Dầu Khí và Dân Khí
(08/08/2012)
Tác giả : Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vấn đề Trung Quốc của Thế Giới và Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam
Chiều mùng bốn Tháng Tám, tại Trung Tâm Công Giáo ở Quận Cam, miền Nam California, đã có một cuộc hội thảo về đề tài "Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông". Bốn diễn giả lần lượt là:
1)Cựu Sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hoà Vũ Hữu San, nguyên Hạm trưởng Khu trục hạm HQ4 Trần Khánh Dư trong các chiến hạm đã đối đầu với Hải quân Trung Quốc năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa. Sau 1975, tai Hoa Kỳ ông trở thành một chuyên gia có uy tín về hải dương và chủ quyền của Việt Nam ngoài Đông hải. Tác giả của các cuốn biên khảo: Lược-Sử Tổ-Chức Hải-Quân VNCH; Địa-Lý Biển Đông với Hoàng-Sa & Trường-Sa; Vịnh Bắc-Việt & Chủ-Quyền Hải-phận; Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa; Sơ-lược Hải-Sử & Thủy-Quân Nước ta; Chiến-hạm & Chiến-Đĩnh VNCH.
2)Ông Huỳnh Văn Lang, nguyên Tổng giám đốc Viện Hối đoái tại Miền Nam, nhà báo và sau này là doanh gia, và một vị học giả cao niên trong nhiều lãnh vực.
3)Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
4)Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, chuyên gia hóa học và bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch đảng Đại Việt.
Sau đây là phần phát biểu ngắn của ông Nguyễn-Xuân Nghĩa trước khi đi vào phần thảo luận.
Khi còn đi học, nếu có cái may được đi học, đa số chúng ta thường ít chú ý đến hai môn địa dư và lịch sử. Đấy là một thiệt hại cho nhận thức của chúng ta.
Những người có lý tưởng hay tham vọng đều mong hoặc nghĩ rằng mình sẽ thay đổi bộ mặt của xã hội, quốc gia hay thế giới cho người hay vì mình. Thật ra, chúng ta đều bị địa dư ràng buộc mà không ý thức được và nếu có hiểu rõ sự ràng buộc đó trong quá khứ qua môn học về lịch sử thì may ra mình nhìn ra những cách xoay trở để thoát khỏi điều kiện của không gian là địa dư và thời gian là lịch sử. Hai diễn giả Vũ Hữu San và Huỳnh Văn Lang vừa nhắc lại các điều kiện về địa dư và lịch sử đó làm khuôn khổ suy tư cho chúng ta.
Khởi đi từ đó, chúng tôi xoay ngược tầm ngắm vào Trung Quốc để tìm hiểu về mục tiêu và những giới hạn của họ.
Sự Thật Về Trung Quốc
Có lãnh thổ bát ngát tới 10 triệu cây số vuông, thật ra Trung Quốc là một ốc đảo nghèo, thiếu đất và thiếu nước trong khu vực Trung Nguyên trù phú nhất của họ ở miền Đông, trên vùng châu thổ của hai con sông lớn là Hoàng hà và Dương tử.
Thiếu đất vì khu vực Trung Nguyên, cái nôi của văn hoá chính trị xứ này, chỉ có diện tích canh tác tính theo đầu người bằng một phần ba của trung bình thế giới. Thiếu nước vì diện tích nước, tức là vùng chuôm ao sông hồ, chỉ là 0,28% và họ có trữ lượng nước cho dân số thuộc loại thấp nhất Á châu vốn dĩ là lục địa thiếu nước nhất địa cầu - mà càng kỹ nghệ hoá lại càng cần nước.
Ngày nay, 30 năm sau cải cách kinh tế và có sản lượng đứng thứ nhì thế giới, Trung Quốc vẫn là một nước đói ăn và khát dầu.
Đói ăn vì dù sản xuất nhiều nông sản nhất thế giới, xứ này vẫn phải nhập cảng lương thực, vốn dĩ là sản phẩm còn chiến lược hơn dấu thô. Và khát dầu vì công cuộc kỹ nghệ hóa đòi hỏi những nguyên nhiên hoạt liệu mà họ không có trong lãnh thổ và lại lạc hậu nên sử dụng kém hiệu năng.
Đặc tính thứ hai, thuộc về địa dư và lịch sử của xứ này. Trung Quốc là nơi mà sự sợ hãi đã ăn sâu vào tiềm thức của lãnh đạo mọi thời và đã được dựng thành một kỳ quan của thế giới, có thể nhìn thấy từ mặt trăng. Đó là Vạn lý Trường thành, xuất hiện từ thời Chiến Quốc, được mở mang tu bổ trong các đời Tần, đời Minh.
Nỗi sợ hãi ấy xuất phát từ sự kiện Hán tộc kiêu căng đã bị các dị tộc mà họ khinh miệt nhiều lần tấn công từ hướng Tây và hướng Bắc và vào làm chủ Trung Nguyên trong nhiều thế kỷ, từ Hung Nô, Tây Hạ đến Kim, Liêu, Mông Cổ hay Mãn Thanh.
Trong nội bộ, địa dư hình thề là cảnh "tam phân" đến nay vẫn là một nan đề kinh tế.
Thứ nhất, khu vực duyên hải tương đối thịnh vượng tại miền Đông thì đất chật người đông. Thứ hai, khu vực bị khóa trong lục địa là miền Tây thì khô cằn nghèo đói với dân số cũng rất cao đã nhiều lần tiến vào Trung Nguyên làm "cách mạng", từ Tần Thủy Hoàng Đế đến Mao Trạch Đông. Thứ ba là vùng biên giới từ hướng Tây lên phía Bắc là khu vực hiểm trở của núi đèo quan ải, và sa mạc thảo nguyên, nơi xuất phát nhiều đợt tấn công của dị tộc.
Địa thế đó là một bài toán về chính trị và an ninh cho trung ương, triều đình hay Bộ Chính trị.
Chính trị là phải kiểm soát được thế mạnh của Hán tộc tại Trung Nguyên - hoặc của trung ương trên các địa phương nói theo ngôn từ hiện đại. Và an ninh là phải xây dựng "biên trấn" thành "phiên trấn", vùng trái độn quân sự trên lãnh thổ của dị tộc để bảo vệ Trung Nguyên. Vì vậy Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Mãn Châu mới thành các vùng chiếm đóng và củng cố như trái độn quân sự. Bên trong là các đặc khu tự trị hành chánh dành cho dị tộc nằm tại các tỉnh bị khóa trong lục địa.
Với di sản đó của địa dư hình thể và lịch sử Trung Quốc, chúng ta bước qua lãnh vực kinh tế.
Trong bốn ngàn năm có sử viết, bài toán kinh tế của xứ này luôn luôn bị bài toán an ninh chi phối. Trung Quốc có thể tồn tại với chế độ tự cung tự cấp và giải quyết nhu cầu trao đổi bằng đường bộ qua lãnh thổ Trung Á, mà ta gọi là "Con Đường Tơ Lụa". Chế độ tự cung tự cấp hoặc bế quan toả cảng đã được Mao Trạch Đông thử nghiệm lần cuối cùng và dẫn tới khủng hoảng.
Khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ năm 1979 - với lực đẩy tâm lý là những tổn thất quá lớn vì quân đội quá lạc hậu trong cuộc chiến tại Việt Nam năm đó – Trung Quốc đã mở ra ngoài. Nhờ đó mà kinh tế phát đạt hơn, nhưng cũng vì đó mà, lần đầu tiên trong lịch sử, xứ này lệ thuộc vào bên ngoài.
Họ cần thị trường quốc tế cho một hệ thống sản xuất quá tải và lệch lạc so với khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa. Họ càng cần tới bên ngoài vì phải nhập cảng nguyên nhiên vật liệu và kỹ thuật cho công cuộc kỹ nghệ hóa ở bên trong.
Nhưng thế giới bên ngoài đã thay đổi....
Chuyện cưỡi ngựa rong xe qua Trung Á không còn là giải pháp. Thế giới ngày nay đã mở ra và thu hẹp lại nên 90% lượng hàng buôn bán từ lục địa này qua lục địa khác đều dùng phương tiện hàng hải, rẻ nhất và có giá trị kinh tế nhất. Hàng hải là phải chở hàng qua biển....
Ra khỏi vùng châu thổ của các con sông lớn, người ta phải qua vùng biển nâu là nơi sông đổ ra biển, rồi biển xanh lục là vùng cận duyên trên thềm lục địa, sau đó mới là vùng biển xanh dương của các đại dương.
Trung Quốc có thể kiểm soát được vùng biển nâu và hết bị hải tặc hay "nụy khấu" giặc lùn uy hiếp như trong quá khứ. Và nay đang tiến ra biển xanh lục với tham vọng sẽ xây dựng được các hạm đội có khả năng tung hoành ngoại đại dương. Họ tập tành chuyện đó từ 20 năm nay và đang có giấc mơ lớn.
Nhưng, ra khỏi vùng biển nâu, Trung Quốc đã thấy sự hiện diện khó chịu và đáng nghi ngờ của đệ nhất siêu cường hải dương, đã có kinh nghiệm dày hơn cỡ trăm năm và phương tiện dồi dào tinh vi gấp bội, là Hoa Kỳ.
Với lối suy nghĩ truyền thống xuất phát từ sự hãi sợ trong xương tủy, lãnh đạo Bắ Kinh không tin vào nguyên tắc tự do lưu thông trên các hải lộ mà thế giới đề cao bằng luật lệ quốc tế - và Hoa Kỳ thực tế bảo vệ trên mọi đại dương của địa cầu.
Họ không tin thế giới và muốn kiểm soát quyền tự do đó vì sợ là có ngày sẽ bị Hoa Kỳ hay các nước bán đảo hoặc quần đảo ở chung quanh thắt họng qua các eo biển từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á.
Không những vậy, vì nạn đói ăn khát dầu, Trung Quốc còn muốn chiếm vùng biển Đông Nam Á - nơi mà các nước vây quanh không là thế lực đáng kể như Đài Loan, Nam Hàn hay Nhật Bản - để khai thác tài nguyên, từ thủy sản đến năng lượng. Họ tin rằng dưới đáy biển, ngoài thềm lục địa của Việt Nam hay Phi Luật Tân, họ sẽ khai thác được từ một phần ba đến 40% yêu cầu về năng lượng mà khỏi phải tìm đến Trung Đông hay Châu Phi.
Chuyện đói ăn, khát dầu, cướp đất, cướp nước ngọt, v.v... là phản ứng bình thường mà bất thường của một xứ lạc hậu!
Tuy nhiên, là những người trông rộng vì tính xa do kinh nghiệm quá khứ, lãnh đạo Trung Quốc còn muốn biến mặt biển vây quanh thành vùng trái độn quân sự, "hạch tâm nghĩa lợi", tương tự như Tân Cương, Tây Tạng, Mãn Châu hay Đài Loan.
Kết Luận
Vì địa dư hình thể, nơi duy nhất bộ binh Trung Quốc có thể tiến ra ngoài lãnh thổ để dựng vùng trái độn là miền Bắc nước Việt mà họ đã thử nghiệm lần cuối vào năm 1979. Mười năm sau, họ giải quyết bài toán đó với việc bình thường hóa bang giao với Hà Nội, và hai chục năm sau thì hoàn thành mỹ mãn nhờ sự góp sức của đảng Cộng sản Việt Nam với những hiệp định mờ ám và bất công.
Ba chục năm sau, là ngày nay, nếu ta tính từ năm 2009, họ tiến sang giải pháp biến Đông hải của Việt Nam thành vùng trái độn quân sự. Mục tiêu của những động thái vừa qua chính là như vậy.
Thế giới có để chuyện ấy xảy ra hay không là bài toán của các nước. Việt Nam có để chuyện ấy xảy ra hay không, đó là bài toán của người Việt. Nó nằm tại Hà Nội.
Chúng ta nên suy nghĩ về bài toán đó, nhưng không quên những khó khăn chồng chất của lãnh đạo Bắc Kinh ở bên trong. Những yếu tố ngoại xâm và nội loạn này của Trung Quốc phải là một phần trong cách suy ngẫm và ứng phó của chúng ta.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment