Nói thật không sợ mất lòng (kỳ
1)
Sắc
Ly
Từ cuối tháng 3/2015 chuyên mục “Nói thật cho nhau nghe!” của
chúng tôi đã kết thúc. Từ tháng 4/2015 chúng tôi xin phép chuyển sang chuyên
mục “Nói thật không sợ mất lòng!”, mà về bản
chất vẫn là đi tiếp dòng ý tưởng chủ đạo là Nói thật.
Lý do cũng đơn giản thôi, vì
chúng tôi vẫn luôn nhận thức:có biết sự thật thì mới tiếp cận được chân lý, tôn
trọng sự thật vốn là nguyên tắc sống của Con Người chân chính, và sự trung thực
vốn là một tính cách đặc trưng nổi bật của người Việt chúng ta. Nhưng trong dân
gian Việt lại cũng thường bảo nhau “Nói thật mất lòng”, nhằm đưa ra một lời
khuyên trong cách ứng xử linh hoạt, tế nhị, và được ngầm hiểu là “tùy lúc mà nói
thật”, để vừa giữ được “hòa khí”, lại vừa “được việc”!
Nhưng theo chúng
tôi thì đối với việc dân, việc nước thì có lẽ không được phép áp dụng lời
khuyên đó, vì sẽ gây thiệt hại rất lớn đến lợi ích chung. Và thực ra suy cho
cùng thì phải tỉnh táo để nhận ra ai sẽ mất lòng khi được nghe lời nói thật, và
sự mất lòng ấy đối với một nhóm người nào đó có sánh được với những tổn thất
đối với lợi ich chung không? Ai cũng biết rõ những người mất lòng khi bị nghe
lời nói thật chỉ vì họ sợ sự thật và họ đã quen nói dối rồi, chỉ vì lợi ích
riêng của họ luôn gắn liền với thói bưng bít sự thật.
Ngày nay, dưới một thể
chế dân chủ (như lãnh đạo vẫn nói) thì Đảng với Dân là một, cùng chung lợi ích,
thì Đảng rất cần nghe Dân nói sự thật, và Dân cũng rất cần phải nói cho Đảng
biết rõ sự thật. Do vậy từ nay chúng ta nên thực hiện “Nói thật không sợ mất lòng!”,
để phục vụ cho lợi ích chung. Trên tinh thần đó, trong các câu chuyện của
chuyên mục mới, chúng tôi sẽ cố gắng phản ánh mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn để
đạt cho được cái chất Thật của hiện thực, nhằm góp phần thúc
đẩy thực tiễn phát triển tiến bộ.
S.L.
Hiện nay nhân dân cả nước đang chăm chú theo dõi việc triển khai
Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã được Quốc
hội thông qua. Hình như hai việc được mở đầu là : tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
2015, và tổ chức biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Trong
dịp này nhóm chúng tôi cũng đã tập hợp được khá nhiều ý kiến của các tầng lớp
dân cư, đặc biệt là các nhà giáo, xung quanh hai việc nói trên, và rộng hơn nữa
là chủ đề Đổi mới GD&ĐT. Chúng tôi sẽ lần lượt phản ánh thành nhiều kỳ,
những trăn trở tâm huyết đó (dưới dạng ghi chép tường thuật các buổi thảo
luận).
1- Câu chuyện
thứ 1: Nhân dân đòi hỏi phải có
một nền Giáo dục thực học
– Người dân đã đưa ra nhiều ý kiến về thực trạng GD&ĐT ở các ngành/
bậc/cấp học, thể hiện ra trong mọi hoạt động của ngành, cũng như trong hoạt
động dạy và học ở các nhà trường…, Những nội dung này không trực tiếp liên quan
đến vấn đề bàn thảo, nhưng vẫn được nhiều người nêu ra trước tiên, vì được coi
đó là thực tiễn GD cần soi rọi, để từ đó mà thảo luận. Và chắc là không cần
tổng hợp lại, vì bạn đọc chúng ta đã biết quá rõ rồi. Đúng là một thực trạng
màu xám, một bức tranh buồn!
– Người dân cũng đã nêu lên nhiều mong muốn, nhiều kỳ vọng về một
nền GD cần có và phải có của đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập. Đó là một
nền GD trung thực, một nền GD không còn gian dối, một nền GD công bằng, một nền
GD dân chủ, một nền GD có bản chất là tự học, tự GD, một nền GD vừa đáp ứng nhu
cầu của xã hội lại vừa phát triển tối đa bản lĩnh cá nhân của mỗi người học. Có
nhiều kiến giải mang tính triết lý sâu sắc, nhưng đa số là những kiến giải nặng
tính thực tiễn, hướng vào thực hành, vận dụng trong các hoạt động GD nhà trường
và GD gia đình. Nhưng tựu trung lại và suy đến cùng, thì chúng tôi thấy ý tưởng
xuyên suốt và bao trùm nhất là :
cần có một nền GD thực học!
– Sự lý giải của người dân tuy nôm na, dễ hiểu, nhưng đều có căn
cứ rất rõ ràng về lý lẽ, có chứng cứ cụ thể trong thực tiễn hoạt động GD&ĐT
đã từng xảy ra hoặc đang hiện hữu. Đó là những nguyên lý, nguyên tắc của một
nền GD tiến bộ do Liên hiệp quốc nêu ra, mà Việt Nam đã lên tiếng hưởng ứng và
đang tìm cách vận dụng. Đó là những bài học thành công của các nền GD tiên tiến
trên thế giới, mà Việt Nam cũng đang muốn tìm đến để học theo. Đó cũng là một
số ít (trong tổng thể) định huớng đúng đắn, tỉnh táo trong quốc sách về GD&ĐT
của Nhà nước ta, đi cùng với một số không nhiều (trong tổng thể) chủ trương,
chính sách phát triển GD&ĐT được coi là tiến bộ, hợp lòng dân. Đó cũng là
những bài học truyền thống của GD Việt Nam qua chiều dài của lịch sử dân tộc. Và
tất cả đều được đối chiếu với thực trạng GD&ĐT đang hiện hữu.
– Hầu như đa phần ý kiến người dân đều muốn nói lên cái điều cốt
lõi nhất và trước nhất của một nền GD Thực Học là : Phải học thực sự để mang lại kết quả thực chất. Và đã
có nhiều lý giải tương đối thống nhất về nội hàm của khái niệm học thực sự và kết quả thực chất.
– Học thực sự là phải
tự học bằng chính cái đầu của mỗi người. Học thực sự không phải chỉ
là đọc sách, nghe giảng, mà quan trọng nhất là phải suy nghĩ, phải tư duy. Nếu chỉ dừng lại đọc
và nghe thì mới là biết
tri thức, tức là chưa đến được cái đích của sự
học. Suy nghĩ tiếp là để hiểu
tri thức và tìm cách Vận dụng, rồi biết vận
dụng, mới là đạt đến được cái đích của sự học, của GD. Ai cũng biết
mục đích đích thực của sự học, của GD là để cải tạo bản thân con người và biến đổi
thực tiễn nhằm phục vụ cho con người. Qua GD, con người sẽ mất dần sự ngu dốt
và trở nên thông tuệ hơn, đạo đức hơn. Qua GD sẽ tạo nên chất xám và nguồn lực
con người phục vụ cho sự phát triển của xã hội về mọi mặt.
Cho nên để học thực sự thì phải đi
đến cùng của quy trình : đọc,
nghe để biết – suy nghĩ để hiểu – và vận dụng để mang lại Lợi ích thực tế. Hiện nay trong cả 3 môi trường GD nhà trường,
GD gia đình và GD xã hội đều chưa có chuyện học thực sự một cách phổ biến. Từ
học sinh, sinh viên đang học phổ thông, đại học, cho đến người lớn tuổi đi học
chuyên tu, đi học chính trị, đa phần đều như vậy cả. Ở rất nhiều người học tuy
có đọc sách, có nghe giảng nhưng cái đầu bất động nên vẫn trống rỗng. Lại cũng
có khá nhiều người học chỉ dừng lại ở mức nắm được vấn đề (một cách sơ lược và
chung chung) rồi để đấy, chứ không đi tiếp đến vận dụng, nghĩa là họ chỉ cần
học để nắm một số tri thức suông, không mang lại lợi ích gì cho cả bản thân lẫn
thực tiễn, và đương nhiên sau một thời gian sẽ không còn gì nữa trong đầu.
Những chức sắc đi học chỉ cốt lấy được cái bằng mà thăng quan, nhiều thanh niên
đi học chỉ cốt đạt được cái danh hão, chính là các phần tử tiêu biểu của tập
hợp những người không biết
học thực sự và
không
muốn học thực sự này.
– Phải nói rõ thêm cho cụ thể hơn về đòi hỏi căn cốt nhất đã nêu ở
trên: Phải biết tự học bằng chính cái đầu của mình là thế nào ? Yếu tố quyết
định hiệu quả của chuyện học
thực sự là mỗi người phải biết học
bằng năng lực tự học của mình (Ngoài yếu tố tinh thần là một ý chí
mãnh liệt “học cho mình và học vì đất nước”). Năng lực này phải được nhen nhóm,
gây dựng từ thuở con người mới tập tễnh học vỡ lòng ở gia đình, ở nhóm trẻ, ở
lớp học mầm non, rồi tiếp đến phải được định hình và nâng cao ở các bậc học
trên của GD phổ thông và GD đại học. Năng lực này vừa là phương tiện, nhưng cũng
vừa là một mục tiêu
quan trọng của sự học, của GD.
Trong Năng lực tự học thì nhân tố quan trọng
nhất, bản chất nhất (nhưng cũng khó hình thành và khó duy trì bền vững nhất) là
năng lực tư duy,
mà biểu hiện đặc trưng là kỹ
năng tư duy (hiểu nôm na là cách suy nghĩ, cách nhận thức). Bởi như
trên đã phân tích, khâu
trung tâm của quy trình học
thực sự là: suy
nghĩ để hiểu.
– Có Học đúng như vậy thì mới mong đạt được kết quả thực chất, cái
đích của sự học. Kết quả thực chất của sự học, trước hết là phải hiểu
được tri thức (sau khi đã biết).
Hiểu là phải
nắm được bản chất của tri
thức, nắm được con đường hình thành tri thức, nắm được đầy đủ nội
hàm của khái niệm. Chưa đạt đến được cái ngưỡng này thì chưa thể gọi là hiểu, và như vậy thì tất
yếu tri thức chỉ thoáng qua đầu rồi biến mất. Kết quả thực chất cũng có nghĩa
là người học phải biến được tri thức trong sách vở, trong lời giảng của thầy
thành tri thức của mình, chứ không phải là tri thức đi vay mượn, nó sẽ bền vững
và luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu vận dụng.
Tri thức ấy tuyệt nhiên không phải
là thứ “mỹ phẩm” để tô điểm, không thể là cái áo khoác ngoài để hóa trang cho
những ai không biết học
thực sự. Và điều
quan trọng nhất của kết
quả thực chất là với tri thức đã nắm được, người học sẽ biết
vận dụng vào thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của thực
tiễn, và qua đó cũng làm phong phú thêm nhân cách (trí tuệ và đạo đức) của
mình. Học thực sự để có kết quả thực chất bao giờ cũng mang lại hiệu quả kép: một mặt
thu nhận được tri thức mới, mặt khác lại còn thu nhận được các loại năng lực cần có cho
tương lai, trước hết là năng
lực tự học sẽ được củng cố và nâng cao. Và hiệu quả sau mới là cái
đáng giá hơn, có giá trị hơn cả tri thức. Chính vì vậy mà ngày nay các nền GD
tiên tiến đã coi mục tiêu cốt lõi nhất của GD là hình thành năng lực, chứ không phải chỉ là
tích lũy tri thức, như một thời chúng ta đã quan niệm sai lệch.
Những năng lực
này cứ tích tụ dần, mỗi ngày một ít, để rồi ngày càng tăng tiến, ngày càng
thăng hoa, và có thể trở thành tài
năng.
– Như vậy là một nền GD thực học có đòi hỏi
trước hết là ở cách học.
Đó phải là một cách học
khoa học, thông minh, lấy tự học làm nền tảng. Cách học tốt sẽ giúp
người học nhanh hiểu, hiểu đúng, hiểu thấu đáo, và biết vận dụng sáng tạo. Nhưng
cách học lại luôn là hệ quả của cách
dạy. Hiện nay cách học phổ biến ở ta chưa phải là như thế, bởi cách
dạy còn nặng về truyền thụ một chiều, nặng áp đặt, thiên về nghĩ hộ, làm thay, vận
dụng hộ người học. (dùng máy tính trong dạy và học nếu không thận trọng thì lại
có thể làm hại đến tự học,
bởi rất dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại vào máy, lười suy nghĩ!). Do vậy, dứt khoát phải đổi mới cách dạy và học
trong toàn bộ hệ thống GD theo hướng coi
trọng tự học của người học. Thầy phải dạy cách tự học, dạy kỹ năng
tư duy cho trò kết hợp với truyền thụ tri thức. Trò phải học cho được cách tự
học, học kỹ năng tư duy, chứ không chỉ học tri thức đơn thuần. Theo thời gian tiếp
sau khi học, cái mà người học có thể quên đi, thậm chí mất đi, là tri thức, còn
cái vẫn ở lại mãi với người học chính là năng
lực tự học.
– Nhưng đi liền với phương pháp tiên tiến đó thì phải là một nội dung GD tiến bộ.
Một nền GD thực học luôn có có đòi hỏi rất cao ở nội dung GD. Đó là một nội
dung GD đáng tin cậy về
tính khoa học và tính nhân văn, đáp ứng được đòi hỏi cao của mục
đích GD là hoàn thiện nhân cách người học và thúc đẩy thực tiễn phát triển tiến
bộ. Nội dung GD ấy phải
tiên tiến, phải chuẩn xác, phải trung thực.
Mang phương pháp học tiên tiến để tiếp cận với một nội dung GD lạc hậu, thậm
chí phản động, thì làm sao mà người học có được động lực mạnh mẽ để học thực sự? Hiện nay
nội dung GD của Việt Nam đang rất có vấn đề, nếu không đổi mới thì đừng nói đến
một nền GD thực học. Nội dung chương trình GD của chúng ta, mà tiêu điểm là nội
dung dạy và học, cần phải thiết
thực hơn. Sách và giáo trình cần phải coi trọng tính thực tiễn hơn,
và giảm bớt tính lý luận, tính hàn lâm. Và trong hoạt động dạy và học cần phải tăng
cường yêu cầu vận dụng, thực hành, và giảm nhẹ yêu cầu lý thuyết. Sắp tới Bộ GD&ĐT
sẽ bắt đầu triển khai chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa, bắt
đầu từ GD phổ thông, có lẽ là vì đòi hỏi này của một nền GD thực học?
– Theo như gx điều tra trắc nghiệm, từ người dân thường cho đến
các nhà giáo, đều cho rằng chương trình và sách giáo khoa của Việt Nam còn chứa
đựng rất nhiều điểm lạc hậu: viển vông, không sát với nhu cầu người học, xa rời
thực tiễn đất nước, chưa tiếp cận được xu hướng thời đại, còn hàm chứa nhiều
tri thức không chuẩn xác, không đúng sự thật, và có tính áp đặt, vừa thiếu cập
nhật lại vừa quá tải. Chỉ xin phép nhắc lại một vài ví dụ như toán cao cấp đang
được học ở THPT để làm gì, khi mà học sinh ra đời không cần đến, khi mà nhiều
ngành học ở bậc đại học không dùng đến, còn một số ngành học cần thì đều phải
cho học lại từ đầu? Tại sao cứ phải bắt học sinh, sinh viên học quá nhiều và
học theo kiểu áp đặt về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà không
giới thiệu chúng với tư cách chỉ như là một học thuyết, một tư tưởng để người
học so sánh, đối chiếu với các học thuyết khác, tư tưởng khác?
Tại sao phải học
về Chủ nghĩa xã hội như là một tín điều, trong khi thực tiễn lại không có cái
đó? Tại sao học sinh phổ thông phải học về Đạo
đức và Giáo dục công dân rất lý
thuyết, trong khi đạo đức và pháp luật của xã hội hoàn toàn khác? Tại sao lại
cắt xén và nói khác đi các sự thật lịch sử làm cho người học có những ngộ nhận
tai hại về lịch sử đất nước và lịch sử nhân loại? vv. và vv…
Những bất cập đó cần được khắc phục ngay trong lần biên soạn lại chương
trình đối với các ngành/bậc/cấp học, và viết lại sách giáo khoa phổ thông sắp
tới.
– Lô gích của vấn đề tất yếu dẫn đến một đòi hỏi khác nữa của nền GD thực học là Phải học
thật, dạy thật, thi thật,
tuyệt đối không có gian dối, không có mua bán, chạy chọt, không còn chuyện học
giả vờ, học hộ, thi hộ, học thuê, thi thuê, không học mà có điểm, học giả bằng
thật,…. Hay nói gọn lại, đó phải là
một nền GD trung thực, từ A đến Z!
Hiện nay nền GD của Việt Nam
còn rất nhiều biểu hiện ngược lại những đòi hỏi nghiêm túc nói trên, đến nỗi
nhiều người đã phải đau xót mà kêu lên: nền GD Việt Nam đang đầy dẫy gian dối, đầy dẫy sự mua bán bẩn
thỉu, đầy dẫy những chuyện không minh bạch cả trong chuyên môn và trong quản
lý! Với nền GD ấy thì làm sao mà đào tạo nên được những thế hệ trẻ rường cột,
đáng tin cậy cho tương lai, và càng không thể sản sinh ra những chính trị gia
mẫu mực, những “hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà nhân dân mong đợi? Với nền
GD lạc hậu hàng thế kỷ ấy thì chúng ta vẫn chỉ nhận được những loại thứ phẩm,
trong đó, phần lớn là những con người “bán vô học”, những nhân cách méo mó, và
đương nhiên sẽ có không ít trường hợp lại trở thành các thế hệ lãnh đạo kế tiếp
của đất nước!
– Những yếu kém triền miên, những bất cập trên bình diện rộng,
những câu chuyện phản GD luôn xảy ra hàng ngày, đều là hệ quả đương nhiên của một
nền GD lạc hậu, bảo thủ, né tránh đòi hỏi của một nền GD thực học. Nếu các nhà
quản lý Việt Nam cứ tiếp tục xa lánh, đố kỵ với nền GD thực học thì GD Việt Nam chẳng những vẫn
nằm lại trong tốp cuối của GD thế giới mà còn thua trắng bụng ngay cả các nước
trong khu vực. Những hiện tượng “lạm phát” đại học, “lạm phát” bằng cấp, “lạm
phát” danh hiệu nhà nước, “lạm phát” học vị, học hàm cao,… cùng với vô vàn
những chuyện tiêu cực khác của GD&ĐT đang làm nhức nhối lương tri toàn xã
hội.
Và bởi vậy, nhân dân ta khẩn thiết đòi hỏi và tha thiết mong muốn
đát nước phải có một nền GD thực học!
Xin mời bạn đọc xa gần hãy cùng tham gia bàn thảo trên diễn đàn
này, để góp thêm nhiều tiếng nói phản biện về một Quốc sách then chốt.
Tháng 4 năm 2015
S. L.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment