Monday, April 20, 2015

VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 3


 
VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 3
Phạm Hoài Nam

V. Tự hào theo kiểu Việt Nam
Cách tự hào của người Việt không chỉ viễn vong, mơ hồ mà còn chứa đầy mâu thuẫn, phi lý trong cách lý luận. Những dân tộc duy lý như Tây Phương khó có thể hiểu được tâm lý của người Việt, điển hình như những trường hợp dưới đây:
1/ Làm sao có thể hiểu một dân tộc tự cho thông minh chỉ chỉ kém hơn “người Do Thái, người Bắc Âu và người Đức”, thế nhưng cũng chính trong cuốn sách này cho biết “bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người trên 600 USD đặt Việt Nam vào danh sách các nước nghèo nhất thế giới” (tr.59). 

2/ Một dân tộc thực tế như người Đức sẽ không thể nào hiểu được cách tự hào đầy mâu thuẫn dưới đây: 
“Nước Việt Nam ta được thiên nhiên ưu đãi với những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc đất nước, với đất đai phí nhiêu màu mỡ, với thảm mộc thực vật phong phú và quý” (tr 43). “Chúng ta chắc chắn là tinh hoa của nhân loại” (tr 390). 
“Chúng ta đang sống và luôn sống với sự bố thí, ban ơn, xin xỏ, theo sau thế giới để là một công trường, bếp ăn, là một công xưởng của nhân loại. Chúng ta chỉ làm được thế sao? Thật nực cười và nhục nhã, chúng ta sống trong sự ăn may [mày] của quá khứ, sự lợi dụng danh tiếng mà cha ông, tổ tiên chúng ta để lại…”. (tr.390).
Tại sao lạ vậy: một đất nước vừa được thiên nhiên ưu đãi, vừa là “tinh hoa của nhân loại”, sao phải sống nhờ vào sự bố thí của thế giới! Nếu vậy thì từ “tinh hoa của nhân loại” đến kẻ ăn mày chỉ cách nhau có đường tơ kẽ tóc!!!

3/ “Người Việt Nam rất thông minh và có những lợi thế riêng mà không có nước nào có thể sánh bằng” (tr 155), “được sở hữu những đức tính tốt đẹp mà cả thế giới phải công nhận” (tr 380), người Việt Nam “Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa” (tr.374), “Mỗi người Việt là một bông hoa quý hiếm. Hoa người Việt hiếm nên rất quý” (tr.349), người Việt Nam “giàu lòng nhân ái” (tr 283), cộng thêm “đất đai màu mỡ, với thảm động thực vật phong phú và quý” (tr 43).

Một đất nước quá tốt không đâu bằng nhưng sao lại có cảnh như dưới đây (từ chính cuốn sách này cho biết):
“Hiện nay, có lẽ đâu chỉ có tôi mà nhiều người lên mạng hàng ngày đều không khỏi mệt mỏi, ngán ngẩm khi tin cướp, giết, hiếp tràn lan – không chỉ trên báo của ngành công an, pháp luận. Có những chuyện án tận lương tâm, không còn luân thường đạo lý, mà thời gian trước không xảy ra, hiếm xảy ra, hoặc sẽ là chuyện động trời thì nay cảm giác đã trở nên bình thường, như: có những người trẻ giết hại cha mẹ, ông bà mình hoặc người khác chỉ vì mấy chục nghìn để chơi game, chỉ vì nhìn… đểu, chỉ vì thấy mặt nó khó ưa… Có quá nhiều bất an, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong cuộc sống, xã hội mà phần đông ai cũng kêu, ai cũng than và hy vọng “chắc nó chừa mình ra”…” (Cứ đi sẽ gặp, tr.196)
Tại sao là “một bông hoa quý hiếm” “được sở hữu những đức tính tốt đẹp mà cả thế giới phải công nhận” mà con người lại đối xử với nhau dã man đến như thế!!!.

4/ Tác giả Trần Đăng Tuấn của bài “Người Việt Nam” (tr.164-177), đã viết: “…gặp lúc rét gần 0 độ C, mà trẻ con có nhiều đứa không có cái áo nào khả dĩ che ấm người, chẳng ai cầm nổi nước mắt” (tr.167). Chính vì thế mà Bác Hợi (Nguyễn Văn Mốt) đã mở ra chương trình từ thiện có tên là “Cơm có thịt” nhằm mục đích “huy động đóng góp của mọi người, nhằm giúp bữa cơm của các em học sinh vùng núi cao có thêm chút dinh dưỡng” (tr.166).
Để nguyên góp thêm tài chánh, chương trình “Cơm có thịt” nay đã mở rộng ra toàn thế giới: ““Cơm có thịt Australia”, và rồi nối nhau “Cơm có thịt United States”, “Cơm có thịt Liên Bang Nga”, “Cơm có thịt Đức… ra đời. Rồi “Cơm có thịt” có ở Ý, Pháp, Anh, Nhật, Hungary, Phần Lan, Đài Loan, Trung Quốc… trên 20 quốc gia”. (tr 175)
Tự hào là một dân tộc “rất thông minh”, được “thiên nhiêu ưu đãi”… sao lại không thể cung cấp cho những trẻ em miền núi những bữa ăn đủ dinh dưỡng mà phải nhờ đến lòng hảo tâm của thế giới!!!. 
Bài viết “Người Việt Nam” của tác giả Trần Đăng Tuấn kêu gọi người Việt nên tự hào vì có những tấm lòng nhân ái như “bác Hợi” như lời mở đầu bài viết: “Người Việt Nam như thế nào? Tự hào là người Việt Nam, nhưng tự hào sao cho đúng? Đó là những điều rất lớn”, cho thấy những nghịch lý trong cách tự hào của tác giả - tự hào về một người nhưng có đáng xấu hổ về hàng chục ngàn cảnh đời bất hạnh của các em nhỏ bị chính quyền bỏ rơi, không có thịt để ăn, không có áo ấm để mặc!!!

5/ Một dân tộc coi trọng danh dự và thể diện quốc gia như người Nhật sẽ không thể nào hiểu được kiểu tự hào của người Việt, như trong trường hợp dưới đây:
Trong bài “Bạn có tự hào là người Việt Nam không?” (tr. 247-257) của tác giả Đinh Tiến Dũng, cử nhân Nông Nghiệp, đại diện cho giới văn nghệ sĩ, ghi lại cảnh cá nhân ông và một nhóm đồng hương (đa số sang Nga để buôn bán, lao động) bị khinh khi công khai tại phi trường Moscow bởi các nhân viên nhập cảnh:
“Đoàn chúng tôi mất hơn bốn tiếng đồng hồ để nhập cảnh vì sân bay Nga chỉ dành hai cửa làm nhập cảng cho riêng người Việt, hai cửa xa nhất, heo hút nhất khu nhập cảnh ở sân bay… Những cửa làm thủ tục còn lại dành cho hành khác nước khác được hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng, nên chỉ cần vài phút là họ đi qua”…“Chúng tôi về xếp hàng trước lối vào cùng khoảng hơn một trăm đồng hương đang đứng lố nhố không hàng lối. Những người nước khác đi qua đưa mắt nhìn về chúng tôi, tôi có cảm giác như những lần hồi bé phải đứng lên góc lớp vì không thuộc bài cho cả lớp nhìn vậy”. 
Sau đó ông kể cảnh sống của Việt ở Nga, khổ sở đủ điều, bị trộm, bị cướp, bị cảnh sát hiếp đáp tống tiền và rất bị người bản xứ kỳ thị: “Tôi hỏi anh tôi rằng người Nga có quý người Việt không, anh bảo giờ thì không, họ ghét lắm, bọn anh thi thoảng đi vặt táo, thấy mấy bà già người Nga đứng bên cửa sổ trên tầng léo nhéo chửi, ý bảo bọn mày về nước mày đi…” (tr.253).
“Tinh hoa của nhân loại” mà sao phải chịu những cảnh nhục nhã đến thế sao!!!
Rồi ông kể tiếp chuyến đi Nhật: “Đợt vừa rồi rộ lên vụ truyền hình Nhật Bản đưa tin người Việt ăn cắp và bị bắt. Khắp nơi trên các diễn đàn trên các diễn đàn và mạng cộng đồng, những cụm từ như “chục mặt chưa”, đẹp mặt chưa”, xấu hổ quá…” được nhiều người dùng với cường độ cao để bình luận cho sự kiện này bởi có vẻ như lòng tự hào Việt Nam của họ đang bị tổn thương sâu sắc”.
“Riêng cá nhân tôi thì luôn tin rằng, cách đấu tranh với cái xấu hiệu quả nhất, là chỉ quan tâm đến những cái tốt, những cái tích cực, đồng thời tìm cách lan truyền và nhân rộng nó ra để con sói tốt ngày càng mạnh mẽ, không cho con sói xấu trong mình có cơ hội bùng lên….”. (tr.255)
****
Khi tiếp xúc với người Việt ở Nhật, có người hỏi: “Anh có tự hào là người Việt Nam không?”. Ông trả lời: “Có chứ!”
Cuối cùng ông nói với họ: “Nên sống thế nào để có thể tự hào về bản thân mình thì cũng chính là lúc chúng ta đã tự hào là người Việt Nam chú ạ.”
Câu nói của ông (con sói tốt và con sói xấu) được nhiều tờ báo trong nước trích dẫn và coi đó như một “triết lý cao siêu”. Dĩ nhiên là nó rất hợp với quan điểm của chính quyền “Chỉ nên nói đến những cái tốt của xã hội và của Đảng”. Ngay cả bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong lời giới thiệu cuốn sách cũng “hoàn toàn tâm đắc” với câu nói trên.
Ông Đinh Tiến Dũng nói những câu trên mà quên rằng, trong câu nói “Tôi tự hào là người Việt Nam” không mang ý nghĩa một cá nhân mà mang ý nghĩa một tập thể, một hành vi xấu hay tốt của một người Việt đều có trách nhiệm liên đới với những người Việt khác.
Trong hoàn cảnh xảy ra ở Nhật, ăn cắp, vẫn cảm thấy xấu hổ, vậy thì trong trường hợp nào mới cảm thấy xấu hổ?. 
Nếu nói như thế thì những phần tử Hồi Giáo cực đoan IS hiện nay cũng có thể tự hào về những hành động giết người dã man của họ.
Phải biết xấu hổ trước những hành vi trái đạo đức của người Việt bất kể là do mình hay do một đồng hương khác gây ra. Chúng ta lên án cái xấu không phải là lên án những người đang sống ở Nga, ở Nhật… mà lên án những người đã đưa đẩy họ vào những hoàn cảnh như thế.
Nghĩ cho cùng thì những người đã gây ra những hình ảnh không đẹp của người Việt Nam tại Nga, tại Nhật, ngay cả cái phi công, tiếp viên hàng không Vietnam Airline cũng chỉ nạn nhân của một đất nước nghèo khổ, một chế độ đầy bất công và thối nát. Thử hỏi nếu như những người đó có một đời sống vật chất tương đối khá giả, được hấp thụ một nền giáo dục đàng hoàng tử tế, đất nước được lãnh đạo bởi những người xứng đáng, không phải đút lót tiền để có việc làm… thì tình trạnh xấu xa như thế có xảy ra không? 

Ông Đinh Tiến Dũng đề cao cái tốt không phải sai, nhưng những cái tốt không thể tồn tại nếu như cái xấu, cái ác không bị lên án, trừng phạt. Chúng ta cám ơn những người đề cao cái đẹp, góp phần làm thăng hoa con người, nhưng chúng ta càng phải cám ơn nhiều hơn đối với những người dám lên án cái xấu cái ác. Không có một chính quyền độc tài phi nhân nào bỏ tù những người đề cao cái đẹp nhưng sẽ tìm cách triệt tiêu những tiếng nói chống lại cái ác, cái xấu của chế độ.
Cái thế giới này sẽ trở thành địa ngục nếu như nhân loại chỉ có những người đề cao cái đẹp mà không có những người lên án cái ác.

Tự hào là cần thiết, nhưng biết xấu hổ đôi lúc lại cần thiết hơn. 
Xã hội Tây Phương đạt tới trình độ văn minh như ngày hôm nay vì họ dám lên án cái xấu và biết xấu hổ trước những hành vi thiếu nhân bản, do dù chuyện đó đã xảy ra từ lâu trong quá khứ.
Vì biết xấu hổ cho nên chính quyền Úc, Mỹ và Canada đã xin lỗi các thổ dân. Chính phủ Anh đã xin lỗi “những đứa trẻ bị cưỡng bách di dân” (child migrants) xảy ra từ hơn một thế kỷ trước. Chính phủ Đức đã xin lỗi vai trò của mình trong cuộc diệt chủng người Do Thái. Chính phủ Anh đã xin lỗi những hành động sai trái của họ đối với các thuộc địa trong thời gian đô hộ... 
Chính những hành động này đã làm cho dân tộc của họ văn minh hơn, nhân bản hơn, người dân cảm thấy tự hào hơn về đất nước của họ.
Trái lại một dân tộc không biết xấu hổ sẽ mãi mãi là một dân tộc lạc hậu và đất nước đó sẽ mãi mãi bị thế giới bỏ lùi phía sau. 

Trở lại câu nói của ông Đinh Tiến Dũng: “Nên sống thế nào để có thể tự hào về bản thân mình thì cũng chính là lúc chúng ta đã tự hào là người Việt Nam” cũng chứa đầy tính chất mỉa mai khi ngay cả cá nhân cũng không làm được điều đó.

Ông kể lại một kinh nghiệm trong chuyến đi Nhật: “Có một lần đi công tác, tôi có dịp ngồi với một cậu em bên Nhật Bản, rượu vào lời ra, trên tầu điện ngầm, hai anh em cứ ồn ào trò chuyện. Những ánh mắt khó chịu đổ dồn về phía chúng tôi khiến hai anh em giật mình và giữ im lặng.” (tr.256) 

Tư cách của ông so ra không bằng một người Nhật bình thường, vậy mà vẫn hãnh diện “Tôi tự hào là người Việt Nam.” Sao lại hạ niềm tự hào dân tộc xuống thấp đến thế. 

VI. Đừng nên đề cao Hồ Chí Minh một cách quá lố bịch

Người viết muốn nói đến bài bài “Doanh nhân – người lính thời bình” (tr.94-99) của tác giả là tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đại diện cho khối doanh nghiệp.
Trong phần tiểu sử tác giả cho biết, ông Vũ Tiến Lộc là tiến sĩ kinh tế, giảng dạy tại các trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, Đại Học Quốc Gia Hà Nội và một số trường đại học khác trong và ngoài nước. Không cho biết đại học ngoài nước là đại học nào. Bên cạnh đó còn là Đại Biểu Quốc Hội VN khóa XI, XII, XIII, Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, Chủ Tịch Ủy Ban Hợp Tác Kinh Tế Thái Bình Dương, Chủ Tịch Hội Đồng Trung Ương các Hiệp Hội Doanh Nghiệp Việt Nam, Chủ Tịch Liên Minh Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam. 

Tác giả không những là một quan chức cao cấp mà còn là một nhà khoa bảng.  
Với thành tích đó, đúng ra ông Lộc phải hiểu nguyên tắc căn bản - ông đang viết về đề tài “Doanh nhân – người lính thời bình” trong cuốn sách “Tôi tự hào là người Việt Nam”, có nghĩa là những thành tích của doanh nhân Việt Nam xứng đáng để người Việt tự hào.
Thế nhưng suốt bài viết của ông, không thấy một tấm gương doanh nhân nào cả, mà chỉ thấy ông ca ngợi Hồ Chí Minh từ đầu đến cuối bài như một thiên tài về lãnh vực kinh tế.
Mở đầu, ông Lộc viết: “Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới giới doanh nhân. Từ chiến khu Việt Bắc ở về Thủ đô chuẩn bị cho ngày độc lập, Bác ở và làm việc tại ngôi nhà của một trong những gia đình giàu có nhất ở Hà Nội và cũng tại đây, Bác viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chỉ hai tuần sau ngày độc lập, trong “tuần lễ vàng”, ngày 18/9/1945 Bác đã gặp mặt các nhà công thương Hà Nội và theo lời Bác họ đã tích cực ủng hộ về tài chánh cho Chính quyền cách mạnh còn non trẻ và giới doanh nhân là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ Tịch. Sau đó ngày 13/10/1945 Bác viết thơ kêu gọi giới doanh nhân tham gia công thương cứu quốc đoàn. Trong thư Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chánh vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ và nhân dân sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong cuộc kiến thiết này”. 
Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng những lời chỉ dẫn của Bác về vai trò của giới doanh nhân về sự song hành lợi ích của doanh nhân với lợi ích của đất nước và dân tộc, về quan hệ giữa chính phủ với doanh nhân vẫn còn nguyên giá trị. Đường lối đổi mới của Đảng đã đưa chúng ta trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh và ngày 13/10, ngày Bác gửi thư cho giới công thương đã trở thành ngày Doanh Nhân Việt Nam…”

Lúc từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ông Hồ Chí Minh ở nhà của thương gia Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn “Phúc Lợi”, bán tơ lựa và có hãng chế tạo tơ lụa. Theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, ông Trịnh Văn Bô đã đóng góp cho Việt Minh 5,147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ (21).
Ngoài số vàng đó ra gia đình của ông Trịnh Văn Bô còn giúp Việt Minh rất nhiều thứ khác, ngay cả cá nhân ông cũng đi theo kháng chiến. 

Thế nhưng sau khi đảng CS lên nắm quyền ở miền Bắc (1954) thì gia đình ông Bô đã bị đối xử ra sao? Xin đọc một đoạn dưới đây trong quyển “Bên thắng cuộc” (22) của Huy Đức: 
“Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó...
Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được…” 

Nhà văn Huy Đức còn kể thêm nhiều cay đắng khác mà gia đình ông Bô phải chịu đựng từ khi ông Hồ Chí Minh lên nắm quyền.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc viết tiếp: “Đối với người dân Việt khi gặp khó khăn thách thức thì chúng ta lại nhớ Bác Hồ, tìm lại trong di sản của người, và thật kỳ lạ, bao giờ chúng ta cũng tìm ra được những chỉ dẫn giải quyết cho những vấn đề hiện tại…
“Bác dặn: “Phải nâng cao năng xuất, thực hành tiết kiệm, phải cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, phải chăm lo đời sống người lao động...””
“Bác nói: “Những người sản xuất phải tập hợp lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt không là phí tài năng và thời gian…”

Cuối cùng tác giả viết: “Những chỉ dẫn về tái cấu trúc như vậy không phải là những điều cao xa trong giáo trình kinh tế học hiện đại của phương Tây mà còn là những điều căn dặn giản dị, ngắn gọn trong tư tưởng của Bác Hồ 40, 50 năm về trước. Đổi mới, tái cấu trúc ở Việt Nam là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh và vươn tới chuẩn mực toàn cầu.”

Nếu kiến thức về kinh tế của “Bác” uyên bác đến như thế, tại sao đất nước VN từ khi có “Bác” thì từ nghèo tới nghèo hơn. Thời chiến tranh thì quá nghèo. Và hòa bình nay đã 40 năm, Việt Nam vẫn không vươn lên để trở thành rồng mà còn lẹt đẹt đứng gần cuối bảng của thế giới về sự nghèo khổ (133/183) (23) và đang có nguy cơ bị Lào và Campuchia qua mặt.

Những lời trên của Hồ Chí Minh (cho dù có thật) về lãnh vực kinh tế - chỉ là những lời nói chung chung ai cũng biết, một tiến sĩ kinh tế như ông Vũ Tiến Lộc mà đi tâng bốc một cách lố bịch như thế thì tội nghiệp cho bằng tiến sĩ của ông quá!

Nhưng một ngàn lời nói không có giá trị bằng một hành động. Ông Hồ Chí Minh nói như thế, nhưng ông có làm đúng như vậy không? Nếu không thì những lời đó chỉ là sự lường gạt nhằm để đạt mục tiêu chính trị. Và hành động tâng bốc của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc ngày nay là tiếp tay cho sự lường gạt đó.

Có 2 điểm dưới đây cần phải nêu ra về những nói của ông Hồ:

- Ông Hồ Chí Minh đề cao “doanh nhân” trong giai đoạn nào?
Sau khi cướp chính quyền ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh mở “Tuần Lễ Vàng” để kêu gọi mọi người đóng góp tiền của cho chính quyền Việt Minh. Từ lúc đó cho đến khi chưa lên nắm quyền (7/1954), dĩ nhiên Hồ Chí Minh lúc nào cũng vuốt ve giới thương gia để họ đóng góp cho Việt Minh càng nhiều càng tốt. 

- Số phận của doanh nhân miền Bắc ra sao sau khi Hồ Chí Minh lên nắm quyền?
Sau khi lên nắm quyền ở miền Bắc, chính phủ của Hồ Chí Minh thực hiện ngay Cải Cách Ruộng Đất, không chỉ tiêu diệt thành phần “địa chủ” mà còn tiêu diệt luôn tầng lớp tiểu tư sản, thương gia như trường hợp bà Nguyễn Thị Năm. Tất cả các thương gia nếu không bị xử bắn thì cũng bị đi cải tạo, tài sản bị tịch thu, trở thành quốc doanh. 
Sau Cải Cách Ruộng Đất là nhiều đợt “Cải tạo công thương nghiệp” và cho đến khi Hồ Chí Minh qua đời (9/1969) thì kinh tế tư nhân ở Miền Bắc hoàn toàn biến mất như một tài liệu chính thức dưới đây của đảng CSVN: “Sau 3 năm cải tạo kinh tế (1958-1960), ở thành thị, 100% số cơ sở công nghiệp tư bản tư doanh thuộc diện cải tạo đã được tổ chức thành xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác, 1.553 doanh nhân thành người lao động. Có 90% tổng số thợ thủ công trong diện cải tạo đã tham gia các hợp tác xã thủ công nghiệp, trong đó hơn 70.000 thợ thủ công chuyển sang sản xuất nông nghiệp.”(24) 

Tác giả Vũ Tiến Lộc quá coi thường người đọc khi ngày nay vẫn còn hàng triệu nhân chứng sống, đã từng sống qua thời đại của Hồ Chí Minh. 


VII. “Tư duy chiến lược” hay bệnh hoang tưởng
Bệnh “nổ” của người Việt được phát huy tối đa dưới thời đại CS, từ Đảng cho đến nhân dân đều thi đua nhau “nổ”. 
Người có học thường “nổ” có bài bản hơn dân thường, riêng ông “đại trí thức” này “nổ” chẳng bài bản gì cả.
Theo phần tiểu sử cho biết, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, tốt nghiệp ngành kiến trúc ở Canada, sau đó lấy bằng Thạc sĩ ở Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện đang là Phó Viện Trưởng, Viện Khoa Học Cộng Nghệ, cũng là Giám Đốc Chiến Lược của Tập đoàn FPT và còn nhiều chức vụ khác. Đồng thời ông được đánh giá “là một vị lãnh đạo tài năng luôn truyền lửa “giấc mơ Việt Nam” cho thế hệ trẻ. 
Sau chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng, ông Thái Hòa là một trong những tác giả chánh trong cuốn sách, đại diện cho tư duy chiến lược đương nhiên là rất quan trọng.
Bài viết của ông “Việt Nam tự định vị mình và vươn ra thế giới” (tr.67-93) là bài dài nhất trong cuốn sách, 26 trang, chỉ một bài nhưng bao gồm nhiều đề tài: chính trị, xã hội, văn hóa, đặc biệt là về quản lý chất lượng (quality control).

Về thành tích của mình, ông cho biết như sau: “Tác giả bài viết thuộc thế hệ trí thức, Việt kiều trẻ có hơn 15 năm làm việc quản trị ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á cho các tập đoàn đa quốc gia trước khi quay về đảm trách công tác định hướng chiến lược cho một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Qua những câu chuyện, minh chứng có thật từ thực tế kinh nghiệm từ Đông sang Tây đã được tích lũy nhiều năm được sắp xếp lại nhằm góp phần giải mã các ẩn số này của đất nước. 
“Kinh nghiệm bản thân tác giả suốt chặng đường 14 năm làm việc như một công dân toàn cầu tại ba châu lục cho Tập Đoàn Schneider Electric (Pháp), từ một kiến trúc sư đến địa vị lãnh đạo cao nhất của hệ thống chất lượng châu Á-Thái Bình Dương.
“Suốt thời gian ở Pháp, với vị trí Trưởng Bộ phận Quốc tế vụ (Pilotage International), để quản lý được các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Schneider Electric, tôi thường đem trong ví một viên ốc Nhật của xe Toyota làm niềm tin chất lượng của người Á Châu.
“Năm 2001, tôi đến Pháp làm việc theo lời mời của Tập đoàn Schmeiner Electric và trở thành người Á Châu đầu tiên đảm nhận chức vụ Giám đốc Văn phòng Quốc tế Vụ tại Tập đoàn”.

Cuối cùng quá chán tính lường biếng và thiếu sáng tạo của người Pháp, ông Thái Hòa quyết định bỏ Pháp về Á Châu làm việc.
“Đầu năm 2003, tôi quyết định quay về châu Á trong cương vị Giáo đốc Chất lượng Hệ thống Tiêu chuẩn Kỹ thuật Á-Thái Bình Dương…”

Người viết cố tìm trên Google (tiếng Anh) để xem thế giới có biết “nhân tài” nước Việt này không, nhưng tìm mãi không ra. 

Nếu như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng mô tả đất nước Việt Nam như một thiên đàng trên trái đất này thì ông Nguyễn Hữu Thái Hòa vẽ ra những tham vọng vĩ đại cho Việt Nam trong tương lai, tiêu biểu như:
1. Giấc mơ khám phá và chinh phục toàn cầu – The Global DREAM
2. Thương hiệu chất lượng “Made in Vietnam, Made in world” 
3. Giấc mơ chất lượng Việt Nam
4. Dự án “Best in Class, Vươn tới đỉnh cao”…
5. Chiến lược định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới.

Thật ra phải gọi đây là ảo tưởng hơn tham vọng. Tham vọng thì còn có thể làm được, nhưng ảo tưởng thì không. Một đất nước chưa chế tạo được đinh ốc chất lượng mà đòi chinh phục toàn cầu, trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới… thì phải gọi tên gì cho đúng?

Thông thường, khi muốn thực một tham vọng (hay sáng kiến mới) đòi hỏi phải hội đủ ít nhất là 3 yếu tố dưới đây:
1- Tham vọng đó nằm trong khả năng tài chánh, nhân lực… đang có? (feasible)
2- Có đủ bằng chứng cho thấy tham vọng đó có thể làm được? 
3- Có phương cách để thực hiện?

Đó chỉ là những tham vọng bình thường, huống hồ chi những dự án mang tính chất “tư duy chiến lược” cho một quốc gia. 
Riêng ông Thái Hòa thì không cần biết VN đang ở vị trí nào trên thế giới và có khả năng để thực hiện những tham vọng quá lớn đó hay không!
Bài viết của ông không theo một nguyên tắc nào, hết sức ẩu tả, lý luận theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, những lý lẽ đưa ra hoàn toàn không thuyết phục, đôi khi hết sức lạc đề, bằng chứng thì mơ hồ, “chiến lược” để thực hiện càng “lãng mạn” hơn. 

Chỉ cần đọc một đoạn dưới đây trong phần “Định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới” (tr.90) người đọc sẽ thấy sự “uyên bác” của tác giả:
“Chúng ta cần nhận diện thật rõ ràng đâu là điểm mạnh của bản sắc dân tộc, lịch sử và truyền thống của con người Việt Nam để từ đó đưa ra một định hướng chiến lược phù hợp. Trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã là trái tim của nhân loại. Sau cuộc chiến gần 40 năm, chúng ta đã đánh mất quá nhanh tình cảm đó vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan và cũng chính chúng ta đã không ý thức được tầm quan trọng và giá trị vô biên của việc trở thành một trung tâm thế giới.
Phải nhìn nhận rằng qua bao cuộc bể dâu, dù trong thế yếu chống mạnh, người Việt luôn cao truyền thống của tinh thần Nhân nghĩa làm nền tảng:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo (Cáo bình Ngô, Nguyễn Trải, 1428).

Vị trí địa lý, lịch sử đã trao vào tay Việt Nam một cơ hội đứng lên lãnh đạo khối ASEAN…
 “Khi tất cả các vec-tơ tương tác trong các mối quan hệ toàn cầu từ các dòng tiền của giới đầu tư vào những vấn đề kinh doanh trong nhiều lãnh vực khoa học công nghệ, công nghệ, nông nghiệp, giao thông, chuỗi phân phối, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, sáng tạo…. cho đến các mối quan hệ trong những vấn đề toàn cầu như khủng hoảng năng lượng, lương thực, chiến tranh, hòa bình, y tế, biến đổi khí hậu, môi trường đều hướng đến Việt Nam, khi đó Việt Nam sẽ hùng mạnh và an toàn hơn bao giờ hết. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được điều đó và dám đề ra một chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng của thế giới, khi đó đất nước mới có thể ngẩng đầu cao và thật sự thoát ra khoải kiếp nô lệ từ trong tư duy, tiềm thức của dân tộc.
Định vị Việt Nam trước tiên có thể làm ngay là định vị lại thương hiệu Việt. Hai chữ “Việt Nam” hiện nay trên Google Search đang có giá trị thương hiệu lớn gấp nhiều lần những nước khác trong khu vực hoặc có diện tích, dân số tương đương. Điều đó phần nhờ ánh hào quang của Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua. Chúng ta phải biết nhanh tay tận dụng thương hiệu Việt trước khi thế giới lãng quên chúng ta, bằng những giá trị chất lượng và sự khác biệt trong từng sản phẩm, dịch vụ.”

Đưa ra cả một chiến lược “Định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới” mà chỉ có 770 từ, trong đó phần lớn là những lời chung chung, đầy mâu thuẫn và không đưa ra được một phương cách làm thế nào để thực hiện.
“Chỉ khi nào chúng ta ý thức được điều đó và dám đề ra một chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng của thế giới, khi đó đất nước mới có thể ngẩng đầu cao và thật sự thoát ra khoải kiếp nô lệ từ trong tư duy, tiềm thức của dân tộc”, có nghĩa là tác giả chưa có một chiến lược để thực hiện. Nếu vậy thì mệnh đề khẳng định (affirmative) “Định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới” hoàn toàn trở nên vô nghĩa. 

Tác giả lý luận: Khi tất cả các lãnh vực của thế giới hướng tới VN, thì VN sẽ trở thành trung tâm của thế giới. 
Nói như thế ai chẳng nói đươc. Vấn đề là làm sao để thực hiện?
Lý luận như ông thạc sĩ này chẳng khác nào một ông chủ tiệm buôn nói rằng: nếu có nhiều khách đến tiệm tôi mua hàng thì tôi sẽ giàu.

Tác giả lý luận tiếp: “Chỉ khi đó đất nước ta mới thoát ra được tư duy nô lệ”.
Đã mang tư duy nô lệ, làm sao có thể làm được chuyện “đội đá vá trời”: mang tất cả các lãnh vực của thế giới đến Việt Nam.
Đã mang tư duy nô lệ làm sao có khả năng để biến VN trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới.
Và không lẽ khối ASEAN ngu đến độ để cho một dân tộc mang tư duy nô lệ lãnh đạo họ.

Thời đại này mà tác giả nhắc “ánh hào quang của 2 cuộc chiến vừa qua” thì hết sức lỗi thời. Trong thời buổi khủng bố ngày nay, những gì dính dáng đến bạo lực, người ta đều ghê tởm, chỉ có tác giả mới coi đó là lợi điểm.

Tác giả tự giới thiệu là một kiều Việt trẻ, một công dân toàn cầu, đúng ra phải mang tinh thần nhân bản, bác ái, yêu chuộng hòa bình, sao lại thích nhắc lại chuyện chém giết, và khơi dậy nỗi đau của hàng triệu người khác. Nhắc lại lời của “Bình Ngô đại cáo”, nhưng một trí thức như tác giả sinh trưởng ở Saigon (sinh năm 1969) (25), không lẽ không biết hàng trăm ngàn quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hòa và người dân Miền Nam đã bị bên thắng cuộc đối xử ra sao sau tháng 4/1975!!!

Không biết tác giả rời VN trong tư cách gì, tị nạn hay di dân! nhưng dù với bất cứ lý do gì, nếu là một người có suy nghĩ, tác giả phải tỏ chút lòng mang ơn những người lính VNCH, trong đó có cả triệu người đã hy sinh để những người như tác giả có một tuổi thơ đẹp, không phải ăn bo bo, bị nhồi sọ bởi chính quyền và gia đình tác giả cũng đã hưởng được những quyền sống căn bản trong 20 năm mặc dầu miền Nam đang trong hoàn cảnh chiến tranh.

Người viết không hiểu tại sao ông thạc sĩ Việt kiều này cần phải lấy điểm với chính quyền CSVN đến độ đánh mất sự lương thiện của một người trí thức khi ông bóp méo một sự kiện mà ai cũng biết. Mục sư Luther King quá nổi tiếng và mọi người biết ông bị ám sát trước khi chuẩn bị lãnh đạo một cuộc đình công của công nhân làm vật dụng vệ sinh. Thế nhưng ông thạc sĩ này bóp méo như sau: “Ngày 4/4/1968, mục sư King đã bị bắn chết trong khi diễn thuyết kêu gọi hòa bình và chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam” (tr.70).

Đối với người viết, một người dù có phô trương bằng cấp hay khoe khoang thành tích của mình đến đâu mà không có “common sense” (lý lẽ hiển nhiên) thì không phải là một người giỏi. 
Đọc qua phần của tác giả viết về “Thương hiệu chất lượng “Made in Vietnam, Made in world””, (VN có đủ khả năng để chế tạo những sản phẩm có chất lượng thế giới) người đọc sẽ thấy cách suy nghĩ hơi lạ của ông thạc sĩ này. 
“Năm 2001, khi sang Pháp sống và làm việc, hội nhập với cuộc sống ở Pháp và tôi có tham gia vào một đội bóng địa phương. Một lần tôi vào một siêu thị ở Lyon để kiếm đôi giày đá bóng. Tôi vẫn còn nhớ mình sửng sốt như thế nào trong cái siêu thị đó. Đôi giày thứ nhất ‘made in China’ bán với giá 30 Eu, đôi giày thứ hai do châu Âu sản xuất với giá 60-80 Eu, đôi giày thứ ba rất đẹp giá 190 Eu, làm cho tôi rất thèm muốn có được vì nó đẹp và đường may rất tỉ mỉ, tôi mở ra và tôi sửng sốt ‘made in Vietnam’. Một đôi giày đến từ Việt Nam lại được bày bán ở vị trí sang trọng nhất và có chất lượng cao nhất! Giấc mơ chất lượng Việt Nam bắt đầu từ đó: ‘Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt, chất lượng phù hợp với tố chất của người Việt Nam nhưng vấn đề là chúng ta có tin là chúng ta là được. Sự ngạc nhiên của tôi chính là vấn đề của tất cả chúng ta, chúng ta chưa tin vào khả năng của chính mình. Nhưng sự thật để chứng minh, đôi giày đó là một minh chứng là chúng ta có thể làm được.”

Trước hết có nhiều vô lý trong trường hợp này. Ông không cho biết đôi giày 190 Eu, ‘Made in Vietnam’, hiệu gì? Thương hiệu của Việt Nam hay của ngoại quốc như Adidas, Nike, Puma, Dunlop… gia công ở Việt Nam?
Nếu là một thương hiệu của Việt Nam, không ai bỏ ra 190 Eu để mua một đôi giày “no name”.
Nếu là một thương hiệu ngoại quốc như Adidas, Nike, Puma, Dunlop… cũng khó tin. Những hãng này mang sang những nước như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương chế tạo vì giá thành rẻ. Trong trường hợp này không một khách hàng Âu Châu nào dại đến độ bỏ ra số tiền mắc hơn gấp 3 lần để mua một đôi giày làm ở Việt Nam thay vì một đôi giày làm ở Âu Châu. 
Giả sử lời ông Thái Hà đúng, thì đây chỉ là một trường hợp hết sức đặc biệt, không thể lấy một trường hợp ngoại lệ để cho rằng Việt Nam có khả năng chế tạo hàng chất lượng cao như Tây phương. Và cho dù làm được phẩm chất tốt, nhưng giá thành cao như vậy, ai sẽ mua!!!

Báo chí trong nước gần đây đã nói quá nhiều về chuyện Việt Nam không thể chế tạo được vít, ốc đúng chất lượng, khiến cho những hãng xưỡng của Nhật, Hàn Quốc ở VN gặp rất nhiều khó khăn. Ông Alan Phan là người hiểu rất rõ chất lượng sản phẩm của Việt Nam vì ông sống lâu năm ở đó: “Do đó, khi các doanh nghiệp Việt lobby chánh phủ bỏ tiền hỗ trợ quảng bá một “thương hiệu Việt”, tôi luôn nhăn mặt. Đây là một lối “gánh vàng đi đổ sông Ngô”, chỉ lợi cho các công ty quảng cáo và các quan chức điều hành chương trình”.(26) 

Thật sự là sau đọc qua bài viết của ông Thái Hòa, người viết không ngạc nhiên chút nào - tại sao cho đến giờ này VN vẫn chưa sản xuất được vít ốc có chất lượng.

Nói tóm lại, nội dung bài viết của ông thạc sĩ Việt kiều này, ngoài những lời phô trương về thành tích của mình và chuyện đôi giày 190 euro, còn lại là những dự kiến, tham vọng, ước mơ, các “tư duy chiến lược”… tức là những dự định sẽ làm cho tương lai. Từ lời nói đến hành động là một khoảng rất xa, nhất là dưới chế độ Cộng Sản. Gần 40 năm trước, ông Lê Duẫn đã từng nói: “Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng” (27), còn thời nay thì ông Hùng Cửu Long đã nói hộ ngay trong cuốn sách này: “Tôi tin 30 năm? 60 năm? 120 năm sau Việt Nam sẽ là vàng, sẽ là báu vật, sẽ là tinh hoa của nhân loại.” (tr.391)



__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link