Friday, August 10, 2012

Hào khí Nhân Văn Giai Phẩm

Hào khí Nhân Văn Giai Phẩm
Friday, May 25, 2012 8:01:40 PM


Ngô Nhân Dụng

Chuyện chỉ có thể xảy ra tại Việt Nam. Một đám công an ở Nha Trang đánh đá, tra tấn một phụ nữ làm công. Chỉ vì bà này bị người chủ nhân giàu có nghi ngờ và tố cáo bà lấy trộm tiền.

Nạn nhân là bà Trần Thị Lan bị “đánh đá bằng cả tay chân, bằng dùi cui và cả bằng roi điện suốt ba ngày, mang thương tích khắp người,” phải điều trị hàng tuần lễ trong bệnh viện.
http://anhduong.net/biemthi/tranthilan.jpg
Trong thế giới văn minh cảnh sát công an không phải là những người quyết định ai có tội hay không có tội. Vì phán xét này thuộc thẩm quyền của tòa án, là ngành tư pháp. Trong thế giới văn minh nếu có một người bị kết tội ăn cắp thì cũng chỉ bị phạt tù hay phạt tiền; không ai “trừng phạt” một người ăn trộm món tiền trị giá “hơn một ngàn đô la” bằng dùi cui, roi điện. Mà nếu có ai bị tòa kết án thì việc trừng phạt không phải là nhiệm vụ của công an. Chỉ dựa vào lời tố của chủ nhân mà đánh đấm dã man một người lao động làm công, đám công an này chứng tỏ họ sẵn sàng làm tay sai cho những người giàu sang, và khinh rẻ người lao động nghèo khó, coi như súc vật. Ðánh đấm người ta đến bầm tím là hành động của côn đồ, du đãng, người có tư cách không ai làm. Năm thằng đàn ông xúm lại đánh đấm một phụ nữ tay không là hành vi hèn hạ đáng xấu hổ. Ðám công an Nha Trang này vừa vi phạm luật pháp, vừa làm trái với đạo lý sơ đẳng của loài người, vừa làm cho chính họ nhục nhã.

Với tất cả các thành tích như thế, đại úy công an Trần Bá Tuấn vừa được tòa phúc thẩm tha bổng, xóa bỏ bản án 9 tháng tù treo.

Chuyện này chỉ có thể xảy ra dưới chế độ cộng sản. Bởi vì chế độ cộng sản từ bản chất vẫn công nhiên trà đạp trên các nguyên tắc sơ đẳng của pháp luật, vẫn quen thói bất chấp đạo lý làm người. Chắc Ðại úy Trần Bá Tuấn và đám công an Nha Trang cũng không nghĩ là họ phạm pháp. Họ chỉ làm theo thói quen, như lối các lãnh tụ cộng sản vẫn làm kể từ khi cướp chính quyền ở nước ta. Thái độ và hành vi “bất chấp pháp luật” đã được Hồ Chí Minh, Trường Chinh đặt thành khuôn mẫu ngay từ thời họ phát động Cải cách Ruộng đất, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng. Vụ cướp ruộng, cướp nhà “long trời lở đất” này đã giết oan hàng trăm ngàn người dân Việt Nam, trong đó có những người đã đóng góp rất nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau thời gian xảy ra vụ này, những nhà trí thức Việt Nam đã cảnh cáo tình trạng bất chấp pháp luật của chế độ cộng sản. Sớm nhất, là trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm với các ông Phan Khôi, Nguyễn Hữu Ðang, và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Tường. Ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi Trường Chinh ra trước Mặt Trận Tổ Quốc thú nhận các lỗi lầm về chiến dịch Cải cách Ruộng đất, Luật gia Nguyễn Mạnh Tường đã dõng dạc nêu lên các nguyên tắc của luật pháp để cho ông tổng bí thư đảng cộng sản nghe một bài học. Trong bài thuyết trình lâu 6 giờ đồng hồ, ông nói: “Khi thi hành chính sách này (Cải cách Ruộng đất) người ta đã vi phạm luật pháp.” Vì đảng cộng sản chủ trương “thà giết chết oan 10 người còn hơn bỏ sót một địa chủ,” trong khi nguyên tắc của pháp lý là “thà bỏ sót 10 người có tội còn hơn là kết tội oan một người”. Nguyễn Mạnh Tường đã dũng cảm phê phán các lãnh tụ đảng lúc đó: “Những người lãnh đạo có trách nhiệm vụ Cải cách Ruộng đất không thể chỉ đứng ra xin lỗi, nhận đảng đã sai lầm. Xin lỗi không phải là một hành động của luật pháp. Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được.” Với tư cách một luật gia (ông đã có hai bằng tiến sĩ, luật và văn chương ở Pháp từ năm 1932, lúc 22 tuổi) Nguyễn Mạnh Tường đề nghị phương pháp giải quyết: Quốc Hội phải lập một ủy ban điều tra vụ Cải cách Ruộng đất, rồi đưa ra tòa án; “(T)òa sẽ phân xử, kết án, tùy theo trách nhiệm nặng, nhẹ của mỗi người, từ lãnh đạo cao nhất trở xuống.”

Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê, trong cuốn sách mới xuất bản về vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã tinh tế nhận xét rằng các lời lẽ “Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được” và “từ lãnh đạo cao nhất trở xuống” đã tấn công thẳng vào Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ lãnh đạo đảng cộng sản. Vì sau vụ Cải cách Ruộng đất, Hồ Chí Minh chỉ đứng ra xin lỗi. Hồ cất chức Trường Chinh để chính ông ta kiêm nhiệm chức tổng bí thư, còn Võ Nguyên Giáp thì đọc bản kiểm thảo các sai lầm. Không một lãnh tụ cộng sản nào chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ Cải cách Ruộng đất cả! Họ đã tạo ra thói quen “ngồi lên trên pháp luật” làm gương cho các cán bộ, như đại úy công an Trần Bá Tuấn ở Nha Trang bây giờ!

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm quy tụ những người trí thức can đảm nhất ở miền Bắc Việt Nam trong thời đại của họ. Sau bài thuyết trình của Nguyễn Mạnh Tường, trong hai số báo Nhân Văn vào tháng 11 năm 1956, Nguyễn Hữu Ðang đã hai lần nêu cao chủ trương phải thiết lập một chế độ pháp trị. Ông nêu ra những điều trong hiến pháp năm 1946 bảo đảm các công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do cư trú, tự do đi lại, vân vân. Ðiều 11 nói: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ giam cầm người công dân Việt Nam” nhưng ngay trong thời đó các nhà trí thức như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Ðặng Ðình Hưng cũng bị đi “cải tạo” không thời hạn; các văn nghệ sĩ như Trần Dần, Tử Phác vô cớ bị bắt giam. Thật không khác gì bà Trần Thị Lan ở Nha Trang ngày nay. Họ còn cơ cực hơn bà Lan, vì sau đó họ bị tù đày, bị cô lập, cắt hết cả việc làm, nghề nghiệp, không thể nào kiếm cơm gạo nuôi vợ con hàng mấy chục năm trời, nhiều người khốn khổ cho đến lúc chết.

Trên báo Giai Phẩm Mùa Thu, Nguyễn Hữu Ðang đã mở cuộc phỏng vấn để các nhà trí thức khác có dịp lên tiếng: Trần Ðức Thảo đòi phải có tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do phê bình; Ðặng Văn Ngữ viết: “Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do dân chủ?” Ðào Duy Anh kêu gọi giới trí thức phải “đấu tranh” cho tự do, quyết chống lại bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân; Phan Khôi viết “bàn về lãnh đạo văn nghệ” để phê bình toàn thể việc lãnh đạo xã hội.

Cũng can đảm như Nguyễn Mạnh Tường, trong bài trên Phan Khôi dám phơi bày sự thật là triều đình cộng sản cực kỳ phong kiến. Ông nêu thí dụ đám cầm đầu văn nghệ lúc đó đả kích thơ Trần Dần viết hoa chữ “Người” là phạm tội, vì chữ “Người” viết hoa chỉ được dùng để nói đến Hồ Chí Minh thôi. Phan Khôi mỉa mai so sánh cảnh tượng đó không khác gì cảnh một ông quan trong triều đình phong kiến đứng ra tố cáo một ông quan khác đã viết chữ theo kiểu “đài;” lối này chỉ được dùng khi viết đến ông vua mà lại dùng để khi viết về một thường dân!

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chứng tỏ giới trí thức Việt Nam không bao giờ lãng quên trách nhiệm với lịch sử. Ngay từ đầu thời Pháp thuộc các Nho sĩ như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Cao đã bảo vệ tiết tháo sáng ngời. Thế hệ sau có những Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh noi gương họ. Ðọc cuốn sách của Thụy Khuê viết về Nhân Văn Giai Phẩm chúng ta còn được nhắc nhở để không quên thế hệ tiếp nối với những Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Hoàng Ðạo, Phan Khôi. Tác phẩm vẽ ra hình ảnh sôi nổi của những Trần Dần, Lê Ðạt, Phùng Cung, các kẻ sĩ giữa thế kỷ 20.

Người trí thức Việt Nam không bao giờ quên nhiệm vụ của mình là tranh đấu cho tự do và cho sự thật. Trong báo Nhân Văn, Trần Ðức Thảo viết “Người trí thức hoạt động văn hóa cần tự do như khí trời để thở.” Người trí thức phải đỏi hỏi các quyền tự do được phát triển (mở rộng) vì đó là “nhiệm vụ số một của mình cũng như của toàn dân”.

Các thế hệ thanh niên Việt Nam, nhất là các nhà văn, nhà báo bây giờ và trong hàng trăm năm nữa vẫn có thể cảm thông với bầu máu nóng của Trần Dần khi ông viết: “Biểu hiệu cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ tôn trọng, trung thành với sự thực... Tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, vừa là lập trường, vừa là phương pháp làm việc của người viết... Nếu như sự thực ngược lại chính sách, chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thật vào (cho đúng) chính sách!” Trần Dần đã viết những hàng trên trong bản dự thảo để trình bày trước một hội nghị giới văn nghệ trong quân đội năm 1955. Tất nhiên bản dự thảo đó không bao giờ được công bố, nhưng nó cho thấy Trần Dần đúng là một chiến sĩ. Lê Ðạt đã dùng những câu thơ để lên án chế độ độc tài chuyên chế: “Ðem bục công an máy móc đặt giữa tim người - Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước!” Ngày nay không thấy người cầm bút nào trong quân đội bầy tỏ được sĩ khí rực rỡ như vậy.

Ngày nay không phải chỉ trong giới viết văn làm báo mà ngay cả giới thanh niên ở Việt Nam đa số vẫn cúi đầu khúm núm đi “theo lề đường” do đảng cộng sản chỉ định. Người ta đăng những bản tin công an đánh người, công an giết người vô tội vạ, mà không gây nên một nỗi phẫn uất nào trong công chúng đô thị! Một vụ Ðoàn Văn Vươn đã đưa tới những vụ Văn Giang, Vụ Bản, dấy lên ở khắp các vùng nông thôn đau khổ. Nhưng thanh niên thành phố còn mê man đi ôm hôn ghế ngồi của các ca sĩ thần tượng ngoại quốc! Người thành thị chạy theo lôi sống xa hoa và sa đọa của bọn nhiều quyền và nhiều tiền, đã quên mất đồng bào nông dân cũng là bà con ruột thịt của mình đang khốn khổ! Cuộc sống đô thị đưa tới cảnh đồi trụy tinh thần! Nếu ở một quốc gia dân chủ tự do thì sau khi Ðại úy Trần Bá Tuấn và đám công an hành hung một chị làm công Trần Thị Lan tàn nhẫn như thế chỉ vì chị bị chủ nhân giàu có nghi ngờ, thì thanh niên, sinh viên, học sinh ở Nha Trang đã xuống đường phản đối nhiều lần rồi! Trí thức đâu cả rồi? Sĩ khí đâu mất rồi?

Thanh niên Việt Nam ngày nay cần đọc lại những vần thơ như Lê Ðạt viết. Ông diễn tả khát vọng của tuổi trẻ thời 1955, lời thơ nay đọc lại vẫn còn làm náo nức lòng người: “Phải quét sạch mây đen / cho khung trời rộng mở - Chặt hết gông xiềng / cho những cánh bay lên - Ngày và đêm / mộng bay đầy cuộc sống - Khát vọng theo khát vọng - Không gì ngăn cản được con người!” Khi đọc lại câu chuyện cuộc tranh đấu “trứng chọi đá” của giới trí thức Việt Nam trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam. Nhìn lại những tấm gương của họ, chúng ta thấy còn hy vọng. Bầu máu nóng của các nhà tranh đấu dân chủ ngày nay đang sôi lên để tiếp nối chí khí bất khuất của Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Ðang. Họ cho phép chúng ta hy vọng hào khí dân tộc sẽ còn sáng mãi.




http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=149350&zoneid=7



Cần gây phong trào chống ma túy
Friday, June 22, 2012 6:58:16 PM 

Ngô Nhân Dụng

Một người ở Hà Nội vào thăm Sài Gòn viết thư kể anh vừa trải qua một cơn hoảng hốt: “Có việc phải chạy vòng Hồ Con Rùa ra Trần Cao Vân quẹo trái Hai Bà Trưng đi về ngả Tân Ðịnh. Vừa đi một tí là thấy phất phới lá cờ Ngũ Tinh trong sân một tòa nhà to lớn. Hóa ra, đó là tòa Lãnh Sự Quán Trung Quốc mới dọn về, chiếm ngụ ngôi nhà sứ quán Ðài Loan cũ!”

Ông bạn này chỉ phản ảnh một “cơn sốt” lo lắng về Trung Cộng trong dư luận người Việt Nam hiện nay. Một nhà báo khác nói cụ thể hơn: “Cho đến lúc này Trung Cộng đã dấn sâu vào Việt Nam. Trung Cộng đã cột chặt Việt Nam vào quyền lực Trung Cộng qua viện trợ, đầu tư và cả người của Bắc Kinh từ trung ương cho đến tỉnh và thành phố. Trong số 18,000 xí nghiệp vừa của Việt Nam, người Trung Quốc (Hán Ðỏ) chiếm từ 80%-90% vốn hoặc trực tiếp hoặc dưới tên vợ bé nàng hầu người Việt. Họ còn nắm lấy các “gói thầu” trong các công trình xây dựng lớn. Người của tổng cục tình báo Hoa Nam lúc nhúc trong hệ thống quyền lực ...”

Tôi không biết nhà báo này lấy các con số và tin tức trên từ đâu ra, hay anh chỉ nhắc lại những lời đồn đãi đang phổ biến trong dân Việt! Những tin tức khó kiểm chứng này đang lan truyền khắp nơi, vì ai cũng lo ngại áp lực của Bắc Kinh trên nước ta. Ngay trên các tờ báo do đảng Cộng Sản cầm đầu cũng thổi cơn sốt tăng nhiệt độ khi loan tin người “Hán Ðỏ” khai thác bè nuôi cá ngay cạnh căn cứ quân sự Cam Ranh! Ðiều đáng mừng là trong cơn sốt lo lắng này người mình vẫn tỉnh táo; nhờ tỉnh táo nên vẫn phân biệt những người “Hán Ðỏ” từ Trung Quốc mới qua, tách biệt ra khỏi tập thể người Việt gốc Hoa, những người đã sống nhiều đời ở nước ta, đã trở thành công dân Việt Nam! Ðọc lịch sử chúng ta không quên có những người Việt gốc Hoa đã chống chính quyền Trung Quốc thời phong kiến, như Lý Bôn, như Trần Cảnh!

Nói chung, những điều khiến người Việt đang nhìn vào các lãnh vực viện trợ, đầu tư, đấu thầu, để thấy mối lo về sự xâm nhập của người Trung Quốc vào Việt Nam; bên cạnh những hành động gây hấn trên biển, đảo.

Nhưng có một mối lo lớn ít được nhắc tới, là nạn ma túy đã lan tràn ở nước ta từ hàng chục năm qua; đó là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai dân tộc, còn nguy hiểm hơn tất cả những cuộc xâm lăng quân sự, thương mại hay khai thác đất, rừng, biển!

Lâu nay báo chí do đảng Cộng Sản Việt Nam kiểm soát không loan tin về nạn ma túy, có lẽ một phần vì đối với độc giả thì đó là một loại “chuyện bình thường ở huyện”. Nhiều đồng bào sống ngoài Bắc nhận xét là gần một nửa thanh niên các thành phố đã lâm cảnh ghiền ma túy! Ở Móng Cái, Hải Phòng, tỷ lệ còn cao hơn! Không mấy ai không biết một gia đình có con mắc bệnh ghiền!

Năm ngoái, nhờ báo ngoại quốc chúng ta mới biết mấy con số: Năm 2000 ở Việt Nam có 56 trung tâm cai bệnh nghiện ma túy, đến năm 2010 đã tăng lên thành 123 trung tâm! Trong vòng 10 năm mà số trung tâm chữa bệnh ghiền tăng lên gần gấp đôi! Những tin tức về thanh niên ghiền ma túy ở Việt Nam được báo chí quốc tế chú ý sau khi có tin hơn 600 thanh niên phá “nhà tù” cai nghiện vào Tháng Năm năm 2010 ở ngoài thành phố Hải Phòng. Báo chí ngoại quốc cũng báo động người tiêu thụ nước họ về nạn cưỡng bách lao động, sử dụng các thanh niên đang cai nghiện trong các xưởng chế hóa hạt điều để xuất cảng. Họ kêu gọi tẩy chay hạt điều của Việt Nam vì sử dụng lao động cưỡng bách! Nhờ các nguồn tin họ thâu thập chúng ta được biết thêm là các trung tâm cai bệnh nghiện ma túy chẳng có hiệu quả bao nhiêu: Trong số những thanh niên được tự do sau tối hiểu hai năm “trị bệnh,” sau khi được thả ra có 80% đến 90% lại bị ghiền trở lại! Chưa kể là chính guồng máy phụ trách cai nghiện cũng đầy những đồng lõa với bọn buôn ma túy, cung cấp thuốc cho các “tù nhân”.

Chúng ta không biết chính quyền Trung Quốc có khuyến khích việc sử dụng ma túy ở nước khác hay không; nhưng chắc chắn các đường dây buôn ma túy vào nước ta đi qua lãnh thổ nước láng giềng phương Bắc! Bao nhiêu phạm nhân ra tòa về tội buôn ma túy đều khai đã chuyển thuốc về qua đường biên giới. Thuốc phiện từ vùng Tam Giác Vàng có thể đi qua Trung Quốc hoặc Lào trên đường tới Việt Nam! Không biết guồng máy công an Việt Nam đang làm gì mà để cho ma túy hoành hành như vậy?

Dù chính quyền Trung Quốc hoàn toàn không dính lứu gì đến các tổ chức buôn ma túy này nhưng các “thương nhân” Trung Quốc cũng đủ sức tổ chức các mạng lưới buôn lậu đi từ miền Bắc Miến Ðiện, Thái Lan đến nước Việt Nam! Trên đường, họ dư sức mua chuộc các người phụ trách những nút chặn ở biên giới Việt-Trung hay Lào-Việt. Những người Trung Quốc sang Việt Nam làm bè nuôi cá ở quân cảng Cam Ranh có thể hoàn toàn chỉ vì chính họ thấy dễ làm ăn và có lợi lớn thì họ tự ý đầu tư; họ không cần theo chính sách nào của chính phủ Bắc Kinh cả. Những người buôn lậu ma túy cũng vậy, nếu mua chuộc được để bán ma túy ở đâu được là họ tới liền, không cần chính quyền nào mách bảo! So sánh với mạng lưới buôn ma túy này thì những nhà thầu khai tác rừng, biển là những “người khách” rất hiền lành tử tế!

Nhưng các chính quyền độc tài mang óc bành trướng không bao giờ ngần ngại khuyến khích việc dùng ma túy ở nước khác để thi hành thủ đoạn xâm lấn của họ. Làm sao cho thanh niên một nước sa ngã vào vòng ma túy là phương pháp xâm lược chắc chắn nhất!

Trong lịch sử, bọn quân phiệt Nhật Bản đã thi hành thủ đoạn đó ở Mãn Châu trong thập niên 1930. Nước Nhật Bản biết cái hại của ma túy, sau khi chứng kiến người Trung Hoa bị nạn này tiêu hủy hết sinh lực. Năm 1858, trước thời Minh Trị chấp chánh, Nhật đã ký hiệp ước với đế quốc Anh yêu cầu người Anh không được đem á phiện vào nước Nhật. Năm 1926, khi Thiên Hoàng Hirohito lên ngôi, ở Mỹ cứ 3,000 dân là có một người nghiện, còn ở Nhật chỉ có một người nghiện trong số 17,000 dân. Người Nhật cũng rất giỏi trong việc bài trừ ma túy. Năm 1895 Nhật chiếm Ðài Loan, lúc đó 14% dân cư đảo này hút thuốc phiện. Chính quyền đô hộ Nhật đã nỗ lực bài trừ ma túy, đến năm 1935 số người nghiện chỉ còn là 1% dân số Ðài Loan.

Nhưng từ đầu thập niên 1920 Nhật Bản đã có chủ trương chiếm Mãn Châu, thành lập một Mãn Châu Quốc đặt ông vua bù nhìn Phổ Nghi lên. Ðạo quân Quan Ðông của Nhật đang chiếm đóng một khu miền Ðông Bắc Trung Quốc đã lẳng lặng cho phép bọn con buôn ma túy Nhật đưa thuốc phiện vào Mãn Châu. Năm 1931, khi quân Nhật chiếm thủ phủ Mukden (bên thành phố Trường Xuân bây giờ), họ khuyến khích người Mãn hút thuốc phiện bằng đủ cách. Các nhà hút thuốc được mở ra. Thanh thiếu niên được mua thuốc với giá rẻ, cũng như những người mới thử hút lần đầu được mua thuốc với giá “khuyến mãi”. Chính quyền quân phiệt Nhật lập ra những quán nhỏ chích thuốc bên lề đường trong trung tâm thành phố. Một phóng viên Mỹ đã thử, tới trả tiền, xắn tay áo thò cánh tay vào và được chích thuốc, mà không cần nhìn thấy mặt người chích cho mình! Vào năm 1931, theo thống kê của Hội Quốc Liên thì cứ 120 người Mãn có một người hút thuốc phiện; đến năm 1938 số người nghiện vụt lên tăng gấp ba lần, cứ 40 dân Mãn có một người nghiện! Ngoài việc “truyền bá” thuốc phiện chính quyền quân phiệt Nhật còn khai thác cả những “dịch vụ” khác như mãi dâm, cờ bạc. Tất cả đều nhằm hủy hoại ý chí dân bản xứ, trong lúc mưu đồ chiếm Mãn Châu để khai thác các tài nguyên phục vụ cho công nghiệp nước Nhật!

Hiện nay đã có nhiều người Trung Quốc đang di cư sang các thành phố gần biên giới ở Miến Ðiện, Lào, và Việt Nam, khai thác các trung tâm cờ bạc và mãi dâm. Họ chỉ cần mua chuộc được những viên chức địa phương, và được chính quyền trung ương các nước đó ngoảnh mặt làm ngơ, là tha hồ phát triển việc kinh doanh kiếm lợi!

Chúng ta không tin rằng một chính quyền Trung Quốc nào bây giờ lại sử dụng một chính sách xâm lấn ghê tởm như bọn quân phiệt Nhật vào thế kỷ trước. Nhưng nạn ghiền ma túy trong giới thanh thiếu niên ở nước ta có thật và rất trầm trọng. Không cần một nước ngoài nào chủ trương hay thúc đẩy, chính mạng lưới buôn ma túy ở trong nước Việt Nam cũng đủ làm suy yếu sinh lực của dân tộc Việt. Và bọn con buôn ma túy quốc tế, bọn kinh doanh cờ bạc và mãi dâm quốc tế phải nhìn thấy đây là một mối lợi khổng lồ, bỏ qua rất uổng!

Cho nên người Việt Nam phải tự động phát khởi một phong trào chống ma túy để cứu lấy thế hệ thanh niên bây giờ. Các tổ chức thanh niên ở Việt Nam phải phát động ngay một phong trào chống ma túy, giáo dục thanh thiếu niên bài trừ ma túy, từ trong trường học tới các khu phố. Khi thanh thiếu niên được tự do gia nhập những tổ chức giáo dục, thể thao, văn nghệ, thì chính họ sẽ tạo ra những môi trường lành mạnh để giúp các bạn trẻ khác khỏi sa ngã vào đường nghiện ngập.

Hiện nay đã có những đoàn thể thanh niên được phép hoạt động, dưới bóng các tôn giáo, như Gia Ðình Phật Tử, Hùng Tâm Dũng Chí, vân vân. Hướng Ðạo Công Giáo cũng đang hoạt động trong khuôn khổ các nhà thờ. Nhiều người đã ký kiến nghị yêu cầu tái lập Hội Hướng Ðạo Việt Nam, một tổ chức giáo dục thanh niên quốc tế rất ích lợi, đã bị xóa bỏ ở miền Bắc từ năm 1954 và sau năm 1975 ở miền Nam. Những đoàn thể thanh niên tự nguyện và tự do phải được phép hoạt động thì mới giúp giới trẻ tránh xa cảnh nghiện ngập, và sẽ xây được nền tảng cho một xã hội công dân năng động sau này.

Thanh niên Việt Nam phải ý thức mối họa ma túy đang hủy hoại sức sống của cả dân tộc. Lo lắng về sự xâm nhập của những lái buôn Trung Quốc sang khai thác nước ta, mua chuộc các quan chức cai trị dân ta; đó là một mối lo có lý do chính đáng. Nhưng đừng quên mối họa ma túy đang lan tràn, còn nguy hiểm gấp nhiều lần ảnh hưởng của người ngoại quốc. Trước nạn ma túy, người Việt Nam phải tự cứu lấy tuổi trẻ nước mình, không thể trông chờ vào ai khác.


« Trở về trang trước



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link