Tại
sao Tòa án lại muốn triệt tiêu quyền khiếu kiện của công dân?
Gần một năm qua, tôi liên tục gửi đơn khởi kiện Thượng tá Vũ
Xuân Ái -công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất- có hành vi xâm phạm ‘quyền tự
do ra nước ngoài’ của tôi vào ngày 13.04.2014, và cướp đi cái hộ chiếu số
B7395142 của tôi. Nhưng đã bị các cơ quan công quyền từ cấp thành phố đến cấp
trung ương ‘chuyền bóng’ qua lại, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau để không
giải quyết thỏa đáng vụ việc cho tôi, bởi tôi nghĩ, từ trên xuống dưới họ đã
toa rập với nhau.
Bỗng nhiên, vào ngày 14.04.2015, Tòa án Nhân dân Tp.HCM gửi cho
tôi văn bản số 115/2015/QĐ-TATP quyết định về việc nhận lại đơn khởi kiện của
tôi ‘để xem xét đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật’. Theo Khoản 2 và 3
Điều 104 Luật Tố tụng Hành chính qui định: “Khoản 2: Thời hiệu khởi kiện đối
với từng trường hợp được quy định như sau: a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc
biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc
thôi việc; b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về
quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; ... tại Khoản 3:
Trường hợp vì sự kiện bất
khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện
được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời
gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời
hiệu khởi kiện.” Như vậy, tính từ ngày 13.04.2014, ngày mà tôi bị Thượng tá Vũ
Xuân Ái có hành vi ‘tước quyền ra nước ngoài’ và ‘cướp hộ chiếu của tôi’ đến
nay đã hơn một năm, Tòa có thể từ chối thụ lý đơn khởi kiện của tôi với lý do
hết thời hiệu. Và, họ sẽ không xem thời gian bị ‘đẩy qua đá lại’ là ‘bất khả
kháng’, là ‘trở ngại khách quan’.
Tôi kiên quyết đi vụ này cho đến cùng dù mình thuộc hạng ‘con
kiến kiện củ khoai’, nên, không cần chờ Tòa mời, vào ngày 22.04.2015, tôi đã
đến Tòa án Nhân dân Tp.HCM gửi các văn bản cần thiết theo yêu cầu của Tòa. Tuy
nhiên, chính Tòa -thông qua cô nhân viên Tòa (NVT)- đã cố tình ‘triệt tiêu
quyền khiếu kiện’ của tôi, khi họ yêu cầu tôi phải làm đơn khởi kiện mới. Tôi
dứt khoát từ chối mà chỉ nộp lại đơn khởi kiện cũ đã có dấu ‘Tòa án Nhân dân
Tp. HCM... nhận đơn ngày 29.04.2014’, để khẳng định thời gian liên tục khiếu
kiện của tôi. Bởi, nếu tôi làm đơn khởi kiện mới -như Tòa yêu cầu- thì chính
tôi tự hủy thời hiệu khiếu kiện của tôi theo đúng quy định của pháp luật.
Do
đó, tôi đã khước từ làm đơn khởi kiện mới với lập luận: tôi đã khởi kiện trong
thời hạn luật định, Tòa đã nhận đơn, nhưng sau đó trả lại đơn không đúng pháp
luật. Tôi khiếu nại. Tòa giải quyết buộc ‘nhận lại đơn’ của tôi. Vậy thì ‘nhận
lại’ phải là đơn đã bị trả lại sai pháp luật, chứ không thể là đơn mới làm ngày
hôm nay. Nếu là đơn mới sẽ là “nhận đơn” ngày 22.04.2015, và nguy cơ Tòa sẽ trả
đơn do hết thời hiệu. Nghe vậy, cô NVT gắt gỏng : “Tòa đang hướng dẫn chị làm
đúng thủ tục pháp luật, sao chị không nghe lời?”. Tôi trả lời: “Tôi không làm
theo yêu cầu của Tòa, bởi vì Tòa đang hướng dẫn sai và không đúng quy định của
pháp luật. Trước khi đến Tòa, tôi đã được Luật sư của tôi tư vấn cần làm những
gì.” Cô NVT bực mình nói: “Chị nghe lời Tòa hay nghe lời Luật sư?”.
Tôi trả lời
ngay: “Đương nhiên là nghe lời Luật sư rồi, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho tôi,
còn Tòa đang lừa dối tôi thì nghe làm gì”. Cô NVT tức tối gọi sếp ra nói chuyện
với tôi, nhưng tôi vẫn kiên quyết không làm đơn khởi kiện mới, mà chỉ nộp đơn
khởi kiện cũ -trước đây tôi đã từng nộp cho Tòa và Tòa đã trả lại cho tôi. Tòa
cũng đưa ra ý kiến ‘trời ơi’ là đơn cũ không có chỗ để đóng dấu ‘đã nhận đơn’.
Tôi liền chỉ các chỗ trống còn lại trên đơn, đồng thời nghĩ: đó là chuyện của
Tòa! Sau một hồi đối đáp, Tòa chấp nhận ‘nhận lại’ đơn khởi kiện cũ của tôi.
Họ tiếp tục yêu cầu tôi ký vào biên bản với nội dung đại ý là,
tôi đã được Tòa hỗ trợ miễn phí pháp lý. Tôi từ chối ký vào biên bản này, bởi
vì tôi không cần Tòa tư vấn hay hỗ trợ miễn phí pháp lý gì cả. Cô NVT có vẻ
giận giữ nói: “Chị cứ ký vào, rồi viết thêm ‘tôi không đồng ý hỗ trợ pháp lý
của Tòa’, thế là được rồi. Chị phải làm vì đó là quy tắc của Tòa.” Tôi nói:
“Nếu tôi đồng ý Tòa hỗ trợ pháp lý thì tôi sẽ ký. Đằng này, tôi không cần Tòa
giúp mà bắt tôi ký, rồi lại ghi thêm hàng chữ như chị nói, sao vô lý thế. Đã
không cần Tòa hỗ trợ pháp lý thì không ký.” Cô NVT đứng phắt dậy, đi vào bên
trong phòng, mời sếp của cô ấy ra nói chuyện với tôi, nhưng dù sếp cô ta có nói
thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng cương quyết không ký. Cuối cùng, sếp cô ấy
cũng nói “bỏ đi, không cần cái biên bản ấy nữa”.
Khoảng 10 phút sau, cô NVT đưa cho tôi một biên nhận của Tòa với
nội dung ‘đã nhận đơn khởi kiện của tôi’, và hẹn tôi vào ngày 29.04.2015 đến
‘Tổ thụ lý để nhận thông báo kết quả xử lý đơn’. Tôi đọc đi đọc lại cái biên
nhận và ngạc nhiên hỏi cô NVT: “Chị ơi, vào ngày 29.04, bên chị nghỉ đúng
không? Thế thì chị hẹn tôi vào ngày này để làm gì? Tôi yêu cầu Tòa hẹn tôi vào
ngày khác để đảm bảo quyền lợi cho tôi.” Cô NVT liền lấy cây bút bi gạch phăng
ngày 29.04.2015, và điền ngay bên cạnh đó là vào ngày 06.05.2015, rồi đưa cho
tôi, bắt ký. Tôi nói ngay: “Tôi không đồng ý cái biên nhận này, chị tự tiện bôi
xóa, tự tiện điền vào... Lỡ may, Tòa bắt lỗi tôi thì sao, khi đó ai làm chứng
cho tôi? Chị có làm chứng cho tôi không?
Do đó, tôi yêu cầu chị làm lại cho tôi
cái biên nhận mới không có dấu vết tẩy hay xóa gì cả, hoặc nếu chị muốn tôi
nhận biên nhận này thì chị phải ký nháy ngay chỗ chị chỉnh sửa, để sau này, Tòa
biết rằng chính nhân viên của Tòa đã chỉnh sửa, chứ không phải tôi.” Cô NVT
nhìn tôi bằng ánh mắt hình viên đạn và gặng nói: “Tôi không được phép làm cái
biên nhận mới bởi vì đã vô sổ rồi.” Tôi nói: “Tôi không ký nếu như chị không
làm theo đề nghị của tôi.” Cô NVT một lần nữa đứng phắt dậy, vào trong phòng,
gọi sếp. Ông sếp nói với tôi rằng: “Chúng tôi đang làm đúng theo quy định của
pháp luật nên yêu cầu chị ký vào cái biên nhận này.” Tôi nói: “Tôi đang thực
hiện đúng quyền của công dân và đang thực hiện đúng các trình tự theo quy định
của pháp luật, nên tôi sẽ không ký vào biên nhận này nếu như có sai sót.” Nói
qua nói lại, ông sếp ra lệnh cho cô NVT làm lại cái biên nhận mới cho tôi.
Qua sự kiện nhỏ nhoi của tôi cho thấy, chính Tòa -nơi thụ lý vụ
án, nơi được xem là sẽ đem lại công lý và công bằng cho người dân nhưng lại
trực tiếp tước đi quyền khiếu kiện của công dân, khiến bao nhiêu người dân -mà
tôi từng chứng kiến, từng sẻ chia- đã phải khốn đốn, chạy ngược chạy xuôi đi
khiếu nại từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc nhưng vẫn vô vọng chỉ vì ‘hết thời
hiệu’, chỉ vì ‘giải quyết khiếu nại cuối cùng’. Với lý do này, các cơ quan bảo
vệ pháp luật dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm thực thi đúng pháp luật của họ, tiếp tay
bao che và đồng lõa với những kẻ có chủ trương xem thường pháp luật, cướp đất,
cướp tài sản của người dân.
Anna
Huyền Trang
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment