư, lúc cơn gió Hạ Lào khắc nghiệt xoáy về thành phố, những đám mây màu da cam lại bắt đầu phát sáng trên không, ký ức của tôi lại bừng sống dậy với những hình ảnh của một cuộc chiến không thể nào tàn. [1]
30 tháng 4 năm 1975 là ngày miền Nam tiếp thu miền Bắc. Xe tăng Việt Nam Cộng Hòa đi từ năm cửa ô tiến vào đường Thanh Niên. 

Dân chúng đứng hai bên đường cầm cờ vàng ba sọc đỏ vẫy chào. Gió lùa lên từ hai phía hồ Tây và hồ Trúc Bạch phe phẩy những giải khăn tang trắng cột trước nòng đại bác. Những người lính thuộc nhiều binh chủng đều bị trọng thương, nhưng họ vẫn đứng nghiêm trong tư thế trình diện nhân dân Hà Nội. Xe tăng đi ngang Văn Miếu, vòng quanh chùa Một Cột rồi chuyển hướng tiến về phía quảng trường Ba Đình. Buổi trưa, tiếng xích sắt chiến xa nghiến rát bỏng trên mặt đường tráng nhựa.

Cả thế giới bàng hoàng chứng kiến lịch sử trên những màn ảnh TV đen trắng. Ngày tàn của cuộc chiến. Cộng sản đã quy hàng. Nước Mỹ ngạc nhiên đến câm lặng và Kissinger buột mồm chửi Fuck! Tiếng chửi đã được đài BBC thu lại, được cả tỷ lỗ tai loài người thu lại. Sau này ông ta đã viết khá nhiều cuốn sách để bôi xóa nó đi.

Ký ức của một người bị bắn vào đầu sẽ có nhiều sai lệch.
Những gì tôi nhớ được đến ngày hôm nay, là do tôi cất giữ ở trong đầu. Nếu họ đập đầu tôi lúc đó, họ sẽ nhìn thấy…
Xe tăng tiến từ từ đến quảng trường Ba Đình trong tiếng hô hào vang dội, rồi xe quay về 
phía lăng Hồ Chí Minh. 

Nhưng xe tăng không ủi xập tường, không phá hủy lăng như người ta tưởng. Quân đội miền Nam giữ đúng tư cách, họ giải giới vũ khí trong tinh thần nhân bản. Xe tăng ngừng giữa những hàng cây. Gió tháng tư hiu hiu ngọt mùi hoa sữa. Những ủy viên trung ương đảng cộng sản đang đứng dưới cột cờ. Họ đã bỏ quần áo đại cán thay trang phục thường dân. Họ gỡ lá cờ đỏ sao vàng xuống. Những người lính miền Nam lặng lẽ làm nhân chứng. Cuộc hạ kỳ nào cũng làm chúng ta bùi ngùi, dù lá cờ thuộc về phe nghịch. Đây là lúc gấp lại quá khứ như thể quá khứ chỉ là một mảnh vải hình chữ nhật, một mảnh vải che vừa vặn chiếc quan tài.

Đầu những người lính miền Nam vẫn còn quấn băng che lỗ đạn bắn vào màng tang hôm trước. Dáng họ lảo đảo. Có thể thấy máu vẫn còn chảy bên dưới mớ tóc dính bệt trán, bên dưới thái dương…

Ký ức tôi rất nhạy với mùi máu. Máu vẫn còn rỉ trong đất dù những xác chết đã ngưng thở. Chín cái xác người vẫn còn nằm đó, đại tá Đặng Sĩ Vinh và vợ con, mỗi người một viên đạn ghim giữa sọ. Những lá cờ vàng ba sọc đỏ đang che phủ thi thể và xác chết trở thành biểu tượng bình lặng nhất của cuộc chiến.[2] Nhưng mùi máu vẫn đi xuyên qua vải, xộc lên mũi, lạnh óc. Mà máu đâu chỉ là máu thôi? Máu còn là nước rửa tội. Có những tội lỗi chỉ rửa sạch được bằng máu này. Sự phản bội chẳng hạn. Cho nên chúng tôi cần nhiều máu lắm, để lau chùi sự phản bội của một tập thể, của những hiệp ước, của trước và sau chiến tranh, của một vị tướng ngang tàng đến đứa con cầu tự[3]. Sự phản bội không thuộc riêng ai, nó như thuộc tính của con người.
pic60-400.jpg
Di tản tháng 4/1975
Vậy là cuộc giải giới đã hoàn thành trong tình huynh đệ. Họ đã bắt tay nhau. Người chiến thắng đã đưa tay ra trước. Tấm hình người bộ đội và lính biệt động đứng cạnh nhau đã xuất hiện trên trang nhất của các nhật báo toàn cầu. Báo Times còn tiết lộ họ chính là anh em ruột (nguồn tin lấy từ tờ Chính Luận – Sài Gòn).

Trong buổi lễ bàn giao ở trụ sở Trung Ương Đảng Hà Nội, người chiến thắng đã nói:
“Trong chiến tranh, chúng ta dù theo đuổi những lý tưởng khác nhau, đều đã hành xử như những người lính can trường. Nỗ lực này cần phải được ghi nhận từ mọi phía. Con cháu chúng ta khi học lịch sử Việt Nam sẽ không khen người thắng không chê kẻ bại, nhưng sẽ ghi nhận sự can trường hay hèn nhát của những người tham chiến [4].

Chúng tôi sẽ không bắt giam những người cách mạng. Bộ đội không phải đi học tập cải tạo, không phải lao động khổ sai. Ngay cả đảng viên cũng vậy. Chúng tôi sẽ không xử tử chủ tịch nước, không đấu tố tổng bí thư, không chôn sống bộ chính trị. Những nhà tù sẽ phải phá đi. Ba mươi năm qua chúng ta đã chơi một trò chơi điên rồ, và cám ơn Trời Phật, trò chơi đã chấm dứt.”
Ký ức tôi vẫn chơi trò nhìn từ âm bản, nhìn bóng tối thành ánh sáng, nhìn trắng thành đen, nhìn cỏ xanh thấy ra máu đỏ.
Tôi đang xoay chiều lịch sử trong thế giới của riêng mình, lịch sử của những người đã chết. Đó là một lịch sử rất hiền, hiền như bài luận văn ngày khai trường của tuổi thơ Nam bộ. Bài luận văn được nắn nót viết bằng mực tím.

Nhưng lịch sử không viết bằng mực tím.

Dưới chân tượng người lính Thủy Quân Lục Chiến, những giọt máu cuối cùng của Nguyễn Văn Long đang trút xuống để viết lên lịch sử. Máu tuôn ồng ộc trên những bậc thang. Máu rút qua khe cỏ thấm giữa lòng đá, máu trở về đất và nằm mãi nơi đó. Pho tượng lính đã bị kéo xập. Gạch vụn đổ lên xác người thiếu tá. Mỗi người có cách viết lịch sử riêng của họ. Người ta đã bôi xóa nhiều thứ khỏi thực tại nhưng vẫn còn ký ức là vùng bất khả xâm phạm. Bạn tôi Hồ Ngọc Cẩn đang đứng giữa phiên tòa công cộng. Anh đã dùng đến viên đạn cuối cùng. Đến phiên những người công an chĩa súng và bạn tôi trở thành tên phản động, thành tay sai đế quốc, thành kẻ phản bội nhân dân. Bản án của họ vội vã, lấp liếm, trá ngụy. Họ xử tử ngay giữa chợ. 

Hồ Ngọc Cẩn nói: “Cho tôi mặc quân phục miền Nam, cho tôi chào lá quốc kỳ lần chót, rồi hãy bắn tôi.”

Trong ba điều ước, người cộng sản chỉ cho anh điều cuối.
Những anh hùng liệt sĩ hai miền đang gượng dậy từ cuộc mất máu. Lê Anh Tuấn không nhặt khẩu colt .45 văng giữa lòng thuyền. Lê Văn Hưng nhét súng lục dưới nệm và bỏ quên ở đó. Lê Nguyên Vỹ bước tới tương lai, khẩu súng để lại dưới cột cờ của tổng hành dinh doanh trại[5]. Vũ khí không còn hữu dụng nữa. Họ cùng Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai và Nguyễn Khoa Nam đang chỉ huy đoàn xe tăng đi ngược đường Trường Sơn, theo Quốc Lộ 1 băng qua những vùng chiến thuật. Khắp nơi mặt đất nở hoa huệ trắng. Chỉ có mùi huệ tinh khiết mới át nổi mùi tử khí còn tươi roi rói.
Ra đến Bắc, đoàn xe tăng biến thành xe tải đi khắp thành phố làng mạc. Những chiếc xe tải mang gạo, mang nhu yếu phẩm, mang thuốc men, mang sách vở từ trong Nam ra phân phát cho dân miền Bắc.

Dân chúng ùa ra đường ăn mừng hòa bình. Những người con bộ đội đã trở về. Lưu Quang Vũ ngồi viết những bài thơ khác, trên sân khấu của anh là những vở kịch khác và một định mệnh khác ngoài đời. Dương Thu Hương nếu có khóc cũng sẽ là những giọt nước mắt khác, trên những vỉa hè khác, cho những thân phận khác. Truyền hình trên thế giới nhận định: “Đây mới là đổi đời thật sự. Người miền Bắc ăn mừng sự phá sản của chế độ tem phiếu và hộ khẩu. Họ ăn mừng ngày tàn của chế độ cộng sản. Từ nay trở đi, chuyện đấu tranh giai cấp chỉ là một khái niệm gớm ghiếc. Những từ ngữ ghê rợn như tịch thu nhà, đánh tư sản, kiểm kê, kinh tế mới… chỉ là những giải nghĩa lỗi thời trong tự điển. Cơn ác mộng của miền Bắc ba mươi năm ‘kháng chiến chống Mỹ’ đã qua đi.”

Cơn ác mộng sẽ qua đi nếu chúng ta bám cứng vào cuộc sống? Buổi chiều trên dốc Thiên Thu, những vong linh ở nghĩa trang Quân Đội bay chập chờn lên đỉnh núi Châu Thới, những vong linh nhìn về trời và hát vu vơ:
“Chiều lên trên đồi cao, hát trên những xác người, tôi đã thấy tôi đã thấy…”
pic77.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai tuẫn tiết trong ngày 30/4/1975.
Trên cuộc đời, những hiện thực này không phủ nhận nhau. Những hiện thực của âm và dương không triệt tiêu nhau. Chúng cùng tồn tại.
Ủy ban quân quản miền Nam quyết định lưu giữ tất cả những di tích văn hóa lịch sử dựng lên từ thời cộng sản. Họ cũng quyết định không đốt sách, dù là sách tuyên truyền, dù là nghệ thuật minh họa. Tượng Lê-nin đứng gác công viên Hà Nội cũng để nguyên. Những bài ca từ thời hồng và chuyên cũng vậy. Âm nhạc sẽ đi qua cánh đồng thời gian không biên giới. Tiến Quân Ca vẫn cứ là niềm tự hào của nhiều thế hệ từng tham gia kháng chiến.
Ký ức tôi rất dễ bị tổn thương với những bài ca. Những ca khúc có khả năng chứa đựng ký ức giúp con người. Những lời ca vẫn làm tôi phải khóc như một đứa bé thơ: Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống… Bài hát đầu tiên trong đời sẽ là bài ca cuối cùng cưỡng chống lại quá trình tẩy xóa của quyền lực trên trí nhớ. Một nguyên tắc mặc nhiên đã ngấm vào ý thức: Dù cho thây phơi trên gươm giáo, thù nước lấy máu đào đem báo… Công dân ơi mau hiến thân dưới cờ…
Bài ca này anh em chúng tôi sẽ hát trước giờ cố thủ, trước khi kề súng sát màng tang.
Họ đã thành công trong việc cố thủ Cần Thơ, đã giữ được quân khu 4 và bảo toàn tỉnh Chương Thiện. Đoàn xe khởi hành đúng ngày 30 tháng 4. Theo hoạch định, họ sẽ đến Hà Nội kịp thời để dự đám tang tập thể trên phố Khâm Thiên. Phát tang vào đúng giờ thả bom, cả khu phố khoác áo xô gai để trở. Cả trăm cỗ quan tài đặt tạm trên nền hố bom, gạch vỡ. Nến chảy leo lét giữa những căn hộ không mái không tường.
Mùi hương nặng mà vẫn không át nổi mùi tử thi trong trận dội bom B-52 hôm trước. Sáu giờ chiều là lúc cửa âm mở, là lúc những vong linh nhập vào làn khói đang bốc lên uể oải để hiện nguyên hình dạng. Khói hương lẩn khuất đọng giữa lối đi trên phố, không tan.
Đám tang xong, những người lính sẽ quay về Huế thăm nấm mồ tập thể từ sau cuộc thảm sát Mậu Thân. Đoàn xe của họ sẽ lại băng ngang vĩ tuyến 17, nhiều lần như vậy, ranh giới ấy bây giờ chỉ còn là một đường nứt đã phai mờ.
Đầu tôi mang một vết nứt rất tình cờ. Chính vết nứt đã làm mọi thứ không thể khít khao ăn khớp với nhau được nữa. Vết nứt là một biên giới trũng sâu đầy ma ảo. Chúng tôi đã vượt qua biên giới. Đất nước trải rộng trước mắt chúng tôi như cuốn phim chiếu lên màn trời: Đoàn xe băng ngang những giao thông hào, những đồi kẽm gai, những bãi mìn xương trắng. Những nấm mồ hoang quanh trại cải tạo. Những xác người phình trương sóng tấp vào bờ. Những căn nhà xiêu dột chỉ còn mẹ già nói chuyện với con trên bàn thờ liệt sĩ.
Chúng tôi đi ròng rã nhiều năm, vẫn đang đi tới, đi không ngừng nghỉ. Chúng tôi đi theo dấu máu chảy và máu chúng tôi vẫn đổ ra không thể nào cầm. Máu của chúng tôi phải dư thừa, phải sung mãn, phải đủ để chia đều cho lương tâm thắng trận và danh dự của miền Nam bại trận.
[1] Phỏng theo câu mở đầu trong bài văn Ngày Tựu Trường của Thanh Tịnh: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”
[2] Đại tá Đặng Sĩ Vinh cùng vợ và bảy người con cùng tự sát vào ngày 30 tháng 4, 1975 tại nhà riêng.
[3] Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, tác giả cuốn hồi ký Con Cầu Tự, đã quay về định cư ở Việt nam.
[4] Dựa theo nhận định của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trong cuốn hồi ký Can Trường Trong Chiến Bại.
[5] Thiếu tá Hải Quân Lê Anh Tuấn sau lệnh bỏ súng của tổng thống Dương Văn Minh vẫn hiên ngang chỉ huy đoàn chiến đỉnh về Bến Lức. Khi bị chận đêm 30 tháng 4, 1975, không còn lối thoát, thiếu tá Tuấn tự sát bằng Colt 45 chứ không chịu đầu hàng (theo Hồ Văn Kỳ Thoại). Tướng Lê Văn Hưng sau khi tự bắn vào đầu đã giấu súng dưới nệm, vì sợ vợ ông tìm thấy súng sẽ tự vận theo (theo lời kể của bà Phạm Thị Kim Hoàng, vợ tướng Hưng). Tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự sát dưới cột cờ tổng hành dinh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Lai Khê trước sự chứng kiến của binh sĩ.


Ký ức về ngày Sài gòn sụp đổ

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-04-13
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Ký ức về ngày Sài gòn sụp đổ Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Untitled-2.jpg
Nhà văn Đặng Thơ Thơ trả lời phỏng vấn Kính Hòa tại RFA tháng 4/2015
RFA photo
Nhà văn Đặng Thơ Thơ sinh ra và lớn lên tại Sài gòn. Sang Mỹ Đặng Thơ Thơ là một trong những người sáng lập trang văn học Da Màu, và Đặng Thơ Thơ cũng được biết đến như một trong những cây bút người Việt viết về giới tính.
Trong tác phẩm mới xuất bản Khả Thể, nhà văn có đề cập đến những ký ức về ngày 30 tháng Tư năm 1975. Trong một dịp sang vùng Washington DC, nhà văn dành cho Kính Hòa một buổi phỏng vấn về những ký ức này, và những nhận xét liên quan đến văn học của người Việt hiện nay. Trước hết nàh văn cho biết:
Trong cuốn Khả Thể, Thơ có hai truyện nói những ký ức về 30/4. Truyện đầu tiên là Mở Tương Lai, là kinh nghiệm của riêng gia đình Thơ, vào lúc miền Nam bị sụp đổ, mình tìm cách thoát khỏi nhưng bị kẹt lại. Trong đó có một đoạn bà ngoại của Thơ Thơ, lúc đó gần chết, phát ho mỗi người một ve thuốc độc. Cái cảm giác của mọi người trước và sau khi nhận ve thuốc độc. Khi mình nhận ve thuốc độc thì mình bình tĩnh lại trước tất cả mọi biến cố, vì mình biết là từ đây mình làm chủ đời sống của mình, mình không sợ bất cứ một áp chế nào của quyền lực đè nặng lên đời sống của mình hay phẩm giá của mình nữa.
Truyện thứ hai là Lịch sử nhìn từ âm bản, trong đó Thơ viết về những người lính, những vị tướng đã tuẫn tiết trong thời điểm 30/4. Thơ rất kính phục họ và đây cũng như là một sự vinh danh giành cho họ. Khi viết truyện này thì Thơ tìm hiểu rất nhiều, và khi viết cũng có rất nhiều nước mắt. Mình cảm thấy mình nợ rất nhiều những cái chết đó, và khi Thơ viết là Thơ muốn những cái chết đó không trở thành uổng phí. Đối với Thơ thì cái hành động tự tử đó rất là đẹp, vì mình làm chủ cái đời sống của mình, chống lại cái áp chế của những chế độ toàn trị.
Kính Hòa: Trong Khả Thể có một truyện đầu tiên là Con yêu tinh thứ 108, thì dường như nó mang những suy nghiệm hiện đại, không có âm hưởng của quá khứ, gần với những suy nghĩ của thế hệ trẻ hiện nay trong và ngoài nước, có phải như vậy không?
Đặng Thơ Thơ: Đó là một cuộc đối thoại nhiều chiều, những thế hệ khác nhau. Nhân vật chính trong này là con hoang của Hồ Chí Minh. Và cũng có đối thoại với những thế lực ở trong nước họ đòi hỏi dân chủ cho Việt nam. Còn một nhân vật khác nữa là Thích Hiển Đạo thì Thơ lấy cảm hứng từ việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước lập đàn tràng giải oan. Cái hành động đó làm cho Thơ đặt câu hỏi là tại sao phải giải oan, trong khi họ cần một lời xin lỗi chính thức thì đúng hơn.
Kính Hòa: Trong lĩnh vực văn chương giới tính thì nhà văn Đặng Thơ Thơ được xem là người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Khi bắt đầu có những ý tưởng dấn thân vào con đường này thì nhà văn có cảm thấy khó khăn, trở ngại gì không trong một văn hóa khá khắt khe của Việt Nam?
Đặng Thơ Thơ: Thơ không cảm thấy khó khăn, mà thật ra nó còn là thuận lợi vì mình viết về những cái người ta ít viết thì mình còn đất để mà khai phá. Nhưng cũng có những thử thách là mình viết thế nào để tiếp cận độc giả.
Trong giới tính lại có cả khá cạnh chính trị lồng vào đấy, rồi tôn giáo và những cái khác nữa. Nhiều khi Thơ viết xong thì đưa cho bạn bè chứ không đưa cho người trong gia đình như bố hay mẹ đọc. Có những chuyện trong này thì khi xuất bản rồi bố mẹ mới được đọc.
Nói về giới tính thì không cùng, trong này chỉ là một phần thôi. Câu chuyện rõ nhất là Ký ức của người loạn tính. Thơ muốn cho thấy rằng giữa họ và mình, cái sự chúng ta tưởng là khác biệt thực sự không khác biệt. Những thứ mà chúng ta cảm thấy khác biệt là bởi tại vì chúng ta chưa có từ ngữ để dành cho nó thôi. Chúng ta không biết rất nhiều điều, và chúng tưởng những điều chúng ta biết là một chân lý duy nhất. Có những điều chúng ta chưa đặt tên cho nó cho nên tưởng rằng nó không tồn tại, thực sự thì nó có tồn tại hết.
Giữa trắng và đen, giữa nam và nữ là một khoảng rất là dài những màu xám khác nhau.
Kính Hòa: Liên quan đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì dường như có một dòng văn học đã nảy sinh và trưởng thành, Thơ Thơ đánh giá thế nào về sức sống của nền văn học đó? Tại vì cũng có những ý kiến cho rằng đối với một đồng hải ngoại, bị đứt khỏi mảnh đất quê hương của họ thì khó có thể duy trì nền văn học bằng tiếng bản ngữ của họ?
Đặng Thơ Thơ: Thơ cho rằng thời điểm 75-85 là thời điểm rộ nhất của văn học hải ngoại với những cây bút của miền Nam định cư bên này. Họ có điều kiện mới để viết, họ viết về kinh nghiệm của họ, cũng như là dòng văn chương hoài hương, và dòng văn học chống cộng rất là mạnh.
Sau chiến tranh lạnh, lúc Việt nam và Hoa kỳ đã có giao thương với nhau, điều đó ảnh hưởng tới văn học, nó bắt đầu đi theo một hướng khác, nhất là khi những nhà văn trong nước được cởi trói. Có một sự giao lưu không chính thức giữa những nhà văn phản kháng trong nước và những nhà văn ngoài này. Và với sự bùng nổ của Internet thì có vẻ ranh giới bị xóa mờ đi. Thành thử chúng ta rất là khó định nghĩa thế nào là văn chương hải ngoại. Vì có thể là một người ở trong nước nhưng tác phẩm của họ không thể công bố trong nước mà là ở hai ngoại thì mình đặt tên họ là nhà văn nào? Hay trường hợp chị Dương Thu Hương bên Pháp chẳng hạn, mà sách của chị ấy xuất bản ở Bolsa. Mình gọi chị Dương Thu Hương như thế nào, chị ấy lại không phải là một nhà văn miền Nam, như mình hay nghĩ văn học hải ngoại là sự kéo dài của văn học miền Nam, mà chị Dương Thu Hương là một nhà văn miền Bắc. Thành ra tất cả mọi sự đánh giá hay dán nhãn hiệu rất là khó.
Kính Hòa: Có những nhà văn người Việt nhưng viết bằng tiếng Anh, trong giòng chính của nước Mỹ, thì Thơ Thơ có nhận định gì về họ không?
Đặng Thơ Thơ: Thơ đã đọc những truyện của chị Lan Cao, nhất là cuốn mới nhất Hoa Sen Trong Bão Tố, rồi Thơ cũng thích đọc Đinh Linh. Rồi Monique Trương, Lê Thị Diễm Thúy, rồi nhất là gần đây là Lại Thanh Hà đoạt giải thưởng về tiểu thuyết viết cho tuổi thanh thiếu niên. Thơ rất tin tưởng là họ sẽ có tiến nói trong văn chương giòng chính. Và khi người ta nhìn những gì họ viết thì người ta nhìn họ là những nhà văn thôi, xin đừng đặt tên cho họ là nhà văn Mỹ gốc Việt (cười.)
Kính Hòa: Xin hỏi câu cuối là có lúc nào Thơ Thơ nghĩ là tác phẩm của mình sẽ được đọc ở Việt Nam một cách chính thức không?
Đặng Thơ Thơ: Tất nhiên đó là điều mình ao ước. Sau khi ra mắt sách xong Thơ sẽ post cuốn Khả Thể lên mục Trên kệ sách của trang Da Màu thì bạn đọc trong nước có thể đọc dduwwojc, nhưng đầu tiên phải tìm cách vượt tường lửa trước (cười.)
Kính Hòa: Xin cám ơn nhà văn Đặng Thơ Thơ đã dành thời gian cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn trong chuyên mục Ký ức 40 năm.
Đặng Thơ Thơ: Xin cám ơn tất cả các thính giả của Đài Á Châu Tự Do.




__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official19/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link