Monday, April 20, 2015

VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 4


 
VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 4

Phạm Hoài Nam

VIII. Tóm tắt một số bài còn lại­
- Bài “Người thợ giày vui vẻ”, tác giả là Hồ Thị Hải Âu, đại diện cho “sự nghiệp làm mẹ” nhưng viết về một thợ sửa giày ở Hà Nội, khéo tay, vui vẻ, tử tế với khách hàng. 
Đối với thế giới Tây Phương, một người làm thương mại, ngoài chuyên môn, muốn khách trở lại phải niềm nở, vui vẻ, tử tế… đó là chuyện đương nhiên. Tại sao lại coi đó là một niềm tự hào dân tộc? 

- Bài “Đặt vấn đề cho sống còn phát triển Việt Nam” một bài ngắn của tác giả Hùng Hữu Long, đại diện cho lãnh vực vàng, bạc, đá quý, viết giống như tác giả đang trong cơn lên đồng. Từ ngữ “vàng” được nhắc đến khoảng 100 lần: “Đúng, chúng ta phải là vàng, vàng của vũ trụ, vàng của thiên nhiên, vàng của nhân loại, vàng của xã hội, vàng của thế giới, vàng của khu vực, vàng của đất nước, vàng của tư duy, vàng của ký tưởng, vàng của chân lý, vàng của đạo đức, vàng của ý thức, vàng của thị trường, vàng của lịch sử, vàng của tài chánh, vàng của pháp luận, vàng của chính sách, vàng của tất cả…”. 
“Chúng ta từng có sức mạnh Hồ Chí Minh là vàng của tư tưởng, vàng đạo đức, vàng chân lý, vàng lịch sử, vàng văn hóa…chính là bắt nguồn từ đoàn kết…
“Tôi tin 30 năm? 60 năm? 120 năm sau Việt Nam sẽ là vàng, sẽ là báu vật, sẽ là tinh hoa của nhân loại…
“Trong tương lai sản phẩm vàng, sự kiện vàng, hành động vàng, con người vàng, lý tưởng vàng, tư duy vàng, nhân cách vàng, niềm tin vàng cho Việt Nam vàng tương lai.
“Với chiến dịch Hồ Chí Minh chúng ta đã thành công! Vậy tiếp theo Chiến dịch Hồ Chí Minh vàng, chúng ta sẽ tiếp tục thành công mới. Việt Nam vàng, thành phố vàng, tầm nhìn vàng, chiến lược vàng, khát vọng vàng, mục tiêu vàng…
“Chúng ta hãy cùng nhau chung tay góp sức xây dựng Việt Nam vàng, Đảng vàng, Nhà nước vàng, Thành phố vàng…”

Chỉ có ở thời đại con cháu Hồ Chí Minh, một bài viết thuộc loại “nửa điên nửa khùng” như thế mới được cho vào cuốn “Tôi tự hào là người Việt Nam”.

Bài “Thành Hoàng làng Hạ”, tác giả là tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Phó giáo sư đang dạy Đại học Sư phạm TPHCM, đại diện cho lãnh vực giáo dục nhưng nội dung phản tinh thần giáo dục. 
Chuyện kể làng Hạ đang sống yên lành, thế rồi “Không hiểu ma xui quỷ giục thế nào, cụ Cả lại nghĩ ra cái việc làm tượng Thành Hoàng làng.” Muốn làm được việc này cụ Cả phải nhờ đến thằng cháu, tên “Tư phệ” đang làm chức “viện trưởng tận trung ương”, là một cán bộ CS tiêu biểu “làng đồn nó giàu có vì mai mối buôn bán đất và dẫn mối quan chức”, thế rồi sau đó nhờ Tư Phệ làng có đầy đủ thủ tục, tài chánh để thực hiện bức tượng. Trong lúc tượng chưa hoàn thành thì cụ Cả chết. Ngày làm lễ dựng tượng, lúc vào hậu cung lạy tạ Thành Hoàng, chỉ có ông chủ lễ, Tư Phệ và Từ Thọt (là người nông dân trẻ mới được giao cho chức Thủ Từ), thì một cảnh hãi hùng xảy ra: “chủ lễ đã bị bức tượng đồng đè vỡ cả mặt, thân thể nát nhừ, be bét máu, tắt thở ngay sau tiếng thét.”
Sau đó tiếng đồn lan ra khắp nơi “Thành Hoàng Hạ linh thiêng lắm”, thế là khách đổ về làng càng ngày càng đông, “nhiều dịch vụ đã mọc lên như như nấm: quán nước, nhà hàng, nơi giữ xe và cả các quán karaoke nữa.” nhờ đó mà một số người kiếm tiền khấm khá. Về cái chết của ông chủ lễ, chỉ có Từ Thọt biết nhưng “sống để bụng chết mang theo”: “Chẳng ai biết thực hư bức tượng giờ thế nào, chỉ trừ Từ Thọt, người duy nhất biết chuyện, thỉnh thoảng như người dở hơi nghêu ngao hát: trăm năm bia đá thì mòn… Thọt đã quanh quẩn bên đám thợ đúc đồng cả tháng trời và cũng là người đầu tiên thấy kẻ xấu số bị Thành Hoàng đè. Nhưng có cậy răng Từ Thọt cũng chẳng nói ra…”. Đọc qua đến cuối câu chuyện thì ai cũng đoán được những âm mưu mờ ám đằng sau cái chết của chủ lễ.

Đây không phải là một chuyện ngắn dở (không biết là chuyện có thật hay giả tưởng), nhưng hoàn toàn không phù hợp với tinh thần giáo dục. Một bài viết có nội dung thư thế thì có gì để người Việt tự hào!

Thật tình người viết không biết ông chủ biên chọn bài dựa trên tiêu chuẩn nào. Có những bài không liên quan hoặc không trực tiếp liên quan đến đề tài của cuốn sách vẫn có mặt, chẳng hạn như: “Thế nào là Phật tử?”, “Phẩm chất con người Việt thời Lý-Trần”, “Nhà với người Việt”. Có những bài như truyện ngắn thì đúng hơn như “Ngọn lửa”, “Thành Hoàng làng Hạ”, còn lại một số bài khác, bày tỏ niềm tự hào dân tộc nhưng tất cả đều na ná như nhau, tự hào về Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… những điều ai cũng đã biết, còn lại là những niềm tự hào không có căn cứ.

IX. Kết luận: 

Như lời bà Bộ Trưởng Trần Thị Thanh Thanh nói với báo chí: “Cuốn sách này (Tôi tự hào là người Việt Nam) cũng như những dự án sắp tới là cơ hội khơi dậy sức mạnh dân tộc, khơi dậy những giá trị tiềm năng trong mỗi con người, để chúng ta có niềm tin bước tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. (28)

Đây cũng là thông điệp mà đa số tác giả trong cuốn sách TTHLNVN muốn gởi đến người đọc. 
Không phải bây giờ, mà kể từ khi đảng Cộng Sản có mặt ở VN, đề tài “tự hào dân tộc” luôn được nhắc nhở thường xuyên trên các diễn đàn văn chương, kịch nghệ, âm nhạc, báo chí... Những biểu ngữ treo khắp nơi và hệ thống loa công cộng có mặt từ nông thôn đến thành thị, từ đường lớn đến ngõ hẻm, chỉ để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền.

Sau năm 1975, người ta có cảm tưởng như thế giới đang bước vào kỷ nguyên của Việt Nam, say sưa trong chiến thắng, niềm tự hào dân tộc được khơi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết: Việt Nam là lương tâm của thời đại, là dân tộc duy nhất đánh bại hai đế quốc, là tấm gương cổ vũ nhân dân các nước đang bị áp bức. Đảng là đỉnh cao trí tuệ, Đảng là đạo đức, là văn minh…

Bây giờ các trí thức Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống đó bằng cuốn “Tôi tự hào là người Việt Nam” và nhiều cuốn “tự hào” khác sẽ ra đời.

Theo như cuốn sách này, người Việt Nam có nhiều thứ rất đáng để tự hào: Đất nước VN được thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên phong phú. Người Việt Nam là tinh hoa của nhân loại, rất thông minh, cần cù, sáng tạo, thương người, nhân nghĩa… Việt Nam có tất cả những yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới…

Nhưng thực tế có đúng như vậy không?
Ngay trong cuốn “Tôi tự hào là người Việt Nam”, tác giả Lương Hoài Nam đã trả lời phần nào về mức độ đáng tin của cuốn sách này: “Ở các nước văn minh thì cả năm người ta nói thẳng, nói thật, đến mức phải sinh ra “ngày Cá tháng Tư” để được quyền nói xạo, nói dối mà lương tâm không bị cắn rứt. Còn ở ta thì nói-không-thật hoặc không-nói-thật gần như trở thành một nếp sống, một nếp ứng xử, tương đối phổ biến, rồi từ đó cũng làm-không-thật hoặc không-làm-thật. Có hiện tượng buồn cười: nhiều bài viết của các cụ về hưu gây xôn xao dư luận, nhưng khi còn đương chức thì… chẳng thấy các cụ viết như thế, nói như thế thì lúc đó ngại cấp trên. Cũng rất con người thôi!” (tr.62). 

Về những “thành tích” của Việt Nam, tác giả Lương Hoài Nam nhận xét: “Trong toàn bộ lịch sử của đất nước, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như một nước giàu có, thịnh vượng… Với GPD hơn 50 tỉ/năm, Việt Nam vẫn là nền kinh tế nhỏ… Bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người trên 600 USD đặt Việt Nam vào danh sách các nước nghèo trên thế giới… Trong lịch sử, Việt Nam chưa có một nhà công nghiệp nào nổi tiếng thế giới… Việt Nam cũng chưa có gì đáng tự hào về khoa học… Về giáo dục hiện nay của Việt Nam, rất buồn nhưng cũng phải nói: chúng ta đã làm không biết bao nhiêu cuộc “thí điểm”, cho ra lò các “sản phẩm thí điểm” chẳng ra làm sao… Có thể kể ra rất nhiều thứ khác mà đất nước chúng ta không có hoặc có rất ít. (tr.60-61) 

Những thống kê/nghiên cứu của các cơ quan quốc tế(29) đánh giá về Việt Nam như sau:
- Thu nhập bình quân đầu người: Việt Nam hạng 123/182 
- Tiêu chí cống hiến cho nhân loại VN xếp hạng: 124/125 
- Mức độ ô nhiễm: 102/124 
- Giáo dục (human development): 121/187 
- Bằng sáng chế: 108/130 
- Tham nhũng: 116/177 
- Tự do ngôn luận: 174/180 
- Phát triển xã hội: 72/76 
- Y tế: 160/190  v.v…

Nhìn chung, VN nằm gần cuối bảng trong mọi lãnh vực. 

Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận: “Việt Nam vẫn là nước nghèo”(30). Về tham nhũng thì chính những người lãnh đạo cao cấp nhất của VN cũng xem đây là một quốc nạn, Chủ tịch Trương Tấn Sang mới đây phát biểu: “Nhiều cử tri TP.HCM đã nói thẳng với tôi “một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn””(31)

Đó là những sự thật về đất nước VN ngày nay mà thế giới đều biết và không ai có thể chối cãi. Với những “thành tích” như thế, thử tưởng tượng vẫn có những người Việt Nam tự hào với người ngoại quốc: “Chúng tôi tự hào là thông minh vào hạng “top ten” của thế giới, người Việt chúng tôi đã phát minh ra máy ATM, chúng tôi có Võ Nguyên Giáp là một trong 10 danh tướng xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới, chúng tôi đã lập được những kỷ lục thế giới như: tô hủ tiếu lớn nhất, bánh chưng to nhất…”

Một đặc điểm khác trong cuốn “Tôi tự hào là người Việt Nam”, là mặc dầu có những tác giả như Lương Hoài Nam nêu ra một cách tổng quát về những yếu kém của đất nước VN, tác giả Trần Thiện Tùng nêu ra trường hợp nhiều người trẻ miền quê phải bỏ học vì nghèo, tác giả Trần Đăng Tuấn nêu ra thực trạng nhiều trẻ em miền núi vào mùa Đông rét gần 0 độ C mà không có áo ấm để mặc, không có thịt để ăn… nhưng không người nào dám nêu câu hỏi: ai là người phải có trách nhiệm lớn nhất cho những vấn nạn đó?. 

Có một lối thoát nào cho Việt Nam không?
Vào năm 2012, hai học giả là Daron Acemoglu - Giáo sư kinh tế của Đại học MIT và James A. Robinson là Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị của Đại học Harvard đã xuất bản tác phẩm “Why nations fail” (Tại sao một số quốc gia thất bại). Có thể nói cho đến nay, đó là cuốn sách có giá trị cao nhất giải thích nguyên nhân tại sao trên thế giới có những quốc gia giàu có và có những quốc gia nghèo khổ. 

Sau 15 năm nghiên cứu, hai tác giả đã phân tích và đưa ra rất nhiều thí dụ cụ thể về những thành công và thất bại của nhiều quốc gia trên thế giới trong lịch sử 2000 năm qua của nhân loại. Cuối cùng hai ông đi đến một kết luận đầy tự tin rằng chỉ có một yếu tố duy nhất quyết định sự giàu-nghèo của một quốc gia – đó là thể chế (institution). Một thể chế chính trị dân chủ sẽ sinh ra một thể chế kinh tế tự do, tạo ra một sân chơi bình đẳng mọi người, người dân có động lực và điều kiện thuận lợi để phát triển hết khả năng và quốc gia trở nên giàu có. Ngược lại một thể chế chính trị độc tài sẽ nảy sinh ra một thể chế kinh tế khép kín, chỉ ưu đãi cho một số người, giết chết mọi nguồn sáng tạo và kết quả chỉ có một thiểu số giàu, còn lại đại số dân chúng thì nghèo khổ.

Trong cuốn sách này, hai tác giả nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của “nhóm lợi ích” (elite): Chế độ độc tài tự nó không thể tồn tài mà phải có một nhóm lợi ích hỗ trợ. Hai thế lực này nương tựa vào nhau để tồn tại và cùng có lợi. 
Đó cũng là đang gì xảy ra tại Việt Nam, từ ngữ “nhóm lợi ích” được báo chí trong nước gần đây nhắc đến rất nhiều.
Từ những nghiên cứu của học giả Acemoglu và Robinson, cũng như những gì xảy ra tại Việt Nam trong 60 năm qua, cho thấy ngày nào chế độ độc tài còn cai trị, ngày đó Việt Nam không có hy vọng thoát ra được nghèo khổ và lạc hậu.

Nghèo không phải chỉ đơn giản là sự thiếu thốn về vật chất. Những gì xảy ra ở Singapore, Mỹ Lai, Thái Lan, Trung Quốc… và ngay trên quê hương Việt Nam cho thấy nghèo khổ đi cùng với tủi nhục. Ngay cả dưới thời Pháp thuộc, phụ nữ Việt cũng không phải chịu cảnh bị rao bán tại Trung Quốc với giá khoảng 8000 Mỹ kim như những món hàng quảng cáo ở siêu thị. Và ngay tại quê hương mình những cô gái Việt phải hy sinh phẩm giá cao quý nhất của người phụ nữ để cho những người đàn ông ngoại quốc ngắm nghé lựa chọn như cảnh buôn bán nô lệ thời Trung Cổ. 
Có thời đại nào khốn nạn hơn thế nữa không!

Tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài đang trở thành một vấn nạn của thế giới. Mới nhất đây một người đàn ông Úc, Michael Brosowski, 40 tuổi, đã cứu hàng trăm cô gái Việt tuổi vị thành niên bị bán làm nô lệ tình dục ở Trung Quốc(32). Những cô gái trẻ này chỉ được bán với giá dưới 1,000 Mỹ kim. 
Những nhà trí thức như chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng sao không viết về những mảnh đời bất hạnh đó, dù chỉ một lời chia sẻ trước nỗi đau chung của dân tộc thì vẫn có giá trị hơn ngàn lời tâng bốc giả dối.

Thế nhưng, cái bi kịch lớn nhất của đất nước VN hiện nay không phải là sự nghèo khổ mà là con người mất khả năng suy nghĩ để phân biệt thiện-ác, thật-giả, tốt-xấu, đúng-sai… Người dân bây giờ quá mệt mỏi và mất niềm tin đến mức không còn muốn suy nghĩ gì khác ngoài chuyện cơm áo hằng ngày. Người ta an phận với những gì mình đang có và chờ đợi một phép lạ xảy ra để đổi đời. Người ta tìm niềm vui mỗi ngày ở rượu bia, thuốc lá, ma túy, sex, phim Hàn Quốc, những trận bóng đá… để cho qua ngày tháng. 

Chưa bao giờ đạo đức của người Việt xuống thấp đến mức thảm hại như hiện nay. Cũng chính từ cuốn “Tôi tự hào là người Việt Nam” cho biết: “Tranh chấp nhau một cái ve chai mà trẻ nhỏ rút dao đâm nhau chết (dao luôn để sẵn trong người)? Về việc người trong gia đình tranh chấp nhau vài chục centimét đất hàng rào mà gia đình tan nát”, (tr.63), “Có những chuyện án tận lương tâm, không còn luân thường đạo lý, mà thời gian trước không xảy ra, hiếm xảy ra, hoặc sẽ là chuyện động trời thì nay cảm giác đã trở nên bình thường, như: có những người trẻ giết hại cha mẹ, ông bà mình hoặc người khác chỉ vì mấy chục nghìn để chơi game, chỉ vì nhìn… đểu, chỉ vì thấy mặt nó khó ưa…” (tr.196)

Tác giả Lương Hoài Nam và Trần Thiện Tùng chỉ nói lên một phần nhỏ trong hàng ngàn câu chuyện đáng buồn đang xảy ra trên đất nước. Chỉ trong mấy ngày Tết, báo chí trong nước đưa tin, có hơn 35 ngàn vụ ẩu đả xảy ra trên toàn quốc, khiến cho 6500 người phải nhập viện và hơn 500 người chết. 

Chính vì con người mất khả năng phân biệt thiện-ác, thật-giả, tốt-xấu, đúng-sai đã dẫn đến hiện tượng giết người công khai đang diễn ra ở VN.

Việt Nam là một trong 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới (300,000 vụ/năm)(33). Đó là con số chính thức của chính quyền VN đưa ra, con số thật sự có thể còn cao hơn  nhiều.
Bào thai không chỉ là mầm sống, mà là sinh mạng, khi chúng ta giết chết một mầm sống cũng là đang giết chết chính con người chúng ta. Tính trung bình mỗi ngày có hơn 800 đứa trẻ tại bị giết chết tại VN – một con số khủng khiếp. Tất cả các cuộc chiến trên thế giới gần đây dù khốc liệt đến mấy cũng không có số thương vong nhiều đến như thế.

Khi một người xem việc giết một sinh mạnh như giết một con gà, con vịt thì người đó có thể làm bất cứ điều gì. Khủng khiếp hơn nữa là cả chính quyền và xã hội xem đó là chuyện bình thường. Những bản quảng cao công khai và tràn lan trên đất nước đã nói lên sự mất nhân tính của con người VN hiện nay, và điều đó sẽ để lại những hậu quả khủng khiếp trong tương lai. Đó không phải là một tệ nạn xã hội mà là một tội ác, một vấn đề của lương tâm dân tộc (national consciousness).

Tại sao người Việt có thể mất nhân tính đến như thế? 
Khi nói về thực trạng đạo đức xuống cấp tại VN ngày nay, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã có nhận xét ngắn nhất và chính xác nhất: 
“Tôi chỉ xin tổng kết bằng một câu, có thể rất hài hước nhưng hoàn toàn chính xác. Chúng ta cứ ngẫm nghĩ chậm rãi, từ từ chúng ta sẽ thấy nó như thế nào. Đó là hàng chục năm nay chúng ta mơ ước xây dựng thành công con người mới xã hội chủ nghĩa và khủng khiếp thay chúng ta đã thành công.” (34)

“Con người mới xã hội chủ nghĩa” sẽ là một nỗi ám ảnh kinh hoàng của người VN trong nhiều thập niên sắp tới.

Trách nhiệm của tầng lớp trí thức
Một người VN còn thiết tha tới vận mệnh của đất nước sẽ cảm thấy một nỗi buồn đau đáu sau khi đọc qua cuốn “Tôi tự hào là người Việt Nam” khi nghĩ đến vai trò của người trí thức. Đọc lại lịch sử mới thấy, trong 60 năm qua, tất cả những tội ác và những hành vi phản bội dân tộc của đảng CSVN đều có bàn tay góp sức của tầng lớp trí thức. 
Nông dân tẩm thuốc độc vào thức ăn, rau cải chỉ vì họ thiếu hiểu biết và nghèo khổ, nhưng người trí thức, cấu kết với chính quyền, tẩm thuốc độc vào đầu óc người dân nhẹ dạ bằng những lời giả dối và những niềm tự hào không có thật, thì đáng khinh bỉ hơn nhiều!

Cùng đứng trước những thử thách của thời đại, những khúc quanh của lịch sử, trí thức Nhật và trí thức Việt có thái độ hoàn toàn khác nhau. Trí thức Nhật luôn tự nhận mình là đầu tàu, là xương sống của đất nước, là thành phần chủ lực chịu trách nhiệm cho sự thịnh suy của quốc gia, họ được sinh ra để hoàn thành sứ mệnh được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dân cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt của người Tây Phương.”(35)

Chỉ vài tiếng đại bác của thuyền trưởng Mathew Perry bắn vào cảng Edo vào tháng 7/1853, đã làm cho trí thức Nhật Bản thức tỉnh – ngay sau đó kẻ đi Đông người đi Tây, kẻ đi chính thức người trốn lậu lên tàu, tất cả đều mang chung một mục đích là ra ngoại quốc học hỏi những văn minh tiến bộ để mang về canh tân đất nước. Trăm người như một, từ vua đến quan, từ trí thức cho đến bình dân, tất cả dồn hết mọi tâm huyết nỗ lực để làm sao không hổ thẹn là con cháu của Thần Dương Thái Nữ.
Chính vì thế mà chỉ 2 năm sau khi Thuyền Trưởng Perry trở lại nước Nhật như lời hứa, thì hoàn cảnh nước Nhật đã hoàn toàn thay đổi. Người Nhật đã chứng tỏ cho Tây Phương thấy là họ không bao giờ chấp nhận thân phận nô lệ và họ có khả năng canh tân đất nước lên ngang hàng với các nước Tây Phương.

Thật ra hoàn cảnh của nước Nhật sau Đệ Nhị Thế Chiến cũng chưa bi đát bằng đất nước VN hôm nay.
Giữa đống tro tàn của kẻ bại trận vẫn tiềm ẩn những những tia sáng của niềm hy vọng. Vật chất bị tàn phá nhưng ý chí, đạo đức con người vẫn còn. Trong hoàn cảnh đó, người lãnh đạo của họ không ảo tưởng, không kêu gọi người Nhật ngẩng đầu trong chiến bại, mà kêu gọi thần dân hãy quên đi niềm tự hào dân tộc: “phải chịu đựng những gì mà chúng ta không thể chịu đựng nổi” (36) để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau. 

Chính tinh thần trách nhiệm, thái độ nhẫn nhục chịu đựng và ý chí vươn lên của dân tộc Nhật Bản đã làm cho những người Mỹ như danh tướng MacArthur, Tiến sĩ Edward Deming, Joseph Juran nể phục và cả 3 người này đã đem hết lòng ra giúp người Nhật tái thiết đất nước.

Còn đất nước VN hiện nay, trong những lời huênh hoang của kẻ chiến thắng, những ánh đèn loe lói của cảnh hưởng thụ, những công trình to lớn, những biệt thự lộng lẫy… tiềm ẩn hiểm họa vong thân, mất nước đang chờ đợi phía trước.

Người Việt có thật thông minh và đáng nể như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nói không?
Cho dù sống trong môi trường thuận lợi nhất như Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức… người Việt chưa bao giờ chứng tỏ là một sắc dân thông minh và có sức mạnh tập thể. 
Ít hiểu biết về người Tây Phương mới cho rằng người Việt giỏi, nhưng khi càng sống lâu với họ và hiểu biết về thế giới của họ nhiều hơn thì người Việt càng thêm dè dặt khi nói về niềm tự hào của người VN. 

Người Việt có tinh thần hiếu học, có tỉ lệ người có bằng đại học cao, một số người làm kinh doanh thành công. Nhưng tất cả những yếu tố đó không nói lên sự thành công và sức mạnh của tập thể. Sức mạnh của một tập thể không phải bao gồm nhiều cá nhân giỏi mà là khả năng làm việc chung để tạo thành sức mạnh.
Bệnh đố kỵ và chia rẽ đã ăn sâu trong máu xương, khiến cho cộng đồng người VN ở hải ngoại chỉ làm được việc nhỏ mà không làm được việc lớn và nói chung không phải là một cộng đồng được người bản xứ và các cộng đồng nể phục..

Lập luận của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng sinh viên VN rất thông minh, đạt điểm rất cao ở bậc đại học – hoàn toàn vô căn cứ. Nếu vậy người Việt Nam phải có nhiều khoa học gia nổi tiếng, ít nhất phải được vài giải thưởng Nobel hay những phát minh hữu ích cho nhân loại. Chỉ thấy tiến sĩ Hùng nêu ra được một phát minh cướp công của người khác “Người Việt Nam phát minh ra máy AMT”.

Trong môi trường đại học, sinh viên Việt Nam chỉ thuộc hạng trung bình so với tất cả những sắc dân khác. Sau khi ra trường, càng về lâu về dài, sinh viên VN càng thụt lùi so với sinh viên Tây Phương và phần lớn chỉ lo kiếm tiền, ít có tính phiêu lưu hay có lòng tốt đi làm từ thiện ở những xứ nghèo. 

Những yếu kém trên cũng là điều dễ hiểu. Người Tây Phương có nền văn minh cao hơn chúng ta rất xa, cách họ xây dựng và tổ chức xã hội đã nói lên điều này. Họ không chỉ hơn chúng ta ở phương diện kỹ thuật, mà còn ở phương diện tinh thần. Tính chất văn minh đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ của họ thể hiện qua cách hành xử. Người Việt Nam ở hải ngoại, chỉ hy vọng ở thế hệ thứ hai, thứ ba mới bằng được như người Tây Phương.

Về những đóng góp cho thế giới, dân tộc Việt Nam còn một món nợ rất lớn đối với nhân loại. Chúng ta đã thừa hưởng rất nhiều những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, tư tưởng, hội họa… nhưng chưa có một đóng góp gì đáng kể. 
Chỉ có thừa hưởng mà không có đóng góp vào tài sản chung của nhân loại thì khó có thể nói dân tộc đó xứng đáng để tự hào trước cộng đồng thế giới.

Khi nói về tự hào đối với thế giới, người Việt Nam chỉ nêu được những thành tích chém giết như “thắng Pháp, thắng Mỹ”, “thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp”, “nhà cách mạnh Hồ Chí Minh”… biến Việt Nam trở thành dị hợm trong thế giới văn minh ngày nay. Tại sao người Việt không nêu ra được những niềm tự hào văn minh hơn, nhân bản hơn, hay bằng những chứng cớ cụ thể như xe hơi Nhật, máy móc Đức, đồ điện tử Nam Hàn, đồng hồ Thụy Sĩ, mỹ phẩm Pháp, thời trang Ý, IT Mỹ… 
Muốn trở thành một quốc gia văn minh tiến bộ thì trước hết người VN phải quên đi những những niềm tự hào sắt máu, giả tạo và tập sống như những con người bao dung, hào hiệp, ngay thẳng, tử tế.

Và có nên tự hào không khi đã bước vào thế kỷ 21 hơn một thập niên mà người VN vẫn chưa được hưởng những quyền tự do căn bản. Khi một dân tộc chấp nhận từ bỏ tư duy để sống như đàn cừu thì dân tộc đó chỉ là những thân phận nô lệ.
Điều đáng nói hơn nữa là dân tộc VN chấp nhận làm nô lệ từ hơn 60 năm qua mà không dám đứng lên đòi lại quyền làm người. Ngay cả một dân tộc từng được xem là loạn lạc, nghèo khổ, kém văn minh nhất Phi Châu như Sierra Leone ngày nay vẫn khá hơn VN nhiều, đã có bầu cử tự do và bắt đầu hình thành một chính quyền dân chủ(37).

Nói tóm lại, khi đất nước không còn thuộc về dân, khi con người chưa sống với đúng những giá trị mà Tạo Hóa ban cho: “Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” thì dân tộc đó không có lý do gì chính đáng để nói về “niềm tự hào dân tộc”.

Ngẫm nghĩ kỹ mới thấy tác hại của cái ngu thật khủng khiếp. Khủng khiếp hơn nữa là ngu mà không biết mình ngu. Chính cái ngu đã làm cho con người mất khả năng suy nghĩ để có thể tin vào những lời dối trá, chọn một chủ nghĩa ngu dân lãnh đạo và trở thành nạn nhân của chính chủ nghĩa đó trong suốt 60 năm. 
Nguyên nhân “cũng bởi thằng dân ngu quá lợn” (38) cho nên chính quyền mới đè đầu cỡi cổ được lâu như thế. 

Trong cuốn “Tự Phán” để ghi lại những kinh nghiệm của đời mình trước khi qua đời, cụ Phan Bội Châu cũng nhắc đến ít nhất là 5 cái ngu của người Việt, trong đó có cái ngu vọng tưởng: “Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.”(39)

Cụ Phan Chu Trinh đem hết tâm huyết của đời mình để giúp dân tộc VN được khai hóa. Theo cụ chúng ta mất nước chủ yếu không phải do ngoại bang mà do từ cái ngu mà ra. Trong ba hoài bão mà cụ theo đuổi cả đời: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, thì mục tiêu “khai dân trí” được xếp lên hàng đầu. Và đúng như lời nhận xét của ông Hà Sĩ Phu: “Sinh thời, bao giờ Phan Châu Trinh cũng rất yêu mến bạn bè và dân chúng, thế mà rất nhiều lần cụ phải nhắc đến chữ “ngu”, như nhắc đến một kẻ thù nguy hiểm, không thể coi thường. Chính cụ cũng lấy chữ ngu ra để tự răn mình”.(40)

Chỉ tiếc cho những người như cụ Phan, hy sinh cả đời mong cho dân trí người Việt được cao hơn, rồi từ đó tìm cách thoát ra khỏi thân phận nô lệ, cuối cùng bao nhiêu tâm huyết như muối đổ biển. Một thế kỷ đã trôi qua nhưng những hoài bão của cụ đối với dân tộc Việt Nam vẫn chỉ là những ước mơ!!! 

Phạm Hoài Nam
Sydney 25/3/2015

Ghi chú:
(1) Hội những người là học trò của Thầy Nguyễn Mạnh Hùng
 (2) “Tôi tự hào là người Việt Nam”, Lao Động
(3) “Con ngựa già của Chúa Trịnh”, Phùng Cung http://music.vietfun.com/trview.php?ID=8429&cat=13
(4) Chuyển tử tế 
(5) Bệnh tự hào dân tộc của người Nga
Natalja Kljutcharjova, Phạm Thị Hoài dịch
(6) Bài diễn văn nổi tiếng của Putin 18/03/2014
(8) “Đọc Giấc mơ Trung Hoa”
(9) ‘Giấc mơ Trung Hoa’ có biến thành ác mộng?
(11) (Automated Teller Machine – History:http://en.wikipedia.org/wiki/Automated_teller_machine#History)
(13) Khen quá lố, không nên!, Bùi Tín, 08/03/2015 http://www.voatiengviet.com/content/tuong-giap-03-13-2010-87577032/851267.html
(14) Bàn về 10 vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại

(15) These ten charts show the black-white economic gap hasn’t budged in 50 years – Washington Post, August 28, 2013 (http://www.washingtonpost.com/blogs/wonkblog/wp/2013/08/28/these-seven-charts-show-the-black-white-economic-gap-hasnt-budged-in-50-years/)
(16) Giải cứu sáu cô gái Việt Nam ‘bị bóc lột tình dục’ ở Ghana
(18) Ấn tượng người Việt, người Hoa ở Thượng Hải” BBC tiếng Việt http://www.bbc.co.uk/blogs/legacy/vietnamese/2010/05/n-tng-thng-hi.html
(19) Nhà văn Vũ Hạnh: Người ẩn danh sôi nổi - HỒNG MINH, Nhân Dân, 24/4/2010 (http://www.baomoi.com/Nha-van-Vu-Hanh-Nguoi-an-danh-soi-noi/152/4175975.epi)
(20) Những người con của Danh tướng Võ Nguyên Giáp
(22) Bên thắng cuộc – Huy Đức, trang 204-206
 (23) Lợi tức bình quân trên đầu người (GDP per capital) (http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_%28nominal%29_per_capita)
(24) GIAI ĐOẠN 1955-1975: XÂY DỰNG CNXH VÀ ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
(25) Bí ẩn Nguyễn Hữu Thái Hòa: Giấc mơ từ một đôi giầy đến Giám đốc chiến lược FPT
(26) Từ bỏ quốc tịch, Alan Phan
(27) Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến: http://www.danchimviet.info/archives/72666/tu-nhat-ban-hau-chien-den-viet-nam-hau-chien-1/2013/01
(28) “Tôi tự hào là người Việt Nam”, Lao Động
(29) The Good Country Index
(30) Thủ tướng: ‘Việt Nam vẫn là nước nghèo’
(31) Chấp nhận đau đớn để chống tham nhũng thành công, Tuổi Trẻ, http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20120625/chap-nhan-dau-don-de-chong-tham-nhung-thanh-cong/498582.html
(32) Aussie hero saving trafficked Vietnamese kids sold as sex slaves 
(33) 300.000 ca/năm, tỉ lệ phá thai của VN cao nhất Đông Nam Á, Tuổi Trẻ online (http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20130711/300000-canam-ti-le-pha-thai-cua-vn-cao-nhat-dong-nam-a/558619.html
(34) Sự khác nhau trong văn hóa ứng xử giữa Sài Gòn và Hà Nội
(35) Khuyến học, Fukuzawa.
(36) Bài diễn văn của Nhật Hoàng Hirority tuyên bố đầu hàng 
(37) “Người nông dân xứ Sierra Leone và trí thức nước CHXHCN Việt Nam”, Trần Trung Đạo). http://danlambaovn.blogspot.com.au/2014/03/nguoi-nong-dan-xu-sierra-leone-va-tri.html
(38) Thơ Tản Đà
(39) Từ chuyện Nhật tố thói xấu Việt, xem lại “Tự phán”,  (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/167780/tu-chuyen-nhat-to-thoi-xau-viet--xem-lai--tu-phan-.html
 (40) Nhân vật lịch sử Phan Châu Trinh và những bài học cho hôm nay, Hà Sĩ Phu
_

__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

Date: Thu, 16 Apr 2015 15:35:20 -0500
Subject: HAN THU NAM BAC.
From: lehuutu06

 Trọng Đạt

Năm ngoái, một ông bạn cải tạo về thăm quê hương sang có than thở về tinh trạng kỳ thị tại miền nam hiện nay. Ông bạn nói “ Nay tình trạng kỳ thị tại Sài Gòn thật là nặng nề, miền Nam đã bị Bắc Kỳ vào cai trị , họ lấy hầu hết nhà cửa ngoài phố và đẩy người miền Nam đi những vùng xa xôi khác ”, ông bạn này người miền Nam còn tôi người gốc miền Bắc, ông ta không thể nói hết lòng mình vì còn chút nể nang tôi.

Gần đây một bài viết của một người về Việt Nam cho biết tình trạng quê nhà, tác giả nói nay tại Sài Gòn người miền Bắc kéo vào rất đông, họ là những người giầu có và quyền thế nhất Sài Gòn hiện nay, họ làm chủ hầu hết các nhà cửa to lớn của Sài Gòn và các nhà hàng lớn, các cơ sở thương mại, các cơ quan nhà nước… Đó là những cán bộ cao cấp và bà con thân thụộc của họ được đưa vào đây để tranh dành hết những chức vụ béo bở, những công việc hái ra tiền….tác giả cho biết vào các cửa hàng lớn, các .. cơ quan chỗ nào cũng thấy toàn là Bắc Kỳ, nói tóm lại họ là giai cấp giầu có thống trị tại Sài Gòn hiện nay. Mặc dù chưa được chứng kiến tận mắt nhưng tôi tin ngay lời tác giả trong bài viết..

Tuần vừa qua, một người bạn đã về thăm quê Nha Trang năm ngoái cũng cho tôi biết tại Nha Trang bây giờ toàn là Bắc Kỳ, họ giầu sụ, buôn to bán lớn, chiếm giữ hầu hết các cơ sở thương mại kinh tế của Nha Trang. Họ giữ các chức vụ nhiều lợi lộc, chiếm cứ hầu hết các khu phố xá sầm uất và đẩy những người cũ đi xa như vùng kinh tế mới hoặc những vùng đất quê mùa khô cằn như sỏi đá. Người bạn cũng xác nhận cho tôi thấy Nha Trang nay là một thành phố đã bị Bắc Kỳ cai trị và chiếm đoạt hết tài sản, những nguồn lợi béo bở của thị xã du lịch này. Nếu chúng ta hỏi những người đã về thăm các tỉnh khác như Đà Lạt, Đà Nẵng, Biên Hoà… người ta cũng sẽ nói tình cảnh tương tự như thế.

Khi đọc bài viết và nghe người ta kể lại những sự thật phũ phàng như trên tôi tin ngay vì tôi cho rằng đó là những nhận xét khách quan vô tư nhất.
Ngược dòng thời gian 40 năm trước vào những ngày sau vụ Mậu Thân 1968, hồi ấy chúng tôi là sinh viên, được huấn luyện quân sự hai tuần và đưa vào Chợ Lớn canh gác theo chương trình Nhân Dân Tự Vệ. Một buổi tối đứng gác trên sân thượng của nhà thương gia trong khu phố Tầu, anh bạn cùng gác với tôi nhìn những dẫy phố nguy nga, sầm uất của Chợ Lớn , trước cảnh giầu sang tráng lệ của Tầu Chợ Lớn anh ta thốt lên.

“Đứng địa vị thằng Việt Cộng tao cũng đánh đến cùng, đằng nào cũng đã là thằng cùng mạt , chiếm được thì hưởng hết” Ý anh bạn muốn nói thằng nghèo đói sẽ đánh thí mạng cùi để cướp đoạt những tài sản của người giầu có, thế mà 7 năm sau, năm 1975 lời nói của anh ấy đã thành sự thật, thằng nghèo đói đánh thí mạng cùi và đã cườp đươc tài sản của miền Nam giầu có.

Ngược dòng thời gian ba mươi bốn năm trước đây sau khi chiếm được miền Nam, cán bộ Cộng Sản rất cởi mở tươi cười với đồng bào miền Nam khiến người ta tin tưởng rằng hoà bình thống nhất rồi, hai miền cùng xoá bỏ hận thù và cùng nhau xây dựng đất nước, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Thế nhưng kẻ chiến thắng không bao giờ bỏ được bản chất gian trá có từ hồi mới cướp chính quyền mùa thu 1945. Vừa xua quân chiếm xong Sài Gòn hoa lệ, đạo quân chiến thắng vội vã chở hết vàng bạc, quí kim của ngân hàng, tháo gỡ các máy móc trong các cơ xưởng, bệnh viện, vét hết các kho dụng cụ, hàng hoá, máy móc hiện đại… đem về Bắc, sự kiện này khỏi cần phải dẫn chứng vì thực tế đã chứng minh và ai cũng đều biết cả. Số vàng bạc quí kim vơ vét được vào túi các quan cán bộ gộc hết. Họ vơ vét nhanh gọn y như đàn cào cào châu chấu phá hoại mùa màng, sau cơn trấn lột tập thể vĩ đại ấy miền Nam chỉ còn là một mảnh đất nghèo xơ xác.
Một hai năm sau ngày 30-4-75 Cộng Sản đánh tư sản hai lần, đổi tiền ba lần, chính quyền đã vét gần sạch gần hết túi tiền người dân, kế đó họ phát động chiến dịch đẩy dân chúng đi kinh tế mới để chiếm nhà dân một cách hợp pháp. Chỉ sau ngày 30-4-75 một hai tháng, họ lùa các viên chức , sĩ quan chế độ cũ vào các trại cải tạo lâu dài rồi đẩy miền Nam tới chỗ nghèo nàn cùng cực để không thể trỗi dậy chống lại chế độ độc tài. Người Sài Gòn mỗi ngày một nghèo, nhiều người phải bán nhà với giá rẻ mạt cho kẻ chiến thắng để lấy tiền đong ïgạo sinh sống.

Kế hoạch chiếm nhà dân đã được kẻ chiến thắng hoạch định một cách tinh vi khoa học, đánh tư sản hai lần để chiếm nhà của bọn tư sản bóc lột cho cán bộ ở, ép buộc mọi tầng lớp nhân dân đi kinh tế mới để dãn dân ra khỏi thành thị ngõ hầu có chỗ đưa dân từ miền Bắc vào. Những người đi vượt biên dù đi thoát hay không thoát đều bị lấy nhà, những nhà lớn, nhà mặt đường của dân cải tạo liên hệ chế độ cũ hầu hết bị tịch thu, họ lấy tất cả nhà cửa tài sản của những người đi chính thức, cho tới nay năm 2008 một người bạn mới ở Sài Gòn sang Hoa Kỳ đoàn tụ cho biết chính quyền không cho phép anh bán nhà mà phải để lại cho nhà nước , sau chạy chọt mãi với cán bộ địa phơơng mới bán được nhưng phải chia tam chia tứ anh chỉ được hưởng 1/5 trị giá căn nhà… … Thế rồi dần dần kẻ chiến thắng, tầng lớp thống trị vơ vét bóc lột người dân, tích lũy tiền bạc mua nhà cửa, bất động sản của những người cũ nay đã khánh tận phải bán của cải đi để lấy cơm ăn áo mặc, thành phần này thuộc loại“ Tư bản mại sản”. Người ta chê kẻ chiến thắng quá tham lam, họ đã được cả một đất nước to lớn mà vẫn chưa vừa lòng tham vô đáy còn đi chiếm từng căn nhà một. Cho tới nay bộ mặt đổi đời của miền Nam càng lộ rõ hơn bao giờ hết bộ, kẻ thắng trận ngày càng giầu có, họ vơ vét bóc lột, tập trung tài sản của đất nước trong tay, bà con của họ cũng được chia chác những chức vụ béo bở, cơ sở làm ăn lớn tha hồ mà đớp hít… trong khi ấy người dân miền Nam, những kẻ bại trận ngày càng khốn khổ, trừ những người có thân nhân ở nước ngoài trợ cấp còn đa số phải làm lụng đầu tắt mặt tối vì miếng cơm manh áo . Người miền Bắc nay đã trở thành giai cấp thống trị người miền Nam, họ tước đoạt tài sản nhà cửa của người miền Nam, đuổi người miền Nam đi các vùng kinh tế xa xôi khỉ ho cò gáy. Những kẻ bị áp bức bóc lột này dẫu căm phẫn cũng đành ngậm đắng nuốt cay vì họ phải chịu khuất phục trước lưỡi lê và họng súng của bọn độc tài thống trị. Theo như lời kể của những người đã về thăm quê hương đã nói ở trên chúng ta có thể mường tượng ra cái hận thù Nam Bắc hiện nay nó sâu đậm như thế nào rồi..

Năm ngoái nhân ngày Quốc Hận, một viên chức chính quyền cũ nhìn những hình ảnh biểu tình, chống đối rồi thở dài bảo:
-Anh nghĩ xem, cái hận thù Nam Bắc biết bao giờ mới hết… Theo tôi nghĩ cái hận thù Nam Bắc nay không phải là chỉ mối hận của lớp người cũ đã bị tù đầy cải tạo mà nó thể hiện ở một bình diện rộng lớn bao quát hơn của cả một đất nước, của cả một khối quần chúng đông đảo, của những kẻ bị trị … đó là mối hận thù giữa kẻ bị trị và những bọn cầm quyền cai trị, giữa những kẻ bại trận và bọn thắng trận..

Người ta thường nói cuộc chiến tranh Việt nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai luồng tư tưởng đối nghịch nhau của hai khối Cộng Sản và Tư bản . Những người khuynh tả cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam 1960-1975 là cuộc chiến chống Đế Quốc xâm lăng cũng như cuộc chiến tranh giành độc lập chống Pháp 1945-1954. Cũng có người cho rằng đó là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, nghĩa là chính quyền hai Miền đã được các siêu cường uỷ nhiệm thực hiện.. nhưng nay thì sự thể đã quá rõ ràng, nó chỉ là một cuộc “chiến tranh ăn cướp” giữa một nước nghèo đói lạc hậu và một đất nước giầu có sung túc với một vựa lúa phì nhiêu. Thằng nghèo đói đã ra sức đánh thí mạng cùi để chiếm cho được mảnh đất phì nhiêu rồi tha hồ mà vơ vét, bóc lột… thằng nghèo đói chỉ biết dùng lưỡi lê và họng súng để theo đuổi cuộc chiến tranh ăn cướp lâu dài. Nhiều người ngoài Bắc vào Nam nói “các anh không thể thắng được chúng tôi những thằng nghèo đói, thằng nghèo đói không sợ chết”. Sau di cư 1954, Hà Nội sống chết cũng phải chiếm cho được vựa lúa miền nam, họ đã thèm thuồng cái vựa lúa này từ lâu..

Nay tại hải ngoại nhiều người chủ trương hoà giải với Cộng Sản Việt Nam, họ lý luận rằng cuộc chiến tranh ba mươi năm đã tàn phá đất nước nhiều rồi, chúng ta hãy bắt tay nhau cùng xây dựng lại những vết thương do chiến tranh để lại, cùng nhau xoá bỏ hận thù. Luận điệu ấy thoáng nghe thật chan chứa tình thương yêu đồng loại, nhưng thực ra họ đã đặt sai đối tượng hoà hợp hoà giải vì có phải rằng khối người lưu vong hải ngoại hận thù Cộng Sản đâu? thực ra như chúng tôi đã trình bầy ở trên hận thù sâu sắc hiện nằm ngay trong lòng quần chúng miền Nam nước Việt, hận thù Nam Bắc hiện nay đang nằm trong lòng dân tộc, nó đã ăn sâu vào tận xương tủy kẻ bị trị nghèo nàn đói khổ..

Nay Cộng Sản Việt Nam vẫn cho thực hiện những phim tuyên truyền kết án chế độ địa chủ ác ôn như trong phim Áo Lụa Hà Đông nhưng trớ trêu và trơ trẽn thay chế độ của họ tự nhận là “Đảng của giai cấp công nhân” lại là một chế độ áp bức, bóc lột gấp trăm gấp ngàn lần thời kỳ địa chủ, cường hào ác bá thập niên 40 trở về trước. Đảng Cộng Sản ViệtNam hiện nay chính là một tập đoàn địa chủ giầu có ác ôn, hà hiếp bóc lột dân nghèo tàn nhẫn nhất chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà từ trước đến nay.

Một người mới về Việt Nam sang Mỹ cho biết chênh lệch giầu nghèo thì không thể tưởng tượng nổi, bọn nhà giầu không ai hơn là cán bộ cao cấp ăn chơi hưởng thụ tại những nhà hàng, khách sạn sang trọng hằng nghìn, hằng mấy nghìn đô la một đêm trong khi có nhiều bà mẹ tay trái thì bồng con, tay phải bán vé số .. chạy ăn từng bữa. Nay nhiều người chủ trương hoà giải với người Cộng Sản Việt Nam bằng một lối lý luận đạo đức giả “ xoá bỏ hận thù, xây dựng đất nước” nhưng họ không biết rằng người Cộng Sản có chịu xoá bỏ hận thù hay đào sâu thêm hận thù? người Cộng Sản xây dựng đất nước hay xây dựng cho chế độ của họ thêm vững mạnh bằng lưỡi lê và họng súng?

Nhiều người thuộc lớp trẻ cho rằng lớp người cũ, sĩ quan, viên chức chính phủ, cải tạo HO… đã chịu nhiều ngược đãi của Cộng Sản nên cho tới nay họ vẫn giữ lập trường hận thù Cộng Sản. Ngược lại giới trẻ đã không từng trải qua những cay đắng gian khổ của chiến tranh như tù đầy, loạn lạc vì họ còn nhỏ hoặc thậm chí chưa ra đời nên họ không có cái nhìn hằn học với người Cộng Sản như thế hệ cha ông của họ. Họ chủ trương hoà giải với Cộng Sản để cùng bắt tay nhau xây dựng đất nước vì nay Cộng Sản vẫn lớn tiếng kêu gọi người Việt hải ngoại hãy quên dĩ vãng, cùng nhau xoá bỏ hận thù..

Người Cộng Sản có thực sự xoá bỏ hận thù hay không? Họ xóa bỏ hận thù hay đào sâu thêm cái hố hận thù đã vốn dĩ sâu thăm thẳm từ bao năm qua? Chúng ta hoà hợp hoà giải với Cộng Sản , đem tài nguyên tài năng về Việt Nam xây dựng đất nước hay là để củng cố thêm quyền lực và tài sản cho bọn thống trị, để họ vơ vét thêm tài sản nhân dân cho đầy túi tham và đè đầu cưỡi cổ nhân dân miền Nam thêm nhiều thế kỷ nữa? Trước mắt chúng ta thấy Cộng Sản Việt Nam vẫn ngoan cố như tự bao giờ, trước sau như một. Địa vị của Đảng vẫn phải được củng cố vững mạnh hơn bao giờ hết bằng lưỡi lê và họng súng.

Nay Cộng Sản Quốc tế đã sụp đổ tan tành nhưng Cộng Sản Việt Nam và Trung Hoa vẫn còn bám víu vào quyền lợi riêng tư của Đảng một cách trơ trẽn và ngoan cố, họ không biết rằng con người không thể nào quay ngược bánh xe lịch sử, không thể nào vặn ngược chiều kim đồng hồ. Để quay ngược bánh xe lịch sử họ vẫn ngoan cố bảo vệ Đảng, bảo vệ tập đoàn thống trị bằng bạo lực.

Sáu mươi năm trước đây, thánh Ghandi đã nói “ Chúng ta thấy qua lịch sử, con đường của sự thật và tình thương luôn luôn thắng bạo tàn, độc ác, bất nhân… Bạo tàn chỉ thắng lợi được một thời gian rồi cũng phải thất bại sụp đổ tan tành”.

Thật vậy lịch sử loài người tự cổ chí kim đã cho ta thấy rằng tất cả những triều đại, những chế độ tàn bạo, độc ác bất nhân cho dù có vững mạnh tới đâu cuối cùng cũng phải bị bánh xe lịch sử nghiền nát như tương như cám. Nay Cộng Sản Việt nam không chiu nhìn lại cái gương của quá khứ, nếu họ tiếp tục đào sâu hận thù Nam Bắc bằng lưỡi lê và họng súng, cho dù họ có thể tồn tại được trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng cuối cùng họ sẽ tự đào hố chôn mình…

Trọng Đạt

__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link